Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

TÔN NGỘ KHÔNG


 

  

 (Đang tập vào vai Tôn Ngộ Không)


Một dạo bu tui hứa kể với Tử Đinh Hương về ông Đường Tăng. Hứa rồi quên biến, nàng Tử nhắc vào GB "Chú Bu om ông Đường Tăng đừng quá lâu chú  nhé! " hihihi…

    Thôi thì bắn không nên phải đền đạn, trước khi nói về Đường Tăng, mời tudinhhuong và các bạn nghe nguồn gốc cái tên Tôn Ngộ Không, người đã tháp tùng Đường Tăng trong 14 năm, lê gót trên mười vạn tám ngàn dặm đường đất sang Tây Trúc  thỉnh kinh .



***

Ngẫm lại, ai sinh ra trên đời cũng được cha mẹ đặt cho cái tên. Nuôi con vật trong nhà cũng có tên để gọi. Đến như cây cỏ trong rừng cũng được con người đặt tên đâu vào đấy.  Thế nhưng đọc Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, (hay xem phim Tây Du Ký của nữ đạo diễn Dương Khiết) thì thấy chú khỉ được sinh ra từ một tảng đá tiên cao ba trượng sáu thước năm tấc trên núi Hoa Qủa Sơn không được ai đặt tên cho cả.  Khỉ ta tức mình đi ra biển lớn, trôi nổi  đến xứ Nam Thiêm Bộ Châu, để tầm sư học đạo và mong có được một cái tên với đời. 

     Sau khi rời cái bè vượt biển  bằng cây liễu, chú khỉ đá lên bờ tìm gặp được Bồ Đề tổ sư trong động Tà Nguyệt Tam Tinh, liền gập mình nói to: Thưa sư phụ, đệ tử con chí tâm chầu lễ.  Sư phụ hỏi, ngươi ở đâu, hãy nói họ tên, quê hương cho rõ ràng rồi ta sẽ dạy. Khỉ đá nói, đệ tử là người Đông Thắng Thần Châu, nước Ngạo Lai, núi Hoa Quả Sơn, động Thủy Liêm. Tổ sư quát, thằng này là phường quanh co dối trá. Bay đâu tống cổ nó ra ngay. Khỉ ta sợ hãi dập đầu thưa, đệ tử nói thiệt, đâu dám dối trá. Tổ sư nói, từ Đông Thắng Thần Châu đến đây cách hai lần biển lớn với một tòa Nam Thiêm bộ châu, làm thế nào mi đến được. Khỉ ta thưa, đệ tử lênh đênh trên biển lớn, lại lang thang trên đất rộng đủ mười mấy năm trời mới đến được đây. Tổ sư lại hỏi, vậy tính danh ngươi là gì, khỉ thưa, con không có bố mẹ , không họ, không tên, được sinh ra từ một tảng đá, nên không có tính danh chi cả, người ta chửi con, con cũng không giận, người ta đánh con, con cũng không thù, chỉ lễ phép với bá tánh mà thôi. Nghe vậy, Tổ sư thấy anh này có Phật tính, do nhân duyên  trời đất mà sinh ra, bèn nói,  ta muốn đặt cho người họ Tôn. Hồ tôn ( 猢 猻 ) là giống khỉ, ta lấy chữ tôn ( ) trong Hồ tôn bỏ đi chữ khuyển ( ) còn lại chữ tử và chữ hệ ()  thì vẫn đọc là tôn. Tử ()  nghĩa là con trai, hệ ( ) nghĩa là trẻ nhỏ. Họ Tôn như thế hợp với  tính khí ưa nhảy nhót như trẻ nhỏ của ngươi. Khỉ ta nghe xong hết sức vui vẻ, khấu đầu nói, ngày nay con mới có họ, muôn trông sư phụ từ bi, đặt luôn cho con cái tên. Tổ sư nói, trong môn phái ta có 12 chữ, là: Quảng, Đại, Trí , Tuệ, Chân, Nhu, Tính, Hải, Dĩnh, Ngộ, Viên, Giác,  nay ta lấy chữ thứ mười là Ngộ đặt cho ngươi, họ tên đầy đủ của ngươi từ nay sẽ là Tôn Ngộ Không ( 孫 悟 空). Khỉ đá sung sướng nhắc đi nhắc lại:  Ta là Tôn Ngộ Không ta là Tôn Ngộ Không…hehehe

 

    Chú khỉ đá theo học với  Bồ Đề tổ sư, nắm vững 72 phép thuật, được đám đàn em tôn là Hầu vương và bắt đầu cuộc đời giang hồ hảo Hán. Cu cậu đã xuống đáy biển bắt nạt Lão Long Vương, chiếm đoạt của ông này cây trụ sắt để làm  như ý bổng cực kì thần diệu. Lại dắt tai như ý bổng, xuống âm phủ xóa sổ tử của Diêm Vương. Cuối cùng lên trời đại náo thiên cung, khiến Ngọc Hoàng cũng phải sợ. Người xem phim hay đọc sách, đôi khi bị cảnh ngộ li kì lôi cuốn mà không quan tâm đến ý nghĩa cái tên Tôn Ngộ Không là gì, cho dù tên đó ẩn chứa bao điều cao xa, huyền bí…

     

   “Ngộ Không” tức là thấu hiểu một cách rốt ráo triết lý KHÔNG - khái niệm trung tâm quan trọng nhất, và cũng trừu tượng nhất của đạo Phật. Có lẽ Tu Bồ Đề tổ sư muốn đệ tử của mình vượt qua cách hiểu thuyết "vô thường" và "vô ngã" của Tiểu  thừa, mà chứng được cái Thực tướng, tức là không chấp "có" mà cũng chẳng chấp "không", nhưng lại "cũng có"   mà "cũng không". Trong kinh  Ma ha Bát nhã Ba la Mật đa Tâm kinh, đức Phật nói với Xá Lợi Tử: "Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc" là xuất phát từ khái niệm đó.

    Thần nhãn của  Bồ Đề tổ sư đã dự báo chính xác cho sự nghiệp của Tôn Ngộ Không. Cụ thể là, mười bốn năm sau ngày được có họ tên, thì một ngày nọ, tại điện Đại Hùng trong chùa Lôi Âm trên đỉnh Linh Sơn, Phật Tổ Như Lai nói với Tôn Ngộ Không… “ Vì con đại náo thiên cung, ta đem pháp lực sâu xa ép con dưới núi Ngũ Hành .Rất mừng con biết bỏ điều xấu làm việc lành, trên đường đi phục ma trừ quái, trọn vẹn trước sau, đạt chính quả, ta phong cho làm  ĐẤU CHIẾN  THẮNG PHẬT”

   

    Mới hay, chú khỉ đá đã biết đi ra biển lớn, lại đốt cháy giai đoạn, bỏ qua kiếp người, tiến thẳng từ khỉ lên thành Phật. (Phải chăng xứ mình cũng học tập chú khỉ đá kia, từ một nước nông nhiệp lạc hậu, vọt ra biển lớn, bỏ qua giai đoạn phát triển Tư bản, tiến thẳng lên Chủ nghĩa Xã hội ? ). Ngày nay thấy trong Kinh Nhật tụng, ở phần HỒNG DANH BỬU SÁM (trang 113) phật tử Đại Thừa nước Việt ta tụng niệm 108 vị Phật, trong đó vị thứ 92  là Đấu Chiến Thắng Phật, mà trích ngang lý lịch của ngài như đã nói ở trên !!! Hihihi






Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

BIỂN

Bulukhin ở Bãi Trước tháng 11 năm 2013


Bu tui sinh ra trên bờ sông Nhật Lệ, sát biển, thế nhưng rất lười ngụp lặn  trong biển. Thời đang ở quê, bạn bè ngoài Hà Nội vào  háo hức  tắm biển thì bu chiều bạn đi theo, bạn về lại thôi. Vào Vũng Tàu ở cạnh biển, ra ban công  nhìn thấy biển,  thì cũng chỉ quan sát biển từ xa chứ ngại ngâm mình trong biển…. Ấy vậy mà dạo này bu lại siêng ra biển,  ngồi trên bờ kè ngắm những làn sóng  ào ạt xô bờ, hoặc vẫy vùng  trong  biển cho dù biển ở đây không sạch bằng biển miền trung.  Sự đổi thay ấy bắt đầu từ một cuộc nói chuyện qua di động với cô bạn ảo có nickname  Y Leng. 

Một góc bản Y Leng xã Dân Hóa Tuyên Hóa Quảng Bình 
Ảnh của Ruchung

Một người dân bản Yleng 
Ảnh Ruchung

Một lớp học ở bản Y Leng
(Ảnh của Ru chung, Tác giả tấm ảnh cho hay cô giáo  này có thể  là nàng Y Leng trong câu chuyện bu kể)

*
      Anh bu à, phiền anh giúp em một việc được không. Việc gì Y Leng nhờ anh cũng sẵn sàng giúp. Sáng ngày 14 tháng 3 tới  em muốn được nghe tiếng nói của biển qua di động.  Tiếng nói của biển nó thế nào nhỉ, em nói rõ xem nào. Hihihi,  anh bu người của biển mà hỏi nghe lạ.  Vậy đứng trước biển anh có nghe tiếng sóng ầm ào hoặc rì rào xa vắng không.  Ừ nhỉ,  anh nhận là mình  hơi bị tối dạ, mà sao bổng dưng Y Leng lại thích nghe tiếng sóng biển đến vậy, hay ở núi rừng lại thèm nghe biển. Vì trong tiếng sóng biển em nghe được tiếng người con trai thân yêu của em cách nay một phần tư thế kỷ.  Hồi đó anh 20  còn em là cô bé 16.  Tức là anh ấy vượt biển tìm chân trời mới và không trở về sao. Không, anh ấy là lính hải quân  đã vĩnh viễn nằm lại với biển trong trận chiến bảo vệ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, và  Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa vào sáng  ngày 14 tháng 3 năm 1988.  Lũ giặc phương bắc (mà nay có người còn gọi là đồng chí) đã dùng lực lượng áp đảo bắn cháy và bắn chìm của ta 3 tàu chiến, làm hy sinh 64 chiến sỹ. Trong phút sống cuối cùng hẳn  anh ấy gọi tên em, tên người thân…và tên  bản Y Leng mà bây giờ em lấy làm nickname như anh biết đấy.

*
Đúng 7 giờ 30 sáng ngày 14 tháng 3 năm 2013 bu đến Bãi Trước, Vũng Tàu, dò dẫm xuống  bãi đá dưới chân kè, tìm chỗ ngồi gần sóng mà vẫn an toàn.  A lô, Y leng đấy à, em có nghe rõ tiếng nói của biển không.  Giọng Y Leng  nghèn nghẹn, ôi,  cảm ơn anh, em nghe rõ lắm. Mà hình như sóng vỗ vào ghềnh đá hả anh. Sao em biết tài thế.  Thì anh lính hải quân ấy bảo với em mà. Bu hơi sởn tóc gáy, nhưng vẫn hướng di động về phía sóng biển. Anh bu ráng ngồi lâu chút xíu nhé, em đang ghi âm để thỉnh thoảng lại được nghe người ấy tâm tình.


   Biển ào ạt xô vào ghềnh đá nói vào di động của bu

*
Hôm nay bu lại ra biển ngồi nghe tiếng sóng vỗ ghềnh đá và nhớ buổi chuyện trò với Y Leng cách nay gần một năm.  Lạ, mấy tháng nay không thể gọi cho Y Leng được. Cái bản mang tên Y Leng ở xã Dân Hóa huyện Minh Hóa ấy dưới chân núi Trường Sơn, gần huyện Bua la pha tỉnh Khăm muộn của nước Lào hơn gần tỉnh lỵ Đồng Hới. Muốn hỏi thăm người thật ở đó còn khó huống hồ hỏi về người ảo.  Ngàn vạn lần mong cô giáo Y Leng bình an vô sự. Buồn tình, bu mở máy gọi một bạn ảo khác trên Sài Gòn. Này người đẹp ngủ dậy chưa. Em dậy lâu rồi mà. Có nghe tiếng sóng biển không.  Ồ em nghe rõ lắm, mà anh nhớ chụp hình đưa lên blog nhá…Cô bạn này cũng ảo nhưng dẫu sao còn lên tiếng thật. Còn Y Leng thì ảo đến mấy lần, và biết đâu sẽ ảo mãi mãi như người bạn của nàng ngoài biển khơi vậy.
*
Những tấm ảnh dưới đây bu chụp Bãi Trước Vũng Tàu theo đề nghị của người ảo Sài Gòn, các bạn xem tạm.


  

 
 
 
 


 
 
 

 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 

VT. 08/11/2013


Cẩm Ly - Quốc Đại


Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

NHẬT LỆ ƠI !!





                          4 Tấm ảnh Bình minh Nhật Lệ

                           Ngôi nhà bu hiện ở sắp phải giả từ

                  Bu tui hồi còn đánh nhau với Mỹ ...hihihi!


Sáng nay đi bộ trên bờ sông Nhật Lệ, bu tui thầm gọi: Nhật Lệ ơi, ta sắp giả từ  Ngươi để vào định cư trong nam.  Từ nay sáng sáng ta không còn thấy Ngươi mờ ảo trong sương sớm rồi từ từ hiện ra lấp lánh dưới ánh mặt trời. Ta không nhìn thấy Ngươi bằng mắt nhưng vẫn nhìn thấy Ngươi trong tâm tưởng. Ở đó có tiếng oa oa chào đời của ta hơn nữa thế kỉ trước. Có hình ảnh ta trên con thuyền nhỏ đi đánh dấu vị trí thủy lôi của Mỹ thả từ cửa sông vào đến thành phố. Ta còn nhìn thấy máu đồng đội loang đỏ trên từng ngọn sóng…Nhật Lệ ơi ! bu tui muốn được bạn bè blog nghe thấy tiếng gọi đó, muốn được các bạn thấy một phần bu trong sóng nước dòng sông huyền thoại này… 



Mươi lăm năm trở lại đây một số người viết vể Quảng Bình cho ra đời khá nhiều sách địa chí làng xã, di tích và danh thắng. Thống kê sơ sơ đã có gần 20 quyển. Chẳng hạn "Địa chí Bảo Ninh", "Địa chí làng Thuận Bài", "Địa chí xã Thanh Trạch" của Nguyễn Tú. "xứ Ròn - Di Luân  thời gian và lịch sử" của Thái Vũ và Trần Đình Hiếu...Xa hơn nữa là "Những bài học lịch sử Quảng Bình 1937" của Lương Duy Thứ. "Địa lý lịch sử Quảng Bình - 1902" của Léopold Cadiere. "Ô Châu cận lục -1553" của Dương Văn An...Nhưng trong ngần ấy sách (kể cả những quyển chưa liệt kê ra ) Không thấy có tác giả nào chuyên tâm nghiên cứu các con sông và xuất xứ tên gọi của nó như là một đối tượng của chuyên ngành Địa-Văn hoá.

      Tôi làm nghề bắc cầu qua sông, đã nhiều lần ngụp lặn trong cái đẹp mê hồn của những Kiến Giang, Đại Giang, Linh Giang, Nhật Lệ... nhưng như một kẻ phụ tình, không hiểu biết gì những cái tên lấp lánh trong kí ức suốt mấy mươi năm. Mãi đến gần đây, mới biết được sông Nhật Lệ từng có tên Đại Uyên và sông Ròn từng có tên Đồ Lê. Không hiểu Đại Uyên Và Đồ Lê đã phải là tên "quai nôi" của hai con sông này chưa? Chỉ biết là hai cái tên cổ ấy được ông Lê Đại Nguyên sống ở triều Lương Võ Đế (505-5430) ghi trong sách "Thuỷ kinh chú" (1). Thực ra ông Đại Nguyên chỉ làm cái việc chú giải bộ sách "Thuỷ Kinh" từ thời nhà Hán (111 trước CN đến 43 sau CN) . Vào thời này người Hán đã "Diệt được Nam Việt lập thành bộ Giao Chỉ - cầm đầu là một viên Thứ sử, đóng đô ở Mê Linh, Yên Lãng - Vĩnh Phúc" (2). Trong bộ Thuỷ kinh, người Hán đã ghi chép rất tường tận về sông ngòi ở chính quốc cũng như ở các vùng đất mà họ thôn tính được. Vậy hai tên Đại Uyên và Đồ Lê hẳn phải được chép từ bản gốc thời nhà Hán cách nay ngót 2000 năm.

      Rõ ràng tên gọi Nhật Lệ xuất hiện sau sách "Thuỷ kinh chú" của Lương Võ Đế, nhưng cụ thể là vào ngày tháng năm nào thì chỉ có các bậc đại thức giả mới trả lời được. May thay, kẻ thiển học này dò ngược lịch sử và tìm được tự dạng hai chữ Nhật Lệ trong bộ sử cổ nhất của nước ta viết bằng chữ Hán là "Đại Việt sử ký toàn thư" do sử gia Lê Văn Hưu viết xong từ năm 1272 cuối đời Trần Thánh Tông. Ở mục Bản kỷ toàn thư quyển III trang 47, tờ 37a-b, sử quan Lê Văn Hưu viết: (thu thất nguyệt Chiêm Thành quốc nhân Cụ Bàn đẳng đào quy kỳ quốc chí Nhật Lệ trại nhân chấp tống kinh sư) nghĩa là :"Mùa thu tháng bảy, người nước Chiêm Thành là bọn Cụ Bàn trốn về nước, đến trại Nhật Lệ bị người trại ấy bắt được giải về Kinh sư" (3)

Trích dẫn câu trên là một công đôi việc: Khẳng định được tự dạng chữ Lệ ( ) trong rất nhiều chữ Lệ của người Hán, có nghĩa là đẹp đẽ, rực rỡ. Lại tính gần đúng, cũng con sông ấy được mang tên Đại Uyên  từ thời Hán (111- 43) đến sau thời Lương Võ Đế (543 - ? ) khoảng 1200 năm. Lại mang tên Nhật Lệ từ thời Lê Văn Hưu đến nay là 738 năm. Thực ra còn lâu hơn thế, vì khi sử quan Lê Văn Hưu đặt bút viết sách thì hẳn là tên Nhật Lệ đã có trước đó rồi. 

      Tôi vẫn nghĩ một người không thông thạo Hán học cho lắm cũng trả lời ngay được Hồng Hà là sông đỏ, Hương Giang là sông thơm. Nhưng hỏi Nhật Lệ là gì hẳn anh ta không trả lời chóng vánh được. Lại nữa, Nhật Lệ là  từ Hán Việt nhưng theo tôi không nhất thiết do người Hán đặt ra. Mà có thể họ đọc "trại" tên (gì đó) của tộc người Mã Lai - Đa Đảo đã từng sinh sống ở vùng này. Chả nhẽ  một tộc người đã từng làm nên văn hoá Sa Huỳnh, Bàu Tró, dựng nên quốc gia Lâm Ấp (năm 196) (4) lại không có tên  gì để gọi  con sông của xứ sở ? Nhà nghiên cứu Nguyễn Tú đã kê ra 33 từ Chăm có âm na ná tiếng Việt Quảng Bình. Chẳng hạn Thuk (lặng lẽ, bình yên) rất gần với tên chợ "Thùi" ở  làng Thạch Bàn huyện Lệ Thuỷ. Brong (lỗ rổng trong thân cây) mà người nuôi ong ở Quảng Bình vẫn gọi là "bọng ong" (5). Vậy Người Lâm Ấp trước đây gọi sông Nhật Lệ là gì?  Có lẽ phải chờ hậu thế kiến giải ! Ta hãy bằng lòng với từ Hán Việt  Nhật Lệ rất gợi cảm, đã từng làm nao lòng không biết bao văn nhân, thi sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ,  tự cổ chí kim.   

Số người giải thích nghĩa hai chữ Nhật Lệ khá nhiều với nhiều cách khác nhau. Nhìn chung người ta tra nghĩa tự vị của từng chữ rồi ghép lại. Phải cái chữ Hán đồng âm dị nghĩa nên mỗi cách ghép lại tạo ra một nghĩa khác nhau. 

Trong từ điển Thiều Chữu có dẫn ra hai chữ nhật. Chữ thứ nhất () nghĩa là ngày, là mặt trời. Chữ thứ hai ( ) nghĩa là chạy ngựa  trạm.  Nhưng Lệ thì có đến ...17 chữ, chỉ xin dẫn ra vài chữ làm ví dụ: Chữ thứ 9 ( ) là nước mắt, chữ thứ 14 (   ) là con hàu, chữ thứ 17 (   ) là rực rỡ đẹp đẽ.  Do vậy, người cho lệ là con hàu thì bảo Nhật Lệ là ngựa trạm qua bãi hàu. Mới nghe thấy có lý vì địa danh Quán Hàu nằm trên đường thiên lý vượt qua sông Nhật Lệ. Người khác hiểu lệ là nước mắt lại cho rằng Nhật Lệ là ngày buồn, ngày của nước mắt, rồi viện ra hai chuyện tình lâm li trong lịch sử để minh hoạ: Rằng năm 1044 vua  Lý Thái Tông đưa quân  vào đánh Chiêm Thành chém được vua Chiêm là Sạ Đẩu, bắt sống thứ phi của Sạ Đẩu là nàng Mỵ Ê đưa về Đại Việt. Đoàn chiến thuyền của Lý Thái Tông hành diện đến Lý Nhân, vua sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê sang hầu. Nàng phẩn uất, ngầm quấn chăn vào người rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Xác nàng trôi về phương nam, dạt vào sông Nhật Lệ... Lại vào năm 1306 tức 263 năm sau vụ Mỵ Ê, vua Trần Anh Tông muốn giữ hoà hiếu với Chiêm Thành bèn gả công chúa Trần Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Phải vâng lệnh cha lấy người mình không yêu, nàng Huyền Trân khóc suốt cuộc hành trình  từ Đại Việt vào đất Chiêm. Nước mắt nàng dâng đầy thành sông Nhật Lệ...Nhưng tuyệt đại đa số người ta giải thích Nhật Lệ ( ) là "Ngày Đẹp". Nghe ra không ổn, vì tên một con sông sao lại đưa đơn vị thời gian là ngày vào ?  Với lại muốn là ngày đẹp thì tính từ đẹp (Lệ) phải đứng trước danh từ ngày (Nhật) thành ra Lệ Nhật, cũng như tính từ thơm (Hương) đứng trước danh từ sông (Giang) để có Hương Giang vậy. 

Thực ra trong  văn phạm chữ Hán chữ "Lệ" có thể đóng nhiều vai. Khi là động từ nó chỉ sự phụ thuộc, kèm theo, liên quan. Khi là tính từ hoặc danh từ nó chỉ sự đối xứng, đẹp đẽ, rực rỡ (6). Nếu quan niệm chữ Lệ trong Nhật Lệ  là tính từ thì Nhật Lệ không phải là một từ kép để chỉ con sông, mà thành ra một câu có nghĩa: Mặt trời (thì) rực rỡ. Đối tượng quan sát ở đây là mặt trời nói chung. Vì đứng trên núi, đứng ở biển, hoặc bay trong không trung mà thấy mặt trời mọc đều nói được như thế. Cũng giống như người xưa viết   (phong hoà nhật lệ) tức là gió (thì) êm, mặt trời (thì)  rực rỡ. Gió và mặt trời  ở đây cũng chung chung, không chỉ vào một nơi nào cụ thể. Do vậy tôi vẫn nghỉ rằng Nhật Lệ trong trường hợp này là một danh từ kép chỉ một con sông cụ thể ở thành phố Đồng Hới Quảng Bình. Nó được ghép bởi một danh từ đơn (Nhật) với một danh từ đơn khác (Lệ) và ngầm hiểu có đại từ sở hữu "chi"  ( ) ở giữa. Cũng như khi ta nói "nhân tài" ( 人才) hoặc "nhân lực" ( ) là ta đã giản ước đi chữ "chi" ( ) của hai mệnh đề "nhân chi tài" và "nhân chi lực",  tức tài của người và sức của người.  

 Trong quá trình viết bài này tôi may mắn được ông Ngô Đức Thọ (7) đưa cho tham khảo quyển "Nhật Dụng từ điển" của Đài Bắc xuất bản 1990. Ở mục chữ Lệ () là danh từ, tác giả sách dẫn ra một câu thơ của Hồ Thiên Du:   ( nhật chi lệ bất vô chi chúc giả) nghĩa là : sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời thì không nơi nào là nó không chiếu đến được. Lấy ba chữ đầu (nhật chi lệ) và giản ước đi chữ  chi ( ),  ta có từ   (nhật lệ) có nghĩa là SỰ RỰC RỠ CỦA ÁNH MẶT TRỜI. Hẳn là người xưa đã đứng ở bờ nam dòng sông  nhìn về hướng đông là cồn cát Bảo Ninh những lúc mặt trời mọc. Khi mặt trời nhô lên khỏi đụn cát thì con sông chạy theo hướng nam bắc lấp lánh sáng trên một chiều dài hàng trăm mét. Người Đồng Hới vẫn có cái thú ra bờ sông ngắm mặt trời mọc. Dẫu có đến ngàn lần thì cứ vẫn háo hức như là mới thấy lần đầu. Vâng, đấy là Nhật Lệ, là dòng sông làm nặng lòng nhiều tao nhân mạc khách của vùng đất miền Trung. 
************

(1): Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh NXB Thuận Hoá 1994
(2): Lịch sử Việt Nam tập I-NXB KHXH 1976
(3): Đại Việt sử ký toàn thư NXB KHXH năm 1998
(4): Lịch sử Việt Nam tập I- nhiều tác giả NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp 1983.
(5): Sử ký Quảng Bình của Nguyễn Tú 1996
(6): Hán văn GKT tập I- NXB Đà Nẵng 1997của Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giao.
(7): Ông Ngô Đức Thọ nguyên công tác ở Viện Hán Nôm , người đã thâm niên  trên 50 năm dịch chữ Hán.

Multiply : 19:47 28/10/2011




Đọc tiếp ...