Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

NẾU CÓ THỂ CƯỜI ĐƯỢC







Diêm vương là ông vua cõi âm rất nghiêm khắc và công bằng trong việc xét xử tội trạng của nam phụ lão ấu không may về dưới đó. Một hôm ngài ra lệnh đóng ba cái cọc  cách nhau khá xa ở một quảng trường rộng. Các cọc có treo bảng đề chữ rõ ràng: cọc số 1, cọc số 2, cọc số 3. Xong đâu đấy ngài cho tập trung đám đàn ông vừa mới nhập tịch vào quốc vương ngài.  Diêm vương phán:
-  Tất cả chúng bay nghe cho rõ đây, những thằng nào trước đây ở dương gian chuyên chim chuột vợ hàng xóm hãy đứng xếp hàng ở cọc số 1. Những thằng nào trước đây ở trên đó tán tỉnh chơi bời với cả vợ bạn hãy đứng xếp hàng ở cọc số 2.
   Khi ở cọc số 1 và cọc số 2 đã đầy ắp người, và  trật tự được vãn hồi, ngài tiếp tục phán:
- Những kẻ nào lúc còn sống trên đời hú hí cả với em gái vợ thì xếp hàng ở cọc số 3.
   Ngài vui lòng thấy số người  xếp hàng ở cả ba cọc đông đúc, hàng lối ngay ngắn. Nhưng  xem lại thì thấy một gả đàn ông gầy còm, nhỏ thó, mặt mũi ngơ ngơ, ngác ngác như gà mất mẹ, không chịu xếp hàng như lệnh phán. Diêm vương cả giận quát:
- Thằng cha kia, sao mày không chịu xếp hàng vào cọc nào cả. Hả!  chả nhẽ ta bắt nhầm nhà ngươi về đây à ? 
Gả đàn ông lập cập đến gần Diêm vương, quỳ mọp xuống tâu:
- Bẩm Diêm vương lúc ở trần thế con chơi  hầu khắp vợ hàng xóm, chơi luôn vợ bạn, và hú hí thường xuyên với mấy cô em gái vợ, nên con không biết xếp hàng sao cho phải.
Diêm vương nghe vậy liền đỡ gã đàn ông dậy, nhỏ nhẹ nói với gã:
-  Đúng là hết cọc cho nhà ngươi rồi, thôi hãy ngồi cùng ghế đây với ta!!

ST


Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

DỊCH HAY PHÓNG TÁC ??





Trong số ca dao Việt Nam nói về nghề nông và giá trị hạt gạo thì bài: "Cày đồng đang buổi ban trưa. Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Ai ơi! bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần " có mặt trong nhiều tuyển tập, chẳng hạn: TỤC NGỮ CA DAO DÂN CA VIẾT NAM của học giả Vũ Ngọc Phan (1). TỤC NGỮ CA DAO VIỆT NAM của Hồng Khánh – Kỳ Anh sưu tầm biên soạn (2), CA DAO VIỆT NAM do Bích Hằng tuyển chọn (3). Không thấy các tác giả của ba tập sách trên chú thích gì về bốn câu đó, làm người đọc đinh ninh là ca dao Việt, thuần túy Việt Nam. Nhà phê bình nổi tiếng Hoài Thanh cũng “yên trí đó là một trong những bài ca dao hay nhất của xứ ta từ trước” (4) Nhưng thực ra nó được dịch từ thơ Trung quốc (5).


鋤禾日當午
汗滴禾下土
誰知 盤中餐
粒粒 皆辛苦

* Phiên âm
Sừ hòa nhật đương ngọ
Hãn trích hòa hạ thổ
Thùy tri bàn trung xan
Lạp lạp giai tân khổ

* Dịch thơ (chưa rõ dịch giả)
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.

Hiện nay có hai thuyết về tác giả bài thơ chữ Hán trên. Hoặc của Lý Thân (李紳,772 - 846) người Vô Tích tỉnh Giang Tô, hoặc của Nhiếp Di Trung (聶夷中, 837 - 884) người Hà Đông. Có điều lạ, trong “Toàn Đường thi” (全唐詩) (5) bốn câu trên được xếp vào ngũ ngôn tứ tuyệt vừa để ở mục Nhiếp Di Trung vừa để ở mục Lí Thân.
   Bu tui không hề có ý định xác minh Lí Thân hay Nhiếp Di Trung là tác giả, điều đó quá khó, vì chính các học gỉa thượng thặng của Tàu còn nói nước đôi, chưa dứt khoát được. Ở đây, bu muốn cùng các bạn luận giải xem tại sao từ: “sừ hòa nhật đương ngọ, hãn trích hòa hạ thổ, thùy tri bàn trung xan, lạp lạp giai tân khổ” mà một người Việt nào đó đã dịch ra: “cày đồng đang buổi ban trưa , mồ hôi thánh thót như mưa rộng cày, ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần”.

1- Trước tiên chúng ta tìm hiểu nghĩa một số chữ Hán (6)
- Sừ 鋤 : khi danh từ, sừ là cái cuốc.
Ví dụ: Nguyễn Trãi có nói với bạn là Hữu Nhân: 他年淽溪約, 短笠荷春鋤 : “Tha niên Nhị Khê ước, Đoản lạp hạ xuân sừ”, nghĩa là: Năm nào hẹn về Nhị Khê đội nón lá, vác cuốc đi làm vụ xuân.
Khi động từ, thì sừ (鋤) là cuốc, ví dụ: sừ địa 鋤 地 là cuốc đất (7)
- Hòa 禾: lúa chưa tuốt ra khỏi bông, chưa cắt ra khỏi rơm rạ. Kinh thi có câu: Thập nguyệt nạp hòa giá 十月納禾稼 Tháng mười thu vào thóc lúa.
- Bàn 盤: Cái mâm. Mâm, khay. TruyệnThủy hử có câu: Thác xuất nhất bàn, lưỡng cá đoạn tử, nhất bách lạng hoa ngân, tạ sư 托出一盤, 兩個段子, 一百兩花銀, 謝師 . Nghĩa là: Bưng ra một mâm (gồm) hai tấm đoạn, một trăm lạng hoa ngân (để) tặng thầy.

2- Có hai câu đáng quan tâm:
- Câu thứ nhất: Sừ hòa nhật đương ngọ (鋤 禾日當午) Nếu cứ máy móc theo nghĩa từng chữ thì phải hiểu là: Cuốc lúa đương lúc ban trưa. Như vậy vô lí, vì không ai lại đi cuốc lúa. Nếu cày đồng thì chữ Hán đã có từ canh điền ( 耕田)
- Câu thứ ba: Thùy tri bàn trung xan (誰知 盤中餐)
Nếu máy móc theo từng từ thì phải hiểu câu này là: có ai biết được cơm trên mâm
- Có lẽ do cũng băn khoăn như bu tui nên Nhà thơ Học giả Khương Hữu Dụng đã dịch cả bài như sau:
       Xới lúa, trời đứng bóng

Mồ hôi đổ xuống ruộng
Ai biết cơm trong mâm
Hạt hạt đều cay đắng. (4)
Chữ sừ (鋤) là cuốc, được Nhà thơ Học giả Khương Hữu Dụng gọi là xới. Sừ hòa 鋤 禾 là xới lúa, tức là động tác làm cỏ lúa của nông dân.
3- Bu tui xin dẫn ra hai câu thơ của Nhiếp Di Trung trong “Điền gia nhị thủ” (田家二首)(5)liên quan đến sự cày đồng để đối chiếu với sừ hòa 鋤 禾 đã nói trên:
        父耕原上田

子削山下荒
Phiên âm:
Phụ canh nguyên thượng điền
Tử tước sơn hạ hoang
Dịch nghĩa:
Cha cày ruộng trên cao
Con vở hoang dưới núi
4- Từ luận giải trên, bu tui hồ nghi bài ca dao:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.
Do một người Việt cực tài nào đó dựa vào bài thơ chữ Hán rồi phóng tác ra chứ không gọi là dịch được. Mong các bạn có lời chỉ giáo.
------------------

(1) Nxb Khoa học xã hội Hà Nội 1971
(2) Nxb Đà Nẵng 2007
(3) Nxb Văn hóa Thông tin 2011
(4) http://www.thivien.net/viewwriting.php?ID=250
(5) huynhchuonghung.com
(6) Từ điển Hán Việt mạng.
(7) Từ điển Việt Hán của Đinh Gia Khánh


Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

RỖNG KIẾN THỨC




Hồi bà xã bu đang làm nhân viên phòng tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn, thỉnh thoảng có cô bạn thân cùng phòng  đến chơi.  Nàng không đẹp song ưa nhìn, vốn là cây đơn ca văn công quân đội nên tính tình hồn nhiên, xởi lởi, không có vụ điệu đà làm dáng như nhiều cô khác. Tên quai nôi là Thanh Thản, nhưng có ai gọi  là Thum Thủm thì  nàng cũng tiếp chuyện và thưa gửi đâu vào đấy.
    Hôm ấy vừa bước vào nhà bu Thản đã bô bô:
- Anh bu, em làm tín dụng trên mười năm trời mà hôm nay bị sếp  Lê Văn Mường mắng một trận te tát, tức cả mình.
- Sếp mắng làm sao nào
- Mắng em bị rỗng kiến thức
- À, rổng kiến thức?  Thì ai mà chẳng có chỗ rỗng
- Này này, đừng có mà xiên xẹo nhé
- Thì nói thẳng thắn xem nào…
- Em làm dự án chăn nuôi dê cho doanh nghiệp Dương Cường. Cha giám đốc xin vay để nâng đàn dê từ 60 lên 260 con.  Hồ sơ em ghi cho doanh nghiệp mua 100 dê đực và 100 dê cái,  xong đem lên trình thì bị sếp chê nào là rổng kiến thức, nào là lảng phí và khinh thường giống đực.
- Lạ nhỉ.
- Mà anh bu  biết đấy, nhà em chủ yếu là giống đực. Ông xã và hai thằng con trai em xem là ba ông vua, đến chàng gà trống gáy báo thức và cậu chó đực giữ nhà em cũng thương yêu lắm. Của đáng tội, lâu lâu cả nhà có đi chén lẩu dê, nhưng kiến thức về dê em đâu có rành.
- Sếp chê em lảng phí giống đực là chí phải. 100 con dê cái chỉ cần 10 con dê đực thôi.  Em đã lảng phí đến  90 con rồi.
-  Hihihi… hóa anh cũng không biết gì về dê, sếp Văn Mường bảo 100 dê cái chỉ cần 5 con dê đực là nó phục vụ ngon ơ.  Cô phải nhớ dê  đực là biểu tượng  tuyệt hảo cho sức mạnh nam tính. Nó là sáng tạo vĩ đại cuối cùng của thượng đế trên cõi đời mà ta cần trân trọng.
- Ờ nhỉ…nhưng biết đâu đấy, nhỡ có con bị liệt dương thì sao. Phải có lực lượng dự phòng chứ.
- Em cũng bảo thế nhưng sếp gạt đi mà rằng, giống dê đực chỉ có sống hoặc chết chứ không bao giờ liệt, cái tên doanh nghiệp Dương Cường là có cái lý của họ đấy, đã thế sếp còn cật vấn em,  thỉnh thoảng cô có đọc thơ không?
- Hả? ông Lên Văn Mường còn nói đến thơ
- Không chỉ nói  mà  đọc ngay tắp lự cho  em nghe mấy câu  thế này:

Nếu một ngày kia nhân loại hết tính dê
Khác nào thành phố nhiều ngày cúp điện.
Các bà, các cô không còn chưng diện.
Khắp phố phường đường sá cũng buồn thiu.
….

Bu tui khoát tay bảo Thanh Thản không đọc tiếp nữa, ngụm nước vừa uống vào miệng  đi lạc vào khí quản, ho sặc sụa, dàn dụa nước mắt, nói lạc cả giọng:
-   Cô bị… i… a  (bịa)
-   Em bịa  chết liền

Hihihi! 




Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

VỀ MỘT BẢN DỊCH BÀI THƠ HOÀNG HẠC LÂU CỦA THÔI HIỆU



Hoàng Hạc lâu  nhìn xa (ảnh nét)


Hoàng Hạc lâu cận cảnh (ảnh nét)



Nhà thơ Thôi Hiệu (704-754) làm thơ không nhiều, nhưng
chỉ với hai bài “Trường Can hành” và “Hoàng Hạc lâu” thì tên tuổi ông đã ở đỉnh cao chói sáng trong nghệ thuật thơ Đường. Chả thế mà nhà thơ tiên Lý Bạch cảm xúc trước cảnh sắc lầu Hoàng Hạc, muốn làm thơ ngợi ca nhưng đành phải gác bút thốt lên “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (Trước mắt có cảnh đẹp mà không thể làm thơ được, vì ở trên đã có bài thơ của Thôi Hiệu rồi).

Nguyên văn chữ Hán bài Hoàng Hạc lâu:

 崔颢
黄 鶴 樓
昔 人 已 乘 黄 鶴 去
此 地 空 餘 黄 鶴 樓
黄 鶴 一 去 不 復 返
白 雲 千 載 空 悠 悠
晴 川 歷 歷 漢 陽 樹
芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲
日 暮 鄉 關 何 處 是
                                煙 波 江 上 使 人 愁

Nhà thơ Tản Đà phiên âm, dịch xuôi,  và dịch thơ:
           
          Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
                     Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ.
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
                                    
                                   Lầu Hoàng Hạc

Người xưa đã cưỡi hạc bay đi rồi.
Ở chỗ này đây chỉ còn trơ lại một ngôi lầu tên là Hoàng Hạc.
Hạc vàng đã bay đi rồi không trở lại nữa.
Mây trắng ngàn năm vẫn bay lơ lửng hoài.
Bên dòng sông khi trời tạnh, hàng cây đất Hán Dương trông rõ mồn một.
Trên bãi Anh Vũ cỏ thơm mọc mơn mởn xanh tươi.
Lúc trời chiều, đứng ngắm cảnh, tự hỏi đâu là nơi quê nhà?
Khói tỏa trên sông sóng gợn khiến cho người ta sinh ra mối buồn rầu trong lòng.

                      
       
     Lầu Hoàng Hạc

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ !
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng  hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?

(Ngày Nay số 134
29.10.1938)

Gần một thế kỷ nay, rất nhiều người đã dịch Hoàng Hạc lâu ra quốc ngữ nhưng bản dịch của Tản Đà được mọi người cho là xuất sắc nhất. Trong “Lời bạt: Thơ Đường và các bản dịch thơ Đường của thi sĩ Tản Đà” (1) Giáo sư Trần Thanh Đạm viết: “Bản dịch Hoàng Hạc lâu của Tản Đà có thể được xem là mẫu mực thành công của nghệ thuật dịch thơ trong giao lưu văn chương cuả mọi thời đại”.
     Tuy nhiên sự sáng tạo là vô hạn, đầu thế kỷ 21, nhà giáo Phan Nhật Chiêu, giảng viên Đại học KHXH và NV tp. Hồ Chí Minh,  người nhiều năm giảng dạy Đường thi, đã dịch lại bài thơ này và được từ điển Wikipedia giới thiệu bên cạnh các tên tuổi  như Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng, Trần Trọng Kim. Để mô tả tài năng dịch thuật của ông Nhật Chiêu,  nhà sư Thích Thanh Thắng mượn câu thơ của Trần Nhân Tông “Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân” (Mỗi lần chạm tay vào là một lần mới tinh) (2) để ví von ca ngợi.  Và đây là bản dịch của Phan Nhật Chiêu trong Wikipedia:
                                       
                                Lầu Hoàng Hạc

Chở tiên đi, cánh hạc vàng
Bỏ hư không lại còn Hoàng Hạc lâu
Hạc vàng mất hút thiên thu
Để ngàn năm trắng mây từ từ trôi
Sông tình cây Hán Dương tươi
Bờ Anh Vũ  cỏ xanh ngời ngời xa
Quê hương đâu? Bóng dương tà
Trên sông khói sóng còn ta với sầu.

Xem ra, câu “thử địa không dư Hoàng Hạc lâu” mà dịch là “bỏ hư không lại còn Hoàng Hạc lâu” thì có mới nhưng không hơn gì “Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ” của Tản Đà.  Riêng câu thứ nhất và câu thứ năm thì người dịch đi quá xa nguyên tác làm giảm mức độ thi vị của bài thơ. “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ”  nói người xưa đã cưỡi hạc đi mất rồi, là nỗi xót xa của tác giả trước thời thế: Cái rực rỡ huy hoàng của một thời không còn nữa, tất cả đã theo cánh chim hạc bay vào cõi vô cùng vô tận... Nó không chỉ là sự xê dịch cơ học thường tình của con thuyền chở khách xuôi ngược trên dòng sông, như ông Nhật Chiêu nói: “Chở tiên đi, cánh hạc vàng”. Hai chữ “tích nhân”  ( - người xưa) trong câu “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ” của Thôi Hiệu không được người dịch quan tâm tới, làm câu thơ mất hết vẻ xa xăm, khắc khoải.  Câu thứ  năm “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ” được ông Nhật Chiêu dịch là “Sông tình cây Hán Dương tươi” thì thật lạ lùng. Không rõ ông hiểu thế nào là “sông tình”? Nếu cho “tình” là tên sông thì tại sao ông không viết  hoa chữ ấy  mà lại viết thường? Và nếu không là tên sông thì “sông tình” chỉ có thể là sông tình yêu chứ không còn cách hiểu nào khác.  Cả hai trường hợp “tình” là tên sông hoặc “tình” là tình yêu  cũng đều  chứng tỏ người dịch chưa hiểu được thi tứ của Thôi Hiệu. Chữ tình () gồm chữ thanh () và bộ nhật () có nghĩa là tạnh, và “tình xuyên” ( ) phải hiểu là sông tạnh. Thi sĩ Tản đà dịch:

“Hán Dương sông tạnh cây bày
 Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non”

Là nói cái bao la của đất trời làm cho con người cô đơn đến độ  lạc cả quê hương:     

“Quê hương khuất bóng  hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?”
     
     Theo thiển ý, với bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu thì bản dịch của Tản Đà cho đến nay là đỉnh cao duy nhất chưa ai vượt nổi, và “là mẫu mực thành công của nghệ thuật dịch thơ trong giao lưu văn chương cuả mọi thời đại” như Giáo sư Trần Thanh Đạm đã nhận  xét.



----------

1) Lời bạt trong tập Thơ Đường Tản Đà dịch, Nhà xuất bảnTrẻ, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh 1998.
(2) Dẫn theo http://Vietbao.vn bài  “Bàn tròn văn học về Nhật Chiêu”

















Đọc tiếp ...