Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

THUYẾT TÁI SINH - MỘT KỊCH BẢN LÝ GIẢI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI LÀM TA SUY NGHĨ

 

                      

 

 

                

 

 

Theo Phật giáo quan niệm, mỗi con người là sản phẩm của chính mình, chúng ta hiện tại là sản phẩm do chính chúng ta tạo nhân trong quá khứ và lúc này ta đang tạo ra chính mình trong tương lai. Cuộc sống là một quá trình liên tục chỉ tạm thời gián đoạn mỗi khi thân xác vật lý biến đổi không còn phù hợp cho việc tiếp tục tồn tại và dừng hoạt động, chúng ta tạm rơi vào trạng thái không còn thân xác cho đến khi có cơ hội kết hợp đủ các yếu tố cần thiết thì một chu kỳ sống mới với thân xác mới lại bắt đầu.

Nói như vậy nhưng không phải ai cũng có thể trải nghiệm chuyện này một cách bình thường như thực hiện một công thức khoa học vật lý nào đó rồi tất cả cùng đi đến nhất trí. Có một số rất ít người trải qua quá trình tu tập hành thiền công phu đạt đến một trạng thái nhận biết hoàn toàn khác với chúng ta mới có khả năng cảm nhận rõ rệt về hiện tượng Tái Sinh mà không còn phải bàn cãi gì nữa, còn với chúng ta chứng nghiệm chuyện này vẫn là điều chưa thể bởi phương cách tiếp cận nó khác với phương cách tiếp cận các kiến thức thông thường chúng ta đã quen làm. Tuy nhiên, dù chưa có khả năng như các bậc tu hành đạt đạo nhưng suy luận về nó vẫn giúp chúng ta chiêm nghiệm thêm về một kịch bản lý giải những khúc mắc, bí ẩn khi chúng ta quan sát đời sống quanh mình. Đây không hề là sự tự huyễn hoặc để quên đi nỗi siêu buồn rằng cuộc đời này là hữu hạn, người xấu, tốt, hay, dở dù cống hiến nhiều hay ít cho cuộc đời thì cuối cùng cũng bị thần chết lôi cổ đi như nhau, bình đẳng.

Nhìn sang lĩnh vực khoa học ta thấy có sự tương tự, có những nguyên lý khoa học chỉ rất ít người có kiến thức để hiểu còn lại chúng ta cũng chỉ biết chấp nhận điều họ tuyên bố và đôi khi chúng ta phát ngôn lại như chính mình cũng biết rõ điều đó vậy. Hiểu được những khái niệm về Bigbang, về Thuyết tương đối, về Hố đen trong vũ trụ, về các hạt cấu thành vật chất đâu phải là dễ dàng cho tất cả mọi người.

A. Thuyết tái sinh có ý nghĩa gì?

1. Lý giải tại sao con người có những khác biệt như:

- Bước chân vào cuộc đời với những hoàn cảnh sống thuận lợi, khó khăn khác nhau, thể trạng, sức vóc, bệnh tật, hình hài xấu, đẹp. Phải chăng do những quán tính, động lực là tàn dư của lối sống, cách sống từ chu kỳ sống trước, và rất nhiều chu kỳ sống trước nữa đã thúc đẩy dẫn dắt mỗi số phận bước qua những cánh cổng vào đời này khác nhau.

- Tính tình mỗi người rất khác nhau dù trong cùng một môi trường giáo dục, một hoàn cảnh sống, một gia đình. Những cái “cùng chung ” ấy do số phận ta và người xung quanh có một mẫu số chung bí ẩn nào đó, còn “cái khác” lại là vấn đề riêng của mỗi người không ai giống ai. Tuy nhiên do cùng trong các điều kiện như trên mà ít nhiều họ phải chịu một số ảnh hưởng như nhau. Ví dụ: cùng là người VN, cùng con nhà giầu hoặc nghèo, cùng con nhà học hành hoặc vô học, cùng ở một vùng hẻo lánh thiệt thòi hoặc ngược lại.v.v…

- Sự thông minh và ngu dốt trong nhận thức chung rất khác nhau, Người có khiếu về toán, người tung hoành dễ dàng trong văn chương thơ phú, người thành công trong hội hoạ, âm nhạc, kẻ nhạy bén làm ăn kinh doanh.v.v... Phải chăng đây cũng là một dạng quán tính đã có từ trước bị gián đoạn dở dang bởi kiếp sống hữu hạn trước đây nay tiếp tục tận dụng quán tính này để phát huy sở trường khác nhau. Ngay trong cùng một lĩnh vực nào đó cũng mạnh yếu khác nhau kẻ thành công nhanh chóng chói sáng, người suốt đời lận đận nhì nhằng.

- Trong tranh luận với nhau sự thiện cảm hay ác cảm khi đánh giá về một chủ đề cụ thể, về một nhân vật nào đó không ai chịu ai họ bám chặt vào lý lẽ của mình rồi viện dẫn những dẫn chứng, những hiện tượng thực tế nhưng có lợi cho chính kiến của mình, họ lạnh lùng với những dẫn chứng, luận cứ của đối thủ dù biết rằng đó là sự thật và không phải không có lý.

- Một diễn viên tài năng hoá thân vào nhiều nhân vật khác nhau, tính cách khác nhau, lứa tuổi khác nhau nhuần nhuyễn, chính xác và chân thực đến mức làm cho khán giả yêu ghét hoặc thích thú chính người diễn viên như nhân vật họ đảm nhận. Liệu có phải vô vàn kiếp sống đã trôi qua trong chính con người đang làm công việc diễn xuất kia không? Và mỗi một kiếp sống anh ta là những người rất khác nhau.
Và còn nhiều điều khác nữa.

2. Thuyết tái sinh giúp con người sống lương thiện có đạo đức hơn, nhìn cuộc đời bình thản hơn, không nặng so sánh hơn thua hay tham lam hưởng thụ:

- Họ chọn lối sống đạo đức để đầu tư cho tương lai tốt hơn cho dù chuyện này có động cơ tính toán nhưng cũng giúp xã hội đỡ nhức nhối hơn, cá nhân người thực thi lối sống có đạo đức lâu dần cũng chuyển hoá lượng biến thành chất và một lúc nào đó họ thực sự trở thành lương thiện từ trong gốc rễ của mình. Tin vào nhân quả con người không dám làm điều xấu ác, đồng thời tự phán xét mình nhiều hơn đó là sự phán xét chính xác nhất. Đây là một kết quả tích cực xét từ bất cứ góc độ nào.

- Con người sống bình thản hơn không còn lo lắng về kiến thức dở dang, sự nghiệp dở dang, tài năng dở dang, không còn day dứt bởi những điều mình chưa làm được, bởi ý nguyện không thành.v.v…Tin vào tái sinh nhân quả người ta yên tâm tin rằng rốt cuộc mình cũng sẽ thực hiện được ước muốn của mình bởi sự hữu hạn kiếp sống chỉ là tạm thời. Con người không cần gấp gáp nóng vội thực hiện các mục đích lớn lao của mình.

- Sự so sánh hơn thua cũng gây bao đau khổ và tội lỗi trong cộng đồng người, thuyết tái sinh giúp giải toả điều này. Người không gặp nhiều may mắn trong đời cũng có phần nào tự an ủi, tìm cho mình lối thoát khỏi hoàn cảnh theo cách lương thiện và tin tưởng vào cơ hội tốt đẹp của mình nếu mình thực sự xứng đáng. Kẻ đang thụ hưởng quá nhiều may mắn bởi anh ta có thể được số phận đồng loạt thanh toán những nhân tốt đẹp của anh ta trước đây,… Nhưng hãy cẩn thận, mỗi con người đều có tài sản trong hai ngân hàng phước và tội và luôn phải thanh toán khi cơ hội đến, nếu lối sống hiện tại của anh ta mang nhiều dấu hiệu bất lương tức là trong khi anh ta thụ hưởng nhưng không tiếp tục đầu tư thêm vào ngân hàng phước của mình, một khi quỹ phước còm cõi kia đã cạn anh ta sẽ đối mặt với kết cục khủng khiếp, nặng nề. Ở đây sẽ có thắc mắc rằng, vậy sao nhan nhản kẻ làm điều ác sờ sờ vẫn sống ung dung yên ổn sung túc đến mãn kiếp của mình thậm chí cái chết cũng rất nhẹ nhàng trong một bệnh viện đầy tiện nghi nào đó. Họ là ai?... một kẻ tội phạm chiến tranh trốn thoát được sự trừng phạt của con người, một kẻ nhấn nút những trái bom đồng loạt cướp đi một cách đau đớn sinh mạng hàng vạn con người. thuyết tái sinh cho ta câu trả lời rằng cái kết cục tất sẽ đến và họ sẽ phải thanh toán tất cả, chỉ có điều cuộc sống liên tục bị tạm thời gián đoạn nên sẽ có một “đoạn” hoặc nhiều “đoạn” sau đó chuyện trả giá sẽ cấp tập xảy ra.

- Nêu tin vào tái sinh nhân quả và suy ngẫm về điều này người ta không thể tham lam vơ vét để làm nô lệ cho lối sống hưởng thụ quá đáng. Một nhà tỷ phú với khối tài sản khổng lồ nhưng sống một cuộc sống đạm bạc, đơn giản, dùng tài sản của mình làm từ thiện. Rất có thể đó là dấu hiệu một lối sống khôn ngoan bởi khối tài sản hoàn toàn hợp pháp kia mới chỉ là hợp pháp so với luật lệ do con người đặt ra, còn luật của trời đất liệu anh ta có dám chắc không, biết đâu thành công của anh ta trong cạnh tranh lại vô tình và gián tiếp đẩy bao nhiêu con người vào những hệ luỵ u ám kéo dài, thậm chí tuyệt vọng, hoặc sự tàn phá môi trường sống với nhiều cấp độ khác nhau.

3. Thuyết tái sinh trả lời câu hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu? Câu hỏi treo lơ lửng trong ý nghĩ của bao con người từ cổ kim. Cuộc sống của mỗi người không thể bỗng dưng xuất hiện, rồi vận động, vật lộn trong cuộc sống đó với những tích luỹ, trải nghiệm, cống hiến, thu lượm rồi lại bỗng dưng tan biến hoàn toàn vào hư vô, hay dở thì kết cục cũng như nhau.

4. Tái sinh giúp giải toả bi kịch lớn nhất về tâm lý của con người đó là Cái Chết. Cái Chết là cú sốc khủng khiếp nhất với tất cả mọi người, cái chết của bạn bè, của người thân thiết gần gũi và đặc biệt là của chính mình, Cái Chết luôn ám ảnh mạnh mẽ nhất, ấn tượng sâu đậm nhất là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên có hai thái độ cần tránh đó là bi kịch hoá cực độ cái chết và coi thường cái chết.

- Cái chết chỉ là sự gián đoạn tạm thời bởi thân xác vật chất đã không còn đáp ứng được việc tiếp tục tồn tại, sau khi tái sinh vào một thân xác mới nó lại vận hành một chu kỳ mới trên cơ sở kế thừa tất cả những cái đã có, đã làm, đã gây ra từ những chu kỳ sống trước đó. Nhận thức như vậy để chúng ta không rơi vào trạng thái quá tuyệt vọng, không quá đau đớn, không quá tiếc nuối níu kéo, không quá dằn vặt, oán hờn. Chúng ta hãy cố gắng nhẹ nhàng chấp nhận cái chết dù biết rằng không dễ dàng gì.

- Chết là khủng khiếp nhưng lại nhan nhản những kẻ coi thường cái chết dù họ không phải anh hùng hay có hành vi can đảm gì cũng bởi nghĩ rằng chết là hết. Một kẻ tự sát, một kẻ thích phóng xe bạt mạng trên đường, một kẻ liên tục đổ rượu vào người rồi lý lẽ cuối cùng ai chả phải chết, kẻ tiêm chích chất độc hại vào người, đặc biệt có kẻ tước đoạt mạng sống của người khác mặc dù biết trước khả năng phải trả giá rất cao gần như không thoát nhưng vẫn nhắm mắt tiến hành. Nếu nhận thức được thuyết tái sinh chưa chắc họ đã dám coi thường cái chết đến như vậy bởi chết không phải là hết, một chu trình sống rất thấp kém như một con vật có thể đang chờ họ, đó mới là viến cành ngoài sức chịu đựng của họ ngăn họ dừng lại những hành vi dại dột.

B. Thuyết tái sinh có thực không?

Để tin tưởng vào thuyết tái sinh không có nghĩa chúng ta đi tìm đọc thật nhiều câu chuyện về tái sinh với những lời khẳng định là có thực kèm theo trong đó, không cần làm như vậy, chỉ cần chúng ta liên tục suy nghĩ về kịch bản này và suy luận những vấn đề cuộc sống có những dấu hiệu liên quan phù hợp.

Chúng ta cũng không cần quá thắc mắc sao không có ai đó nhớ gì rành mạch về các chu kỳ sống trước mà mình đã trải qua, đúng là hiện tại chưa có câu trả lời này và chưa biết khi nào nó sẽ được trả lời. Theo suy luận biết đâu quá trình tiến hoá về tư duy của con người Tạo hoá đưa ra những cách giải quyết bí ẩn chẳng hạn:

- Việc biết rõ các kiếp sống trước đó làm quá phức tạp quan hệ cuộc sống ân oán, nợ nần v.v…phức tạp trong việc cư xử, giả dụ con anh bây giờ đã từng là mẹ anh ngày trước, hay như câu chuyện một người nhìn xuyên qua được các kiếp sống thấy cảnh một người đang ăn thịt một con vật trước đây là cha mình, họ cho đứa con của họ cùng ăn mà đứa con trước đây lại là kẻ thù của mình, họ đuổi một con vật đang rình mò việc ăn của họ nhưng con vật kia lại từng là con mình. Đại loại ta tạm chấp nhận có sự phức tạp ở chỗ này.

- Việc biết rõ các kiếp sống trước đó làm nhàm chán khủng khiếp cuộc sống hiện tại mà con người chưa đáng phải chịu mức hình phạt này. Thông thường chúng ta yêu cuộc sống và khát khao sống mạnh mẽ vì chúng ta dường như thấy cuộc đời này hữu hạn. Thử hỏi hàng tỷ tỷ năm trôi qua ký ức của chúng ta không bị xoá nhoà, chúng ta nhìn hoa nở, mây bay, cảnh vật dù biến đổi liên tục và ngoạn mục đến đâu vẫn khiến chúng ta cực kỳ nhàm chán, có lẽ chúng ta chỉ muốn đứng hoặc ngồi yên rồi hoá đá nếu không thể chết đi và quên tất cả đi được.

Tóm lại, trong khi chúng ta chưa tìm được lối thoát nào khả dĩ cho bi kịch cuộc sống cá nhân đó là sinh, lão, bệnh, tử. Chúng ta chưa thể tu tập đạt đến nhận thức cần phải giải thoát như mục đích của đạo Phật. Chúng ta chấp nhận thuyết tái sinh nhân quả để làm cho cuộc sống của chúng ta an toàn, yên vui, khi gặp những biến cố, đổ vỡ hay mất mát thất bại lớn trong đời chúng ta dễ dàng hơn trong việc lấy lại thăng bằng bởi ta tự hiểu chúng ta chính là tác giả của các biến cố đó. Thiết nghĩ những điều đó cũng xứng đáng để làm ta suy nghĩ và tiếp tục tìm thêm ý nghĩa của nó.

                                                                                                     Phạm Viết Quang

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

GIÀ ƠI ! CHÀO BẠN !

                   Phối cảnh tổng thể Apsara resort (KTS Nguyễn Quốc Tuấn)

 

             Phác thảo Trung tâm hội nghị Quốc Tế (KTS Nguyễn Quốc Tuấn)

 

Cậu con trai Bu một thời lông bông bay nhảy, nay chí thú làm ăn nuôi vợ con. Ngoài việc hành nghề thiết kế kiến trúc, cu cậu còn hợp đồng dạy vẽ cho một trường Đại học dân lập, rỗi rãi viết cho các tạp chí kiến trúc, xây dựng... hoặc tếu táo trên Facebook bằng thứ phương ngữ quê nhà.  Bu giới thiệu chuyện vui Già ơi chào bạn của nó, mời các bạn đọc chơi...

 

Tối nay, tự dưng gặp lại người bạn già, ông này 65 tuổi. Đang định viết một bài về thằng Kuông, đành gác lại, viết về ông này trước, sợ sau quên mất thì uổng. Một nhân vật lạ và hiếm hoi mà mình từng gặp trong đời. người nam rặt nhưng ông mang cốt cách của một ông già bắc bộ ròng. Thâm trầm, sâu sắc.

 Mình quen ông Tín trong quán cà fê chim ở Tao Đàn, ông là dân chơi chim kiểng nổi tiếng Sài Gòn. Có lần, nhìn thấy ông đọc Osho, mình cảm tình ngay lập tức, vì mình cũng là tín đồ của Osho. Lân la hỏi thăm. Riết thành bạn, sáng chủ nhật nào ông cũng dở cuốn sổ danh bạ bé tí to để trong hộp đựng kính, rồi nhờ người lạ bất kì bên cạnh gọi mình ra nói chuyện Osho và chim cảnh (ông không xài điện thoại)

Mụ Liêm, kém ông 31 tuổi, bỏ chồng bỏ con, lẽo đẽo đi theo ông Tín để xách mấy cái lồng. Thành bồ bịch lúc nào không hay. Mụ Liêm nặng cả tạ chứ không ít, hễ ông Tín nói về chim muông là mụ sướng rân cả người, cười tít mắt người nấc lên bần bật. Ngồi bên ông mụ Liêm lắc lư, lắc , anh kể chim "thụ phấn" ra sao đi. Ông bảo, bà thì chằm hăm có chừng đó thôi hen. Chim mà thụ phấn à? Ông quay sang đọc sách Osho. Mụ bưng phao câu ngoảy đi nựng mấy con chim. Chim, chim, chim, ăn đi, ăn đi. Lát Liêm tắm cho nha!!! Chim ngoan ! chim ngoan! Nom mụ mà nẫu cả ruột.

 Tối nay, gặp ông Tín lang thang trước cửa khách sạn Novotel, mình rủ ông vào quán càfê ngồi tâm sự chim cò, osho tí cho vui. Mới hay, mụ kia đã bỏ ông theo người khác. Mình hỏi, ở Sài Gòn, nói về chim kiểng, ông là nhất rồi, sao mụ Liêm lại bỏ ông mà đi? Ôi dào, thiên thu trôi đi trong phút chốc, mụ mê chim thằng đó hơn chim tao, Ủa! Lại có ông nào rành chim hơn bác nữa hả? ông hét lớn, thằng đó không chơi chim cảnh bao giờ... Hiểu chưa. Ngu! Mình ngậm ngùi không biết hỏi gì thêm. Trực quan sinh động kề bên, hỏi chi nữa thêm đau lòng.

.Thú thực. mình không rõ vóc dáng kẻ cuỗm tình tay trên kia thế nào. Chứ nhìn lại cái body ông Tín, thấy không trôông chi ngày súng nổ. Mụ Liêm, chắc cũng có cái lí của mụ. Ông bồ mới của mụ không chơi chim cảnh thì ...của ông chắc phải to sêm sêm đùi Lý Đức chứ chẳngchơi.Haizzzzzz!

 Cà fê với ông Tín xong mình nghĩ lan man. Mai mốt mình già đều từ trên xuống dưới, mà hai con mắt còn ráo hoảnh như chừ thì răng hè! Chắc tạo hóa không thiếu sót vậy đâu. Thượng đế nhớ dùm, đã cho tui già thì già tất tần tật nha. Chỗ héo queo, chỗ tươi tắn là không được mô đó.

 Từ ngày mụ Liêm theo người khác, ông thả chim về trời không còn một con nào, đốt sạch lồng chim. Ông bà nói đúng ghê chưa? Phụ nữ dễ có mấy tay. Cũng là chim là cò cả...sao mà nghẹn ngào, sao mà tội nghiệp ông bạn già mình quá quá! hu hu

Tối về nhà, vào Yahoo Messenger, thấy nick teen_chim add mình, cái nick lạ quá. Không hiểu teen nào mà khẳng định giới tính bằng cách đính cả chữ chim vào đít thế này. Hóa ra là ông Tín, mình paste lại đoạn chát để mọi người đọc cho vui.

teen_chim: cúc cu, chào Tuấn

Nguyen_Quoc_Tuan: cúc cù chào chim. Nhìn nick là biết có chim rồi. mình cũng có chim bạn ơi, đong lộn hàng rồi!

teen_chim: keke, rất nhiều chim, biết ai đây hông?

Nguyen_Quoc_Tuan: ai thế?

teen_chim: Tín đây, Tín chim, Tín_Liêm đây, Tín Osho đây. kekeke

Nguyen_Quoc_Tuan: Dạ chào bác Tín. Bác phát âm từ internet còn trầm trầy trầm trật mà giờ biêt chat à?

teen_chim: keke, nick bà Liêm tặng từ hồi xưa, nhớ bả quá lấy ra dùng, ai ngờ được việc mày ơi!

Nguyen_Quoc_Tuan: Bà Liêm tặng nick teen_chim á? hehe chim....của bác  giờ chạy lúp xúp như chim cánh cụt rồi, bay nhảy chi được nữa mà teen với tiếc!

teen_chim: giỡn không mày!  mấy cháu cấp ba thích lắm, đòi coi chim teen, tao gửi cho cái ảnh con yểng, xanh xanh đỏ đỏ các cháu thích lắm. kekeke, rứa mà sướng mày ơi. khen tao thú zị đó mày! Khen tao teen! kekeke

Nguyen_Quoc_Tuan đang trả lời...

teen_chim: mày chỉ tao hôn, ôm...cái coi!

Nguyen_Quoc_Tuan: Thôi bác ơi, bác chả chán chê với mụ Liêm rồi. Còn hỏi nữa!

teen_chim: không, không, làm mấy nụ hôn (:x) và ôm (>:D<) trên chát nè. Còn mụ Liêm chỉ thích chim tao nuôi thôi, còn của tao mụ chê là ...teen đó, nên mụ làm nick teen_chim này nè. kekeke

teen_chim: các cháu cứ ôm hôn mà không ôm lại được. Ở ngoài tao dở món đó thiệt, giờ trên YH mà dở nữa thì thua thiệt quá. teen mà hổng làm được gì hết trơn, mà có mất sức gì đâu mày! khỏe re à.

 Chat xong thấy tội nghiệp ông bạn già quá. Osho đâu rồi? bác ơi là bác ơi!

Nghĩ mà phục ông nào nghĩ ra ý tưởng mấy cái icon cảm xúc trên Yahoo Messenger. Quá nhân bản.

Đến cái tuổi sức tàn lực kiệt, thấy một cái icon "ôm", icon "hôn" trên chat là sung sướng lắm. Cảm xúc phơi phới như thiệt rứa. Có bết xơ lết đến mấy cũng ôm, cũng hôn, đáp lễ rõ sòng phẳng. Chơ, cái tuổi 65 ra ngoài đường mà sòng phẳng như trên chat, thì người đi đằng người, chim đi đằng chim hihihi.

Ngưng chat với ông Tín, mình tư lự đọc lui đọc tới mấy dòng của ổng. Một ông già, ngoài đời hào hoa, phong nhã thì chat cũng phải phong nhã, hào hoa cho bằng được.

Chắc là, sau khi thuộc bài "thể hiện cảm xúc online" ông lại đi gửi mấy cái ảnh chim kiểng cho các cháu cấp 3 và "ôm" "hôn" không thương tiếc trên mạng. Có khi lại thể hiện cho bõ, trả thù mụ Liêm.

Tối nay định bày đồ ra vẽ. Nghĩ đến câu nói của ông Tín mà mình nẫu ruột. "Tao giờ làm bạn với internet, chát nè, mail nè. à mày biết hông? Thằng nào nghĩ ra cái cái hộp mail hay quá xá. Có mục gửi mail cho chính mình, tối nào tao cũng ziết thư gửi cho chính tao hết trơn. Tao ziết xong, sáng mai tao đọc. Thấy đỡ buồn và hổng cô đơn đó mày"

 

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

NGƯỜI VIỆT CƯỜI...CƯỜI NGƯỜI VIỆT

Trong Khi chờ đợi nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho ra sách “Chất lượng sống của người Việt” ( Như kiểu nhà văn Bá Dương bên Đài Loan viết người Trung Quốc xấu xí) Bu giới thiệu  các bạn bài viết “Người Việt cười... cười người Việt” của giáo sư Nguyễn Hưng Quốc.  

----------

Ít nhất từ đầu thế kỷ 20 đến nay, hầu như ai cũng nói là người Việt Nam hay cười. Cười nhiều đến độ vô duyên.
Người đầu tiên nhận định như thế là một học giả rất có uy tín: Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Trong bài “Gì cũng cười” đăng trên Đông Dương tạp chí số 6 năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh viết:
“An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.”
Trong sự nghiệp khá đồ sộ của Nguyễn Văn Vĩnh, với tư cách một nhà văn, một nhà báo và một dịch giả, có lẽ đoạn văn vừa trích ở trên là đoạn văn được nhiều người nhớ và nhắc nhất. Đến nay, tôi chưa thấy ai phản đối ông cả.
Mà làm sao phản đối được? Chỉ bằng kinh nghiệm thường nhật, chúng ta cũng có thể thấy ngay là ông nói đúng. Nhìn những bức ảnh chụp hay các thước phim tư liệu quay tình cờ trên đường phố, chúng ta dễ thấy đặc điểm của từng dân tộc: ở Nhật thì người ta cắm cúi đi hay dí tai vào chiếc điện thoại di động; ở Trung Quốc, người ta vừa đi vừa nhai nhồm nhoàm, còn ở Việt Nam thì người ta cười (nếu mồm không bị cái khẩu trang bịt kín).
Trong đời sống, chúng ta càng dễ thấy vai trò của nụ cười và tiếng cười. Ở đâu có người Việt là ở đó có những tiếng cười rúc rích. Kể cả trong giảng đường hay thính đường ở các cuộc hội nghị quan trọng và đầy tính chuyên môn. Trong nhà, trong quán ăn hay ngoài đường phố thì… khỏi nói.
Có thể nói cười là một loại hình ngôn ngữ thân thể (body language) đặc biệt của người Việt Nam. Gặp bạn bè hay người quen, người khác “hello”, “hi” hay “bon jour”, người Việt chỉ cần nhoẻn miệng ra cười. Thay vì nói “cám ơn”, người Việt cũng nhoẻn miệng ra cười. Thay vì nói “xin lỗi”, người Việt cũng cứ nhoẻn miệng ra cười.
Bạn bè tôi, đám giáo sư ở đại học có đông sinh viên Việt Nam, thỉnh thoảng nhờ tôi “phiên dịch” giúp ý nghĩa nụ cười hay tiếng cười của người Việt Nam. Chẳng hạn, một giáo sư, chấm luận văn, phát hiện một sinh viên Việt Nam trích nguyên văn nhiều câu từ sách báo mà không hề ghi xuất xứ.
Thay vì đánh rớt ngay vì tội đạo văn, ông thông cảm gọi sinh viên ấy vào phòng, chỉ cho sinh viên ấy thấy các câu văn ăn cắp và khuyên nên cố gắng diễn đạt bằng lời văn của mình hoặc phải ghi xuất xứ đàng hoàng. Nói xong, ông chờ đợi một lời xin lỗi. Nhưng anh sinh viên ấy chỉ… cười.
Người Việt Nam chúng ta, trong những trường hợp như trên, có thể “đọc” được dễ dàng lời xin lỗi ẩn sau nụ cười ấy. Tuy nhiên, người ngoại quốc, dù gần gũi với người Việt Nam nhiều đến mấy, cũng thấy ngỡ ngàng.
Nhưng dù hiểu đúng hay hiểu sai, một sự kiện phổ biến cũng cần được ghi nhận: Người Việt Nam sử dụng nụ cười và tiếng cười thật hào phóng!
Có điều, từ một khía cạnh khác, tôi lại nghĩ, trong văn hoá giao tiếp thông thường, người Việt Nam, nói chung, không biết cười.
Bạn ngạc nhiên ư?
Thì đây, bạn cứ tự mình kiểm tra đi. Sống ở hải ngoại, bạn bước lên máy bay về Việt Nam thăm nhà. Để ý mà xem, có tiếp viên nào ít cười bằng tiếp viên của Hàng Không Việt Nam không? Theo kinh nghiệm của tôi, câu trả lời là: Không.
Bước vào máy bay của các hãng hàng không khác, ngay từ cửa ra vào, chúng ta đã bắt gặp ít nhất là hai tiếp viên đứng cười chào và chỉ hướng đi. Ở hãng Hàng Không Việt Nam, cũng hai tiếp viên ấy và những lời chỉ dẫn tương tự. Nhưng rất hiếm khi thấy nụ cười nào.
Xuống phi trường, những người đầu tiên bạn gặp là các công an cửa khẩu, nơi bạn trình hộ chiếu. Đố bạn bắt gặp nụ cười nào ở đấy!
Lấy hành lý xong, bạn sẽ gặp hải quan. Đố bạn bắt gặp nụ cười nào ở đấy!
Không phải chỉ những nơi có quyền lực mới thiếu vắng nụ cười. Bạn bước vào bưu điện hay ngân hàng mà xem, có nhân viên nào nhoẻn miệng cười chào bạn không?
Lần đầu tiên tôi về Việt Nam và ra Hà Nội là năm 1996. Bước vào các hiệu sách, tôi hay nhoẻn miệng cười chào các cô bán hàng. Lần nào cũng thế, tôi cũng chỉ được đáp trả bằng một cái nhìn trân trối, có chút ngạc nhiên và đầy tò mò. Nhưng không có nụ cười. Khiến tôi phải vội vàng tìm cách kéo môi lại cho đỡ ngượng ngùng.
Sau này, khi xu hướng thương mại hoá và tư nhân hoá phát triển, những người bán hàng giảm bớt thứ văn hoá hợp tác xã ngày xưa, tương đối lịch sự hơn. Nhưng lịch sự không phải là biết cười.
Bước vào tiệm ăn hay quán nước, bạn hãy quan sát và so sánh cách chào khách của các tiếp viên ngoại quốc và tiếp viên Việt Nam mà xem. Ở các tiệm ngoại quốc, bạn sẽ bắt gặp, hầu như thường xuyên, một nụ cười. Ở các tiệm Việt Nam, ngay cả ở hải ngoại, bạn thường gặp cái gì? Một gương mặt lạnh tanh.
Làm sao có thể giải thích hiện tượng nghịch lý là: một mặt, người Việt Nam cười một cách dễ dàng, thậm chí, thừa thãi; mặt khác, lại tiết kiệm nụ cười đến độ có thể bị chê là “rude”, cục cằn và thô lỗ, như thế?
Các bạn thử giải thích giùm đi.
Một câu hỏi như thế có thể là một đề tài thú vị, cần nhiều công phu nghiên cứu và nhất định sẽ dẫn đến nhiều cách trả lời khác nhau.
Về phương diện ngôn ngữ, tôi chỉ xin lưu ý mấy điểm:
Thứ nhất, như nhiều người đã ghi nhận, tiếng Việt có thật nhiều từ và ngữ mô tả tiếng cười. Ít nhất là hơn 100.
Thứ hai, tất cả các từ và ngữ ấy đều có thể xếp vào hai loại: hình thức và ý nghĩa.
Căn cứ vào hình thức, nhằm mô tả các kiểu cười khác nhau, chúng ta có, đại loại:
Cười ầm, cười bò, cười bò lê bò càng, cười bỏng tai, cười cắm cắt (giọng cao), cười chúm chím, cười chuột rúc, cười đổ quán xiêu đình, cười đứt ruột, cười giòn, cười ha hả, cười hà hà, cười hả hê, cười hăng hắc, cười hắt hắt, cười hê hê, cười hề hề, cười hềnh hệch, cười hi hí, cười hì hì, cười híp mắt, cười hô hố, cười hở lợi, cười hở mười cái răng, cười hoa, cười khan, cười khanh khách, cười khèng khẹc, cười khì, cười khín (cười hùn), cười khúc khích, cười lăn, cười lăn chiên, cười mép, cười mím chi (miếng chi), cười nắc nẻ, cười ngất, cười ngặt nghẽo, cười ngỏn ngoẻn, cười lộn ruột, cười nhếch mép, cười nhoẻn, cười nôn ruột, cười nụ, cười nửa miệng, cười ồ, cười ỏn ẻn, cười phì, cười ra nước mắt, cười ré, cười rộ, cười rú, cười rũ, cười rũ rượi, cười rúc rích, cười rùm, cười sặc sụa, cười sằng sặc, cười té đái, cười the thé, cười thơn thớt, cười tít mắt, cười toe toét, cười tức bụng, cười tủm, cười tủm tỉm,
cười vãi đái, cười vỡ bụng, cười xoà, cười tuồng, cười vang…
Căn cứ vào ý nghĩa hay động cơ của tiếng cười, chúng ta có:
Cười ba lơn, cười bả lả, cười ba ngoe (cười nịnh), cười bông phèng, cười buồn, cười cầu phong, cười cầu tài, cười chớt nhả, cười chua chát, cười cợt, cười dã lã, cười dê, cười duyên,cười đế, cười đểu, cười Đổng Trác, cười động cỡn, cười đú đởn, cười đón, cười đưa, cười gằn, cười góp, cười gượng, cười hợm (hĩnh), cười huề, cười khà, cười khảy, cười khê, cười khinh khỉnh, cười lẳng, cười lấy lòng, cười lén, cười lỏn lẻn, cười mát, cười mỉa, cười mơn, cười mũi,cười ngả ngớn, cười ngạo, cười ngạo nghễ, cười ngựa, cười nhả, cười nhả nhớt, cười nham nhở, cười nhăn nhở, cười nhạo, cười nhạt, cười nịnh, cười ruồi, cười thái sư, cười thâm, cười thầm, cười theo, cười tình, cười trâu, cười trây, cười trừ, cười xã giao, cười xí xóa,…
V.v…
Nhiều. Thật nhiều. Nhiều đến độ Nguyễn Tuân nghĩ “e phải làm từ vựng từ điển Việt Nam đến nơi rồi cho tiếng cười giàu có của chúng ta”.
Không những nhiều mà còn đa dạng.
Cũng theo Nguyễn Tuân: “Tổ tiên ta thiệt là những nghệ sĩ đã tạo hình cho tiếng cười Việt Nam, tạo cho tiếng cười bao nhiêu là bóng dáng, và có cả một cái gì như là biên chế đầy đủ thang bậc về tiếng cười.” (Tuyển tập Nguyễn Tuân 2, Nguyễn Đăng Mạnh biên tập, nxb Văn Học, HN, 1982, tr. 393-4).
Thú thực tôi không biết trong các ngôn ngữ khác trên thế giới, có thứ tiếng nào có số lượng từ và ngữ mô tả tiếng cười phong phú và đa dạng đến như vậy hay không.
Tuy nhiên, bạn để ý mà xem, dù nhiều đến như vậy, trong tiếng Việt vẫn thiếu một thứ cười: Cười chào. Cười để chào.
Chúng ta cười để tán tỉnh nhau, để nịnh bợ nhau, để bày tỏ sự khinh bỉ hay căm ghét nhau…
Đủ thứ.
Và đủ kiểu.
Nhưng chúng ta lại thiếu một nụ cười chào nhau, nhất là ở những lần gặp gỡ đầu tiên. Nụ cười đi kèm hay thay cho một cái bắt tay, một câu “hello” hay “bon jour” thông thường. Và bình thường.
Một nụ cười không có ý nghĩa gì khác ngoài việc làm cho quan hệ giữa người và người trở thành thân thiện và ấm áp hơn.
Một nụ cười như thế, cần biết mấy, phải không bạn?

Đọc tiếp ...