Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

BAO NHIÊU THỨ RUỢU MUÔN VÀN KIỂU SAY












Chung quanh từ rượu

Rượu được con người dùng từ khá lâu, có thể cách nay chừng 6000 năm ở xứ Ai cập.  Năm 2879 trước Tây lịch ở ta và các triều Phục Hy, Thần Nông ở bên Tàu đã dùng rượu rất phổ biến. Người ta mê rượu như mê đàn bà và viết về rượu như viết về những  chuyện không có hồi kết. Hình ảnh cái nậm rượu được thể hiện trang trọng trong các công trình kiến trúc cổ như đình, chùa,  đền, miếu, am, tháp. Ở Hoàng Mai trên đất Kẻ Mơ (Hà Nội)  có nghề nấu rượu lâu đời còn lưu lại điệu múa cổ tuyệt vời, trong đó các cô gái vừa nâng bầu rượu vừa múa hát “Em là con gái Kẻ Mơ.  Em đi bán rượu tình cờ gặp anh. Rượu em chẳng để be sành. Em cất trong bọc để dành giai nhân”. Người phương Tây gọi rượu là nước của cuộc sống, nước bốc lửa. Các cụ ta bảo rượu là tiêu sầu thủy. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (in ở SG năm 1895-1896) định nghĩa “Rượu là thứ nước làm bằng trái cây hoặc chưng đặt bằng nếp, gạo, có mùi cay nồng”. Một trăm năm sau, từ điển tiếng Việt (in ở Hà Nội) định nghĩa chặt chẽ hơn, “Rượu là chất lỏng vị cay nồng, thường cất từ chất bột hoặc trái cây đã ủ men” . Tùy mục đích dùng rượu mà rượu có các tên: Rượu cúng, rượu tiển, rượu ngự, rượu kết nghĩa, rượu ly biệt, rượu cưới, rượu thù, rượu nhân tình thế thái, rượu độc (như rượu ngâm với gan công bắt người có tội phải uống để chết như Dương Quý Phi bên Tàu)
Chung quanh từ say
Có đến bốn quyển từ điển in từ 1937 trở về trước ghi say là “Bị rượu làm mê man”. Từ điển tiếng Việt  (Hà Nội  1992) định nghĩa say là lúc “con người ở trạng thái ngây ngất, choáng váng, nôn nao do tác dụng của rượu, thuốc hay những yếu tố có tác dụng kích thích nào đó”. Khi tửu lượng vượt quá khả năng của tửu đồ thì say. Có muôn vàn kiểu say, tạm kê ra một số: Phê phê, xỉn, say ngà ngà, say chếnh choáng, say chúi, say bò, say bét, say mèm, say nhè, say mê mệt, say vật vờ, say dứ, say khật khưởng, say li bì, say tít, say nhừ tử…

Lưu Linh là ai?
Nếu uống rượu được coi như một thứ Tửu đạo thì Việt Nam, Trung quốc và các nước đồng văn khác từ lâu đã tôn Lưu Linh làm giáo chủ, hoặc đức chúa của mình. Lưu Linh tên chữ là Bá Luân (210-270) sống vào cuối đời Ngụy của Tào Tháo, Tào Phi và đầu đời Tấn của Tư Mã Ý, Tư Mã Viêm. Vào thời này xã hội Trung Hoa đầy rẫy bất công , nhiễu nhương, và loạn lạc. Tư tưởng thoát đời, thoát tục của Lão Trang được ưa chuộng. Huyền học - một loại  học thuyết siêu hình phát triển. Bảy vị nho sĩ gồm các ông Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương  Nhung Nguyễn Hàm và Lưu Linh họp lại lập nên nhóm “Trúc Lâm thất hiền” nỗi tiếng văn chương và ăn chơi bạt tử. Nói về thơ thì Kê Khang và Nguyễn Tịch đứng đầu bảng, nhưng về rượu thì Lưu Linh xếp sòng vào cỡ không tiền khoáng hậu.  Lưu Linh không hề màng tới chuyện đời mặc dù học rộng tài cao.  Ông thường ngồi trên xe hươu kéo với vò rượu và uống triền miên. Lại sai người vác cuốc xẻng chạy theo xe để “ tử tiện mai” tức chết đâu chôn đấy.  Lý Bạch có hai câu thơ nói về Lưu Linh
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm sĩ lưu kì danh
(Xưa nay thánh hiền (dễ) bị lãng quên
Duy có bợm rượu tiếng tăm lừng lẩy còn lưu lại)
Nhưng sau này Nguyễn Du cho cái chuyện biết say trần  thế  còn tiếc thân xác là đáng chê:
Cái bác Lưu Linh khéo dở thay
Huyênh hoang sẵn cuốc chết chôn ngay.
 Say tràn đã biết hòa muôn chuyện. 
Chết quách sao còn tiếc cái thây

Lại nói về rượu
Đầu năm gặp nhau không thể không nâng cốc chúc mừng năm mới. Nhưng nâng  cốc vô hồi kì trận như Lưu Linh  thì hãy coi chừng sức khỏe và tai nạn giao thông. Trên thế giới có 28% chết vì ung thư do tác hại của rượu. Khi say quá mức con người mất nhân tính và dễ phạm tội ác, hoặc làm tan cửa nát nhà. Học giả Bê - tơ răng - rút xen đã nói: Say là nhất thời tự sát, sự sung sướng mà nó đem lại là hư không, là sự gián đoạn trong giây phút những nỗi thống khổ”. Sản xuất quá nhiều rượu  cũng là cách làm tăng người  say và tốn phí khá nhiều thực phẩm. Vì số lượng thực phẩm nấu rượu hằng năm có thể nuôi sống được 25 triệu người thuộc thế giới thứ ba.


Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

LỜI CHÚC ĐẦU NĂM







Sáu giờ sáng ngày tết dương lịch năm 2013, chuông điện thoại reo. Alô xin lỗi ai gọi tôi đấy ạ, Túc đây, Trịnh Đình Túc Hà Nội đây. Năm mới gia đình tôi chúc ông bà sức khỏe, sống lâu để vui vầy với con cháu.  Có dịp ra Hà Nội đến Túc uống trà Thái kể chuyện đời xưa chơi ha ha ha… Bu tui cũng chúc bác Túc những lời thật gan ruột, bác ấy lại cười một tràng dài hahaha…hahaha…
      Buông máy điện thoại xuống, vợ chồng bu nhìn nhau không ai nói với ai nhưng mỗi người tự thấy mình có lỗi với bác ấy. Từ khoảng 1995…1996 gì đó cho đến nay, tính ra 16 – 17 năm liền, cứ đến tết dương và tết âm  bác ấy  gọi vào chúc mừng vợ chồng bu rất ân cần thân thiết.  Có năm hai bu quyết tâm gọi ra bác trước nhưng đụng sự thì quên số máy, khi gọi được lại nghe tiếng trẻ con trả lời: Dạ thưa bác, ông nội cháu đi thăm tết rồi ạ…Bà xã bu bảo, từ nay ba lưu số máy bác Túc vào di động, ghi vào laptop, và để cho chắc ăn ghi luôn vào sổ tay…

***

Năm 1989 tỉnh  Bình -Trị - Thiên tách thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.  Thủ phủ quảng Bình là thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ là một vùng đất trắng do bom đạn Mỹ san bằng.  Hệ thống cầu đường trên toàn tỉnh vẫn còn mang dấu vết thời chiến.  Công ty Khảo sát Thiết kế cầu đường nơi  bu làm việc kết nghĩa với Công ty Khảo sát Thiết kế đường sắt ở Hà nội do bác Trịnh Đình Túc làm phó giám đốc. Như vậy đôi bên cùng có lợi, Hà Nội có thêm việc làm,  Quảng Bình đẩy nhanh được tốc độ khảo sát thiết kế như kế hoạch trên giao. Bu tui và bác Túc quen biết nhau thuần túy từ công việc bên A và bên B chứ ngoài ra không có thêm một quan hệ riêng từ thân thiết nào khác.  Khoảng 1995 – 1996 báo chí đưa tin động trời: Một chàng trai Hà Nội do chơi số đề bị thua, bèn lấy xe  máy của chị ruột cắm vào tiệm cầm đồ để có tiền trả nợ, đến lúc chị hỏi, chú ta hoảng quá lập mưu dùng búa thép đập vở đầu một người đàn ông để lấy tiền.  Khi vợ chồng bu có việc ra Hà Nội thì biết được người gây tội đã bị xử bắn kia chính là con trai út bác Trịnh Đình Túc. Cháu bị hành hình lúc mới 20 tuổi.

***

Vợ chồng Bu đến thăm và chia buồn với gia đình bác Túc.  Bác vừa thắp nhang chuyển cho vợ chồng bu cắm lên bàn thờ người xấu số vừa sụt sùi, nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt già nua hốc hác.  Đến lúc tiễn vợ chồng bu về,  bác Túc nắm chặt tay bu nói: Gia đình tôi cảm ơn ông bà lắm, từ hôm cháu nằm xuống đến nay, hàng xóm láng giềng loáng thoáng đến thăm hỏi nhưng chưa ai lên gác nơi đặt bàn thờ và di ảnh cháu thắp một que nhang, ông bà là người duy nhất làm việc đó.
      Bu tui thực hiện đúng như lời bà xã dặn, ghi số điện thoại của bác Túc vào di động, vào laptop, vào cả sổ tay, tối 29 (lấy làm 30) tết năm  tỵ  này hai bu phải gọi ra chúc tết bác Túc trước, nhất định như thế.
  


Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

ĐI LÍNH SỢ TRÈO ẢI, Ở VÃI SỢ LĂNG NGHIÊM




Thiền viện Thường Chiếu


Hai bu với Hòa thượng Thích Thanh Từ


Hồi tháng 5 năm 2010 bu tui có dịp ghé thăm Thiền viện Thường Chiếu ở Đồng Nai và có duyên may diện kiến Hòa thượng Thích Thanh Từ - người trụ trì Thiền viện. Thời bấy 
giờ Hòa thượng đã vào tuổi 87, nhưng lòng dạ vẫn  chảy bỏng khát vọng Khôi phục Phật giáo đời Trần. Sau khi giả từ Thiền viện Thường Chiếu,  bu được Hòa thượng tặng một số sách. Dưới đây bu trích mục ĐƯỜNG LỐI TU CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY trong cuốn “Tại sao tôi chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần”. Mời các bạn tham khảo


*****

Là tu sĩ Phật giáo Việt Nam, nếu bị người hỏi: “Hiện nay thầy tu theo tông phái nào của Phật giáo ?”.Chắc chắn tu sĩ này sẽ ngẩn ngơ không biết đáp thế nào. Tại sao vậy?

A- LẤY “NHỊ THỜI KHÓA TỤNG” LÀM CÔNG PHU TU HÀNH.
  Chùa chiền Việt Nam hơn môt thế kỷ nay đều lấy hai thời  khóa tụng làm công phu tu tập. Trong hai thời, đầu hôm tụng kinh Di Đà, sau tụng chú Vãng sanh, tiếp niệm danh hiệu Phật A Di Đà, buổi khuya tụng chú Lăng Nghiêm, hoặc Đại Bi thập chú…Nếu hôm nào có đám cầu an cầu siêu thì tụng chú Đại Bi trước, tụng kinh sau. Công phu tu hành như vậy, biết thuộc tông phái nào. Thế mà đa số nói theo Tịnh Độ. Tụng kinh Di Đà và niệm danh hiệu Phật Di Đà thuộc về Tịnh Độ tông, tụng chú Đại Bi, chú Lăng Nghiêm thuộc mật tông. Nhận xét chín chắn thì hai thời khóa tụng Mật tông chiếm ưu thế.
     Hai thời khóa tụng xuất xứ từ đâu? Căn cứ lời tựa quyển Nhị Khóa Hiệp Giải thì xuất phát từ đời nhà Thanh ở Trung Quốc. Vua Thánh Tổ nhà Thanh hiệu Khang Hy (1662-1772) ra sắc lệnh mời Hòa thượng Ngọc Lâm Thông Tú (1614- 1675) cùng một số Hòa thượng hợp tác soạn “Nhị Thời Khóa Tụng”, buộc Tăng , Ni các chùa ở Trung Quốc trong thời này phải ựng dụng tu theo. Nhà Thanh thuộc dân tộc Mãn Châu ở miền bắc Trung Quốc, gần dãy núi Hy Ma Lạp Sơn chịu ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng chuyên tu Mật tông. Nhà vua buộc các Hòa thượng soạn “Nhị Thời Khóa Tụng” đặt nặng Mật tông hơn . Tuy Nhị Thời Khóa Tụng là chủ trương của Tịnh, Mật đồng hành, song nghiêng hẳn về Mật. Nhị Thời Khóa Tụng ra đời khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 là thời kỳ Phật giáo Trung Hoa đang xuống dốc.  không biết Nhị Thời Khóa Tụng du nhập vào Việt Nam lúc nào, chỉ biết từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20, hầu hết các chùa Việt Nam đều lấy hai thời này làm công khóa tu hành. Ai vào chùa tu đều bị bắt buộc phải thuộc hai thời khóa tụng gọi là hai thời công phu, nên có câu “Đi lính sợ trèo ải, ở sãi sợ Lăng Nghiêm”. Thậm chí đến nay (1997) những tu sĩ  Phật giáo đến Đàn giới xin thọ giới Sa di, ban giám khảo đàn giới vẫn khảo hạch xem thuộc chú Lăng Nghiêm không.
……..
Chúng tôi chủ trương khôi phục Thiền tông đời Trần, cốt yếu sử dụng tinh thần “khế cơ” của đạo Phật, hướng dẫn người Phật tử tu hành nhịp nhàng theo bước tiến của xã hội. Câu “Tức tâm tức Phật” trong Thiền tông là đem lại sức tự tin mãnh liệt cho người Phật tử. Có tự tin, chúng ta mới có sức mạnh vươn lên, có tự tin chúng ta khẳng định sự thành công trong công tác của mình. Đồng thời nhận rõ Giác ngộ và Niết bàn ngay nơi thế gian này. Ta nghe lục Tổ Huệ Năng nói:

Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác.
Ly thế mích Bồ Đề,
Kháp như cầu thố giác…

 (Kệ Vô Tướng - Kinh Pháp Bảo Đàn)

Phật pháp ngay trong tế gian này, không thể rời thế gian tìm giác ngộ. Nếu rời thế gian tìm giác ngộ, giống như tìm sừng con thỏ. Đức Phật giác ngộ tại cội Bồ đề trong thế gian này. Các bậc A La Hán giác ngộ nguyên nhân, kết quả sanh tử và giải thoát sanh tử cũng trong cõi thế gian này…Duyên giác ngộ “Lý nhân duyên sinh” cũng trong thế gian này …Tại sao chúng ta không ngay đâymà tu, lại cầu mong đến nơi nào cho xa xôi, Tổ tiên chúng ta đã ứng dụng tu hành.

B- VÔ TÌNH THẦY TU TRỞ THÀNH THẦY TỤNG.
 Người chân chính xuất gia tu hành, buổi đầu ai cũng  quyết tâm cầu giác ngộ giải thoát. Song ở chùa thời gian lâu sự quyết tâm ấy phai nhạt từ từ. Vì vào chùa phải học thuộc kinh để tụng. khi tụng phải rành chuông mõ, phải tập trung âm thanh cho hay, còn phải học tán học đẩu…Khi tụng kinh rành rồi phải đi cúng đám cho Phật tử, chùa ít Phật tử còn đỡ, chùa đông Phật tử thì cúng đám liên tục, còn thì giờ đâu nghĩ đến giác ngộ giải thoát. Cộng thêm Phật tử cúng kính tiền bạc vật dụng nhiều, phải lo gìn giữ tiêu phí, còn nhớ đâu bản hoài lúc sơ phát tâm. Thế là từ thầy tu phát tâm chân chánh, lâu dần biền thành thầy tụng thầy cúng, thật rất đau lòng! Phật dạy:
  “Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành thì chẳng hưởng được phần ích lợi của Sa môn, khác nào kẻ chăn bò thuê lo đếm bò cho người.
    Tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì, hiểu biết chân chánh, từ bỏ tham, sân, si tâm hiền lành thanh tịnh, giả thoát, xa bỏ thế tục, thì dù ở cõi này hay cõi khác, người kia vẫn hưởng ích lợi của Sa môn” (Kinh Pháp cú số 19,20) ,    

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

NỖI OAN KHỔNG TỬ !




Bulukhin trên đỉnh đồi Pháo đài cổ Vũng Tàu 


Luận Ngữ NXB Văn học năm 2002

Bạn TTM Gốc Mai sang nhà Lianlol bên multiply đọc được một câu như thế này:
    “Sáng nay đọc được một câu rất đáng để tâm.  Khổng tử nói:   Có năm loại người xấu hơn cả trộm cướp.
Loại thứ nhất:   Có học hành, hiểu biết nhưng xảo quyệt
Loại thứ  hai:    Cực đoan và ngoan cố
Loại thứ ba:      Không biết nói thật và giỏi biến báo
Loại thứ tư:       Chỉ biết nhìn mặt trái và xấu xa của sự kiện
Loại thứ năm:    Biết sai nhưng vẫn tìm cách che giấu và còn tự cho là mình đúng.”
TTM nói thêm: Blogger Lianlol ở Huế hình như là giáo sư Đại học về hưu.
      Rất mong anh bu cho biết có đúng là Khổng Tử nói như vậy không, và nói ở đâu, người nào dịch… 
  *
*  *
Câu hỏi này bạn TTM Gốc Mai nêu ra từ năm ngoái, mỗi lần đọc  đến bu tui thấy lạ.  Tuy đã  dạo qua Tứ thư Ngũ kinh của Nho giáo nhưng bu chưa từng thấy Khổng Tử nói ở đâu  một lèo dài với khẩu khí của cán bộ Tuyên giáo Trung ương  như vậy. Sau một thời gian mầy mò bu tui  biết được manh mối thế này:  Ngày 24.01.2012 Ông Thanh Quang phóng viên RFA -  đài Á Châu tự do - viết một bài dài điểm tên các blogges đã viết bài đón tết Nhâm Thìn như Hà Sỹ Phu, Nguyễn Bình Châu, Trịnh Khả Nguyên, Nguyễn Thông, Quảng Trung Thiên, Bùi Chí vinh, Đặng Ngọc Thăng, và Hiệu Minh . Trong đó Blogges Hiệu Minh có bài “Tội dáng chết 5 lần”. Bu trích một đoạn trong bài viết của Thanh Quang khi điểm đến blogges Hiệu Minh:

Qua bài “Tội đáng chết 5 lần”, blogger Hiệu Minh tâm sự nhâp dịp đầu Xuân rằng tác giả ở xa đất nước tới nửa vòng trái đất mà không tránh khỏi “thở dài cho quan trí nước nhà. Nó “rất VN và rất riêng”. Rồi tác giả chợt nhớ tới chuyện Khổng Tử dạy học trò thời xưa bên Tàu, như sau:
"Có một kẻ khá thông minh nhưng có tính ghen ghét, tìm cách hại ông. Lớp học của Khổng Tử đang đông học trò thì kẻ xấu kia đi rêu rao nên đệ tử bỏ đi hết. Hắn làm tới vài lần như vậy. Khi Khổng Tử được cử làm quan liền đã ra lệnh giết kẻ xấu kia. Người được cử đi hành sát đã quay về báo với Khổng Tử rằng, người kia là kẻ thông minh, sợ chúng ta có giết nhầm chăng? 
Nhưng Khổng Tử nói “Có năm loại người mà xấu hơn cả trộm và cướp. Loại người thứ nhất: có học hành, hiểu biết nhưng xảo quyệt. Loại thứ hai: cực đoan và ngoan cố. Loại thứ ba: không biết nói thật và giỏi biến báo. Loại thứ tư: chỉ biết nhìn mặt trái và xấu xa của sự kiện. Và loại thứ năm: biết sai nhưng vẫn tìm cách che giấu và còn tự cho là mình đúng.Nếu ai thuộc vào một trong năm loại người nói trên thì cần phải giết. Kẻ chơi xấu ta có tất cả những tính cách của năm loại người xấu xa trên. Tội y đáng giết năm lần chưa xong.”
Ngày nay, lan tràn toàn nước Việt Nam, đi đến đâu cũng nghe "thu hồi, giải tỏa", đẩy dân đen đến cảnh khốn cùng."
Nhưng blogger Hiệu Minh cho biết thời nay dân chủ, nên không ai có quyền như Khổng Tử. Việc kết tội người nào cũng  phải dựa trên luật pháp và bằng chứng. Và chẳng ai chết vì những tội như Khổng Tử vừa nêu. Nhưng, theo blogger Hiệu Minh, nếu những gì mà báo chí đưa tin là sự thật, và giả sử một số vị quan ở Tiên Lãng và Hải Phòng mà sống vào thời Khổng Tử, thì rất có thể họ bị Khổng Tử liệt vào năm loại người trên, xấu hơn cả trộm và cướp. Và những kẻ phạm tội đó đáng chết tới năm lần”(1)

Qua trích dẫn trên, có thể nói ngay rằng ông Hiệu Minh xem các vị quan ở Tiên Lãng và Hải phòng xấu hơn cả trộm cướp, đáng  tội chết đến 5 lần. Để tăng  hiệu lực cho sự khẳng định đó, Hiệu Minh gán cho Khổng Tử đã nói 5 câu như đã dẫn. Nhưng chỉ trả lời như vậy thì bạn TTM Gốc Mai và các bạn cho bu tui nói theo cảm tính, không có chứng lý, thiếu sức thuyết phục, do vậy phải dài dòng thêm chút xíu như sau: 
1- Để hiểu rõ con người Khổng Tử ta không thể không đọc Luận  Ngữ, đây là bộ sách quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp văn hóa, chính trị, giáo dục, của ông. Sau khi qua đời (479 TCN) các học trò của ông biên tập lại những điều đã ghi chép được trong thời kỳ nghe ông dạy học, hoặc nói chuyện với người đương thời cùng những lời vấn đáp nghị luận của những người học trò giỏi, thành một bộ sách nhan đề là Luận Ngữ. Sách gồm 10 quyển, 20 thiên 482 chương.
b) Khổng Tử sống trên đời 73 năm (551- 479 TCN)  chủ yếu làm nghề dạy học, đi lang thang du thuyết 13 năm tại các  nước thuộc nhà Chu nhưng không được ai thâu nhận.  Ông chỉ tham chính tại nước Lỗ 6 năm khi đã 50 tuổi (thời Lỗ Định Công) , chức quan cao nhất ở Lỗ là Đại Tư Khấu, như thượng thư bộ hình. Với kẻ có tội Khổng Tử không chủ trương giết. Điều này thể hiện trong câu trả lời của ông đối với  Quý Khang Tử (Đại phu nước Lỗ). (Nhan Uyên, Thiên XII, chương XIX)
-  Quý Khang Tử vấn chánh ư Khổng Tử viết: “Như sát vô đạo dĩ tựu hữu đạo, hà như.”
- Khổng Tử đối viết: “Tử vi chánh,  yên dụng sát? Tử dục thiện, nhi dân thiện hỷ. Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo; thảo thượng chi phong tất yển”

Dịch nghĩa

Qúy khang Tử hỏi đức Khổng Tử về việc chính rằng: “Nếu giết kẻ vô đạo để dân biết mà tiến tới có đạo, thì sẽ ra thế nào ?”
Đức Khổng Tử thưa rằng : “ Ông làm việc cai trị sao lại phải dùng sự chém giết? Nếu ông muốn làm điều thiện, dân sẽ theo làm điều thiện. Đức của bậc quân tử như gió, gió thổi trên cỏ, cỏ hẳn rạp xuống.”  
2- Khi viết Sử Ký, sử gia Tư Mã Thiên chép chuyện Khổng Tử  giết Thiếu Chính Mão, một đại phu làm loạn chính sự nước Lỗ. Vụ này rất nhiều học giả Tàu, ở ta có Nguyễn Hiến Lê cho là  không có vì ba lý do sau:
a) Khổng Tử chủ trương Trị nước không nên giết người (Luận ngữ  thiên XII chương XIX đã nói trên)
b) Thời đó giết một đại phu là một việc rất quan trọng. Khổng  Tử không phải là người hoàng tộc, đâu dám giết một đại phu khi trên đầu còn có Lỗ Định Công. Tử Sản tướng quốc Trịnh, được vua Trịnh tin dùng bao nhiêu năm mà còn không dám giết Công Tôn Hắc.
c) Một vụ quan trọng như vậy mà sao sử nước Lỗ không thấy chép. Luận ngữ cũng không nhắc tới. Có lẽ Tư Mã Thiên cũng ghi theo Khổng tử gia ngữ khi viết Khổng tử Thế gia, mà không xem thêm Luận ngữ và sử sách nước Lỗ.
    Bu tui đã tỉ mẩn dò tìm trong 10 quyển 20 thiên 482 chương của bộ Luận Ngữ (do Lê Phục Thiện dịch , Chu Hy tập chú, Nhà xuất bản Văn học ấn hành  năm 2002) tuyệt nhiện không thấy nói về 5 loại người như "giáo sư đại học về hưu" Lianlol dẫn theo Thanh Quang ở đài Á Châu tự do như đã dẫn trên. Bu khẳng định một lần nữa tác giả Hiệu Minh gán cho Khổng Tử nói những điều mà ông hoàn toàn không nói.

-------------------------------

(1) Đường dẫn đến bài viết của Thanh Quang phóng viên RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/blogger-trouble-during-tet-tq-01242012115213.html

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

A DI ĐÀ ÔNG LÀ AI ?


Phật A di đà
                                            



Khi nói tới Phật giáo ai cũng nghĩ đến Đức Phật Thích ca Mâu ni. Rất nhiều chúng sinh, kể cả Phật tử, khi vào chùa niện “nam mô A di đà Phật”, cứ tưởng rằng nam mô A di đà là lời xưng tán dâng lên đức Phật Thích ca. Thực ra, A di đà là tên vị Phật - giáo chủ môn phái Tịnh độ tông - thuộc trường phái Đại thừa ở Tây phương Cực lạc. Tất cả kinh sách của Tịnh độ tông không nói, hoặc nói rất ít về xuất xứ đức Phật A di đà,  nên tìm hiểu về ông cũng là cần thiết cho những ai quan tâm đến Phật giáo hiện nay. (Trong bài viết này bu tui tham khảo kinh Bi Hoa, kinh Diệu Pháp Liên hoa, bài viết của thầy Thích Hữu Thiện về Phật A di đà, Đường về Cực Lạc  của HT Thích Trí Tịnh, từ điển Phật học của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách)… 


A- XUẤT XỨ DANH HIỆU A DI ĐÀ

Theo kinh Bi Hoa (1) thì sinh thời, đức Phật Thích ca đã có một cuộc thuyết Pháp cho sáu mươi hai  ngàn vị La hán cùng bốn trăm bốn mươi vạn vị Bồ tát tại núi Linh Thứu (2).  Ngài cho hay,  trong Hằng hà sa số kiếp (3) trước có một đại kiếp tên là Thiện trì. Trong đại kiếp ấy có cõi Phật San đề lam và một vị vua tên là Vô Tránh Niệm làm chủ bốn cõi thiên hạ. Triều đình nhà vua có vị đại thần tên là Bảo Hải dòng dõi Phạm chí (4) sinh hạ được một con trai với ba mươi hai tướng tốt, lớn lên xuất gia theo nghiệp tu hành, trở thành Đức Phật Bảo Tạng Như lai. Ngày kia đức Phật Bảo Tạng đến khu rừng Diêm phù (5) cách thành An Chu La không xa, mở Phật hội thuyết Pháp.  Nghe tin đó vua Vô Tránh Niệm  lấy làm hoan hỷ, liền cùng với một ngàn người con và tám mươi tư ngàn vị tiểu vương rời thành An Chu La đến ngay khu rừng Diêm phù. Vua  lễ Phật, những vị còn lại ngoài lễ  Phật còn lễ các vị Thanh văn (6). Trong ba tháng ròng, hằng đêm vua Vô Tránh Niệm cung kính thắp lên vô lượng ức na do tha (7) ngọn đèn. Trên đầu ngài đội một ngọn đèn, hai vai đặt hai ngọn đèn, hai bàn tay cầm bốn ngọn đèn, trên hai đầu gối đặt hai ngọn đèn, trên hai bàn chân cũng đặt hai ngọn đèn. Nhờ oai lực của Phật Bảo Tạng mà ngài giữ yên các ngọn đèn như vậy suốt đêm không hề mỏi mệt và thân tâm vẫn sảng khoái.  Sau một thời gian chứng kiến các nghi nghi lễ trên, đại thần Bảo Hải thưa với vua Vô Tránh Niệm : Đại vương! Nay đại vương nên phát thệ nguyện nhận lấy cõi Phật vi diệu. Nhà vua  liền nghe theo và cung kính trước đức Phật BảoTạng: Bạch Thế tôn, nay con muốn được đạo Bồ đề…Vừa qua trong vòng bảy năm con đã ngồi yên tĩnh tư duy về số những cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm khác nhau…nay trước oai lực đức Bảo Tạng Như lai con xin phát nguyện (8):
1- Nguyện sau khi được thành Phật, con sẽ thực hiện một thế giới đủ sự vui đẹp.  Nhân dân trong cõi ấy không có những đường địa ngục, ngạ quỷ, và súc sinh. Hết thảy chúng sinh trong cõi ấy chẳng khi nào còn thối chuyển mà đọa vào trong ba đường dữ đó nữa. Người nào cũng đủ sáu phép thần thông và căn thân tốt đẹp  
2- Nguyện tất cả chúng sanh được về cõi ấy đều thành đàn ông tươi tốt, không còn thọ báo sắc thân đàn bà, và cũng chẳng cần có danh hiệu của người đàn bà nữa. Hết thảy chúng sanh khi được về đó, thần thức được đầu thai trong bông sen. Lúc bông sen nở ra thì căn thân tươi tốt, thọ mạng lâu dài.
3- Nguyện cõi ấy được trang nghiêm, cảnh vật thật xinh đẹp, không có mọi sự nhiễm trược, hằng có hoa tốt, hương thơm, mùi bay các hướng.
4- Nguyện cho chúng sanh cõi ấy ai nấy đều có ba mươi hai tướng tốt, sáu phép thần thông. Dẫu có vân du các cõi Phật trong mười phương để cúng dường và nghe Pháp, thì khi trở về cũng chưa trể bữa ăn.
5- Nguyện nhân dân trong cõi ấy đều được mọi sự thọ dụng tự nhiên, đúng giờ ăn thì có đủ các món ngon vật lạ hiện ra trước mắt, còn muốn bận đồ gì thì có ngay xiêm áo tốt đẹp hiện ra bên mình, không cần phải sắm sửa như trong cõi nhân gian vậy.  
6- Nguyện có được một cõi Phật như vậy, để từ rày về sau đời đời kiếp kiếp chúng sanh tu hạnh Bồ tát, tạo thành cõi Tịnh độ, đến thời kỳ chứng đạo thì ngồi dưới cây Bồ đề mà thành Chánh quả Chánh giác, phóng hào quang soi các thế giới cho các đức Phật đều xem thấy, đặng khen ngợi danh hiệu của con    
7- Nguyện sau khi thành Phật, những loài chúng sinh ở trong thế giới khác đã có tu tập thiện căn, hể nghe danh hiệu con mà muốn sinh về cõi con thì lúc lâm chung  đặng vãng sanh, chỉ trừ những
người phạm tội ngũ nghịch (9), tội chê bai các Pháp Đại thừa và phá hư Chánh Pháp mà thôi.
8- Nguyện sau khi thành Phật, mà có chúng  sanh ở các thế giới đã phát Bồ đề tâm, tu Bồ tát đạo, muốn sanh về cõi con, thì đến khi mạng chung, con và các đệ tử đều hiện thân đến trước mặt người ấy đặng tiếp dẫn.   
9- Nguyện khi con nhập diệt, trãi vô số kiếp về sau, những người nữ nhân ở trong các thế giới nghe danh hiệu con mà chăm lòng vui mến và phát bồ đề tâm, cho đến lúc thành Phật, cứ cảm báo được làm thân đàn ông hoài, chớ không khi nào còn muốn làm thân đàn bà nữa.
 Bạch đức Thế tôn ! Con nguyện đặng cõi Phật như vậy, chúng sanh như vậy, mọi sự thanh tịnh trang nghiêm như vậy, thì con mới chịu thành Phật.  
     Đức Bảo Tạng Như lai nghe vua Vô Tránh Niệm nguyện mấy lời ấy thì khen hay thay, hay thay. Đại vương phát nguyện sâu lớn, thực mong có một cõi thanh tịnh. Kìa! Đại vương, hãy nhìn về phương tây, cách trăm muôn ngàn ức cõi Phật, có một thế giới gọi là Tôn Thiên Vô Cấu, giáo chủ cõi ấy hiệu là Tôn Âm Vương Như lai, hiện nay đang vì các bậc Bồ tát mà giảng dạy Pháp Đại thừa. Trong cõi ấy không có chúng sanh căn trí Tiểu thừa và cũng không có một nữ nhân.  Qua hàng ngàn trung kiếp sau, thế giới ấy còn qua nhiều vị  Phật  giáo hóa… Cho đến khi đức Phật Bất khả Tư nghị Công đức vương Như lai nhập niết bàn thì đại vương! Lúc ấy ông sẽ thành Phật Vô Lượng Thọ Như Lai. Cũng là đức Phật ADI ĐÀ
   

B- NGÀY ĐẢN SANH ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ  

Trả lời câu hỏi “A di đà ông là ai”  bu tui không muốn nói vắn tắt  vua Vô Tránh Niệm là tiền kiếp của Phật A di đà, mà còn muốn nói thêm quê hương bản quán, họ tên song thân, cùng ngày sanh tháng đẻ của ngài nữa, nhưng  đây là điều cực khó. Với kinh Bi Hoa và kinh Diệu Pháp Liên hoa do chính phật Thích ca thuyết, ta chỉ biết được đức Phật Đại Thông Trí Thắng Như lai ở nước Hảo Thành, kiếp Đại Tướng,  lúc chưa thành Phật ngài có mười sáu con trai, cũng là mười sáu vị Sa di. Vị Sa di thứ chín là vua Vô Tránh Niệm, tiền thân Phật A di đà, vị Sa di thứ mười sáu là tiền thân của Phật Thích ca. Như vậy Phật A di đà và Phật Thích ca từ ức vạn đại kiếp trước là anh em cùng bố (không rõ mẹ).  Bởi thế, khi Huệ Viễn (334-416) một cao tăng Trung Quốc sáng lập phái môn Tịnh độ lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, thì Phật tử ba nước ấy rất bối rối khi làm lễ đản sanh cho đức A di đà. Cuối cùng, Phật tử ba nước chấp nhận lấy ngày sinh của Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư là 17 tháng 11 âm lịch hằng năm làm ngày đản sanh đức Phật A di đà, xem như đại sư là hóa thân của Phật A di đà vậy.  
      Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư là Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Pháp Nhãn. Sư họ Vương, quê ở Dư Hàng  mộ đạo từ nhỏ, không ăn thịt cá, mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Năm 28 tuổi sư làm quan trấn ở Hoa Đình và có dịp tiếp xúc với Thiền sư Thúy Nham Vĩnh Minh. Sư lễ Thúy Nham làm thầy, suốt ngày làm việc phục vụ chúng sinh, quên bổn phận làm quan. Sư còn lấy công quỷ mua cá phóng sinh, việc bị phát giác và triều đình xử tội tử hình.  Lúc dẫn sư ra pháp trường lãnh án chém, Văn Mục vương bí mật sai người theo dõi nét mặt, nếu sư run sợ thì cứ chém, còn sư bình thản như không thì đem ngài về trình lại.  Quả nhiên lúc gươm kề cổ, nét mặt sư vẫn vui tươi. Sau nàyVăn Mục Vương hỏi, ông không sợ chết chém ư? Tôi tư dụng của công khố một số tiền lớn, tội đáng chết, nhưng toàn bộ số tiền đó tôi mua được muôn ức sinh mạng, dẫu tôi có chết vẫn được vãng sanh về cõi Tịnh độ, chẳng việc gì phải sợ. Sư tu Thiền nhưng lòng rất mộ Tịnh. Ngài đã đến Thiền viện của Trí giả đại sư làm hai lá thăm, một lá đề “Nhất tâm Thiền định”, một lá đề “Trang nghiêm Tịnh độ”. Sau  bảy lần rút thăm, đều trúng lá “Trang nghiêm Tịnh độ”. Từ đấy sư nhất tâm tu Tịnh nghiệp. Niên hiệu Khai Bảo năm thứ tám (975) tháng chạp sư có chút bệnh. Buổi sáng ngày 26 sư thắp hương từ biệt chúng rồi ngồi kết già thị tịch, thọ 72 tuổi, 42 tuổi hạ.

*******
      


(1)               Kinh Bi Hoa: NXB Tôn giáo 2007
(2)               Linh Thứu: Dịch theo âm là Kỳ Xà Quật, có nghĩa là núi “Kên Kên”, một ngọn núi nhỏ gần thành Vương Xá, nơi đức Phật Thích Ca hay dừng chân.
(3)                Kiếp: Có ba loại, tiểu kiếp có 16.800.000 năm, một trung kiếp có 336.000.000, một đại kiếp có 1.334.000.000. Những con số này có tính cách tượng trưng để biểu thị một thời gian rất dài
(4) Phạm chí:  Danh từ này cũng được dùng để chỉ chung cho các tu sĩ ngoại đạo, ở         đây     chỉ dòng dõi Bà la môn
(5)  Diêm phù:  Tên một loài cây, cũng gọi là Diêm phù đàn.
(6) Thanh văn: Nghĩa là người nghe, học trò của Đức Phật, trong Đại thừa từ Thanh văn chỉ những ai chứng tri kiến Tứ diệu đế và tính Không của thế giới hiện tượng.
(7) Na do tha: Từ chỉ số lượng của Ấn Độ thời cổ, có rất nhiều cách giả thich khác nhau, Ở đây lấy theo kinh Bổn Hạnh,  na do tha là một ngàn vạn, tức mười triệu (Phật Quang đại từ điển viết là na do đa)
(8)  Trong Kinh Bi Hoa, vua VôTránh Niệm Phát nguyện 9 điều. Nhưng trong kinh Vô Lượng Thọ cũng do Đức Thích Ca thuyết thì nhà vua phát nguyện đến 48 diều.  Ở Tu viện Đại Tòng Lâm Bà Rịa, 48 lời nguyện này được minh họa bằng 48 bức tượng đá hoa cương vô cùng to lớn.
(9) Ngũ nghịch: Năm tội lớn, 1- giết cha, 2- giết mẹ, 3- giết một vị La Hán, 4- làm đổ máu Phật, 5- Chia rẽ Tăng già.

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

ĐỂ CHỊ EM THAM KHẢO






Đáng lẽ bài này để post vào ngày lễ chị em mùng 8 tháng 3…nhưng đợi đến ngày đó sợ ông Multiply bận khuân vác lò bệ chuyển cơ ngơi từ Mỹ sang Indonesia thì lỡ việc, nên đưa luôn bây giờ cho chị em tham khảo chơi. (1)
     
    Số là khi bu tui tìm hiểu Pháp môn Tịnh độ của Phật giáo, thấy cách tu hành của Pháp môn này xem ra đơn giản mà hiệu quả. Thí chủ không nhất thiết phải đọc kinh nọ kinh kia dài dòng mà chí thành niệm Nam mô A di đà Phật. Niệm càng nhiều càng tốt, đặc biệt là trước lúc lâm chung, niệm với đấy đủ ba điều kiện: tín, nguyện, hạnh. Tín là tin vào một nẻo thoát, nguyện tức là muốn một cách tha thiết, hạnh là sự thực tập Tịnh độ hằng ngày. Được như thế thì khi lâm chung Phật A di đà sẽ đón về vãng sinh ở thế giới Tây phương Cực lạc. Muốn biết cái thế giới ấy ra sao bạn đọc kinh Vô Lượng Thọ hoặc kinh A di đà do Phật Thích ca thuyết. Đại thể “Dân chúng trong nước ấy không biết khổ là gì, chỉ hưởng mọi thứ an lạc… Ở nước Cực lạc có nhiều hồ thất bảo chứa đầy thứ nước có tám công đức, dưới đáy hồ toàn là cát vàng, bốn bên hồ có những lối đi làm bằng vàng, bạc, lưu ly, và pha lê, phía trên các con đường ấy có vô số lâu đài cũng được xây dựng và trang trí bằng các chất liệu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, và mã não. Sen trong các hồ lớn như những chiếc bánh xe. Sen xanh chiếu hào quang xanh, sen vàng chiếu hào quang vàng, sen đỏ chiếu hào quang đỏ, sen trắng chiếu hào quang trắng, hương sen tỏa ra vi diệu và tinh khiết”(2) Ở xứ cực lạc có một thứ mà chắc chị em rất khoái, ấy là “Đúng giờ ăn thì có đủ các món ngon vật lạ hiện ra trước mắt, còn muốn bận đồ gì thì có áo xiêm tốt đẹp hiện ra bên mình như trong cõi nhân gian vậy” (3)
     Tuy nhiên có việc này thì không hẳn chị em nào cũng hứng thú, đó là lên thế giới Tây phương Cực lạc chị em buộc phải thay đổi giới tính! Trong kinh Bi Hoa do chính Phật Thích ca thuyết rằng, vua Vô Tránh Niệm (từ muôn vàn đại kiếp trước) nguyện với Phật BảoTạng Như lai 9 điều (4). Ở điều thứ 2 (trang 325) vua nói:  “Nguyện cho thế giới của con không có nữ giới, cũng không có tên gọi nữ giới. Hết thảy chúng sinh đều chỉ hóa sinh”.  Hóa sinh là sinh ra từ sự  biến hóa. Theo cách diễn đạt của Thiền sư Nhất Hạnh trong sách “Thiết lập Tịnh độ”  thì khi ta niệm Nam mô A di đà Phật, lập tức có một mầm hoa sen nở ra trên thế giới Cực lạc. Hoa lớn lên tươi tốt hay quặt quẹo là do ta có chí thành niệm Phật hay không. Khi lâm chung, thần thức ta không ở mãi thể Thân trung ấm (5) mà được Phật A di đà đón về xứ ngài, bông sen (mang dấu hiệu ta trên đó) lập tức hóa sinh ra một con người mới. Ngày nay vua Vô Tránh Niệm đã thành Phật A di đà, thì lời nguyện của ngài đang được thực hiện nghiêm túc. Tức là hết thảy những phụ nữ ở cõi Ta bà này vãng sinh từ bông sen trên cõi Cực lạc sẽ không còn là phụ nữ nữa. Theo đó, đám đàn ông ở cõi Ta bà vãng sinh từ bông sen trên đó có còn là đàn ông nữa hay không thì chưa thấy kinh nào nói đến. Đương nhiên không thể giống nhau được, vì chúng sinh trên đó không có yêu nhau (có nữ đâu mà yêu) không có chuyện sinh con từ bụng mẹ và nuôi con bằng sữa…Có thể những điều bu nói nằm trong hệ thống mật mã, cần phải giải mã mới hiểu ra được. Chứ bảo nhà Phật coi thường phụ nữ sợ rằng can tội hồ đồ.
Nhưng cứ theo cách nghĩ trần tục thì thấy vua Vô Tránh Niệm hơi bị lạ. Khi còn làm vua ngài đẻ một lèo 1000 người con (6) nhưng khi làm Phật A di đà thì ngài lập ra một thế giới không có phụ nữ. hihihi.  
  
****
(1) Bài này chuyển từ Multiply sang
(2) Dẫn theo Kinh A Di đà        
(3) Dẫn theo Thích Hữu Thiện trong “Kinh Bi Hoa nói về đức Phật A di đà”
(4) Ở kinh Vô Lượng Thọ cũng do Phật thuyết, thì vua Vô Tránh Niệm hứa 48 điều chứ không chỉ có 9 diều ??
(5) Thể thân trung ấm là khi Thần thức thoát ra khỏi thân xác còn lững lơ, chưa được vãng sinh hoặc nghiệp lực chưa dẫn đi đầu thai.
(6) Kinh Bi Hoa trang 202

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

THƯ NGÕ GỬI NANO TIÊN SINH



 Mới đây một số cao thủ trong làng ảo xipót gặp nhau ở Hà Nội.  NANO tiên sinh gọi vào bu:  Mấy năm nay cứ nghe cái nick của ông tui thắc mắc, không biết cha ni người Nga hay người Arem, người Mèo hay người Nhắng chi đó… Vậy ông nên khăn gói ra đây một chuyến cho vui vẻ đầu năm, và để mọi người mục sở thi cái dung nhan bulu chút xíu… hehehe


Ảnh bu tui cóp bên trang NANO
Từ trái sang: NANO, Mùa thu vàng, Tử Đinh Hương, TORO
vắng mặt TTM và Thu thủy bu tui thêm vào ở các ảnh dưới


TTM Gốc Mai, Bà già xinh, Bà già NOEN... 
chuyên gia các loại blog (ảnh của bu thêm vào)


Thu Thủy (mặc váy) và Thu Hà (Ảnh bu thêm vào)



Bulukhin  (NANO tiên sinh kêu tắt bulu huhuhu!) 
trên Pháo đài cổ ở TP Vũng Tàu



Thưa Tiên sinh

Bu tui thủ phận gà què ăn quẩn cối xay, loanh quanh trên cái ốc đảo Vũng Tàu bé tẹo, lấy tiếng sóng biển ở Bãi Trước, Bãi Sau ào ạt xô bờ, tiếng gió rì rào trên Núi Lớn, Núi Nhỏ,  tiếng chuông chùa Bồ Đề, Thiền viện Chơn Không… làm  niềm vui thú. Vẫn biết đi một ngày đàng học một sàng khôn,  nhưng bu tui vốn là  phu lục lộ về vườn, văn dốt võ dát, rất ngại ngùng đến chỗ phố thị đông người… Ở đó không có xe chính chủ mà đi, không đủ ngôn từ mạnh mẽ mà hầu chuyện những hàng phở mắng, cháo chửi của xứ Tràng An đang từng ngày vươn lên tầng cao mới . Lại nghe trong số tao nhân mặc khách dự buổi  yến tiệc do đại gia NANO chiêu đãi có những  “Cán cân công lý” , “Lập pháp Ba Đình”  thì thực sự hãi hùng.  Học được mấy sàng khôn chưa biết, nguyên chỉ sợ  không thôi đủ làm kẻ lão lai tài tận như bui tui giảm thọ. Huhuhu!
      Chắc có bạn cười cái gả bu kia sao mà sợ lắm thế. Thì bạn coi, thời buổi này đụng vào đâu lại chẳng có cái để sợ, Đi đường sợ đụng xe, lên vỉa hè sợ điện giật, cổ đeo dây bị cướp mất, phẩn uất giặc Tàu coi chừng ngồi nhà đá.  Báo Dân Trí kể chuyện một anh chồng nghe vợ rên mà ngất xỉu. Số là trong một lần gửi cơn mưa móc, chồng bảo vợ:  Em phải rên lên nghe mới khoái, cô vợ liền rên  nào giá xăng tăng, giá điện tăng, giá thuê nhà tăng, giá vào nhà thương tăng, học phí và các khoản thu của nhà trường tăng…phen ni chắc không sống nổi. Anh chồng nghe thế sợ quá nằm ngay đơ, cô vợ lay mấy cũng không thèm lai tỉnh… hihihi!!

     Nhưng ở đời có âm thì có dương, có sợ thì có vui.  Thấy đại gia NANO hăng say với xì pót và  óp ép với các bạn là vui. Rồi các vị sẽ thấy một NANO thượng thông thiên văn hạ tri địa lý. Dạo mồ ma Zà hu 360 đang còn, nhà thơ nữ Ngươn Hà đã từng ngơ ngẩn bởi những cái còm lục bát khi như than hồng, khi như suối mát của NANO tiên sinh, đến nghị luận văn chương thì khỏi bàn về độ sâu sắc thâm thúy. Hihihi NANO tự nhận là kỹ thuật xi pót còn có vấn đề, đôi khi ngồi nhầm lớp của cô giáo TTM Gốc Mai…Nhắc đến cô giáo TTM Gốc Mai thì bu tui kể như hết ngôn từ diễn đạt. Tấm ảnh của NANO không có hình cô giáo, chắc là NGƯỜI  đang bấm máy.  Sự thiếu vắng cô là thiếu vằng nụ cười bừng sáng làm cô khi nào cũng tươi trẻ, và người khác trẻ lây.  Cô khiêm tốn tự gọi mình là bà già nhưng bạn bè gần xa đều nhất tề thêm vào tính từ “xinh”, bà già xinh. Gần đây không biết ai phát minh thêm tên gọi bà già  NOEN. Ừ nhỉ, có ông già NOEN sao lại không có bà già NOEN. Cũng như có ông Đùng thì phải có bà Đoàng mới ra đạo Mẫu trong dân gian để mà thờ cúng. Mới đây các ông già NOEN  xứ ta đi tặng quà tào lao, toàn quà bố mẹ mua rồi thuê người hóa trang ông già NOEN đến lừa trẻ nhỏ. Quà của bà già NOEN TTM Gốc Mai là quà thứ thiệt, quà của một người nhân hậu đầy ắp từ bi hỷ xả, ấy là thời gian vàng ngọc và trí tuệ siêu phàm bà bỏ ra để thiết kế nhiều nhiều trang blog cho chúng sinh khắp bắc, trung, nam, kể cả bên Tây bên Tàu.  Tấm ảnh của NANO còn cho thấy dung nhan nàng  MÙA THU VÀNG, người hình như đã đi nhiều đường đất và đường trời khắp Âu Châu và Phi Châu.  Thấy được người đẹp Tử Đinh Hương có cái mím môi hơi bị kiêu kỳ làm nhiều chàng trai sợ hãi. Thấy được nhà báo TORO, người có cách viết rất nhà nghề, ai đọc vào thì không còm không được. Người đẹp Thu Thủy chắc loanh quanh đâu đó, hình dung ra đã thấy Thu Thủy tươi tắn như bông hồng AVA của nàng. 

Cuối cùng bu tui dành vài dòng cho Ruchung khách của trang NANO.  Nghe bảo bạn này người RỤC, một siêu trí thức RỤC. Chả thế mà cách nay 20 năm bu tui đọc bài của Ruchung viết về nhà thơ Xuân Hoàng rồi phục bò. Người viết về Xuân Hoàng vô số, nhưng bài của  Ruchung là đỉnh cao không ai vượt nổi. Ruchung không màng học vị tiến sỹ  nhưng cái luận văn: NHỮNG VẤN ĐỀ SONG NGỮ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH QUẢNG thì nhiều nhiều tiến sỹ gọi bằng cụ, chắp tay vái dài. Ruchung thường cho chúng sinh thưởng ngoạn những bức ảnh chụp bằng máy NIKON đẹp cỡ quỷ khốc thần sầu…Chàng lâu nay chuyên sâu bên zàhupờlất, đã từng làm nghiêng ngữa nhiều con tim nam phụ lão ấu bên ấy. Nay Ruchung xuất hiện ở xìpót là điều đáng mừng cho chúng ta …


     Ở đời chỉ có nỗi sợ và niềm vui là đáng kể, mà kể như bu tui là hơi bị dài. Các cụ dạy cấm sai, đa ngôn đa quá (nói nhiều sai nhiều) lại có câu tiền chủ hậu khách, mà khách lai rai nhiều hơn chủ là điều phạm thượng, dám xin NANO tiên sinh và bạn hữu đại  xá…  hehehe 

               
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

TẢN MẠN DÃ QUÌ





Dã quỳ Mộc Châu (ảnh nét)



Dã quỳ Tây Nguyên (ảnh Minh An)



Hoa dã quỳ





1-Lần đầu tiên trong đời, bu ngắm kỹ hoa dã quỳ của Tây Nguyên qua bài viết “ĐÃ CUỐI MÙA QUỲ!”của bạn Minh An trên Opera.  Ngắm hoa vì hoa thì đã đành, đằng này còn vì tác giả Minh An viết “dã quỳ như những con suối nhỏ chảy vàng trong các thung lũng”.  Nếu là những con suối nhỏ màu vàng thì ánh vàng ấy vẫn còn bị giới hạn trong bề rộng con suối, nhìn từ xa cùng lắm là như những sợi chỉ vàng len lỏi giữa muôn xanh.  Ở đây những con suối nhỏ kia chằng chịt đan dệt vào nhau như một tấm lưới trùm lên thung lũng, cho nên màu hoa mới “chảy vàng trong các thung lũng” được. Cùng cảm xúc như bu, nhà báo TORO còm  thật xác đáng  “Hoa dại nhưng đẹp và hồn nhiên như cô gái Tây Nguyên”. Đến đây thì  tâm tưởng bu ngược về với quốc lộ 27 nối Đắc Lắc với Đà Lạt… Một chuyến công tác cách nay trên mười năm, bu dừng xe dưới mấy gốc cây Kơnia trên một đỉnh dốc gần đèo Chuối, mở to ca khúc dưới bóng cây Kơnia của Phan Huỳnh Điểu cho cả đoàn nghe. Tiếng nhạc đôi khi như nghẹn ngào hòa với tiếng rì rào của lá cây Kơnia làm mấy anh em ai cũng thấy cay cay  khóe mắt. Lại xuống hồ Lắc bập bềnh trên nhà nổi chén cá nướng tuyệt ngon và nút rượu cần.  Đoàn bu bốn người thì có bốn em Mơnông ân cần chăm sóc. Các cô mặc váy, ý tứ ngồi gấp chân phô ra những đường cong vô cùng hấp dẫn.  Đúng là các cô gái Tây Nguyên dịu mát như bóng cây Kơnia, rực rỡ chân chất như hoa dã quỳ của xứ sở này vậy.
                                                     ***
2-    Ngắm dã quỳ của Minh An rồi tự giận mình,  lên Đà Lạt có cả chục lần mà chỉ mê mệt mỗi loài hoa phong lan cát lay da.  Có lần đang ở Thung Lủng Vàng bu gọi về khoe vợ “Em à, cát lay da Đà Lạt tuyệt vời đến nỗi anh nghỉ nó là nổ lực cuối cùng của thượng đế  sau khi ngài sáng tạo ra nhan sắc phụ nữ”… hehehe  nghe có vẻ nịnh đầm, nhưng thiệt tình bu hết ngôn ngữ để mô tả cái tuyệt hảo của nó về màu sắc, về những chi tiết kiến trúc cực kỳ tinh vi và hợp lý. Thế nhưng bu tui chưa bỏ ra một ngày để tra cứu tìm hiểu họ hàng lan cát lay da như đã làm như thế với hoa dã quỳ. Cũng không hiểu vì sao nữa, có lẽ để chuộc tội đã từng  thờ ơ với một loài hoa Tây Nguyên trong câu chuyện tình đầy nước mắt…Hay vì hai chữ dã quỳ như cặp đinh vít xoáy vào cái đầu óc duy lý của Bu?
***
3- Thuở ấy nàng Hơlimh xinh đẹp nhất vùng, được người con trai tộc trưởng Lasieng say mê nhưng nàng không nhận lời, lại yêu đắm say chàng Kơlang chơi đàn Kơlôngput hay và săn thú rừng giỏi. Một hôm Kơlang đi săn mãi không thấy về.  Hơlimh bỏ việc đi tìm chồng, cô đi từ đầu mùa hạ, hết mùa thu đến mùa đông vẫn không thấy Kơlang đâu, cô kiệt sức gục xuống bên một dòng suối. Trong lúc mê man Hơlimh thấy Kơlang hiện ra nói, em gắng sang bên kia suối sẽ gặp anh.  Hơlimh  khỏe hẳn ra và chạy vụt sang bên kia suối thì quả nhiên gặp chồng. Nhưng Kơlang không được tự do, chàng  bị xiềng chân và lao động khổ sai cho tên  tộc trưởng giàu có. Bất chấp có người ngăn cấm, Hơlimh lao đến ôm chồng nhưng cô bị gục xuống ngay vì mũi tên độc của con trai tộc trưởng Lasieng đã bắn trúng vào tim.  Từ nơi nàng Hơlimh trút hơi thở cuối cùng mọc lên cây hoa vàng rực có tên dã quỳ. Cây quỳ lan tỏa rất nhanh, thắp sáng cả rừng núi Tây Nguyên một màu vàng trinh nguyên tinh khiết.  Dã quỳ không bận tâm đến mùa xuân mà những mai, lan,  đào,  mận, đua nhau khoe sắc. Qùy âm thầm trong bụi bờ, rừng núi, đợi cái gía lạnh của mùa đông mời bừng lên phô sắc như nàng Hơlimh trong cổ tích đi tìm chồng…
***
4- Không hiểu sao các Từ điển tiếng Việt, Hán Việt, Việt Hán, Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam… không giải thích hai chữ dã quỳ cho rành mạch, mà chỉ nói đến chữ quỳ và chữ dã riêng biệt. Theo Hán Việt từ điển của Thiều Chữu (trang 557) thì quỳ là: “Hướng nhật quỳ  向日葵 – một giống quỳ  vào khoảng cuối thu đầu hạ nở hoa vàng, tính nó thường cứ triều về hướng mặt trời nên gọi là hướng nhật quỳ…”. Triều về hướng mặt trời tức là hướng dương, vậy dã quỳ 野 葵  cũng là hướng dương sao?  Các sách sau đây sẽ trả lời câu hỏi đó:
- Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh giải nghĩa chữ quỳ (trang 1752) “ Cây quỳ, cây hướng dương”.
- Từ điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan (trang 1216)  khẳng định:  “Quỳ:  Tên một loài hoa, hoa quỳ, tức hoa hướng dương…Hoa quỳ nghiêng hướng về phía  mặt trời, ví dụ về lòng hướng về…”.
- Đại từ điển tiếng Việt (trang 1308) ở vần quỳ ghi “Quỳ: như Hướng dương” .
- Từ điển Bách khoa Việt nam tập 2 (trang 422) giải thích: “Hướng dương (Helianthus annuus, tên khác: cây quỳ) cây lấy dầu hằng năm, họ cúc…”.
    Với ngần ấy trích dẫn, ta dễ nhất trí với nhau quỳ là cây hướng dương.  Vậy dã là gì? Vì không có từ điển Hán Việt  nào có từ dã quỳ nên không rõ tự dạng chữ dã ra sao. Bu tui liệt kê ra đây 3 chữ dã của người Tàu rồi loại dần, chọn lấy một chữ dã đi với chữ quỳ hợp lý.
1- dã: Vậy, lời nói hết câu…
2- dã: Đúc (dã phường là xưởng đúc đồ sắt)…
3- dã: Đồng quê, đồng ruộng, không thuần, hoang, dại…dã thái là rau dại, dã cúc là cúc dại, dã mã  là ngựa hoang.
    Với suy luận thông thường  ta thấy  dã trong mục 1 và mục 2 là lời nói và xưởng đúc thì không dính dáng gì đến cây quỳ, mà dã trong mục 3 là phương án chọn. Vậy dã quỳ là hướng dương mọc hoang, hướng dương dại.
***
5- Cây hướng dướng có hoa to đường kính đến 30-40 cm luôn luôn hướng về mặt trời. Tác gỉa Chính phụ ngâm đã viết:
Hướng dương lòng thiếp như hoa
Lòng chàng lửng thửng như là bóng dương

Nhưng hướng dương dại là dã quỳ có hướng về mặt trời hay không thì bu tui đang tìm hiểu thêm…
    Xem ra cái đẹp hoang dại của dã quỳ dính dáng đến  chuyện tình Hơlimh và kơlang, tức dính dáng đến người đẹp. Mà đã động tới người đẹp thì tự cổ chí kim bao giờ cũng bí hiểm và khó hiểu vậy.


Đọc tiếp ...