Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

TẢN MẠN VỀ ...CÂY TRE

                                                            Lũy tre làng  

 

                                       "Tre già măng mọc" cu Rơm vẩy ông nội

 

 

   Cây tre đi vào huyền thoại và gắn bó với người Việt đã hàng ngàn đời nay. Có lẽ phải  kể từ thời Thánh Gióng nhổ Tre Ngà  tiêu diệt giặc Ân. Rồi hoàng tử Lang Liêu dùng lạt tre gói bánh chưng  dâng vua Hùng. Mũi tên của Thục An Dương Vương bằng đồng, còn thân hẳn là bằng tre. Đến thế kỷ 20 tre vẫn theo người ra trận. Gậy tre Tầm Vông đánh Pháp giành chính quyền. Chông tre  của đồng bào Miền Nam đánh Mỹ. Măng tre đi vào bữa ăn người chiến sĩ, lá tre tươi nguỵ trang che mắt quân  thù, lá tre khô được anh nuôi  thay củi đun bếp.  Sang thời hiện đại, đụng vào đâu cũng gặp tre trong gia đình người Việt. Từ cái đũa tre, tăm tre, nơm bát cá, cho đến cái chổi tre, quạt nan tre. Với văn hoá  ẩm thực, con cháu nhà "tre" làm vui lòng bạn bè năm châu bốn biển bằng những thực đơn nhắc đến đã thấy ngon: Bún măng, măng xào củ hành, măng kho thịt. Tre đi vào văn hoá địa danh với những: Tỉnh Bến Tre , hồ Trúc Bạch,  Bến Nứa,  Trúc Lâm Yên Tử,  Suối Lồ Ồ....   

     Thế nhưng, các nhà ngôn ngữ vẫn tốn khá nhiều công sức, giấy mực để bàn về cây tre. Cũng cái cây ấy nhưng  khi này tre, khi khác trúc, lẫn lộn nhau tưởng như vô hồi kì trận. Sách "Điển cố văn học" (1) ở trang 412 có câu: "chặt hết trúc trên núi Nam Sơn (2), chẻ thành tre cũng chẳng đủ để ghi tội ác Tuỳ Dượng Đế"(3). Hoá ra tre chỉ là mảnh nhỏ của trúc sao ? Thế thì lạ quá.  Băn khoăn được "Từ điển tiếng Việt" (4) đã thông ngay. Trang 1028 ghi: "Trúc - tên gọi chung của các loài tre nhỏ, gióng thẳng". Nhưng chính từ điển này lại tạo ra thắc mắc khác! Thành ngữ "Trúc chẻ ngói tan" được giải thích trong dòng thứ 6 sau đó bằng một ví dụ: "Vì thế quân địch mạnh như chẻ tre, đánh đến đâu quân đối phương tan rã đến đó".  Trúc chẻ ...tức là chẻ tre, vậy tre cũng chính là... trúc !  Trúc chẻ chữ Hán là "phá trúc" mà "phá trúc" dịch ra tiếng Việt là "chẻ tre". Uyên bác như cụ Đào Duy Anh mà Trong từ điển truyện Kiều,  cũng gián tiếp đồng ý như thế.  Sự oái oăm ấy chung quy do bất đồng ngôn ngữ, do cái kho từ vựng của mỗi nước trái hèo nhau. Ngoài ra còn do niêm luật, thanh điệu  nên trong văn chương của ta ngày xưa chữ tre không được dùng, chữ trúc không dược dịch.  Tre (thanh bằng) không thể thay thế cho trúc (thanh trắc) được. Rốt cuộc các tác giả đã chọn cái hay nhưng tối nghĩa, thay cho cái đúng nằm ngoài vòng luật lệ. Thử tưởng tượng hai câu lục bát sau đây mà thay chữ trúc bằng chữ tre, đọc lên sẽ ngang như cua.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Miệng ăn măng trúc, măng mai

Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng

(ca dao)

 Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo bằng chữ Hán, ông buộc phải dùng chữ trúc trong hai câu sau:

Quyết Đông hải chi thuỷ, bất túc dĩ trạc kỳ ô

Khánh Nam sơn chi trúc , bất túc dĩ thư kỳ ác

Cụ Bùi Kỷ không thể biến trúc thành tre mà phải dịch:

                Tát cạn nước Đông Hải, không đủ rửa vết nhơ

Chặt hết trúc Nam Sơn, không đủ ghi tội ác

Với người Việt, cây tre còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc. "bụi tre che tứ phía". "tre già măng mọc" là thế hệ trước nằm xuống, thế hệ sau vươn lên giữ cho trường tồn nói giống . Đã có chiến sĩ hy sinh trong trận chiến với quân thù ở thế đứng tựa vào cây rừng, miệng chưa tắt hết nụ cười, như cây tre cuối đời còn gửi vào trời đất chùm hoa duy nhất màu vàng rơm lúa. 

      Trong văn chương dân gian nói về cây tre hay nhất có lẽ là câu đối 

Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết

Đáo lăng vân xứ dã hư tâm

Chưa mọc lên khỏi mặt đất đã có đốt

Chạm đến mây trời ruột vẫn rổng không

 

Dân gian nói tre mà thực ra là nói người. Một thứ người siêu phàm vừa dân tộc lại vừa nhân loại mà ta tu luyện mấy đời cho bằng được. "chủng tộc" tre cũng có nam có nữ, thì chẳng có tre đực tre cái là gì. Tôi chưa  được đọc luận văn nào nghiên cứu sự sinh con đàn cháu giống của họ hàng nhà tre có đến 150 loài. Chỉ nghe người dân quê nói gọn "tre đẻ ra măng" như kiểu trâu đẻ ra nghé ấy. Cái cơ thể tre một khi sinh trưởng lại biết nghe. Người đời nhắc nhau  "bụi tre có lỗ tai", liệu mà giữ mồm giữ miệng. Biết nghe thì phải biết nhìn để mà phân biệt, để mà đối xử. "Mắt tre"  là một thứ tuệ nhãn nhìn thấu suốt triết lí sâu xa. Chả thế mà "người Bamoun và người Bamiléké gọi mỗi đốt tre là một nụ cười (Guis) là một biểu tượng của niềm vui sống giản dị, không bệnh tật chẳng ưu tư"(5). Lại có "tre bánh tẻ"  để đi vào ca dao, phụng sự cho tình yêu con người

                             

                             Lạt này gói bánh chưng xanh

Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng

 

Chưa ai nói đến miệng tre bao giờ nhưng " tiếng tre kẻo kẹt thì một vài bậc hiền minh coi là tiếng hiệu của sự thông tuệ" (6) Cho nên cái cơ thể tre bé bỏng kia chưa nhú lên khỏi mặt đất (vị xuất  thổ thời) đã hàm chứa hình hài một cơ thể hoàn chỉnh (tiên hữu tiết). Đấy chính  là cái nhìn nhân văn "nhân chi sơ tính bản thiện" của ông cha ta ở bài học vở lòng làm người trong thời quá vãng. Thế rồi cái "thân tre" chỉ hút tinh đất, khí trời, và ánh sáng mà tu luyện, mà lớn lên cho đến lúc "đáo lăng vân xứ", tức là chạm đến xứ mây của ngài Lão Tử để tu cho rổng không thân mình. Đến đây thì Phật và Lão gặp nhau "đó là thoát ra ngoài các cơn lốc hình ảnh, các ham muốn và cảm xúc, thoát ra khỏi bánh xe các cuộc đời phù du, để chỉ còn cảm thấy niềm khát khao cái tuyệt đối" (7) .

     Câu đối 14 từ Hán Việt, dịch ra 16 chữ Quốc ngữ chỉ nói về một giống tre của xứ sở. Và những ai học hết sách thánh hiền, thông tuệ thiên kinh địa nghĩa, liệu có đáng nghiền ngẫm thêm bài học về cây tre ấy không ??   

 

 

(1) Điển cố văn học: Nhà XBKHXH- Hà Nội 1977 Đinh Gia Khánh chủ biên

(2) Nam Sơn : Ngọn núi phía nam, chỉ việc Đào Tiềm đời Tấn bỏ quan về vui thú điền viên , làm bài thơ "ẩm tửu" có câu "Thái cúc đông ly hạ , Du nhiên kiến Nam Sơn" (Hải cúc dưới giậu phía đông, Ung dung ngắm dãy núi phia nam)

(3) Tuỳ Dượng Đế: Sách "Điển cố văn học" có thể nhầm, vì Tuỳ Thư  quyển 3 gọi  tên nhân vật này là Tuỳ Dạng Đế Dương Quảng (569-618 )- vị Hoàng Đế thứ 2 của triều Tuỳ, cực kì xa hoa và dâm đảng, bị những kẻ nổi dậy thắt cổ chết tháng 3 năm thứ 14 (618)

(4),Từ điển tiếng Việt: Viện KHXH VN, Viện ngôn ngữ học 1992

 (5), (6), (7) : Biểu tượng văn hoá thế giới của Jean Chevalier và Alain gheerbrant nxb Đà Nẵng, trường viết văn Nguyễn Du  1997.  Bamoun và Bamiléké là những vùng đất thuộc Cameroun, châu phi. 

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

HẦU CHUYỆN BẠN NỖI ĐAU NGỌT NGÀO

     

                           Ngài Bồ Đề Đạt Ma, sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc

 

 

                      Ngài Khương Tăng Hội, người khởi nguyên thiền học Việt Nam

 

 

 

Bạn NĐNN có một Ẻn ngắn, đọc xong Bu không hiểu mô tê gì, chuồn lẹ thì bất nhã với bạn bè,  nên đã còm : “Bài viết của bạn cứ như một công án thiền”. Thế là bạn ấy hỏi lại ngay: “Công án thiền là gì Bu ơi”. “Là trái núi Thái Sơn mà Bu chỉ mon men dưới chân núi, may ra hái về cho bạn một mẫu lá cỏn con”.  Đấy là BU câu giờ để đọc 100 công án thiền trong sách Bích Nham Lục của Thiền sư Tàu  là Tuyết Đậu Trùng Hiển (980-1052) do Hòa thượng Thích Mãn Giác dịch ra Việt ngữ. Đọc vội để có vốn liếng mà trả lời, và 100 là nói cho oai, chứ thực ra mới đọc hết công án thứ nhất: “CÁI TRỐNG KHÔNG CỦA ĐẠT MA” công án thứ hai: “ĐẠO VÔ NAN CỦA TRIỆU CHÂU”, rồi nhảy cóc đến công án thứ 100:  “KIẾM SẮC CỦA BA LĂNG” là Bu tá hỏa tam tinh, nếu đọc thêm 97 công án còn lại, Bu chỉ có nước vào nhà thương ...tâm thần!!   

   

     Tạm chưa nói đến thiền thì công án (公案 ) là một án công khai, quyết định phải trái trong phủ quan.  Phái Thiền tông của Phật giáo thêm vào chữ “thiền” sau từ công án thành ra thuật ngữ nhà Phật “công án thiền” ( 公 案 禪  ) chỉ một phương pháp tu tập thiền định đặc biệt. Theo hai học giả Phật Giáo Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách thì công án thiền có thể là một đoạn kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một nhà sư, một cuộc đàm thoại, hay một cuộc pháp chiến, nhưng có chung một điều là nói đến thể tính của vạn vật. Đặc trưng của công án thiền thường là nghịch lí “nằm ngoài  phạm vi của lí luận”. Công án thiền không phải là “câu đố” thông thường vì nó không hề được giải đáp bằng lí luận, muốn hiểu nó phải qua một cấp độ khác của nhận thức. Vào khoảng thế kỉ thứ 10, Thiền tông bất đầu dùng công án như một phương tiện để giáo hóa, và các thiền sinh sử dụng chúng làm một đối tượng quán tưởng trong lúc thiền. Người ta cho rằng có tới 1700 công án, trong số đó ngày nay còn lại 500-600 được lưu hành tại Nhật. Phần lớn các công án được ghi lại trong các tập như: Vô môn quan, Bích nham lục, Thung dung lục, Lâm Tế lục.

      Nếu hiểu công án Thiền như hai học giả Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách thì Bu có thể dẫn ra đây hai công án Thiền để NĐNN và các bạn tham khảo. Một là câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm” ( 應 無 所 住 而 生 其 心) trong kinh Kim Cang. Chỉ vẻn vẹn 8 chữ nhưng nhiều nhà sư, nhiều lí luận gia đã bỏ không ít công sức giấy mực để lí giải.  Hai là câu chuyện “Đường lầy” của thiền sư Nhật Mu Ju, kể rằng: Một lần nọ, Tanzan và Ekido cùng thong dong bước xuống một con đường lầy. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi. Đến khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh xắn trong chiếc áo kimono và chiếc khăn quàng cổ bằng lụa đang đứng bên lề đường vì không thể băng qua ngả tư đường lầy được. Lập tức Tanza bảo:  “đi này cô bé”. Tanza đưa tay nhấc bổng cô gái lên và đưa qua quảng đường lầy. Ekido từ đó không buồn nói  một tiếng nào cho đến khi cả hai dừng lại trong một ngôi đền. Rồi không còn chịu được nữa, Ekido lên tiếng với Tanza: “Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là với những người đàn bà trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm. Sao anh lại làm vậy?”. Tanza mỉm cười: “Tôi đã bỏ nàng chỗ đó rồi  anh còn mang nàng theo đấy sao?”.

      Nhưng 100 công án thiền của nhà sư Tuyết Đậu trong Bích nham lục không “dễ hiểu” thế. Kết cấu của chúng gồm các phần:  Thùy, Cử, Bình, Tụng, Chú. Trong đó phần Thùy, Chú, Bình và một ít trong phần Tụng do nhà sư Viên Ngộ (1063-1135) soạn  thêm vào sau khi ngài Tuyết Đậu qua đời đã 60 năm. Xin tóm tắt ý nghĩa từng phần như sau:

THÙY: Tức những lời dẫn vào công án của Viên Ngộ. Những lời dẫn này tuy giản dị song rất quan trọng vì chúng nêu lên những mấu chốt chình để đi vào một công án đặc thù nào đó.

CỬ (Công Án): Tức là phần chính yếu gồm những lời đàm thoại giữa các Thiền Sư hay những lời giảng của một Thiền Sư nào đó được rút tỉa từ truyền thống Thiền hay từ những nguồn văn học Phật giáo khác. Phần công án này do Tuyết Đậu sưu tập.

BÌNH ( Bình Xướng): tức những lời bàn rộng thêm của Viên Ngộ về bài tụng của Tuyết Đậu. Trong phần Bình Xướng này Viên Ngộ đôi khi dẫn điển tích để giải thích những thành ngữ đặc biệt nào đó hoặc dẫn giải Kinh văn để cung ứng cho người học bối cảnh lịch sử hay giáo lý của một câu chuyện đặc biệt nào đó.

TỤNG: Tức lời bình xướng gọn bằng văn vần của chính Tuyết Đậu. Giữa những lời tụng cũng có xen kẽ những lời ghi chú của Viên Ngộ.

CHÚ: Tức phần ghi chú của Viên Ngộ về những điểm đặc thù nào đó trong công án. Trong nguyên bản Hoa Ngữ, những lời ghi chú này được in bằng chữ nhỏ xen kẽ giữa nhnữg lời của công án.

Sau cùng, Bu tui xin chép lại công án thiền thứ 100 trong bộ Bích nham lục của Tuyết Đậu để NĐNN và các bạn thưởng thức.

 

                                

                                  

                                     CÔNG ÁN  THỨ MỘT TRĂM

                 KIẾM SẮC CỦA BA LĂNG

 

THÙY: Thu Nhận kết quả, tận thủy tận chung. Đối diện vô tư, vốn chẳng từng nói. Nếu như hốt nhiên có người bước ra nói, “ Suốt cả mùa hè mãi hỏi chỉ thị, tại sao lại chẳng từng nói?” Đợi khi nào ông ngộ rồi tôi sẽ nói cho ông. Thử nói xem, đây là kỳ giáp mặt hay là có chỗ ưu điểm nào khác? Thử nêu lên xem.

CỬ: Có ông tăng hỏi Ba Lăng, “ Kiếm sắc là gì?” Ba Lăng nói, “ Từng nhánh san hô chống đỡ mặt trăng.”

BÌNH: Ba Lăng không động can qua, song trong bốn biển năm hồ lưỡi của biết bao nhiêu người bị rụng! Vân Môn tiếp thiên hạ chính bằng cách ấy. Ba Lăng thuộc dòng của Vân Môn cho nên cũng có đầy đủ phương cách của Vân Môn. Cho nên Tuyết Đậu nói, “ tôi thích cơ biến mới của Thiều Dương, cả đời thầy ta chỉ lo nhổ đinh bạt chốt cho thiên hạ.”

Câu chuyện này chính là như vậy, trong một câu tự nhiên có đủ ba câu: câu gồm chứa trời đất, câu cắt đứt các dòng (tư tưởng), câu đuổi theo sóng nước.Câu trả lời của thầy ta quả thật là kỳ đặc. Phù Sơn Viễn Lục công nói, “ Người chưa thâm thấu thì tham cứu ý nghĩa hơn là tham cứu câu văn. Còn đối với người đã thấu thì tham cứu câu văn tốt hơn là tham cứu ý nghĩa.” Trong môn hạ của Vân Môn có ba vị tôn túc trả lời về câu hỏi” Kiếm sắc” này. Họ đều nói rằng, “ Trọn vẹn.” Chỉ có Ba Lăng là trả lời vượt qua được chữ “ trọn vẹn” kia. Đây chính là câu đắc đạt.

Song thử nói xem, chữ “trọn vẹn” với lại “ từng nhánh san hô chống đỡ mặt trăng” là giống hay khác? Hồi trước ( Tuyết Đậu) nói, “ Ba cầu có thể biến, một mũi tên bay qua không gian.” Nếu muốn hiểu câu văn này cần phải cắt đứt tình trần ý tưởng, và hoàn toàn thanh tịnh thì mới hiểu được ý nghĩa lời nói “ từng nhánh san hố chống đỡ mặt trăng.” Nếu như chỉ thêu dệt thêm lậpluận thì chẳng bao giờ mà mò mẫm cho ra được.

Những lời này là tử trong bài thơ “ Nhớ Bạn” của Thiền Nguyệt: “ Dầy tựa như sắt trên Thiết Sơn, mỏng tựa tơ nhuyễn thân Song Thành. Phượng gà đất Thục thường vướng vấp, từng nhánh san hô chống mặt trăng. Trong nhà Vương Khởi giấu khó tìm, gã đói Nhan Hồi buồn trời tuyết. Cội tùng thẳng đứng sét chẳng gẫy, Gái đá áo tuyết giải ngọc trai, đeo vào Long Cung bước ung dung. Màn gấm chiếu bạc sao so lệch, rồng đen mất ngọc người biết chăng?” Ba Lăng lấy một câu trong ấy ra trả lời câu hỏi về “ kiếm sắc,” thầy ta nhanh nhẹn thật. Thổi một sợi tóc vào lưỡi kiếm để thử; nếu như sợi tóc tự đứt thì đó là kiếm sắc, và kiếm được gọi là “ Suy Mao Kiếm.” Ba Lăng chỉ dựa vào câu hỏi của ông tăng mà trả lời một cách trực tiếp. Thoại đầu của ông tăng rơi rụng mà ông ta chẳng hề hay biết.

TỤNG

Bình cái bất bình,

Khéo quá tựa vụng.

Ngón tay bán tay,

Dựa trời chiếu tuyết.

Thợ hàn khéo chẳng dũa mài được

Thợ giỏi lau chùi mũi chưa xong.

Đặc biệt,

Từng nhánh san hô chống mặt trăng.

BÌNH: “ Bình cái bất bình, khéo quá tựa vụng.” Cổ thời có những bậc hiệp khách, giữa đường nếu thấy chuyện bất bình như kẻ mạnh hiếp người yếu , bèn vung kiếm lấy đầu những kẻ mạnh. Cho nên các bậc tông sư giấu bảo kiếm dưới mi, đeo trùy vàng trong tay áo để phán đoán các việc bất bình. Khéo quá tựa vụng. Lời đáp của Ba Lăng nhằm quân bình những cái bất bình, bởi vì lời của thầy ta quá thiện xảo cho nên đâm ra lại có vẻ giống như vụng về. Tại sao vậy? Bởi vì thầy ta không xông thẳng ngay đến, mà lại đi vòng qua một bên rồi lén lấy đầu thiên hạ, mà thiên hạ chẳng hay biết.

“ Ngón tay bàn tay, dựa trời chiếu tuyết.” Nếu các ông hiểu được thì đó cũng giống như thể ỷ Thiên trường kiếm. lẫm lẫm uy thần. Cổ nhân nói, “ Tâm nguyệt cô viên, sáng suốt vạn tượng. Sáng cảnh đều quên, là vật gì vậy?” Bảo kiếm này lúc thì hiện trên ngón tay lúc thì hiện trong lòng bàn tay. Thuở xưa lúc Khánh Tàng Chủ nói đến chỗ này, bèn dơ tay lên hỏi,” Có trông thấy không?” Song cũng không hẳng là phải ở trên ngón tay. Tuyết Đậu chỉ mượn con đường tắt để giúp các ông thấy ý của cổ nhân mà thôi. Song tất cả mọi nơi không thể không phải là “ Suy Mao Kiếm;” cho nên mới có lời nói rằng, “ Ba lớp sóng cao cá hóa rồng, kẻ ngu vẫn múc nước hồ đêm.”

Tuyết Đậu nói rằng kiếm này có thể dựa trời chiếu tuyết. Bình thường người ta nói rằng trường kiếm dựa trời (ỷ thiên) lâu ngày có thể chiếu sáng trên tuyết. Chỉ một chút dụng xứ này thôi mà thợ hàn khéo cũng chẳng dũa mài được, người thợ giỏi lau chùi mãi vẫn chưa xong. Tuyết Đậu tụng xong, lúc cuối cùng lại nói rõ ra rằng, “Đặc biệt!” Quả thật là kỳ đặc có ưu điểm riêng của nó chứ không giống như những kiếm bình thường. Thử nói xem, kiếm này đặc biệt ở chỗ nào? “ Từng nhánh san hô chống mắt trăng.” Đúng là không tiền khoáng hậu, độc nhất trong hoàn vũ, vô song.

Rốt cuộc như thế nào? Đầu các ông đã rụng rồi. Lão tăng còn có một bài kệ nhỏ nữa, “ Vạn hộc đầy thuyền cứ kéo đi, chỉ nhân một hạt bình nuốt rắn. Nêu lên một trăm công án cũ, ném cát vào bao nhiêu mắt người?”


 


[1] Chiêu Minh Thái Tử là con của Lương Vũ Đế, rất thông thạo Phậ pháp, từng viết nhiều sớ sao vể các kinh điển.

[2] A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tiếng Phạn là Anuttara-samyaksambodhi có nghĩa là giác ngộ tối thượng.

[3] Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai.”

[4] “Tì Lô” nguyên chữ là “ Tì Lô Xá Na” là chữ người Trung Hoa dùng để phiên âm chữ Phạn “ Vairocana,” có nghĩa là chân thân của Phật. Các tông phái Phật giáo giải thích chữ này theo nhiều cách khác nhau. Song thông thường thi “ Tì Nô Xá Na” thường được dùng để chỉ Pháp Thân Phật.

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt. Ông sinh 1948 tại Hà Nội. Ông còn là một nhà văn, đã viết nhiều cuốn sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Dưới đây là trích trả lời của Giáo sư với "NGƯỜI ĐÔ THỊ": ....................... "Tôi là một nhà khoa học. Công việc làm của tôi là khảo cứu về các điều tôi có thể thực chứng được. Nhưng tôi theo đạo Phật và đạo Phật rất quan tâm đến những điều thực chứng. Tôi đã trình bày trong cuộc đối thoại của tôi với thiền sư Mathew Ricard, Phật giáo không những chỉ là một con đường giác ngộ và một con đường chiêm nghiệm của cái nhìn hướng về nội tâm mà còn suy tư về bản chất của thế giới theo cách rất sâu sắc và độc đáo. Bài học mà tôi rút ra được từ cuộc đối thoại đó là nhãn quan của Phật và khoa học đã hội tụ và cộng hưởng. Tôi rất đồng ý với Albert Einstein (1879 - 1955) khi ông ấy nói: “Tôn giáo của tương lai số là một tôn giáo vũ trụ”. Nó sẽ phải vượt lên trên ý tư tưởng về một Thượng đế có bản ngã và tránh xa những giáo điều cùng Thần học. Có khả năng bao trùm cả tự nhiên lẫn tâm linh; tôn giáo này sẽ phải dựa trên một ý thức tôn giáo, nảy sinh từ kinh nghiệm về vạn vật, kể cả tự nhiên lẫn tâm linh, được coi là một tổng thể có nghĩa. Phật giáo đáp ứng được sự mô tả này. Cá nhân tôi cho rằng, nếu như tồn tại một tôn giáo có thể đồng thuận với những đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo."

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

PHẬN GÁI MƯỜI HAI BẾN NƯỚC.

Nhà báo TORO (bên trái) đang vui vẻ với các bạn Hmông ở Mường Khương trong bữa nhậu rượu ngô với thắng cố

 

 

Bạn TORO hỏi Bu câu thành ngữ “Phận gái mười hai bến nước” có nghĩa gì. Cứ tưởng bạn ấy hỏi  cho vui, nào ngờ anh chàng vào Guestbook “đòi nợ”:  Bác Bu bận gì mà không thấy vô blog giải đáp cho em mấy chữ 12 bến nuớc vậy ta?”.  Bu sang Facebook lại gặp TORO nhắc: Bác chơi facebook hớn hở quá, thảo nào bỏ blog mốc meo. Em hỏi vụ 12 bến nước chả thấy bác giả nhời...”. Hehehe..

 

Thành ngữ  “phận gái mười hai bến nước” Bu thấy báo, tạp chí bàn tới cách nay 15 - 17 năm. Nhưng các học giả học thật bàn luận chán chê rồi bỏ đó không ai có được kết luận cuối cùng. Xem trên mạng cũng nhan nhản người đề cập đến vấn đề này và kết quả không sáng sủa gì hơn. Nay Bu tui cũng chỉ sao tẩm lại những gì đã đọc, và nói rõ quan điểm của mình ngả về phía nào trong vô số ý kiến ấy, chứ không dám đưa ra nhận định gì mới mẽ.

1- Nhóm ý kiến thứ nhất.

Nhóm này cho rằng “mười hai bến nước” là:  Công, hầu, khanh, tướng, sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục. Mới nghe đã thấy không ổn.  Vì phải là mới thành ra công với khanh được. Còn nông, canh, và mục, bộ ba này thực ra chỉ một mà thôi. Rõ ràng đây là kiểu gá lắp khiên cưởng, phản luận lí.

2- Nhóm ý kiến thứ hai.

Nhóm này cho rằng “mười hai bến nước” là: sĩ, nông, công, thương, nho,  y, lí, bốc, ngư, tiều, canh, mục. Cũng lại một thống kê  phản luận lí. Chẳng nhẽ không phải là nho?  Nôngcanh không phải là một?

3- Nhóm ý kiến thứ ba:

Nhóm này cho rằng “mười hai bến nước” là mười hai con giáp: tí, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi. Ý kiến này nghe có vẻ lọt lỗ tai, vì người con gái đi lấy chồng thế nào cũng vớ phải một trong mười hai con giáp ấy. Hợp tuổi hợp mạng thì sướng (may), không hợp tuổi hợp mạng (rủi) thì khổ. Nhưng may hoặc rủi thì chung quy cũng chỉ có hai bến, chứ làm gì đến mười hai bến.

4- Nhóm ý kiến thứ tư

Nhóm này dựa vào định nghĩa của ông Hùinh tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị (xb 1895-1896, nxb Trẻ in lại 1988). Ở trang 14 Paulus Của viết: “Con gái mười hai bến nước. Thân con gái như chiếc đò hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ rủi thì chịu. Tiếng nói mười hai bến là nói cho vần”. Tác giả tự vị này khẳng định chỉ có hai bến, bến trong và bến đục, rất phù hợp với nhiều câu ca dao trong dân gian nói về duyên phận may rủi của người con gái:

 

 

Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân

 

Thân em như hạt mưa rào

Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày.

 

Ta thấy: người khôn - người phàm,  giếng - vườn hoa, đài các- ruộng cày, là từng cặp đối nghĩa nhau, thể hiện sự may rủi của thân phận người con gái.

Cái mà Hùinh Tịnh Paulus Của gọi là “nói cho vần” có nguyên do từ cách dùng từ nguyên trong dân gian. Ai cũng biết hai danh từ bến thuyền vẫn được dùng trong việc người con trai và người con gái hẹn hò đính ước. Quan hệ vợ chồng ấy tốt hoặc xấu đều được dân gian cho là do nhân duyên ( 姻緣 ) tức duyên vợ chồng.  Trong khi đó đạo Phật cũng có khái niệm nhân duyên ( 因 緣 ) với nghĩa nguyên nhân có từ kiếp trước tạo ra kết quả ở kiếp sau. Sự khác biệt giữa hai khái niệm nhân duyên vừa nói là do chữ nhân () trong  nhân duyên vợ chồng, khác với chữ nhân (因) trong  nhân duyên của đạo Phật. Chữ thứ nhất chỉ sự hôn nhân (1) nam nữ, chữ thứ hai chỉ nguyên nhân của sự việc. Và theo điển lí nhà Phật có tới  mười hai  nhân duyên, cũng gọi là “thập nhị nhân duyên”. Rõ ràng có sự “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.  Dân gian đã lấy “mười hai” trong thập nhị nhân duyên của đạo Phật gá vào nhân duyên trong hôn nhân thành ra “mười hai bến nước”.  Do học giả Paulus Của không cứu xét việc dùng từ nguyên trong dân gian nên kết luận “Tiếng nói mười hai bến là nói cho vần”  vậy.

       Ngoài ra người ta còn xét đến lý thuyết “các sự cố ngôn ngữ” mà nhà ngữ học người Pháp là Pierre Guiraud trong cuốn Les locutions Francaises  (Paris 1973 (thành ngữ tiếng Pháp, Pa ri 1973) có bàn tới. Theo tác giả này thì có sự đan chéo hình thức và lây truyền nghĩa  giữa các từ và thành ngữ với nhau.  Trong tiếng Việt cũng có hiện tượng như thế.  Xin lấy ba câu tục ngữ sau đây là ví dụ:

1. Đánh trống dộng (2) chuông.

2. Tai vách mạch dừng (3) ; và

3. Bứt mây động rừng.

Do không hiểu nghĩa của từ dộng trong câu 1 lại liên hệ với từ động ở câu 3 người ta mới cho ra dị bản “Đánh trống động chuông”. Lại do đồng hóa tiếng cuối câu 2 với tiếng cuối câu 3 người ta cho ra dị bản “Tai vách mạch rừng”. Nghĩa của các dị bản này thường rất khó hiểu, và đó là kết quả của sự đan chéo hình thức từ ngữ và sự lây truyền nghĩa mà Pierre Guiraud đã nói đến. Xem vậy thì “nhân duyên” của Thần Ái tình đã lây truyền nghĩa cho “nhân duyên” của nhà Phật mới sinh ra cái sự “mười hai bến nước” mà TORO hỏi Bu. Tuy nhiên các thành viên trong 4 nhóm ý kiến trên không ai dám chắc là mình nói đúng. Và trước mắt Bu tôi đặt cả niềm tin vào nhóm thứ tư này. Mong các bậc thức giả chỉ giáo thêm.

 

 

(1) Hôn nhân ( ): Theo từ điển tiếng Việt, hôn nhân là việc nam nữ chính thức lấy nhau thành vợ chồng. Chữ hôn ( ) được Hán Việt từ điển của Thiều Chữu  giải thích là lấy vợ, con dâu. Chữ nhân ( ) là nhà trai, bố vợ còn gọi là hôn, bố chồng còn gọi là nhân.

(2) Dộng: Đập một đầu xuống bề mặt cho bằng (so cho bằng). Dộng chuông là thúc mạnh cáii dùi ở phương nằm ngang vào thân chuông.

(3) Dừng: Trong tai vách mạch dừng thì dừng là những thanh tre nhỏ đan ken vào nhau tạo thành xương vách để trát bùn ở ngoài .  

      

Đọc tiếp ...