Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

NGƯỜI CHƯA BIẾT TÊN

 

 

 

Bến xe Miền Đông

 

Hình minh họa

 

 

 

Trong khi chờ cô nhân viên hãng xe Mai Linh ở bến xe Miền Đông  viết vé  Sài Gòn - Vũng Tàu, bu linh cảm có ai chăm chú nhìn mình từ dằng sau. Vừa kịp bỏ tấm vé vào túi áo quay ra thì một cô gái trẻ  chừng 23- 24 tuổi tươi cười tiến đến.

- Cháu chào chú, rất may cháu lại được gặp chú ở đây.

- Xin lỗi…cô …

- Chú không biết cháu là ai,  nhưng cháu đã một lần rất áy náy vì  cách xử sự của chú…

Bu ngớ ra, và chỉ biết hỏi lại:

- Cách xử sự của chú …Là thế nào nhỉ… Chú chưa hiểu cháu nói gì cả.

Bu vừa nói vừa xem đồng hồ, làm ra vẻ sốt ruột.

- Còn gần 20 phút nữa xe Vũng Tàu mới chạy mà chú. Cháu muốn xin chú vài phút để nói câu chuyện hôm 22 tháng 3 vừa qua. Bữa đó cháu vừa bật nhạc lên thì  ngay lập tức chú cuốn giấy nhét chặt vào hai tai làm cháu vừa  mặc cảm có lỗi, vừa thấy mình bị  khinh miệt làm sao ấy…

      Đến đây thì bu nhớ ra…Trên chuyến xe Mai Linh Sài Gòn về Vũng Tàu hồi cuối tháng 3, bu ngồi ghế số 2. Xe sắp lăn bánh thì một cô gái ăn bận diêm dúa lên xe, bu đứng dậy nhường lối cho cô ấy vào ghế số 3 sát thành xe cạnh chỗ bu ngồi. Người trên xe chuyện vãn ầm ỉ.  Xe chạy được vài chục phút thì cô gái lấy máy điện thoại di động mở nhạc ra nghe. Nhạc Tây, do một nữ ca sỹ thuộc loại danh tiếng hát. Bu có tật dị ứng với tiếng ồn, luôn luôn tâm niệm tiếng ồn là bom nguyên tử nổ chậm. Biện pháp chống ồn duy nhất lúc đó là vê giấy lại như con sâu kèn nhét chặt vào hai tai, không mở miệng nói với ai, và cũng chẳng muốn  nghe ai nói gì.

 

* * *

 

     Bu và cô gái ngồi trên dãy ghế  tương đối yên tĩnh trong nhà xe. Cô ấy không đẹp song có duyên, người khác giới ưa nhìn.  Cô có đôi mắt sáng, nhìn thẳng, tự tin, giọng Nam bộ chính gốc,  khúc chiết,  có vẻ như cô làm nghề MC hoặc giáo  học.

- Hôm ấy sao chú không bảo cháu tắt máy đi hoặc chỉnh nhỏ lại mà phản đối cháu quyết liệt đến thế.

- Tâm lý chú rất sợ người lạ gây gỗ, càng sợ hơn nếu người ấy là phụ nữ. Chú thấy truyền hình đã đưa lên cảnh một cô gái trẻ măng, mặt mũi xinh xẻo, xông lên bạt tai anh cảnh sát giao thông ngay trên đường phố, hay cảnh một cô học sinh phổ thông non choẹt, nắm tóc bạn gái lôi xềnh xệch giữa vườn hoa công cộng. Chưa kể có bà vợ đốt chồng cháy thành than…Hôm ấy chú cũng định bảo cháu tắt máy đi vì trong xe đã quá ồn rồi, nhưng sợ cháu đốp chát, ông không nghe nhạc thì nhét tai lại, máy tôi tôi nghe, không ai cấm được… Chú hình dung ra thế và tự làm người điếc để cho yên thân. Lại tự động viên mình bằng câu thơ của Phạm Tiến Duật “Ung dung ghế nệm ta ngồi, nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”

- Ôi ! Bài thơ ấy của ông Duật có trong sách ngữ văn lớp 10 cháu thích lắm. Cái câu ấy chú “chế” đi rồi, nguyên văn nó là: Ung dung buồng lái ta ngồi, nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng. Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng. Thấy con đường chạy thẳng vào tim. Thấy sao trời và đột ngột cánh chim.  Như sa, như ùa vào buồng lái. Ủa, cháu lạc đề mất rồi… Cái gì nhỉ, à, ba chuyện chú kể  con sâu làm rầu nồi canh, có phải con gái thời nay hư đốn như thế cả đâu. Chú có thừa nhận tội phạm xã hội bây giờ nam nhiều hơn nữ không.

- Có thể là nam nhiều hơn, nhưng phụ nữ là phái yếu, phái đẹp, nên tội trạng nam nữ như nhau thì người ta vẫn kinh hãi phụ nữ hơn.

 - Chú thông cảm cho, lần đầu tiên cháu tỏ ra thiếu văn hóa ở chỗ đông người. Hôm đó là 22 tháng 3, ngày ca sĩ da màu Whitney Houston qua đời.  Lễ Valentine 14 tháng 2 trước đó chị ấy còn hát bài I will always love you làm cả thế giới mê say. Chao ôi, con người tuyệt vời ấy mà người ta vùi xuống dưới đất đen.  Cháu đã khóc khi nghe tin danh ca ấy qua đời nên khi lên xe quên cả ý tứ…

- Hóa ra thế.

- Mà cháu hỏi thật, chú có vẻ yêu thơ thế, chả nhẽ chú không mảy may rung cảm khi nghe giọng ca vàng của Whitney Houston.

- Cô ấy là nghệ sĩ có hạng, chất giọng nữ trung làm say đắm lòng người, nhưng nàng hút xách nghiện ngập, đến nỗi chết trong bồn tắm, tư cách ấy làm chú hơi thiếu thiện cảm.

- Chao ôi là chú cực đoan,  vậy thì cách xử sự của chú là để phản đối chị ấy hay phản đối cháu.

- Phản đối cháu, ai lại đi chấp nhặt một tài năng đã thành người thiên cổ.

- Hôm ấy cháu đã tắt máy và nói lời xin lỗi, nhưng chú không nghe thấy, hoặc nghe thấy mà làm ngơ.

- Quả là chú điếc đặc, không nghe thấy gì cả.

- Hơn hai tiếng đồng hồ ngồi trên xe, tâm trạng cháu không yên.  Vừa tiếc thương tài năng Whitney Houston, vừa ấm ức người ngồi cạnh là chú. Khi xe dừng trước cửa chung cư Hodeco plaza để chú xuống, cháu nghĩ bụng thế nào cũng phải gặp lại chú để nhắc lại chuyện này. Cháu làm việc trên Thành phố nhưng nhà ở Vũng Tàu, cứ một hai tháng cháu lại về thăm nhà một lần.

- Chú ở trong ngôi nhà 21 tầng cao nhất Vũng Tàu, nơi đó ít ồn, ít bụi, lại lắm gió và nhiều mây trời. Nếu có việc phải xuống đất thì  phương châm chú là ba không: Không nghe, không thấy, và không nói...có thể như vậy là cực đoan…Dẫu sao thì chú cũng cảm ơn sự thẳng thắn của cháu… Mà đã đến giờ xe chạy rồi chú phải đi đây.

- Tự nhiên cháu thấy vui vui, cô bé đểnh đoảng hôm nào đã làm người siêu cực đoan thay đổi phương châm sống từ ba không thành ba có: Có nghe, có thấy, và có nói…hihihi. 

      Bu vội vã ra cửa số 3, khi quay lại vẫn thấy cô gái còn đứng nhìn theo,  tươi cười đưa tay vẫy vẫy. Bu tự trách mình đoảng, không hỏi được một câu rằng cô ấy tên gì,  nhà ở đường phố nào trên hòn đảo Vũng Tàu đầy nắng gió và rất trữ tình này… 

---------------------------------------------------------------


Thiết bị chống ồn bằng nhựa mềm của công nhân Nhà máy Đóng tàu Vũng Tàu đang dùng. Hình này được Pots lên theo đề nghị  của bạn hanggraphic


 

 

 

 



 

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

BIẾT TÁI SINH VỀ ĐÂU?

Bạn huynh tran (áo đen - người đặt câu hỏi) và hai bu.

  (Trên sân thượng  biệt thự huynhtran ở Quận 2  Sài Gòn, hồi tháng 3.2012)

 

 

 

Phật Thích ca (ảnh Net)

 

 

 

Tự dưng bạn huynhtran tấn phong bu lên chức Trưởng lão trong khi bu chưa tu ngày nào.  Sau khi cho lên tàu bay giấy, bạn ấy hỏi bu ba câu, mới đọc đã hoa cả mắt:

 

1- Vì sao trong hội chúng, đức Phật nói rằng trong suốt 49 năm qua Đức Phật chẳng nói gì?

2- Vì sao trong kinh sách lại đưa việc đức Phật thuyết giảng kinh A Di Đà, kinh Dược Sư, kinh Thủ Lăng Nghiêm và một số kinh sách khác vào thời kỳ ngài còn tại thế, để người đời bây giờ đọc cảm thấy có tí huyển hoặc

3- Ngay trong kinh A Di Đà nơi thế giới cực lạc sẽ không có nữ giới, vậy giả sử là chúng ta có cõi Cực Lạc hay cõi thiên đàng thì hơn 50% nữ giới (giả sử đều là những bậc thiện nữ) khi vãng sanh sẽ đi về đâu ??

Hình như bạn huynhtran viết câu hỏi lúc đang vội bay sang Đài Loan, nên bu tui chỉ dựa vào ý để trả lời chứ không câu nệ vào câu chữ. Rất mong các bạn đọc và chỉ bảo thêm cho…  

 

* Trả lời câu hỏi 1.

Bạn  huynhtran là Phật tử thuần thành cho đến năm 16 tuổi, hằn đã đọc BÁT NHÃ TÂM KINH với câu đầu tiên: “ Bồ tát quán Tự Tại khi hành Bát nhã ba la mật đa sâu xa, soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ ách” (1)

     Năm uẩn (còn gọi là ngũ uẩn) tức là năm yếu tố tạo nên cái mà ta cho là “bản ngã”, là “cá thể” là “tôi”… Tóm tắt năm uẩn ấy là:

1- Sắc uẩn: Là vật chất cụ thể gồm bốn đại cổ truyền: đất, nước, gió, lửa. (ta hay nói là tấm thân Tứ đại)

2- Thọ uẩn: Là cảm giác. Tất cả mọi cảm giác Vật lý và tâm linh đều bao hàm trong uẩn này

3- Tưởng uẩn: Là nhận thức, tri giác. Tưởng này nhận biết sự vật là vật lý hay tâm linh

4- Hành uẩn:  Là bao gồm tất cả các hoạt động của ý chí, xấu hay tốt. Những gì thường được xem là nghiệp thuộc uẩn này.

5-Thức uẩn:  Thức là một phản ứng có căn bản là một trong sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý)

     Năm uẩn trên “đều không”, vậy thì 49 năm (2) thuyết pháp của ngài (từ một xác thân không thật có) cũng xem như không nói gì cả.  Một cách nói theo tinh thần Bát Nhã của đức Phật vậy.

 

* Trả lời câu hỏi 2.

Người đời bây giờ đọc kinh Phật  không những thấy huyễn hoặc mà còn đáng ngờ, tại sao vậy?

    Theo lịch sử Phật giáo, thì giữa thế kỷ thứ I trước công nguyên  đến thế kỷ thứ I sau công nguyên  hai thuật ngữ Đại thừa và Tiểu thừa mới xuất hiện trong Diệu pháp liên hoa kinh. Thời đức Phật tại thế tuyệt nhiên không có hai từ này. Đến khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên, chữ “Đại thừa” dần dần được định nghĩa rõ ràng hơn. Đến thế kỷ thứ IV sau công nguyên, cao tăng Trung Quốc là Huệ Viễn (334-416) sáng lập môn phái Tịnh độ tông thuộc Đại thừa, lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Phương pháp tu của Tịnh độ tông là niệm danh hiệu Phật A di đà và quán tưởng Cực lạc. Hai bộ kinh quan trọng của Tịnh độ tông là Kinh A di đà và kinh Vô lượng thọ. Tính lại, khi xuất hiện hai bộ kinh này thì đức Phật đã diệt độ khoảng 900 năm. Vậy thì làm sao bảo đức Phật thuyết các kinh này được.  Chắc chắn các vị Tổ viết ra, nhưng để cho Phật tử tin tưởng là lời Phật nói, họ mặc định vào đầu kinh cụm từ “Tôi nghe như vầy” (Như thị ngã văn).

      Bu tui cho là các Tổ đã phạm ngũ giới của nhà Phật …

 

Trả lời câu hỏi 3.     

Trước hết phải nói ngay rằng cõi Thiên đàng của đạo Thiên chúa có Nữ giới hay không ta không bàn đến, ở đây chỉ nói về cõi Tây phương Cực lạc của đức Phật A di đà.

      Kinh A di đà, kinh Vô lượng thọ, kinh Bi Hoa đều nói vua Vô Tránh Nhiệm trước khi thành Phật A di đà đã hứa như đinh đóng cột với phật Bảo tạng rằng, nếu được thành phật ông sẽ xây dựng một xã hội tuyệt đối không có nữ giới, thậm chí không có từ ngữ nào đề chỉ nữ giới. Kinh Địa tạng bảo người nữ nào chăm chỉ cúng dường bồ tát Địa tạng, đúc tượng ngài, vẽ hình ngài, thì “muôn kiếp sau sẽ không sinh vào cõi nước có người nữ, huống nữa là thọ thân gái”. Rõ ràng hệ thống kinh Đại thừa loại trừ nữ giới ở các xã hội ngoài cõi nhân gian?  Bởi vậy 51% chị em nếu được vãng sanh lên đó thì phải chấp nhận làm một thứ người chung chung, tức là người trung tính, không nam không nữ. Vì khi nói đến nam tức nói đến giới tính giống đực có thiên chức cùng với nữ giới phát triển nòi giống bằng phương pháp noãn sinh. Người trên thể giới cực lạc được hóa sinh, tức sinh ra từ bông sen, ai cũng như ai, đã không có nữ thì chẳng cần nam để làm gì.

        Bạn huynhtran nhất thiết muốn kiếp sau vẫn là phụ nữ thì tu ở mức chỉ để giải thoát tương đối, tức được luân hồi làm người xinh đẹp, sung túc, có một ý trung nhân hoàn hảo hơn kiếp sống hiện tại.  Chúc bạn hoan hỷ trong cõi nhân gian vừa đạo vừa đời này.

 

 

(1)               Bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Trí Thủ

(2)               Hầu hết sử liệu của Phật giáo nói ngài chỉ thuyết giáo trong 45 năm chứ không phải 49 năm

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

HENRY FORD và THƯỢNG ĐẾ

                                             Henry Ford năm 1888

 

 

              "Sản phẩm của Thượng đế còn 8 thiếu sót nghiêm trọng!"

 

 

Nguyên văn còm của bạn Hoàng Kim trong bài “Phỏng vấn đức Phật Thích ca” của bu là “Thói quen hơn khoa học”. Nhưng vừa nói chuyện Phật pháp xong, nay lại khoa học nghe nó khô khan quá, bu tui bèn đổi tựa đề thành ra “Henry ford và Thượng đế” cho có vẻ văn nghệ chút xíu, hihihi…

 

 

Ông vua xe hơi Henry Ford (1863- 1947) sau khi chết được lên Thiên đàng. Tại cổng Thiên đàng cóThánh Peter chờ sẵn để đón ông.  Vừa gặp Ford, Thánh Peter  bảo ông:

-  Hồi còn sống, ngươi đã sáng chế ra phương pháp làm việc dây chuyền trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi, phương pháp đó đã làm thay đổi cả thế giới. Với thành quả như vậy, ngươi được một ân huệ là có thể đàm đạo với bất cứ ai ở Thiên đàng này.

Suy nghĩ vài giây, Ford xin được gặp Thượng đế. Thánh Peter bèn dẫn ông đi. Vừa gặp Thượng đế ông liền hỏi ngay:

- Thưa Ngài, lúc chế tạo ra đàn bà, Ngài đã nghĩ gì ?

Thượng đế nghe xong bèn hỏi lại:

- Ngươi hỏi như vậy là có ý gì?

Ford liền trả lời:

- Trong sáng chế của Ngài có quá nhiều sơ sót, ít nhất có 8 thiếu sót nghiêm trọng:

1- Phía trước thì bị phồng lên, phía sau thì bị nhô ra

2- Máy thường kêu to khi chạy nhanh.

3- Tiền bảo trì và nuôi dưỡng quá cao.

4- Thường xuyên đòi hỏi nước sơn mới.

5- Cứ đi 28 ngày là lại bị chảy nhớt và không làm việc được.

6- Chỗ bơm xăng và ống xả lại quá gần nhau.

7- Đèn trước thì quá nhỏ.

8- Tiêu thụ nhiên liệu thì nhiều khủng khiếp.

Thượng đế nghe xong liền bảo:

- Ngươi đợi một lát để ta xem lại bản thiết kế.

Ngài bèn cho gọi toàn bộ kỹ sư trên Thiên đàng đến để xem xét lại quá trình sản xuất đàn bà của mình dưới ánh sáng những phê phán của Henry Ford. Sau một thời gian nghiên cứu, Hội đồng Kỹ sư Thiên đàng đã trình lên Thượng đế bản báo cáo tổng hợp. Xem xong ngài bèn phán rằng:

- Những lời ngươi vừa nói hoàn toàn đúng, sáng chế của ta thật có nhiều sai sót. Nhưng tính trên phương diện kinh tế thì hiệu quả thị phần của ta lại rất cao: Có gần 100% đàn ông trên thế giới xài sản phẩm do ta chế tạo, trong khi chỉ có chưa đầy 10% đàn ông xài sản phẩm của nhà ngươi.

      Vua xe hơi giật mình thấy lời Thượng đế sao mà quá đúng. Hóa ra thói quen tiêu dùng có sức mạnh lớn hơn logic khoa học rất nhiều lần. Và trong thế kỷ 21 này điều đó chưa dễ gì khắc phục !

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

PHỎNG VẤN ĐỨC PHẬT THÍCH CA.

Đức Phật Thích ca

 

Bulukhin ở Thiền viện Chân Nguyên (Bà Rịa) 1.1. 2012

 

 

 

Đọc Phật giáo không hiểu, cố đọc cho hiểu lại càng không hiểu! Khổ thế.  Nghe bảo các nhà ngoại cảm nói chuyện được với linh hồn, hay là nhờ họ gặp đức Phật hộ? Khốn nỗi, chính Ngài khẳng định không có linh hồn vĩnh cửu, thì gặp làm sao. Thế rồi đêm đản sinh Ngài (rằm tháng tư âm lịch vừa rồi) chính bu tui được diện kiến đức Phật trong vừng hào quang sáng lóa

 

Bu: Bạch Thế tôn, có nhiều điều con rất muốn được ngài khai thị cho, nhưng trước uy lực và hào quang của Thế tôn con hơi bị rối trí chút xíu…!

ĐP: Con khoan nói gì, hãy giữ cho thân tâm thanh tịnh đã.

Bu: Đa tạ đức Thế tôn… con đọc kinh Trung Bộ và hoan hỷ nhất đoạn mô tả đêm cuối cùng ngài thiền định dưới gốc cây assatha…

ĐP: Đêm cuối cùng trong 49 đêm… nhưng lại là đêm bắt đầu cho sự nghiệp của ta.

Bu: Nhắc lại sự kiện này con như vẳng nghe đâu đây tiếng Ngài reo vang “Giải thoát đạt vẹn toàn. Đây là đời cuối cùng. Không còn tái sinh nữa”

ĐP: Đúng vậy, ta đã chứng ngộ được Tam trí: Túc mạng trí, Thiên nhãn trí,  Lậu tận trí, trong cái đêm ấy.

Bu: Hình như sự đắc ngộ “Tam trí” ấy chỉ giúp ngài biết trong hiện tại và nhớ về quá khứ vô lượng kiếp, chứ không giúp ngài nhận định về tương lai.

ĐP: Con nói rõ thêm cho ta nghe

Bu: Sau ngày ngài nhập Niết Bàn,  Tôn giả  Anan nói với ngài Cù nặc kiền liên:  “Hiện nay không thể ai kế vị được Phật, chúng tôi là những người con mất cha”…Nghe như Tôn giả không tin vào tương lai lắm…

ĐP:  Chính vì thế mà ta đã nói với Tôn giả A nan,  “Pháp và Luật mà ta đã thuyết giảng cho chư vị, sau khi ta diệt độ, sẽ là Đạo sư của chư vị”.

Bu: Bạch Thế tôn, con đã đọc lời di huấn của Ngài trong kinh Trường bộ,   nhưng thực tế xẩy ra lại ngoài ý muốn của Ngài.

ĐP: Ngoài ý muốn của ta?

Bu:  Vâng, trong hội nghị kết tập lần thứ hai vào năm 383 tcn tức là lúc ngài vừa nhập Niết bàn một trăm năm, hàng ngũ tăng già đã thể hiện sự bất đồng về giới luật, dẫn đến sự xuất hiện  phái Trưởng lão bộ muốn giữ nguyên giới luật, và phái Đại chúng bộ đòi canh tân giới luật do Ngài đã gây dựng.  

ĐP: Ta thừa nhận với con đó là một sự thật.

Bu:  Và chắc ngài không nghĩ đến một tương lai đầy nghịch lý …

ĐP:  Đầy nghịch lý ở khía cạnh nào vậy ?

Bu: Bạch Thế tôn, nghịch lý ở chỗ vào khoảng năm 1200, Đạo của ngài biến khỏi trên chính quê hương Ngài, đúng hơn là còn lại lèo tèo ở các vùng nam Ấn, Ma kiệt đà, Belgan, Orissa, và cũng chỉ 250 năm sau thì biến luôn…

ĐP: Hẳn con thừa biết sự xâm lăng và hành động tàn sát đẩm máu của người Hồi giáo đối với tăng ni, phật tử Ấn Độ.

Bu:  Dạ, con có biết, nhưng tại sao đạo Hin đu, đạo Jaina cũng là đối tượng của người Hồi giáo thì vẫn còn nguyên cho đến tận hôm nay. Như vậy hẳn có một nguyên  nhân nội tại của Phật giáo chăng?

ĐP: Đúng vậy, có thể xét đến hai khía cạnh, vào thời đó đạo Hin đu và đạo Jaina được những tín đồ giàu có và giới cai trị hỗ trợ, thế mạnh ấy Phật giáo không có. Mặt khác, sau 1000 năm tồn tại, xét về mặt tâm linh, Phật giáo đã tự đào thải mình. Tăng sĩ đã lười nhác hoặc thoái hóa đến mức không sao có thể tồi tệ hơn được nữa.

Bu: Vậy thì, xin ngài giải thích tại sao sau khi Phật giáo biến khỏi Ấn  Độ, lại sống mãi ở một số nước ngoài Ấn Độ.  Đấy không thực sự là nghịch lý sao ?

ĐP: Lịch sử một quốc gia hay một tôn giáo đôi khi đầy rẫy nghịch lý. Nhưng đạo của ta tồn tại được đến nay là công đầu của vua A dục (264-226 tcn). Ngài trị vì cả toàn cõi Ấn Độ, và là người hết sức nhiệt thành với Phật giáo… Vua đã triệu tập một đại Phật hội gồm hơn một ngàn vị tăng có tài đức về dự để bàn kế hoạch truyền bá Phật giáo. Sau Phật hội, ngài cử con trai và con gái qua Tích Lan, các vị tăng khác qua HyLạp, qua các xứ gần Hymalaya, qua Miến Điện, qua Xyri. ..Từ đó lan truyền sang các nước Đông Nam á và Đông á.

Bu:  Như vây, vua A Dục có thể không nhớ lại được vô lượng kiếp trước như Ngài, nhưng lại có nhãn quan nhìn thấu tương lai. Hẳn nhà vua biết được một ngàn năm sau đó Phật giáo sẽ tuyệt diệt ở Ấn Độ ?

ĐP: Cũng có thể như vậy lắm.

Bu: Bạch Thế tôn, các khái niệm như nghiệp, tái sinh, luân hồi, đã có trong đạo Hin đu, khái niệm bình đẳng giới đã có trong đạo Jaina, vậy cái khác biệt giữa đạo của Ngài và hai đạo kia là chỗ nào ạ?

ĐP: Là lý Duyên khởi, hay Mười hai Nhân duyên, nếu nói hết với con thì dài quá.

Bu: Vâng, con xin ngài nói cho vắn tắt nhất

ĐP: Pháp Thập nhị Nhân duyên của ta giải thích sự phát sanh của một trạng thái tùy thuộc nơi trạng thái trước đó, mà điểm xuất phát là Vô minh. Vô minh ở đây không như cách hiểu của thế tục là không sáng suốt, kém hiểu biết, mà là không nhận thức được chân lý về sự đau khổ, nguồn gốc của đau khổ, và con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ. Nói cách khác Vô minh là không nhận thức được thực tướng của vạn pháp, không hiểu thấu đáo chân tướng của chính mình.

Bu: Thưa Ngài, nếu trạng thái xuất phát là Vô minh thì mười một trạng thái tiếp theo sẽ là thế nào ạ?

ĐP: Con hãy nghe đây

1- Vô minh là điểm xuất phát.

2- Vô minh làm (điều kiện, duyên) khởi sinh Hành (hành động có tác ý)

3- Hành làm khởi sinh Thức (sự nhận biết)

4- Thức làm khởi sinh Danh - Sắc (tinh thần và thân thể)

5- Danh-Sắc làm khởi sinh Lục nhập (sáu đối tượng của sáu giác quan)

6- Lục nhập làm khởi sính Xúc (sự tiếp xúc)

7- Xúc làm khởi sinh Thọ (cảm giác)

8- Thọ làm khởi sinh Ái (dục vọng)

9- Ái làm khởi sinh Dính chấp (sự lệ thuộc vào dục vọng)

10- Dính chấp khởi sinh Hữu (sự hiện thành, nghiệp hữu)

11- Hữu khởi sinh Tái Sanh                                      

12- Tái sanh  khởi sinh già, chết, sầu muộn, buồn đau, thất vọng…

Bu: Con xin ghi nhớ, và sẽ tìm hiểu thấu đáo những gì ngài đã khai thị. Bây giờ con xin được hỏi ngài vài câu về chính bản thân Ngài..

ĐP: Ta hoan hỷ nghe và trả lời con.

Bu: Hôm tăng đoàn nghỉ lại ở Pãvã, người thợ rèn Cunda cung thỉnh Ngài và chư Tỳ kheo về trai tăng. Ngài thọ thực một mình món Sũkaramaddava và không cho các vị khác được dùng đến, tại sao vậy?

ĐP: Vì ta biết dùng đến món ấy sẽ nguy hiểm cho sinh mạng.

Bu: Ngài biết nguy hiểm mà vẫn…

ĐP:  Đúng như thế. Lúc ấy ta đã vào tuổi tám mươi, xác thân tứ đại của ta đã hư tổn nhiều lắm rồi. Chỉ mươi ngày nữa thôi là phải giả từ cõi nhân gian, cho nên ta vẫn thọ thực món đó cho vui lòng ông Cunda. Ta biết chắc chắn ông Cunda không có ý định hại ta.

Bu: Bạch Thế tôn, sự thể sau đó ra sao?

ĐP: Ta bị lỵ huyết rất nặng, và biết rằng ông Cunda vô cùng ăn năn hối hận. Bởi thế ta đã dặn với Tôn giả Anan sau khi ta mạng chung, hãy nói với ông Cunda lời của ta rằng “Ông có thật nhiều phước báu thù thắng, sẽ hưởng được nhiều lợi lạc, vì đức Phật đã độ ngọ lần cuối cùng vật thực do ông dâng lên. Nghiệp tốt này sẽ trổ quả trong sự tái sanh thuận lợi, tuổi thọ cao, gặt hái nhiều may mắn và hy vọng, thọ hưởng nhiều an lạc và hạnh phúc…”

 

 

Bu tui định nói lời cảm ơn Ngài nhưng chợt thấy Ngài biến thành một nữ nhân giống y bà Quan Thế âm  bồ tát. Tay bà lay mạnh vào bu. Ơ kìa! Hóa ra bà xã vô vàn yêu dấu của bu đấy thôi… hihihi! 

Đọc tiếp ...