Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

THIÊN DI

 

Hai ảnh trên: Bu tui trên đường hoa Nguyễn Huệ sáng 29 tết Nhâm Thìn

 

* *

 *

 

 

Quê hương là chùm khế ngọt, nhưng xơi khế ngọt hoài cũng chán, phải thay thứ khác để đổi vị. Bà xã chưa về hưu thì bu mỗi ngày đợi vợ về, xem như một việc để làm, cũng là niềm vui. Khi bà ấy cũng hưu thì hai người chỉ việc ngồi nhìn nhau, rồi nhìn đồng hồ để nấu cơm trưa, cơm chiều, trong khi cháu nội cháu ngoại trong nam mong ông bà từng ngày.  Ở Đồng Hới nhà rộng, nhiều phòng, sẵn tay mua sắm lặt vặt, rút cuộc mình phải làm nô lệ đồ vật, hết ngày dài lại đêm thâu cứ phải lau chùi, sắp đặt, dọn dẹp… mệt phờ râu. Mỗi lần vào nam thăm cháu phải thuê người giữ nhà, tưới cây, nuôi cá cảnh.  Thôi thì thiên di cho nó khỏe. Vào Vũng Tàu hai bu sống ở chung cư 100 mét vuông, tầng 6,  gồm 3 phòng ngủ, một phòng khách, một bếp một hành lang… Bu cho thông phòng khách với một phòng ngủ, đặt vào đó bộ phản gõ cho ra vẻ truyền thống nhà Việt. Lại lấy một phòng ngủ đặt bàn thờ gia tiên. Còn lại một phòng ngủ cho chủ nhà. Bạn đến chơi ở lại mời lên phản gõ, nhiều nữa thì đệm mút trải ra. Chật nhà chớ không chật bụng, bạn đến chơi nhà ta với ta…Nhìn qua 5 cửa sổ với một hành lang được ngắm bức tranh sơn thủy: Đường phố, cây xanh, núi lớn, núi nhỏ, mặt biển, chân trời…Vũng Tàu là hòn đảo, gió chiều nào thổi vào nhà cũng mang hơi biển mát rượi …chỉ hơi buồn là thiếu rét ngòai quê. 

 

A. ĐÔI NÉT VỀ QUÊ HƯƠNG ĐỒNG HỚI QUẢNG BÌNH

 

Sông Nhật lệ

 

 

Cầu Nhật Lệ

 

 

Đường bờ sông

 

 Vườn dừa Trị Thiên

Phế tích nhà thờ Tam Tòa

Một đoạn đường QL1 ở phường Hải Đình

 

B - TỆ XÁ BU Ở ĐỒNG HỚI

Ngôi nhà xây dựng từ năm 1989

Một số cây, hoa, vườn nhà

Thiên di, bắt đầu

Bà bu buổi chiều cuối cùng trong ngôi nhà mình

C- VÀO NAM

Chung cư Hodeco Plaza phường 7 Vũng Tàu

Từ hành lang nhìn vào phòng khách

Phòng khách nối dài

Từ phòng khách nhìn ra hành lang

Bếp

Phòng ngủ

Bàn thờ gia tiên (mặt chính)

Bàn thờ gia tiên (mặt bên)

Thân phụ bu (1900-1965)

Thân mẫu bu (1919-2009)

Hoành phi (Thanh Thận Cần (chữ to)

Minh Mạng châu phê (chữ nhỏ) )

(Hoành phi này ghi lại chiếu thư  vua Minh Mạng khen tặng cụ thượng thư Nguyễn Quốc Hoan, thân phụ ông tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành)

 

Vế đối bên phải "Chu biên quốc trọng thân hầu mệnh"

(Học thuật, tài năng sánh ngang Thân Bất Hại, tướng quốc nước Hàn thời Chiến quốc)

Vế đối bên trái "Đường bảng gia truyền Liễu Tử danh"

(Văn chương, thơ phú sánh ngang Liễu Tông Nguyên, nhà thơ và là quan Giám sát Ngự sử đời Đường) 

Câu đối trên do một bậc túc nho tặng ông Nguyễn Quốc Thành (ngôi trên ông nội bu) khi ông đỗ tiến sĩ khoa tân hợi 1851. Bản gốc bằng gỗ sơn son thiếp vàng treo ở nhà ông tộc trưởng ngoài Hà Nội. Câu này do cụ Lê Xuân Hòa - thư pháp gia số một Việt Nam thủ bút.

Nhìn qua cửa sổ nhà bu ở Vũng Tàu

D- NGUỒN VUI CỦA BU

Ra đường gặp mãi người dưng

Tàn thu lại gặp rưng rưng lá vàng 

Vào đây bu đã thốt lên như thế vì không quen biết một ai. Thôi, thì tự tạo ra nguồn vui cho mình vậy.

Vui với người thân

Bà bu với các cháu (cháu đích tôn: cu Rơm áo ca rô, hai cháu ngoại: cu Bắp áo vàng, cu Bơ mới gần hai tháng tuổi.

Con gái Ngọc Tú và cháu ngoại

Cháu Nguyễn Quốc Tài (con em trai bu) độc tấu Piano cho bác nghe

Bu cũng có cây Guitar để "bật bông" cho đỡ sầu đời hihhi

Vui với sách vở

Sách từ điển và cẩm nang tra cứu

Sách lịch sử và Phật giáo

Sách triết học phương đông

Sách về Văn hóa, tiểu thuyết, thơ, nhạc, họa

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

Bí quyết sống lâu của người Tàu !

1- Chỉ hút thuốc, không uống rượu (Lâm Bưu) thọ 63 tuổi

2- Chỉ uống rượu không hút thuốc (Chu Ân Lai) thọ 73 tuổi

3- Vừa uống rượu, vừa hút thuốc (Mao Trạch Đông) thọ 83 tuổi

4- Vừa uống rượu, vừa hút thuốc, vừa đánh bài (Đặng Tiểu Bình) thọ 93 tuổi

5- Vừa uống rượu, vừa hút thuốc,  vừa đánh bài, lại có cả vợ bé (Trương Học Lương) thọ 103 tuổi

6- Không hút thuốc, không uống rượu,  không đánh bài, cũng không có bạn gái, chỉ làm người tốt việc tốt (Lôi Phong) hưởng dương 23 tuổi (theo Hồ Anh Thái)

Các bác nghĩ xem mình nên làm người nào !
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

TẢN MẠN CUỐI NĂM.

 

 

Trưa ngày 27 tết Nhâm Thìn, bưu điện Vũng Tàu đưa đến tận nhà bu hai tập thơ "Cửa mở"  và "Cửa đã mở" của Việt Phương do cháu Đàm Quỳnh Anh ở Hà Nội gửi tặng. Thời trai trẻ ở Hà Nội, hễ cứ nghe Việt Phương diễn thuyết ở đâu bu cũng lần mò tới nghe.  Có hôm đang nghe thì trời đổ mưa, kệ , cứ ngồi nguyên giữa sân, vừa vuốt mặt vừa nghe như nuốt lấy từng lời. Thời ấy đám sinh viên ngoài bắc mê Việt Phương như điếu đổ. Mê vì ông nói hay, vì ông còn là thư kí của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thế rồi năm 1970  Nhà Xuất Văn học cho ra đời tập thơ "Cửa mở" của ông. Bu và đám bạn bè lăn ra đọc, mượn nhau mà đọc lấy đọc để. Đọc vì cái tên Việt Phương, vì những bài thơ lạ. Toàn tập thơ của ông không một bài nào vong bản kiểu " Yêu biết mấy, nghe con tập nói.Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!" (Tố Hữu). Hoặc hô khẩu hiệu "Tôi đã từng làm thơ về mây về gió. Tôi sẽ còn làm thơ về sen ngó với đào tơ. Nhưng hơn cả xưa kia, hơn cả bao giờ. Tôi làm thơ về chuyên chính vô sản" (Xuân Diệu). Việt Phương mạnh dạn vạch ra cái giáo điều ngô nghê của một thời:

Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không còn ai xấu nữa

Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương

Đã chọn đường đi, chẳng ai dừng ở giữa

Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường

Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy sĩ

Hình như đấy là niềm tin,  ý chí và tự hào

Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ

Sự thơ ngây tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao

(Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi)

Vậy là Cửa mở của Việt Phương thành khối thuốc nổ làm tung lên vô vàn dư luận ở Hà Nội và cả miền bắc Xã hội Chủ nghĩa. Những người mê ông hoang mang, người ta thu thồi thơ Cửa mở, bọn bu phải dấu diếm đọc chui . Các nhà tuyên huấn, các nhà văn nô, thơ nô, được thể đánh hội đồng. Họ biến cái tên Việt Phương thành một tính từ chỉ sự suy thoái và tráo trở. Người ta không thể hiểu nỗi ông thư kí thủ tướng lại "vô tổ chức" đến  nỗi:

Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng

Thời gian đòi hỏi mãi cao thêm

Để trọn đời, từng giờ là cộng sản

Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm

(Tâm sự Đảng viên)

Nhưng Việt Phương thực sự "nốc ao" bởi bài thơ "Đảng" với hai câu cuối:

Đảng của ta khi lịm đi không sống nữa

Sẽ để lại cuộc đời chỉ còn rực rỡ có tình yêu

Chao ôi! Đảng siêu phàm hơn cả thần thánh mà lịm đi thì chả hóa  ra Đảng  gần chết rồi sao? Huhuhu.

    Bu xuống dòng và xin kể mẫu chuyện nhỏ liên quan đến ý thơ Việt Phương. Số là đã lâu lắm, trong đám nhân viên của bu có anh chàng Trần Quốc Tuy là một kỹ sư cầu đường giỏi, đẹp trai, Tuy đem lòng yêu thương một cô gái tên là Hường. Hường xinh tươi, không lộng lẩy nhưng duyên dáng và thùy mị. Biết bố Hường là nhà thơ Phan Văn Luyến, bạn vong niên rất thân bu, nên Tuy năn nỉ: Nghe đâu bố Hường nghiêm và khó tính lắm, anh hộ tống em đến nhà Hường một lần lấy đà, chứ đi một mình thì em run lắm. Buổi đầu ra mắt bố Hường êm đẹp. Xem ra cô cậu đầu mày cuối mắt như đã vào cơn say.  Bu chưa kịp mừng thì một hôm cụ Luyến gọi điện bảo đến ngay có chuyện muốn nói. Bu vừa đặt chân vào nhà thì nhà thơ vào đề: Chà chà, cái anh kỹ sư của cậu giỏi giang đâu không biết, chỉ thấy lập trường giai cấp quá yếu. Giác ngộ chính trị là con số không. Bu sửng sốt, nó làm sao hở bác.  Còn sao với trăng gì nữa, ai đời nó bảo Đảng là phương tiện chứ không phải mục đích. Lại ví dụ đi xe đò vào Huế thì mục đích là Huế chứ không phải bản thân chiếc xe đò. Bu lựa lời nhỏ nhẹ để hạ cơn bốc hỏa của ông. Bác à, chính Lên Nin cũng nói như thế mà. Đảng là tổ chức của giai cấp, khi đạt đến chủ nghĩa cộng sản rồi thì không còn gai cấp lãnh đạo và gia cấp bị lãnh đạo nữa, tức là Đảng tự tiêu đi mà chỉ còn lại tổ chức Công đoàn làm nhiệm vụ quản lý xã hội và phân phối sản phẩm vật chất cho mọi người. Ông Luyến nghe xuôi xuôi nhưng còn vùng vằng.  Hừ, nói gì thì nói không thể so sánh Đảng với chiếc xe đò được…hihihi

  Rõ ràng từ có đến không thì Đảng cũng phải tự tiêu dần dần chứ không thể mất đi cái rụp. Nhà thơ Việt Phương mô tả trạng thái đó bằng chữ "lịm" trong câu "Đảng của ta khi lịm đi không sống nữa" làm người ta nhảy đựng lên phản ứng, hóa ra họ chưa hiểu được ông Lê nin nói gì về chủ nghĩa cộng sản.

     Nhìn hai tập thơ Việt Phương mới tinh được NXB Văn học in năm 2009 mới hay cuộc đời có chậm trể nhưng đang đổi mới. Và nhà Phật bảo chư pháp vô ngã, chư hành vô thường đúng lắm thay.

 

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Những người nổ súng vào quyền lực Nhà nước sẽ bị pháp luật Nhà nước xét xử. Nhưng tiếng súng phản kháng quyền lực Nhà nước chỉ là cái ngọn. Cái gốc là luật đất đai đã tước đoạt quyền làm chủ của người nông dân trên mảnh đất của chính họ. Cái gốc là sự tha hóa, sự xa dân đến mức đối lập lợi ích với dân, sự lợi dụng quyền đại diện Nhà nước quản lí đất đai nhưng ứng xử với đất đai không vì lợi ích Nhà nước, không vì lợi ích toàn dân mà chỉ vì lợi ích của cá nhân và phe nhóm. Sự tha hóa của quan chức đại diện Nhà nước quản lí đất đai đã xuất hiện ở mọi miền đất nước tạo nên dòng người dân mất đất cầm đơn đi khiếu kiện nối dài trong thời gian (Nhà văn Phạm Đình Trọng)

Đọc tiếp ...

Cuộc vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh kéo dài rầm rộ suốt nhiều năm, tốn kém không ít tiền thuế của dân nhưng chỉ ồn ào hình thức, kết quả không thấy đâu, tiêu cực tham nhũng không suy giảm mà ngày càng trầm trọng đang đe dọa sinh mệnh của đảng cầm quyền và đe dọa sự sống còn của chế độ. Vào những ngày tận cùng của năm 2011 đầy biến động, ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam vừa gấp gáp họp và thống thiết phát động cuộc chỉnh đốn đảng cứu đảng, cứu chế độ thì bùng nổ tiếng súng Đoàn Văn Vươn (Nhà văn Phạm Đình Trọng)

Đọc tiếp ...

VỚI BÁC PHÙNG CUNG

 

XEM ĐÊM

Thơ của Phùng Cung

  NXB Hội nhà văn 2011 

 

 

Vào nhà sách Đông Hải ở Vũng Tàu em khấp khởi mừng được gặp bác trên bìa tập thơ XEM ĐÊM.  Tay trái bác kẹp điếu thuốc, không thấy sợi khói bốc lên, chắc là lửa tắt rồi.  Khuôn mặt bác nhân hậu, chiếc kính lão to tướng hướng vào cõi xa xăm. Sau khi bác về trời 35 ngày, nhà thơ Hoàng Cầm đến nhà bác thắp hương tưởng nhớ, và để lại lưu bút có câu: " Cung ơi! Cứ đi đi rồi về ngay nhé". Thì bây giờ, tại nhà sách Đông Hải này, em gặp bác đã về thật.  XEM ĐÊM của bác ra mắt bạn đọc năm 1995 từ những đồng tiền dè xẻn của nhà Văn hóa Nguyễn Hữu Đang và sự nhiệt tình vô hạn của nhà thơ Phùng Quán. Số là bác Quán đến phố Mai Hắc Đế thăm bác, nhân thể biếu bác con diếc, con trôi vừa câu trộm được. Rồi cũng bữa đó bác Quán mê luôn bản thảo tập thơ XEM ĐÊM của bác đang xếp xó vì không có tiền in. Dạo ấy bác nghèo lắm, làm nghề dập đinh giúp vợ thì chỉ đủ sống lai rai, trong khi in tập thơ phải mất vài triệu. Nhà thơ Phùng Quán quyết chí đi đọc thơ rong của bác trong một năm khắp ba miền Bắc Trung Nam để có tiền cho bác in thơ, nhưng chưa kịp đi thì bác Nguyễn Hữu đang ngăn lại bảo, tôi sẽ cho chú Cung tiền in thơ, chú Quán khỏi đi đâu hết. Kể về những đồng tiền ki cóp được của nhà Văn hóa bị lưu đày Nguyễn Hữu Đang thì rơi nước mắt…Và như cách nói của Phùng Quán, nàng Hằng Nga của Phùng Cung ngủ vùi trong rừng đã gặp Hoàng Tử đánh thức dậy. 

     Bác Phùng Cung à, Cho đến nay em đã đọc "Con ngựa già của chúa Trịnh" của bác in hồi 1956 không dưới năm lần, và giá có đọc thêm năm mươi lần nữa thì em vẫn không hiểu nỗi bác đã chống Đảng, chống nhà nước Việt Nam ở chỗ nào để đến nỗi bị người có quyền bỏ tù suốt 12 năm (1961- 1973). Cái truyện ngắn ấy đâu khoảng 3000 từ, mà tóm tắt lại chỉ vài dòng: Ở làng Phương Lộ có người buôn ngựa họ Nông mới tậu được con ngựa Kim Bông trắng như tuyết, phi như thần. Bao nhiêu người gạ mua, ông họ Nông không bán, nhưng khi người của chúa Trịnh hỏi mua để tăng cường cho kỵ binh thì ông bán liền. Chúa Trịnh nghe kể về Kim Bông thì rất vui và tổ chức một cuộc đua để thử tài. Trong cuộc đua hôm ấy Kim Bông không chỉ thắng mà vượt xa đám ngựa còn lại, mọi người ngỡ như Kim Bông thi với đàn cừu. Mấy lần vào xông trận ở Linh Giang  Kim Bông tả xung hữu đột, chiến thắng lẫy lừng. Chúa Trịnh bèn đưa nó vào phủ, phong là Mã Lệnh, chuyên làm mẫu để huấn luyện cho đàn ngựa phủ Chúa. Kim Bông vốn ăn cỏ núi uống nước suối rừng, nay thấy đâu đâu cũng lâu đài nguy nga thì mất vẻ tự nhiên.Tài nghệ ở nơi trận mạc của Kim Bông không được dùng đến nên lâu ngày cũng mai một đi. Công việc kéo xe hầu chúa với hai cái lá đa che bớt mắt để chỉ được nhìn thẳng làm nó bỡ ngỡ…Dần dà Kim Bông già nua, không còn là ngựa thần như ngày xưa nữa. Vào thời điểm đó mặt trận ở giới tuyến Linh Giang có nguy cơ bị chúa Nguyễn áp đảo. Kỵ binh phải vào cuộc, Mã Lệnh Kim Bông cũng được lên đường chiến đấu. Trong các cuộc tỷ thí với kẻ thù Kim Bông đã nổ lực đến tối đa, nhưng sức cứ đuối dần đến nỗi đứt ruột…Trước khi nhắm mắt lìa đời nó rên khẻ như nói rằng chết thế này cũng là chết vì giang sơn, vì Chúa.

       Trong tập XEM ĐÊM của bác có 303 bài thơ, nhưng em không thấy một bài nào bác ta thán nỗi đời đen bạc, khiến bác ma dại thân tàn. Trong nỗi đau tận cùng ấy bác chỉ nói đến cái đẹp thuần phác của một vùng quê bắc bộ thanh bình và đầy ắp tình người.  Rung động thẩm mỹ của một tù nhân biệt giam chỉ ngời lên những ruộng lúa, nương dâu, luống ngô, bãi sắn, với những con người lam lũ hiền lành, với cô con gái "ý tứ soi gương đáy nón", với người mẹ trẻ "sữa con so ướt yếm", với những con vật làm nên kỷ niệm tuổi thơ "Đủng đỉnh điệu cu cườm. Lay nhịp-gió may", "Cánh chuồn chuồn lia từng bóng râm con". Không gian trong thơ bác yên bình đến mức âm thanh đọng thành hình khối.


Đêm về khuya.

Trăng ngả màu hoa lý.

Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông

 (Đò khuya).


Tình thương trong bác không kém gì một vị Bồ tát.

 Bác thương người phụ nữ thảo hiền tất bật

Bước sấp ngữa

Em về chợ tối

Gió bãi khoai quấn quýt

Làm em mau nước mắt

Đèn con xóm trại đang chờ

(Về chợ tối)


Thương sang cánh bèo

Lênh đênh muôn dặm nước non

lạc vào ao cạn vẫn còn lênh đênh

(Bèo).


Thương đến lũ trâu bò hốt hoảng khi nghe tiếng trống phát lên từ tấm da khô của đồng loại

Chợt nghe trống dộng.

Trâu bò nhớn nhác.

Dùi quậy liên hồi.

Ê ẩm tấm da khô.

 (Ê ẩm).

 

Sinh thời, nhà thơ Hoàng Cầm có viết "Có lẽ từ xưa đến nay, ở nước ta chưa có một tập thơ nào về một vùng quê nghèo khổ lại súc tích cô đọng, mang tính truyền thống và hiện đại sâu sắc như tập XEM ĐÊM…Một bài thơ, có khi chỉ một câu đều như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào tim những luồng rung động thấm rất sâu".

     Trong trái tim Bồ tát của bác không có chỗ cho sự thù hận, dẫu cho cái ác có là nước sôi trăm độ thì càng làm bừng lên hương vị chân chính của trà


Quất mãi nước sôi.

Trà đau nát bã.

Không đổi giọng Tân - Cương

(Trà).     

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

KHỔ VÌ CƯỜI !!

 

Nhà văn Hoàng Bình Trọng

 

Hai tác phẩm của nhà văn Hoàng Bình Trọng:

* Tiểu thuyết Bí mật một khu rừng

   * Trường ca  về Tướng Giáp            

 

 

Một dạo thấy trên báo mạng  có nhiều clip mô tả dân bắc Triều Tiên khóc lóc thảm thiết trước cái chết của ông Kim jong il. Cả ngàn vạn người vật vã đập đầu xuống đất, vươn tay lên trời la hét, nước mắt nước mũi dàn dụa. Người này thấy người bên cạnh khóc to thì cố gào lên to hơn cho ra vẻ đau đớn gấp bội.  Nhà báo Tom Geoghengan ở đài BBC khẳng định "Cả tương lai của anh tùy thuộc khả năng khóc được không. Không chỉ sự nghiệp, tấm thẻ đảng Lao Động, mà cả sinh mạng. Đó là chuyện sống hay chết."  Như một phản xạ tự nhiên, bu bấm di động gọi  anh bạn thân đang làm nghề viết văn ở một xóm nghèo vùng quê Quảng Bình: "Này ông Trọng, thấy dân bắc Hàn khóc ông Kim jong il dữ quá, tự nhiên tôi nhớ đến vụ cười chết người của ông năm 1969, có lẽ tôi phải đưa lên blog cho bạn bè đọc chơi chăng". Trọng dảy nảy " Ấy chết, tui đã chết rồi thì ông hãy coi chừng kẻo chết lây. Nói về tui răng đó cũng được nhưng động đến Thánh  thì phải cẩn thận…"

     

      Tên đầy đủ của bạn tui là Hoàng Bình Trọng, nguyên là kỹ sư địa chất thượng thặng, đã từng làm đoàn phó đoàn địa chất Mạo Khê, điều hành 600 cán bộ công nhân viên, chuyên đi tìm quặng, đánh giá chất lượng, trử lượng quặng, vẽ bản đồ phân bố...Giữa rừng xanh núi thẳm, ngoài công việc chuyên môn, Trọng còn là giáo viên văn hóa xuất sắc. Dạy toán cấp hai với Trọng dễ ợt, nhưng đến môn văn thì hơi lôi thôi.  Thế là cu cậu sáng tác thơ, văn xuôi, rồi nói thác là của các tác giả nổi tiếng như Xuân Quỳnh, Xuân Diệu, Tô Hoài… cho học viên hứng thú mà học. Một đoàn nhà văn Việt Nam thăm đoàn địa chất, lấy thơ văn của Trọng về Hà Nội đăng báo,  cứ dần dần thế Trọng thành nhà văn nổi tiếng.  Cho đến nay Trọng đã có 20 tác Phẩm vừa tiểu thuyết,  tập thơ, tập truyện ngắn và dịch thuật. Tiểu thuyết "Bí mật một khu rừng" của Trọng đã tái bản 4 lần , riêng lần tái bản thứ hai năm 1976 đã in đến 100 ngàn bản, sau đó được dịch ra tiếng Nga.   

    Những ngày cuối tháng 8 năm 1969 nhóm khảo sát của Trọng chui rúc trong vùng rừng Yên Tử Quảng Ninh. Cái Radio duy nhất của Trọng  hỏng đột ngột. Cả nhóm mù tịt với mọi tin tức, sống trong rừng cứ như người hoang dã.  Đầu tháng 9 năm 1969 cả nhóm lôi thôi lếch thếch kéo nhau về đơn vị. Để cho đỡ mệt, Trọng đề xuất mỗi người phải lần lượt kể một chuyện cười. Những chuyện Trọng kể ra bao giờ cũng được người  nghe cười bò lăn bò càng. Đột nhiên cả nhóm thấy giữa một đám cây rừng  khói hương nghi ngút. Trọng tiến nhanh lên trước thấy một ngôi mộ to tướng đất còn mới tinh, chung quanh lố nhố người bịt khăn tang . Đồng chí bí thư chi bộ thoáng nhìn thấy Trọng trên môi còn sót lại nụ cười thì quát lên. Anh Trọng! Bác Hồ từ trần mà anh còn cười à? Trọng sửng sốt, sao? Bác Hồ từ trần à? Chúng tôi ở trong rừng, radio hỏng không biết gì cả, còn tôi cười là cười chuyện tiếu lâm vừa đi vừa kể cho đỡ mệt chứ đâu có cười vì bác Hồ qua đời. Thế nhưng câu chuyện lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh từ trần mà kỹ sư, nhà văn, đoàn phó địa chất Hoàng Bình Trọng đã không khóc thì chớ lại còn cười cứ lan ra mãi, đến tai cấp trên. Hoàng Bình Trọng bị chi bộ cắt "chức" đối tượng Đảng. Cấp trên bắt viết bản tự kiểm điểm, nhà văn Trọng viết mấy lần vẫn còn bị  chê là chưa thành khẩn, phải viết lại…Sau đận đó Trọng vĩnh viễn không được vào Đảng, không còn uy tín để làm việc, mọi người xa lánh, đành xin nhập ngũ, vào nam ra trận.  Sau khi xuất ngũ, Trọng về  công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật  Vĩnh Phú, đến năm 1989  xin nghỉ "chế độ một cục", về quê xin vào làm ở Hội Văn học Nghệ Thuật Quảng Bình. Ông chủ tịch Hội này nhận  lời nhưng bảo Trọng ra Vĩnh Phú cắt giấy tờ chuyển vào. Ra đến Vĩnh Phú thì tỉnh đã chia ra hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Thế là tỉnh nọ đùn trách nhiệm cho tỉnh kia. Nhà văn Hoàng Bình Trọng trở thành người không còn quá khứ và không có hộ khẩu ở quê nhà. Ông chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình lấy lý do đó từ chối việc tiếp nhận Trọng như đã hứa. Trọng thành người thất nghiệp. Hai triệu đồng "về một cục", như gió vào nhà trống. Nhà văn khăn gói vào Đồng Nai hợp đồng đào hố trồng cây cao su. Tay cầm bút nay cầm cuốc, xẻng, xà beng, thì lóng ngóng, định mức đào hố không đạt, lương không đủ sống, Trọng lần hồi về quê vào rừng đốt than hái củi.  Củi của Trọng là thứ cành cây to lắm bằng ngón chân cái,  vậy mà vẫn bị trạm Kiểm lâm bắt vì tội phá rừng và phạt bằng tiền. Xem ra tiền phạt còn nhiều hơn tiền bán củi. May sao trong số nhân viên trạm Kiểm lâm có nhiều anh đã từng say mê  nghe Đài tiếng nói Việt Nam đọc chuyện đêm khuya tiểu thuyết "Bí mật một khu rừng" của nhà văn Hoàng Bình Trọng, nên khi biết người đàn ông tóc rễ tre da đồng điếu kia chính là tác giả thì vô cùng ngạc nhiên và tha tội lâm tặc. Sau vụ đó tạp chí Nhật Lệ nhận Trọng vào làm biên tập. Năm 2008 tạp chí này Không xoay đủ lương kí hợp đồng tiếp, Hoàng Bình Trọng khăn gói về quê viết lách kiếm sống. Bài vở của Trọng được viết bằng tay sau đó bà vợ đánh máy chữ. Trọng không biết gì về vi tính, mà có biết cũng không đủ tiền mua. Rõ là người đẹp bên Tàu cười đi nghiêng nước, cười lại nghiêng thành, còn nhà văn Hoàng Bình Trọng chỉ với nụ cười sót lại trên môi  thì khuynh gia bại sản, thân tàn ma dại. Trọng làm nhiều thơ nhưng cu cậu hay ngâm ngợi mấy câu này:

Đã không chịu sống cúi luồn

Ai còn so đọ thiệt hơn đường đời

Trót lầm làm một kiếp người

Thì đi cho hết trận cười bể dâu


--------------------------------------------------------------------------

(Bạn nào muốn biết thêm về nhà văn Hoàng Bình Trọng mời vào:

http://tuoitre.vn/van-hoa-giai-tri/409691/hoang-binh-trong-"tran-cuoi-be-dau".html)

 

Đọc tiếp ...