Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

PHỎNG VẤN ĐỨC PHẬT THÍCH CA









(Bốn tấm hình tượng Phật chép từ blog NANO)


Đọc Phật giáo khó hiểu, cố đọc vẫn thấy không khá gì hơn! Khổ thế.  Nghe bảo các nhà ngoại cảm nói chuyện được với linh hồn, hay là nhờ họ gặp đức Phật hộ? Khốn nỗi, chính Ngài khẳng định không có linh hồn vĩnh cửu, thì gặp làm sao. Thế rồi đêm đản sinh Ngài (rằm tháng tư âm lịch năm vừa rồi) chính bu tui được diện kiến đức Phật trong vừng hào quang sáng lóa…

Bu: Bạch Thế tôn, có nhiều điều con rất muốn được ngài khai thị cho, nhưng trước uy lực và hào quang của Thế tôn con hơi bị rối trí chút xíu…!
ĐP: Con khoan nói gì, hãy giữ cho thân tâm thanh tịnh đã.
Bu: Đa tạ đức Thế tôn… con đọc kinh Trung Bộ và hoan hỷ nhất đoạn mô tả đêm cuối cùng ngài thiền định dưới gốc cây assatha…
ĐP: Đêm cuối cùng trong 49 đêm… nhưng lại là đêm bắt đầu cho sự nghiệp của ta.
Bu: Nhắc lại sự kiện này con như vẳng nghe đâu đây tiếng Ngài reo vang “Giải thoát đạt vẹn toàn. Đây là đời cuối cùng. Không còn tái sinh nữa”
ĐP: Đúng vậy, ta đã chứng ngộ được Tam trí: Túc mạng trí, Thiên nhãn trí,  Lậu tận trí, trong cái đêm ấy.
Bu: Hình như sự đắc ngộ “Tam trí” ấy chỉ giúp ngài biết trong hiện tại và nhớ về quá khứ vô lượng kiếp, chứ không giúp ngài nhận định về tương lai.
ĐP: Con nói rõ thêm cho ta nghe
Bu: Sau ngày ngài nhập Niết Bàn,  Tôn giả  Anan nói với ngài Cù nặc kiền liên:  “Hiện nay không thể ai kế vị được Phật, chúng tôi là những người con mất cha”…Nghe như Tôn giả không tin vào tương lai lắm…
ĐP:  Chính vì thế mà trước đó ta đã nói với Tôn giả A nan,  “Pháp và Luật mà ta đã thuyết giảng cho chư vị, sau khi ta diệt độ, sẽ là Đạo sư của chư vị”.
Bu: Bạch Thế tôn, con đã đọc lời di huấn của Ngài trong kinh Trường bộ,   nhưng thực tế xẩy ra lại ngoài ý muốn của Ngài.
ĐP: Ngoài ý muốn của ta?
Bu:  Vâng, trong hội nghị kết tập lần thứ hai vào năm 383 tcn tức là lúc ngài vừa nhập Niết bàn một trăm năm, hàng ngũ tăng già đã thể hiện sự bất đồng về giới luật, dẫn đến sự xuất hiện  phái Trưởng lão bộ muốn giữ nguyên giới luật, và phái Đại chúng bộ đòi canh tân giới luật do Ngài đã gây dựng.  
ĐP: Ta thừa nhận với con đó là một sự thật.
Bu:  Và chắc ngài không nghĩ đến một tương lai đầy nghịch lý …
ĐP:  Đầy nghịch lý ở khía cạnh nào vậy ?
Bu: Bạch Thế tôn, nghịch lý ở chỗ vào khoảng năm 1200, Đạo của ngài biến khỏi trên chính quê hương Ngài, đúng hơn là còn lại lèo tèo ở các vùng nam Ấn, Ma kiệt đà, Belgan, Orissa, và cũng chỉ 250 năm sau thì biến luôn…
ĐP: Hẳn con thừa biết sự xâm lăng và hành động tàn sát đẩm máu của người Hồi giáo đối với tăng ni, phật tử Ấn Độ.
Bu:  Dạ, con có biết, nhưng tại sao đạo Hin đu, đạo Jaina cũng là đối tượng của người Hồi giáo thì vẫn còn nguyên cho đến tận hôm nay. Như vậy hẳn có một nguyên  nhân nội tại của Phật giáo chăng?
ĐP: Đúng vậy, có thể xét đến hai khía cạnh, vào thời đó đạo Hin đu và đạo Jaina được những tín đồ giàu có và giới cai trị hỗ trợ, thế mạnh ấy Phật giáo không có. Mặt khác, sau 1000 năm tồn tại, xét về mặt tâm linh, Phật giáo đã tự đào thải mình. Tăng sĩ đã lười nhác hoặc thoái hóa đến mức không sao có thể tồi tệ hơn được nữa.
Bu: Vậy thì, xin ngài giải thích tại sao sau khi Phật giáo biến khỏi Ấn  Độ, lại sống mãi ở một số nước ngoài Ấn Độ.  Đấy không thực sự là nghịch lý sao ?
ĐP: Lịch sử một quốc gia hay một tôn giáo đôi khi đầy rẫy nghịch lý. Nhưng đạo của ta tồn tại được đến nay là công đầu của vua A dục (264-226 tcn). Ngài trị vì cả toàn cõi Ấn Độ, và là người hết sức nhiệt thành với Phật giáo… Vua đã triệu tập một đại Phật hội gồm hơn một ngàn vị tăng có tài đức về dự để bàn kế hoạch truyền bá Phật giáo. Sau Phật hội, ngài cử con trai và con gái qua Tích Lan, các vị tăng khác qua HyLạp, qua các xứ gần Hymalaya, qua Miến Điện, qua Xyri. ..Từ đó lan truyền sang các nước Đông Nam á và Đông á.
Bu:  Như vây, vua A Dục có thể không nhớ lại được vô lượng kiếp trước như Ngài, nhưng lại có nhãn quan nhìn thấu tương lai. Hẳn nhà vua biết được một ngàn năm sau đó Phật giáo sẽ tuyệt diệt ở Ấn Độ ?
ĐP: Cũng có thể như vậy lắm.
Bu: Bạch Thế tôn, các khái niệm như nghiệp, tái sinh, luân hồi, đã có trong đạo Hin đu, khái niệm bình đẳng giới đã có trong đạo Jaina, vậy cái khác biệt giữa đạo của Ngài và hai đạo kia là chỗ nào ạ?
ĐP: Là lý Duyên khởi, hay Mười hai Nhân duyên, nếu nói hết với con thì dài quá.
Bu: Vâng, con xin ngài nói cho vắn tắt nhất
ĐP: Pháp Thập nhị Nhân duyên của ta giải thích sự phát sanh của một trạng thái tùy thuộc nơi trạng thái trước đó, mà điểm xuất phát là Vô minh. Vô minh ở đây không như cách hiểu của thế tục là không sáng suốt, kém hiểu biết, mà là không nhận thức được chân lý về sự đau khổ, nguồn gốc của đau khổ, và con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ. Nói cách khác Vô minh là không nhận thức được thực tướng của vạn pháp, không hiểu thấu đáo chân tướng của chính mình.
Bu: Thưa Ngài, nếu trạng thái xuất phát là Vô minh thì mười một trạng thái tiếp theo sẽ là thế nào ạ?
ĐP: Con hãy nghe đây
1- Vô minh là điểm xuất phát.
2- Vô minh làm (điều kiện, duyên) khởi sinh Hành (hành động có tác ý)
3- Hành làm khởi sinh Thức (sự nhận biết)
4- Thức làm khởi sinh Danh - Sắc (tinh thần và thân thể)
5- Danh-Sắc làm khởi sinh Lục nhập (sáu đối tượng của sáu giác quan)
6- Lục nhập làm khởi sính Xúc (sự tiếp xúc)
7- Xúc làm khởi sinh Thọ (cảm giác)
8- Thọ làm khởi sinh Ái (dục vọng)

9- Ái làm khởi sinh Dính chấp (sự lệ thuộc vào dục vọng)
10- Dính chấp khởi sinh Hữu (sự hiện thành, nghiệp hữu)
11- Hữu khởi sinh Tái Sanh                                      
12- Tái sanh  khởi sinh già, chết, sầu muộn, buồn đau, thất vọng…
Bu: Con xin ghi nhớ, và sẽ tìm hiểu thấu đáo những gì ngài đã khai thị. Bây giờ con xin được hỏi ngài vài câu về chính bản thân Ngài..
ĐP: Ta hoan hỷ nghe và trả lời con.
Bu: Hôm tăng đoàn nghỉ lại ở Pãvã, người thợ rèn Cunda cung thỉnh Ngài và chư Tỳ kheo về trai tăng. Ngài thọ thực một mình món Sũkaramaddava và không cho các vị khác được dùng đến, tại sao vậy?
ĐP: Vì ta biết dùng đến món ấy sẽ nguy hiểm cho sinh mạng.
Bu: Ngài biết nguy hiểm mà vẫn…
ĐP:  Đúng như thế. Lúc ấy ta đã vào tuổi tám mươi, xác thân tứ đại của ta đã hư tổn nhiều lắm rồi. Chỉ mươi ngày nữa thôi là phải giả từ cõi nhân gian, cho nên ta vẫn thọ thực món đó cho vui lòng ông Cunda. Ta biết chắc chắn ông Cunda không có ý định hại ta.
Bu: Bạch Thế tôn, sự thể sau đó ra sao?
ĐP: Ta bị lỵ huyết rất nặng, và biết rằng ông Cunda vô cùng ăn năn hối hận. Bởi thế ta đã dặn với Tôn giả Anan sau khi ta mạng chung, hãy nói với ông Cunda lời của ta rằng “Ông có thật nhiều phước báu thù thắng, sẽ hưởng được nhiều lợi lạc, vì đức Phật đã độ ngọ lần cuối cùng vật thực do ông dâng lên. Nghiệp tốt này sẽ trổ quả trong sự tái sanh thuận lợi, tuổi thọ cao, gặt hái nhiều may mắn và hy vọng, thọ hưởng nhiều an lạc và hạnh phúc…”

Bu tui định nói lời cảm ơn Ngài nhưng chợt thấy Ngài biến thành một nữ nhân giống y bà Quán Thế âm  bồ tát. Tay bà lay mạnh vào bu. Ơ kìa! Hóa ra bà xã vô vàn yêu dấu của bu đấy thôi… hihihi! 

Đọc tiếp ...