Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2009

TRE GIÀ MĂNG MỌC

                            TRE

 

Ngày mai mùng 1 tháng 6, ngày Quốc tế thiếu nhi.  Người được hai cháu cho lên chức ông như Bu thấy vui và nghỉ đến câu nói các cụ "Tre già măng mọc". Cái quá trình sinh diệt, diệt sinh cho sự trường tồn sao các cụ không ví với cây gì mà lại là cây tre? Có lẽ do cây tre với người Việt quá gần gũi nhau,  hay vì cây tre có tư chất của bậc chính nhân quân tử? Có câu đối nói về cây tre được nhiều người ưa thích: "Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết/ Đáo lăng vân xứ dã hư tâm". Lúc chưa nhú lên khỏi mặt đất, mầm măng đã có đốt trong mình. Lúc chạm đến mây trời thì ruột tre lại rổng không.  Cái sự rổng này được học giả Cao Huy Thuần thường nhắc đến trong các tản văn của mình để nói về  sự giác ngộ, sự thanh cao tuyệt đối của bản thể, kết quả của một quá trình khổ luyện tu hành.

      Ngẫm về cây tre lại nhớ cháu. Ông đang là cây tre chưa chạm đến mây trời, vẫn mong cháu là mầm măng có tư chất của cây tre trong tương lai.  Bu tui post hình hai cháu để được vui và niềm vui nói ra sẽ vui lên gấp đôi.  Mong mõi  như thế lắm

 

                               DSC_8931

                               DSC_8930

                               DSC_8928

                               DSC_8919

                               DSC_8902

    Năm bức hình cu RƠM cháu nội của Bu khi hơn 6 tháng tuổi

                              DSCN0667

                                Cu RƠM khi 10 tháng tuổi

                               3557766849_109cf4062d_m

                               DSC05177

               Hai hình cu BẮP (cháu ngoại) khi gần 6 tháng tuổi

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

NHÂN ĐỌC "DÃ QUỲ" CỦA MẸ BẦU BÍ

 

 

                             Dã quỳ

                                 Dã quỳ, blog Mẹ Bầu Bí

                                        lá phong đỏ

                        Lá phong đỏ như mối tìn đượm lửa

                                        hoa cúc

                          Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa

 

Đọc bài "Dã quỳ" của Mẹ Bầu Bí càng thêm thấm thía nỗi ám ảnh về một bài văn, một câu thơ mà ta vô tình đọc được, nghe được. Phải hơn 20 năm sau khi đọc ai đó viết về hoa dã quỳ, mẹ con chị mới gặp được cái màu vàng huyền hoặc đó ở xứ sở sương mù Đà Lạt. Bu cũng có trên 30 năm để nhớ về một người bạn đọc cho nghe bài thơ "Bức thư tình ở Hàng Châu " của nhà thơ Tế Hanh trong căn hầm chữ A, lỏng bỏng nước với muỗi bay vo ve, ngoài trời ầm ào tiếng máy bay và nhập nhòa pháo sáng.

….

Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa

Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa

….

Không hiểu sao hai câu thơ không có gì tân kỳ và kỹ xảo ấy đóng đinh vào ký ức Bu cho đến nay. Cái màu đỏ của mối tình và màu vàng của nỗi nhớ lấp lánh ẩn hiện đâu đây mỗi khi Bu nghỉ về dĩ vãng. Có lẽ do Bu nghe nó trong lúc thần chết lảng vảng cạnh căn hầm, cũng có thể do người bạn rất thân có cái tên Thái Nguyễn Bạch Liên ấy đã thành  người thiên cổ. Hoa cúc dễ được nhìn thấy, nhưng còn lá phong thì ở xứ mình hình như không có. Người ta bảo  cây phong có lá đến mùa thu thì đỏ đẹp, mùa xuân thì nở hoa xúm xít như quả bóng tròn. Đời nhà Hán hay trồng cây phong ở trong cung, vì thế đời sau gọi nơi cung cấm của nhà vua là phong thần.  Vâng, cái màu đỏ ấy thôi thúc Bu đến nỗi một lần sang Tàu, tìm trăm phương nghìn kế đến cho được Hàng Châu, để rồi  tiếc ngẩn tiếc ngơ vì lúc bấy giờ không còn là mùa thu nữa. Đành bằng lòng với thi sĩ Tế Hanh đi tìm những gì còn sót lại của mùa thu xứ người:

 

Mùa thu qua rồi còn gửi  lại

Một ít vàng trong lá trong cây

Một ít buồn trong gió trong mây

Một ít vui trên môi người thiếu nữ

 

Nhặt vài ngọn lá phong rụng ép vào sổ tay làm kỷ niệm thì dễ, còn  ghi hình một ít vui trên môi thiếu nữ Tàu thì không thể làm được. Người Tàu kị cho người lạ ghi hình.  Những tấm hình dưới đây Bu chụp dạo đi tìm nỗi ám ảnh của mối tình màu đỏ và nỗi nhớ màu vàng của thi sĩ Tế Hanh..

 

                              Picture 213

                             Cô gái Hàng Châu trên Tây Hồ

                              ben bo tay ho hc

                              hang chau

                              Picture72,73,74,75 1002

                              Picture72,73,74,75 1001

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

CẢM ƠN BÈ BẠN

 

                                                      DSCN0759

 

Sau mấy ngày bệnh, nay bà xã Bu đã gắng dậy đi làm. Buổi chiều về, tay còn cầm nón bảo hiểm, túi xách, mặt mũi phờ phạc, nhưng chiều ông xã đứng chụp hình để được lên blog "gặp" các bạn:  Mẹ Bầu Bí, Cao Nguyên Bùi, Huyền Trân, Thu Thủy, Đê Hát Tê…nói lời cảm ơn về những lời thăn hỏi ân cần.  Bà xã Bu mong các bạn mạnh khỏe, không để các ông xã vất vả tội nghiệp.  Riêng Đê Hát Tê phải mạnh khỏe để làm thơ réo rắt lòng người.

                                                        Người truyền đạt: BULUKHIN

 

Bà Xã Bu không làm chủ trang blog nào, chỉ  thỉnh thoảng ngồi đọc ké chồng, tỏ rõ sự đồng tình trong trò chơi chữ nghĩa. Hồn via    nàng để hết vào hai con trong Nam. Chuyện thường ngày của nàng là giá cả chợ búa cùng các loại vải vóc mỹ phẩm, các sự cố họp hành bầu bán ở cơ quan, và những chuyện không đầu đề khác mà  đức ông chồng đôi khi nghe chỉ để tỏ lòng kính nể vợ. Hôm nọ đang trong bữa cơm, nàng bảo  một cô gái làm ở phòng tín dụng ngân hàng kể lại với nàng về một sự cố bị sếp từ chối hồ sơ cho  vay chăn nuôi…

  

"…Sếp em nhiều lúc kì lắm chị ạ, không vừa ý là mắng té tát vào nhân viên, làm họ không còn biết trở tráo đối phó ra sao nữa. Mới đây em lên duyệt hồ sơ cho một hộ vay chăn nuôi.  Sếp đọc vô cùng chăm chú, rồi bổng dưng ông ta nhíu lông mày lưỡi mác lại, đẩy cái rẹt tập hồ sơ về phía em .

- Kiến thức cô còn nhiều lỗ hổng quá.

Em quýnh lên, lắp bắp

- Thưa …lỗ hổng chỗ nào ạ

- Một trăm con dê cái mà cô cho vay mua 40 con dê đực không là lỗ hổng à?

- Sếp thông cảm, ở trường đại học họ không dạy em về loài dê.

- Ơ hay, trường không dạy thì cô phải tự học lấy chứ. Làm như cô là lảng phí giống đực một cách ghê gớm. 100 dê cái chỉ cần 5 con dê đực là quá đủ, làm như cô thừa ra 35 con. Cô có biết dê đực là  sáng tạo tuyệt hảo cuối cùng của thượng đế không. Nó đại diện ưu tú nhất, xuất sắc nhất cho giống đực nói chung.  Cô…cô đã đọc thơ bao giờ chưa?

- Thưa sếp thơ gì ạ.

- Một thi sĩ đã viết thế này:

Nếu một ngày kia nhân loại hết tính dê

Khác nào thành phố cả ngày cúp điện.

Các bà, các cô không còn chưng diện.

Khắp phố phường đường sá cũng buồn thiu.

Nghe xong Bu tui suýt nghẹn, đặt bát xuống bàn, kêu lên: Cái cô bạn của mẹ  bịa.

Bà xã Bu suy tưởng : Nghỉ cho cùng thì ông sếp ấy và bài thơ của thi sĩ nào đó có gì sai cơ chứ. hihihi

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

PHỎNG VẤN TRÁI TIM

                         images

 

Bài này đã được nhà báo TORO cho in ở một tạp chí ngoài Hà Nội. Đang lúc kẹt đề tài Bu tái bản lần 1. (nếu còn kẹt nữa có khi phải tái bản lần 2…hihihi)

Bu : Lâu nay mãi xê dịch tận đẩu tân đâu...Tôi có lỗi với bạn quá

Trái tim: Không sao, xê dịch là hay, đi một ngày đàng học một sàng khôn.

Bu: Khôn đến đâu thì chưa biết, chỉ ngộ ra được đôi điều.

Trái tim: Điều gì vậy ?

Bu: Người đời có thể dùng mọi ngôn từ để thoá mạ nhau, lăng nhục nhau, nhưng khi nói đến tái tim thì mọi thứ ngôn ngữ trên đời đều vuốt ve bằng những mỹ từ. Bạn quả là hạnh phúc.

Trái tim: Chẳng qua người ta làm các phép gán. Người Trung Hoa gán Tý cho chuột, gán Sửu cho trâu, gán Dần cho hổ...Lưu Tô, môn đệ của Lão Tử gán cho tim là "chủ nhân của hơi thở", Pascal không quan tâm đến nảo, ngài  bảo: "Tư tưởng lớn đến từ trái tim".

Bu: Đấy là mơ mộng của các triết gia. Quan niệm của tôn giáo chắc thực tế và đáng tin hơn  ?

Trái tim: Thì cũng na ná thế. Với tín đồ đạo Hồi: "Trái tim- ngai vàng của Thượng Đế". Ky Tô giáo lại bảo: "Trái tim - vương quốc của Chúa Trời" 

Bu: Hình như người Việt có cách nhìn trái tim độc đáo hơn?

Trái tim: Nước Việt là nước thơ, dân Việt có quá nhiều thi sỹ, họ khoái đưa tim vào thơ, chẳng hạn: " Tim em rụng âm thầm từng cánh vụn",  "Ai tạc em vào phiến trái tim tôi",  hoặc: "Trái tim em giữ, bùa mê tôi cầm". Có nhà thơ đưa tim lên dao thớt để chia: "Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ…"

Bu: Thì tự cổ chí kim thi sỹ Tây, thi sỹ Tàu, đều đưa tim vào thơ cả đấy thôi. Là tôi muốn nói nét độc đáo kia.

Trái tim: Độc đáo? ...Khó nhĩ !! À, bạn hãy vào một hôn trường, nói  dễ hiểu là phòng cưới. Ở đây có sự giao  thoa văn hoá ...siêu độc đáo.

Bu: Giao thoa văn hoá ??

Trái tim: Đúng thế,  giao  thoa giữa Văn hoá tim và Văn hoá phong bì

Bu: Ôi, lại có cả Văn hoá tim ?

Trái tim:  Hoạt động của con người tạo ra các hình thái văn hoá. Chẳng hạn sếp sau lên thay sếp trước là thay bộ sậu tuỳ tùng, thay hướng cửa, thay luôn vị trí đặt bàn ghế, đó là "Văn hoá phá". Trái tim trong tiệc cưới ngày trước được vẽ lồng với đôi chim câu và dán trang trọng trên tấm phông. Ngày nay nó được làm bằng xốp, thành cái hộp rổng, tô màu xanh đỏ và hạ bệ xuống chỗ ra vào để quan khách cho phong bì vào như cách cứu trợ thiên tai hoặc bỏ phiếu trong các dịp bầu cử

Bu: Thì xem mỗi phong bì như là một lá phiếu tín nhiệm đôi uyên ương cũng được chứ sao?

Trái tim: Xin được hỏi lại,  mỗi kỳ bầu cử bạn có tín nhiệm những người có tên bạn ghi trên lá phiếu không ?

Bu: Là phận phó thường dân, lăn lộn giữa chốn mưu sinh, làm sao biết ai tài đức hơn ai mà chọn. Với lại người ta cũng cơ cấu ghế đẩu xong rồi ...

Trái tim: Người bỏ phong bì vào quả tim xốp cũng na ná thế.  Đa phần là người ta đi  trả nợ và ...trả giá.

Bu: Trả nợ thì còn hiểu được, còn trả giá ?

Trái tim: Thì bạn phải bỏ phong bì nhiều ngàn đô Mỹ để bố mẹ cô dâu (hoặc chú rể) nhận con em bạn vào làm việc ở một chỗ béo bở chẳng hạn. Có phải là trả giá không?

Bu: Hoá ra, làm trái tim cũng ...

Trái tim: Cũng đau đớn lắm. Ngoại trừ tan nát do phụ tình gây ra, trái tim còn  lên bàn mổ

Bu: Sao ? Trái tim xốp cũng lên bàn mổ.

Trái tim: Đấy là lúc nhà gái và nhà trai cùng mời khách  đến một khách sạn. Hai trái tim đặt cùng phòng, khách mời rất dễ bỏ phong bì nhầm. Những lúc như vậy vị khách khẩn khoản ban tổ chức giải phẩu trái tim ra để ...sửa sai !

Bu: Chà chà, rắc rối nhỉ. Vậy xin hỏi, bạn nói gì về ...trái tim tổ quốc.

Trái tim:  Thôi... thôi...vụ này bạn phải phỏng vấn Quốc hội.

bu: Thì Quốc hội trả lời rồi, 92% đại biểu bỏ phiếu đồng ý mở rộng chỉ giới Thủ đô hiện nay là 920,97 cây số vuông, lên đến 13.436 cây số vuông vào năm 2050. Trái tim Tổ quốc rồi sẽ phình to gấp 13 lần hiện tại. Vấn đề là tôi muốn nghe ý kiến chính trái tim nói ra...

Trái tim: Trước hết ta phải nhất trí với nhau về phép tu từ. Một trái tim to khác với một trái tim phình to do bệnh lý. Nếu các vị chăn dân không cải thiện khả năng quản lý thì mở rộng Thủ đô khác nào xây thêm một cái phòng bên cạnh phòng đã có.

Bu: Xin bạn nói rõ hơn

Trái tim: Một cái phòng bừa bộn, lại xây thêm một phòng nữa để bừa bộn như thế, thì...

Bu: Thì không chỉ là bệnh lý bình thường mà là ung thư đã di căn

Trái tim: Ối... ối...hình như...như ...

Bu: Chết, bạn làm sao thế, xin lỗi đã làm phiền bạn hơi lâu...để... để... tôi đưa bạn vào nhà thương cấp cứu!    

  

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

ĐÔI ĐIỀU VỚI ÔNG NGUYỄN TẤT HIỂN. 136 TÔN THẤT ĐẠM - Q1 Th ph HCM

 

 

Mấy hôm nay báo giấy, báo mạng, truyền hình… nói nhièu về ngày sinh chủ tịch Hồ chí Minh. Khắp chốn cùng nơi đều thi đua nhau học tập đạo đức tác phong của chủ tịch.  Một vài nơi, một số nhà chăn dân mũ cao áo dài lại tụng niệm cái tham luận của ông Nguyễn Tất Hiển 136 Tôn Thất Đạm - Q1 Th. Ph. Hồ Chí Minh. Bởi thế Bu tôi tái bản lại Entry này để các bạn tham khảo.

                              DSCN0753

I - Tôi được xem tác phẩm “TRĂNG SÁNG TRONG THƠ BÁC, TRONG TÊN BÁC” của ông treo trong nhà một vài bạn thân.  Xem xong bỏ đó vì công việc mưu sinh chiếm hết thời gian và sức lực, không nghỉ đến làm gì. Nhưng mới đây, tình cờ đọc được tham luận của ông : “Ý nghĩa tên Bác một phần quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh”“Tọa đàm Khoa học do Chi nhánh Bảo tàng  HCM tổ chức ngày 30.8.99” và ở “Hội thảo Khoa học do Viện Khoa học Xã hội TP. HCM tổ chức ngày 14.9.99” mới  biết  tác phẩm của ông một thời nổi như cồn, làm xôn xao dư luận và báo chí cả nước.  Thì ra ngày 2.9.1997 ông đã công bố tác phấm “TRĂNG SÁNG TRONG THƠ BÁC, TRONG TÊN BÁC” tại bảo tàng HCM , ngay sau đó bài viết về tác phẩm này của ông “được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội và Đài tiếng nhân dân TP. HCM, được đăng trên báo Nhân dân số 38 ngày 21.9.1997, đăng trên báo Văn nghệ Đồng Tháp số 3 tháng 5.1998, đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội của Viện Khoa học Xã hội số 38 quý 4 năm 1998 vào dịp kỷ niệm TP HCM 300 năm…Và hân hạnh được đánh giá cao của chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, của Bí thư Thành ủy TPHCM Trương Tấn Sang, của trợ lý Tổng bí thư Trung ương ĐCS Hồng Hà….”(1)

     Ngần ấy sự kiện về tác phẩm “TRĂNG SÁNG TRONG THƠ BÁC, TRONG TÊN BÁC” làm tôi bỏ công tìm hiểu và thấy cần phải trao đổi với ông cùng các bạn viết blog, xin được các vị chỉ giáo thêm.

* Để các bạn có khái  niệm về tác phẩm của ông Nguyễn Tất Hiển (như ảnh ở đầu bài) tôi mô tả thêm cho rõ hơn:

1- Những câu chữ Hán viết theo chiều dọc

+ Câu bên phải hình chủ tịch Hồ Chủ Tịch :

  (cổ nhân bất thức kim thời nguyệt)

+ Hai câu bên trái hình Hồ Chủ Tịch

Câu 3 chữ:       (Hồ Chí Minh)

Câu 7 chữ: 今月 古人 (Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân)  

2- Những câu chữ quốc ngữ và chữ Hán viết theo chiều ngang.

HỒ (cổ , nguyệt )

Cổ nhân bất thức kim thời nguyệt

Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân

Người xưa không biết trăng ngày nay

Mặt trăng ngày nay từng chiếu sáng người xưa

CHÍ (sĩ  ,   tâm  )

Chí sĩ có nhiệt tâm

MINH (nhật , nguyệt )

Luôn luôn sáng suốt

Trích “Trăng sáng trong thơ Bác trong tên Bác”

Tác giả Nguyễn Tất Hiển

II – Cơ sở lập luận của ông Nguyễn Tất Hiển

Trước hết ông cho rằng chữ Hồ () gồm có chữ cổ () ghép với chữ nguyệt (). Cổ là cũ, là xưa. Nguyệt là mặt trăng. Theo đó chữ Hồ được ông cho là trăng xưa. Tiếp theo ông hoán vị một vài từ tong bài thơ “Bả tửu vấn nguyệt” (Nâng chén rượu hỏi trăng) của Lý Bạch (2).  Bài thơ Lý Bạch  gồm 16 câu, trong đó ông lấy ra  2 câu:

Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt           (câu 1)

Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân     (câu 2)

Nghĩa là

Người nay không thấy trăng xưa

Trăng nay thì đã từng soi sáng người xưa

Đến đây ông tuyên bố “ Vậy muốn có chữ Hồ phải hoán vị, đưa chữ Cổ (câu 1) từ dưới lên vị trí chữ Kim, đem chữ Kim xuống vị trí chữ Cổ, để chữ cổ ở câu 1  phù hợp với chữ Nguyệt ở câu 2 tạo thành chữ Hồ” (1). Sau khi hoán vị, hai câu thơ Lý Bạch thành ra:

Cổ nhân bất thức kim thời nguyệt (câu 1)

(chữ Kiến của Lý Bạch được ông thay bằng chữ Thức )

Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân (câu 2)

Nghĩa là

Người xưa không biết mặt trăng ngày nay

Mặt trăng ngày nay từng chiếu sáng người xưa.

Với kết quả này ông viết:  “Đó là những TƯ TƯỞNG và ĐẠO ĐỨC Hồ Chí Minh. Cái quý giá cần thiết ấy cũng sánh bằng lúc đêm tối cần có trăng sáng trên bầu trời. Đúng là “người đời xưa” không biết “trăng sáng ngày nay” vì họ đã mất từ lâu; song trăng sáng ngày nay trên đường đi tất yếu của nó , tiếp tục đẩy lùi bóng đêm , đem lại ánh sáng mới – Ánh sáng của một DANH NHÂN VĂN HÓA KIỆT XUẤT CỦA NHÂN LOẠI – HỒ CHÍ MINH”  

III – Ông Nguyễn Tất  Hiển  nhầm lẫn chỗ nào ???

Trong “Tham luận” của mình ông dẫn ra “Hồ Xuân Hương, bà Chúa thơ nôm đã chiết tự chữ Hồ là Cổ Nguyệt”. Xin thưa rằng, bà Hồ Xuân Hương là nhà Hán học uyên thâm và là nhà thơ vui tính, bà dựa vào sự nhầm lẫn về chữ Nguyệt  (, mặt trăng) và chữ Nhục (, thịt)  để gọi mình là Cổ Nguyệt (trăng xưa) cho văn nghệ mà thôi. Còn nếu bà đứng lớp dạy học trò học chữ Hán thì bà phải giảng  rằng chữ Hồ ( trong họ Hồ)  gồm chữ Cổ () ghép cạnh chữ nhục ()  chứ không phải chữ nguyệt (). Hai chữ này giống nhau như hai giọt nước nên thiên hạ dễ nhầm chữ nọ vào chữ kia. Khỏi phải dài dòng cho tốn “giấy mực”, bạn đọc lấy bất kỳ một quyển Từ Điển Hán Việt nào và tra chữ Hồ (chỉ họ Hồ) thì bạn phải tìm trong bộ nhục  (), còn nếu bạn tra vào bộ nguyệt thì vĩnh viễn bạn không có được chữ Hồ.  Xin đơn cử vài từ điển;

- Từ Điển Hán Việt Thiều Chữu (1997) bộ nhục trang 517 : Hồ ()  là yếm cổ, dưới cổ có mảng thịt sa xuống, râu mọc ở đấy là hồ tu.

- Từ Điển Nguyễn Tôn Nhan (2003) bộ nhục trang 662: Hồ () là miếng da rủ thòng dưới cổ thú vật (như trâu, bò). Một loại võ khí cổ, thọ, sống lâu, rợ Hồ, Họ người (Hồ Hợi con trai Tần Thủy Hoàng đế)

- Sách Tìm về cội nguồn chữ Hán (1997, của Lý Lạc Nghị và Jim Waters)  tại trang 982 viết : “ HV(Hán Việt) trong từ Bác Hồ [Chaiman Ho Chi minh], hồ cầm [two stringed violin] ABK (âm Bắc Kinh):  nhục  chỉ nghĩa, cổ chỉ âm đọc, nghĩa gốc: cái yếm dưới cổ con bò” (chú ý = , sẽ nói ở phần dưới)

IV – Sơ bộ vài nét về chữ Nguyệt và chữ Nhục

Như đã nói ở trên, chữ Hồ (trong họ Hồ) phải là chữ cổ đi với bộ nhục. Nhưng chữ nhục trong thời Giáp cốt văn là hình ảnh một khổ thịt. Trải qua các loại chữ  Kim văn, Tiểu triện, đến thời Khải thư (cuối nhà Hán) chữ nhục có hình dạng  . Nhưng viết thế này nhiều nét, rắc rối,  người ta biến nó thành , trong đó hai nét ngang song song, nối liền hai nét đứng.  Còn chữ nguyệt  hai nét ngang song song nhưng không chạm vào nét đứng bên phải (2). Như vậy cũng chưa ổn vì nhà nho viết bút lông, khó tạo ra kẻ hở giữa hai nét ngang và nét đứng bên phải khi viết chữ nguyệt. Chỉ cần sơ suất chút xíu là chữ nguyệt biến thành chữ nhục. Bởi vậy hiện nay trong sách vở  người ta viết chữ nhục có hai nét giữa không song song mà mà tạo ra hình phểu như ảnh minh họa dưới đây.

 

                          DSCN1997

                      a- Chữ nguyệt Giáp cốt văn

                      b- Chữ nguyệt trong sách in hiện tại

                                                   DSCN1996

                  a- Chữ nhục Giáp cốt văn

                  b- Chữ nhục theo mô tả của Chính Tự Thông

                  c- Chữ nhục trong sách in hiện tại

 V- Lời cuối

Là người Việt Nam tôi cũng như ông Hiển, hết lòng kính trọng chủ tịch Hồ Chí Minh.  Sự Kính trọng thể hiện ở chỗ đánh giá đúng vai trò của  Chủ tịch trong việc lãnh đạo toàn dân giải phóng ách nô lệ, khai sinh ra nước Việt Nam, sánh vai với các quốc gia khảc trên thế giới. Sự kính trọng còn thể hiện ở chỗ học tập tác phong đạo đức của Chủ tịch, để  làm một công dân yêu nước có văn hóa. Hồ Chủ tịch là người khiêm tốn, Người không muốn ai ca ngợi mình ngoài cái mà mình có, càng không muốn dùng sự nhầm lẫn chữ nghĩa để ca ngợi như tường hợp ông Nguyễn Tất Hiển đã làm. Có thể ông thiếu cẩn trọng trong việc tra cứu Từ Điển mà nhầm lẫn, tôi có thể thông cảm với ông. Nhưng ông cố tình đưa hai câu thơ của Lý Bách ra để hoán vị, để thay đổi chữ Kiến thành chữ Thức nhằm phục vụ cho ý đồ của mình là vi phạm luật bản quyền của tác giả. Không hiểu các bạn đọc Entry này có chia sẻ ý kiến của Buluk không. Xin các bạn cho những lời chỉ giáo.

----------------------

1- Tham luận "Trăng sáng trong thơ Bác, trong tên Bác" của ông Nguyễn Tất Hiển

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT

 

                             DSCN2183

              Anh nhà quê Bu lukhin vào thành phố. Ảnh Phạm Ngọc Hiệp

 

 

Cô giáo Cao Nguyên có một mẫu chuyện làm người đọc cảm động. Trên một chuyến phà xe chật người đông, tác giả trông thấy hai người phụ nữ.  Một bà giàu có ngồi trong ô tô bóng lộn, một chị hàng cá với những dụng cụ buộc sau xe đạp.  Bà nhà giàu tự nhiên mở cửa xe ô tô làm chiếc xe đạp chị hàng cá ngã chỏng gọng, một ít nước cá bắn vào chân.  Đáng ra bà ta phải xin lỗi về sự vô ý của mình thì bà  lại nói gì đó chắc là không nhã nhặn gì.  Chị hàng cá không nói lại , chỉ  rơi nước mắt.  Tác giả Cao Nguyên tự hỏi và tự trả lời vì sao chị hàng cá khóc. Vì tủi thân? Vì gặp lại bạn cũ trong một  hoàn cảnh giàu ngèo xa nhau một trời một vực ?

     Năm 1995 Bu cũng gặp trường hợp một cô bé nghèo và một bà nhà giàu cùng rơi nước mắt. Mẫu chuyện này  đăng ở báo Lao Động chủ nhật số 151/95 ngày 17.12.1995. ký tên Hà Thu. Bu không hỏi tại sao họ khóc.  Chỉ biết là họ đã rơi nước mắt trong hai tâm trạng khác nhau thế thôi.

                                                   *

                                                  * *

Trong phòng đợi tàu, hành khách đi lại nhốn nháo.

Ở một góc phòng đợi, có một người mẹ đang âu yếm vuốt ve cô con gái sắp  phải xa bà ra Hà Nội học đại học. Người mẹ dặn dò khuyên  bảo con những  điều hay lẽ phải bằng kinh nghiệm từng trải, bằng nỗi lo lắng và tình thương bao la của bà.  Cô con gái lắng nghe mẹ chăm chú như nuốt lấy từng lời.

     Ở góc khác của phòng đợi, một bé gái chừng 13 tuổi gầy gò khệ nệ ôm chồng báo đi bán rao. Giọng nó non nớt thốt lên đều đều: "báo mới đây, báo mới đây..â..ây…". Nó tất tả đến gần người mẹ nọ, rồi cất giọng khẩn khoản.

- Bà…bà làm ơn mua giùm cháu tờ báo.

Người mẹ không quay lại, trả lời dứt khoát:

- Không mua đâu.

Em bé móc túi đưa ra trước người mẹ tấm biển nhỏ bằng bìa bọc ni lông. Trên mặt bìa có in dòng chữ "TỔ BÁN BÁO XA MẸ" và nài nĩ.

- Thưa bà báo Phụ nữ Việt Nam mới ra,  có bài …

Em chưa nói hết câu dã bị người mẹ gạt phắt sang một bên, làm chồng báo trên tay nó rơi xuống lả tả. Giọng bà gắt gỏng.

- Đã bảo là không mua.

Cô bé buồn rầu nhặt báo lên rồi lủi tủi bước đi.

Đã đến giờ hành khách lên tàu. Người mẹ, một tay cầm khăn thấm nước mắt, tay kia vẩy vẩy tạm biệt con gái. Rồi  như sợ phải khóc òa lên, bà vội vả lên chiếc ôtô sáng loáng  đang chờ sẵn trên sân ga. Nhưng cô con gái bà chưa lên tàu ngay. Cô quay lại phòng đợi và chạy nhanh đến chỗ em bé bán báo hồi nãy. Giọng cô nhẹ nhàng:

- Này em, bán cho chị mỗi thứ báo một tờ.

Tay em bé run run lấy báo cho cô gái. Chợt em cúi mặt xuống, trên gò má tiều tụy của em lăn dài hai dòng nước mắt.

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

BÀN THÊM VỀ BÀI "CÓ ĐÔI" CỦA BẠN PNH

 

DSCN0301

 

BU (+) và BU (-)

 

 

 

Bạn PNH vừa post  Entry “CÓ ĐÔI”, trong đó chủ yếu giới thiệu hoa và quả:  Nhánh sứ có hai bông, cành xoài có hai quả, cành bưởi có hai trái …với chú thích như sau:

 

Phàm sinh ra trong cõi đời cái gì cũng phải có đôi mới vui, sách vở chép rành rành kể từ thời hỗn mang Thượng đế tạo ra Đàn ông rồi Đàn bà, đến lúc Ngài nổi cơn thịnh nộ làm ra trận Đại hồng thủy nhấn chìm tất cả, nhưng vẫn "mật báo" cho ông NOE biết để mang theo trên thuyền lánh nạn mỗi thứ một cặp, sinh sôi nảy nở tiếp tục cuộc sống trên trái đất cho đến ngày nay...

Cây cỏ hoa trái, và cả đôi dép nữa, cũng đâu vô tình...

 

Và đây là Còm của danghongky:

Có đôi như hai mặt âm dương của vạn vật, như quy luật sinh tồn, vừa là chân lý vừa là cái đẹp và ý nghĩa cuộc sống. Vụ này hơi lãng mạn xa xôi đó nghen .

 

*

* *

Bu tui muốn phát triển thêm ý kiến của Bạn danghongky rằng: “có đôi như hai mặt âm dương của vạn vật, như quy luật sinh tồn”. Vâng, chính người Trung Hoa từ thời Ân, khoảng 1200 năm trước Tây lịch cũng đã nghĩ như vậy và họ mô hình hóa dương là một vạch liền, âm là một vạch đửt (xem hình) rồi sắp đặt chúng lại thành thiên cổ kỳ thư KINH DỊCH - một trong ba bộ kinh cổ nhất của Trung Hoa, chỉ sau kinh Thi và kinh Thư.

 

 DSCN0733

 

Người xưa quan niệm, thoạt đầu vũ trụ chỉ là một khối mung lung gọi là Thái cực. Thái cự sinh ra lưỡng nghi  (tức âm và dương). Lưỡng nghi sinh ra tứ tượng (nhật, nguyệt, tinh, thần, tức  mặt trời, mặt trăng, định tinh, và hành tinh) (1). Tứ tượng tạo ra bát quái (tám quẻ): Càn (trời), Ly (lửa), Cấn (núi), Tốn (gió), Khôn (đất), Khảm (nước), Đoài (đầm), Chấn (sấm).  Thực ra, cái nọ sinh ra cái kia là do  chúng chồng lên nhau cho “có đôi” như Bạn PNH nói.  Đây là việc khá nhiêu khê nên xin bạn vừa đọc vừa xem hình ảnh cho đỡ rối rắm.

CHỒNG ĐÔI LẦN 1 (xem hình)

* Cho dương chồng lên dương, rồi cho âm chồng lên dương ta được 2 hình 1 và 2,  tức Thái dương và Thiếu dương.

* Tiếp tục cho âm chồng lên âm, rồi cho dương chồng lên âm ta có thêm 2 hình 3 và 4, tức Thái âm và Thiếu âm

Như vậy, chồng cho "có đôi" lần 1 ta có được tứ tượng: Thái dương, Thiếu dương, Thái âm, Thiếu âm, tượng trưng cho 4 thành viên vũ trụ đã nói trên. 

 

 DSCN0739

 

CHỒNG ĐÔI LẦN 2 (xem hình)

* Cho dương lần lượt chồng lên 4 hình trên theo thứ tự 1,2,3,4, ta có: Càn (I), Ly (II), Cấn (III), Tốn (IV)

* Tiếp tục cho âm (vạch đứt) lần lượt chồng cũng 4 hình đó theo thứ tự 3,4,1,2 ta có : Khôn (V), Khảm (VI), Đoài (VII), Chấn (VIII).  Tám hình có tên: Càn, Ly, Cấn , Tốn, Khôn, Khảm, Đoài, Chấn  có tên là  Bát quái (bát = 8, quái = quẻ)

 

 DSCN0735

 

 CHỒNG ĐÔI LẦN 3 (xem hình)

* Nói ngắn gọn: Lấy một trong tám quẻ tự chồng lên nó, sau đó lần lượt chồng lên 7 quẻ còn lại (làm như vậy cho cả 8 quẻ)  ta được tổng số hình:  82 =  64,  tức 64 quẻ. Để cho đỡ rườm rà Bu tui chỉ vẽ tượng trưng 4 quẻ: quẻ số1: Thuần càn, quẻ số 2: Thuần khôn……quẻ số 63: Kí tế, quẻ số 64: Vị tế (bạn nào muốn biết 64 quẻ là những gì Bu tui sẽ nói thêm vào dịp khác)

 

 

DSCN0736

 

*

* *

Những gì Bu nói ở trên, là nhằm minh họa thêm về sự "có đôi" mà  bạn PNH và bạn danghongky đã đề cập đến, chứ không tham vọng giảng giải về Kinh dịch. Người Trung Hoa cổ xưa và không ít kẻ hiện nay dùng 64 quẻ này để giải thích toàn bộ thế giới, làm rõ cái đã qua, xem xét cái sắp tới, tiên đoán thành bại mọi sự việc…Quốc kì Hàn Quốc ở chính giữa là vòng tròn  âm dương, 4 chung quanh (nếu tính đối xứng)  là các quẻ trong bát quái: Càn (trời), Khôn (đất), Ly (lửa), Khảm (nước) (xem hình)

 

                           DSCN0738

 

 Với lá cờ ấy người Hàn đã đưa đất nước họ trở thành con rồng châu Á, mà ta còn lâu mới được như vậy. Cho nên chúng ta có  bỏ công tìm hiểu xem thử, Kinh dịch và 64 quẻ ấy có những bí mật gì  cũng cần lắm chăng??

----------------------------------------------------

(1) Thời xưa người ta chưa biết mặt trăng là một hành tinh của trái đất.

Đọc tiếp ...