Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

SỰ TÍCH CHIẾC XE TRÂU CỦA PHÙNG QUÁN

                                                 Nhà thơ Phùng Quán

Sinh thời,  nhà thơ Phùng Quán lâu lâu từ Hà Nội vào Huế, ông vào thăm quê, thăm bạn, và thăm ...bồ ! Một hôm thấy ông mặc áo chàm, chân xỏ guốc mộc đứng đọc thơ trước một nhóm người ở chợ Bến Ngự (Huế), Bu mời ông về nhà (ở khu Trường An) chơi, đọc thơ, uống rượu. Những năm 80 của thế kỉ trước việc làm này kể như là mạo hiểm !!! Trước khi ra về Phùng Quán tặng Bu truyên ngắn "Như con cò vàng trong cổ tích". Hôm nay Bu chép lại bài Sự tích chiếc xe trâu của Phùng Quán bên blog Quê Choa để cùng với nhà văn Nguyễn Quang Lập và các bạn nhớ về một nhà thơ tài hoa đầu thai nhầm thế kỉ....

Những  năm tám mươi mình ở quê, mỗi lần ra Hà Nội mình thường trọ hai nơi, một là nhà Phạm Xuân Nguyên, hai là nhà Phùng Quán. Chỉ hai nơi đó là mình cảm thấy hoàn toàn tự do như ở nhà mình. Nhà thằng Nguyên bằng cái lỗ mũi, chưa đầy chục mét vuông. Vợ chồng nó còn trẻ, có mình chúng nó như  bị cấm đoán chuyện vợ chồng, rất khổ nhưng chúng nó vẫn vui vẻ. Mình cũng ái ngại lắm. Thường trước khi ngủ mình nốc rượu thật say, một là để ngủ cho ngon, khỏi phải tưởng tượng lung tung, hai là ngầm thông báo cho chúng nó là mình say rồi, “ chết” rồi, muốn làm gì thì làm, hi hi.

            Lúc đầu cứ ra Hà Nội là mình tấp vào nhà thằng Nguyên. Một hôm anh Quán đến chơi nhà thằng Nguyên gặp mình ở đấy. Tàn cuộc anh kéo mình ra ngõ, nói mày vô nhà lấy đồ anh chở lên nhà anh. Mình ngạc nhiên, nói răng rứa anh. Anh cười, vỗ nhẹ vai mình, nói mày có vợ rồi mà tồ lắm. Mày nằm chềnh ềnh ra đó, tụi nó biết mần ăn ra răng. Mình ok liền, vui vẻ theo anh về nhà. Bây giờ mình mới để ý chiếc xe đạp của anh Quán, nó to quá cỡ, trông thô kệch kinh hồn, chưa bao giờ mình thấy chiếc xe đạp nào to kềnh càng và thô kệch như xe này, ống tuýp khung xe to hơn cổ tay, nan vành xe chiếc nào chiếc nấy to bằng đầu đũa, không thèm nói ngoa.

 Anh Quán nói đó là xe trâu, người Nga dùng nó làm xe thồ, chở vài tạ vẫn chạy tốt. Mình hỏi sao anh mua xe này. Anh cười cái hậc, nói tiền đâu mà mua, có tiền cũng chẳng có mà mua, xe này khắp Hà Nội bói không ra một chiếc. Mình nói ủa, rứa răng anh có. Anh nói người ta tặng. Mình hỏi ai tặng, anh nói Lê Nin. Mình cười phì, nói anh không biết nói trạng. Lê Nin chết năm nào, anh sinh năm nào mà bảo Lê Nin tặng anh chiếc xe đạp này. Anh cười hì hì, nói rứa mới tài.

Mình không hỏi nữa vì biết thế nào anh cũng kể, tính anh thích kể có đầu có đuôi, ít khi kể gọn lỏn một câu. Anh hay kể mấy chuyện liên quan đến sự viết của anh. Anh kể cái truyện Vượt Côn Đảo tất nhiên anh bịa, hồi đó nghe người ta kể lại một phần anh bịa ra chín phần. Cho đến ngày anh ngồi kể cho mình nghe, khoảng năm 85- 86 chi đó, anh vẫn chưa biết Côn Đảo méo hay tròn. Trong đó có mấy câu anh tả con đường từ nhà tù ra  bãi dương (trường bắn) được lót xương của các tù nhân bị án tử hình. Là anh bịa ra thế để nâng cao lòng căm thù Đế quốc thực dân chứ xương người làm sao lót được đường. Chẳng ngờ trong hồi kí của một ông ở tù côn Đảo về (ông này nổi tiếng lắm, không dám nêu tên, hi hi) khi viết về con đường này cũng tả y chang như anh tả, cũng  con đường lót xương các tù nhân, he he.

 Cũng chuyện tù Côn Đảo, trong Trường ca Võ Thị Sáu ( thực ra là bài thơ dài, in nguyên một trang báo Tiền Phong) anh viết tuổi 16 chị Sáu vẫn  hái hoa Lêkima cài tóc. Buổi sáng ngày bị hành hình, chị đã ngắt một nhành hoa Lêkima cài lên mái tóc, trên đường ra pháp trường chị vừa đi vừa hát. Anh đâu biết Lêkima là cây gì, nghe cái tên đẹp thì tưởng hoa của nó chắc đẹp lắm. Sau này mới biết Lêkima thực ra là cây Qủa trứng gà, hoa đã xấu lại đầy nhựa, “ngắt một nhành hoa cài mái tóc” có mà dở hơi. Ai dè bác Nguyễn Đức Toàn lấy cảm hứng từ bài thơ của anh để viết bài Biết ơn Võ Thị Sáu ( chắc khi đó bác Toàn cũng không biết cây Lêkima là cây gì): Mùa hoa lê-ki-ma nở ở quê ta miền đất đỏ/ Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng/ Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở… Chị Sáu đã hi sinh rồi,/Giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim…Anh Quán cười khà khà, nói sau này hễ viết về chị Võ Thị Sáu thì người ta lại bê nguyên chi tiết này vào, vui quá là vui.

Đến ngày thứ ba anh Quán mới kể sự tích chiếc xe trâu. Bữa đó trời mưa, anh đi đầu về, chạy rật rật vào nhà, miệng nói tay chỉ, nói Lập Lập mày bê chiếc xe đạp vào nhà cho anh. Mình chạy ra, vừa nhấc lên đã lè lưỡi, nặng quá là nặng. Mình vừa thở vừa nói xe này đúc bằng sắt hay sao, nặng như chiếc xe máy. Anh Quán cười nhẹ, nói thì bằng sắt chứ sao, có tí nhôm nào đâu, có rứa mới gọi là xe trâu. Anh lôi chai rượu vừa kiếm đâu về  rót ra hai ly, nói uống đi. Xe này anh kiếm được thời viết văn chui đấy, chuyện hay lắm.

Anh kể đâu như năm 69-70, bé Đỗ Quyên, con gái đầu của anh, đang học cấp I. Mùa hè thì không sao, cứ đến mùa đông là nó thường xuyên đi học muộn. Trời rét mướt cả nhà ngủ khì trong chăn ấm, đến khi tung chăn vùng dậy đã bảy, tám giờ rồi. Con gái bị cô giáo phê bình liên tục, anh xót lắm, nghĩ bụng không biết làm thế nào kiếm được cái đồng hồ báo thức. Đồng hồ báo thức Liên Xô hồi đó bán phân phối giá 20 đồng, đối với anh Quán là cả một món tiền to. Nhưng giá có kiếm được 20 đồng cũng chả đến lượt anh, sổ gạo còn hồi hộp sợ có ngày bị cắt mất, anh đâu dám mơ được phân phối đồng hồ.

Đến chơi nhà Trần Dần, anh thấy có tờ họa báo Phụ nữ Liên xô, vừa lật vài trang chợt thấy thông báo thể lệ cuộc thi viết về Lê Nin. Ngó xuống phần giải thưởng, giải khuyến khích là đồng hồ báo thức, bút máy và một vài thứ khác. Lập tức anh về nhà viết ngay, quyết giành cho được cái giải khuyến khích. Chừng hai ngày anh viết xong cái truyện Như con cò vàng trong cổ tích. Tất nhiên anh không lấy tên thật. Anh thư vào Nghệ An cho chú em họ đang làm công nhân lâm trường gì đấy, xin phép được lấy tên anh ấy. Sở dĩ anh lấy tên chú em họ, vì chuyện thi cử anh không dám mượn tên mấy ông bạn nhà văn anh vẫn mượn tên, hơn nữa lấy tên một người thuộc giai cấp công nhân chắc người ta sẽ ưu tiên hơn.

Mới gửi thì thấp thỏm lắm, thỉnh thoảng có bưu tá gọi ra ngõ lấy thư, trống ngực đập to hơn trống làng, cứ tưởng bở thư chú em họ báo tin giải thưởng. Hơn nửa năm vẫn biệt vô âm tín, tuyệt vọng luôn. Trách mình to đầu mà dại, tự nhiên đơm đó ngọn tre, đấu với các anh tài của cả 12 nước XHCN, cái giải rút cũng đừng có mà mơ.

Một hôm rượu say anh ngủ như chết, chị Trâm, vợ anh, véo cho cái rõ đau. Anh giật mình mở mắt, chị Trâm cầm tờ giấy báo trúng giải chú em họ vừa cầm ra đưa qua đưa lại trước mắt anh, ối cha mẹ ơi giải nhất! Anh tự véo đùi mình hai ba cái để xem mình tỉnh hay mơ. Chú em họ mặt nhăn như bị, nói anh mần ri chết em rồi. Anh hỏi sao. Chú em họ kể giấy thông báo về buổi sáng, buổi chiều đã ồn khắp lâm trường, một ngày sau thì ồn ra cả tỉnh. Một ông công nhân ở nơi khỉ ho cò gáy bỗng nhận cái giải nhất của Liên Xô, lại giải nhất viết về Lê Nin thế mới kinh. Đài lâm trường, đài huyện, đài tỉnh đua nhau nói râm ran. Các nhà báo kéo nhau về Lâm trường ầm ầm, chú em họ hãi quá, nửa đêm nhảy tàu ra nhà anh.

Chuyện nghiêm trọng.Việc này nếu lộ ra chẳng những anh mất toi cái giải nhất mà việc viết văn chui của anh hơn chục năm qua nhất định bị lật tẩy, khéo không tù tội như chơi. Anh lạy lục chú em họ đã thương thì thương cho trót, cố làm sao đừng để chuyện này lộ ra. Anh diễn giải phân tích cái truyện, đặt ra đủ loại câu hỏi rồi trả lời, để chú em họ đối phó với đám nhà báo. Chú em họ cay đắng ra về, thôi thì đâm lao phải theo lao, nếu lộ ra anh Quán chết thì anh cũng chết theo, chẳng phải chuyện chơi.

Được hơn một tuần, nửa đêm chú em họ lại mò ra, lôi trong bị ra cái đồng hồ báo thức và 50 chục đồng đưa cho anh Quán, nói của anh đó, anh cầm đi rồi tha cho em, hai ba tuần nay vợ chồng em mất ăn mất ngủ, kiểu này rồi cũng “tăng xông” đứng tim mà chết, chẳng sống được đâu. Hỏi thì chú em họ kể, hết lâm trường mít tinh biểu dương đến huyện, sở hội họp khen ngợi. Lại còn Tỉnh ủy gọi lên chiêu đãi, tặng 50 đồng; Ủy ban tỉnh gọi lên chiêu đãi, tặng đồng hồ báo thức. Hai vợ chồng chú em họ sợ hết hồn, cứ mỗi lần có trát gọi là tim họ nhảy lên sau gáy, mặt mày xanh như đít nhái.

Rồi cũng qua. Ngày anh Quán đưa chú em họ đến Đại sứ quán Liên Xô nhận chiếc xe đạp là ngày cuối cùng trong suốt ba tháng trời căng thẳng hồi hộp. Anh nấp sau gốc cây bên kia đường, đối diện cổng Đại sứ quán, căng thẳng đến độ mồ hôi đầm đìa toàn thân, ướt sũng cả áo quần, chỉ sợ đến phút chót mọi việc bị lật tẩy. Chờ suốt ba tiếng đồng hồ mới thấy chú em họ đẩy chiếc xe đạp đi ra. Anh ôm chầm lấy chú em họ nghẹn ngào không nói được. Hồi lâu mới nấc lên, nói em ơi, ơn em đời đời kiếp kiếp. Anh theo Vệ quốc quân vào sống ra chết không biết bao nhiêu lần, chưa lần nào anh sợ như lần này.

Nghe đến đây tự nhiên mình muốn khóc.

 Ghi chú của Bu

Nguyên: Phạm Xuân Nguyên nhà lí luận phê bình văn học

Trấn Dần: Nhà thơ nổi tiếng và tai tiếng trong vụ Nhân văn giai phẩm

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN



Đọc Góc ảnh chiếu từ nước Nhật của nhạc sĩ Tuấn Khanh, dù đau lòng tôi cũng đồng tình với ông: " Đôi khi giữa những hoang tàn đó của nước Nhật, người ta bừng sáng hy vọng – và đôi khi sống giữa những điều được gọi tên là bình yên của đất nước mình, một người Việt Nam vẫn có thể cảm nhận được những ảnh chiếu sắc cạnh của sự hoang tàn". Đã có nhiều bài viết cho rằng nếu tai họa như nước Nhật xảy ra ở nước ta thì có thể hình dung nhiều điều xấu xa sẽ xảy ra bởi sự băng hoại đạo đức của người Việt. Mới đây, có ý kiến chỉ đạo báo chí: "Khi đề cao tinh thần vượt khó của nhân dân Nhật Bản không nên cường điệu, vô hình chung (trung) hạ thấp tinh thần của người Việt Nam". Cường điệu là điều không nên, tuy nhiên có cần phải lo lắng "vô hình trung hạ thấp tinh thần của người Việt Nam" ? Lổ Tấn chọn đơn thuốc AQ đắng nghét đã có hiệu quả chữa trị tinh thần bạc nhược của người Tàu. Sau này, nhà văn hóa Bá Dương tiếp tục mổ xẻ "Người Trung Quốc xấu xí" cũng được đồng bào ông cho là cần thiết.

Nhân chuyện này, tôi muốn chúng ta cùng nhớ rằng dân tộc ta vốn không phải xấu xa như hôm nay mà đã từng có những thời kỳ rất tốt đẹp . Hằng ngàn năm trước, ông cha ta có tư tưởng nhân văn vượt thời đại: "Thương người như thể thương thân". So với "Điều gì mình không muốn thì đừng gây ra cho người" của Khổng Tử quả là cao hơn. Con cái biết sánh: "Công cha như núi Thái sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Cha mẹ mong muốn "Con hơn cha là nhà có phúc" chứ không đòi hỏi "Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu". "Thuận vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn" chứ không phải "phu xướng phụ tùy "… Đối với hàng xóm thì "Tối lửa tắt đèn có nhau". Đối với đồng bào thì "Người trong một nước phải thương nhau cùng" v.v.

Những ai đã từng trải qua thời kháng chiến chống thực dân Pháp đều biết: Ở các vùng giải phóng, đêm nhà nhà không cài cửa. Nhân dân giành nhau đón mời bộ đội về nhà mình để chăm sóc nuôi dưỡng. Đơn vị tôi có anh Nguyễn Hoàng Minh là người Bắc, được các bà các mẹ bảo: "Tao thương nó hơn tụi bay. Nó xa cha xa mẹ vô đây". Trong lần nói chuyện với cán bộ miền Bắc sắp đi B (vào Nam),Tổng bí thư Lê Duẩn kể, thời chống Pháp, ông ở nhà dân và họ đều biết ông là Bí thư Trung ương cục. Mỗi lần ông đi công tác về gặp bữa cơm, ông bà chủ nhà hỏi: "Thằng Ba, mầy ăn cơm ở đâu chưa? Chưa, thì vô bếp lấy chén đũa ra ăn luôn nghe!".

Khi tập kết ra Bắc, đơn vị tôi đóng quân ở nhiều vùng.Tôi nhận ra là đồng bào mình ở miền Bắc cũng sống đầy tình nghĩa như trong Nam, dù vật chất có thiếu thốn hơn. Thời Mỹ ném bom phá hoại, nhân dân các vùng khu IV dám đem ván phảng nhà mình lót hố bom cho xe bộ đội kịp chuyến vào Nam. Các vùng bị B52 dội bom ác liệt như Khâm Thiên, Gia Lâm…, hoàn toàn không có hiện tượng hôi của. Xăng dầu, quân dụng rải dọc theo ven đường không cần canh giữ, cũng không bị trộm cắp…

Câu thành ngữ "Ra ngõ gặp anh hùng" mô tả chính xác con người Việt Nam trong suốt 30 chiến tranh. Toàn dân tin những người lãnh đạo đang dồng cam cộng khồ với mình vì "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do". Do vậy mà được thế giới nhìn vào,ca ngợi "Việt Nam là lương tâm của nhân loại"!

Tại sao người Nhật thảm bại trong chiến tranh, đã có thể vươn dậy làm nên sự "thần kỳ Nhật Bản". Còn ta thì ngược lại từ "ra ngõ gặp anh hùng" đến tình trạng "Đến chỗ nào cũng thấy ăn cắp"! Có lẽ xem xét hiện tượng trái ngược này sẽ giúp chúng ta thu được nhiều điều bổ ích ?

Có người cho rằng, vì người Nhật tiếp tục những bài học từ thời Thiên Hoàng. Nói như vậy thì xa xôi quá! Tôi nghĩ, chỗ khác nhau giữa ta và họ là cách rút ra bài học sau chiến tranh, từ đó mà tìm đúng con đường đi tới.

Người Nhật bại trận đã nhanh chóng nhận ra nguyên nhân thất bại của mình là đi ngược lại xu thế thời đại: Chủ nghĩa Sôvanh (Ph. Nicolas Chauvin), chủ nghĩa thực dân với mọi hình thức đã bị lịch sử phủ định .Người Nhật cũng nhanh chóng nhận ra, Mỹ là một quốc gia dân chủ, đề cao nhân quyền, họ tham gia lực lượng Đồng minh chỉ nhằm chống phe trục, chứ không có mưu toan chiếm Nhật làm thuộc địa. Từ nhận thức đó, dù vừa bị Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử đầu tiên, người Nhật không coi họ là kẻ thù mà tự nguyện giao kết là đồng minh chiến lược trong công cuộc phục hưng đất nước. Nhờ quan hệ này, người Nhật suốt thời gian dài không phải bỏ nhiều chi phí cho quốc phòng, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, trở thành tấm gương tốt đẹp nhiều mặt:

1 – Từ bỏ độc tài quân phiệt, xóa hệ thống chính trị phát xít, tôn trọng dân chủ, nhân quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập. Nhật Bản là nước quân chủ lập hiến, trong đó Thủ tướng nắm quyền cao nhất về quản lý quốc gia và chịu sự giám sát của Quốc hội hai viện, cùng Tòa án Hiến pháp nhằm ngăn chặn những quyết định vi hiến của Chính phủ. Thế giới coi Nhật là một nước có nền dân chủ đầy đủ, ưu việt vào bậc nhất.

2 – Chuyển đổi nền kinh tế phục vụ chiến tranh thành nền kinh tế dân sinh, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Từ hoang tàn người Nhật xây dựng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Gần đây Trung Quốc tuyên bố đã chiếm vị tri nền kinh tế lớn thứ 2, nhưng mức thu nhập bình quân của người Trung Quốc còn thấp quá xa so với Nhật. Trong khi đó Nhật không có tình trạng cách biệt giàu nghèo khủng khiếp như Trung Quốc!

3 – Xây dựng nền văn hóa tiên tiến và bảo tồn bản sắc tốt đẹp của truyền thống Nhật Bản; một nền giáo dục hàng đầu thế giới về đào tạo những con người phát triển toàn diện. Nền văn hóa và giáo dục đó sản sinh 2 nhà văn đoạt giải Nobel văn học là Yasunari Kawabata, Kenzaburo Oe và nhiều văn tài khác như Kôbô Abê , Haruki Murakami. Trà đạo, hát ka-ra-o-kê, thơ Hai-ku, ẩm thực Nhật được thế giới hâm mộ.

Đặc biệt những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn cho nhân dân Việt Nam mà chúng ta chưa thực hiện được đã có thể nhìn thấy ở Nhật Bản như : "Chính quyền từ xã tới trung ương phải do nhân dân lập ra"; "Nếu Chính phủ làm hại dân thì nhân dân có quyền đuổi Chính phủ", "Cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo và là đày tớ của nhân dân"… Mấy năm qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vị Thủ tướng Nhật chỉ vì chưa thực hiện được một lời hứa náo đó đã phải từ chức, chứ chưa cần người dân đưa đơn kiện. Trong vụ động đất hiện nay, chúng ta thấy ông Thủ tướng Can vô cùng tất bật vẫn bị người dân Nhật phê phán đã chậm có mặt ở nơi bị tàn phá nặng nhất .

Tai họa vừa qua, phẩm chất con người Nhật Bản được nhân loại thán phục chính là kết quả của nền chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục ưu việt của họ.

Hàng chục năm qua, Việt Nam chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ hào hiệp của Nhật Bản. Hiện nay hàng vạn sinh viên và người xuất khẩu lao động Việt Nam đang học tập và lao động ở Nhật. Nhiều nhà lãnh đạo nước ta trân trọng đề cao mối quan hệ đối tác chiến lược Nhật – Việt. Chẳng lẽ chúng ta không biết trân trọng tìm học con đường đưa tới dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh theo kiểu Nhật? Tựu trung gồm 3 điểm vừa kể ở trên.

Chúng ta ra khỏi chiến tranh với tư thế người anh hùng chiến thắng siêu cường số 1 thế giới! Nguồn sức mạnh để chiến thắng, được chúng ta nhận định là từ "3 dòng thác cách mang" thế giới. " Chủ nghĩa Mác – Lênin bách chiến bách thắng muôn năm !" được chúng ta trương cao khắp đất nước như là một tuyên ngôn, là tổng kết chiến tranh và là ngọn cờ sẽ dẫn đường đi tới. Từ nhận định đó đưa tới đổi tên Đảng, đổi quốc hiệu, thực hiện chuyên chính vô sản, vạch ra đường lối tiến nhanh tiến mạnh ,tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, trên bình diện quốc tế, chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng, đã có nhiều dấu hiệu rạn vỡ. Rạn vỡ dễ thấy nhất là sự chống đối nhau điên cuồng, kể cả bằng vũ lực của hai nước lớn nhất là Liên Xô và Trung Quốc, cho thấy điều gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản không hề tồn tại! Mãi đến khi đã bị Trung Quốc phản bội tấn công, chúng ta vẫn kiên trì nhận định Mỹ là kẻ thù lâu dài, nguy hiểm, còn Trung Quốc chỉ là kẻ thù trực tiếp, bởi đang có một nhóm cầm quyền mang tư tưởng bá quyền bành trướng. Do nhận định như vậy, ngay sau khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, Tổng bí thư Nguyễn văn Linh vội vàng sang cầu hòa với Trung Quốc trong thế yếu, ca ngợi "16 chữ vàng", trong thực tế đau buồn là đang bị chiếm đất, chiếm đảo, đưa tới nghịch cảnh mãi tận hôm nay! Để Trung Quốc có cớ xâm lược là không khôn khéo, tuy nhiên thỏa hiệp vô nguyên tắc và không biết tìm cách để chọn nhiều đồng minh chiến lược, đối trọng với họ giữ vững an ninh cũng là không biết vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khác hẳn chúng ta, người Mỹ nhanh chóng nhận ra thất bại của họ trong cuộc chiến là đã không hiểu được sức mạnh từ chủ nghĩa yêu nước của người Việt (Hồi ký của nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Macnamara). Họ muốn sớm lập quan hệ với chúng ta, nhưng trớ trêu thay chúng ta không vượt qua nổi mối thù! Chúng ta không hiểu đúng sức mạnh quyết định chiến thắng của mình chính là được khơi dậy từ lời kêu gọi chính xác của Hồ Chí Minh:"Không có gì quý hơn Độc lập Tự do"! Hiện tượng hàng triệu quân chế độ Sài Gòn dễ dàng tan rã, chắc chắn không phải vì họ hèn kém bởi họ cũng là con Lạc, cháu Hồng, chắc rằng họ rã ngũ vì không thấy mình đối địch với cộng sản, mà đối địch với Độc lập Tự do! Ông Lê Duẩn cho rằng phải "giương cao 2 ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" , trong tình thế bấy giờ là đúng, bởi vì cần phải có vũ khí của Liên Xô,Trung quốc. Tuy nhiên, "ngọn cờ xã hội chủ nghĩa" mặt khác đã làm cho sự quyết đấu vì ý thức hệ giữa Tự do và Cộng sản của Pháp, Mỹ càng thêm quyết liệt. Nói như vậy, không hề có ý giảm nhẹ trách nhiệm của Pháp và Mỹ. Cho đến khi đã bị sa lầy trong cuộc tái chiếm thuộc địa, phải tìm giải pháp Bảo Đại, thế mà người Pháp vẫn làm cho "con ngựa cũ" của mình phải lồng lộn: "Hơn nữa, nếu chính phủ Pháp đoạn giao với "Bác Hồ" chính là bởi lý do sự đòi hỏi về độc lập và thống nhất của họ nhiều hơn lý do họ là cộng sản quốc tế" (Bảo Đại – Con Rồng Việt Nam, trang 334). Từ thời ấy, Mỹ đã gánh cho Pháp hơn 80% chiến phí. Chính thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã đẩy Cụ Hồ phải tìm chỗ dựa Trung quốc, Liên Xô .

Nếu tỉnh trí, nhìn đúng thế mạnh chiến thắng vừa qua của mình, chúng ta sẽ trở lại với Cụ Hồ khi trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp làm Tuyên ngôn độc lập Việt Nam, .mà vấn đề cốt lõi là Dân chủ và Nhân quyền. Nếu sớm nhận thức như vậy chúng ta ắt sẽ chủ đông thực hiện đường lối Đổi mới khi chưa bị tình thế thúc ép. Và như vậy sẽ là không có cải tạo xã hội chủ nghĩa công, nông, thương nghiệp; cũng không cần cải tạo cán binh Sài Gòn; sẽ không có nạn thuyền nhân. Toàn thế giới sẽ tiếp tục đứng bên Việt Nam như 30 năm qua. Trung Quốc không dễ lôi kéo Mỹ để gây cho chúng ta hai cuộc chiến thảm khốc. Với thế và lực mới ấy, chúng ta sẽ phát triển nhanh chóng, có thể chưa theo kịp Nhật Bản, nhưng chắc chắn không thể kém Hàn quốc, bởi họ còn bị trì kéó bởi một Bắc Triều Tiên. Tiếc thay!

Dù sao chúng ta cũng còn may mắn hơn Bắc Triều Tiên, Cu Ba, vì đã có những nhà lãnh đạo dám xé rào, Đổi mới, dù đã đến lúc bế tắc. Cuộc Đổi mới đã đem lại sức sống cho nền kinh tế Việt Nam mà thành tựu của nó đã được ca ngợi quá nhiều, thiết tưởng không cần phải nhắc lại. Riêng đối với Đảng Cộng sản thì cuộc Đổi mới đã đem lại thế mạnh nào và đào sâu thế yếu nào? Và nó đã tác động ra sao đối với phẩm chất con người Việt Nam? Đó là những vấn đề cực kỳ rộng lớn mà chúng tôi không có tham vọng giải đáp được, chỉ mong xới lên để các nhà lý luận của Đảng Cộng sản và các bậc thức giả trong ngoài nước cùng bàn.

Tôi nhớ, đầu những năm 90 ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời câu hỏi: Vì sao vốn là người kiên quyết chống Cộng, ông lại kêu gọi hòa hợp dân tộc, về nước hợp tác với chính quyền cộng sản phát triển đất nước? Ông Kỳ đáp: Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam không còn cộng sản. Bởi tôi hiểu công sản chủ trương chỉ còn một giai cấp và không chấp nhận kinh tế thị trường .Nay họ công nhận kinh tế nhiều thành phần giai cấp, phát triển thị trường tự do. Họ giống như những thày tu đã ngả mặn rồi mà vẫn cứ đòi gọi mình là thày tu. Ý kiến nôm na của ông Kỳ hoàn toàn phù hợp với lý luận kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin . Những nhà lý luận Mác xít của Việt Nam cứ khất lần khất lữa suốt 25 năm vẫn không thể tìm ra định nghĩa mới cho chủ nghĩa xã hội ngoài câu Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, 5 năm sau được bổ sung thêm từ Dân chủ đứng sau từ Công bằng, rồi phải mất 5 năm nữa từ Dân chủ mới được chuyển lên đứng trước Công bằng! Ôi, nguyện vọng dân chủ đã được Hồ Chí Minh khơi dậy, nhân dân ta đã tốn bao xương máu để giành lấy vậy mà sao thực hiện nó vất vả đến như vậy!

Những người mác xit đều biết lý thuyết về sự phù hợp giữa kiến trúc thượng tầng với cơ sở hạ tầng. Trong lời tưạ Tuyên ngôn đảng cộng sản in bằng tiếng Đức ngày 28-6-1883, Ăng-ghen viết: "Trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra – cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy ". Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rõ lời dạy đó, nên đã nhiều lần nhắc lại rằng phải Đổi mới toàn diện từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội. Văn kiện Đại hội 11 cũng nhắc "Đổi mới trong lĩnh vực chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế". Tuynhiên cho tới nay hệ thống chính trị hầu như không có thay đổi gì đáng kể so với 25 năm trước. Cuộc bầu cử Quốc hội đang xúc tiến từ cung cách đến nội dung chỉ đạo cũng na ná như xưa. Về tỉ lệ đảng viên trong Quốc hội, ông Võ văn Kiệt cho rằng chỉ nên hơn 50%, khóa 12 là 92%, khóa này được nêu ra là từ 85 đến 90% . Ông Võ văn Kiệt cũng đề nghị "Về cơ bản đã làm đại biểu Quốc hội thì thôi không làm quan chức hành chính nữa". Nhưng khóa này quan chức hành chính ứng cử vẫn đông!

Do cơ cấu xã hội không phù hợp sản xuất kinh tế như Ăng-ghen nêu ra mà đã xảy ra những điều tréo ngoe giữa thực tế cuộc sống với lý thuyết từ các nghị quyết. Có thể nêu ra hàng chục dẫn chứng, nhưng chỉ xin nêu hai điều đang trở thành hiểm họa cho Dân tộc và cho cả Đảng cộng sản :

1 – Trong khi chúng ta dành những lời thân thiết nhất cho các quốc gia Đảng cộng sản lãnh đạo, cho cánh tả, coi sức mạnh thời đại ta cần phải kết hợp là ở đó thì thực tế là chúng ta phải dựa vào sự giúp đỡ lớn nhất ở các nước tư bản tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc… những đồng minh chiến lược của Mỹ. Trớ trêu hơn là Trung Quốc, người đồng chí có chung16 chữ vàng, chung mục tiêu 4 tốt, chung quan điểm trong nhiều sự kiện lớn của thế giới (như Bắc Phi, Libi…) và chính sách đối nội (như dân chủ, nhân quyền; bên kia thì có Lưu Hiểu Ba, bên này là Cù Huy Hà Vũ). Dù chúng ta đã cố sức chiều theo họ rất nhiều vấn đề khó chiều như: Họ đóng cửa các công trình khai thác bôxít ở nước họ, để sang khai thác bôxit trên "mái nhà" của nước ta và cả Đông Dương. Mới hôm qua, họ xả nước bẩn làm ô nhiễm Sông Hồng, nhưng chính quyền Vân Nam thẳng thừng từ chối đề nghị khẩn thiết của Lào Cai cùng phối hợp nhau để kiểm tra!

Càng trớ trêu thay, hầu như tháng nào người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phải lắp đi lắp lại một lời tuyên bố giống nhau: "Trung Quốc cần chấm dứt ngay sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam"!

2 – Hệ thống chính tri của chúng ta luôn luôn được đề cao về sứ mệnh cao cả là đang lãnh đạo toàn dân tộc theo quy luật tiến hóa của lịch sử loài người, nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó suốt 20 năm nay, những người điều hành hệ thống chính trị này luôn luôn bị các cơ quan chuyên môn của quốc tế xếp vào "tốp 10" đại tham nhũng. Tham nhũng Việt Nam đứng trên hơn 150 quốc gia tư bản, bộ máy điều hành của họ chắc chắn không có đảng viên cộng sản nào! Năm 2006, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhận định "Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ"..Đầu năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng chống tham nhũng là "mong mỏi rất chính đáng và tha thiết của những người dân. Nhưng cho đến hôm nay tôi tự thấy nhiệm vụ đó tôi làm chưa xong " (Báo xuân Sài Gòn tiếp thị).

Ngày nay người dân nhìn đâu cũng thấy những người đảng viên cán bộ lúc nào cũng nói về giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng, về học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ, về quyết tâm đi lên chủ nghĩa xã hội, trong khi đó họ chẳng những có mức sống cao hơn hẳn người dân mà có quá nhiều người nhà cao cửa rộng, con cái làm chủ những công ty tư nhân có vốn nhiều triệu đô la. Hơn 3.000 cuộc đình công của công nhân không qua sự chỉ đạo của Công đoàn, hiện tương nông dân khiếu kiện vượt cấp vùng nào cũng có, đã nói lên tâm trạng xã hội không yên ổn!

Từ ngàn xưa, người dân vẫn nhìn vào người cầm quyền để noi theo gương trong cuộc sống. Cổ đại có gương Nghiêu, Thuấn thuần dưỡng cả nước trở thành lương dân. Quá nhiều người dân hư hỏng người lãnh đạo phải soi lại mình.

Chúng ta kêu gọi toàn Đảng thống nhất nói theo Nghị quyết, làm theo Nghị quyết và các cơ quan truyền thông phải tuyên truyền đúng định hướng, để tạo ra sự đồng thuận trong toàn dân. Hãy nhớ lại, Cụ Hồ đâu có nhiều lời, chỉ cần một câu thôi, đã khiến cả nước đứng dậy đi theo dù con đường vô cùng gian khổ.

Hai năm qua có quá nhiều điều dù Đảng có Nghị quyết, báo chí tuyên truyền theo định hướng, nhưng không dễ tạo ra được đồng thuận, Ví dụ:

Chủ trương hợp tác với Trung Quốc khai thác bôxít, đã có hàng ngàn chữ ký kiến nghị dừng lại, có những chữ ký của các vị đáng kính như Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; người anh hùng có nụ cười công phá chế độ Sài Gòn Võ thị Thắng; những nhà khoa học hàng đầu đất nước như Nguyễn văn Hiệu; Chu Hảo; Đặng Hùng Võ; Nguyễn Quang A…

Mới hôm qua đây là vụ án Cù Huy Hà Vũ. Dù anh ấy có văn phong không quen tai như lâu nay (như ông bà mình nói, trực [trung] ngôn nghịch nhĩ) , nhưng tất cả nội dung đều nằm trong quyền công dân mà ngày xưa, Bác Hồ từng khuyến khích và Hiến pháp hiện hành không cấm. Do vậy, mặc dù muốn làm cho vụ án trở thành bé nhỏ ,không quan trọng (các bản tin VTV tối 4 tháng 4 năm 2011 đều không xếp vào các tin quan trọng; phiên tòa gói gọn không hết một ngày). Nhưng tầm quan trọng của nó vẫn cứ lộ rõ, bởi: nhiều tướng lĩnh cách mạng, văn nghệ sĩ, bình luận viên báo chí trong và ngoài nước cho rằng Hà Vũ nói những điều nhiều người nghĩ như thế mà không nói; Giáo dân thắp nến cầu nguyện trước ngày tòa xử; và các ngả đường quanh tòa án có quá nhiều cảnh sát bảo vệ.

Nước Nhật không thể có những vụ án tương tự. Chúng ta có nên học tập Nhật Bản? Nên lắm chứ ! Tuy nhiên trước hết nên học tập Hồ Chí Minh, không chỉ học và làm theo đạo đức mà trước hết hãy học và thực hiện tư tưởng Tự do, Dân chủ của Người!

Ngày 5 tháng 4 năm Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Đăng bởi bvnpost on 06/04/2011

Tống văn Công (Nguyên tổng biên tập báo Lao động)

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Thật ra, việc ông Vũ bị phạt tù bao nhiêu năm không quan trọng. Cái quan trọng là phải hiểu vì sao ông ấy bị phạt tù. Theo thông tin chính thống thì ông Vũ bị phạt 7 năm tù về tội chống lại chế độ XHCN. Nhưng ông ấy chống như thế nào và tại sao ông ấy chống thì không được nói rõ ràng. Cần phải hiểu rằng vụ án xử TS Cù Huy Hà Vũ là một cơ hội để nhận thức những vấn đề quan trọng có tính nguyên tắc, như: Thế nào là lòng yêu nước? Thế nào là tuyên truyền chống chính quyền nhân dân? Làm thế nào để tăng uy tín quốc gia?… Đáng ra những vấn đề này phải được tranh tụng tại tòa, nhưng thật là buồn là ở phiên tòa vừa rồi không có phần tranh tụng vì các luật sư cho rằng Hội đồng xét xử đã vi phạm điều 214 Bộ Luật hình sự nên họ bỏ về. Còn ông Cù Huy Hà Vũ thì lại sẵn sàng nhận bất cứ bản án nào. Trong tình thế như vậy mà tòa vẫn tuyên án thì thật không hiểu được mục đích của phiên tòa là gì. Ấy thế nhưng các phương tiện thông tin chính thống vẫn thông báo rất hùng hồn về việc ông Vũ bị bị phạt 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc. Phải chăng tòa và các phương tiện truyền thông đại chúng muốn biến ông Vũ thành “Mandela của Việt Nam ”? Với cách xử án và thông tin như vừa qua, người ta không thấy ông Vũ phạm tội như thế nào, chỉ thấy ông hiên ngang chịu đựng mọi thứ người ta khoác lên đầu ông. Hồ Bất Khuất. ( Blog Quê Choa)

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này. Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này. Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn. Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ. GS Ngô Bảo Châu

Đọc tiếp ...

Đọc "QUAN PHẨM VÀ NHÂN PHẨM"


" QUAN PHẨM VÀ NHÂN PHẨM” là tựa đề một chuyên luận của tác giả Nguyễn Hoàng Đức đăng trên Chungta.com. Hiện mới có kì 1 trong số 17 kì của  6 chương. Căn cứ vào độ dài kì 1 mà suy ra thì chuyên luận này dài khoảng 85 trang giấy A4 nhằm chứng minh một quan niệm: “Quan phẩm đặc quyền mà mọi người đều thích, nhưng nhân phẩm mới là giá trị cao nhất và rộng nhất của con người” như tác giả đã viết trong lời nói đầu. 

        Quan phẩm là gía trị người làm quan chứ quan phẩm đâu phải là đặc quyền?  Và cổ kim đông tây có biết bao người treo ấn từ quan chứ đâu có phải mọi người đều thích quan. Dân gian đã nói: “Bộ Binh bộ Hộ bộ Hình, ba bộ đồng tình bóp vú con tôi” và họ mắng vào quan thẳng thừng “Ai ơi nhớ lấy câu này cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”. Nếu nói nhân phẩm là giá trị cao nhất của con người thì còn nghe được, chứ bảo nhân phẩm có giá trị rộng nhất của con người nghe hơi kì cục. Sơ sơ trong lời nói đầu đã thấy tác giả lập ngôn không chặt chẽ, câu kéo lòng thòng, tối nghĩa. Tiến sâu vào bài viết càng thấy những yếu điểm tôi vừa nêu trầm trọng hơn.   

       Ngay đầu bài tác giả viết: “ “Quan phẩm và nhân phẩm” đó là tên gọi được Hán hóa, kì thực nó có thể mang một cái tên thuần Việt hơn: “ Học làm quan và học làm người” ” . Quan phẩm và nhân phẩm là danh từ chung chỉ về giá trị con người chứ không phải là tên gọi như ta gọi anh A ơi, chị B ơi...  Với cách viết trên ta có thể đưa ra một đẳng thức:

Quan phẩm và nhân phẩm = Học làm quan và học làm người

Vế trái thuần túy danh từ, vế phải là động từ,  giữa chúng  không thể có dấu bằng được.  Cũng có thể xem vế phải là nhân, vế trái là quả,  nhân tạo ra quả, cái nọ tạo ra cái kia chứ không thể cái nọ cũng chính là cái kia. Bảo rằng “học làm quan, và học làm người” để giữ gìn được, “quan phẩm và nhân phẩm” thì nghe có lí hơn. Và hình như tác giả không hiểu thế nào là thuần Việt. Thuần là chỉ có một thứ, một loại, tuyệt nhiên không lẫn thứ khác, loại khác vào. Trong mệnh đề “Học làm quan và học làm người” thì các từ:  làm, và, người,  tạm cho thuần Việt. Còn học (), quan ( ) là các từ Hán Việt, thì làm sao gọi nó là thuần Việt được.  Cũng nói thêm, khó tìm cho được một cái gì thuần Việt. Ai đảm bảo trong mỗi chúng ta thuần một dòng máu Việt mà không pha lẫn máu Tàu, màu Mã Lai Đa đảo...  Mấy câu ca dao “Trèo lên cây bưởi hai hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân, nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em có chồng anh tiếc lắm thay...”  ta ngỡ như là thuần Việt nhưng thực ra các từ Hán Việt (và gốc Hán Việt) chiếm trên 21%.  Cụ thể : Hái (thái,    ),   hoa ( ), tầm ( ), xuân ( ), biếc (bích, ), xanh (thanh, ). Không hiểu sao tác giả cho rằng  một hệ thống  quan trong sạch là “...hàng ngày tra dầu, vận hành máy móc để cho hệ thống hành chính trơn dầu chạy đều đều”.  Từ điển Thiều Chữu định nghĩa người giữ một việc gì để trị nước gọi là quan.  Trị nước nay gọi là lãnh đạo, tức người làm chính trị, người nắm một vai trò trong toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ  giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, nhằm  duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước.  Xưa nay các quan làm chính trị có lúc chịu tù đày, thậm chí đầu rơi máu chảy, chứ đâu có giản đơn là tra dầu cho bộ máy hành chính chạy trơn tru.

    Nhìn chung kì 1 (trong 17 kì) đầy rẫy những lập luận tùy tiện, ngô nghê, ấu trĩ. Chả thế mà trong phần bình luận ở cuối bài, anh Nguyễn Hùng Cường (Email: hac1232003@yahoo.com) nhận xét : “tác giả làm tôi băn khoăn về việc nghiên cứu và tính cẩn thận của bài viết...”. Anh Kiều Phong (Email: lju_ujl@yahoo.com)  dẫn một đoạn của bài viết: “Và cũng còn có câu đưa ra so sánh cái thú làm quan suy đi nghĩ lại trước sau không bằng cái thú làm người : Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” và khẳng định “Tư duy sai trầm trọng. Sĩ ở đây không có nghĩa là quan mà là học trò. Trong câu nói cũng chẳng đề cập gì đến thú làm quan hay thú làm người. Chỉ là thân phận học trò mà thôi. Khái quát thế thì kinh.  quá...”.  Theo chungta.com thì nhà thơ Đỗ Minh Tuấn gọi anh (tức tác giả Nguyễn Hoàng Đức) là “Anh hề triết học, chàng Đông Ki Sốt văn chương).  Ngẫm ra cũng phải.

      Có vài bạn muốn biết ý kiến tôi về  “Quan phẩm và nhân phẩm” thì nói thiệt, người gõ mấy dòng này chỉ đọc một kì là đủ, không thể kiên nhẫn để đọc tiếp kì 2 chứ đừng nói là đọc 15 kì tiếp theo. Bạn nào muốn biết “chàng Đông Ki Sốt” Nguyễn Hoàng Đức chiến đấu với cối xay gió văn chương ra sao thì xin mời vào chungta.com xem thử vậy.
Đọc tiếp ...