Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

CHÚNG SINH



Trong một lần comment ở bài TRỜI và ĐẤT của bu, bạn TORO  hỏi chị TTM: "…Cúng những người chết, "chúng tử, chúng vong", lại gọi là "chúng sinh"... là sao chị M?! ".  Chị M mấy hôm nay ngọc thể bất an, nhờ bu trả lời hộ cậu em và hứa sẽ có thưởng nước khế ép của nhà tự trồng ở Quận 2. Nghe bảo loại khế này đặc biệt lắm đây… hehehe.

 

A- Mấy năm tham gia đánh Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải ở vùng chảo lửa Quảng Bình, bu tui có dự vài lần cúng người đang sống. Đấy là những công nhân lái ca nô rà phá thủy lôi, bom từ trường, trên cửa Gianh, cửa Nhật Lệ, hay những chiến sĩ TNXP phá bom nổ chậm trên Quốc lộ 12.  Những người cảm tử này ăn mặc chỉnh tề, đứng nghiêm trang dưới cờ Tổ quốc và cờ Đảng. Thủ trưởng đơn vị đọc điếu văn, các bạn đồng nghiệp chít khăn tang thắp hương quỳ lạy, khóc mà cố nuốt nước mắt vào trong…Và theo bạn TORO thì trường hợp này mới  thực sự là cúng chúng sinh, còn chết rồi mà cúng thì nói cúng "chúng vong" hoặc "chúng tử" mới phải…

     Lịch sử Văn học ghi nhận, Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, danh nhân Văn  hóa thế giới, đã viết tác phẩm nỗi tiếng là Văn tế thập loại chúng sinh, còn gọi là văn Chiêu hồn. "Chúng sinh" đây chỉ lấy nghĩa hẹp là kiếp người. "Thập" chỉ số nhiều, là tất cả, chứ không phải chính xác mười loài.  Nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hản cho hay "nếu phân tích ra từng đoạn văn, mỗi đoạn ứng vào một loài thì cũng có thể nhận thấy mười tập thể, mỗi tập thể chỉ gồm có một loài, trừ tập thể cuối cùng là hổn hợp.  Sau đây là mục lục của GS Hoàng Xuân Hản phân tích bài văn tế ấy.       

I- Phần một: Nhập đề, tả trời thu mưa gió thê lương khiến nhớ đến cảnh những hồn không ai cúng, vậy nên lập đàn cầu Phật giúp cho siêu thoát.

II- Phần hai:  Phần chính, kể rõ các loại cô hồn (116 vế . Vế là cách gọi câu của GS HXH)

                  1- Kẻ vì tranh ngôi vua chúa mà chết       12 vế

                  2- Kẻ cung phi quý nữ bị nạn lây              12 vế

                  3- Kẻ cầm quyền cao bị thất thế               12vế

                  4- Kẻ cầm quyền bị bại trận                      12 vế

                  5- Kẻ tham giàu bị chết đường                  12 vế

                 6- Kẻ cầu sang bị chết quán                      12 vế

                 7- Kẻ trẩy buôn chết bể chết đường            8 vế

                 8- Kẻ đi lính thú chết trận                               8 vế

                 9- Cô kĩ nữ chết độc thân                             8 vế

                10- Tập hợp những kẻ chết oan như:

               - Người ăn mày chết cô đơn                        4 vế

               - Người bị tù chết tại ngục                            4 vế

               - Hài nhi chết yểu                                           4 vế

               - Người chết vì các nạn                                 8 vế

III- Phần ba: Cảnh lang thang  cực khổ của các cô hồn  (20 vế)

IV- Phần bốn: Lời cầu Phật và lời mời các cô hồn         (28 vế)

- Lời cầu phật giải thoát cho cô hồn                                 16 vế

- Lời mời các cô hồn tới hưởng lễ

và phần cấp để lên đường giải thoát                                 12 vế

Tổng cộng 184 vế (câu) theo thể song thất lục bát

Xin trích dẫn 8 vế ở mục 9 : Kĩ nữ chết độc thân

Lại có kẻ lỡ làng một tiết

Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa

Ngẩn ngơ khi trở về già

Ai chồng con nấy, biết là cậy ai

                                   Sống đã chịu một đời phiền nảo

Thác lại nhờ hớp cháo lá đa

Đau đớn thay phận đàn bà

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu  

B- Đại thi hào Nguyễn Du xem linh hồn người chết là chúng sinh, vậy cũng nên xem nghĩa hai chữ chúng sinh ở hai quan niệm. Quan niệm theo tu từ học, và quan niệm của Phật giáo.

1- Quan niệm chúng sinh theo tu từ học:  Chúng ()  là số đông, sinh () là sống.  Các từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Trần thị Thanh Liêm, Thiều Chữu,  Nguyễn Tôn Nhan,  Trần Văn Chánh…diễn đạt khác nhau nhưng tựu trung xem chúng sinh là người và tất cả động vật. Riêng Cao Đài từ điển còn cho rằng chúng simh bao gồm kim thạch và thảo mộc.

2- Quan niệm chúng sinh của  Phật giáo:

- Câu Xá luận quang kí  quyển 1 giải thích: Chúng sinh là chịu nhiều sống chết. 

- Kinh bất tăng bất giảm giải thích: Pháp thân bị nhiều phiền nảo trói buộc, đi lại trong  đường sống chết gọi là chúng sinh

- Từ điển Bách khoa Việt Nam:  Chúng sinh (tôn giáo) Khái niệm Phật giáo, từ đồng nghĩa là hữu tình, chỉ tất cả các loài sinh vật có tâm thức ở trình độ thấp hay cao, trong đó có loài người. Từ chúng sinh có các nghĩa như sau:  1) Khi còn chưa giác ngộ và giải thoát, một loài hữu tình phải tái sinh nhiều lần, quay đi quay lại trong các cõi sống. Vì phải sinh lại nhiều lần nên gọi là chúng sinh. 2) Mỗi chúng sinh không phải là một thể đơn nhất, mà do nhiều yếu tố tạo thành, tức các yếu tố tinh thần và vật chất (năm uẩn). 3) Các chúng sinh không phải tái sinh trong một cõi sống, mà trong nhiều cõi sống khác nhau. Theo đạo Phật, có sáu cõi, gồm ba cõi lành là cõi Trời, cõi Người, cõi A Tu La, và ba cõi ác, là các cõi địa ngục, quỷ đói, và súc sinh. 

C- Vấn đề cúng chúng sinh:  Phật giáo quan niệm người đang sống và vong linh sau khi chết đều là chúng sinh. Quan niệm đó xuất phát từ triết lý vô thường, cho rằng mọi vật trên thế gian luôn luôn lưu chuyển và biến dịch. Với sự sống của kiếp người thì sự dịch chuyển đó qua bốn giai đoạn : sinh, già, bệnh, chết (sinh, lão , bệnh, tử).  Nhưng không  phải  khi sinh mệnh ta hiện ra mới gọi là sinh, và cũng không phải khi sinh mệnh ta chấm dứt mới gọi là chết. Trong từng giây từng phút ta đã từng sinh và đã từng chết. Và bốn giai đoạn: sinh, già, bệnh, chết, cứ liên tục xoay vòng không phải trên một đường tròn khép kín mà trên đường tròn xoáy lò xo, nó không  khởi đầu từ kiếp sống này, mà từ vô lượng kiếp trước, cho tới vô lượng kiếp sau. Với các vật thể thì giai đoạn "lão" được gọi là trụ, giai đoạn "bệnh" được gọi là hoại, giai đoạn "chết" được gọi là diệt .  Một ngôi sao trong vũ trụ có thời gian trụ cả tỷ năm, nhưng một đóa phù dung thì chỉ "sớm nở tối tàn".  Còn thời gian trụ trong một xác thân đang sống chỉ chưa đầy một nháy mắt, bằng một phần chín mươi (1/90) "niệm", nhà Phật gọi là một "sát na vô thường". Tính ra trong thời gian một ngày, thân xác ta đổi thay, thay đổi, nghĩa là chết đi, sống lại…tới  sáu tỷ, bốn trăm triệu, không trăm chín mươi chín ngàn, chín trăm tám mươi lần (6.400.099.980) và trong một giây đồng hồ, thân xác ta chết đi sống lại bảy trăm bốn mươi ngàn, bảy trăm năm mươi hai lần (740.752 ).  Cái thân xác giả hữu (liên tục sống chết như đã nói) cũng chỉ tồn tại trên mặt đất vào khoảng 100 năm (không xét đến trường hợp bất đắc kì tử) sau đó lại diệt để tạo ra một sự sinh khác. Nhà Phật không cho rằng chết là hết, vì chết là điều kiện tất yếu của một sự sinh sắp tới. Nay tạm chưa nói đến các điểm: già, bệnh, chết, mà chỉ đề cập đến điểm sinh bằng cách nối các điểm đó của hệ xoáy ốc lại, sẽ có quỷ tích là một đường thẳng sinh, mà điểm đầu ở vô lượng kiếp trước, điểm cuối ở vô lượng kiếp sau (xem hình minh họa)

                       

  

Như vậy, sinh là một chuỗi liên tục qua nhiều kiếp không ngừng nghỉ. Cho nên nói cúng chúng sinh là cúng cái phần sống ở mỗi kiếp. Việc cúng dâng hương hoa, cháo, cho chúng sinh cô hồn, ngạ quỷ, là việc làm để tạo phước đức cũng như bố thí cho kẻ đói nghèo. Việc cúng cũng đơn giản chỉ cần hương hoa, bánh trái, gạo muối, cúng vào ngày mùng 02 hay 16 AL ngoài đường (có thể trước nhà) thường vào lúc chạng vạng tối.. Đại thì hào Nguyễn Du đã viết bài văn tế  "Thập loại chúng sinh"  nổi tiếng trong lịch sử văn học nước nhà cũng với mục đích đó. Phần mời cô hồn hưởng lễ ông viết:                                       

                               Đàn chẩn tế theo lời Phật giáo 

                               Vật có gì lưng cháo nén hương

                               Gọi là manh áo thoi vàng

                               Giúp cho làm của ăn đàng siêu thiên

Và bốn câu cuối của bài văn tế:

                               Phật hữu tình từ bi tế độ

                               Chớ ngại rằng có có chăng chăng

                               Nam mô PHẬT, Nam mô PHÁP, Nam mô TĂNG

                               Nam mô nhất thiết siêu thăng thượng đài.

 

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

TRỜI và ĐẤT

Ở giữa ĐẤT TRỜI anh với em...



 

Hình đồ Bát quái



 

 

Có một lần nào đó bu tui viết "Trong các tác gia triết học của nhân loại, có 3 cặp :  Mác - Lê,  Khổng - Mạnh,  Lão -Trang….khiến các học giả bỏ nhiều giấy mực và công sức bàn luận tới.   Bạn TTM có vẻ không quan tâm đến 3 cặp bu vừa nhắc mà hỏi luôn: "Thế anh bu  suy nghĩ gì về cặp TRỜI ĐẤT". Đã mấy lần bu tui giả bộ tảng lờ không nhắc chi đến câu hỏi đó, vì nó rộng quá, khó quá, nói làm sao cho rốt ráo được. Nhưng người đẹp không tha cho, viết vào Guest book hỏi, gặp mặt đang cà phê cà pháo vui vẻ lại nhắc. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, bu tui cứ thử nói vài dòng về TRỜI ĐẤT xem sao… Hihihi.

 

1- Trần Khánh Dư là một võ tướng đời Trần, chiến tích đánh giặc đầy mình, nhưng do quan hệ "trên mức tình cảm" với con dâu Trần Hưng Đạo nên bị kỷ luật phải về quê đốt than kiếm sống. Ông có bài thơ nói về nghề đốt than, với hai câu đầu :

 

         Một gánh Càn Khôn quảy xuống ngàn

         Hỏi rằng chi đó dạ rằng than

         ………

 

Càn là một quẻ trong Bát quái gồm ba vạch dương (a) . Dịch kinh nói: "Càn vi thiên" tức càn là  TRỜI. Khôn cũng là một quẻ khác trong bát quái gồm ba vạch âm (b  cứ 2 đoạn nhỏ trên một hàng xem là một vạch âm). Dịch kinh nói: "Khôn vị địa" tức Khôn là đất. Vậy tại sao ông Trần Khánh Dư bảo than là Càn Khôn ? Vì nó gồm có TRỜI và ĐẤT. Nghe hơi lạ, nhưng đúng thế. Để có than người ta đốn cây rừng, sắp xuống  hố, đốt, khi không còn ngọn lửa nữa thì lấy đất lấp hố lại, chờ nguội đào lên sẽ có tro và  than. Ngọn lửa nóng khi gỗ cháy là phần năng lượng cây nhận được của mặt trời, bốc lên cao trả về TRỜI. Tro và than là phần cây nhận được của đất, trả cho ĐẤT. Trời cao vời vợi, đất thấp lè tè, nhưng lại kết hợp với nhau chặt chẽ trong từng mẫu lá, từng nhành cây (cũng là kết hợp âm dương) để làm nên rừng - môi trường sống, làm nên cây ngô, cây khoai, cây lúa…nuôi sống con người  

 

2- Tạo hóa phân công trời đất rạch ròi lắm. Dịch kinh chồng quẻ Càn lên quẻ Càn để có quẻ Thuần Càn (xem hình1 ) tượng trưng cho TRỜI (như quẻ Càn trong bát quái),  chồng quẻ Khôn lên quẻ Khôn thành quẻ Thuần Khôn ( xem hình 2)  tượng trưng cho đất (như quẻ Khôn trong bát quái)

Dịch kinh giảng về quẻ Thuần Càn: TRỜI có đức "nguyên"  vì là nguồn gốc của vạn vật, có đức "hanh" vì làm ra mây, mưa, để cho vạn vật sinh trưởng đến vô cùng, có đức "lợi" và "trinh" vì biến hóa, khiến cho vật gì cũng giữ được nguyên khí.

Dịch kinh giảng về quẻ Thuần Khôn: Càn tượng trưng TRỜI, thì Khôn tượng trưng ĐẤT, Càn cương kiện thì Khôn nhu thuận, Càn tạo ra vạn vật vô hình thuộc phần khí, phải nhờ Khôn vạn vật mới hữu hình, mới sinh trưởng, cho nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn…

 

 Hình 1: Quẻ thuần Càn

 

 Hình 2: Quẻ thuần Khôn

   

3- Phật giáo không đưa ra khái niệm Càn Khôn như Dịch kinh mà vẫn chứng minh được  TRỜI và ĐẤT có trong mỗi xác thân.  Theo nhà Phật thì con người do Ngũ uẩn tạo nên. Ngũ uẩn là 5 nhóm tượng trưng cho 5 yếu tố:  sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thọ, tưởng, hành, thức, trừu tượng thuộc về tâm. Còn sắc là thân và 6 giác quan (lục căn). Thân lại được cấu tạo bởi Tứ đại tức 4 yếu tố: Đất, nước, lửa, gió.  Đất, nước là phần xương tủy và máu thịt (khi hoai mục sẽ thành đất). Gió là hơi thở, lửa là thân nhiệt 37 độ do trời tạo nên. Nhưng đấy là nói TRỜI ĐẤT của thế giới ta bà ta đang sống.  Phật giáo Đại Thừa cho rằng quả địa cầu chỉ là một điểm nhỏ trong vũ trụ bao la, không phải là nơi duy nhất có sinh linh, mà con người cũng không phải là chúng sinh duy nhất. Chúng sinh vô cùng vô tận, mà hệ thống tinh tú cũng vô cùng vô tận. Tùy theo nghiệp thiện hay bất thiện đã tạo, chúng sinh có thể tái sinh vào một trong 31 cảnh giới. TRỜI và ĐẤT trong mỗi cảnh giới ấy là chuyện bất tận ngôn, không thuộc vào câu hỏi của bạn TTM    

 

4- Học thuyết Nho giáo mà người khởi xướng là Khổng Tử cho rằng có Trời làm chủ tể vũ trụ, nó là một đấng có hình dạng, có tình cảm, có tư dục như người ta. Khổng Tử tin vào thiên mệnh nên ngài nói rằng "Bất tri thiên mệnh vô dĩ vi quân tử giã" (Luận ngữ) tức không biết mệnh trời thì không lấy gì làm quân tử. Nhưng Lão Tử lại phủ định việc nhân cách hóa TRỜI ĐẤT. Với con mắt  của Lão Tử, trời và đất là sự tồn tại của tự nhiên, nó không có yêu ghét giống con người, càng không phải chúa tể của vạn vật, vạn vật tuân theo quy luật vận hành của thiên nhiên mà phát triển trong TRỜI ĐẤT. Lão Tử và Trang Tử nhất trí nhau ở chỗ : Hợp nhất với TRỜI là Đạo, thích ứng với ĐẤT là Đức, thực hiện ở vạn vật là Nghĩa. Các ngài còn cho rằng:  Nghĩa gồm ở trong Đức, Đức ở trong Đạo, Đạo gồm ở trong TRỜI (Trang Tử của Nguyễn Hiến Lê)

 

5- Trong sách Hoàng cực kinh thế của Thiệu Khang Tiết (1011-1077 thời bắc Tống) có luận về TRỜI ĐẤT: " TRỜI bởi động mà sinh ra, ĐẤT bởi tĩnh mà sinh ra. Một động một tĩnh giao với nhau mà thành ra cái đạo TRỜI ĐẤT …Mặt trời làm nóng, mặt trăng làm lạnh, tinh làm ngày, thần làm đêm. Nóng, lạnh, tinh, thần, giao nhau là sự biến đổi của TRỜI ĐẤT.

…Cái lớn của sự động gọi là thái dương, cái nhỏ của sự động gọi là thiếu dương, cái lớn của sự tĩnh gọi là thái âm, cái nhỏ của sự tĩnh gọi là thiếu âm. Thái dương làm mặt TRỜI, thái âm làm mặt trăng, thiếu dương làm các ngôi sao, thiếu âm làm khoảng cao mờ trên trời. Nhật, nguyệt, tinh , thần, giao với nhau là cái thể của TRỜI. Thái nhu làm nước, thái cương làm lửa, thiếu nhu làm ĐẤT,  thiếu cương làm đá. Thủy, hỏa, thổ, thạch giao với nhau thành cái thế của ĐẤT vậy (Nho giáo của Trần Trọng Kim )

 

6- Người Việt ta từ thuở xa xưa sống bằng nghề trồng lúa nước. Để có mùa màng bội thu thì mưa nắng đúng thời vụ và nước phân cần giống trên đồng ruộng là những yếu tố vô cùng cần thiết. Người nông dân tin có ông TRỜI, nên ngoài bàn thờ gia tiên còn có bàn thờ Trời trước sân nhà. Lại  có chỗ thờ ĐẤT biểu thượng bằng ông Địa ở góc nhà. Khát vọng của người dân quê thể hiện trong những câu ca:

 

Trông TRỜI trông ĐẤT trông mây

Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng

 

Hoặc

 

Lạy TRỜI mưa thuận gió đều

Cho đồng lúa tốt cho chiều lòng em

 

Cặp TRỜI ĐẤT với nhà thơ đôi khi mang tính hài hước. Sinh thời Tản Đà ngày say nhiều hơn ngày tỉnh. Cái gì đối với ông cũng có vẻ như đang say xỉn, ông viết:

 

ĐẤT say đất cũng lăn quay

TRỜI say mặt cũng đỏ gay, ai cười?

 

Xuân Diệu có mấy câu thơ nói về ĐẤT cực hay:

 

                Trái ĐẤT ba phần tư nước mắt.

                Đi như giọt lệ giữa không trung

------------

 

Ghi chú

 (a) Xin xem 3 vạch trắng phía trái hình đồ Bát quái

 (b) Xin xem 3 hàng  (gồm 6 vạch) xanh lá cây phía phải hình đồ Bát quái 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

THĂM NHÀ BẠN TTM Ỏ KHU ĐÔNG THỦ THIÊM QUẬN 2

 

Ngày 2 tháng 3 năm 2012 hai bu lên Sài Gòn thăm cháu nội. Ngày 3.3.2012 gặp mặt một số bạn mul, hình ảnh đã được bạn TTM giới thiệu trong ẻn  "GẶP NHAU GIỮA SÀI GÒN 3.3.2012".  Ngày 4.3.2012 hai bu đến nhà bạn TTM. Bạn đã viết cho một bài hướng dẫn đường đi chi li nhưng do đi vào đường lạ, địa danh lạ, nên cũng thấy bâng khuâng hồi hộp. Khu dân cư Đông Thủ Thiêm khá rộng, nhà cửa còn thưa vắng nhưng xem ra toàn cỡ đại gia ở. Bà giúp việc ra mở cổng, 5 phút sau vẫn chưa thấy chủ nhà đâu, nghĩ bụng nàng đang đánh bóng mạ kền cho thêm phần tươi tắn. Nhưng đột nhiên TTM tươi cười từ cổng đi vào, người đẹp quần  ống cao ống thấp, tay xách nách mang toàn thực phẩm thượng hạng đãi khách.  Bu không có khiếu làm phóng sự ảnh, chỉ chụp ngẫu hứng,  nên giới hiệu không hết ngôi nhà TTM cùng những người thân yêu của bạn ấy, như hai cậu con trai có vẻ đẹp rất đàn ông, tài hoa, khỏe mạnh, cô con dâu ngoan hiền, xinh xắn.

Mặt chính ngôi nhà TTM

Tủ chưng bày tượng Phật, Bồ tát, A La Hán...

 

TTM giới thiệu những kỷ vật của gia đình


Hình ảnh còn lại sau lễ cưới của cậu Tuấn con trai TTM


Chủ nhà thảo luận thực đơn

(Hai chàng trai Tuấn, Lâm làm đầu bếp)


Mái tóc em đây hay là mây la suối...


Đại hùng kê


Bu phục vụ riêng cho hai thính giả

Chủ nhà và hai bu

Bà bu muốn mặc áo đen cho giống chị Mùi... hihihi

Sóng đôi

Bạn TTM ở Đài Loan

Hoa giấy trên sân thượng

Lại thay mốt áo

TTM rất say sưa chụp hình

Bạn TTM thời son trẻ




Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012