Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

SỰ TÍCH TÊN LÀNG PHÚC LÂM VÀ ĐỈNH LÈN TIÊN GIỚI


        Hai ảnh trên: Cầu Chợ Gát bắc qua sông Gianh gần lèn Tiên Giới

    Lèn Phúc Lâm có đỉnh Tiên Giới (Vẫn gọi là lèn Tiên Giới) . Nhà              bu ở trọ trước đây trong lũy tre phía phải


Hồi học cấp hai bu ở trọ nhà một người bà con ngay trên hữu ngạn Nguồn Nậy (Sông Gianh) đối diện với lèn Phước Sơn. Mùa lũ nước sông dâng cao, chảy xiết, trong các hang lèn bị ngập nước phát ra tiếng bùng bùng, bùng bùng… nghe huyền bí và hãi hùng. Dân Chợ Gát nói là trống nhà trời hội quân, báo lụt, và kể một câu chuyện tình tươi tắn nụ cười cùng đầm đìa nước mắt.  Mỗi người kể một cách, bu biên tập lại…

Ngày xưa, vùng đất rộng nằm ở phía nam lèn Phúc Sơn là rừng đại ngàn đầy hổ báo, có tiếng linh thiêng, dân quanh vùng không một ai dám lai vãng. Cũng thời đó, ở vùng Phúc Lâm hạ có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, sức vóc hùng dũng, thông thuộc kinh sách thành hiền. Bố mẹ mất sớm, chàng ở một mình, sớm hôm cày sâu cuốc bẫm nuôi thân và giúp  đỡ bà con làng xóm. Một hôm, chàng cần có vài cây gỗ tốt để dựng lại nhà, và đánh liều vác rìu vào khu rừng thiêng nọ. Chàng đi mãi, đi mãi, bổng gặp một hồ nước trong veo, lấp lánh đàn cá ngũ sắc bơi lội. Chung quanh hồ mọc đầy hoa thơm, cỏ lạ, líu lo tiếng chim rừng đua hót. Chợt có tiếng nói tiếng cười phía cuối hồ vọng lại, chàng nhìn kỹ thì thấy chín cô gái tóc xanh như da trời, da trắng như tuyết đang nô đùa bơi lội. Hàng cây trên bờ treo đầy xiêm áo, toàn một màu trắng lấp lánh ánh ngọc. Ở một nơi khác xếp những cặp cánh trắng muốt giống cánh chim hạc.  Chàng kín đáo nấp sau một thân cây, ngắm nhìn chín trang giai nhân tuyệt thế. Biết là mình đang làm một việc vụng trộm, nhưng những tấm thân ngọc ngà kia cứ khơi dậy trong chàng một nỗi khát khao mãnh liệt. Không cưỡng lại được ý muốn giữ lại một người đẹp, chàng bí mật đi vòng sang bên kia hồ, chọn lấy một đôi cánh đem giấu thật kỹ vào hang đá. Sau khi đã hoàn thành việc đốn gỗ về dựng nhà chàng quay lại thấý mặt hồ vắng ngắt, chỉ có tiếng gió rung cây và tiếng gầm gào của thú dữ. Chàng buồn bã đi quanh hồ đưa mắt tìm kiếm. Chợt thấy một cô gái ngồi khóc trên một tảng đá dưới vòm cây. Biết có người đang tiến lại gần, cô gái nép mình vào chỗ khuất và cất tiếng hỏi:
- Nhà ngươi là ai, không được đến gần ta
Chàng trai ôn tồn:
- Nàng đừng sợ. Ta sẽ không làm gì có hại cho nàng. Là chủ nhân của xứ sở này ta hỏi nàng là ai, tại sao lại ngồi buồn khóc ở đây?
Nghe chàng trai nói năng đĩnh đạc, tỏ ra là bậc thức giả, cô gái bình tỉnh lại, giọng nghẹn ngào mà êm ái.
- Ta là tiên nữ sống trên thiên đình. Sau giờ chầu Ngọc Hoàng, chín chi em ta vẫn bay lượn vui chơi đây đó. Qua vùng này thấy cảnh sắc thơ mộng, lại có hồ nước mát bèn ghé xuống nô đùa bơi lội. Không may ta bị ai lấy mất đôi cánh không thể bay về trời được.
- Các chị em  nàng là tiên nữ, mà không giúp được gì cho em, để nàng phải ở lại cõi trần này sao.
- Sau khi tìm mãi không thấy đôi cánh, chị cả ta nhẫm tính và nói “tiểu hạn em phải qua sáu tháng, sau thời gian đó chị em mình mới được đoàn tụ”
- Sáu tháng trên thiên đình là sáu năm dưới hạ giới, chả nhẽ nàng định ngồi đây uống nước hồ và sống giữa hổ báo rắn rết sao. Chi bằng nàng về ở tạm nhà ta. Cuộc sống trần gian còn nhiều khổ ải, song niềm vui của nó thì trên cõi tiên của nàng không thể có được.
Khuôn mặt ngàng đã lộ vẻ tươi vui, nhưng vẫn nói
- Em là tiên nữ, chàng là người phàm trần, làm sao sống trong cùng nói vậy là do quá tự phụ về nguồn gốc xuất thân của mình đó một ngôi nhà được.
- Nàng thôi, chứ tiên nữ hay người phàm trần thì cũng đều do tạo hóa sinh ra. Với lại cảnh đẹp hạ giới còn làm chị em nàng say đắm được, vậy con người hạ giới há chẳng đem đến cho nàng chút ít  niềm vui và hạnh phúc sao.
     Nàng tiên hết lý lẽ từ chối, cắn môi im lặng, rồi rụt rè cùng chàng trai đi về ngôi nhà đơn sơ mà chàng vẫn ở. Chàng băn hoăn không biết gọi tên nàng là gì  để cuộc sống hai người hòa nhập được với làng xóm. Đọc được ý nghĩ đó của chàng, nàng nhoẻn cười: “Duyên kỳ ngộ giữa em và chàng bắt đầu từ cánh rừng kia, chàng lại đã hứa đem đến cho em những ngày hạnh phúc. Vậy chàng hãy giới thiệu với bà con dân làng em tên là Phúc Lâm – Cánh rừng hạnh phúc.”
  ***    
 Từ đó người đẹp Phúc Lâm bắt đầu một cuộc đời thôn nữ. Nàng tập cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Phúc Lâm rất mực yêu chồng và được họ hàng thôn xóm thương yêu quý mến. Cuộc sống hai người êm đềm trôi qua với đứa con trai gần ba tuổi, Cậu bé đỉnh ngộ như cha và có cốt cách tiên nhân của mẹ. Đôi uyên ương những tưởng hương đượm lửa nồng mãi mãi. Nào ngờ một ngày kia nhà vua có lệnh triệu chàng vào quân ngũ để chống ngoại xâm nơi biên thùy. Nàng Phúc Lâm dùng dằng không muốn xa chồng. Chàng cũng quyến luyến không nỡ rời vợ con, nhưng vẫn nói: “em ở nhà cố gắng làm lụng nuôi con, nghĩa vụ làm trai không thể ngồi yên nhìn quân thù xâm lăng bờ cõi, đất nước yên bình anh sẽ về”
        Những ngày chàng ra trận mạc, nàng Phúc Lâm chung thủy chờ chồng nuôi con. Một hôm vào rừng hái củi, nàng ghé thăm lại hồ nước và bồi hồi nhớ lại kỷ niệm ngọt ngào thuở xưa. Bổng nhiên trời đất tối sầm, sấm chớp, gió mưa vần vũ. Nàng sợ hãi chạy nấp vào một hang đá. Không ngờ tại đây Phúc Lâm nhìn thấy đôi cánh của mình bị ai dấu kín trong một ngách đá mấy năm về trước. Trở về  ngồi bên con lòng dạ Phúc Lâm rối như tơ vò, tính ra tiểu hạn nàng phải chịu trong sáu năm đã hết. Không trở về trời là trái lệnh Ngọc Hoàng mà trở về thì xa chồng và bỏ lại con thơ nơi trần thế. Nàng tích trử lương thực , thực phẩm nhờ người bà con nuôi đứa bé, lại lấy một tấm lụa viết lại cho chồng “Em rất đau lòng phải về trời theo mệnh lệnh Ngọc Hoàng. Nếu chậm trể chắc ngài sẽ nỗi giận mà phá hủy hết thảy thế gian, lúc bấy giờ chàng và con trai chúng ta gặp phải đại họa. Nay chàng mất em, con mất mẹ, nhưng hai người vẫn bảo toàn được tính mạng, làng xóm quê hương vẫn còn. Em xin chịu tôi với chàng, vĩnh biệt”
   ***
  Chồng Phúc Lâm trở về quê quán thấy cửa nhà tiêu điều, cậu con trai nhớ mẹ mặt mày vàng võ tiều tụy. Chàng giận Phúc Lâm và không cầm nỗi nước mắt trong cảnh gà trống nuôi con. Cho đến lúc đọc được những dòng chữ của Phúc Lâm chàng mới hiểu ra sự thể. Đứa bé ngày mỗi lớn lên và luôn đòi được gặp mẹ, chàng không cách nào dỗ dành cho nó nguôi ngoai được. Một buổi tối chàng dẫn con ra trước sân nhà, ngẩng nhìn bầu trời đầy sao, thầm khẩn cầu trời đất cho con thơ được nhìn thấy mẹ. Khi quay vào nhà chàng ngạc nhiên thấy một cụ già râu tóc bạc phơ nhìn cha con chàng cười hiền hậu. Cụ già bảo:
- Ta sẽ giúp nhà người gặp lại Phúc Lâm với một điều kiện.
Chàng trai quỳ xuống khẩn thiết.
- Điều kiện gì xin cụ nói ra, khó khăn đến bao nhiêu con cũng theo được.
- Khi gặp lại nàng, nhà người phải thú tội đã giấu đi đôi cánh tiên sáu năm về trước.
- Thưa cụ con sẽ làm như cụ dạy bảo.
- Bây giờ nhà ngươi trải tấm lụa có bút tích Phúc Lâm ngay giữa sân  rồi bế con trai ngồi lên trên, mắt nhìn lên ngôi sao sáng nhất đang nhấp nháy rõi nhìn xuống hạ giới.
Chàng trai làm xong mọi việc theo lời cụ già, tấm lụa bổng nhiên bốc cháy, một luồng khói bốc mạnh từ từ đưa cha con chàng đi vào khoảng không, làm chàng mê man không còn hay biết gì nữa.   
   ***
Khi tỉnh dậy, chàng bàng hoàng thấy mình nằm trong một cung điện cực kỳ tráng lệ, giữa một không gian ngát hương hoa và tiếng nhạc véo von. Nàng Phúc Lâm bế con trai ngồi cạnh nhìn chàng tươi cười mà đôi mắt ngấn lệ. Từ đó hai người sống giữa muôn vàn lầu son gác tía, suốt ngày chỉ việc vui chơi và dự yến tiệc. Nhưng sau đó ít lâu, chàng trai kém vui, lười ăn biếng nói, nàng Phúc Lâm hỏi thì chàng bảo:
- Ta không hề phiền muộn gì về lòng thủy chung như nất của em, không hề thấy thiếu thốn gì trong tình cảm vợ chồng mà em đã trao gởi cho ta kể từ ngày đầu gặp gỡ. Nhưng ở cõi tiên này con người không lo bệnh tật ốm đau nên không ai biết quý trọng sức khỏe,  không có cày sâu cuốc bẫm nên không ai biết đến niềm vui được mùa, không có chết chóc chia lìa nên không ai biết quý trọng người ruột thịt. Con người khi không còn nỗi lo và sự khổ đau để biết là mình đang hạnh phúc thì hạnh phúc ấy trở thành vô nghĩa. Vậy em còn thương yêu ta, thương yêu con, thì hãy cùng ta xin phép Ngọc Hoàng quay về hạ giới.

***

Phúc Lâm đã từng sáu năm làm người trần thế nên thấu hiểu những điều chồng nói. Nhưng gặp Ngọc Hoàng để trình tấu một việc xưa nay chưa từng xẩy ra không phải là dễ. Đang phân vân chưa biết phải làm cách nào thì vợ chồng Phúc Lâm có lệnh thiên đình đòi vào cửa khuyết. Những tưởng Ngọc Hoàng nỗi trận lôi đình, không ngờ Ngài nhân từ bảo:
- Ta cai quản cả nhân gian vũ trụ này nên ta biết hành vi và ý nguyện các con. Xét thấy tình yêu của hai con thực sự thủy chung son sắt, đáng được làm gương cho người trần thế.
      Nói rồi, ngài  truyền cho Hoàng Cân lực sĩ chuẩn bị phương tiện cho vợ chồng  Phúc Lâm trở về hạ giới. Đến cửa trời lực sĩ bào hai người bế con ngồi vào một con thuyền lớn, trên thuyền đặt một chiếc trống đại. Trước khi thòng dây thả thuyền xuống, lực sỉ dặn: Về đến mặt đất, các người phải đánh lên một hồi trống rõ to để ta cắt dây và báo lên thiên đình.
 *** 
Chiếc thuyền từ từ tiến về mặt đất, nhìn lên thiên đình chỉ còn là một vòm xanh lấp lánh, mặt đất đã hiện ra dần dần với con sông Nguồn Nậy (sông Gianh) quanh co uốn khúc, với dãy lèn đá chạy theo hướng đông nam, với hồ nước nơi hai người đã từng gặp gỡ. Trong khi vợ chồng Phúc Lâm mê mãi nhìn về cảnh cũ thì cậu con trai làm đổ thức ăn lên mặt trống, một con chim lạ bay qua thấy vậy liền mổ ăn làm trống phát lên thành tiếng. Lực sĩ chợt nghe liền cắt dây làm con thuyền lao vun vút và bốc cháy. Ông ta biết là mình nhầm, bèn hóa phép biến ba người thành ba đỉnh nhọn trên lèn Phước sơn khi chiếc thuyền vừa rơi xuống đó.
      Về sau dân vùng này gọi lèn Phước Sơn là lèn Tiên, chóp nhọn cao nhất là đỉnh Tiên Giới, các bậc thức giả  còn đặt tên chữ là lèn Ngọc Nữ Lâm Phong, gọi tắt là Ngọc Nữ Phong. Tên nàng tiên về làm dâu cõi trần được dân lấy đặt tên làng, gọi là làng Phúc Lâm (ngày nay thuộc xã Phong Hóa, Tuyên Hóa, Quàng Bình). Truyền thuyết còn kể rằng cùng với việc vợ chồng Phúc Lâm và đứa con hóa đá thì nước hồ dâng cao tạo thành dòng chảy xiết xuyên qua chân lèn Phước Sơn, tạo thành nhiều hang hốc thông ra tận Nguồn Nậy. Chiếc trống không bị cháy nằm kẹt lại trong hang. Ngày nay, cứ mùa lũ đến, nước sông dâng cao, tiếng trống lại phát lên tiếng bùng, bùng, bùng…. nghe thâm u huyền bí. Dân quanh vùng bảo vợ chồng Phúc Lâm đang nhắc nhỡ mọi người canh chừng lũ lụt, và cảnh tỉnh các quan chức nhà trời trên thiên đình đừng chểnh mảng với công vụ mà gây đại họa cho hạ giới.
  ***
 Mới đây bu tui có dịp thăm lại nơi mình trọ học thuở còn đầu trần chân đất và ghi lại được bài thơ của một vị qua huyện đã từng đóng trụ sở ở vùng Phúc Lâm ngày xưa, xin chép lại:
 Tiên giới lèn này ở Phước Sơn
Lâm Phong Ngọc Nữ thấy dung nhan
Thanh cao trước hẳn chầu Tiên Khuyết
Trích giáng nay còn ở thế gian
Trời rạng ngàn năm trăng rọi tỏ
Sông bao ba phía nước hồi loan
Ở gần huyện lỵ, không xa cách
Hỏi có tình chi với huyện quan
    
Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

CU BẮP

Biển Khe Gà (Bình Thuận)
Bố con cu Bắp ở Mũi Khe Gà

Cu Bắp (cháu ngoại dơ chân)
Cu Rơm (Cháu đích tôn mặc áo vàng)

Thằng cháu ngoại bu tên là cu Bắp kém ba tháng đầy bốn tuổi. Thằng này có nhiều tính cách lạ, nhưng mệt mỏi cho cả nhà nhất là lười ăn. Hồi nhỏ bà nội ngoài quê vào nuôi. Thức ăn gì bà cũng cho vào máy xay nhuyễn, trước lúc đút cho cháu, bà mở đĩa Tom and Jerry mà bà gọi là trò mèo chuột. Nó chỉ việc dán mắt vào ti vi và nuốt thức ăn, cứ như thế mấy năm liền nên cu Bắp không biết nhai. Nay bà nội về rồi, bà ngoại vào tiếp thu việc nuôi cháu, thêm cô ôsin trợ lực. Ông ngoại cấm tiệt lối cho ăn phản khoa học ấy. Nguyên tắc của ông là phải ăn xong mới được xem mèo chuột. Cu Bắp phản ứng kịch liệt, kiên quyết không ăn, hoặc có ăn thì khi cơm vào miệng là nuốt đại cho xong, mỗi lần như vậy lại ho, sặc, ói. Ôsin là người hăng hái ép cháu ăn vì cô được mẹ cu Bắp khoán, trong một tháng cu Bắp không đến lớp, nếu ôsin vổ béo nó tăng trọng thêm một cân sẽ được thưởng một triệu đồng. Ôsin liền dùng chính sách ngoại viện, khi nào thằng bé dở quẻ thì chụp ngay di động giả bộ bấm nhoay nhoáy rồi gào to, alô…alô… ông Râu đấy à…nhờ ông cầm cây đến riềng cho cu Bắp một trận, nó không chịu ăn đây này…Vâng… vâng …ông đến ngay cho.  Nghe vậy cu bắp hoảng hồn, nước mắt lưng tròng, miệng rối rít, thôi mà …thôi mà…và trệu trạo nhai nhai, nuốt nuốt, trông đến tội nghiệp.
 *****
 Cả nhà không ai biết tung tích ông Râu. Nghe đâu ông người Hải Phòng vào Vũng Tàu thăm con gái. Ông cùng ở tầng sáu, chếch phòng cu bắp khoảng vài thướcTây. Ông chuyên mặc quần lửng, ở trần, để lộ thân hình lực lưỡng, tóc ông dài phủ vai được buộc túm lại bằng sợi dây màu xanh đỏ. Râu mép, râu cằm ông tốt um, sợi đen sơi bạc, trông ông giống một hiệp khách giang hồ hảo hán, người lớn nhìn thấy còn sợ huống chi trẻ con. Từ khi ông Râu xuất hiện, Ôsin vui hẳn ra, nhồi nhét được cho cu Bắp theo thời khóa biểu. Mấy giờ sữa chua, mấy giờ váng sữa, mấy giờ sinh tố hoa quả, mấy giờ cháo dinh dưỡng hiệu Đức Tâm…lâu lâu ôsin bế cu Bắp đặt lên cân để xem khả năng tăng trọng có tiến triển gì không.
  *****
   Nhưng niềm vui của ôsin không được lâu. Số là một hôm, cu Bắp đưa bóng ra hành lang chơi, cu cậu đá hăng quá, bóng bay xuống lầu năm bị bọn trẻ dưới đó tịch thu làm chiến lợi phẩm. Bắp đang rầu rĩ thì thấy ông Râu từ dưới đi lên, tay ông cầm quả bóng màu đỏ của Bắp. Thoáng thấy ông Râu, Bắp ôm chân ông ngoại, người co rúm lại, nhưng ông Râu tươi cười đưa bóng cho Bắp, bóng của cháu đây này, lần sau đừng làm rơi nữa nhé. Bắp lí nhí, cháu cảm ơn ông Râu ạ. Sau một thoáng ngạc nhiên ông Râu phá lên cười như lệnh vở. Ôi, cháu tôi ngoan quá, biết nhận xét đặc tính của ông rất dí dỏm. Hihihi… Từ đó ông Râu hết thiêng với cu Bắp. Mỗi lần ôsin nhoay nhoáy bấm di động alô.. alô… ông Râu… thì cu Bắp liền đưa quả bóng ra khoe, ông Râu lấy bóng cho con đây này.
 *****
  Một sự cố không vui cho ba mẹ cu Bắp nhưng lại may mắn cho ôsin. Đấy là hôm ba cu Bắp làm tài xế chở cả nhà lên sài Gòn dự lễ sinh nhật cu Rơm (anh con bác ruột cu Bắp) tròn bốn tuổi. Xe cách ngả tư hàng Xanh chừng ba cây số thấy xuất hiện một viên cảnh sát giao thông  đứng chắn xe, miệng tuýt còi, tay phải vung dùi cui lệnh cho xe dừng lại bên đường. Ba cu Bắp nhét ví tiền vào túi quần, thong thả bước ra đường. Viên cảnh sát không lấy còi ra khỏi miệng, dùng dùi cui ra hiệu ba cu Bắp đi với anh ta đến một chỗ khuất, cách xe vài chục mét. Ôsin được thể ôm cu Bắp vào lòng dọa, con thấy chưa nào, ba con bị công an bắt nhốt rồi đó, con mà lười ăn, ăn không chịu nhai là bị chú ấy bắt nhốt liền à. Bà ngoại Bắp bảo, cháu nói vậy làm nó căm ghét cảnh sát nhân dân, lực lượng chuyên chính vô sản của đảng và nhà nước là không nên. Ôsin chống chế, bà nói cứ nghe như đọc báo lề phải. Cháu thấy chú cảnh sát ấy phục vụ nhân dân nghèo khổ như con rất là hiệu quả. Bà thấy không, cháu mới cho cu Bắp ăn hết hai mảnh bò cười đấy, không có chú cảnh sát giao thông vung gậy giữa đường rồi dẫn ba đi thì làm sao mà nó chịu há miệng được cơ chứ. Từ đó về sau hình ảnh đồng chí cảnh sát giao thông thành khắc tinh của cu Bắp. Mỗi lần nó dở quẻ ăn không nhai ôsin lại cầm di động nhoay nhoáy… alô… alô…và sau một tháng mười hai ngày, nhờ  hình ảnh chú cảnh sát giao thông, cu Bắp tăng trọng già một cân…làm ôsin  cười toe toét. 
Đọc tiếp ...