Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

CHUYỆN TRÒ VỚI CATUL VỀ ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ







Bu ở Học viện Phật học Đại Tòng Lâm, Bà Rịa.
(Tượng cao ở giữa là đức Phật A di đà, bên trái và bên phải ngài mỗi bên 24 tượng, tổng cộng 48 tượng, minh họa cho 48 lời nguyện của sa môn Pháp Tạng (khi chưa thành A di đà) với đức Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai, nói ở phụ lục 2)



Bạn CaTul một thời nhiệt thành với blog Yahoo 360, nay đã bỏ cuộc, mới đây nàng e-mail cho bu hỏi: “Anh bu à, em nghe nói xuất xứ ông Phật A di đà trong kinh Bi Hoa khác xuất xứ ông phật A Di Đà trong kinh Vô lượng thọ, mà hai kinh này đều do đức Phật Thích Ca thuyết giáo, có đúng như thế không. Nếu đúng như thế thật thì em nên tin vào ông A di đà của kinh nào. Và tại sao lại có chuyện kỳ vậy anh bu ơi ? Huhuhu !!”

***

Người đẹp CaTul à, điều bạn nghe nói là có thật, biết trả lời sao cho rạch ròi đây, bu tui chỉ e - mail cho bạn những gì mình đã đọc, nhằm giúp bạn tham khảo thêm. Để cho ngắn gọn, nhiều chỗ bu không trích nguyên văn kinh sách mà chỉ nói đại ý, bạn muốn biết kỹ hơn xin đọc nguyên văn kinh Bi hoa và kinh Vô lượng thọ.

A – SỰ KHÁC BIỆT XUẤT XỨ GIỮA PHẬT A DI ĐÀ TRONG KINH BI HOA VÀ PHẬT A DI ĐÀ TRONG KINH VÔ LƯỢNG THỌ.

I – SỰ TÍCH PHẬT A DI ĐÀ TRONG KINH BI HOA

Phần “Đại thí” trong kinh Bi Hoa cho biết, có một lúc, đức Phật Thích ca đã thuyết Pháp ở thành Vương Xá trên núi Kỳ Xà Quật (còn gọi là núi Linh thứu, núi Kên Kên) cho sáu mươi hai ngàn (62.000) La Hán, cùng bốn trăm bốn mươi vạn (4.400.000) Bồ Tát. Rằng, trong Hằng hà sa số kiếp (1) trước có một đại kiếp tên là Thiện Trì. Trong đại kiếp ấy có cõi Phật San Đề Lam và một vị vua tên là Vô Tránh Niệm làm chủ bốn cõi thiên hạ. Triều đình nhà vua có vị đại thần tên là Bảo Hải dòng dõi Phạm chí (2) sinh được một con trai với ba mươi hai tướng tốt, lớn lên xuất gia theo nghiệp tu hành, trở thành đức Phật Bảo Tạng Như Lai. Ngày kia đức Phật Bảo Tạng đến khu rừng Diêm Phù (3) cách thành An Chu La không xa, mở Phật hội thuyết Pháp. Nghe tin đó vua Vô Tránh Niệm lấy làm hoan hỷ, liền cùng với một ngàn (1000) người con trai và tám mươi tư ngàn (84.000) vị tiểu vương rời thành An Chu La đến ngay khu rừng Diêm phù. Trong ba tháng ròng, vua cung kính lễ Phật, những người khác ngoài lễ Phật còn lễ các vị Thanh Văn (4). Sau một thời gian chứng kiến các nghi lễ trên, đại thần Bảo Hải tâu với vua Vô Tránh Niệm : Đại vương! Nay đại vương nên phát thệ nguyện, nhận lấy cõi Phật vi diệu. Nhà vua liền nghe theo và cung kính đến trước đức Phật BảoTạng: Bạch Thế tôn, nay con muốn được đạo Bồ đề…Vừa qua trong vòng bảy năm con đã ngồi yên tĩnh tư duy về số những cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm khác nhau…nay trước oai lực đức Bảo Tạng Như Lai con xin phát nguyện… (mời xem mười điều phát nguyện của vua Vô Tránh Niệm ở phụ lục 1)

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe vua Vô Tránh Niệm nguyện mười điều ấy thì khen: hay thay, hay thay. Đại vương phát nguyện sâu lớn, thực mong có một cõi thanh tịnh. Kìa! Đại vương, hãy nhìn về phương tây, cách trăm muôn ngàn ức cõi Phật, có một thế giới gọi là Tôn Thiên Vô Cấu…Một ngày kia, khi đức Phật Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương Như Lai của cõi ấy nhập niết bàn thì đại vương! Lúc ấy ông sẽ thành Phật Vô Lượng Thọ Như Lai. Cũng là đức Phật A DI ĐÀ

II - SỰ TÍCH PHẬT A DI ĐÀ TRONG KINH VÔ LƯỢNG THỌ.

Quyển thượng của kinh Vô lượng thọ viết rằng, một thời, đức Phật Thích Ca trụ trong núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá cùng với một vạn hai nghìn (12.000) vị Đại Tỳ Khưu (5). Đức Thích Ca thuyết rằng, về đời xưa kia cách nay rất lâu xa, không thể tính bàn được là bao nhiêu kiếp có đến 50 vị Phật lần lượt diệt độ, đến vị Phật thứ 51 tên là Thế Tự Tại Vương Như Lai tiếp tục thuyết pháp cứu độ chúng sinh. Lúc ấy có một vị Quốc vương nghe Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai thuyết pháp thì sanh lòng vui mừng, liền phát tâm Vô thượng bồ đề, lìa cõi nước, bỏ ngôi vua, xuất gia làm Sa môn hiệu là Pháp Tạng, tài cao trí dũng khác đời. Ngài Pháp Tạng đến chỗ đức Thế Tự Tại Như Lai cúi đầu lễ dưới chân, và đọc một bài kệ dài 69 câu ngợi ca đức Phật. Đức Thế Tự Tại biết Pháp Tạng là người cao minh, có chí nguyện sâu rộng liền nói kinh cho Pháp Tạng nghe. Nghe xong Pháp Tạng thấy rõ hết cõi nước trang nghiêm, thanh tịnh, liền khởi sanh ý nguyện thù thắng tuyệt vời, ngài bạch Phật rằng: Kính xin đức Thế Tôn rủ lòng thương, xét cho các điều nguyện lớn của con sau đây: (mời xem 48 điều phát nguyện của Tỳ kheo Pháp Tạng ở phụ lục 2). Kể từ đây Tỳ Kheo Pháp Tạng trở thành bậc Vô thượng Chánh giác và có tên là đức Phật Vô lượng thọ, cũng là đức Phật A di Đà.

III. TÓM TẮT VỀ SỰ KHÁC BIỆT

1- Sự giống nhau giữa kinh Bi Hoa và kinh Vô Lượng Thọ:
  • Cả hai kinh đều có mẫu câu “như thị ngã văn” (tôi nghe như vầy) được cho là do ông A nan thuật lại lời Phật thuyết.
  • Địa điểm thuyết giáo của đức Phật là núi Kỳ Xà Quật thành Vương Xá.

2- Sự khác nhau giữa kinh Bi Hoa và kinh Vô Lượng Thọ:
  • Số người nghe Phật thuyết ở kinh Bi Hoa là 62.000 vị La Hán và 4.400.000 vị Bồ Tát, trong khi ở Kinh Vô Lượng Thọ chỉ có 12.000 vị Đại Tỳ Khưu.
  • Ở kinh Bi Hoa người phát lời nguyện là vua Vô Tránh Niệm, trong khi ở kinh Vô Lượng Thọ người phát nguyện là Tỳ Kheo Pháp Tạng.
  • Vị Phật trong kinh Bi Hoa là Pháp Tạng Như Lai, trong khi vị Phật ở kinh Vô Lượng Thọ là Thế Tự Tại Vương Như Lai.
  • Ở kinh Bi Hoa vua Vô Tránh Niệm nguyện 10 điều (xem phụ lục 1) để thành Phật A Di Đà, thì ở kinh Vô Lượng Thọ ngài Pháp Tạng nguyện đến 48 điều (xem phụ lục 2)

B- KINH NÀO ĐÁNG TIN HƠN ?

Không biết khuyên bạn thế cho phải. Nếu bạn đang tu theo môn phái Tịnh độ thì nên tin vào đức độ Phật A Di Đà hơn là tin vào trích ngang lý lịch của ông ấy. Cũng như ta đi học, chỉ cần thầy giỏi, thương yêu học trò, chớ thầy người bắc, người trung, người nam, thậm chí người nước ngoài đi nữa thì có sao đâu. Nhà sư Thích Hữu Thiện ở chùa Phước Hưng (6) có nói: “Vua Vô Tránh Niệm, Tỳ kheo Pháp Tạng là hai hay một tiền thân Phật A Di Đà, cũng không cần đào sâu tìm biện chứng, bởi trí Phật không vướng bận danh tướng. Nếu ta tin đức Phật A Di Đà có thật, lại để cho tâm nhiễm ô bất tịnh, cũng không làm nên tích sự gì! Nếu người tin đức Phật A Di Đà là hình tượng biểu trưng cho chơn tánh rồi hạ thủ công phu tu niệm cho tâm vô nhiễm tương tự Phật trí sẽ được nhiều phúc lạc và ảnh hưởng đến xã hội”.

C - TẠI SAO LẠI CÓ SỰ KHÁC NHAU NHƯ VẬY.

1- Theo sách “Đức Phật lịch sử “ của H.W. SCHUMANN thì
sau khi đức Phật tịch diệt khoảng 383 năm (đầu TK thứ nhất TCN) những lời thuyết giảng của Ngài mới được chư Tỳ kheo ghi lên lá bối khô trên đảo quốc Ceylon tức Srilanka ngày nay. Trước đó kinh tạng được bảo trì trong tâm trí của chư Tỳ kheo truyền từ đời này qua đời khác. Trí nhớ con người dẫu có siêu tuyệt đến đâu thì cũng không thể loại trừ được sai sót. Có thể khi đức Phật Thích ca thuyết giảng kinh Bi Hoa và kinh Vô lượng thọ thì xuất xứ Phật A di đà như nhau, nhưng sau này tam sao thất bản thành ra khác biệt.

2- Chính bu cũng đang lấn cấn là: Môn phái Tịnh độ tông (mà giáo chủ là A di đà) do cao tăng Trung quốc là Huệ Viễn ( 334- 416) sáng lập. Kinh vô lượng Thọ là của riêng môn phái Tịnh độ tông. Vậy thì sao lại có chuyện kinh ra đời trước khi cao tăng Huệ Viễn sáng lập ra môn phái ấy. Ta biết Cao Tăng Huệ Viễn sống trong khoảng 314- 416 CN, đức Phật thượng tại trong khoảng 563- 483 TCN tức là đức Phật giảng Kinh Vô lượng Thọ trước Huệ Viễn khoảng 900 thì khó tin quá.

3- Bu tui rất tâm đắc với nhận định của triết gia - nhà nghiên cứu Phật học lỗi lạc EDWARD CONZE trong cuốn lược sử Phật giáo “ Những kinh điển chúng ta hiện có, có thể đã được biên soạn vào bất cứ thời điểm nào trong suốt 500 năm của thời kì đầu. Trước tiên cần phải nói rõ rằng, không có một tiêu chuẩn khách quan cho phép chúng ta chon ra được những phần nào trong số kinh điển này là do chính đức Phật nói ra”

Vậy thì kinh Bi Hoa và kinh Vô lượng thọ có thể không do đức Phật thuyết nên nó không giống nhau như bu tui đã nói ở trên.

----------------

(1) Kiếp: Thời gian trong Phật giáo, có ba loại kiếp. Tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp. Một tiểu kiếp có 16.800.000 năm, một trung kiếp có 336.000.000, một đại kiếp có 1.334.000.000 năm. Những con số này có tính cách tương trưng để chỉ một thời gian dài.
(2) Phạm chí: Danh từ này được dùng để chỉ chung cho các tu sĩ ngoại đạo, ở đây chỉ dòng dõi Bà la môn
(3) Diêm phù: Tên một loài cây, cũng gọi là Diêm phù đàn.
(4) Thanh văn: Nghĩa là người nghe, học trò của Đức Phật, trong Đại thừa từ Thanh văn chỉ những ai chứng tri kiến Tứ diệu đế và tính Không của thế giới hiện tượng.
(5) Tì khưu: Có sách viết là Tỉ kheo, chỉ một người nam xuất gia, làm công việc thiền định và giảng dạy giáo pháp. Sống lang thang không vợ con không nhà.

------------------

Phụ lục1: 10 điều nguyện 
của vua Vô Tránh Niệm với đức Phật Pháp Tạng Như lai.

1- Nguyện sau khi được thành Phật, con sẽ thực hiện một thế giới đủ sự vui đẹp. Nhân dân trong cõi ấy không có những đường địa ngục, ngạ quỷ, và súc sinh. Hết thảy chúng sinh trong cõi ấy chẳng khi nào còn thối chuyển mà đọa vào trong ba đường dữ đó nữa. Người nào cũng đủ sáu phép thần thông (8) và căn thân tốt đẹp…

2- Nguyện cho thế giới của con không có nữ giới, cũng không có tên gọi nữ giới, hết thảy chúng sanh đều hóa sinh (9) chỉ một lần, thọ mạng vô lượng. Thế giới thanh tịnh không có sự xấu xa nhơ nhớp…

3- Nguyện cho chúng sinh ở thế giới của con chỉ trong khoảng thời gian của một bữa ăn có thể nương oai thần của Phật mà đi đến vô lượng vô biên cõi thế giới, được gặp các vị Phật hiện tại. Những chúng sinh ấy đều được thân thể có sức mạnh như lực sĩ Na la diên (10) cõi trời…

4- Nguyện cho tất cả chúng sanh trong cõi thế giới của con đều có được cung điện, y phục, chuỗi ngọc anh lạc, đủ mọi sự trang nghiêm tốt đẹp…

5- Nguyện sau khi con thành phật khiến cho chư Phật khắp mời phương đều xưng dương tán thán danh hiệu của con…

6- Nguyện sau khi con thành Phật, nếu có chúng sinh nào nghe đến danh hiệu của con rồi phát tâm tu các căn lành, để cầu sinh về thế giới của con, nguyện cho các chúng sinh ấy sau khi xả bỏ thân mạng chắc chắn sẽ được sinh về, trừ những chúng sinh phạm năm tội nghịch (11) phỉ báng thánh nhân, phá họai chánh pháp.

7- Nguyện sau khi con thành Phật, nếu có chúng sinh nào phát tâm tu các căn lành để cầu được sinh về thế giới của con, thì vào lúc lâm chung con cùng đại chúng vây quanh sẽ hiện đến ngay trước mặt người ấy. Người ấy sẽ được hoan hỷ, liền đó xả bỏ thân mạng sinh về thế giới của con.

8- Nguyện sau khi thành Phật nếu các vị đại Bồ tát nào muốn từ nơi con được nghe những pháp chưa từng nghe, vị ấy sẽ theo như chỗ phát nguyện mà được nghe.

9- Nguyện sau khi con thành Phật, trong vô lượng vô biên cõi thế giới khác, mỗi nơi đều có các vị Bồ tát nếu nghe được danh hiệu của con liền được ngay địa vị không còn thối chuyển…

10- Nguyện sau khi con diệt độ rồi tuy đã trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp (12) cõi Phật thế giới, nếu có người nữ nào nghe được danh hiệu của con, liền sẽ được sinh tâm hoan hỷ, khởi lòng tin sâu vững, phát tâm A nậu đa la Tam niệu Tam bồ đề (13) rồi mãi mãi cho đến khi thành Phật quyết chẳng bao giờ phải thọ sinh thân người nữ một lần nào nữa…

Phụ lục 2: 48 điều nguyện của sa môn Pháp Tạng với đức Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai

1- Điều nguyện thứ nhất: Nếu con được thành Phật mà trong cõi nước con còn có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

2- Điều nguyện thứ hai: Nếu con đượ thành Phật, mà trời, người trong cõi nước con sau khi thọ chung, còn phải sa vào đường dữ, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

3- Điều nguyện thứ ba: Nếu con được thành Phật, mà tất cả trời, người trong cõi nước con thân không giống màu vàng y, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

4- Điều nguyện thứ tư: Nếu con được thành Phật, mà tất cả trời, người trong cõi nước con thân hình còn có kẻ đẹp, người xấu, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

5- Điều nguyện thứ năm: Nếu con được thành Phật, mà trời, người trong cõi nước con không biết rõ Túc mạng của mình và những việc đã xẩy ra trong năm nghìn Na do tha các cõi Phật, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

6- Điều nguyện thứ sáu: Nếu con được thành Phật, mà trời, người trong cõi nước con, không được phép Thiên nhãn, cho đến không thấy rõ trăm nghìn ức Na do tha các cõi Phật, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

7- Điều nguyện thứ bảy: Nếu con được thành Phật, mà trời, người trong cõi nước con, không được phép Thiên nhĩ, không được nghe và thọ trì hết thảy lời thuyết pháp của trăm nghìn ức Na do tha các Đức Phật, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

8- Điều nguyện thứ tám: Nếu con được thành Phật, mà trời, người trong cõi nước con, không được thấy tâm trí kẻ khác, cho đến không biết rõ tâm niệm của hết thảy chúng sanh trong trăm nghìn ức Na do tha các cõi Phật, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

9- Điều nguyện thứ chín: Nếu con được thành Phật, mà trời, người trong cõi nước con, không được phép Thần túc, trong khoảng một niệm, cho đến không vượt qua được trăm nghìn ức Na do tha cá cõi Phật, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

10- Điều nguyện thứ mười: Nếu con được thành Phật, mà trời, người trong cõi nước con, còn có ý niệm tham chấp thân hình, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

11- Điều nguyện thứ mười một: Nếu con được thành Phật, mà trời, người trong cõi nước con, không trụ vào chánh định và chứng quả Niết bàn thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

12 - Điều nguyện thứ mười hai: Nếu con được thành Phật, mà ánh còn có hạnh lượng, không soi tháu được trăm nghìn ức Na do tha các cõi Phật thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

13 - Điều nguyện thứ mười ba: Nếu con được thành Phật, mà thọ mạng còn có hạn lượng, chỉ được trăm nghìn ức Na do tha kiếp, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

14- Điều nguyện thứ mười bốn: Nếu con được thành Phật, mà hàng thanh văn trong cõi nước con, có thể tính đếm được và chúng sanh trong ba nghìn Đại thiên thế giới ở trong trăm nghìn kiếp thành bậc Duyên giác hết, rồi tính đếm và biết được số đó là bao nhiêu, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

15- Điều nguyện thứ mười lăm: Nếu con được thành Phật, mà trời, người trong cõi nước con, thọ mạng còn có hạn lượng, trừ phi những bổn nguyện riêng của họ, muốn dài, ngắn đều được tự tại. Nếu không được như vậy, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

16- Điều nguyện thứ mười sáu: Nếu con được thành Phật, mà trời, người trong cõi nước con, còn có ai nghe thấy tiếng chẳng lành, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

17- Điều nguyện thứ mười bảy: Nếu con được thành Phật, mà vô lượng chư Phật ở mười phương thế giới không khen ngợi danh hiệu của con, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

18- Điều nguyện thứ mười tám: Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác, trừ kẻ phạn tội nghịch và gièm chê Chánh pháp.

19- Điều nguyện thứ mười chín: Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh mười phương phát tâm Bồ đề, tu các công đức, dốc lòng phát nguyện, muốn sanh về cõi nước con, tới khi thọ chung, mà con chẳng cùng đại chúng hiện ra chung quanh trước mặt người ấy, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

20- Điều nguyện thứ hai mươi: Nếu con được thành Phật, mà chúng sang trong mười phương nghe danh hiệu của con, để lòng nhớ nghỉ đến nước con, tu trồng các công đức, đô lòng hồi hướng, cầu sanh về cõi nước con, mà không được vừa lòng thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

21- Điều nguyện thứ hai mươi mốt: Nếu con được thành Phật, mà trời người trong cõi nước con chẳng được đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

22- Điều nguyện thứ hai mươi hai: Nếu con được thành Phật, hết thảy chúng Bồ tát ở cõi Phật phương khác sanh về cõi nước con sau đó sẽ tới bậc Nhất sanh bổ xứ, trừ bổn nguyện riêng của mỗi vị tự tại hóa hiện, vì thương xót chúng sanh mà rộng lớn, bền chắc như áo giáp, tu các công đức, độ thoát hết thảy, rồi khắp các cõi Phật, tu hạnh Bồ tát và cúng dường mười phương chư Phật, khai hóa vô số chúng sanh, khiến lập nên đạo vô thượng chánh giác. Chư vị vượt ngoài công hạnh, thông thường ở các địa vị mà tu tập theo hạnh nguyện của Đức Phật Phổ Hiền. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

23- Điều nguyện thứ hai mươi ba: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ tát trong cõi nước con, nương sức thần của Phật đi cúng dường các đức Phật trong khoảng thời gian một bữa ăn, mà không tới được vô số, vô lượng ức Na do tha các cõi Phật thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

24- Điều nguyện thứ hai mươi bốn: Nếu con được thành Phật, mà các bồ tát trong cõi nước con, ở trước chư Phật, hiện ra công đức, muốn có muôn vàn vật dụng để cúng dường. Nếu không được như ý, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

25- Điều nguyện thứ hai mươi lăm: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ tát trong cõi nước con, không diễn thuyết được Nhất Thiết Trí, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

26- Điều nguyện thứ hai mươi sáu: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ tát trong cõi nước con, không được thân Kim cương Na la diên, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

27- Điều nguyện thứ hai mươi bảy: Nếu con được thành Phật, mà trời người trong cõi nước con, cùng tất cả muôn vật không có hình sắc tốt đẹp, không thể tính lường, và hết thảy chúng sanh cho đến bậc đã được phép Thiên nhãn, mà không nói được rò ràng danh số, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

28- Điều nguyện thứ hai mươi tám: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ tát trong cõi nước con, cho đến kẻ có ít công đức nhất, không thấy được ánh sáng muôn màu của cây Bồ đề cao bốn trăm vạn do tuần, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

29- Điều nguyện thứ hai mươi chín: Nếu con được thành Phật, các bồ tát trong cõi nước con, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết kinh pháp, mà không được trí tuệ biện tài, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

30- Điều nguyện thứ ba mươi: Nếu con được thành Phật, mà trí tuệ biện tài của các Bồ tát trong cõi nước con còn có hạn lượng, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

31- Điều nguyện thứ ba mươi mốt: Nếu con được thành Phật, thì cõi nước con thanh tịnh, soi thấu tất cả vô lượng vô số thế giới chư Phật ở mười phương không thể nghỉ bàn, như tấm gương sáng thấy được hình dạng của mình. Nếu không được như vậy, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

32- Điều nguyện thứ ba mươi hai: Nếu con được thành Phật, trong cõi nước con, từ mặt đất đến hư không, cung điện, lâu đài, hồ ao, cây cỏ và muôn hoa đều được tạo nên bằng vô lượng của báu hòa lẫn với muôn thứ hương thơm. Tất cả đều xanh đẹp lạ lùng hơn cả cõi trời và cõi người. Hương thơm của muôn vật tỏa ra ngào ngạt khắp mười phương thế giới. Bồ tát ở các nơi ngửi hương thơm ấy đều thu theo hạnh của của Phật. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

33- Điều nguyện thứ ba mươi ba: Nếu con được thành Phật, chúng sanh trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghỉ bàn, đều nhờ ánh sáng quang minh của con chạm đến thân họ, khiên thân được nghẹ nhàng hơn cả trời và người. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi Chánh giác.

34- Điều nguyện thứ ba mươi bốn: Nếu con được thành Phật, mà chúng sanh trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu của con mà không được pháp vô sanh pháp nhẫn và các môn thâm Tổng trì của bậc Bồ Tát, thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

35- Điều nguyện thứ ba mươi lăm: Nếu con được thành Phật, mà nữ nhơn trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu con đều vui mừng, phát tâm Bồ đề, chán ghét thân gái. Sau khi mạng chung mà còn phải làm nữ nhơn nữa thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

36- Điều nguyện thứ ba mươi sáu: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu con, sau khi thọ chung, thường tu phạm hạnh cho đến khi thành Phật. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

37- Điều nguyện thứ ba mươi bảy: Nếu con được thành Phật, mà trời và người trong vô lượng thế giới chư Phật mười phương không thể nghĩ bàn, nghe danh hiệu con, cúi đầu đảnh lễ, năm vóc gieo xuống đất, vui mừng tu hạnh Bồ Tát, được hầu hết trời và người kính trọng. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

38- Điều nguyện thứ ba mươi tám: Nếu con được thành Phật, mà trời và người trong cõi nước con muốn có y phục tốt đẹp theo tâm niệm của họ tự nhiên hiện ra trên thân họ. Nếu còn phải cắt may, nhuộm, giặt, thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

39- Điều nguyện thứ ba mươi chín: Nếu con được thành Phật, mà trời và người trong cõi nước con không được sự hưởng thọ vui sướng bằng vị Tỷ khưu đã dứt hết mọi phiền nảo, thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

40- Điều nguyện thứ bốn mươi: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát trong cõi nước con, tùy ý muốn thấy vô lượng thế giới trang nghiêm thanh tịnh của chư Phật ở mười phương đều được như nguyện. Chẳng hạn, nhìn trong cây báu thấy rõ hết cả, như nhìn vào tấm gương sáng thấy rõ nhân diện. Nếu không được như thế thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

41- Điều nguyện thứ bốn mươi mốt: Nếu con được thành Phật, mà các chúng Bồ Tát ở thế giới khác, nghe danh hiệu con, từ đó đến khi thành Phật, mà các sắc căn còn thiếu kém, thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

42- Điều nguyện thứ bốn mươi hai: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát ở thế giới phương khác, nghe danh hiệu con, đều được chánh định giải thoát thanh tịnh, rồi trụ vào chánh định đó trong khoảng một ý niệm cúng dường vô lượng chư Phật Thế Tôn chẳng thể nghỉ bàn, mà vẫn không mất chánh định. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

43- Điều nguyện thứ bốn mươi ba: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát ở thế giới phương khác, nghe danh hiệu con, sau khi mạng chung, thác sanh vào nhà tôn quý. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

44- Điều nguyện thứ bốn mươi tư: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát ở thế giới phương khác, nghe danh hiệu con, vui mừng hớn hở, tu hạnh Bồ Tát, trọn đủ công đức. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

45- Điều nguyện thứ bốn mươi lăm: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát ở thế giới phương khác, nghe danh hiệu con, đều được Phổ Đẳng Tam Muội, rồi trụ vào Tam muội đó cho đến khi thành Phật, thường đơcj thấy chư Phật, chẳng thể nghĩ bàn. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

46- Điều nguyện thứ bốn mươi sáu: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát trong cõi nước con, muốn nghe pháp gì, đều theo chí nguyện mình, tự nhiên được nghe. Nếu không được như thế, thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

47- Điều nguyện thứ bốn mươi bảy: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát ở thế giới phương khác, nghe danh hiệu con mà chẳng tới được bậc Bất thoái chuyển, thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.

48- Điều nguyện thứ bốn mươi tám: Nếu con được thành Phật, mà các Bồ Tát ở thế giới phương khác, nghe danh hiệu con mà chẳng tới ngay được ba đức nhẫn: Amm hưởng nhẫn, Nhu thuận nhẫn, vvaf vô sanh pháp nhẫn. Đối với các pháp của Phật mà không chứng được bậc Bất thoái chuyển, thì con chẳng trụ ở ngôi chánh giác.


Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

BẢN DỊCH BÀI THƠ PHONG KIỀU DẠ BẠC HAY NHẤT LÀ CỦA MỘT NHÀ THƠ QUẢNG BÌNH CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA TẢN ĐÀ

 
Hàn Sơn Tự là ngôi chùa cổ nằm ở phía tây của trấn Phong Kiều, Tô Châu.
Chùa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ VI, trong niên hiệu Thiên Giám thời vua Lương Vũ Đế nhà Lương
 với tên gọi ban đầu là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp viện.

                        
 
Bài thơ Phong Kiều dạ bạc là tuyệt bút của Trương Kế làm cách nay khoảng 1250 năm,  phiên âm ra Hán Việt :

Phong Kiều dạ bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch xuôi:
Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều
Trăng xế, quạ kêu, sương đầy trời.
Khách nằm ngủ trước cảnh buồn của anh đèn
thuyền chài và hàng cây phong trên bờ sông.
Từ ngoại thành Cô Tô, chùa Hàn Sơn
Nửa đêm có tiếng chuông vọng đến thuyền khách

Chỉ với 28 chữ, bài thơ làm người đọc cảm được nỗi sầu của lữ khách giữa sông trăng hiu hắt anh đèn, với tiếng quạ kêu thảng thốt, với tiếng chuông chùa cô quạnh giữa  thinh không ... Phong Kiều dạ bạc đã được Khang Hữu Vi (1) viết lên đá và bản khắc còn lưu tại chùa Hàn Sơn ở Tô Châu cho đến  ngày nay. Các học giả Việt Nam  như Ngô Tất  Tố, Trần Trọng Kim, Bùi Khánh Đản, Trần Trọng San ....đã từng dịch nhưng chưa có bản dịch nào hay bằng bản in ở trang 1311 mục “Thơ Đường đỉnh cao của văn minh nhân loại” trong sách ALMANACH (NXBVHTT 1995) mà nhóm làm sách cho là nhà thơ Tản Đà dịch. 

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Không rõ các tác giả sách ALMANACH căn cứ vào đâu mà khẳng định như thế, vì từ năm 1962, khi ấn hành “Thơ Đường tập I”, Nhà xuất bản Văn hóa - Viện Văn học đã ghi dưới bản dịch trên là “khuyết danh”. Làm như vậy là thận trọng vì thời đó người ta không có bằng chứng nào để nói bản dịch trên là của Tản Đà. Chúng ta đều biết toàn bộ văn dịch của Tản Đà có trong bộ Tản Đà vận văn gồm ba quyển, do Tản Đà Thư cục xuất bản lần thứ nhất  vào năm 1939, lần thứ hai vào năm 1940, lần thứ ba vào năm 1941.  Sau này Nhà xuất bản Hương Sơn tái bản lần thứ nhất vào năm 1945, tái bản lần hai vào năm 1952. Trong lần in 1952 có đầy đủ nhất các tác phẩm của Tản Đà gồm thơ ca, từ khúc, chèo, sấm, lý, hát ả đầu, văn dịch...nhưng truyệt nhiên không có bản dịch Phong Kiều dạ bạc như đã nói trên. Thời đất nước chưa thống nhất, ở Sài Gòn có hai  quyển sách in bản dịch trên và ghi người dịch là Tản Đà. Đấy là “Thơ Đường tập 1” in năm 1957 của Trần Trọng San và “Văn chương Trích diễm” in năm 1957 của Lý Văn Hùng.  Sự nhầm lẫn của hai tác giả này dẫn đến các tập thơ Đường  in sau đó đều ghi bản dịch trên là của Tản Đà.

     Mãi đến năm 1995 khi khảo đính và chú thích bài Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận (2), học giả Nguyễn Quảng Tuân cùng các cộng sự  tìm đọc tập Trong 99 chóp núi (Đinh Nhật Thận với Thu dạ lữ hoài ngâm) của Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề mới hay rằng bản dịch lâu nay cho là của Tản Đà lại chính là của Nguyễn Hàm Ninh (3) một nhà thơ Quảng Bình. Số là, ở sách Trong  99 chóp núi do nhà xuất bản Tân Việt ấn hành năm 1942 ông Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề cho hay: Trong quá trình làm sách ông có mượn được một số di cảo thơ văn của Đinh Nhật Thận trong tủ Sách của Nguyễn Hàm Ninh. Ông cũng may mắn tìm thêm được một số di cảo của Nguyễn Hàm Ninh là bạn thân của Đinh Nhật Thận và Cao Bá Quát, trong đó có bản dịch bài thơ Phong Kiều dạ bạc mà lâu nay người ta cho là của Tản Đà. Nguyên văn bài dịch Của Nguyễn Hàm Ninh được Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề chép lại như sau:

Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều
Quạ kêu, trăng lặn, trời Sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San (4)

Câu đầu của bản dịch này (Quạ kêu, trăng lặn, trời Sương) có khác cầu đầu của bản dịch mà lâu nay nhiều người cho là của Tản Đà (Trăng tà chiếc quạ kêu sương )  lẽ do tam sao thất bản lâu ngày mà thành ra như vậy! 

(1) Khang Hữu Vi:  (1858- 1927) Nhà văn lớn, nhà tư tưởng tư sản, lãnh tụ phái Duy tân ở Trung Quốc cuối thế kỷ 19
2) Đinh Nhật Thận: (1818- 1868)t danh sĩ quê ở Thanh Chương Nghệ An, tác giả “Thu dạ lữ hoài ngâm”
3) Nguyễn Hàm Ninh: (1808-1867) người làng Phù Hóa sau dời về ở làng Trung Thuần xã Quảng Lưu, Quảng Trạch. Năm 1831 đỗ đầu kì thi hương, đã từng làm tri huyện Lục Ngạn, Án Sát Khánh Hòa, ông nổi tiếng hay chữ. Là bạn xướng hóa với nhà thơ danh tiếng Cao Bá Quát.
4) Người viết bài này tham khảo bài viết “Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế của Nguyễn Quảng Tuân, mới đây  lại được hầu chuyện cụ Tuân tại tư thất của ông (53 Đinh Tiên Hoàng phường ĐaKao TPHCM) được ông  cung cấp cho những tư liệu cần thiết.
     
   
Multiply:  05/12/2009

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

TẢN MẠN VỚI BÁC LÊ NGUYỄN LƯU


Cô gái nhỏ bơi thuyền nhỏ (ảnh nét)


Chùa Hàn Sơn ở Tô Châu (bu chụp năm 2007)


Phong cảnh bên cạnh chùa Hàn Sơn ở Tô Châu (bu chụp năm 2007)


Bulukhin với bản khắc đá bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế
ở chùa Hàn Sơn
(Năm 2007 ở Tô Châu)


1- Học giả Lê Nguyễn Lưu cho ra đời bộ “Đường thi tuyển dịch” (1) khá đồ sộ. Sách gồm hai tập tổng cộng 1845 trang, thống kê 1049 bài thơ của 173 tác giả thơ Đường.  Mỗi bài thơ tác giả thao tác trên ba công đoạn: phiên âm từ chữ Hán ra chữ Việt, dịch xuôi, dịch thơ. Riêng Lời nói đầu và phần Tiểu luận 206 trang, chiếm gần 11,2 % số trang sách. Ở mục “Cái khó trong ngôn ngữ” (Tr 185) tác giả nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn nói rằng việc nắm cho đúng cái mạch ý tứ của bài thơ Đường là một quá trình lao động khó khăn gian khổ, luôn luôn phải vắt óc suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo, làm tiêu hao khá nhiều năng lượng. Không bao giờ người dịch được quyền cẩu thả, lơ là, và rất cần được người khác góp ý, phê bình, thảo luận, sửa chữa…”.  Theo phương châm vừa nêu, bác Lê Nguyễn Lưu bỏ ra nhiều trang để phê phán, nhận xét một số dịch giả,   bu tui chỉ đơn cử ra hai vị: Với Tản Đà, bác Lưu ngợi ca về tài năng dịch thuật, nhưng lại mượn lời Mai Quốc Liên  để phê phán “Tản  Đà có lần thất bại khi ông dịch bài Độ Tang (2) của Giả Đảo…Tản Đà đã đánh mất Giả Đảo…”,  Với học giả họ Trần, bác Lưu thẳng thắn đến độ thẳng thừng “ Trần Trọng Kim là một tác giả của cuốn Việt Nam văn phạm, thế mà không nắm được ngữ Pháp tiếng Hán cổ. Trong 336 bài dịch thơ đường của ông không có lấy một câu hay, lại mắc phải nhiều lỗi…”

2- Thực ra, bu tui chưa đọc hết 1049 bài thơ trong bộ Đường thi tuyển dịch của bác Lê Nguyễn Lưu nên chưa thể có nhận xét tổng quát. Thói quen của bu là chọn  tác giả nào thật nổi tiếng đọc trước, số còn lại lai rai đọc sau,  chẳng hạn với Trương Kế (vào khoảng trước sau 756 ) đọc “Phong Kiều dạ bạc”,  với Bạch Cư Dị (772-846) đọc “Trì thượng”. 

* Bu chép lại ba công đoạn dịch thuật của bác Lưu về bài Phong Kiều dạ bạc.

Nguyên văn chữ Hán       


楓橋夜泊 
月落烏啼霜滿天
江楓火對愁眠
姑蘇城外寒山寺

夜半鐘聲到客船


Phiên âm ra quốc ngữ
Phong Kiều dạ bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Dịch xuôi
       Trăng lặn, quạ kêu sương xuống đầy trời.
        Cây phong bên sông cùng ánh đèn chài ngủ giấc buồn.
        Từ chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô,
        Nữa đêm tiếng chuông vang vọng đến thuyền khách.

Dịch thơ
Sương mờ, quạ giục ánh trăng phai,
Cây bến sầu mơ  ngọn lửa chài.
Ngoài ngõ Cô Tô chùa Núi Lạnh,
Nữa đêm chuông vọng tới thuyền ai.

Bu tạm chưa nói tới phần dịch xuôi và dịch thơ của bác hay hoặc dở. Chỉ lấy làm lạ tại sao cũng một cái chùa mà khi dịch xuôi bác theo nguyên tác gọi là “Chùa Hàn Sơn” tới khi dịch thơ bác lại gọi là chùa “Núi Lạnh”.  Tên chùa Hàn Sơn có trước khi Trương Kế làm thơ, đến nay tên gọi đó đã tồn tại trên 1300  năm. Với người đọc Việt Nam ba tiếng Hàn Sơn Tự gợi lên sự huyền ảo, kì bí, tăng ý vị bài thơ Phong kiều dạ bạc, vốn là tuyệt đỉnh văn chương của mọi thời, di sản văn minh nhân loại (3). Nếu cứ máy móc như bác thì Thủ đô Hà Nội phải gọi  thủ đô Trong Sông, Đại Nội của Huế phải gọi  Trong Lớn, cầu Bạch Hổ trên sông Hương phải gọi là cầu Hổ trắng, nghe nó trần trụi như cái xác không hồn.  Đến đây bu phải dẫn ra bài dịch tuyệt hay của Tản Đà để thấy ba tiếng Hàn Sơn Tự thánh thót như tiếng chuông.
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lữa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

* Với bài Trì thượng của Bạch Cư Dị  bác cũng thực hiện ba công đoạn.

Nguyên văn chữ Hán
池上
 
 
 

Phiên âm ra quốc ngữ
Trì thượng
Tiểu oa sanh tiểu đĩnh, 
Thâu thái bạch liên hồi, 
Bất giải tàng tung tích, 
Phù bình nhất đạo khai

Dịch xuôi
Cô gái nhỏ bơi thuyền nhỏ.
Hái sen trắng chở theo.
Biết gì che dấu vết,
Mở lối giữa ao bèo

Dịch thơ
Gái nhỏ bơi thuyền nhỏ.
Hái sen trắng chở theo.
Biết gì che dấu vết,
Mở lối giữa ao bèo.

Đọc xong công trình của bác, bu tui đâm nghi ngờ nhà thơ Bạch Cư Dị. Thi sĩ xuất chúng được người đời gọi là “Thi tiên” như Bạch tiên sinh sao lại đi trách cô bé hái sen “Biết gì che dấu vết” vì đã “Mở lối giữa ao bèo”. Công việc cô ấy là bơi thuyền đi hái sen mang về, để vui chơi hoặc đưa cho bố mẹ theo sự sai phái của họ. Cái sự hái sen của cô bé chắc phải có một uẩn khúc chi đó khiến nhà thơ mới hỏi như vậy. Hóa ra bác Lưu viết sai chữ thâu trong câu “Thâu thái bạch liên hồi”. Viết sai thì dịch sai là chuyện hiển nhiên. Chữ thâu đúng của Bạch Cư Dị có tự dạng 偷(bộ nhân ) nghĩa là đánh xoáy, lừa lúc người ta sơ hở để lấy cắp mang về,  trong khi đó  bác lại viết chữ thâu   (bộ phộc ) với nghĩa là thu hoạch, thu gom. Cô bé kia còn là trẻ con (tiểu oa), đi hái sen  của ai đó là trò ngịch ngợm chưa đủ khôn ngoan để che dấu đường đi của thuyền trên ao bèo.
Để thấy ý nghĩa đúng của chữ thâu bu dẫn ra bản dich của Tàn Đà
Người xinh bơi chiếc thúng xinh
Bông sen trắng nõn trắng tịnh thó về
Hớ hênh dấu vết không che
Trên ao để một luồng chia ao bèo

Nhà thơ Tản Đà dịch “tiểu oa” là “người xinh” đọc nghe nhịp điệu, xuôi tai, chứ thực ra không sát ý nguyên tác bằng “Cô gái nhỏ bơi thuyền nhỏ” như bác đã dịch, ở chỗ này thì bác hoàn toàn đúng.   

(1)  Nhà xuất bản Thuận Hóa 1997.
(2)  Đúng là Độ Tang càn (Qua bến tang càn)
(3)  Bài phong Kiều dạ bạc của Trương Kế
được ghi vào sách  ALMANACH Những nền văn minh thế giới,  Nxbvhtt Hà Nội 1995

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

ĐẾN ĐẢO PHÚ QUỐC



Bản đồ đảo Phú Quốc 
(ảnh mạng)



Mùng 2.9.2013 người tứ xứ đến Vũng Tàu đông như kiến. Bãi trước Bãi sau chật cứng những người là người. Vợ chồng con gái mời ông bà ngoại cùng gia đình nó đi ra đảo Phú Quốc đổi biển đổi gió xem sao.
     Ô tô gửi ở sân bay Tân Sơn Nhất, leo lên tàu bay  vietjetAir.com vù ra Phú Quốc hết 40 phút bay. Phú Quốc còn gọi là đảo Ngọc, diện tích 589,23 cây số vuông, xấp xỉ nước Singapore (692,7 csv). Đến năm 2011 đã có 74 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng đến nay đã 2013, Phú quốc vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ giữa vùng biển xanh ngắt tuyệt đẹp.
    Bu được cả nhà giao nhiệm vụ phó nháy,  nhưng trước ngày lên đường thân thể bất an, nâng máy ảnh lên thì hắt xì hơi sổ mũi bấm đại, nên ảnh chưa lột tả được những gì đặc sắc của Phú Quốc, bạn bè xem tạm vậy...

Hai bu
(ông bà ngoại)

Con gái, con rể 

Bắp (anh), Bơ (em)
(hai cháu ngoại)

Cu Bơ mời cả nhà  lên đường

Cả nhà giải lao ở trạm dừng MÊ KÔNG Đồng Nai


Cu Bơ  quan sát "nhà" lạ !!

"Cuối trời mấy trắng bay"

Phú Quốc đang mời gọi

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

SÀI GÒN - PHÚ QUỐC resort - Spa

Khu biệt thự riêng

Đường ven bãi tắm














Chó lông xoáy đặc sản Phú Quốc

Mua nước mắm Phú Quốc

Sông Dương Đông
Đường phố Phú Quốc


Dinh cậu một thắng cảnh Phú Quốc

"Mã hồi" Vũng Tàu

Nội thất cảng hàng không Phú Quốc

Vietjet đang chờ....

Trên đường về cả nhà bu ghé thăm  trường MẦM NON ÉN NHỎ
( LITTLE CANARY SKOOL)
của bạn TTM- Gốc Mai, ở 584 NGUYỄN DUY TRINH, Q2 TPHCM

TTM - Gốc Mai-nhà sáng lập dự án

Cô Đào hiệu trưởng trường Mầm non Én nhỏ

Mặt chính trường

Biểu tượng cho sự đi tới...





Chủ và khách nói lời tạm biệt, hẹn gặp lại!!!

Đọc tiếp ...