Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

NGƯỜI LÀO DỄ THƯƠNG LẮM

 

Tháp That Luông ở thủ đô Viêng Chăn


Bu với nhà sư Lào


Đấy là nhận xét của bà chủ nhà hàng Đồng Xanh ở thủ đô Viêng Chăn. Bà tên là Kim Thanh người Sài Gòn, đã định cư ở Viêng Chăn  trên 20 năm, có quốc tịch Lào.  Hỏi tại sao bà không cho con về Sài Gòn học đại học mà lại học ở Viêng Chăn, bà bảo, về Sài Gòn bọn nhỏ dễ hư lắm. Học ở đây gần nhà với lại xã hội ít tệ nạn . Bà chỉ vào đám học trò đi  qua trước cửa nhà hàng nói tiếp, anh xem bọn trẻ đi học ngoan ngoản, không gây bậy, không nói tục, không đánh nhau. Người Lào từ bé chí lớn không nói to, không cãi lộn…Họ sùng đạo Phật, cả nước chưa tới 6 triệu dân mà có đến 1400 ngôi chùa, tính ra cứ hơn 4000 dân có một chùa. Trong nhà không dư dã gì nhưng họ sẵn lòng cúng dường chùa và  các nhà sư 

Nhà sư khất thực


Du khách tham gia bố thí thực phẩm
 
 
Chờ các nhà sư đến nhận phần 

 

 Sư hành lễ


Chùa đầu tiên bu đến thăm có tên Xi Mường, đến để xem hiện tượng lạ. Một đôi chim hạc cứ chiều chiều bay về đậu trên mỏm núi đá trong khuôn viên . Một con đậu ở phía đông, một con đậu ở phía tây, ngủ lại qua đêm,  sáng hôm sau cả đôi lại bay đi kiếm ăn tận đẩu đâu không ai biết.

 Chùa Xi Mường


Chim hạc ở chùa Xi Mường (phía đông mõm đá)


Chim hạc ở chùa Xi Mường (phía tây mỏm đá)


Trong nội điện chùa Xi Mường bu gặp một cô gái Lào đang sắp đĩa hoa qủa cúng Phật. Nàng quỳ, đầu cúi sát nền nhà vô cùng thành kính. Khi biết có người đang quan sát mình, nàng ngoái nhìn khách với nụ cười rất tươi. (Đúng là người Lào dể thương  thiệt, hehehe..)


Sửa lễ cúng Phật

Quỳ thành kính


Tươi cười tiếp khách


Bu đánh liều hỏi, Nọong hủ pha xa Việt bò (Em có biết nói tiếng Việt không) nàng trả lời bằng tiếng Việt lơ lớ, em nói được ít thôi.  Nghe bảo chùa Xi Mường này thiêng lắm ? Thiêng nhiều nhiều anh à. Em đang cầu Phật điều gì đấy?  Ồ cầu nhiều nhiều. Nói xong cô gái có vẻ ngượng ngùng, như sợ khách hỏi thêm cái điều nàng đang cầu xin.  Sau đó mới biết ở nội điện chùa Xi Mường có một phòng chuyên cho chị em hiếm muộn đến cầu được làm mẹ.  Bu thầm niệm Nam mô bổn sư Thích Ca mâu ni Phật, mong ngài giúp cô gái Lào xinh tươi nọ sớm  toại nguyện.

Ở Viêng Chăn không thấy nhà cao ngất ngưỡng như Sài Gòn và Hà Nội, có lẽ do người Lào không ưa cái gì ngổ ngáo, thái quá. Công trình Phật giáo đồ sộ nhất thủ đô là tháp Thạt Luông và một số chùa gần khu vực tháp.

 

That Luông


Kiến trúc ở quảng trường That Luông



Vườn Phật ở Viêng Chăn (4 ảnh trên)


Du khách ở vườn Phật


Người bán vé vào vườn Phật


Đại lộ Lan Xang to đẹp nhất Viêng Chăn.  ở đây có  có đài chiến sĩ vô danh còn gọi là Khải Hoàn môn rất hoành tráng. Trong 30 mét chiều của cao lòng tháp có rất nhiều tầng bán bách hóa và hàng lưu niệm

Khải hoàn môn


Các kiến trúc gần Khải hoàn môn (3 ảnh trên)


Những ngày ở Viêng Chăn , buồn chân, bu la cà sang Noọng Khai bên Thái Lan, thời gian làm thủ tục nhập cảnh ở đây quá lâu, đứng ê chân, phải lấy máy ra chụp vu vơ cho đỡ sốt ruột 

 

 Xếp hàng làm thủ tục vào Noọng Khai (Thái Lan)


Qua cầu Hữu nghị Lào Thái (cờ Thái phía trước)


Phố chợ Noọng Khai


Ngắm em xem chợ Noọng Khai


Thú vị  nhất là bu được trở lại cầu Nậm Nhôm ở bản PhaTha tỉnh Khăm Muộn.  Cách nay 20 năm bu đã đưa quân sang Khảo sát Thiết kế cầu này. Cầu bê tông cốt thép ứng suất trước không lớn lắm, thế mà đơn vị bu phải nằm lại đây cả tháng trời vì địa tầng đáy sông quá phức tạp.  Cứ khoan xuống vài ba thước là gặp đá, không phải đá liền khối mà đá mồ côi, và vô số các hang cát tơ. Phải khoan theo kiểu xăm bàn cờ mới vẽ được kết cấu địa tầng để đặt móng mố, trụ.

 Cầu Nậm Nhôm

Công ty 479 Việt Nam

Cầu Nậm Nhôm bu thiết kế cách nay 20 năm

Ở bản Pha Tha Khăm Nuộn


Sông Nậm Nhôm


Xóm nhà bờ tây sông Nậm Nhôm, nơi cô Bua Khăm ở cách nay 20 năm


Bu và đám kỹ sư, công nhân ở nhờ nhà dân phía bờ đông. Quản lí bếp ăn là anh chàng Hiếu điển trai, vui tính, có biết vỏ vẻ dăm câu tiếng Lào. Do việc cậu ta thường vào bản mua thực phẩm, nên quen biết khá nhiều người Lào, trong đó có cô Bua Khăm chừng 18 tuổi, người cao ráo, trắng trẻo tóc tết đuôi sam, đôi mắt đen láy nhưng sao cứ phảng phất một nỗi buồn xa vắng. Một buổi sáng tinh mơ, sương mù trắng trời, bu ra sông đánh răng, rửa mặt, bổng thấy phía trước lờ mờ một bóng người rẽ nước đi từ bờ phía tây sang, một cô gái hai tay vừa từ từ hạ váy xuống, vừa tiến vào bờ, tay phải cô cầm một bó hoa rừng, không biết là hoa gì. Lạ, người Lào ở bản Pha Tha đến rau thơm, hành, tỏi, họ cũng trồng trong vỏ bom bi treo trên nhà sàn để hái cho nhanh đỡ phải xuống đất, thì mấy ai trồng hoa. Lúc ấy Lào đang là mùa khô, chắc cô Bua Khăm phải vào tận rừng xa có suối chảy mới tìm được loại hoa hiếm hoi này. Trưa hôm ấy bu hỏi Hiếu, em Bua Khăm có việc gì mà sang gặp chú mày sớm thế, dạ cô ấy sang mừng sinh nhật em. Tôi  thăm dò, con gái Lào hay không, cu cậu chỉ cười cười. Người Lào thật thà như đếm, chú hứa với họ điều gì thì cố mà thực hiện cho được nghe chưa, dạ, em biết. Những đêm trăng sáng, chàng trai Việt sóng đôi  cô gái Lào đi dạo bên bờ sông Nậm Nhôm trông đến là dễ thương…Sau đó Hiếu đi lao động bên Hàn quốc, Không biết có liên lạc gì với người đẹp Bua Khăm năm xưa nữa không.

 Trưa ở bản Pha Tha cảnh vật sao mà đìu hiu. Mấy ngôi nhà phía bờ tây tịnh không một bóng người. Chẳng gặp ai để hỏi, ừ nhỉ, mà có gặp thì Lào Việt đâu có biết tiếng nhau! Nhắc chuyện xưa cách nay 20 năm bu chưa hết tâm trạng ái ngại. Sinh nhật quân mình mà cả đơn vị không ai hay biết, một cô gái Lào lại biết rõ và mang hoa sang tặng từ tinh mơ mờ đất. Bà chủ nhà hàng Đồng Xanh nói đúng, người Lào tình nghĩa và dễ thương thiệt.          

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

TRỞ LẠI ĐƯỜNG 12, TRỞ LẠI CỔNG TRỜI....

 

 

Cổng Trời trên QL 12

 

Khu kinh tế Cha Lo

 

Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo

 

 

Hồi còn làm anh "lính" trên mặt trận cầu đường, bu tui được tiếng là gan dạ. Mũi tên hòn đạn tránh bu chứ bu không tránh nó, đúng hơn là chẳng biết đâu mà tránh. Bom đánh tắc đường, cấp trên chỉ thị "phải thông xe ngay" thì có chết cũng phải đưa quân ra hiện trường tính toán, san lấp. Không san lấp kịp thì thiết kế đường tránh để thông xe. Bởi những ngày đáng nhớ đó mà bu có nhiều dịp đi mòn đường chết cỏ trên QL 12 (nối huyện miền núi Tuyên Hóa Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn của nước Lào). Có dịp qua lại không biết bao nhiều lần dưới Cổng Trời cũng trên con đường lịch sử đó. Thấm thoắt đã mấy mươi năm…. Ở miết dưới xuôi đôi khi cồn cào nhớ đường 12, nhớ cầu Khe Ve, nhớ Cổng Trời, nhớ cái màu xanh rêu đá, nhớ tiếng nỉ non bất tận của dòng suối Cha Lo bên đèo Mụ Giạ… Thế rồi cứ như nằm mơ, cuối tháng 9- 2011, ông bạn hàng xóm sang nhà bu bảo: "Em có xe đi công tác bên thủ đô Viêng Chăn, mời bác đi chơi với bọn em một chuyến, chi phí bọn em lo, bác chỉ việc nói chuyện Phật giáo Tiểu thừa của nước Lào cho bọn em nghe là được"…

     Trưa ngày 29.9 đoàn bu đã đến ngả ba Khe Ve (xã Hóa Hợp huyện Minh Hóa). Nếu đi thẳng là đường HCM ra bắc, rẽ trái theo hướng tây là QL12 sang Lào.



 

 Ngả ba Khe Ve

(Bên phải là đường HCM ra bắc, theo hướng nhìn là QL12 sang Lào)

 

 

Quá ngả ba (theo QL12) chừng 1km là cầu Khe Ve, trước đây do người Pháp xây dựng. Sau 1965 bom Mỹ phá tan tành, những thanh cầu bị bom cắt ngang cong lại như vô vàn cái dấu hỏi lơ lửng giữa không trung. Các bạnTNXP trả lời bằng mồ hôi nước mắt và cả xương máu, bu tui trả lời bằng công việc "Khảo sát thiết kế". Trong kí ức bu còn ghi lại mấy dòng về Khe Ve " Chiều Khe Ve về từ cổ tích. Núi hoang sơ và rừng hoang sơ. Suối ngân mãi giọng buồn rả rích. Gió đìu hiu lau trắng phất phơ. Trụ cầu xưa một dấu chấm than. Đổ bóng nặng nghiêng vào quá khứ. Thanh cầu gảy cong cong rỉ ứ. Vạch ngang trời dấu hỏi nôn nao. Chàng khảo sát đẽo cọc cắm tim. Tiếng búa vọng ngỡ là tiếng nói. Câu hỏi cứ xoáy lòng bối rối. Giữa thì thầm nhạc suối Khe Ve"


 Cầu Khe Ve

(Cầu dàn thép bên phải đi theo tuyến cũ của Pháp, bên trái là cầu Bê tông hiện nay)

 


Cổng Trời không do ai dựng nên mà tạo hóa sinh ra thế. Hai khối đá tựa đầu vào nhau như hai hòn trống mái, tạo thành một không gian ấm cúng, che gió mưa và đạn bom cho con người. Trên tấm bia bên trái Cổng Trời có mấy dòng chữ sau:


DI  TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐƯỜNG  HỒ CHÍ MINH

ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN TỪ 1965 - 1975

CỔNG TRỜI.

* Quốc lộ 12 nối đường Hồ Chí Minh Đông -Tây Trường Sơn

* Cụm trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ngăn chặn ác liệt từ 1965- 1973: Cổng Trời, Mụ Giạ, Bãi Dinh, La Trọng.

* Trận địa pháo phòng không nổi tiếng của tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân anh hùng

* Chỉ huy sở Binh Trạm 12


Bia ở Cổng Trời


 

Bu ở Cổng Trời


 

Bên kia Cổng Trời ( phía Lào) chẳng có Ngọc Hoàng và Tiên Nữ như nhà thơ Tản Đà đã từng gánh thơ lên bán kể lại mà là Đèo Mụ Giạ và suối Cha Lo. Người Quảng Bình có câu "Cha Lo ruột đau chín khúc, Mụ Giạ hai hàng lệ chảy quanh".  Nghe kể thời xưa dân Quảng Bình, Hà Tĩnh  đến mùa giáp hạt đói kém bồng bế nhau sang Lào kiếm sống.  Rất nhiều ông bố bà mẹ cùng con thơ bỏ xác nơi đây. Ở lưng chừng đèo phía Lào trước đây có một gò đá lớn, chuyện kể:  có một bà tên Giạ chết ở đó, người qua lại thương tình bỏ vào chỗ bà nằm một viên đá, lâu dần thành gò cao. Sau này bom đạn tàn phá và phía Lào mở rộng đường nên mộ đá ấy không còn nữa.Chữ mụ ở đây như chữ mụ khi nói chùa Thiên Mụ ở Huế. Mụ là tiếng miền trung, có nghĩa như chữ bà trong tiếng phổ thông vậy.


 

 

Đèo Mụ Giạ

 

Suối Cha Lo (Lũ về)

 

Suối Cha Lo

 


Một kỉ niệm nhỏ ở Cổng Trời, nghĩ lại thấy vui vui. Dạo ấy bom đạn là thế mà đám TNXP trong các nhà hầm thỉnh thoảng vẫn tổ chức liên hoan văn nghệ "Tiếng hát át tiếng bom" và thi viết báo tường. Bu hứng chí dự thi với bài thơ "Cổng Trời", lâu ngày quên gần hết, chỉ nhớ có mấy câu "…Bên kia là Thượng Đế???, Cha Lo đau chín chiều. Mụ Giạ buồn nhân thế. Dưới nấm mồ xanh rêu. Đường nhà trời thăm thẳm. Mảnh bom vằm thân cây. Cô gái Khùa đen xạm. Gùi nghiêng trên vai gầy."  Bài thơ không có giải thì chớ, lại "được" đồng chí bí thư chi bộ Đảng " thân mật" nhắc nhỡ: "Bên kia Cổng Trời là đường vào Nam đánh Mỹ, con đường chiến thắng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc được thế giới tôn vinh là lương tâm của thời đại. Sao đồng chí lại có cái nhìn ảm đạm bi quan như vậy"…Hehehe

    Trên đỉnh đèo Mụ Giạ là cột mốc biên giới số 528 được xây dựng từ năm 2008



Bu bên cột mốc biên giới 528 xây dựng năm 2008

(Sau lưng bu là Việt Nam)



Từ cột mốc đi về phía Khăm Muộn chừng 1 cây số là đồn biên phòng Lào 



 

Trạm gác phía Lào


 Đồn biên phòng Khăm Muộn, Lào


(Còn tiếp)  

Đọc tiếp ...