Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

ĐẤT SÉT, NƯỚC, VÀ...TÌNH YÊU !!

                                                 Tranh Triệu Mạnh Phủ

 

Đất sét và nước là hai vật chất cụ thể mà không ai là không biết. Còn tình yêu nam nữ là sự rung cảm của hai trái tim  mà trong đời mỗi người ít nhất một lần trải qua.  Đặt ba thứ này cạnh nhau xem ra đầu Ngô mình Sở chẳng ăn nhập gì, nhưng trong văn chương Trung Hoa thì dã thấy hai lần chúng keo sơn gắn bó.  Câu chuyện ngỡ như bắt đầu từ sự ví von so sánh khác thường của chàng trai Giả Bảo Ngọc trong bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng rất nổi tiếng của Tào Tuyết Cần (1719- 1764) đời nhà Thanh.  Bảo Ngọc con nhà quyền quý, sống trong nhung lụa, được chiều chuộng  quá mức, nên thể lực chàng yếu đuối, tâm hồn lại đa sầu đa cảm. Đã vậy, Bảo Ngọc thích gần gũi đàn bà, và rất mực sùng bái dung nhan sắc nước hương trời của cô em họ là Lâm Đại Ngọc. Bảo Ngọc khẳng định như đinh đóng cột: Đàn bà do nước tạo thành, còn đàn ông do đất sét làm nên, do vậy đàn bà linh lợi, thông minh, kiều diễm, khả ái, còn đàn ông như chàng chẳng hạn thì xấu xa, ngu độn, thô lỗ, tàn bạo. Bảo Ngọc lấy làm xấu hổ và ân hận vì đã mang kiếp nam nhi.

    Hóa ra sự so sánh cực đoan ấy đã manh nha từ đời Nguyên. Số là thời đó có một họa sư danh tiếng  tên là Triệu Mạnh Phủ (1254-1322) lấy một bà vợ họ Quản cũng là một đại danh họa.  Cuộc tình của hai bậc kì tài một thời nồng nàn đắm đuối. Nhưng khi cả hai về già thì đức ông chồng đâm ra nhạt nồng phai thắm với bà vợ họ Quản, lăm le cưới một nàng thiếp trẻ trung xinh đẹp.  Bà vợ già âm thầm đau xót và trút niềm tâm sự vào một từ khúc thế này:

Anh của em, em của anh

Giữa chúng ta tình cực đậm đà

Cho nên nhiều khi nóng như lửa

Lấy một nắm đất sét

Nặn thành hình anh

Đắp thành hình em

Rồi đập phá cả hai hình chúng ta, nhào chung lại

Lại nặn hình anh

Lại nặn hình em

Trong chất đất của em có anh

Trong chất đất của anh có em

Anh với em sống thì đắp chung mền

Mà chết liệm chung quách

 Trong từ khúc trên, bà họ Quản  không nói gì đến nước, nhưng sau khi đập phá cả hai hình để nhào chung lại rồi nặn ra hai hình khác thì rõ ràng không thể thiếu nước được. Điều  quan trong đáng nói là, sau khi đọc từ khúc của vợ, ông Triệu Mạnh Phủ bỏ ý đồ cưới nàng thiếp xinh đẹp kia mà trở lại yêu thương người vợ cũ như xưa.

           

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

CÁI GHẾ

  

 

Ở thành phố Buôn Ma Thuột có một thanh niên được báo chí gọi là "Chàng Ghế ". Chàng tốt nghiệp khoa Điêu Khắc Đại học Nghệ thuật Huế, nhưng không làm việc nhà nước mà về lại quê nghèo Đắc Lắc lao vào nghiên cứu sách đông, tây, kim, cổ viết về .... ghế, và sau đó là bắt đầu những ngày tháng miệt mài "kéo cưa lừa xẻ", đục đẽo, cắt gọt, để làm ra những chiếc ghế đặc biệt theo mẫu mã của riêng mình. Tiếng lành đồn xa, sự lạ đồn xa, nước Nhật hai lần ( 1998,1999) mời chàng sang Tokyo triển lãm thiết kế ghế. Chiếc ghế "ngai vàng hiện đại" của chàng được công ty Minerva của Nhật chọn là một trong sáu tác phẩm độc đáo của triển lãm. "Chàng  Ghế " Đàm Đăng Lại được xem là nhà ghế học đầu tiên của Việt Nam. Nhưng rồi do thiếu vốn, thiếu Mạnh Thường Quân nên "Chàng Ghế " tạm thời an toạ trên ngai vàng hiện đại mà mơ về viễn cảnh...! Nhưng thực ra ở xứ ta còn vô số nhà "ghế học". Chỉ khác Đàm Đăng Lại là họ không học cách làm ra ghế, mà chỉ học cách chiếm đoạt ghế, sử dụng ghế. Và khi đã có cái ô quyền lực trên đầu họ bắt đầu vơ vét của dân để làm giàu. Đấy là những nhà "Ghế học " tạo nên quốc nạn tham nhũng mà các phương tiện thông tin đại chúng luôn luôn nhắc đến. Hẵng chưa nói đến chữ tham mà chỉ nói riêng chữ nhũng không thôi đã thấy người xưa thâm thuý lắm. Chữ nhũng ()  là một từ Hán Việt gồm có chữ kỷ ()  nghĩa là cái ghế và bộ mịch ()  là trùm, là lấy khăn phủ lên.... Về ý nghĩa xã hội thì sự che chở này là biểu tượng của ô dù, quyền lực. Do đó, khi nói đến  xóa bỏ quốc nạn tham nhũng thì phải đưa đường ngắm luật pháp vào một số vị ngồi trên ghế quyền lực, chứ ngắm vào chiếc ghế anh dân thường thì xóa quốc nạn làm sao cho nổi.??

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

LỜI THỀ CỎ MAY

                                               Cha con cu Rơm (hình trên)
                                             Ông nội và cu Rơm (hình dưới)

Cậu con trai Bu đang hành nghề kiến trúc và viết báo vặt ở Sài Gòn, cu cậu chỉ có thủy chung với Facebook. Nó thường “vẽ” chân dung bạn bè theo bút pháp cường điệu và lộng ngôn, đọc là cười lăn.  Ấy thế mà những thằng bạn được nó “vẽ” lên không tự ái, lại khoái chí nữa. LỜI THỀ CỎ MAY là nó tự vẽ mình cũng một bút pháp trên...Và các cô gái mới lớn ơi, hãy cảnh giác bọn con trai nhé, nhớ đấy.

 Thời sinh viên, dù đói khổ mốc cả m, nhưng cái khoản yêu đương thì mình thuộc dạng no đủ, dăm bữa nửa tháng là đau đáu em A, vài tuần lại sang em B, em nào mình cũng nói yêu đương một cách chân thành và đầy trách nhiệm. Cứ như thế, mấy năm đại học, trái tim không biết mệt mỏi. Yêu và yêu thôi, hehe...

Ở ngoài Hà Nội, chỉ nói " Anh yêu em" là đủ ý, thông tin được gửi đi một cách perfect. Nhưng Sài Gòn...

   Vào sài gòn, quen cô gái đầu tiên có tên là Th, một bận, cô ấy hỏi, "Anh thương em không" Mới nghe, thấy lạ  tai, cái từ "thương" sao mà sến rện, cải lương.  Mình trả lời ngay, anh yêu em chứ thương thì nhằm nhò gì.

Người Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung không dùng mỹ từ "yêu" như các nơi khác. "Ủa, mày thương con nhỏ đó hả?" Ê, thằng đó thương mày thiệt đó nghen"

Phải đến cả năm sau, mình mới "ngộ" ra từ thương của người miền Nam. Thứ nhất, người Nam không màu mè, ái ngữ của họ mộc mạc như suy nghĩ vậy. Từ "yêu" trong đầu người Nam chỉ có tiểu thuyết, hoặc trên phim ảnh mà thôi. Nam nữ "thương" nhau, chứ họ không cần yêu, "có lẽ phụ nữ Nam Bộ không biết "yêu" là gì???"

Đúng vậy, Vợ chồng, bồ bịch, có khi chẳng nhất thiết phải yêu nhau say đắm. Chẳng cần phải mượn cái phạm trù bao la rộng lớn như thế để chứng mình tình cảm với nhau, Vợ chồng thương nhau, nam nữ thương nhau, người với người thương nhau là đủ rồi.

Riêng mình, khi cuốn lịch cuộc đời mỏng dần theo năm tháng, thì khái niệm "yêu" trở nên mong manh, và dễ vỡ. Khái niệm đó ngày càng rời xa tâm thức, nó không thuộc vùng cảm xúc trong trái tim mình. Vì yêu là là ràng buộc nhiều thứ, vì điều này vì điều kia, thậm chí là vì...thương nữa, hihihi

Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá...Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối....Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn....là những câu hát đã nhạt phai rất nhiều trong mình, dù trước đây là vũ khí đắc lực. Hễ đưa em nào đến quán ca fe có thêm cây đàn ghita nữa là em ngã đạn, phải dựng em lên nói một câu cho đủ bộ là "Anh yêu em"... Cách đây vài năm, tình cờ gặp lại Th trong quán cafe, Th giờ đã 2 con mà nhan sắc vẫn đang làm mòn con mắt lắm.

Ủa, phải Tuấn hông?

Ừ, Th hả, lâu ngày quá.

.......

Hồi trước Tuấn đâu có thương Th ?

Có chứ. Yêu chết bỏ mà!

Chỉ Yêu thôi đúng hông?

Nhắc lại chuyện này làm gf?

nhắc lại để Tuấn thấy đang nợ Th nhiều lắm

Ví dụ?

"Công viên, ghế đá...nắng chiếu qua tim và cuộc tình đã lỡ"

Ơ, ơ ... đó là ông nhạc sĩ Anh Bằng nợ chứ

(Cười)

Giá như hồi đó mình đừng yêu ai cả, mà thương thật nhiều, rồi giá như hồi đó mình trả lời "ừ thương" trong câu chuyện với Th một cách tự nhiên, không thấy sến rện, không thấy cải lương thì bây giờ sao nhỉ? Chắc là không "nợ nần" chi ai cả. Thiết nghĩ, trải nghiệm cuộc sống giống như đi qua những cánh đồng cỏ may, đôi khi phải dừng bước để gỡ những lời thề, văn chương gọi là "lời thề cỏ may"  hị hị hị!

Đọc tiếp ...