Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

« Bình Nhưỡng từ chối cho 200 lao động Bắc Triều Tiên bị kẹt ở Libya trở về nước, vì sợ họ sẽ loan truyền thông tin về cái chết của Mouammar Kadhafi và phong trào Mùa xuân Ả Rập ». Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã khẳng định như thế ngày 27/10/2011 trước báo chí Hàn Quốc, nhân vòng công du châu Á của ông (theo tin AFP). Một chuyện có vẻ khó tin trong thế kỷ 21 ! (Blog Quê choa)

Đọc tiếp ...

Nhìn từng đoàn người xếp hàng vật vã, nức nở trước linh cữu của Tổng tư lệnh Kim Chính Nhật, mình tin vẫn còn nhiều giọt nước mắt xuất phát từ tình thương yêu “máu thịt” như trong comment của anh Kòm – Tình yêu thương được vun tưới bằng chính sách ngu dân, u tối. Nhưng mình còn tin hơn rằng, phần lớn những giọt nước mắt ấy được nặn ra từ sự sợ hãi. Sự sợ hãi khi mỗi người dân phải đóng kịch với ngay chính những người thân yêu trong gia đình; khi nhà nhà trở thành trụ sở công an, người người làm mật vụ không công cho chính quyền. Cha con, ông cháu nhà họ Kim đang nợ nhân dân Triều tiên một biển nước mắt. (Thanh chung Blog Quê choa)

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

"Cả tương lai của anh tùy thuộc khả năng khóc được không. Không chỉ sự nghiệp, tấm thẻ đảng Lao Động, mà cả sinh mạng. Đó là chuyện sống hay chết." Tom Geoghengan

Đọc tiếp ...

Trên quảng trường mênh mông, các cháu khóc bù lu bù loa, máy quay truyền hình càng đẩy vào cận, các cháu mắt ngó về máy quay để tự điều chỉnh bố cục, rồi gào lên, nước mắt dàn dụa. Lại có mấy bà tìm đâu ra cái thang máy mà Chủ tịch IL có một lần từng đi, lại nhìn thấy mấy tay nhà báo đang đứng đấy, thế là một hai ba, các bà lao chồm tới thành thang máy, vịn lấy, khóc, đập đầu vào đấy mà khóc, vừa khóc vừa được thang máy đưa lên rồi lại đưa xuống, thay cần trục máy quay, khuôn hình hơi bị ngọt. Rồi lại thấy mấy bà già, đang nhìn trước ngó sau không biết tìm ai, bỗng dưng thấy máy quay lia tới, thế là đập đầu xuống đất khóc. (NQV)

Đọc tiếp ...

LAN MAN VỚI NGÀI KIM IL NAM.

 

                                          Chùa Phật ở Triều Tiên

 

 

                     Ông Kim il Nam chủ tịch Quốc hội bắc Triều Tiên

 

 

Sau ngày nhà lãnh đạo bắc Triều Tiên  Kim jong il  đột tử, báo chí lề phải lề trái xứ ta đưa nhiều tin bài về ông như một nhân vật quá nhiều bí ẩn trong một đất nước bế quan tỏa cảng vào loại số một thế giới. Đọc bài nào nói về ông chủ tịch cũng thấy lạ, đến ông chủ tịch Quốc hội bắc Triều Kim il Nam cũng lạ nốt. Trong bài "Vài hồi tưởng về Triều Tiên hồi trẻ của bố tôi ở Liên Xô" (1) ông Nguyễn Hưng Đạt viết: "Cách đây mấy năm, ông Chủ tịch Quốc hội Triều tiên Kim Il Nam có đến xin Việt nam viện trợ cho họ ba, bốn trăm ngàn tấn gạo. Việt nam hứa viện trợ, song không được nhiều, vì mới bị lũ lụt tại rất nhiều nơi, mất mùa và chính dân ở đó cũng đói. Ông Chủ tịch đó đến Bắc Giang thăm lại nơi chôn các liệt sỹ Triều tiên. Ông ta nói: "Triều tiên đã viện trợ cho Việt Nam cái vô giá nhất là con người, họ nằm đây. Còn Việt nam tại sao lại tiếc cái có giá nhất định là gạo."  Ơ hay! Một nửa dân số nước ông là Phật tử mà ông không biết tí gì về hạnh bố thí sao.  Hay là ông quá tin vào ông Các Mác cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân nên không thèm ngó tới ? 

 

* *

    Mà ông Kim il Nam à, thuốc phiện dùng đúng chỗ, đúng liều lượng là thần dược cứu nhân độ thế đấy. Trong mục "Diệu hạnh vô trụ" của kinh Kim cang đức Phật dạy: "Nhược Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ hành ư bố thí. Sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp bố thí. Bồ Tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng".  Nghĩa là việc bố thí không chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, và không chấp sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, mà thực hành hạnh bố thí. Không chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, có nghĩa là khi thực hành hạnh bố thí,  không nên thấy có mình là người cho, để cầu mong được báo đáp, được cám ơn, được tán thán, không nên thấy có người nào là kẻ nhận sự bố thí đó, để kể lể chuyện ơn nghĩa, không nên thấy có bao nhiêu người đã nhận sự bố thí đó, để khoe khoang, và cũng không nên thấy có vật gì, điều gì đã được đem cho, để khỏi tiếc nuối về sau, có khi tiếc của, muốn đi đòi lại! …

* *

Ông Kim à, tui không là Phật tử, không quảng bá cho đạo Phật nhưng cái lý thuyết quốc tế vô sản như ông đã hành xử kém xa hạnh bố thí của Phật Thích ca. Đến như đạo Chúa ngập tràn tình thương, nhưng là một thứ tình thương cho đi để nhận lại. Chúa Ki Tô nói: " Khi ngươi bố thí, đừng để tay mặt biết việc làm của tay trái, hãy bố thí một cách thầm kín". Thoạt nghe như là mật hạnh của đạo Phật, nhưng rồi ngài lại thêm: "Cha chúng ta thấy rõ tất cả nỗi thầm kín ấy sẽ thưởng ngươi". Xét theo quan điểm của Thiền thì "ông chưa là người của bản môn". Hể hành động còn kèm theo một tâm niệm thì chưa phải là "hành động không công đức", vì còn đầy tì vết và bóng tối. Một chiếc áo đẹp khi nó không lộ đường may trong cũng như ngoài, không ai có thể nói được nó khởi may từ đâu. Cũng vậy, trong Thiền không dung thứ sự lưu lại dấu vết nào của sự bố thí, càng không nghỉ đến được khen thưởng, cho dù người khen thưởng là Chúa. Lý tưởng Thiền ví như "gió muốn thổi đâu thì thổi, ví như âm thanh ta nghe được, nhưng không biết được từ đâu đến, và sẽ đi về đâu"… 

     Mấy liệt sỹ bắc Triều yên nghĩ ở Bắc Giang nghe ông nói thế chắc buồn lắm. Họ hy sinh vì tinh thần cao cả của hạnh bố thí như đức Phật đã dạy chứ đâu phải để có ngày ông trách "Việt nam tại sao lại tiếc cái có giá nhất định là gạo" trong khi Việt Nam đang lũ lụt đói kém.

 

--------------------------------------------------

(1) Theo blog nhà văn Nguyễn Quang Lập

 

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

ĐI ĐI ÔNG

 

        Nhại bài thơ "Đi đi em " của Tố Hữu

        Rứa là hết ! Chiều ni ông đi mãi
        Còn mong chi ngày trở lại, ông ơi !
        Quên làm sao, ông hỡi, lúc chia phôi
        Bởi chung cảnh, dân chúng mình nghẹn nói

        Cha đi trước bao tượng đài cao vói
        Con đi sau rồi tượng cũng ê hề
        Vẫn chưa thôi lời day dứt nặng nề
        Hàng giây tiếng rủa nguyền trên miệng thế !

        Biết không ông, nỗi lòng Un khi đó ?
        Nó tơi bời, đau đớn lắm, ông ơi !
        Bàn chân ông còn luyến tiếc không rời 
        Bởi chưa kịp bàn giao Un Cu Nhóc .

        Những đêm tối, ông viết bài Un học
        Cho Un con bỗng chốc hóa thiên tài
        Nơi biết bao bổng lộc với lâu đài
        Ông đã trút vào lòng Un tất cả !

        Un ngoái cổ nhìn ông, Un chỉ trả
        Thầm cho nhau đôi mắt ướt ly sầu !
        Biết làm sao, ông hỡi, nói cùng nhau ?
        Tiếng chửi mắng vẫn phun hoài, nhục nhã !

                    (Blog Quê Choa)

 

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

CHUYỆN ĐỜI XƯA

 

 

Liễu Hạ Huệ


 

Dương Quý Phi


 

Trác Văn Quân

 

(Hai người đẹp trong mọi thời đại ở trên không can dự vào chuyện Liễu Hạ Huệ)

 

 

Cái cô Trang nào đó (Thanh niên onlione) chê đàn ông Việt Nam đủ thứ thậm tệ, nào không thông minh, không lãng mạn, không biết chiều phụ nữ …nghĩa là một thứ xăng pha nhớt. Cứ  tưởng tượng cô ấy sống vào thời Đông Chu Liệt quốc, một hôm suýt chết cóng vì rét, may được ông Liễu Hạ Huệ cứu sống, không hiểu sau đó cô ta khen Liễu tiên sinh là đại trượng phu hay chê là cù lần, là lại cái… hehehe !!

 

 

Vậy Liễu Hạ Huệ là ai? 

 

Liễu Hạ Huệ: tên là Triển Hoạch , tự là Quí , người đất Liễu Hạ , nước Lỗ, thời Đông Châu Liệt Quốc. Làm Sĩ Sư, ba lần bị truất mà không bỏ nước. Tên thụy của ông là Huệ . Mạnh Tử khen ông là bậc thánh về Hòa (Thánh chi hòa). Nhiều người xem ông là Thánh Nhân của Nho Giáo, tức tương đương với Khổng Tử, và cao quí hơn Mạnh Tử. Truyền thuyết ghi lại, một hôm ông dừng chân nghỉ qua đêm trước cổng thành, có một phụ nữ cũng đến trú chân. Trời lạnh người phụ nữ bị cảm lạnh rét cóng, Liễu Hạ Huệ liền cởi áo choàng , khoác lên người nàng rồi ôm vào lòng để nàng hết lạnh, mà không có một chút tà tâm.

    Về câu chuyện này, ông Ưu Đàm Hoa trong "Võ Lâm U Linh Ký" cho rằng Liễu Hạ Huệ giữ được tâm chính vì ông và cô gái kia đang mặc nhiều áo quần, còn nếu cả hai đều khỏa thân thì chắc gì danh tiết được bảo toàn. Lại có ông Lê Chí tán thêm, may mà chỗ Liễu đại nhân ôm người đẹp đông người, ngài có muốn hành sự cũng không làm gì được.

    Cô Trang à, cô có lời bình gì không, và các bạn thân mến, các bạn phán vài vài lời cho thêm phần vui vẻ… hihihi  

Đọc tiếp ...

Những tưởng nỗi lo ngại ở hai từ "mãn dục" chỉ xuất hiện ở giới chị em khi đã bước vào tuổi trung niên, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, lượng bệnh nhân gặp phải nỗi buồn khó nói này lại rơi vào phái mạnh ngày càng nhiều. Tỉ lệ thống kê từ những bệnh viện tại các khoa Nam học khiến người ta giật mình: gần 80% bệnh nhân mắc bệnh tìm tới khoa Nam học nhờ tư vấn và tìm giải pháp hỗ trợ là những ông chủ doanh nghiệp và phần lớn thuộc tầng lớp lao động trí óc. (CAND online)

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

TẢN MẠN TRẦU CAU

                                       Trầu cau

 

                                                     Trầu cau

                                             

                                                      Bu tui đây !          

 

 

Lâu nay bu cố công tìm mà chưa thấy nhà nghiên cứu nào khẳng định một cách rốt ráo rằng người Việt ta sử dụng trầu cau từ lúc nào. Riêng  việc dùng rượu thì có người đã bàn tới. Ông Thái Lương trong "Văn hóa rượu"(1) cho rằng thoạt đầu người vùng sông Nhĩ Lô (tức sông Nin ở châu Phi) tình cờ dự trử quả nho lâu ngày ngửi thấy mùi thơm nồng, người lâng lâng, rồi đặt tên cho cái lâng lâng ấy là Spirit nghĩa là linh hồn. Ngày nay thuật ngữ đó là rượu. Nhưng đó là chuyện rượu bên Phi châu. Còn người Việt ta biết ăn trầu vào lúc nào?  Chắc là từ lâu, lâu… lắm! Có lẽ phải sau câu chuyện lâm ly mà sách vở có ghi lại. Rằng, thời xửa thời xưa, có hai anh em nhà nọ giống nhau như hai giọt nước. Cha mẹ nghèo lại mất sớm nên từ nhỏ hai người đã tự làm lụng để sống. Anh em hòa thuận thương yêu nhau, chưa hề có chuyện gì xích mích. Thế rồi người anh lấy vợ, cô gái xinh nhất vùng. Nàng về nhà chồng mà đôi khi cứ ngẩn ngơ không biết hai người con trai kia, ai mới là chồng mình. Một hôm người anh đi làm đồng về thấy vợ chuyện trò cùng chú em với ánh mắt trìu mến, thế là chàng giận hai ngươi và bỏ đi vào rừng. Chàng đi mãi, đi mãi cho đến khi hóa thành đá. Người em theo dấu chân đi tìm anh, biết anh đã hóa đá thì buồn rầu hóa thành cây cau mọc thẳng lên trời bên cạnh tảng đá . Người vợ gạt nước mắt đi tìm chồng và em. Đến khi biết chồng hóa đá, em hóa cây thì nàng gục xuống hóa thành cây trầu, mọc trùm lên tảng đá và xoắn xuýt theo thân cau. Người trong vùng thấy chuyện lạ, họ nung đá thành vôi quyệt lên lá trầu, rồi đem hai thứ đó nhai với quả cau thì thấy người lâng lâng như đi trên mây, đôi môi lại thắm đỏ như màu hoa dâm bụt, hoa dong riềng ở các vùng quê. Hóa ra sự lâng lâng nào cũng ngang với linh hồn chứ chẳng riêng gì rượu. Văn hóa trầu cau là một phần hồn vía dân Việt từ ngàn xưa cho đến ngàn sau.      

*

*  *

        Có lẽ không có giống cây cỏ nào được các nhà thơ và ca dao tục ngữ nhắc đến trong tình yêu lứa đôi nhiều như trầu và cau. Nhà thơ Nguyễn Bính đa tình nhất nước, vẫn không nói thẳng anh nhớ em mà còn vòng vo  "Nhà em có một giàn trầu, nhà anh có một hàng cau liên phòng, thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào".  Màu xanh tươi lá trầu, màu trắng tinh khiết của vôi  nhìn mát mắt là thế nhưng nữ sĩ Hồ Xuân Hương lại mượn nó để riết róng cảnh tỉnh những kẻ phụ tình "Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi, này của Xuân Hương đã quệt rồi, có phải duyên nhau thì thắm lại, đừng xanh như lá bạc như vôi". Trầu, thuốc, và đôi mắt lá răm là những thứ làm người ta say tít mù.  Phan thị Thanh Nhàn phát hiện trong một buổi họp xóm ở nhà quê "Các cụ ông thì say thuốc, các cụ bà thì say trầu, còn con trai con gái , chỉ nhìn mà say nhau". Với dân gian "Miếng trầu là đầu câu chuyện", "Miếng trầu nên dâu nên rể" nên các thôn nữ bảo nhau "Mẹ em hằng vẫn khuyên răn, làm thân con gái chớ ăn trầu người". Ấy vậy mà vẫn có cô vượt rào, dám lên tiếng trước với anh chàng phong lưu "Ôi anh đi cái ô vàng, có trầu xin miếng hởi chàng đi ô". Lại có chàng trai đành thú thật "Thèm trầu mà chẳng dám xin, thương em mà chẳng dám nhìn mặt em".  Nhưng trầu cau không phải khi nào cũng là chứng nhân cho niềm vui viên mãn lứa đôi. Có khi người ta mời nhau miếng trầu trong nỗi đau chia ly vì duyên phận, vì lễ giáo cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy "Hai tay xách nước tưới trầu, trầu bao nhiêu lá dạ sầu bấy nhiêu". Ngọn trầu ấy được trao cho nhau trong nước mắt "Cách nhau một bức rào thưa, tay chùi nước mắt tay đưa miếng trầu".  Văn hóa Trầu cau người Việt xem thế mà đã đi vào sách Biểu tượng văn hóa thế giới của hai tác giả người Pháp là Jean Chevalier và Alain Ghee Brat (2) Các ông viết "…Ở Việt Nam, thời gian nhai giập miếng trầu cũng là cách tính thời gian theo kinh nghiệm (ba đến bốn phút)". Tưởng là phát minh gì lớn, hóa ra hai ông học nhà thơ Nguyễn Bính đã nói trong bài thơ "Chờ nhau" viết từ năm 1937. Người con gái nhận được tín hiệu rủ rê của  người thương lấp ló đâu ngoài vườn, nàng thầm thì đủ cho chàng nghe "Xóm làng đã đỏ đèn đâu, chờ em chừng giập miếng giầu em sang". Chàng trai dẫu sốt ruột nhưng ngoan ngoãn nghe theo vì không thấy chàng phản ứng gì cả. Có lẽ "chừng giập miếng giầu" là đơn vị thời gian mà chỉ có chàng và nàng cảm nhận được, chịu đựng được để sau đó nhìn thấy nhau cho thỏa lòng mong nhớ. Hai ông Tây bảo "chừng giập miếng giầu"  từ "ba đến bốn phút" chắc gì đã đúng. Vì nhai trầu khoan thai đủng đỉnh khác với nhai trầu trong tâm trạng rối bời, vội vả. "Chừng giập miếng giầu" của Nguyễn Bính trong trường hơp này là hàm cuả biến số tâm trạng mà ta chỉ cảm nhận hơn là để lý giải. Tính chất nhân văn và nét đẹp văn hóa trầu cau như chính ngọn trầu quả và cau vậy, xanh tươi, tròn đầy, và tàng chứa  bao nhiêu cung bậc tình cảm của người Việt ta.  

------------------

(1) Văn hóa rượu, chủ biên Thái Lương nxb Văn hóa Thông tin 1999

(2) Từ điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant (phó chủ tịch nước Nguyễn thị Bình viết lời giới thiệu) nxb Đà Nẵng 1997

Đọc tiếp ...