Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

"HIỂU ĐỜI"

                              

                   Bulukhin trước học viện Phật giáo Đại Tòng Lâm (Bà Rịa)

 

 

                               Thủ tướng Quốc vụ viện
                      Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 1998-2003

 

Sau khi nghỉ hưu, Ông không tham gia chính trị và đã có bài tổng kết về "Hiểu đời" như sau:

 

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

 

Qua một ngày mất một ngày
Qua một ngày vui một ngày
Vui một ngày lãi một ngày

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc,cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.
Nhà cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.
Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.
Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.

Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.

Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.
Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình.

Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; Tuổi không già tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn áo thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống….)
Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh)
Người khôn phòng bệnh , chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống.

Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh…. Tất cả đều là muộn.

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm hết thật tròn./.

 

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

TẢN MẠN ĐẦU TUẦN.

 

 

 

                                       Dáng nhìn Bến Tre (ảnh của hongdang)

 

 

BẮT ĐẦU TỪ CHỮ TỬ

PNH có entry SINH DIỆT rất hấp dẫn bởi ảnh đẹp và lời bàn đầy tính triết lý. Từ chuyện sinh diệt có hơi hướng nhà Phật, khách khứa vui chuyện tán ra đến các chữ : tử, tử cung, rồi Dương Tử giang. Cứ thế, chuyện nọ xọ chuyện kia thật rôm rả. Nhưng kịch tính hơn cả là còm của bạn hanggraphic và trả lời của chủ nhà PNH mà Bu dẫn ra đây:

1.  “còm” của bạn hanggraphic: “Chữ "tử" trong "tử cung" không viết giống chữ "tử" trong "tử sinh", điều đó dân nữ hiểu rồi ạ. Đấy là em luận từ tên "Dương Tử Giang" không phải là "mặt trời chìm xuống sông" mà ra? ...... Mà chữ tử trong "Dương tử" viết cũng không giống hai chữ "tử" ở trên”

2. Chủ nhà PNH trả lời hanggraphic: Tôi không rõ chữ tử trong Dương Tử Giang viết như thế nào, nếu không giống như 2 chữ tử kia, thì chữ tử có nghĩa là "sắc đỏ tía" chăng? Nếu vậy chữ Dương có lẽ là mặt trời?

                                        *

                                       * *

Ý kiến bạn hanggraphic nghe vui vui, ngồ ngộ. Đúng là Dương Tử  Giang  không phải là “mặt trời chìm  xuống trên sông”  vì sao vậy? Để trả lời,  Bu dẫn ra các tự dạng  ba chữ Dương Tử Giang để các bạn tham khảo:   

a) Chữ tử:  Người Tàu  có (khoảng) 11 chữ tử, xin dẫn ra 3 chữ có liên quan đến vấn đề đang bàn:

- 死:  (tử) chết

- 紫:   (tử) sắc tía, sắc tím

- 子:  (tử) con, gả, người có đức hạnh và học vấn, mầm giống, phần tử, số lẻ, tước tử, tiếng giúp lời như: đình tử (cái đình), tập tử (cái cặp), tráp tử (cái thẻ), một âm là tý (trong 12 con giáp)...

b) Chữ dương:  Có (khoảng) 32 chữ dương,  xin  dẫn ra hai chữ có liên quan:

- 揚:  (dương) giơ lên, bốc lên, khen...

- 暘 : (dương) mặt trời mọc , tạnh ráo

c) Chữ giang: Có (khoảng) 7 chữ giang, chỉ  dẫn ra 1 chữ

- 江: (giang):  sông lớn, sông cái, sông Giang (bên Tàu)

Như vậy bạn hanggraphic nói đúng, tử ()  trong tử sinh ( ) khác tử () trong tử cung ( ), nhưng  chúng khác nhau vì nghĩa và tự dạng chứ không thể bảo Dương Tử Giang là mặt trời chìm xuống sông mà luận ra được.  Trong các bản đồ thế giới, trong các từ điển Hán Việt  Dương Tử  Giang có tự dạng :  để chỉ một con sông bên Tàu  khởi nguồn ở Thanh Hải chảy ra biển Đông Hải dài 6385 cây số.  Nhân thể khẳng định với PNH rằng dương (揚) trong Dương Tử Giang không phải là chữ dương (暘) chỉ mặt trời.

 

TẾ NHỊ

Bạn Yên Sơn kể câu chuyện “Người tế nhị” thật lý thú. Đại thể ông giám đốc nọ bị tai nạn mất lỗ tái trái. Hôm phỏng vấn 3 người xin vào công ty làm việc ông đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa, sau cùng cả ba đều phải trả lời một câu  như nhau: Anh (chị) thấy tôi có gì khác thường?

Người đàn ông thứ nhất trả lời  rành rọt:

- Ông không có lỗ tai trái

Vị giám đốc cho là mình bị xúc phạm, không nhận anh ta

Người thứ hai là một phụ nữ nói đúng sự thực:

- Ngài không có lỗ tai trái

Bất cần nhan sắc người đẹp ông giám đốc  từ chối cô ta.

Người thứ ba là một sinh viên trả lời bằng một câu hỏi lễ phép:

- Nếu tôi không nhầm thi ông đeo kính áp tròng

Ông giám đốc tròn mắt hỏi chàng sinh viên: Tại sao cậu có thể nói như thế.

Anh sinh viên từ tốn: Vì ngài không thể đeo kính có gọng.

Đọc xong ai cũng phải cười và liền đó là suy nghĩ về câu chuyện. Hình như để “không khí còm” nhẹ bớt phần suy tư, bạn nđnn nói giỡn chơi : “Vấn đề "tế nhị" này em được nghe từ bé, hay thế mà bị mẹ cấm tiệt! Tế là cúng, nhị là hai, tế nhị = cúng hai ...Anh Sơn không thích tế nhị à? Sao châm biếm vậy, hihi.” (Cúng hai là cái hung, bỏ chữ “g” đi là cái hun, mà hun cũng là ...hôn. hehehe )

Nhưng nói cho rành rọt “tế nhị” là gì cũng đa đoan lắm.  Từ điển Hán Việt Nguyễn Tôn Nhan kê ra 12 chữ tế và 8 chữ nhị, vậy ghép chữ tế nào vào chữ nhị nào cho ra  tế nhị mà ta đang bàn đến. Kể cũng lạ, các bộ từ điển Hán Việt đồ sộ của Đào Duy Anh, Thiều Chữu, Trần Văn Chánh, Trần thị Thanh Liêm...dẫn ra  chữ  tế và chữ nhị, chứ không có từ “tế nhị”. May thay từ điển Hoa Việt bỏ túi của Khổng Đức và Long Cương (nxb VHTT 1996, trang 476) có đưa ra tự dạng từ tế nhị:  , trong đó tế () là nhỏ, mảnh mai, vụn, mịn, kỹ càng, tinh vi, tinh tế...và nhị () là mỡ, trơn, mập, dơ bẩn, dính, chán ngấy, tinh tế.

     Có lẽ căn cứ vào cái phần “tinh vi”, “tinh tế” cùng có trong chữ  tế () và chữ nhị () mà Đại từ điển tiếng việt đưa ra định nghĩa tế nhị như sau: “1- khéo léo, tinh tế, nhã nhặn trong đối xử (một con người rất tế nhị, ăn nói tế nhị) 2- có những tình tiết rất nhỏ, sâu kín khó nói hoặc không thể nói ra được (vấn đề này rất tế nhị, việc này tế nhị lắm).  Anh sinh viên  trong câu chuyện của Yên Sơn thấy không nói thẳng ra ngài giám đốc chỉ có một tai nên phải nói đến kính áp tròng.  Tế nhị đến thế là cùng, không tuyển anh ta vào công ty chỉ có dại.    

 

 

 

 

 

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

NGÀY TẾT NÓI CHUYỆN CHƠI THƠ

Bulukhin chơi ...rừng bạch đàn

Xưa nay người ta thường chơi thơ vào  dịp tết đến xuân sang với nhiều kiểu chơi  lý thú:  Treo cờ thơ, bình thơ, thả thơ bay lên trời, chép thơ vào hình tròn, hình vuông, hứng lên chép cả vào thúng mủng rổ rá mang đi triển lãm. Riêng ông Phạm Mạnh Danh (1) cách nay hơn nửa thế kỉ có kiểu chơi thơ độc nhất vô nhị mà không mấy ai theo được.  Kể như ở Việt Nam, ông là thủy tổ của nghệ thuật sắp đặt, không sắp đặt đồ vật mà sắp  đặt thơ. Xin giới thiệu  sau đây 2  trong rất nhiều kiểu chơi của ông Phạm Mạnh Danh để quý vị thưởng thức.

Kiểu 1. Rút bốn câu thơ (chữ Hán đã phiên âm) trong bốn tác phẩm khác nhau của  Tàu, ghép lại có một bài thơ tứ tuyệt đủ niêm luật, dịch ra sẽ có bốn câu trong truyện Kiều.

 

1.a

Lưu thù dư tình bổ hóa công        (rút trong Liễu Trai)

Hồng nhan lưu lạc hận nan cùng  (.. Bách Mỹ)

Sinh tiền cá cá thuyết ân ái           (.. Kim Cổ kì quan)

Mạnh lý vô thời tổng thị khô        (..Thăng Bình truyện)

Dịch

Phụ phàng chi mấy hóa công

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha

Sống làm vợ khắp người ta

Hại thay chết xuống làm ma không chồng.

 

1.b

Quế luân tà chiếu phấn lâu không.  (rút trong Tình sử)

Thủy tế, hoa gian ảnh đạm nùng.    (.... Trụ Xuân Viên)

Trù tướng đông lân thiên thụ tuyết  (...Thi Lâm)

Hải đường khai tận nhất đình hồng  (.. Đường thi)

Dịch

Gương Nga chênh chếch dòm song

Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.

Hải đường lả ngọn đông lân

Hạt sương trĩu nặng, cành xuân la đà

 

1.c

Thùy gia tiêu tức đậu đông phong.  (rút trong  Tình sử)

Khứ khứ ly ly tổng tụy dung            (...Ỷ Lâu mộng)

Liệu đắc kim sinh vô ngã phận        (...Tái sinh duyên)

Lai sinh hoặc giả ký trùng phùng     (...Tái sinh duyên)

Dịch

Vì ai ngăn đón gió đông

Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi

Trùng phùng hù dọa có khi

Thân này thôi có còn gì mà mong

 

1.d

Nhất niên xuân sự đáo trà mi     (rút trong Đường thi)

Dĩ bị du phong thám đắc tri         (....Thi lâm)

Nhuyễn ngọc ôn hương thùy vị tích   (...Ỷ Lâu mộng)

Hối giao vũ đố dữ phong xuy        (....Hồng Lâu mộng)

Dịch

Tiếc thay một đóa trà mi

Con ong đã tỏ đường đi lối về

Một cơn mưa gió nặng nề

Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương.

 

Kiểu 2. Chọn nguyên một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt trong sách Tàu (có chua rõ tên bài thơ, tên tác giả,  tên sách) sau khi dịch ra có bốn câu thơ Nôm của bốn tác phẩm khác nhau.

 

2.a

ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ    (Thơ của Thôi Hộ, Đường thi)

 

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diên đào hoa tương ánh hồng

Nhân diên bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Dịch

Lét trong cửa tía mây trùng     (trong tác phẩm Ngọc hoa)

Vẻ hồng kia với má hồng đua tươi    (.....Ngọc kiều lê)

Trông theo nay chẳng thấy người    (.....Chinh phụ ngâm)

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông  (....Thúy Kiều)

 

2.b

XÍCH BÍCH HOÀI CỔ       (Thơ của Đỗ Mục, Đường thi)

 

Chiết kích tầm sa thiết vị tiêu

Tự tương ma tẩy nhận tiền triều

Đông phong bất dữ Chu Lang tiện

Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị kiều

Dịch

Đá hoa sẵn, nhạc vàng treo (trong tác phẩm Bích câu kỳ ngộ)

Nhìn xem dấu cũ ra chiều hoài nhân   (.... nữ Tú tài)

Gió đông chẳng đoái vừn xuân            (.....Lục Vân Tiên)

Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều  (...Thúy Kiều)

 

2.c

ĐỀ HOA CÚC (thơ của Đặng Thị, Tình sử)

 

Lương công diệu thủ ổn an bài

Bút để di lai chi thượng tài

Lục diệp hoàng hoa trường tự mỵ

Đằng nhân bất hứa điệp phonh lai

Dịch

Bức tranh ai khéo vẽ vời   (trong tác phẩm Bướm Hoa)

Phẩm đề xin một vài nhời thêm hoa  (....Thúy Kiều)

Rõ ràng xanh lá đỏ hoa   (..Tống Trân)

Tường đông bướm lại ong qua mặc lòng (...Hoa Tiên)

-------------

(1) Tác giả sách Bút hoa thi thảo, xuất bản tại Nam Định 1942

 

                             Người không hề quen biết

Đọc tiếp ...