Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

PHONG NHA LÀ GÌ

Bến thuyền Phong Nha

cầu Xuân Sơn

Cửa động Phong Nha


Thạch nhũ Phong Nha

Thạch nhũ Phong Nha




1- Muốn biết vẻ đẹp kỳ ảo của động Phong Nha, các bạn hỏi bác Google sẽ biết được ngay. Bài này bu chỉ quan tâm đến tên gọi Phong Nha, điều mà không phải ai cũng nói đúng kể cả nhân viên hướng dẫn du lịch. Phong Nha là một từ Hán Việt, thông thường người ta vẫn nghĩ phong là gió (phong thủy, phong ba) nha là răng (nha khoa, nha sỹ). Thực ra, chữ Hán có tới 17 chữ phong và 9 chữ nha, vậy thì ghép phong (gió) với nha (răng) để chỉ tên động Phong Nha phải chăng là tùy tiện và võ đoán. Có lần một khách ngoại quốc bất thần hỏi người hướng dẫn du lịch Phong Nha là gì, anh này nghĩ nha là gia (nhà) nói trại đi nên giải thích “Phong Nha is the tooth of wind” (nhà gió). Một nhân viên hướng dẫn khác có đọc sách nói về thắng cảnh Việt Nam, bảo rằng phong là gió, nha là nhũ đá từ trên cao tỏa xuống chi chít như những chiếc răng, vậy “Phong Nha is tooth of wind” (răng gió). Có người đọc tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn” (mông to vú nẩy) của Mạc Ngôn lại suy ra Phong Nha là “vú gió”.

 2- Như đã nói Phong Nha là từ Hán Việt, vậy muốn biết nghĩa Phong Nha phải tìm tự dạng của nó trong sách chữ Hán xưa nhất. Ta biết “Ô châu cận lục” là cuốn sách địa chí viết về dãi đất từ Quảng Bình đến bắc Quảng Nam của Dương Văn An ra đời từ 1555, trong đó động Phong Nha còn gọi là động Chân Linh. Phải đến năm 1776 Lê Quý Đôn mới viết hai chữ Phong Nha trong sách  Phủ biên Tạp lục.  Ở trang 83 ông viết “Châu nam Bố chính (có) hai tổng. (riêng) Tổng Trứ Lễ 17 xã, 7 phường, 6 trang: …Gia lộc nội,  gia lộc ngoại, Câu hợp, Kim sơn, Phong nha, Gia chiêu….”. Học giả Phan Thuận An là người đã tiếp xúc với Phủ biên tạp lục bằng chữ Hán, ông khẳng định Chữ phong ở đây là đỉnh núi () còn nha () là nha môn. Sau này, các sách Đồng Khánh Địa dư chí lược (1888), Đồng Khánh Ngự lãm Địa dư chí đồ (in ở Tokyo 1943, tập hạ, huyện Bố Trạch), Đại Nam Nhất thống chí (1909, quyển 8, tỉnh Quảng Bình) thì tự dạng Phong Nha viết như Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn, tức phong () là đỉnh núi, nha () là nha môn. Riêng chữ nha (衙) từ điển Khang Hy giải thích “Phàm bài liệt thành hàng hữu tự nha tham giả giai viết nha” (phàm những gì sắp xếp thành hàng trông giống như các quan lại sắp hàng ở nha môn đều gọi là nha)

 3- Một điều lý thú là trong từ điển Từ Nguyên có dẫn ra một câu thơ của Trần Tạo, thi sỹ đời Tống sống cách nay khoảng 800 năm. “Cao sơn như thọ chúng  phong nha” (Đỉnh núi cao xếp đều đặn thành từng dãy như các quan đứng sắp hàng để nhận lệnh thượng cấp) Rõ ràng chữ phong ở đây chỉ đỉnh núi (峰) và nha (衙) là nha môn. Nhà thơ đời Tống làm thơ theo cảm hứng, hoàn toàn không vì một địa danh nào ở Trung Quốc. Học giả Phan Thuận An cho hay không thấy có địa danh Phong Nha nào bên Trung quốc, vì vậy “Phong Nha ở tỉnh Quảng Bình là địa danh có một không hai”. Cũng theo Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn thì Phong Nha là tên một trang ở miền núi Bố Trạch, tương đương đơn vị làng ở miền xuôi. Các nhà nghiên cứu người Pháp như Buoffier (1930), Antoie và Michel (1932) , Madeleine Colani (1936) kết luận Phong nha vốn là tên làng, mới được dùng đặt tên cho động sớm nhất khoảng năm 1920.

    Du khách đứng trên cầu Xuân Sơn nhìn về thượng nguồn sông Son sẽ thấy vô vàn đỉnh núi đá vôi nhấp nhô như vô tận.  Nơi ấy tàng chứa hàng trăm hang động nổi tiếng thế giới như  Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường, Sơn Đoòng…Tạo hóa xếp hàng các đỉnh núi ở đây đợi chờ tổ chức Liên hiệp quốc từ hàng trăm triệu năm nay, mãi đến thế kỷ 21 mới được  UNEXCO xưng tụng và cấp chứng chỉ “Phong Nha kẻ Bàng di sản Thiên nhiên thế giới”.  

 

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

CHỈ TẠI CÁI ĐUÔI !


Cảnh Tây Hồ 


NgườiTây Hồ


Bu và bút tích vua Càn Long "Hoa cảng quan ngư" 

(ở Tây Hồ , Hàng Châu)



Catulaho là bạn ảo của bu từ thời Zàhu 360. Zàhu sập tiệm “Người Cà Tu làng Ho” cũng bỏ cuộc luôn. Mới đây  nàng meo cho bu hỏi “Em có đọc bài “Hầu chuyện thầy Thích Trí Giải về chữ nhẫn” của anh nên có biết sơ sơ về bộ trong chữ Hán. Những từ như: chước  (đốt), tai (cháy nhà), xuy (thổi nấu), viêm (bốc cháy) đều có bộ hỏa thì không còn gì để bàn. Đằng này con chim yến, khi viết về nó cũng có bộ hỏa thì lạ, nhờ anh giải thích hộ cho”.

 

***

 

1- Câu hỏi của bạn làm bu nhớ hôm đi loanh quanh trên  bờ Tây Hồ ở Hàng Châu (Trung quốc) thấy người ta xúm xít quanh một tấm bia. Người nào cũng cố chen vào để sờ cho được bốn chữ Hán màu đỏ trên bia, không sờ đủ bốn chữ thì chí ít cũng sờ cho được chữ dưới cùng. Đấy là chữ  ngư (, cá). Người thuyết minh tấm bia cho hay, sinh thời vua Càn Long (1711- 1799)  tự tay viết 10 bài giới thiệu cảnh đẹp Tây hồ, gọi là “Tây hồ thập cảnh”, chẳng hạn như:  三 潭 印 月 (tam đàm ấn nguyệt) Ba đầm nước phản chiếu ánh trăng, (đoạn kiều tàn tuyết) Tuyết còn sót lại trên cầu gãy,   峰 插 (Song phong sáp vân) Hai ngọn núi đâm vào mây…Và câu mà mọi người đang háo hức sờ vào là  花 港 觀 魚 (hoa cảng quan ngư) Xem cá ao hoa.

     Có chuyện kể, vua Càn Long viết xong ba chữ  花 港 觀 (hoa cảng quan) thì nắn nót viết chữ ngư (魚) nhưng mới hạ bút điểm được hai chấm trong số bốn chấm của bộ hỏa ( )(1) thì ông nổi cáu to tiếng hỏi đám quần thần: Tại sao cá ở dưới nước mà lại có bộ hỏa?  thế là cá bị nướng hết sao? Phi lý!  Vậy là chữ ngư (魚) khắc trên bia ngày nay bộ hỏa chỉ có hai chấm thay vì  bốn chấm, kích thích sự tò mò của mọi người.  Bu chờ cho vãn người, cũng sờ tay vào chữ ngư “què” ấy và nhờ ông bạn BOBI chụp cho một tấm ảnh làm kỷ niệm như các bạn đã thấy.

 

2- Hihihi…thắc mắc của vua Càn Long được khắc bia để đời, còn thắc mắc của catulaho về bộ hỏa của chim yến thì chỉ meo cho bu hầu chuyện chơi. Thế cũng thú vị lắm chứ sao.

Nói ngắn gọn là chữ ngư (, ) và chữ yến (, chim) đều là chữ tượng hình có từ đời nhà Thương (khắc trên xương thú cách nay khoảng 3700 năm) gọi là chữ giáp cốt. Hình vẽ cá và chim trong giáp cốt văn có đuôi là hai mũi nhọn tòe ra y như thật (xem hình và click đúp nhìn cho rõ) sang thời kim văn, tiểu triện, đuôi vẫn còn. Đến đầu đời Hán (203tcn-220scn) chữ lệ thư xuất hiện, các nhà cải cách thấy cái đuôi lòng thòng quá bèn thay nó bằng bốn chấm () Có thể ngẩu nghiên chăng, bốn chấm ấy trùng với bộ hỏa, thế là cá bơi dưới nước, chim yến bay trên trời bị mang bộ hỏa.  Đến như các chữ (hùng, con gấu) (mã, con ngựa) (ô, con quạ) cũng có bộ hỏa ( ) chung quy chỉ tại… cái đuôi!!

 ***

 (1) Thực ra hỏa trong bộ ngư không thể gọi là bộ. Bu tạm nói theo người thuyết minh cho dễ diễn đạt. Vì tra bộ hỏa sẽ không có được chữ ngư. Bản thân chữ ngư là một bộ. 


Nguồn gốc chữ ngư

Nguồn gốc chữ Yến

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

HẦU CHUYỆN THẤY THÍCH TRÍ GIẢI VỀ CHỮ NHẪN .

 Các từ điển Hán Việt dùng để tham khảo

Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghị và Jim watrs

Người hầu chuyện thầy Trí Giải


Theo đường dẫn  http://nguoihieuco.blogspot.com/2012/05/chu-nhat.html của bạn truonghoanluyen72 cấp cho, bu đã đọc bài viết của thầy Thích Trí Giải bàn về chữ NHẪN. Sau đây là trích đoạn ý kiến của thầy

 Trong chữ Hán: chữ Nhẫn được hình thành từ (tâm) + (nhận) = Chữ (tâm) (Nhận) nghĩa là sự nguy hiểm, mũi nhọn, chém giết. Nhẫn có nghĩa là nhịn. Như làm việc khó khăn cũng cố làm cho được gọi là kiên nhẫn 堅忍.Nhẫn là lòng khoan dung độ lượng. Tại sao chữ nhận (nhận) nằm trong chữ Tâm gọi là nhẫn. Tức là người tạo chữ muốn nói. Trong cuộc sống hằng ngày tâm mình thường hay tiếp xúc nhiều thứ nguy hại như tham, sân, si, ngã mạn, ganh ty…Chúng ta luôn thức tỉnh những thứ làm nguy hại đến tâm tu hành. Do vậy chúng ta nhẫn nhịn. Sau này người viết chữ thường hay viết chữ Nhẫn như sau: tâm + đao + bộ chủthành chữ Nhẫn đao nghĩa con dao, là chỉ cho sự nguy hiểm. Nó được ví như tâm sân phiền não có tính chất nguy hiểm đến tâm tu hành. Nó tìm ẩn bên trong cái Tâm. Người tu chữ Nhẫn cần có (chủ) tức là làm chủ cái nguy hiểm, làm chủ cơn sân giận. Khi viết chữ Nhẫn bộ chủnày nằm trên bộ đao . Ý nghĩa này rất hay muốn Nhẫn thì chú ta phải làm chủ cái nguy hiểm (bộ chủ nằm trên bộ đao) Muốn có được bộ chủ này đòi hỏi chúng ta phải tu tập. Thấy được bản chất của cơn sân giận là nguy hiểm luôn tiềm ẩn bên trong tâm (căn bản phiền não). Nó làm cho tâm con người nổi sân một cách điên rồ. Nên khi gặp hoàn cảnh chướng ngại chúng ta biết “Nhẫn” một chút. Nếu không một khi tâm sân nổi lên thì tình cảm gia đình sứt mẻ, tình bạn bè xa nhau. Chúng ta luôn thấy rằng tâm sân chính là kẻ thù độc hại lớn nhất của tâm. Một khi tâm sân nổi lên đốt hết cả rừng công đức, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ có thể đốt cháy cả khu rừng, “nhất niệm sân tâm khởi, bát vạn chướng môn khai”. Vậy làm cách nào để thắng được tâm sân, và thực hành “Tâm nhẫn”. Chúng ta chỉ cần đi tìm (chủ) để bỏ con đao trong tâm 

****

1-  Trước hết phải nói rằng:  “Chữ Nhẫn được hình thành từ  (tâm) + (nhận) = ” như ý kiến của thầy Trí Giải là không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Bu đã tìm trong 5 quyển từ điển Hán Việt và quyển “Tìm về cội nguồn chữ Hán” (của Lý Lạc Nghị (Tàu) và Jim Waters (Mỹ))  thấy như sau:

- Các từ điển của Trần Văn Chánh (tr.742), Nguyễn Tôn Nhan (tr. 139), Thiều Chữu (tr. 50),  chữ đọc là nhận.

- Các từ điển của Trần thị Thanh Liêm (tr.436), của Đào Duy Anh (tr.67) chữ đọc là nhẫn

- Sách Tìm về cội nguồn chữ Hán (tr. 481), chữ vừa đọc nhận vừa đọc nhẫn. Cụ thể,  khi nói về chữ nhẫn (忍) có nghĩa là nhẫn nại thì      đọc là nhẫn (người Hán có 10 chữ Nhẫn, mà chỉ là 2 trong 10 chữ đó)

- Điều cẫn lưu ý là:  Chữ cho dù đọc nhẫn hoặc nhận, thì các từ điển trên đều giải nghĩa là: Mũi nhọn cứng. lưỡi đao cứng, gọi chung các loại binh khí. Giết.

2- Thầy Trí Giải Viết “Sau này người viết chữ thường hay viết chữ Nhẫn như sau:  tâm + đao + bộ chủ thành chữ  Nhẫn…Người tu chữ Nhẫn cần có (chủ) tức là làm chủ cái nguy hiểm, làm chủ cơn sân giận. Khi viết chữ Nhẫn bộ chủ (丶)  này nằm trên bộ đao

    Viết như vậy là thầy Trí Giải nhầm lẫn bộ trong chữ Hán với bản thân chữ Hán.  Nên nhớ rằng người Hán có vào khoảng 7000 chữ thường dùng, trong khi chỉ có 214 bộ.  Bộ chữ Hán xếp theo thứ tự từ 1 nét đến 17 nét. Mỗi chữ Hán chỉ thuộc về 1 trong 214 bộ, và chỉ thuộc về 1 bộ mà thôi.  Đừng nghĩ rằng để viết được 7000 chữ Hán  thì phải có 7000 bộ, mà chỉ cần  214 bộ là đủ. Vì chẳng hạn bộ thủy () có trong 326 chữ, bộ hỏa () có trong 126 chữ, bộ nhất () có trong 22 chữ…Thực ra, 214 bộ cũng là 214 chữ, chỉ khi  nào những chữ đó đứng kèm một chữ khác để chỉ một nghĩa nào đó thì nó được gọi là bộ, còn khi đứng một mình thì nó không còn gọi là bộ nữa. Ví dụ chữ thủy () là nước, nhưng khi đứng bên trái chữ công () thì chữ thủy đó được gọi là bộ thủy, nó cùng với chữ công () tạo thành chữ giang () tức là sông, trong đó bộ thủy chỉ nghĩa, chữ công chỉ âm đọc ( ba chấm bên trái chữ công là một cách viết chữ thủy).  Trở lại những chữ ta đang bàn thì chữ Nhận (hoặc Nhẫn ) gồm có chữ đao () và bộ chủ () chứ không phải là bộ đao (1). Riêng chữ Nhẫn 刃 (hoặc Nhận) thì đao () không đóng vai trò bộ như thầy Trí Giải nói, mà nó là một chữ  thông thường.  Nên nhớ rằng chữ Nhẫn (忍) với nghĩa nhẫn nại, gồm có chữ nhẫn (hoặc nhận) và bộ tâm (). Muốn tra chữ Nhẫn như vừa nói, ta phải tra bộ tâm () chứ tra bộ đao () hoặc bộ chủ () thì có sống đến vô lượng kiếp sau cũng không thể tra được.

3- Thầy Trí Giải cho rằng “Người tu chữ Nhẫn cần có chủ () tức làm chủ cái nguy hiểm, làm chủ cơn sân giận”. Vậy là thầy đã gán ghép ý nghĩa tu hành vào trong cấu tạo chữ Hán. Bộ chủ () trong chữ Nhẫn 刃 (hoặc nhận) hoàn toàn không có ý nghĩa chủ trong chủ yếu, chủ đạo, chủ đích, chủ thuyết như thầy nghĩ…Mời thầy nghe ông Thiều Chữu giải thích bộ chủ (): “ Phàm vật gì cần có phân biệt,  sự gì cần biết nên chăng, lòng đã có định, thì đánh dấu chữ chủ để nhớ lấy”. Đánh dấu để nhớ thì không ăn nhập gì với làm chủ cơn sân giận cả.

        Để làm rõ hơn cấu tạo chứ Nhẫn (hoặc Nhận) bu giới thiệu trang 481 sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán”.  Chữ Nhẫn được minh họa bằng một lưỡi dao cong, trong đó phần sắc của dao được đánh dấu bằng hình tròn có nhiều vạch song song. Chính cái hình tròn ấy dần dà biến hóa thành bộ chủ tạo  nên chữ nhẫn (hoặc nhận). Đây là chữ điển hình cho loại chữ “chỉ sự” như thuyết minh đã mô tả.

 

 Mời click đúp vào hình để thấy rõ hơn

 

 4- Do việc chữ Nhẫn gồm bộ tâm với chữ nhẫn (hoặc nhận) nên thầy Thích Trí Giải lại cho rằng người tạo ra chữ đã gửi gắm vào đó ý nghĩa giáo dục trong tu hành.  Thực ra bộ tâm ở đây thuần túy chỉ về con người nói chung chứ không hàm ý con người tu hành trong đạo Phật.  Từ điển Thiều Chữu kê ra 245 chữ có bộ tâm, chả nhẽ 245 chữ ấy cứ phải giáo dục con người về một chí hướng nào đó. Thầy sẽ phân tích được tính giáo dục gì trong chữ kị () có nghĩa ghen ghét, đố kị, sợ. Chữ này có bộ tâm () ở dưới và chữ kỷ () ở trên. Tâm chỉ về con người, kỷ chỉ 1 can trong 10 can (Giáp, ất ,bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý), và khi chỉ về mình trong tự kỷ ám thị. Kị là chữ “hài thanh”, tâm () chỉ nghĩa, kỷ () chỉ âm đọc. Ta cũng không tìm thấy tính giáo dục gì trong chữ xung () là lo lắng. Bộ tâm ()(2) bên trái chỉ con người, chữ trung ( ) bên phải  chỉ âm đọc, nó thuần túy là chữ “hài thanh”.  Chữ Nhẫn () ta đang nói đến cũng là chữ “hài thanh”. Bộ tâm ()  ở dưới chỉ nghĩa, chữ nhẫn () ở trên chỉ âm đọc. Trang 483 sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán” (dưới đây) khẳng định điều đó.

   

 Mời click đúp vào hình để thấy rõ hơn


Trong trường hợp cần thiết, thầyThích Trí Giải có thể nhân sự tình cờ của cấu tạo chữ Nhẫn (忍) để hoằng hóa Phật pháp, tuy nhiên không thể quy cho người tạo ra chữ nhẫn là cốt để truyền thụ giáo pháp cho chúng sinh.

 

  ******

 

(1):  Chữ đao () có lúc cũng trở thành bộ đao để tạo nên khoảng 80 chữ được liệt kê trong từ điển Thiều Chữu như các chữ:    phân: chia. thiết: cắt. Hoa: chèo thuyền. lợi: sắc, lợi lộc. Chuyển: Đẵn, chặt……

(2): 忄, 心 đều là chữ tâm, cũng có lúc nó trở thành bộ tâm

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

ĐỨC PHẬT BỊ QUẢ BÁO

 Phật Quang  đại từ điển do Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản 1999, Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch  


Quả báo nói ngắn gọn là hái được quả chín do mình gieo trồng. Gieo giống lành hái được quả thơm ngon, gieo quả độc hái được quả  nếm vào chết người. Thái tử Tất Đạt Đa sau 6 năm tu hành, rốt ráo là 49 ngày đêm định niệm dưới gốc cây bồ đề đã ngộ được tam minh. Túc mạng minh là nhớ lại hết tiền kiếp của mình. Thiên nhãn minh là thấy hết trời đất vũ trụ, lậu tận minh là con người trong veo như pha lê, không còn khổ, hết tái sinh luân hồi, nắm vững chân lí  Tứ diệu đế và Bát chánh đạo…  Sau cái đêm thứ 49 ấy ngài bảo “Ta là Phật đã thành các ngươi là Phật sẽ thành”. Hoàn hảo đến như vậy nhưng ngài vẫn gặp quả báo, tức hái được quả độc do ngài đã gieo trồng từ kiếp trước. Mục BÀ LA MÔN THÀNH (trang 234) của Phật Quang đại từ điển (PQĐTĐ) (1) viết như sau:

“ Đức Phật đã từng vào làng xóm Bà La Môn này khất thực mà không được, bèn mang bát không trở về. Đó là một trong chín cái phiền não mà đức Phật đã tạo nghiệp nhân trong các kiếp trước và đời nay phải chịu quả báo. Cứ theo luận Đại Trí Độ quyển 8 chép, thì sau khi đức Phật rời nước Xà Bà Đề, ngài A nan theo Phật du hành các nước, đến thành Bà La Môn, nhà vua biết thần đức của Phật hay cảm hóa mọi người, sợ sau đó không ai tin phục  nhà vua nữa, ông ta bèn ra lệnh cho dân chúng trong thành, không được cho cơm đức Phật ăn, không được nghe theo lời đức Phật nói, đến nỗi Phật phải mang bát không mà trở về (xt, Cửu Nảo)

Mấy chữ mầu đỏ “xt Cửu Não” là xem thêm mục Cửu Não (chín điều phiền muộn) ở trang 1173 PQĐTĐ. Mục Cữu Não nói như sau:

“ Cũng gọi là Phật cửu não, Cửu ách, Cửu hoạnh, Cửu nạn, Cửu tội báo. Là chín tai nạn mà đức Phật sau khi thành đạo đã phải chịu vì nghiệp chướng ở đời quá khứ còn rớt lại (hoa báo). Đó là:
1- Trong đời trước, đức Phật là con một người  Bà La Môn tên là Hỏa Man chơi thân với con người thợ gốm tên là Hộ Hỉ. Hộ Hỉ nhiều lần rủ Hỏa Man đến bái kiến đức Phật Ca Diếp, nhưng Hỏa Man ba lần từ chối nói: “ Gặp ông trọc đầu làm gì” do nhân này mà Phật phải chịu quả báo sáu năm khổ hạnh.   
2- Đời trước Phật là một lãng nhân ăn chơi, từng dụ dỗ một dâm nữ là Lộc Tướng đến khu vườn nơi mà vị Phật Bích Chi tu đạo hằng ngày để hành lạc, xong rồi giết nàng Lộc Tướng mà gieo vạ cho Phật Bích Chi, cho nên đời này Phật phải chịu quả báo bị vu oan đã giết nàng Tôn Đà Lợi.
3- Trong kiếp quá khứ, đức Phật là nhà buôn, vì tranh giành thuyền mà đánh nhau, Phật dùng giáo đâm thủng chân một lái buôn làm cho ông ta chết, do nhân duyên ấy mà nay khi Phật đi khất thực phải chịu quả báo bị cọc gỗ nhọn đâm thâu bàn chân.
4- Đời trước Phật là Bà La Môn, từng ghen ghét với đức Phật Tỉ Bà Diệp và các vị tì khưu được vua Bàn Đầu cúng dường mà thốt ra những lời thô bỉ xấu xa, rồi sai 500 đứa bé chửi mắng và bảo nên đem lúa mạch dành cho ngựa ăn mà cho Phật Tỉ Bà và các vị tì khưu. Do chuyện ấy mà Phật và 500 vị A La Hán khi ở ấp Tì Lan phải chịu quả báo ăn lúa mạc dành cho ngựa suốt 90 ngày.
5- Trong kiếp quá khứ, giòng họ Thích Ca bắt cá trong ao để giết ăn, lúc đó Phật là một cậu bé từng dùng gậy đập đầu cá, nên nay giòng họ Thich chịu quả báo bị vua Lưu Li giết hại và lúc đó đức Phật đau đầu.
6- Có lần Phật vào xóm Bà La Môn khất thực không ai cúng dường
(đã nói ở mục Bà La Môn thành - bulukhin chú thích)
7- Kiếp trước Phật là tì khưu vì ghen với tì khưu Vô Thắng  được một phụ nữ tên là Thiện Huyễn cúng dường nên vu khống Vô Thắng thông dâm với Thiện Huyễn. Do nhân duyên ấy nên nay, khi đang nói pháp, Phật chịu quả báo bị nàng Chiên Đồ độn bát trong bụng để vu oan đã có mang với Phật.
8- Trong đời quá khứ Phật là Tu Ma Đề, vì không muốn chia tài sản cho người em trai cùng cha khác mẹ nên đẩy người em trên sườn núi rơi xuống rồi ném đá giết chết, vì nhân duyên ấy nên nay Phật chịu quả báo bị Đề Bà Đạt Đa lăn đá từ trên núi xuống đè Phật, khiến Phật bị thương.
9- Lúc đức Phật ở trong rừng A La Bà Già bị giá rét suốt tám đêm ngày, phải đắp cả ba tấm áo để chống lạnh. { X. luận Đại trí độ Q.9; Đại minh tam tạng pháp số  Q.33}

Trong cuộc đời, nếu ta không may bị nạn, gặp rủi ro… theo nhà Phật đấy là ta chịu quả báo do chính ta gây ra từ kiếp trước. Ngay tại kiếp này, ta làm điều gì bất lương thì sẽ bị quả báo ở kiếp sau. Bố mẹ sinh ra ta, nhưng chính ta tự hoàn thiện hay hủy hoại mình vậy.    


***********
(1) Phật Quang  đại từ điển do Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản 1999, Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch  
Đọc tiếp ...

Photo Album 2012-07-12




Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

MÀU ĐỎ QUẢ DÂU




Đèo Đá Đẽo trên Quốc lộ 15 trong chiến tranh 

Đèo Đá Đẽo (trên đường HCM) ngày nay

Nơi đây trong chiến tranh là bến phà Xuân Sơn

(nay là bến thuyền đi động Phong Nha)

Máy bay Thần sấm của không lực Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam

Nữ Thanh niên xung phong (Ba sẵn sàng)

ảnh minh họa

Thư của Lê Kim Hải

"Rừng xanh vẫn đợi chờ", tiếng hát khe khẽ bên anh đó. Và "Nghe tiếng em ca" vẫn thánh thót trong lòng mê say của em.  Em vẫn ca, ca mãi Quàng Bình quê ta ơi trong chiều thứ 7.  Anh còn nghe thấy tiếng ca em không. Em vẫn ca để anh nghe đây...



Trên đường trở lại Phòng kỹ thuật công trường 15 bu lòng vui phơi phới, tự thưởng cho mình một cuộc vẫy vùng bơi lội trên dòng suối Hà Vi đẹp thâm u và huyền bí. Suối này gần một xóm nhà dân có đội Thanh niên xung phong 315 đóng quân. Nhìn lên đồi dâu rừng hấp dẫn quá, bu dấu vội chiếc xe đạp phượng hoàng vào lùm cây rồi  đi ngược lên đồi, thây kệ máy bay Mỹ ì ầm trên đầu.  Chao ôi là dâu, dâu bạt ngàn tít tắp. Cây dâu rừng không cao, chỉ lên đến ngực là cùng, quả to lắm bằng đầu ngón tay trỏ, mới nhú ra khoe màu xanh ngọc bích, dần dà chuyển sang đỏ tươi, chín mọng thâm trầm màu đỏ thẫm.  Sách Đại Nam nhất thống chí ghi “Rượu dâu: sản ở huyện Minh Chính, dùng quả dâu núi ủ thành rượu, vị ngọt, có lệ tiến”.  Lệ tiến là dâng lên vua, Minh Chính là huyện Bố Trạch Quảng Bình ngày nay, nơi có Quốc lộ 15 đi qua mà bu vừa lập chiến tích. Chỉ trong vòng mười lăm phút bu tuốt vào đầy chiếc mủ cối bọc vải xanh Tô Châu. Lại tìm một khoảnh đất có chỗ trũng để dọn tiệc ngộ nhỡ bom rơi đạn lạc mà lăn xuống. Không gì tuyệt bằng khi đang khát mà được chén dâu rừng. hihihi, ta là thảo dân, ta cũng là vua, không ai tiến thì ta tự tiến lấy. Cái vị dâu chua chua ngọt ngọt như có ma lực gọi mời, một mình làm một đại tiệc, chả mấy chốc mà bu xơi hết số dâu đựng trong chiếc mủ cối…

***

 Chiến tích mà bu nói đến chẳng qua là chó ngáp phải ruồi. Số là hồi đó Mỹ chuyển hướng oanh kích từ quốc lộ 12 quay sang băm nát Quốc Lộ 15 đoạn từ phà Xuân Sơn (nay là bến thuyền Phong Nha) vào trị trấn Cộn.  Không hiểu không lực Hoa Kỳ định dở chiêu gì đây. Bu được giao nhiệm vụ đi thống kê có bao nhiêu hố bom làm hỏng đường cần phải san lấp, khối lượng san lấp là bao nhiêu, có bao nhiêu quả bom nổ chậm, tất cả những gì đã thống kê phải gắn vào lý trình đường bộ. “cậu phải làm chính xác và khẩn trương trong vòng bốn ngày để tôi có số liệu  báo cáo lên ban chỉ huy công trường trong cuộc họp bàn công tác bố trí quân cán trên toàn tuyến 15 sắp tới”. Đấy là mệnh lệnh của đồng chí trưởng phòng kỹ thuật kiêm bí thư chi bộ. Năm mươi cây số chi chít hố bom và bom nổ chậm mà thống kê trong vòng bốn ngày thì chỉ có phép lạ mới làm được. Thực ra, đồng chí trưởng phòng đang thực thi nghị quyết của chi bộ nhận định về một số cán bộ kỹ thuật trẻ không mấy nhiệt tình phấn đấu đứng vào hàng ngũ của đảng. Riêng bu chi bộ phê thêm, “anh này sặc mùi tiểu tư sản, nghe đâu học hành giỏi giang nhưng chỉ là lý thuyết suông, mới ra khỏi giảng đường đại học non tháng, kiến thức chiến tranh là dê rô, bởi vậy cần phải theo dõi và thử thách nhiều”. Thế nhưng chỉ có ba ngày là bu làm xong công việc. "Phép lạ" của bu là đi đến địa phương nào cũng trình giấy giới thiệu (do phòng hành chính cấp) cho người có trách nhiệm của địa phương đó. Thấy cậu bé thư sinh mà là kỹ sư cầu đường thì họ thương và nể, các cô choai choai càng nể tợn. Hóa ra khi bom nổ hoặc bom chưa nổ thì dân quân tự vệ nơi đó đã theo dõi, ghi sơ đồ, và cắm biển báo hiệu hẳn hoi. Bu chỉ việc xin ghi lại và thẩm tra những nơi thấy cần thiết.

 ***

Đúng là tham của rừng rưng nước mắt, đại tiệc dâu vừa xong thì bu thấy trong đầu ong ong, cả đồi dâu như chếnh choáng, cây cối ngả nghiêng, núi đồi lảo đảo. Bu lấy cặp tài liệu gối lên đầu và nằm lăn ra đất, chẳng còn biết trời trăng gì nữa… Không! Bu đang đi cạnh bờ suối Hà Vi thâm u và huyền bí, hai bàn chân không bén đất, mà lướt thướt trên đọt cây dâu rừng. Và kìa, nước suối Hà Vi dâng cao, bu chạy ngược lên đồi nhưng nước cứ đuổi theo mãi, mà lạ, càng chạy nhanh càng không thấy mình dịch chuyển được bao xa. Hoảng quá bu trèo lên một cây cao, nhưng các cành cây đầy rắn rết, chúng nó cũng chạy nước để được sống. Bu đành nhảy tùm xuống nước muốn ra sao thì ra, may sao vớ được một khúc gỗ đang trôi về phía cầu Hà Vi. Bu rùng mình vì lạnh, miệng ú ớ và vùng dậy. Quái lạ, mặt mũi tóc tai bu ướt sủng những nước là nước.  trước mặt bu nhập nhòa bóng người con gái mặc đồng phục “Ba sẵn sàng” màu cỏ úa. Nàng ngồi đó, tóc dài chấm đất, tay cầm chiếc khăn bông cũng màu cỏ úa ướt đẫm nước. “A! người này vắt nước lên mặt mũi mình đây”, bu nghĩ thế, và chưa kịp nói lời cảm ơn thì cô gái đưa bu một nắm lá tươi, nói như ra lệnh, anh nhai và và nuốt ngay nắm lá này vào… Bu ngoan ngoãn làm theo, vài phút sau thấy những gì trong bụng cứ bò dần lên cổ họng, vừa chạy khỏi chỗ nằm được vài bước thì nôn thốc nôn tháo. Sợ quá, dâu rừng nhào ra đỏ như vệt máu loang, được cái thấy người như nhẹ hẳn ra. Và sau khi ngấu nghiến hết veo ba bánh lương khô cao cấp A72,  uống vài ngụm nước có hòa mấy viên tăng lực của cô gái trao cho, bu mới hoàn hồn trở lại.


***

Cô gái “Ba sẵn sàng” bảo đã nhiều người say dâu rừng rồi, bụng đang đói mà ăn quá nhiều dâu vào là say. Em đang giặt dưới suối thấy có người dấu xe đạp vào bụi rồi đi lên đồi dâu mãi không thấy xuống là biết có chuyện rồi. Chị Hải ngoài Móng Cái mà biết chuyện anh say tít mù thế  này chắc lo lắm đây. Bu ngờ ngợ, sao con người trên trời rơi xuống này lại biết chị Hải ngoài Móng Cái?  Anh ngạc nhiên lắm sao? Em còn biết cả chuyện chị ấy đã từng hát cho các chiến sĩ cao xạ pháo ngoài ấy nghe bài Quảng Bình quê ta ơi nữa kia, vừa hát vừa khóc nức nở, người ta hỏi tại sao thế, chi ấy bảo, người yêu em đang chiến đấu trong tuyển lửa Quảng Bình… Thì có gì mà lạ, do anh quay đi trở lại nhiều lần, chiếc cặp ba dây anh làm gối tung ra, gió làm giấy tờ trong cặp bay tung tóe, em đã nhặt lại, sắp xếp ngăn nắp hộ anh, trong đó có lá thư chị Hải… Bu bảo, tôi cảm ơn cô lắm lắm, nhưng riêng vụ đọc thư thì tôi phải kiện cô ra tòa. Cô gái hồn nhiên, anh kiện thì em đi hầu, và thế này, anh trả lời được một câu hỏi của em thì em chịu hầu kiện, còn nếu không thì thôi. Cô hỏi đi, tôi sẵn sàng trả lời. Vậy anh nói em nghe, tại sao quả dâu có màu đỏ. Ơ hay! Thiên nhiên tạo hóa sinh ra thế thì tôi biết làm sao được, vậy thì cô có giải thích được tại sao không?

***

Cô gái kể với nụ cười không tắt trên môi. Ngày xửa ngày xưa quả dâu chín vẫn xanh, nó chỉ đỏ khi một đôi trai gái vùng này yêu nhau mà không đến với nhau được. Chàng trai con nhà quyền quý, giàu có, chữ nghĩa đầy mình. Cô gái tuy xinh đẹp nhưng nhà nghèo. Bố mẹ chàng trai kiên quyết không chọn cô gái nhà nghèo kia về làm con dâu. Bị bố mẹ ngăn cấm, nhưng hai người vẫn lén lút hẹn hò gặp gỡ nhau bên suối Hà Vi dưới chân đồi dâu này. Một hôm cô gái ra ngồi đợi người yêu ở mô đá to đùng bên suối mà chúng ta nhìn thấy kia. Đợi mãi, đợi mãi, vẫn chưa thấy người yêu đến. Bổng nhiên một con hổ xuất hiện trước mặt, cô gái vùng chạy vào rừng dâu, hổ đuổi sát nút, cô gái cởi khăn ra ném vào mặt hổ. Con vật  theo bản năng, ngoạm lấy tấm khăn và giằng xé rách vụn. Cô gái chạy thoát thân…Bấy giờ cũng là lúc chàng trai đến chỗ hẹn người yêu, không thấy nàng đâu, chàng bổ đi tìm. Một lúc sau chàng phát hiện ra dấu chân hổ và nhặt được tấm khăn mà người yêu vẫn bịt mặt để dấu mọi người mỗi lần đến chỗ hẹn. Chàng bật khóc khi thấy tấm khăn đầm đìa máu đỏ, nghỉ là nàng đã bị hổ ăn thịt rồi. Thực ra đấy là máu con mồi còn dính vào miệng hổ mà nó vừa săn được trước đó chưa lâu. Chàng trai đau xót khôn cùng, trở lại chỗ hẹn và rút kiếm ra đâm vào ngực ... Cô gái thoát chết, trở lại chỗ hẹn thì ôi thôi chàng đã tắt thở. Nàng buồn rầu rút kiếm ra khỏi ngực chàng trai và cắm sâu vào trái tim mình để mong được gặp chàng ở một thế giới khác.  Máu hai người đã lần lượt phun ra ướt đẫm những quả dâu, biến chúng đang xanh  hóa thành đỏ. Thế rồi hết mùa này sang mùa khác, giống dâu có quả màu đỏ ấy lan tràn khắp cả vùng đồi mà anh và em nhìn thấy đó.

***

Câu chuyện làm bu bàng hoàng mặc dù không tin là có thật, và chưa biết phản ứng ra sao thì cô gái chỉ lên trời bảo, bây giờ nơi đây không còn hổ nữa mà trên trời kia, lũ con ma và thần sấm Hoa Kỳ đang gieo rắc cái chết. Anh xem, ba chiếc thần sấm đang kiến lập vòng tròn sát thủ, chúng ta ngồi ở tâm cái vòng tròn ấy đấy. Bu bảo, mục tiêu bọn này chắc chắn là cầu Hà Vi. Cô gái đế thêm, cầu Hà vi và những con người giữ cho chiếc cầu ấy thông xe ngày đêm…Bỗng cô gái nói to,  kìa một chiếc đang lấy độ cao, bu đảo mắt nhìn theo ngón tay cô gái chỉ, đột nhiên cô thét lên, nằm xu… uống …xuống, rồi xô mạnh bu vào chỗ đất trũng và nằm đè lên. Chao ôi, ta là nam nhi thân dài vai rộng, ai lại để một cô gái chân yếu tay mềm che chở thế này. Bu nổ lực vùng vẫy, cô gái dùng hết sức ấn đầu bu xuống, nói trong hơi thở, anh Toàn, anh rất cần cho cuộc chiến này, anh không được chết, hiểu chưa nào…Bổng cả đồi dâu rùng rùng như động đất, tiếng gầm rú xé nát bầu trời, hai tiếng nổ liên tiếp xé tai. Mấy giây sau, đất đá rơi xuống chỗ hai đứa nằm nghe lộp độp, bu nhoài người xem cô gái có bị đất đá gây thương tích gì không. Cô hét vào tai bu, mới một chiếc cắt bom, còn hai chiếc nữa …Em không làm sao đâu. Sáu lần đất rung chuyển, sáu lần bom nổ, đúng như cô gái dự đoán…Rồi ba chiếc con ma cũng bay về phía biển. Cô gái thảng thốt, thôi chết rồi, xóm nhà dân đang cháy, đơn vị 315 của em không biết có làm sao không. Em phải về đây, bu nắm tay cô giữ lại như một phản ứng vô thức, nàng nói hẹn gặp lại anh, rồi vụt chạy như một cơn lốc về phía lửa khói nghi ngút bên kia suối. Bu quay lại chỗ bị say dâu rừng lấy cặp tài liệu và nhặt được chiếc khăn bông xanh màu cỏ úa của cô gái dùng để đắp nước lên mặt bu. Ở một góc khăn có chữ Na thêu chỉ đỏ. Na,  hẳn là tên cô gái Ba sẵn sàng, nàng vụt hiện rồi vụt biến trước bu như một tia chớp. Na..Na… thế nào anh cũng phải gặp lại được em

***

Cuộc sống thời chiến rày đây mai đó. Sau chuyến đi công tác nhớ đời ấy, bu được tổ chức ty giao thông điều lên công trường 12. Chỗ ở mới của bu là bản Lằng khằng thuộc tỉnh Khăm Muộn nước Lào. Nhiều năm sau, gặp ai ở công trường 15 cũ bu đều hỏi thăm về đơn vị 315 với người con gái có tên là Na. Mỗi người nói một cách. Người này bảo đơn vị 315 có cô giáo dạy bổ túc văn hóa tên là Nga đã hy sinh trong trận Mỹ thả bom bi. Người khác kể, đơn vị 315 có một cô giáo dạy văn hóa, không rõ tên gì, trước giải phóng lấy một anh cán bộ kỹ thuật trung cấp quê Thanh Hóa, cô ấy phải rời đơn vị về quê chồng vì đang nuôi con nhỏ.  Với bu, một khi quả dâu rừng còn màu đỏ, nước suối Hà Vi còn mãi miết về xuôi, thì Na vẫn sống hoài trong kí ức một thời đạn bom vậy.

Đọc tiếp ...