Thứ Tư, 5 tháng 8, 2009

NGÀY SAU SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU !

 

                                     DSCN2265

 

       Núi đá vôi  ở bên sông Gianh (Tuyên Hóa) nơi phát tích huyền thoại lèn Tiên Giới

 

 

Ở Quảng Bình, trừ thành phố Đồng Hới ra, năm huyện còn lại thì huyện nào cũng cũng có lèn. Chưa thấy ai thống kê  mỗi huyện có bao nhiêu khối đá lèn, nhưng mọi người dễ nhất trí với nhau huyện Minh Hoá đứng đầu bảng, thứ đến là Tuyên Hoá, rồi Bố Trạch...Sống cạnh lèn, nhìn thấy lèn mãi hoài đâm quen, tưởng như không có nó cũng chẳng sao.  Như thể hằng phút hằng giây ta hít thở khí trời mà không hề nghỉ đến nó. Ấy thế mà những khối đá vôi vĩ đại với hàng trăm triệu năm tuổi kia có lúc tôn vinh một đất nước, một dân tộc. Người ta không chỉ biết nước Pháp bởi tháp Ép phen mà còn bởi hang động Pa đi rắc. Người ta cũng không chỉ biết Tây Ban Nha bởi tục đấu bò tót , mà còn biết đất nước này có hang động Cu ê vu đen đra tuyệt đẹp.  Quảng Bình là tỉnh nghèo nhưng được thế giới biết đến, ngoài thành tích đánh Mỹ ra còn bởi di sản thế giới Phong Nha Kẻ Bàng. Đây là vùng karst rộng đến 200.000 ha, chứa trong lòng nó một hệ thống 300 hang động lớn nhỏ, được mệnh danh là "vương quốc hang động". Riêng khu động Phong Nha còn là nơi tồn tại cả một hệ di tích khảo cổ học tiền sử, di tích văn hoá Chăm, di tích các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có giá trị nghiên cứu cho nhiều thế hệ mai sau. Lèn Tiên Giới và lèn Bảng (còn có tên là Bảng sơn) của huyện Tuyên Hoá chưa từng nổi tiếng thế giới, nhưng lại là biểu thượng tâm linh của dân chúng cả một vùng trung lưu sông Gianh. Học giả Thương Tùng, người con Quảng Bình, năm 1971 sống ở Sài Gòn khắc khoải nhớ về Tuyên Hoá của 45 năm trước đã viết "Chúng ta có lèn Tiên Giới, có Bảng Sơn, mà chưa có những cây bút thần tình như một Tư Mã Tương Như (1) đã ca ngợi Vu Sơn (2) như một Kim Thánh Thán (3) đã cảm xúc trước núi Lư Sơn bên Tàu". Ông khẩn khoản: "Xin ai là kẻ tài ba hãy làm cho Tiên Giới, những Bảng Sơn cũng nức tiếng gần xa, để cho dân tộc mình khỏi bị mặc cảm là không có gì kì tuyệt hết" (4). Cụ Thương Tùng nói có lý, núi Vu Sơn với đỉnh Vu Giáp phía tây lục địa Trung Hoa đi vào văn chương thơ phú của người Hán cả ngàn năm nay chẳng qua vì sự tích Sở Tương Vương (5) đến ngủ lại dưới chân núi, rồi mơ thấy một người đàn bà đến cùng chung chăn gối. Hỏi, thì nàng tự xưng là thần nữ ở núi Vu Sơn...  Còn huyền thoại lèn Tiên Giới của Tuyên Hoá là một thiên diễm tình đầy hương hoa và nước mắt, thấm đẫm thế thái nhân tình. Chuyện kể một chàng trai nghèo ở làng Phúc Lâm có chữ nghĩa, do hoàn cảnh trớ trêu, lấy được một nàng tiên làm vợ. Con trai đầu lòng của họ vừa ra đời thì chàng phải vào quân ngũ chống giặc ngoại xâm nơi biên ải. Ba năm sau, hết giặc chàng về quê, không thấy vợ đâu, chỉ đọc được mấy dòng thư viết trên lụa của nàng để lại, đại ý: Thiếp rất đau lòng phải vĩnh biệt chàng và con. Hạn làm người hạ giới 3 năm của thiếp đã hết, phải trở lại thiên đình. Nếu thiếp trái lệnh, Ngọc Hoàng nổi giận sẽ huỷ diệt hết cõi nhân gian...Chàng trai buồn bã sống cảnh gà trống nuôi con. Một tiên ông thấy thế rủ lòng thương, hoá phép giúp cha con chàng lên thiên đình gặp vợ.  Nhưng sự đoàn tụ và cuộc sống thần tiên làm chàng không vui được lâu. Chàng bảo vợ: Ta không phiền lòng gì về sự thuỷ chung son sắt của nàng,  nhưng nơi đây không có chết chóc nên không ai biết lo lắng và quý trọng sức khoẻ, không có bão lụt hạn hán nên không ai biết được niềm vui được mùa.  Cuộc sống không còn lo toan, không còn nổi đau thì niềm vui mất hết ý nghĩa. Vậy nàng còn yêu thương ta thì hãy xin Ngọc Hoàng  cho cùng ta về lại hạ giới.  Cuộc trở về của vợ chồng chàng cùng cậu con trai được Ngọc Hoàng giao cho một lực sĩ nhà trời lo liệu. Lực sĩ cho cả ba người ngồi vào một con thuyền cùng với một chiếc trống, và dặn: Khi về đến hạ giới các người phải gióng lên một hồi trống để ta cắt dây và báo an với Ngọc Hoàng. Nhưng đang giữa đường, cậu con trai hiếu động đập thùng thùng vào trống. Gã lực sĩ mơ màng tưởng trống  đã gióng đủ hồi nên vội vàng cắt dây.  Con thuyền lao vào không trung,  bốc cháy và rơi xuống làng Phúc Lâm quê hương chàng trai, tạo nên ba đỉnh lèn  như ngay nay. Có điều lạ, chiếc trống không bốc cháy mà nằm sâu trong hang lèn. Ngày nay về mùa  lũ, nước sông Gianh dâng cao, chảy xiết,  hang lèn Phúc Lâm phát ra tiếng trống thâm u huyền bí. Dân địa phương cho là vợ chồng tiên nữ báo nguy cho dân làng, và cảnh tỉnh các vị quan chức nhà trời chớ tắc trách với công việc mà gây họa cho dân chúng. Còn Bảng Sơn (lèn Bảng) ở xã Tiến Hoá như cái bình phong quay mặt về biển đông , tự mình làm phao tiêu cho dân chài nhìn vào mà về với đất liền. Trong dân gian vẫn truyền tụng chuyện trên đỉnh lèn Bảng đêm sáng ánh đèn, có tiếng thầy đồ giảng sách thánh hiền cho đám học trò hiếu học.  Bởi thế vùng đất Tiền Hoá mới có ông Văn và ông Võ. Ông Văn là hoàng giáp Phạm Duy Đôn, đỗ đạt cao nhưng không chịu ra làm quan, chỉ mở lớp dạy học. Về già , ông không chống mãi được lệnh vua, bất đắc dĩ phải nhận chức tri phủ.  Ông Võ là đề đốc Lê Trực, vị tiến sĩ võ hiếm hoi  của triều Tự Đức thứ 18. Ông dùng vùng đất quanh lèn Bảng làm nơi hội quân hưởng ứng phong trào Cần Vương đánh Pháp. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ hang lèn Bảng trở thành kho vũ khí của hải quân Việt Nam, ngày nay còn để lại nhiều dấu tích.

   May thay, Phong Nha Kẻ Bàng  trở thành di sản thiên nhiên thế giới, nhà nước cấm ngặt phá rừng,  săn thú, nổ mìn lấy đá xây dựng.  Không như lèn Cánh Diều của Ninh Bình bị người đời làm cho què quặt. Không như hòn Vọng Phu xứ Lạng bị người ta nổ mìn lấy đá nung vôi. Du khách đến thăm "người vợ chờ chồng" của tình yêu Đại Việt  xa xưa chỉ thấy những tảng đá ghép lại với nhau bằng vửa xi măng. Và mãi đến tận giờ  chưa thấy văn nhân thi sĩ tài danh nào quảng bá vẻ đẹp của Bảng Sơn, của lèn Tiên Giới  cho bàn dân thiên  hạ chiêm bái như một người con Quảng Bình là cụ Thương Tùng đã từng sở nguyện. Chỉ có những nhà hoạch định ngành công nghiệp cho ra đời nhà máy xi măng Sông Gianh bên cạnh Bảng Sơn.  Hằng ngày một vùng rộng lớn rền vang tiếng mìn nổ, không gian mịt mù bụi khói. Một số lèn đá quanh Bảng Sơn đã bị xoá phiên hiệu. Rồi đây một số kênh mương được bê tông hoá, nhà tranh vách đất của quê nghèo được thay bằng tường xây ngói đỏ. Nhưng không hiểu rồi số phận Bảng Sơn sẽ ra sao đây, có còn là biểu tượng tâm linh của một vùng dân cư trung lưu sông Gianh ?  Có còn là cái biển báo cao chạm mây trời cho dân chài biển đông định hướng mà về với đất liền ?  Hay là Bảng Sơn và lèn Tiên Giới cùng chung số phận với núi Cánh Diều và hòn Vọng Phu ngoài bắc ?  Mong sao các nhà quản lý có quyền định đoạt mọi thứ ở đời thương tình đến Bảng Sơn, thương tình đến lèn Tiên Giới, không nghiền vụn hai cải biểu tượng tâm linh ấy thành bột xi măng.  Vì một khi núi đá được con người phả linh hồn vào thì nó trở  thành một thực thể sống, một vạch nối giữa trời và đất, nó biết đau đớn và cần một sự tồn tại bình thường giữa thế gian.  Chả thế mà nhạc sĩ họ Trịnh có một ca từ cực hay trong nhạc khúc Diễm Xưa "Làm sao em biết bia đá không đau ...ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau..."  

********************

(1)  Tư Mã Tương Như người đời Hán, học rộng, giỏi thơ phú và đàn hay.

(2)   Núi Vu Sơn ở phía tây Trung Quốc, có cảnh đẹp Cao Đường.

(3)   Kim Thánh Thán (1596 - 1648)  là nhà phê bình văn học nổi tiếng đời nhà Thanh.

(4)  Trích "Lèn Tiên Giới và sự tích giáng tiên" của Thương Tùng, Sài Gòn  1972

(5)  Sở Tương Vương (651-618 TCN). Ssự tích kể theo  theo "Tầm nguyên từ điển" của Bửu Kế NXB tp HCM 1993.

8 nhận xét:

  1. Bác Bu quả là thông kim bác cổ. Vậy mà không nhận học trò, e rằng mai một mất. Hee. Hee.

    Trả lờiXóa
  2. Buluk lại chỉ muốn làm học trò cô giáo CNB thôi, cô không nhận thì cho xin học từ xa xậy.

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là khi nào sảng khoái mới nên đọc entry của bác Bu. Đầu óc em lại lo nhiều thứ, chưa được tỉnh táo cho lắm hihihi. Mà công nhận hơi bác Bu dài ghê, em lấy mấy chục hơi mới thấy bác Bu xuống dòng :))

    Có đường bay thẳng từ TPHCM đi Đồng Hới rồi, chỉ chờ một ngày đẹp trời nào đó để có thể ngắm cảnh đẹp quê hương bác.

    Trả lờiXóa
  4. Lèn: có nghĩa là núi đá vôi hả anh, không biết em hiểu vậy đúng không nữa.
    Đọc thấy vui nhưng rồi lại thấy buồn lẫn giận vì không biết sau này những núi đá vôi đó có còn nữa hay không, người ta đã vì cái lợi trước mắt mà làm mất đi bao nhiêu cái đẹp đã có bao đời nay,
    Cũng mong là em có cơ hội được đến thăm những cảnh đẹp ở quê anh chị.

    Trả lờiXóa
  5. Anh Bu quá yêu quê hương, giới thiệu toàn cái đẹp cái thơ của QB, lỡ "thiên hạ" họ "thương", đem vào "tầm ngắm" biến QB thành địa điểm du lịch (quá tay) thì mất hết Nhật Lệ, Phong Nha, lèn Tiên giới... cho mà xem.

    Trả lờiXóa
  6. Ắt hẵn chú yêu quê hương lắm mới viết nên nhiều bài về quê hương QB của chú đây!

    Thấy chú nói đến khối đá lèn? Lèn nghĩa là gì vậy chú, có phải là đá vôi hông chú? Vì cón thấy chú chú thích là núi đá vôi ở sông Gianh?

    Nhìn cảnh Núi đẹp thật chú ah!

    Lâu lắm nay mới ghé sang nhà chú, chúc chú buổi tối an lành!

    Trả lờiXóa
  7. Đọc báo thấy công lao thám hiểm và đưa ra ánh sáng những hạng động tuyệt đẹp (như mới đây là Sơn Đòong) ở Quảng Bình, là của cái hội thám hiểm hang động gì đó của Hoàng gia Anh, chứ không phải của người nước mình, cũng hơi buồn. Thêm điều này nữa, người nước ngoài thì trân trọng cảnh đẹp xứ mình, còn người mình thì lại đua nhau phá, chỉ vì lợi nhuận tiền bạc, mà không nghĩ đến hậu quả trước mắt và mai sau... Chắc phải gắng trở lại Quảng Bình một lần nào đó, nhờ bác Bu dắt đi đây đó mới được...

    Trả lờiXóa
  8. Càng đọc càng bái phục kiến thức và tấm lòng của anh với quê hương anh Bulukhin ạ . Cám ơn anh về nhiều điều trong bài viết

    Trả lờiXóa