Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

LAN MAN VỚI CÂY ĐÀN TƠ RƯNG NƯỚC

                             Cổng vào "Một thoáng Việt Nam"

 

 

 

1- Nếu bạn chưa từng đến “Một thoáng Việt Nam” ở Củ Chi (cách Sài Gòn khoảng 50 cây số) thì vào Website: www.motthoangvietnam.vn cũng có thể hiểu được đôi phần về cái công trình văn hóa du lịch đồ sộ này. Ngoài các nghề truyền thống của người Việt,  nơi đây còn giới thiệu nhà truyền thống các vùng miền: Bắc, Trung, Nam , Tây Nguyên.... Nhưng thu hút sự chú ý của Bu hơn cả lại là cây đàn Tơ rưng nước của người Xê Đăng. Đàn, nhưng không thể kê trong phòng mà phải đặt ngoài rừng, cạnh dòng suối, vì  dài đến 100 mét (hoặc có thể hơn). Kết cấu đàn là những khung tam giác  bằng gỗ cao chừng 1,5 mét,  thanh đáy  có thể quay được trên hai trụ đóng xuống đất.   Khoảng 2/3 chiều cao khung gỗ có một thanh ngang, trên đó treo 3 ống lồ ô to nhỏ khác nhau, độ vát khác nhau, khi các ống lồ ô này đập vào một thanh gỗ (đáy khung tam giác) thì phát ra âm thanh. Đỉnh các tam giác được cố định vào một sợi dây thép dài  tùy theo ý định người  chế tạo. Một đầu sợi dây buộc vào rọ đá hộc làm nhiệm vụ con lắc, đầu kia cố định vào một máng nước bằng gỗ.  Khi  nước suối chảy vào đầy máng thì máng chúc xuống, con lắc đá bị kéo theo, sau khi nước ào ra ngoài, lập tức con lắc chuyển sang chiều ngược lại,  kéo máng vào vị trí hứng nước, cứ thế  khung tam giác khi lắc sang bên này, khi lắc sang bên kia làm các ống lồ ô gõ vào thanh ngang làm phát ra từng cơn mưa âm thanh. Gió trời đổi chiều, làm các nốt nhạc lồ ô không phát ra cùng một lúc mà thay đổi theo cách  “ngẩu hứng”. Trên chiều dài 100m, cứ 2m có một khung gỗ treo 3 ống lồ ô thì toàn bộ cây đàn Tơ Rưng nước có tới 153 nốt nhạc. (Trong khi đó cây đàn Piano có 7 quảng 8 với 36 phím đen và 52 phím trắng tổng cộng chỉ có 88 âm thanh mà thôi)

2-   Các nghệ sĩ gió, nước, và đá, đầy ắp cảm xúc thiên nhiên, phổ vào cây đàn Tơ rưng nước những  giai điệu, tiết tấu, điệu thức, hòa âm, biến thiên kì ảo. Một “cơn mưa âm thanh” phát ra là duy nhất, tuyệt không có đợt thứ hai giống y hệt thế, như là sự thăng hoa của các nghệ sỹ đích thực mà ta thường ngợi ca. Người nghe phát huy hết năng lực trực nhận, luôn luôn thấy mới lạ nên  không bao giờ chán. Đồng bào Xê Đăng làm ra cây đàn Tơ rưng nước không phải để chưng bày ở phường  phố mà để phục vụ núi rừng, cỏ cây,  mây trời, chim muông, của một vùng từ Măng Rơi cho đến chân núi Ngọc Linh - xứ sở lâu đời của họ. Có người bảo muông thú đôi khi ngẩn ngơ với tiếng đàn Tơ rưng  nước mà không còn muốn phá phách nương rẫy Xê Đăng nữa. Bu đã ngồi cả buổi chiều  để nghe đàn Tơ rưng nước và lan man nghỉ về tài nghệ của người Xê Đăng. Hẳn là họ không học điệu thức Tây phương với hệ thống tương quan các âm ổn định và không ổn định.  Có thể lắm, bao thế hệ người Xê Đăng đã kí thác hồn phách mình vào từng phím đàn lồ ô bằng truyền thống  điệu thức 5 âm: Cung, thương, dốc, chủy, vũ, như truyền thống nhiều nước Á châu trong đó có Việt Nam. Người xưa không chỉ dùng âm nhạc để giải trí mua vui, mà còn xem nó như một thứ đạo. Đạo âm thanh liên quan đến nền an vui hoặc bi thảm của non sông xã tắc. Chương Nhạc Ký sách Kinh Lễ (1) có đoạn nói về các điệu thức 5 âm thật thú vị: “Cung là vua, Thương là tôi thần, Giốc là dân, Chủy là sự việc trong nước, Vũ là vật chất. Năm điều này mà hài hòa thì xã tắc mới không đình trệ. Cung mà loạn thì (chính trị) tan hoang, bậc vua chúa sẽ sinh ra kiêu ngạo xa xỉ. Thương mà loạn thì (chính trị) đảo lộn, bầy tôi thần đốn mạt. Giốc mà loạn thì đáng lo sợ, dân chúng oán hận. Chủy mà loạn thì đáng bi ai, sự việc sẽ mệt mỏi.  Vũ mà  loạn thì nguy đến nơi, vật chất nhân tài cùng tận. Cả năm âm ấy (cung , Thương, Giốc , Chủy, Vũ) đều loạn thì trật tự đảo lộn, gọi là suy đồi. Tình trạng như vậy xẩy ra nhất định quốc gia có ngày diệt vong”.

3- Có một sự thực là Bu để cả buổi chiều nghe đàn Tơ rưng nước của người Xê Đăng chứ không thể gắng thêm nửa phút để nghe một số ca sỹ thuộc hàng sao trên truyền hình.  Đôi khi họ không hát mà đọc giật cục với cái đầu gật nhịp như con bổ củi. Có người đẹp mặc áo quần cho có mặc, chủ yếu để phô phang những thứ chỉ có giá trị khi kín đáo. Lại có ca sỹ đang hát bổng nhăn mặt ôm bụng quay quắt như đứt ruột đến nơi.  Đaọ đức nhân cách xã hội đang xuống cấp thì âm nhạc có xuống  theo cũng là sự thường. May mà các nhạc sỹ, ca sỹ, sáng tác và biểu diễn theo các điệu thức Tấy  phương. Không có căn cứ  khoa học chuẩn xác nào bảo các nghệ sỹ ấy làm hỏng âm nhạc, trong khi người thưởng thức nó vẫn đông như kiến. Lại cũng chưa có nhà nghiên cứu nào bảo gam “đô trưởng” là chủ tịch, gam “pha trưởng là bí thư”, hoặc gam “la thứ” là nông dân cày ruộng,  như kiểu sách Kinh Lễ của Khổng Tử. Cho nên Bu đành lạc quan mà tin rằng nền âm nhạc nước nhà chủ yếu đang thịnh chứ chưa đến nỗi đại loạn chăng  !!!!  

----------------

(1) Kinh lễ là một trong 5 kinh (ngũ kinh) của nhà Nho. Năm kinh ấy là: Kinh dịch, kinh thi,  kinh thư, kinh lể, và kinh Xuân Thu.

 

Con lắc đá nằm kín trong cá tấm đan bằng tre, xa ra là các khung tam giác treo các phím đàn lồ ô.

 

 

 

                             Máng đang xả nước để chuyển sang vị trí khác

 

    Khung tam giác treo 3 ống lồ ô đường kính khác nhau độ vát khác nhau

 

Để cây đàn không đơn điệu, đôi chỗ người ta thay các khung tam giác bằng các thanh ngang, dưới mỗi thanh treo 6 nốt nhạc lồ ô.  

Đọc tiếp ...