Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

VIẾT CHO MÌNH.

Tú hồi còn làm Ngân hàng Ngoại thường Sài Gòn

 

Tú sau ngày cưới

 

Tú cùng chồng và con trai

 

Vào Fecbook thấy bài “Viết cho mình” dài những 3 chương, tác giả Nguyễn Ngọc Tú. Đọc hết mới  hay là của cô con gái Bu ở dưới Vũng Tàu. Hồi cấp 3 nó học chuyên toán, lười viết lách, nay làm ngân hàng suốt ngày tiếp xúc với toàn con số lại đang nuôi con nhỏ nên càng lười hơn. Đọc “Viết cho mình” ông bố là Bu mới thấy mình quan liêu, cho tới tận bây giờ mới hiểu con gái  thời đi học...

 

 

Chương 1
TỆ ƠI LÀ TỆ

Nhiều khi thèm được trở về thời sinh viên, được đi bộ trên con đường của trường Đại học Kinh Tế. Tôi thường nói với anh rằng tôi gắn bó với trường Đại học nhiều hơn anh bởi tôi thuê nhà và ăn uống cũng trong trường. Ngày ấy ham đi làm ghét đi học nên chỉ mong học nhanh nhanh, đến nỗi một bức ảnh chụp lại nơi mình ở, nơi mình gắn bó bốn năm cũng chẳng có. Nhiều lúc thấy không phải mình tệ với ai mà tệ cả với mình. Không chụp được ảnh nên giờ cứ tiếc mãi, nhớ mãi.
Ba đứa học cùng cấp ba rồi thuê nhà ở cùng nhau. Tôi vẫn đề cao chủ nghĩa sống một mình thế nhưng khi được ở cùng bạn bè mới thấy vui và ý nghĩa lắm. Nhờ thế càng ngày mình càng bỏ được tính ích kỷ chỉ biết có bản thân. Tôi ở một mình cho đến hết năm thứ 2 đại học. Thực ra là tôi ở cùng với anh hai nhưng anh ấy đi suốt ngày nên cũng xem như ở một mình. Hương và Quỳnh vẫn thường sang thăm, họ đi đâu cũng rủ nhau. Họ bảo tôi lười đi chơi quá nên chán chẳng buồn rủ, ít nhất là họ cũng rất nghĩ đến tôi. Mỗi lần sang chơi là chuyện trò rôm rả lắm nhưng ai cũng nhận ra vẻ ủ rũ trong tôi, tại tôi là người không yêu cuộc sống. Người ta vất vả người ta mới chán đời, nhưng cuộc sống sinh viên của tôi quá suôn sẻ nên tôi không biết yêu quý nó. Tôi không như những sinh viên khác, không thiếu tiền bao giờ, không phải làm gia sư, không phải đi tiếp thị, bán hàng. Tôi chỉ học, ăn và ngủ. Sau này mỗi khi gặp sóng gió tôi lại thầm cám ơn nó vì nhờ vất vả, khó khăn nên tôi mới yêu cuộc sống, mới ham sống, sống để tận hưởng cả niềm vui lẫn nỗi buồn.

Chương 2
BUỒN DA DIẾT

Cái buồn da diết đầu tiên của tôi là khi anh hai tôi vào Sài Gòn lập nghiệp. Tôi buồn lắm, buồn và nhớ anh. Cũng tại tôi quen lo cho anh tôi rồi, từ ăn uống ngủ nghỉ. Thế mà anh tôi cũng bướng lắm nhiều lúc chẳng chịu, anh cứ bảo tôi là như bà già í. Từ ngày anh tôi vào Sài Gòn người tôi cứ bần thần. Và mục đích học của tôi bấy giờ là học thật nhanh để vào Sài Gòn ở với anh. Tôi tự thấy mình không hợp Hà Nội, Hà Nội đẹp nhưng người Hà Nội khách sáo và kiểu cách nên tôi không theo kịp. Ngày về Đồng Hới ăn tết, hai anh em đứa Bắc đứa Nam về gặp nhau, nhìn anh tôi mà tôi muốn rụng rời, gầy tong cứ như người bệnh. Anh bảo anh toàn ăn mỳ gói đến xoăn cả tóc. Nghe mà não nùng. Giờ anh tôi đã lấy vợ, tôi cũng an tâm lắm.
Cái buồn da diết thứ hai là mất Chuê - Chuê là tên tôi đặt cho con chim chích chòe của tôi. Nó đặc biệt lắm, đặc biệt đến nỗi tôi xem nó là bạn chứ không phải là con chim trong lồng chỉ biết hót. Trông nó sắc sảo và đanh đá, cả tiếng hót của nó cũng vậy - cao vút và rất rõ ràng. Ngày đấy anh tôi mang nó về và giao nó cho tôi. Tôi thuộc típ người thích chăm sóc người khác chứ anh tôi thì không thể. Chuê là của người bạn cho anh. Người ta cũng tâm đắc với anh lắm mới tặng con chim đấy, tại nó là loại lão làng rồi. Nó hót cao và dài. Cứ 5 giờ sáng là nó đã véo von ngoài cửa, hót bằng tất cả niềm đam mê cuộc sống. Anh em tôi toàn là những người ham ngủ, thế mà cũng phải thức dậy để nghe nó hót. Nó vẫn hót say sưa cả khi tôi chửi xa xả vào mặt nó là “im đi để tao ngủ”. Nó không biết sợ, mà cũng đúng, sợ gì tôi một kẻ lười biếng và luôn chán nản. Tôi yêu Chuê lắm, chắc vì tính cách mạnh mẽ và yêu đời của nó - cái mà tôi luôn theo đuổi nhưng không làm được. Tôi tắm cho Chuê vào mỗi buổi sáng, tắm xong mát mẻ là Chuê lại cất tiếng hót, hót luôn khi tôi chưa kịp treo lồng lên, khi lông còn chưa ráo nước, nhiều lúc cũng buồn cười vì niềm đam mê thái quá của nó. Tôi chăm cho Chuê ăn uống hằng ngày, Chuê không sợ người, cứ thấy người hễ quen hay lạ tới lồng của nó thì thay vì nhảy lên hoảng sợ nó lại bình tĩnh nhảy đến gần. Chuê của tôi thực sự đặc biệt. Tôi yêu Chuê còn vì nó không biết nói nên tôi thả sức chuyện trò, vỗ về rồi trêu chọc chửi mắng nó mà không sợ mất lòng. Nhiều lúc cũng thấy nó nhảy cẫng lên, có thể là đang thông cảm với tôi - cô bé suốt ngày ở nhà một mình, thui thủi một mình và chọn cuộc sống một mình.
Một buổi sáng như mọi buổi sáng tôi tắm cho Chuê, nó khoái chí nhảy nhót và hót vô tội vạ, tôi cũng chẳng thèm quan tâm tại đã trễ giờ đi học thể dục, tôi hong Chuê dưới ánh nắng dịu của buổi sáng, nó vẫn thường thích thế. Thường thì chỉ hong Chuê tí xíu thôi rồi treo nó lên chỗ mát ở ban công. Hôm đó chẳng hiểu sao tôi lại bỏ đi học và quên không treo Chuê lên. Mỗi lần nghĩ lại lòng tôi lại dâng trào một cảm xúc khó tả, tôi giận mình và hổ thẹn với Chuê. Hôm đó là một ngày nắng, đi học thể dục về cũng tới quá trưa, tôi mệt mỏi lê cái thân vào nhà định bụng ra ban công thăm Chuê tí. Nhìn lên chẳng thấy cái lồng đâu, tôi vội vã chạy ra xem. Ôi thôi, tôi đã không treo lồng lên nên Chuê đã bị phơi nắng suốt buổi sáng. Tôi nổi da gà khi thấy nó nằm bất động trong lồng. Tôi sợ lắm, lắc mãi cái lồng mà không thấy nó dậy. Tôi khóc thét lên và chạy ra ngoài, giờ viết lại cảm giác đó vẫn còn nguyên trong tôi, run rẩy. Tôi chạy tức tốc sang nhà Hương và Quỳnh. Tôi cần một người thân ở bên cạnh, Quỳnh và Hương không hiểu sao tôi cứ khóc mãi mà không nói gì. Mãi một lúc tôi mới nói được thành lời là con chim chích chòe của tôi đã chết. Quỳnh thở phào khi nghe tôi báo tin, tại thấy tôi khóc sướt mướt bạn ấy cứ tưởng là bà nội tôi có chuyện gì. Lúc đấy Quỳnh mới yên tâm đi pha cho tôi cốc nước chanh, chứ cả buổi bạn ấy cứ gặng hỏi mãi cho được là làm sao tôi khóc. Tôi cảm động lắm, đúng là không gì bằng tình bạn. Trưa hôm đó tôi không dám về nhà, không dám đối diện với cái tội lỗi quá lớn của mình. Hương và Quỳnh nấu cơm cho tôi ăn và hứa là chiều tối sẽ cùng tôi về nhà.
Chiều đến tôi đi gọi điện cho chị bạn anh tôi chị ấy tên là Nhung, nghe có vẻ không ăn nhập nhỉ. Lý do chị Nhung là chủ nhân cũ của Chuê, chị ấy cũng rất yêu Chuê. Tôi báo tin và lại khóc qua điện thoại. Chị thấy tôi khóc nên cũng thôi mắng tôi vì cái tội vô ý. Tôi đi lang thang trong trường và cứ thút thít mãi. Một thằng bạn ở lớp đại học đang phóng xe qua, thấy tôi khóc cứ hỏi cho bằng được lý do. Sau khi nghe tôi kể nó cứ cười mãi, tôi chỉ muốn đập cho nó một trận. Không ai hiểu tình cảm của tôi và Chuê, không ai hiểu nỗi đau của tôi. Chuê đáng được sống hơn tôi, vì nó rất yêu cuộc đời này.
Tôi viết nhật ký, đó là trang nhật ký duy nhất từ trước tới nay tôi còn giữ. Trong đó đầy những lời hối hận và trách mắng bản thân. Tôi hứa với Chuê tôi sẽ sống tốt hơn, yêu đời hơn, hứa với Chuê là tôi sẽ sống thay cho Chuê để tạ lỗi với nó. Và tôi đang vẫn giữ lời hứa với Chuê của tôi.
Tối hôm đó, tôi, chị Nhung và Hương cùng đưa nó đi chôn. Chuê được nằm dưới một gốc cây to trong trường Kinh tế, bọn tôi cố lựa chọn một chỗ mát mẻ nhất cho Chuê.

Chương 3
NHỮNG NGÀY KHÔNG THỂ QUÊN

Thường tiêu đề này dành cho các cựu chiến binh kể về thời chiến oanh liệt, nhưng với tôi đó là những ngày tháng yên bình và đẹp đẽ của thời sinh viên. Kể từ khi anh hai tôi vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi ở chung với Quỳnh và Hương. Ba chúng tôi có ba cái bàn học, ba cái đèn bàn, một cái ti vi 14 inch, soong nồi chén đũa đủ các loại nhưng không theo bộ và một cái bếp ga mi ni, loại mà mấy hàng lẩu bình dân vẫn thường dùng, mỗi lẫn bật bếp lên là khách lại bịt tai, che mắt vì sợ nổ. Chúng tôi phân công nhau nấu nướng vì mỗi đứa học khác buổi nhau. Đầu tháng mỗi người đóng một trăm hay một trăm rưỡi ngàn gì đó, và tiền quỹ sẽ dùng chi tiêu chung. Mỗi ngày chúng tôi đi chợ chỉ có mười ngàn, đôi lúc chỉ cần bảy ngàn thôi: hai lạng thịt: năm ngàn, rau: hai ngàn. Rau xào với thịt, rau nấu canh với bột tôm. Thịt thì tí tẹo, rau thì cả rổ thế nên nhiều khi đi chợ về chẳng tìm thấy gói thịt đâu tại nó đã lọt thỏm ở dưới bịch rau to tướng rồi. Tôi là hơi phung phí vì đi chợ đôi lúc lên tới mười lăm ngàn. Về nhà lại bị khiển trách “tiêu tiền thế thì nửa tháng là hết tiền đấy”. Có thể tại tôi gầy nhất trong ba đứa nên có nhu cầu bồi dưỡng. Cũng vì gầy gò ốm yếu nên tôi được phân công nằm giữa, trời lạnh có ai kéo chăn thì tôi cũng là người được hưởng. Lý do nữa là tôi ngủ nhiều, dậy trễ nên cứ nằm giữa thì không phải làm phiền ai khi thức dậy.
Trong ba đứa tôi giỏi hơn về nấu nướng, chăm sóc sức khỏe và chút ít về làm điệu nhưng đổi lại tôi rất dốt về đường sá nên không ít lần tôi đi lạc dù con đường đó tôi đã được đi rất nhiều lần. Quỳnh thường nản lòng khi chỉ đường cho tôi, và quyết định cuối cùng của tôi là thôi ở nhà không đi nữa. Ngược lại, Quỳnh không có xe máy nhưng bạn ấy thuộc rất nhiều đường và rất thích đi đây đó. Hương thường đi cùng tôi, tuy không biết đường nhưng tôi là lái xe tin cậy của bạn ấy, chúng tôi đi cùng nhau thì xem như ổn. Hương thích tôi làm món chim cút rô ti còn tôi thì chỉ biết kêu bạn ấy khi ăng ten tivi bị hỏng. Kể đến cái ăng ten ti vi 14 inch của chúng tôi thì phải giải thích thế này: nó thường xuyên bị cắt ngắn dần để nối lại mỗi khi tivi rồ lên không rõ hình. Tại bị cắt nhiều quá nên dây ăng ten bị ngắn tới nỗi chúng tôi phải gác cái tivi cao lên kẻo không vừa dây, lâu lâu phải kiếm một đoạn dây khác nối vào, thế nên trông nó chắp vá và te tua lắm. Kỹ thuật nối dây dợ của tôi cũng tốt lắm nhưng nối ăn ten ti vi và để xem cho rõ thì chỉ có Hương mới trị được thôi. Quỳnh thường không quan tâm nhiều đến tivi, còn tôi và Hương thì nghiền film lắm.
Quỳnh và Hương học rất giỏi, họ là tấm gương học tập của tôi, có hai tấm gương bên cạnh nhưng tôi vẫn thế, tại sức ì của tôi lớn quá. Họ giúp tôi lớn lên nhiều lắm, tôi đỡ ích kỷ và không phải chỉ biết mình, tôi biết đi dự sinh nhật bạn bè, biết quan tâm người khác biết đến thăm nhau mặc dù mỗi lần đi cùng hai bạn ấy tôi cũng khá bị động. Tôi thường bảo tôi ít bạn. Quỳnh nói là do cách sống của tôi. Mỗi dịp sinh nhật tôi thì chỉ có Hương và Quỳnh, nhiều lúc bản thân tôi cũng cảm thấy ái ngại. Chất vấn lại mình thấy mình cũng sống tốt lắm, chỉ mỗi tội không chơi với ai thôi, cái gì cũng có qua có lại, tôi có giao du với họ đâu mà họ nhớ đến tôi chứ. Có dịp 20.10 cả ba đứa tôi đợi từ sáng tới chiều chẳng có ai đến chúc mừng. Tối đến thấy cũng tủi thân, thế là chúng tôi nghĩ ra cách tặng quà cho nhau. Chúng tôi rủ nhau ra quầy quà lưu niệm, ai thích gì thì chọn rồi hai đứa còn lại sẽ góp tiền mua tặng. Về nhà cả ba chúng tôi đều thấy vui vì có quà dù là từ tiền của mình bỏ ra. Có những buổi chiều cuối tuần chúng tôi tâm sự mãi mà không hết chuyện, nằm ngả nghiêng, cười hả hê. Nói nhiều mệt quá đến chiều tối không ai nấu cơm nỗi. Cả ba quyết định tự giải phóng mình bằng việc đi ăn cơm bụi. Ăn cơm xong lại lê la hàng quán ốc kem, chè chuối... nói chuyện tiếp. Chúng tôi đi đến mòn đường trong cái trường Kinh tế ấy. Giờ không cần nhắm mắt tôi vẫn tưởng tưởng ra được con đường vào trường có hồ nước bên tay trái với rất nhiều liễu rủ. Đường ra cổng sau của trường nơi có rất nhiều hàng ăn và đông đúc người qua lại. Đường lên thư viện, đường lên giảng đường đi qua cây cầu xinh xinh. Đường vào ký túc với hàng cây cổ thụ che bóng, sinh viên vẫn qua lại hối hả. Nhớ lắm… Tự nhiên thấy ghen tị với mấy em đang được học tại trường, đang có cảm giác của mình ngày ấy. Nhưng tôi biết giờ đã nhiều đổi khác, giờ tôi có là sinh viên thì cũng đâu còn cảm giác của ngày xưa. Có muốn nói Nếu như ngày ấy… cũng không được gì, thôi đành giữ cho riêng mình, viết ra để già còn đọc lại.
Ba chúng tôi thân nhau quá nên không màu mè, hiểu nhau quá rồi nên chỉ thích tìm hiểu những bạn mới. Hương có nhóm bạn rất thân ở lớp kiểm toán, tôi thấy họ yêu thương nhau nhiều lúc phát thèm. Quỳnh thì có nhóm bạn gọi là “đẳng cấp” vì ai cũng học giỏi và họ thương trao đổi tài liệu và kinh nghiệm học tập lẫn nhau. Còn tôi cũng có một hội bạn trong lớp tạm gọi nhóm Hà Nội tại họ hầu hết là người Hà Nội. Tôi được gán một danh hiệu gần như là con nhà giàu nên hội của tôi nôm na cũng là những người như thế. Tôi không như Hương và Quỳnh, tôi chơi với nhóm bạn của mình khách sáo, tôi không dám nói lên quan điểm của mình với họ, không dám nói cái mình thích và cái mình không thích, tôi sợ mất lòng, cảm giác thường xuyên chán nản của tôi chắc cũng xuất phát từ việc sống không hết lòng đó. Rồi tôi cũng xa họ dần vì tôi không quen cúp học, đi chơi xa hay tham gia vào những trò nhiệt huyết của sinh viên. Tôi tâm sự với Hương về sự không chân thành của tôi trong tình bạn cùng lớp, tôi đau khổ vì việc khó thích nghi của mình nhưng tôi nhận thấy mình thực sự không hòa hợp được. Thế nên giờ tôi vẫn cố dạy con hãy tự đến chơi với bạn. Tôi đọc sách và biết trẻ có hai hướng tính cách: hướng nội và hướng ngoại. Tôi chắc hẳn thuộc típ người thứ nhất.
Cũng đã mười năm sau những ngày tháng sinh viên ấy. Giờ đây tôi đã làm xếp, gặp gỡ nhiều và giao tiếp nhiều. Người ta còn khen tôi có duyên ăn nói. Cuộc sống và hoàn cảnh đã gò tôi thành như thế. Nhưng thực sự tôi vẫn là tôi, chỉ là trải lòng mình hơn với cuộc đời thôi. Tôi yêu con người của mình tuy nhút nhát nhưng chân thành. Giờ tôi có nhiều đồng nghiệp, có những người em đáng quý. Tôi tâm sự với chúng nó bộc bạch hơn chứ không sống khách sáo, xét nét như thời chơi với hội bạn Hà Nội. Tại cuộc sống quá ngắn ngủi, mong mình sống thật với mình, sống thật với người thì mọi người sẽ nhanh hiểu nhau hơn.
Có nhiều đồng nghiệp, giỏi giao tiếp nhưng tôi loay hoay tìm một người để đến chơi vào ngày cuối tuần cũng chẳng có. Tôi ơi vẫn thế. Tôi lại nhấc điện thoại tìm đến số điện thoại quen thuộc mặc dù đã lâu chúng tôi không liên lạc: Alô Hương à!
Tại chúng tôi hiểu nhau quá mà…

 

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

TẬP LÀM BỐ

 

 

 

 

Cu RƠM ở nhà trẻ 

 

Cậu con trai Bu hành nghề thiết kế kiến trúc ( mở doanh nghiệp RƠM VÀNG ở  107 Nguyễn Cửu Vân,  P17. Q. Bình Thạnh) từ ngày có con, cu cậu chí thú làm ăn. Không viết blog nữa mà xoay ra viết báo, đi dạy vẽ để kiếm thêm tiền cho con vào trường Việt Mỹ.  Mới đây thấy nó cho lên facebook bài “Con đi học” với rất nhiều ảnh thằng cu Rơm con trai nó. Bu ngộ ra rằng muốn đưa anh con trai  sau tuổi 25 vào khuôn khổ nề nếp chỉ có cách “bắt” cu cậu lấy vợ.  Mời bạn đọc bài viết của ông bố trẻ của cậu con trai 18 tháng tuổi.  

CON ĐI HỌC

 ngày 11 tháng 1- 2010 lúc 11:59 chiều

Ngày mai, chính xác là hôm nay bởi khi viết ra những suy nghĩ này đồng hồ đã điểm gần 1h sáng ngày 12-1-2010.
Cả buổi chiều, mình đi lo thủ tục nhập học nhà trẻ cho
cậu con trai mới 18 tháng tuổi lẻ mấy ngày, chiều về gặp nó chỉ muốn bế mãi trên tay, chẳng hiểu tại sao nữa, bởi trẻ đến tuổi
phải đi học là chuyện bình thường. Giờ đây, buổi sáng, ba đi làm, mẹ đi làm và Rơm đi học. Rơm phải làm quen với những người hoàn toàn xa lạ, cô giáo, bạn bè, đồ chơi cũng mới. Sẽ không có những câu ê a của ba hay tiếng mẹ ru ngủ vào buổi trưa nữa. Con đường vào giấc ngủ của Rơm sẽ thay bằng một giọng khác, một âm hưởng khác...Rơm sẽ có một cuộc sống khác ngoài ngôi nhà thân quen lâu nay. Nghĩ cũng chẳng có gì ghê gớm cả, nhưng lòng vẫn róc rách sao đó. Bởi mình nghĩ nó còn quá bé bỏng, bé bỏng như hồi cu cậu mới sinh ra vài ngày vậy. Mãi mãi như thế.
Mình là một người rất kém thơ, nhưng từ ngày có Rơm mình lại thuộc thơ viết về trẻ con rất nhanh. Chiều nay bế nó, tự nhiên buột miệng đọc mấy câu chẳng rõ của
tác giả nào:

Con là thiên thần của mẹ
Không phải down ra từ mạng đâu
Đừng làm cư dân toàn cầu
Mẹ sợ con
đa
ng bé nhỏ.

Cuộc sống là trải nghiệm, với nó đi nhà trẻ là một trải nghiệm đầu đời, là một công việc, việc đi học. Sẽ rất khác lạ trong ngày đầu tiên đi học con trai ạ, con phải tập thích ứng với những điều "rất khác" đó. Nó giúp con thực sự lớn lên từng ngày, có lẽ nó chưa đủ "phức tạp" để suy nghĩ nhiều như ba nó, với Rơm đi học là chuyển sang một sân chơi mới, đông người hơn. Mong con mạnh khỏe và vui tươi như ở nhà, Ba yêu con rất nhiều.

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

ĐÔI LỜI VỚI BẠN HOA SÚNG

Vách đá ở động Phong Nha

( Ảnh của Thành Huế)

 

 

Bạn ấy là PNH, chụp ảnh chuồn chuồn, hoa bướm, đẹp tuyệt, nhưng  Bu muốn  gọi “bạn hoa súng”  vì ảnh hoa  súng của bạn đẹp không kém gì ảnh hoa bướm, mà Bu  lại rất yêu loài hoa này. Hôm nay bạn Hoa Súng hỏi Bu một câu thú vị : Tôi  muốn hỏi Bu về TÍNH CÓ,  tức cái có  đồng  nghĩa với TÍNH KHÔNG chứ không phải phản nghĩa”

 

   Trước hết tạm chưa nói đến sự đồng nghĩa giữa có và không mà chỉ nói vắn tắt cách hiểu thông thường hai từ đó.

1-  CÓ:  là từ biểu thị  trạng thái tồn tại nói chung Có ai đến đây. Cơ hội ngàn năm có một

2-  KHÔNG: Là từ biểu thị ý phủ định đối với điều được nêu ra sau đó (có thể là một hiện tượng, sự vật, hoạt động, trạng thái, tính chất hoặc tính cách) Không một bóng cây. Không ai nói gì cả.  Không thầy đó mầy làm nên.  Máy không chạy. Người  không được khỏe.

    Như vậy, "có" và "không" theo cách hiểu thông thường là từ nọ phủ nhận từ kia. Đã "có" thì không thể "không", đã "không" thì không thể có. Nhưng  PNH đang nói "có" và "không" cùng  nghĩa tức là bạn đã theo tinh thần Bát Nhã tâm kinh của Phật giáo rằng  “sắc tức thị không, không tức thị sắc” ( 色 卽 是 空, 空 卽 是 色 ). "Có" trong trường hợp PNH nói chính là “sắc”.  Nói rõ thế nào là "sắc" tức đã trả lời  về “tính có” mà bạn hỏi. Theo  luận lí nhà Phật thì "sắc" là một trong ngũ uẩn (5 điều tích gộp lại) là:

1- Sắc:  Chỉ thân và lục căn (6 giác quan) mắt, tai, mũi, lưỡi, thân , ý.

2- Thụ: Cảm giác

3- Tưởng: Nhận biết các cảm giác

4- Hành:  Hoạt động của tâm lý sau khi có tưởng

5- Thức:  Bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ với 6 giác quan.

Cho dù  nói về “sắc” nhưng Bu phải dài dòng về ngũ uẩn để dẫn tới  “sắc” là “không”. Phật giáo cho rằng con người được tạo thành từ 5 cái uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái “ta” thực sự đứng đằng sau con người đó tức là vô ngã.  Tri kiến về tính vô ngã của ngũ uẩn là một trí kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến giải thoát. Đại sư người Đức  Ni -a -na Ti-lo-ka trình bày như sau về tầm quan trọng đó. “Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại  chúng  không thể tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một  thể của cái ta độc lập với chúng để ta tạm gọi là cái ta. Lòng tin  có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ  là một ảo tưởng” (1) Joseph Goldstein cũng viết “Cái mà chúng ta gọi la cái ta chỉ là ngũ uẩn hiện hành vô chủ” (1). Nhà Phật còn tính ra rằng trong một ngày thân ta đổi thay, thay đổi, nghĩa là chết đi sống lại...có tới  6.400. 099.980 lần, tính gần đúng cho một giây thân ta thay đổi 1.481.504 lần!  Vậy thì PNH và Bulukhin là người nào trong số gần một triệu rưởi lần thay đổi trong một giây đồng hồ ấy.  Chúng ta có mà vẫn không. Không ở đây không phải là trống rổng, mà là không có thật như ta nhận thức. Cái mà bạn gọi có (hữu) chỉ là “giả hữu” mà thôi. (2) Huhuhu!

(1)   Dẫn theo Nguyễn Tường Bách và Chân Nguyên trong Từ điển Phật Học

(2) Dẫn theo Phật học tinh hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

THỬ ...NÓI CHUYỆN TRÊN TRỜI !

 

 

                   Suối nước nóng Bang (105 độ) ở Lệ Thủy Quảng Bình

                                         Bu chụp ngày 11.3.2010)

 

Bạn NĐNN viết:

Đọc tới đọc lui định nghĩa chân lí của Từ điển Bách khoa Việt Nam em chóng mặt hoa mắt, tẩu hỏa nhập ma tới giờ chưa tỉnh Bu ơi. Bu có định nghĩa nào cụ thể hơn dễ hiểu hơn chút cho mấy người ít chữ như em huhuhu...Em vừa google thấy cái này, "Chân lí là sự thật tuyệt đối" ...vậy nghe ổn không Bu?

NĐNN à, chữ nghĩa Bu chẳng khá gì hơn bạn, chẳng qua trao đi đổi lại vài ba câu cho vui đời. Mà thôi, chớ đụng vào cái từ điển Bách khoa ấy làm chi cho đau đầu. Lần trước Bu cũng nói rồi, tri thức nhân loại mỗi thời mỗi khác, và mỗi thời như vậy có chân lý khác với thời kia.  Còn nói như bạn “chân lí là sự thật tuyệt đối” thì BU nghỉ không một thiên tài nào ở vào bất kì thời đại nào, nhìn thấy chân lí cả. May ra có một người duy nhất ấy là Chúa trời. Kinh thánh nói rằng chính ngài tạo ra muôn vật, và điều hành cơ chế hoạt động của nó (trong vòng sáu ngày, sang ngày thứ bảy mệt quá ngài nghỉ giải lao nay ta gọi là ngày chủ nhật, chúa nhật mới đúng). Vậy nếu như con người biết hết bí mật của Chúa trời tức biết được SỰ THẬT TUYỆT ĐỐI thì Chúa trời sẽ không còn là Chúa trời nữa, hẳn ngài sẽ không cho con người sống yên.

      Theo đề nghị của bạn, Bu dẫn ra đây một số định nghĩa về chân lí của Đại từ điển tiếng Việt bộ mới, xb năm  2007

1- Chân lí:  Sự phản ánh hiện thực vào nhận của con người đúng như chúng tồn tại trong thực tế khách quan.

2- Chân lí tương đối: Chân lí phản ánh không hoàn toàn sự vật, hiên tượng của hiện thực mà chỉ trong giới hạn nhất định (có lần Bu tui nói thế !)

3- Chân lí tuyệt đối: Chân lí phản ánh một cách hoàn toàn đối tượng của nhận thức, những khía cạnh cơ bản nhất của hiện thực. (đúng như bạn nói ?)

    Các luận lí của Phật giáo bao giờ cũng muốn đi đến sự rốt ráo của bản thể. Thế nhưng ngài Long Thọ (một trong những luận sư vĩ đại của lịch sử Phật giáo) cũng phải thừa nhận  “Chân đế” có hai nghĩa :

1- Chân lí tuyệt đối:  Chư hành vô thường , chư pháp vô ngã,  niết bàn tịch tĩnh.

2- Chân lý quy ước: là chân lí tương đối của thế giới hiện tượng. Quan điểm “hai chân lí” (nhị đế) này được nhiều tông phái phật giáo chủ trương.  (riêng  phần này ông Long Thọ cũng nói như chúng ta chăng??)

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

CHÚC MỪNG CHỊ EM NGÀY 8.3

 

Bạn TKO bên Yahoo! 360plus hỏi Bu về tính  không trong Phật giáo, bạn NĐNN hỏi Bu ơi, chân lí là sự thật tuyệt đối nghe có ổn không. Câu hỏi nào nghe cũng hóc hiểm, cũng đáng phải trả lời, vì trả lời bạn tức là mình phải động nảo mà học tập thêm. Nhưng ngày mai là mùng 8 tháng 3, Bu phải khất nợ các bạn để tôn vinh chị em Phụ nữ, và  đưa vài hình ảnh về những người phụ nữ thân thiết trong đời Bu.

  

Người đầu tiên là bà xã Bu, người đã chung sống cùng Bu từ năn 21 tuổi tấm ảnh đen trắng trên nàng chụp ở tuổi 50. Năm 2011 người giả từ cơ quan về vui với cháu nội cháu  ngoại.

  

  

Và đây là  con gái và con dâu Bu. Cô con gái mặc áo dài trắng ( ở Vũng Tàu) và  cô bên cạnh là con dâu ( ở Sài Gòn).  Nhờ hai cô mà Bu được lên chức ông nội và ông ngoại.

  

  

 Thằng cháu đích tôn (mặc áo ba lỗ) tên là cu Rơm thằng cháu ngoại (mặc áo cộc tay) tên là cu Bắp.

 

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

NGỘ VÀ GIÁC NGỘ

 

 

 

 

Anh nhà quê vào thành phố

(PNH chụp Bu năm 2009)

 

“Công chúa” Huyền Trân sau khi đọc câu cuối trong bài “trí tuệ và trí huệ” của Bu rằng:  Đạt được trí huệ (tức trí bát nhã) là giác ngộ và là một yếu tố quan trọng của Phật quả” liền đưa ra câu hỏi: Ngộ và giác ngộ có khác nhau không bác Bu ? Em đang suy nghĩ về câu cuối cùng của bác”

Bu phải đặt ngộ và giác ngộ vào hai không gian khác nhau để dễ diễn đạt. Ấy là không gian đời thường và không gian Phật giáo

1- Không gian đời thường:

- Ngộ ( ) là hiểu ra được

Kinh thư có câu:  Nay trời bắt phải đau yếu, không dạy được, không hiểu được (kim thiên giáng tật đãi phất hưng phất ngộ :

今 天 降 疾 矽 弗 興 弗 悟)

- Giác ( ) là biết ra, hiểu ra...

Hán thư có câu: Có việc dấu diếm mà không chịu nói (nếu ) bị phát giác ra,  miễn chức quan ( hữu nặc nhi bất ngôn giác miễn: 有 匿 而 不 言 覺免)

Như vậy, giác và ngộ viết khác nhau nhưng nghĩa na ná nhau.

- Giác ngộ ( 覺悟) : là nhận thức được cái đúng cái sai, làm theo điều  đã xác định là chân lí. So với chữ ngộ thì giác ngộ cũng chỉ sự hiểu biết nhưng kèm theo sự lựa chọn để hành động nữa.

2- Không gian Phật giáo

1- Ngộ (悟): Là một thuật ngữ của phái thiền tông, được dùng để chỉ  sự “nhận thức”, “trực nhận”, “thấu hiểu xuyên suốt”. “Nhận thức” ở đây không phải là sự hiểu biết thông thường, hoặc nhận thức theo các hệ thống triết lí mà chính là sự trực nhận chân lí không có sự phân biệt giữa “người nhận thức” và “vật được nhận thức” (nhân, vật, bất nhị) một danh từ khác đồng nghĩa với ngộ là kiến tính (Bu không nói ở đây vì dài dòng  quá). Nếu nghiên cứu kĩ cách sử dụng danh từ ngộ và giác (Bồ đề) trong các kinh luận người ta có thể thấy được một sự khác biệt tinh tế  trong cách sử dụng. Ngộ thường dùng để chỉ cái kinh nghiệm thức tỉnh trong ý nghĩa ngay tức thì của nó trong khi “giác”  được dùng với ý nghĩa “ngộ thường trực”.

2- Giác ( ). Là danh từ chỉ sự tỉnh thức, tiếng Phạn là bodhi âm Hán Việt là Bồ đề (về chữ giác đã có nói một ít ở chữ ngộ). Giác thường đi với  ngộ thành giác ngộ.

3- Giác ngộ ( 覺悟 ) Là danh từ để chỉ trạng thái tỉnh thức, lúc con người bổng nhiên trực nhận tính không, bản thân nó là không cũng như toàn thể vũ trụ cũng là không. Chỉ với trực nhận đó, con người mới thấu hiểu được thể tính mọi hiện tượng. Tính không ở đây không phải là sự trống rổng thông thường mà nói về thể tính vô biên không thể dùng suy nghĩ, cảm nhận để đo lường, nằm ngoài  cặp đối đãi có - không. Tính không này không phải là một đối tượng để một chủ thể tiếp cận đến vì bản thân chủ thể cũng thuộc vè nó. Vì vậy giác ngộ là một kinh nghiệm không thể giải bày. Người giác ngộ hoàn toàn là đức Phật lịch sử  Thích Ca Mâu Ni, cũng là người bắt đầu giáo hóa cho nên đạo Phật  cũng được gọi là “đạo giác ngộ”

     Nói cho thật ngắn gọn thì ngộ là sự tỉnh thức trong thời gian cực ngắn, còn giác ngộ là sự tỉnh thức thường trực lâu dài trong đó nhận thức được tính không.

     

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

TRÍ TUỆ VÀ TRÍ HUỆ

 

Bình minh Nguyên Tiêu Nhật Lệ

 

 

Bạn TKO (Blog Yahoo! 360plus) nói với Bu Em đọc sách Phật pháp thấy chữ trí Huệ ...Vậy giữa trí huệ và trí tuệ có điểm tương đồng hay khác biệt nào về ý ngĩa không hở  Bu ?”. Bạn hỏi thì trả lời, nhỡ ra có sai thì Bu không chịu trách nhiệm. Nói cho vui vậy nhưng dầu sao cũng có chút xíu sự thật vì Bu không phải nhà phật học hay nhà ngôn ngữ.

1-Tương đồng giữa trí tuệ và trí huệ

Đây là hai từ Hán Việt. Trí tuệ ( 智慧 ) và trí huệ  ( 智惠 )  có cùng chữ trí (   )  và cho dù tuệ ( ) và huệ ( ) có viết khác nhau chúng vẫn xuất phát từ bộ tâm ( ) . Tức cả hai từ đó đều nói về sự hoạt động của bộ nảo con người.

2- Sự khác nhau về ý nghĩa của trí tuệ và trí huệ

- Trí tuệ là khả nhận thức và suy xét của bộ nảo con người. Đây là thứ trí tuệ nhập thế, nó phản ánh sự hoạt động của bộ nảo con người trước các hiện tượng tự nhiên, và hiện tượng xã hội theo những quy luật thông thường trong cái thế giới mà ta đang sống.  Theo các Luận sư Phật giáo thì trí tuệ chỉ là một phần, một yếu tố của trí huệ mà thôi.

- Trí huệ cũng là khả năng nhận thức và suy xét của bộ nảo con người nhưng ở mức độ cao hơn của những vị tu hành, xuất thế. Nó phù hợp với không gian khác, hệ quy chiếu khác. Trí  huệ nhìn nhận các pháp không ở hiện tượng mà ở cái bản thể của nó, tức chư hành vô thường chư pháp vô ngã (mời bạn đọc thêm bài kinh Kim Cang nói gì). Trí huệ đồng nghĩa với Bát nhã (tiếng sanskrit: prajnã ) là  sự nhận thức không phải do suy luận mà có, mà là trực nhận tính không của các pháp. Đạt được trí huệ (tức trí bát nhã) là giác ngộ và là một yếu tố quan trọng của Phật quả. 

Đọc tiếp ...