Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ ĐẤT THĂNG LONG

 

 

                                Diễn viên Tiến Lộc trong vai Lý Công Uẩn

                                            (photo  Pháp luật TPHCM)

 

                     Một nhân vật trong phim LCU - ĐĐTL

                              (Photo dantri.com)

 

Ngày đại lễ Ngàn năm Thăng Long  Hà Nội sắp đến mà số phận bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường đến Thăng Long” còn chờ Cục điện ảnh phán quyết. Theo đạo diễn tiếng tăm Bùi Thạc Chuyên thì Đây là bộ phim Trung Quốc, không có gì để tranh cãi. Đạo diễn Trung Quốc biên kịch Trung Quốc” (VnExpress). Có người phóng đại “Lý Công Uẩn - Đường đến Thăng Long” hay “Tần Thủy Hoàng kinh lý phương Nam (Mặc Lâm RFA). Ông Lê Phú Khải (trannhuong.com) không tuyên bố gì lớn mà chỉ hoài niệm  “TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ ĐẤT THĂNG LONG” với bài thơ “ANH KHÔNG VỀ ĐẠI LỄ”

 

 

Anh không về đại lễ đâu em
Dù Hà Nội ngàn năm hay vạn năm cũng thế
Khi vua Lý lại mang mão áo vua Tần!
Khi trong phim Việt Nam chỉ thấy sắc màu Trung Quốc!

Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc
Ông bà ta là thế!
Nên mới còn non nước Việt hôm nay

Hãy gửi cho anh một gói cốm màu xanh
Để anh nuốt vào lòng cả mùa thu Hà Nội
Gửi cho anh một cành liễu Hồ Tây
Để hồn anh mênh mang cùng sương khói . . .

Tưởng nhớ Người xưa đốt hương trầm là đủ
Hãy để những tỉ đô la xây bệnh viện, công viên
Để ngàn năm Thăng Long không thành ngàn mụn ghẻ
Để không còn những bộ phim
Ngộ độc cả ca dao, băng huyết cả tâm hồn.

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

MAY RA CÓ CHÚA TRỜI BIẾT ĐƯỢC...

Bạn Gió sang nhà chơi không có gì đọc tưởng là Bu ...lubu việc này  việc nọ nhiều lắm. Thực ra chẳng có gì nhiều, chỉ mãi mê ngồi trên cỏ ngắm hoa súng nở và nhìn cá vàng bơi trong bể non bộ. Nhưng thấy bạn không có gì đọc cũng áy náy bèn post lên đây comment  của Bu ở blog TTM. Bạn TTM dẫn ra câu nói của GS Ngô Bảo Châu cho bạn bè bình luận...

  

  

Ngô Bảo Châu

“Văn hóa mình là hay suy diễn quá nhiều tới những gì diễn ra trong đầu người ta trong khi, đáng lẽ nên nhìn xem những việc cụ thể xẩy ra như thế nào”

1- Không rõ câu này là văn bản của GS Ngô Bảo Châu hay chỉ là khẩu ngữ của ông được một nhà báo nào đó ghi lại.  Người ghi rất có thể không diễn đạt hết tinh thần câu nói, làm người bình dễ bị sa vào “suy diễn quá nhiều.....”

2-Tinh thần câu trên là phê phán lối suy diễn thái quá mà ít quan tâm đến hành động cụ thể . Sự thái quá ấy - theo GS - đã trở thành một nét “văn hóa mình”, tức văn hóa người Việt.  Thực ra, trong các công trình nghiên cứu về Văn hóa của các học giả tiếng tăm như Cao Xuân Huy,  Vũ Ngọc Phan, Phan Ngọc, Trần Ngọc Thêm...không thấy nói đến bản sắc văn hóa Việt có yếu tố  suy diễn thái quá những ý nghĩ trong đầu người khác. Hay là do  do GS Châu căn cứ vào một vài biểu hiện có tính suy diễn thái quá ở các cấp lãnh đạo địa phương, trung ương...để nâng lên thành một nét văn hóa dân tộc?  Như vậy sẽ oan cho người Việt lắm, vì một thể chế độc đảng thì tư duy của các nhà lãnh đạo không phải bao giờ cũng trùng khít với tư duy số đông. Có vô số sự kiện để chứng minh điều đó.  Trong Cải cách ruộng đất (CCRĐ) ở miền bắc, người ta ấn định sẵn tỉ lệ địa chủ cho mỗi làng, xã, và suy diễn ra tội trạng của họ để đưa ra xét xử, đấu tố, rất nhiều người đã bị bắn, nhiều gia đinh tan nát.  Người Việt giàu lòng nhân ái, không vì người cày có ruộng mà suy diễn kiểu đó. Hậu quả của CCRĐ làm biến thể nền đạo đức  truyền thống của người Việt miền bắc đã hình thành nên từ hàng ngàn năm trước. Thế nhưng, người Việt cũng có lắm thói hư tật xấu. Sinh thời, GS Trần Quốc vượng và GS Cao Xuân Hạo có ý định ra  sách “Thói hư tật xấu của người Việt Nam” (như kiểu nhà văn Bá Dương bên Đài Loan viết sách “Người Trung Quốc xấu xí” nổi tiếng khắp hoàn cầu).  Mới có ý định thôi thì hai cụ lần lượt thành người thiên cổ, ông Vương Trí Nhàn tiếp tục sự nghiệp.  Đây là vấn đề nhạy cảm nên ông Nhàn không tự mình nói ra thói hư tật xấu của người Việt mà trích dẫn các nhà văn hóa lừng danh  đã sống giữa thế kỷ 19 và trong thế kỷ 20. (Ai muốn tham khảo xin mời vô “chungta.com” hoặc “Vietbao.vn” ) theo đó thì dân Việt ta giỏi bắt chước, kém phát minh, kiêu ngạo...Vậy thì, nếu các nhà chăn dân có lúc nào đó, ở chỗ nào đó, tỏ ra kiêu ngạo, âu cũng là thể hiện bản tính dân tộc chăng ??? Ông Trần Quang  Cơ thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trong “Hồi ức và suy nghĩ” (HƯVSN) có dẫn ra một sự kiện chứng minh được cho kết luận trên. Ở trang 4 HƯVSN ông Cơ viết: “năm 1977 chính quyền Carter thực sự muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ C. Vance, ngày 10.1.77 tuyên bố : “Việc tiến tới bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt Nam phù hợp với lợi ich hai nước”. Tuy nhiên, người chiến thắng - Việt Nam, muốn kẻ thua cuộc - Mỹ phải đền bù ngay 3,2 tỷ đô la thì mới đồng ý đặt quan hệ bình thường hóa. Quốc hội Mỹ không chấp nhận điều kiện này của Việt nam với lý do họ giúp chính quyền ông Thiệu chứ không tuyên chiến với  chính quyền bắc Việt nên không có lý do chi tiền. Kết cục Mỹ bắt tay với Trung Quốc gây vô vàn khó khăn cho Việt Nam trong suốt 18 năm. Tâm trạng thứ trưởng Trần Quang Cơ trước sự kiện đó là “Tôi thực sự đau xót vì ta đã bỏ lỡ cơ hội cũng cố thế đứng của Việt Nam trong hòa bình để tập trung phát triển đất nước sau bao năm chiến tranh...”  (trang 6, HƯVSN).  Mãi đến ngày 11.7.1995 tổng thống Mỹ Bill clinton mới  tuyên bố lập quan hệ bình thường với Việt Nam, tạo ra một cục diện mới cho việc phát triển đất nước.

3- Người Việt ta có chịu khó “nhìn xem những việc cụ thể xẩy ra như thế nào” không ? Trả lời ngay rằng có. Bằng chứng là tháng 10 năm 1979 nhà xuất bản Sự Thật  cho ấn hành cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam  - Trung Quốc trong 30 năm qua” trong đó nêu lên một cách hệ thống và chi tiết dã tâm của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đối với Việt Nam. Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ cốt để làm yếu cả hai phe lâm chiến và tạo ra một khu đệm an toàn ở phía nam đất nước họ.  Họ chủ trương chia cắt lâu dài Việt Nam, không muốn Việt Nam lọt vào tay Mỹ, song cũng không không muốn Việt Nam thống nhất và hùng mạnh. Để thực hiện ý đồ đó họ thỏa thuận với Pháp và bắt tay với Mỹ...Có điều kì lạ là dân Việt Nam hoàn toàn không biết chuyện này, mà chỉ sau khi Trung Quốc tiến hành chiến tranh sư phạm, “dạy” Việt Nam bài học ở biên giới phía Bắc thì nhà xuất bản Sự Thật mới cho ra quyển sách này.  Từ 1979 đến 2010 vị chi là 31 năm không thấy nhà Xuất bản Sự Thật nói thêm gì nữa  mà chỉ thấy lãnh đạo hai nước gọi nhau đồng chí, ôm hôn nhau thắm thiết và ngâm ngợi 16 chữ vàng của chủ tịch Giang Trạch Dân tặng nhân dân Việt Nam năm 1992 “Láng giềng hữu nghị, phát triển lâu dài, hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai”. Trong khi đó bất cứ một trang mạng cá nhân nào cũng vạch trần hành động Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa, lấn dần quần đảo Trường Sa, bắt bớ ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển của đất nước họ. Anh chị nào biểu tình chống Trung Quốc hoặc viết blog phản đối Trung Quốc sẽ được nhà cầm quyền mời về nhà lao thăm hỏi.  Đến đây thì GS Ngô Bảo Châu có lẽ cũng không giải nổi cái bổ đề “Sự thật về quan hệ Việt Nam -Trung Quốc trong 31 năm qua” (1979-2010). Mà chắc không có người dân đen Việt Nam nào nói cho rốt ráo được, may ra chỉ có chúa Trời với nhiều phép lạ. hehehe....

Đọc tiếp ...