Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

TRẢ LỜI MALIENG VỀ BÀI THƠ "NAM QUỐC SƠN HÀ ...."





Lĩnh Nam chích quái và Việt Điện u linh viết từ thời nhà Trần, cùng nói về bài thơ "Nam quốc Sơn hà..." nhưng mỗi sách nói mỗi khác.

 

      Bức tranh minh họa Lý Thường Kiệt bên bài thơ "Nam quốc sơn hà..."

 

 

Trong một comment ở entry "Tản mạn Nhật Lệ" của bu, bạn Malieng đặt ra hai câu hỏi:



I- Sách vở, báo chí, phát thanh, truyền hình...đều nói bài thơ " Nam quốc sơn hà Nam đế cư... " là của ông Lý Thường Kiệt và tôn nó lên thành Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của đất nước. Anh có cho là như vậy không?

II- Có đúng là một học giả Tây nào đó nói "Lịch sử là sự ngu xuẩn của ngày hôm qua sang đến ngày hôm nay" không ?  

 

 (I)

 

1- Trước tiên bu tui khẳng định rằng chưa có nhà sử học nào chứng minh được bài thơ “Nam quốc sơn hà …”  là của Lý Thường Kiệt. Xin có đôi lời như sau:

- Theo Đại Việt sử kí toàn thư  (ĐVSKTT - tập I trang 278, 279) do sử gia Ngô Sỹ Liên chấp bút thì: "Năm Bính Thìn (1076) mùa xuân, tháng 3, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam (một phần đất Quảng Đông và Quảng Tây bây giờ) là Quách Quỳ làm chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Vua (Lý Nhân Tông) sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, Đến sông Như Nguyệt (sông Cầu) đánh tan được. Quân Tống chết hơn một nghìn người. Quách Quỳ lui quân lại lấy châu Quảng Nguyên của ta. Người đời truyền rằng, Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông (Như Nguyệt) để cố thủ . Một đêm quân sĩ chợt nghe trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:

  1.         Nam quốc sơn hà Nam đế cư
  2.        Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
  3.        Như hà Ngịch lỗ lai xâm phạm
  4.        Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" 

  "Người đời truyền rằng ..." thì chỉ là chuyện kể dân gian không thể xem  như sử liêụ chuẩn xác để tin vào nó một trăm phần trăm được. Mà đoạn trích trên cũng không nói Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ đó. Thực ra, ông Ngô Sỹ Liên chép lại câu chuyện trên từ sách Việt Điện U Linh (VĐUL) do ông Lý Tế Xuyên viết trong thời nhà Trần. Ở các trang 123, 124, 125, sách VĐUL viết:

"Thời Tấn Nam Vương (tức Ngô Xương Văn con trai Ngô Quyền) đi chinh thảo đám giặc Lý Huy ở Long Châu đóng binh tại cửa Phù Lan  ban đêm nằm mộng thấy hai người, đủ y quan, dáng kỳ vĩ, diện mạo khôi ngô, đến ra mắt nhà vua và tâu rằng:

- Đám nghịch tặc làm càn đã lâu rồi, bọn tôi xin tòng quân trợ chiến.

Nhà vua lấy làm lạ, mới hỏi rằng:

- Các khanh là những người nào vậy ? Cô gia chưa từng biết mặt đấy, nhưng đã có lòng cảm cách thì nên trình bày tính danh.

Cả hai người đều sắp hàng sụp lạy, tâu rằng:

- Bọn thần đây là anh em ruột. Anh tên Hống, em tên Hát, vốn họ Trương, gốc là người đất Phù Lan, đều là tướng của Triệu Việt Vương. Khi Việt Vương bị Lý Nam Đế đánh bại, Nam Đế lại đem đủ lễ vật đến rước bọn thần , có ý muốn phong quan cho. Bọn thần đều đáp ông ấy rằng:

- Kẻ trung thần không thờ hai vua, người liệt nữ chẳng đổi hai chồng. Huống chi ông là người bội nghĩa , mà lại muốn làm khuất cái tiết bất di bất dịch này hay sao ?

     Rồi bọn tôi mới chạy trốn nơi núi Phù Long. Nam Đế (1) đã nhiều lần cho vời, bọn thần vẫn không hề đáp ứng. Nam Đế tức giận sai người truy nã mà không được, mới treo giải nghìn vàng cho người tìm bắt. Bọn  thần không đường tiến thoái, nên đều uống thuốc độc mà thác. Thượng đế thương xót bọn thần vô tội mà chết không đúng số mệnh, liền ban sắc bổ cho chức Thần hà Long Quân Phó Sứ, tuần du hai con sông Vũ Bình và Lạng Giang (4) khắp các chi nhánh cho tới ngọn nguồn, hiệu là Tuần Giang Đô Phó Sứ. Ngày trước trong chiến dịch Bạch Đằng của Ngô Tiên chúa (Ngô Quyền) bọn thần đã nổ lực hiện trợ thuận lợi lắm.

    Nhà vua tỉnh giấc, truyền lệnh đem đủ cổ bàn rượu thịt đến mà cúng tế và khấn rằng: "Nếu qủa hai vị anh linh, xin hãy phù trợ trận chiến này. Như đánh thắng giặc, thì sẽ lập tức dựng miếu và phong tước cho mỗi vị, hương lửa không hề dứt...

      Ngày bình xong giặc ở Long Châu vua mới sai sứ giả chia ra lập đền ở mỗi nơi mà thờ hai ông, và mỗi vị được phong là phúc Thần ở một phương. Chiếu vua phong ông anh làm đại Đường Giang Đô Hộ Quốc, Thần Vương. có đền thờ lập ở cửa sông Như Nguyệt, và phong ông em làm Tiểu Đường Giang Đô Hộ Quốc Thần vương có đền thờ lập ở cửa sông Nam Bình.     

      "Triều vua lý Nhân Tông, quân Tống nam xâm, kéo tới địa hạt của ta, nhà vua liền sai Thái uý Lý Thường Kiệt đặt hàng rào dọc bờ sông (Như Nguyệt) để cố thủ. Một đêm kia quân sỹ bổng nhiên nghe trong đền cất tiếng cao, ngâm rằng:  

  1.        Nam quốc sơn hà Nam đế cư
  2.        Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
  3.        Như hà ngịch lỗ lai xâm phạm
  4.        Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

 Quả nhiên quân Tống không đánh mà đã tan. Thần mộng rõ ràng, chẳng sai một mảy may".

    Như vậy, theo VĐUL hai linh Thần Trương Hống và Trương Hát xuất hiện lần đầu trong thời Tấn Nam Vương (950-965) nhà Ngô đi đánh giặc Lý Huy. Và xuất hiện lần thứ hai với bài thơ "Nam quốc sơn hà..." khi Lý Thường Kiệt chống cự quân Tống (1076).  Khoảng cách thời gian của hai sự kiện trên vào khoảng 120 năm.

 

2-  Nhưng sách "Lĩnh Nam chích quái" (LNCQ) do Trần Thế Pháp cũng  soạn trong thời Trần chép câu chuyện trên có chỗ khác. Xin trích một đoạn ở hai trang 97, 98 : " Năm Thiên Phúc nguyên niên đời Lê Đại Hành (980-1005), Tống Thái Tổ sai bọn tướng quân Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cất quân sang xâm lược nam phương. Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch. Đại Hành mộng thấy hai thần nhân ở trên sông vái mà nói rằng: "Anh em thần, một tên là Trướng Hống, một tên là Trương Hát, xưa kia theo Triệu Việt Vương cầm quân chinh phạt nghịch tặc mà lấy được thiên hạ.

       Về sau Triệu Việt Vương mất nước, Lý Nam Đế (1) triệu hai anh em thần. Bọn thần vì nghĩa không thể theo được, uống thuốc độc mà tự tử. Thượng đế thương anh em thần có công lại trung nghĩa một lòng, mới thống lĩnh quỉ binh. Nay quân Tống phạm cõi, làm khổ sinh linh nước ta, cho nên anh em thần đến yết kiến, xin nguyện cùng nhà vua đánh giặc này để cứu sinh linh". Vua giật mình tỉnh dậy, mừng rỡ mà bảo cận thần rằng: "Có thần nhân giúp ta rồi vậy".  Bèn lập tức đốt hương ở trước thuyền ngự mà khấn rằng: "Nếu thần nhân có thể giúp ta làm nên công nghiệp này, thì xin bao phong huyết thực muôn đời". Đoạn giết súc vật tế lễ, hóa mũ áo, voi ngựa, tiền giấy. Canh ba đêm ba mươi tháng mười, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng.  Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng:

 

  1.          Nam quốc sơn hà Nam đế cư
  2.          Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
  3.          Như hà ngịch lỗ lai xâm phạm
  4.          Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

 

( Non sông nước Nam, vua nước Nam ở, Điều ấy đã định rõ trong sách trời. Nếu như giặc Bắc sang xâm lược, Thì sẽ bị lưỡi gươm sắc chém tan như chẻ tre - dịch ý). Quân Tống nghe thấy, xéo đạp vào nhau mà chạy tan, lầm giết lẫn nhau, ai lo chạy thoát thân người ấy, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể.

 

3- Qua các trích dẫn trên, ta thấy lai lịch Trương Hống và Trương Hát thì VĐUL và LNCQ  nói như nhau. Nhưng VĐUL nói Tấn Nam Vương nằm mộng thấy hai Thần họ Trương hiện về, và 120 năm sau hai Thần lại hiện lên đọc thơ "Nam quốc sơn hà..." gúp Lý Thường Kiệt đánh thắng giặc Tống.  Sách LNCQ lại nói vua  Lê Đại Hành mơ thấy hai vị Thần ấy. Và sau đó hai vị này đọc thơ giữa không trung làm quân Tống khiếp đảm mà thua. Xem vậy, LNCQ tuyệt nhiên không đã động gì đến ông Lý Thường Kiệt mà chỉ nói về Lê Đại Hành ! Mới đây thiền sư Lê Mạnh Thát đã dựa vào LNCQ và một số tài liệu khác nữa đã dõng tuyên bố:  "...Theo chúng tôi ta nên trả bài thơ Thần về cho cuộc chiến tranh 981" (trích giới thiệu tổng quát các công trình nghiên cứu sử học của sử gia Lê Mạnh Thát) .

       Như những gì đã trình bày ở trên Bu tui khẳng định lại một lần nữa, bài thơ "Nam quốc sơn hà ..." cho đến nay chưa có một sử liệu chuẩn xác nào  nói do Lý Thường Kiệt làm ra, mà thậm chí nó xuất hiện vào năm 1076 ( Lý Thường Kiệt đánh Tống) hay năm 981 (Lê Đại Hành đánh Tống) cũng đang là dấu hỏi lớn chờ các sử quan trả lời vậy.

 

(II)

 

Câu bạn Malieng dẫn ra hơi ...bị thiếu !  Đúng ra phải là: "Sử học chỉ là dẫn ra sự ngu xuẩn ngày hôm qua để giúp con người chịu đựng được những ngu xuẩn ngày hôm nay". Câu này thể hiện sự nghi ngờ tính khách quan của lịch sử khi nó bị quan phương hóa, do nhà triết học người Anh tên là Bertrand Russel nói (dẫn theo GS Hà Văn Tấn trong tạp chí Xưa & Nay số 0 năm 1994). Ngày 15.11.1966 Bertrand Russel là người đưa ra sáng kiến lập toà án quốc tế xét xử tội ác đế quốc Mỹ. Toà này  được lập ra ở Luân Đôn và đã cử 4 đoàn tới điều tra tực tiếp ở Việt Nam...

 

---------------

 

(1)  Lịch sử nước ta có hai Triều Lý Nam đế. Tiền Lý Nam đế (544- 548) và hậu Lý Nam đế (571-602). Lý Nam đế nói ở đây là hậu Lý Nam đế, phế bỏ Triệu Việt Vương, là triều đại mà Trương Hống và Trương Hát tận trung phục vụ. Hai vị này khi sống cho đế khi chết đều chống lại Hậu Lý Nam đế.




 

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

NÓI THÊM CẶP TRỜI và ĐẤT

 

 

 

 

Sau khi đọc bài TRỜI và Đất của bu có nhiều người bảo, anh bu mới đề cập đến quan niệm của người Đông phương về Trời và Đất,  vậy còn người Tây phương quan niệm thế nào về hai vật thể góp phần làm nên vũ trụ đó…  Quả là khoảng 34% dân số thế giới (1) tức 2,38 tỷ người kể cả Đông lẫn Tây không nói dài dòng thái cực sinh lưỡng nghi là Trời và Đất, là âm với dương, không cho rằng Đạo có trước Trời và Đất như ông Lão Tử bên Tàu, mà đơn giản Trời và Đất do Thiên Chúa tạo ra trong vòng 6 ngày.  Sau đây bu tui  chép lại nguyên văn một đoạn trong KINH THÁNH, phần  SÁCH SÁNG THẾ. Mục I: Nguồn gốc vũ trụ và nhân loại.

 

 

 

Thiên Chúa sáng tạo trời đất

 

Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.  Đất còn trống rổng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.

     Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng.  Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối.  Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ nhất.

     Thiên Chúa phán : “Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước.” Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là “trời”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.

      Thiên Chúa phán: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi để chỗ cạn lộ ra . Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là “đất”, khối nước là “biển”. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.

      Thiên Chúa phán : “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống , và cây trên mặt đất có trái, ra trái tùy theo loại, trong có hạt giống”. Liền có như vậy. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.

      Thiên Chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất.” Liền có như vậy. Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.

      Thiên Chúa phán: “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời.”  Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tùy theo loại, và mọi giống chim bay tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển ; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất.” Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ năm.

       Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tùy theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tùy theo loại.” Liền có như vậy. Thiên Chúa làm ra dã thú tùy theo loại, gia súc tùy theo loại, và loài bò sát dưới đất tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.

        Thiên Chúa phán: “Cúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”

         Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình

         Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa

         Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.

         Thiên Chúa ban phước lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”  Thiên Chúa phán: “Đây ta ban cho các ngươi mọi thứ có mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực.” Liền có như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.

         Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm.  Khi làm xong mọi công việc của Người , ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi.

        Thiên Chúa ban phúc làn cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó,  vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của người.

        Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo.

 

 

Ngày lao động đầu tiên Thánh Kinh gọi là ngày thứ nhất ta gọi là ngày thứ hai, cho đến thứ bảy vị chi sáu ngày. Ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi ta gọi là chủ nhật, thực ra phải là Chúa nhật, tức là ngày của Chúa.

***

(1) Theo Wikipedia Ki tô giáo (Công giáo Roma, Chính thống giáo Đông phương, Kháng cách)  chiếm 34% dân số thế giới. Với 7 tỷ dân thì số dân theo đạo Ki tô là 2,38 tỷ người.

   

 

Đọc tiếp ...