Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

PHỎNG VẤN ĐƯỜNG TĂNG





 Bu và cháu ngoại

 Hòa thượng Đường Tăng

                                        Thầy Đường Tăng bị Yêu tinh dụ dỗ



Trong bài Tôn Ngộ Không bu tui có nói đang nợ Tử Đinh Hương một bài viết về Đường Tăng. Nhà thơ Hòn Sỏi cũng nhắc “anh đang nợ đấy”. Mới đây bác Nano Bobi gợi ý bu bàn chuyện Đường Tăng hối lộ nơi cửa Phật…Với phỏng vấn này, bu hết nợ nần năm cũ để bước sang năm mới… hihihi.



- Bạch thầy Đường Tăng

- Bần tăng đây… mà thí chủ cần gặp Đường Tăng nào?

- Thầy hỏi thế … hóa ra  có nhiều  Đường Tăng  sao ?

- Chỉ có hai thôi, ông Đường Tăng thứ thiệt  kia  là sư Huyền Trang tên tục Trần Huy  có bố là Trần Huệ quê ở Hà Nam. Khi vua  Đường Thái Tông cấm dân chúng chu du Ấn Độ thì ông ấy vẫn liều thân  sang  đó 17 năm để học  Phật. Sau ngày trở về ông  viết sách Đại Đường Tây Vực kí. Đường tăng  tui  không có quê hương bản quán, được sinh ra dưới ngòi bút văn sĩ Ngô Thừa Ân ở thời nhà Minh.

-  Dạ , cụ Ngô Thừa Ân thân phụ  thầy  viết Tây du kí, một trong Tứ đại danh tác của Tàu,  con đã đọc  và có vài thắc mắc…xin được hỏi thầy.

- Thắc mắc gì thí chủ cứ hỏi

- Bạch thầy, theo sử sách, khi thầy dẫn đoàn thỉnh kinh sang Tây Thiên thì đức Phật Thích ca đã nhập Niết bàn trên một ngàn năm rồi, vậy  làm sao có chuyện Phật tổ tiếp thầy cùng đoàn tùy tùng ở đền Đại Hùng chùa Lôi Âm ạ.

- Hà… hà…Không những bần tăng gặp Phật Tổ mà còn được ngài phong cho  chức danh Chiên đàn Công đức Phật, và phong cho Tôn Hành Giả chức danh Đấu Chiến Thắng Phật.

- Dạ, con thấy lạ …

- Bần tăng ghi nhận câu hỏi và sẽ giải thích cho thí chủ vào cuối cuộc gặp này… bây giờ thí chủ nêu tiếp thắc mắc đi.

- Bạch thầy, mới đây ở nước con có ông Giáo sư - Tổng bí thư đảng cộng sản - Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh…”(1), chuyện ấy hư thực ra sao xin thầy cho con biết.

- Cụ Ngô Thừa Ân  mô tả đoàn thỉnh kinh gặp Phật tổ cùng các ngài A Nan và Ca Diếp rất chi tiết và có phần hài hước, trào lộng, nên ông Giáo sư - Tổng bí thư nọ hiểu nhầm, quy oan bần tăng và oan cho cả nhà Phật.

- Dạ, cứ theo bút tích của nhà văn thì ngài  A Nan đã hỏi thầy:  “Thánh tăng từ phương  đông tới đây chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng, mau mau đưa ra đây chúng tôi mới trao kinh cho”(2). Tưởng ông ấy nói giỡn chơi ai dè đến khi đổi kinh không chữ lấy kinh có chữ  thì A Nan,  Ca Diếp, đòi quà ráo riết,  thầy “đành bảo Sa Tăng mang ra chiếc bát tộ vàng”  đưa cho họ….

 -  Vậy thí chủ  có biết  Phật tổ  nghỉ  sao về sự kiện này không.

-  Dạ, mất chiếc bát tộ vàng Hành Giả tiếc ngẩn ngơ bèn khiếu nại lên Phật tổ, ngài cười nói “…Việc hai người (A Nan, Ca Diếp) vòi lễ các ngươi  ta biết cả rồi. Có điều kinh không thể trao cho một cách dễ dàng, không thể lấy không được”. Bạch thầy, thế chẳng phải nhà Phật đòi hối lộ là gì ạ.

- Thí chủ và ông Giáo sư nọ nên nhớ Tây du kí là một tiểu thuyết mang đặc điểm văn hóa phương đông, được xây dựng bằng một loạt hình tượng thấm đẫm triết lí Phật giáo, Lão giáo, đầy ắp  tính  ẩn dụ triết học. Muốn hiểu được Tây du kí  phải  giải mã những mật ngữ, chứ không thể hiểu nó theo nghĩa từ điển của từng dòng chữ được.

-  Thưa thầy, tức là phải đọc Tây du kí trong và sau các hàng chữ  sao.

- Hoàn toàn đúng vậy. Chiếc bát tộ vàng của vua Đại Đường đưa bần tăng là biểu tượng cho của cải, quyền lực, danh vọng,  của một đế chế ở thế gian, nay phải lìa bỏ nó mới thọ lãnh được đạo giải thoát của đức Phật.  Lại theo truyền thống Đạo học thì “Đạo pháp bất khinh truyền”, đấy là nội dung câu Phật tổ nói với Hành Giả “Kinh không thể trao cho một cách dễ dàng”. Quan điểm biện chứng của nhà Phật là mọi vật phải được được đổi ngang giá. Các nhà sư thọ hưởng vật chất tối thiểu để viết ra kinh thì nó phải được bù lại cái bát tộ vàng là vật ngang giá. Chính hai vị A Nan và Ca Diếp đã nói thẳng với bần tăng “Tay trắng trao kinh truyền đời người sau đến chết đói mất”.

- Bạch thầy, bây giờ con đi vào một vụ việc cụ thể… hơi có tính  nhạy cảm …chỉ sợ làm thầy phật ý.

- Không sao, thí chủ cứ nói.

- Dạ, sau khi đoàn thỉnh kinh rời xứ Tây Lương Nữ Quốc thì  thầy bị bị một người đẹp hóa phép cắp về  núi  Độc Dịch động Tỳ Bà, nàng trổ hết ngón nghề  ép thầy gửi cơn mưa móc  nhưng thầy như thể gang thép một mực từ chối. Đến nỗi thân phụ thầy - nhà văn Ngô Thừa Ân - phải đặt tựa đề cho hồi thứ năm mươi lăm rằng:

 “Dâm tà bỡn cợt Đường Tam Tạng

  Đứng đắn kiên trì chẳng hoại thân”

Nhưng cũng sự việc đó ở phim Tôn Ngộ Không của nữ đạo diễn Dương Khiết,  xem ra thầy không được cứng cõi thế…Vậy có thể coi nữ đạo diễn nọ xuyên tạc hình ảnh Hòa thượng Đường Tăng không.

- Ồ!  Không, hoàn toàn không, bần tăng phải nói thật,  cụ Ngô Thừa Ân không hiểu đúng bần tăng trong tình huống ấy bằng mấy trường đoạn phim Tôn Ngộ Không  của nữ đạo diễn Dương Khiết .

- Dạ…nghĩa là…

- Nghĩa là khi bị người đẹp ở Động Tỳ Bà dụ dỗ bần tăng không gang thép như nhà văn mô tả mà đã bắt đầu mềm nhũn ra  như một người đàn ông chân chính. Phép thuật của người đẹp siêu việt đến nỗi tài nghệ như Tôn Ngộ Không đã từng làm trời sợ mà phải ôm đầu chạy về kêu đau oai oái. Không còn người bảo vệ nữa, nhan sắc ấy tự do độc chiếm bần tăng... kéo vào phòng kín… bản thân nàng séc xi một trăm phần trăm…

- Dạ, con thấy trong phim thầy có chống cự lại…

-  Chống cự yếu ớt, nhất là khi người đẹp vứt cây tích trượng,  lột tuốt áo cà sa, ôm chặt bần tăng vào lòng… nói thiệt, những Tây Thi, Vương Chiêu Quân có vẻ đẹp đến  trầm ngư, lạc nhạn, cũng không bằng người này…  May thay, vào chính lúc thiên nan vạn nan ấy Hành Giả được Mão Nhật Tinh Quân  trợ lực phá cửa xông vào cứu bần tăng khỏi bị mất nguyên dương,  gìn giữ được phẩm giá.  

- Bạch thầy, con vô cùng cảm thông với hoàn cảnh ngàn cân treo sợ tóc của thầy trước sự dụ dỗ chết người ấy. Chỉ thất vọng về vai trò lãnh đạo toàn diện và triệt để của thầy trong quá trình đi cầu đạo…

- Thí chủ thất vọng về bần tăng lắm sao

- Dạ, hẳn thầy còn nhớ hôm ở Bạch Hổ Lĩnh  thầy kiên quyết viết văn thư đuổi thẳng cánh Tôn Ngộ Không cho dù anh ta khẩn khoản xin thầy ở lại…

- Có chuyện đó, vì trong chưa đầy một canh giờ  Hành Giả lần lượt giết chết ba mạng người làm bần tăng  hãi hùng…Hành Giả đã khẩn thiết khẳng định ba người ấy là do yêu tinh Bạch cốt phu nhân biến hóa ra…Nhưng bần tăng lại đi nghe lời xúc xiểm xuyên tạc của Trư Bát Giới,  xử oan sai Hành Giả.

- Dạ,  hậu quả của việc thầy đuổi Ngộ  Không như thế nào ạ

-  Bần tăng đã sai lầm quá lớn, và sau đó phải chịu  nổi nhục nhớ đời.  Yêu tinh Hoàng Bào ở  Ba Nguyệt Động đã biến người tu hành như  bần tăng thành con hổ lông vàng,  tống  vào rọ, suýt chết đói.

- Dạ,  Thầy có cảm nghỉ gì khi được Phật tổ phong danh hiệu Chiên đàn Công đức Phật.

-  Bần tăng có tâm trạng áy náy về hai từ công đức… vì công lao chuyến đi chủ yếu của Tôn Ngộ Không, còn đức… than ôi, đôi khi bần tăng thất đức, luôn  bênh vực Trư Bát Giới tham lam trí trá,  đọc thần chú hành hạ Ngộ Không cho dù anh ta vô tội.  Bần tăng thấy mình độc tài, u mê, lú lẫn, đa nghi,  cao ngạo, nhu nhược… Lúc nhỏ bần tăng học thuộc Mạnh tử với lời dạy “Dân vi quý” nhưng khi lãnh đạo đoàn thỉnh kinh thì coi dân, đại diện   là Tôn Hành Giả như cỏ rác.

-  Dạ, xin thầy trở lại câu hỏi của con rằng Phật tổ quy tiên trên một ngàn năm mà thầy còn gặp được.

(Thầy Đường Tăng  rút chiếc đồng hồ quả quýt giắt lưng coi giờ rồi nhẹ nhàng)

- Xin phép thí chủ, đã đến giờ bần tăng phải  thuyết giảng Sám pháp nguyện  cho chư Phật tử… Bần tăng tư vấn cho thí chủ  hãy đọc kỹ mục HƯ CẤU NGHỆ THUẬT ở  trang  165 sách  Thuật ngữ văn học của học giả Lại Nguyên Ân…Có khi thí chủ  hiểu rõ hơn chính bần tăng trả lời.

-  Dạ, con ngàn lần hoan hỷ cảm ơn và xin bái biệt thầy.


(2) Những dòng viết xiên là trích từ tiểu thuyết thần thoại Tây Du kí của Ngô Thừa  Ân


Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

AI NÊN KHÔN MÀ CHẲNG DẠI ĐÔI LẦN



 Cầu Nhật Lệ

                                                      
                                                           Nhà Bu hồi đang ở Đồng Hới


                        Hòn non bộ giữa bể hoa súng...


      Dưới gốc súng là những chú cá thần tiên ...

Hai bu tháng 11. 2013


  
Bác hàng xóm Nano Bobi  còm cho bu đại ý:

Thấy bác Bu khoe "xin tiền mua sách mấy vợ cũng không kêu" mà mình tủi thân: Một lần mua được quyển  "Người đàn bà tôi ao ước" của nhà văn Hoàng Lại Giang và tập "Tình yêu thời a-còng (@)” của tác giả trời ơi nào đó… Đang hí hửng đọc thì bà vợ kính yêu đến liếc qua, rồi ca một bài chầu văn "Úi giời, tưởng ông  nghiên cứu tư tưởng gì cao siêu,  hóa ra  ao ước  đàn bà...Còng lưng thế kia chưa đủ sao mà còn yêu thời a còng nữa hở giời…Sách với chả vở, ông dẹp đi cho tôi nhờ”

    
 Đoạn chầu văn của Nano Bobi phu nhân làm bu tui chợt nhớ đến một kỉ niệm nhớ đời của mình.
Một buổi sáng chủ nhật ở quê nhà cách nay mười sáu năm, bu tui ngồi bó gối bên bể non bộ xem đôi cá thần  tiên tung tăng quanh các gốc hoa súng. Một bàn tay đập vào vai, ông này lạ cuộc đời chán chi thứ để mê lại đi mê cá thần tiên. Thì ra ông bạn thân hàng xóm mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao…Bu chưa kịp lên tiếng thì bạn khẩn khoản,  ông đi với tôi ra phố chọn mua cái máy tính thật xịn...Bu chống chế, thằng con ông chơi máy tính như làm xiếc lại không bảo nó giúp bố mà cứ phải tôi. Thì bạn già với nhau, ông giảng giải tôi hiểu chớ bọn trẻ con hỏi nó, nó cứ khua  nhoay nhoáy, nói thì như súng liên thanh ai mà hiểu được…Thế là hai chúng tôi la cà hết cửa hàng máy tính này sang cửa hàng máy tính khác. Đến cửa hàng MÁY TÍNH VÀ DỤNG CỤ VĂN PHÒNG NHƯ BÌNH thì hai chúng tôi như bị bắt vít xuống nền nhà, không phải vì máy xịn mà vì bà chủ có đôi mắt chết người cùng nụ cười làm kẻ đa tình chỉ còn nước ngẩn ngơ.  Cô Như Bình đặc biệt ưu ái hai khách hàng là chúng tôi. Nàng cho thợ giỏi chọn và khởi động máy,  trả lời  thấu đáo mọi câu hỏi của vị khách còn rất tù mù về máy tính điện tử.
    Bà chủ ân cần pha trà Thái tuyệt ngon mời khách, nàng đẩy chén nước về phía  bu kèm nụ cười khuynh thành và thỏ thẻ : Anh Toàn người Quảng Thanh phải không, vâng tôi người Quảng Thanh, nhà anh ở chòm hai Lộc Điền, đúng thế, mà sao Bình biết tôi kỹ thế. Thì làng em cách Lộc Điền của anh cái hói nhỏ với mấy nhịp cầu khỉ bằng tre… Em nghe tiếng anh lúc đang học đại học ngoài Hà Nội, còn em mới là cô bé lớp 9 trường huyện. Hồi ấy tiếng tăm anh lừng lẫy cả một vùng, nào con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi, cầm kì thì họa không sót một tài nào. Em và mấy cô bạn háo hức muốn gặp anh mà đành chịu. Nghỉ hè , nghỉ tết , anh về làng cứ như chuồn chuồn đạp nước, mới nghe tin anh về, chưa kịp nghỉ cách để gặp thì anh đã biến vào đâu trong Đồng Hới, hoặc ra Hà Nội rồi. Em đánh liều làm quen chị Tâm em gái anh lấy cớ đến nhà… nhưng tết năm ấy nghe bảo anh ở đâu ngoài Sa Pa không về quê…Chà tiếc nhĩ, gặp người đẹp quê hương thế này là muộn mất rồi…Thôi đi, anh đừng nói chiếu lệ, bọn em quê mùa làm sao mà địch nổi con gái cố đô.

                        Tạp chí Nhật Lệ số 34-35 năm 1998


                    Trang 11 của tạp chí đăng bài  thơ Ngược dòng 
                          (Nguyên là Lỡ làng, tạp chí biên tập lại)
                           Hà thu là tên bà xã bu vốn là Thu Hà

  Trước tết Mậu dần (1998) bu hứa với Tạp chí Nhật Lệ sẽ gửi bài đăng số xuân, nay bị tòa soạn giục, bu tui chợt nhớ đến câu chuyện với người đẹp Như Bình, cùng quê cách nhau một chiếc cầu khỉ,  và đánh liều  làm thơ :

LỠ LÀNG
Ngày em pháo nổ rượu nồng
Thì tôi mê mãi đi vòng tận đâu
Bây chừ mới gặp được nhau
Đò ngang lỡ chuyến nhịp cầu chao nghiêng
Ai làm ra cõi nhân duyên
Cho tôi ngồi lại con thuyền tuổi thơ
Để mà tìm thuở xa xưa
Ngày tôi trai trẻ em chưa có chồng
Hởi ơi pháo nổ rượu nồng
Thuyền tôi ngược mãi mà không tới nguồn.

 Ông tổng biên tập tạp chí Nhật Lệ đổi tựa đề Lỡ làng thành Ngược dòng, và in vào số 34-35  (tháng 1 - 2. 1998).  Nhạc sĩ Thái Quý – Trưởng đoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh cãi ông tổng biên tập:  Lỡ làng mới đúng, nó là nỗi cô đơn muôn thuở của con người, từ cha dân cày đến anh tổng thống ai mà chẳng một lần lỡ làng. Nói rồi, ông phổ nhạc ngay bài thơ thành ca khúc  Lỡ làng điệu thức rê trưởng, nét nhạc mềm mại với nhiều luyến láy và đảo phách, phảng phất nét dân ca miền trung. Kết bài gồm ba ô nhịp  với  năm nốt rê đen là chủ âm ổn định,  nhấn mạnh rằng lỡ làng là có thật, là nỗi cô đơn của bất cứ ai.  Bài hát sau đó được đưa vào Tuyển tập Ca khúc Quảng Bình sau  mười năm chia tỉnh và ca sỉ Thương Thương biểu diễn thâu vào băng.  

                                     
                                  Ca khúc Lỡ làng thơ Hà Thu, nhạc Thái Quý
     
 Một buổi chiều bu tui khoái chí, đóng cửa phòng, nằm vắt chân chữ ngũ, mở to băng nhạc, nhẩm theo lời ca Thương Thương… “ngày em phảo nổ.. ô..ô …” thì bà xã mở cửa bước vào nổ ngay cho một chầu đại bác. Hai mươi mốt năm sống với tui ông còn thấy lỡ làng à, khổ lắm, anh làm thơ “ngược dòng” cốt để đăng báo tết mà em. Ông chớ nói ngược, bản gốc anh gửi tạp chí Nhật Lệ là lỡ làng rành rành đây, nàng vừa nói vừa lôi trong ví ra bản thảo bài thơ bu viết tay… làm bu tịt ngòi. Trò đời vẫn thế, chết đến nơi vẫn còn chống chế, tại sao em quy kết thơ là người nhỉ, bao nhiều nhà thơ tình cổ kim đông tây là những vĩ nhân văn hóa, có phải là người hư hỏng gì đâu. Hừ, đọc thiên kinh vạn quyển như anh mà bảo thơ không phải người thì là gì, là ma quỷ sao. Em nói một câu và chỉ một lần này thôi, từ nay cấm anh có lỡ làng với làng lở gì nữa…  Hehehe cũng may, nàng không truy nguyên xuất xứ bài “thơ thẩn” tai vạ kia mà lẳng lặng bấm cạch vào máy, lấy băng nhạc đi ra khỏi phòng, sau đó hình như nàng cho băng xuống sông Nhật Lệ  hay hỏa táng mất tiêu… Chỉ biết là mười sáu năm nay nàng không hề nhắc lại chuyện cũ. Tuy nhiên bu tui vẫn còn giữ được bản in  bài hát của nhạc sĩ Thái Quý, hôm nay chụp hình để bạn bè coi chơi và cũng để tưởng nhớ nhạc sĩ Thái Quý đã thành người thiên cổ.
    Bác Nano Bobi nghe bác gái chầu văn còn êm ái chán, đâu có như bu suýt nữa thì “ôi xương tan máu rơi”,  hihihi …cũng là kỉ niệm của một thời dại dột để khôn lớn thêm lên…Thì ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần....    
Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

NHÂN ĐỌC “TÊN XƯA CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA” CỦA PNH



 Trước giá sách có đến 70% từ điển của PNH.

(Có lẽ đây là lần gặp thứ 10 của bu với ông bạn sách vở. SG 2013)


 

I- Bác PNH có bài “Tên xưa của một số quốc gia” được bạn bè bàn luận sôi nổi.  Muốn đọc toàn văn xin bạn theo địa chỉ http://ngochieppham.blogspot.com.

Bác PNH chọn ra 50 quốc gia được người Tàu phiên âm ra tiếng nước họ. Bu chỉ trích ra 5 nước  có chữ “ba” trong số 50 nước  như dưới đây :

- Ba Lan . Pologne - Poland.
- Ba Lạp Khuê
  . Paraguay - Paraguay.
- Ba Lợi Duy Á
     . Bolivie - Bolivia.
- Ba Tây
  西. Brésil - Brazil.
- Ba Tư
. Perse - Iraq.

Sơ bộ bu tui thấy:

1- Những nước có tên gọi khác nhau khi phiên âm theo âm Hán Việt đều có chữ đầu là “ba”  (Ba Lan, Ba Lạp Khuê, Ba Lợi Duy Á,  Ba Tây, Ba Tư)

2- Tuy đọc là “ba” nhưng tự dạng các chữ “ba” đó khác nhau, cụ thể: (có hai chữ, bộ kim) (có hai chữ, bộ kỉ) (một chữ, bộ thủy)

3- Bộ phận “po” (trong  pologne)     “bo” (trong bolivie )  đọc khác nhau nhưng đều được phiên âm thành  ba  (bộ kim). Bộ phận “pa” (trong Paraguay) và “Bré” (trong  Brésil)  được phiên âm thành  ba    (bộ kỉ). Tại sao vây? Có lẽ vì người Tàu không đọc được vần “b”, gặp b họ phải  đọc thành “p”!!

4 - Bác PNH cho rằng Người Tàu viết 3 chữ đó khác nhau và chắc đọc cũng khác, mỗi cách đọc chắc là gần với âm gốc hơn”.Chắc” là còn hồ nghi, vậy bu dẫn ra ba loại chữ “ba” (có bộ khác nhau) với cách đọc của người Tàu  để làm rõ thêm ý kiến bác PNH.

- Chữ ba bộ kim Tàu đọc là: “pá”

- Chữ ba bộ kỉ      Tàu đọc là:  “bà”

- Chữ ba bộ thủy  Tàu đọc là:  bò, bèi, bì

Qua đây, thấy người Tàu đã cố gắng phiên âm sao cho khi đọc lên gần giống  với âm gốc tiếng nước ngoài. Nhưng giữa người Tàu với nhau thì tình trạng đồng âm dị nghĩa cũng gây ra cho họ và người nước ngoài học chữ Hán vô vàn  phiền toái. Bu thử tìm hiểu chữ  “du” sau đây. 

II- Tìm trong một số từ điển thấy Tàu có 34 chữ “du” (chắc chắn còn nhiều hơn nhưng  bu tạm chấp nhận vậy).  Có điều oái oăm là 34 chữ du nhưng chỉ có 4 cách đọc, cụ thể là:

+ Đọc là     “yú”    19 chữ

+ Đọc là     “tòu”    2 chữ

+ Đọc là      “yòu”   11 chữ

+ Đọc là      “jiù”     1 chữ

+ Đọc là       “shú”   1 chữ

- Bu sẽ dẫn ra 17 chữ “du” mà Tàu đều đọc là “yú”   cùng với bộ và nghĩa của chúng để ta thấy cái phiền toái của chữ  Tàu.

1- ( bộ nhân):  Phải, vâng lời.  2- (bộ nhập): nghĩa như chữ số 1. 3- (bộ tâm): vui vẻ. 4-  (bộ thủ): lôi, dắt. 5-  (bộ cửu): Chốc lát. 6- (bộ mộc): Cây du. 7- (bộ mao):  Cù du là dệt lông làm thảm. 8- (bộ thủy): Thay đổi, biến đổi. 9- (Bộ phiến): Tấm ván ngăn để đắp tường. 10- (bộ ngọc): Ngọc đẹp. 11- (bộ huyệt): Đào tường, khoét vách. 12- (bộ nhục): Béo, màu mỡ. 13- (bộ trùng): Con sên. 14- (bộ y) Áo đơn có vạt trắng. 15- (bộ xước): Vượt qua, leo qua.  16- (bộ kiến): Muốn được, hy vọng. 17-  (bộ phụ): Tên huyện đời Hán. 18- (bộ nữ): Khéo léo. 19- (bộ khiếm): Bài hát, ca dao.  

- Do việc 19 chữ “du” đều đọc “yú” nên đã có đôi khi người nghe phải hỏi lại người đọc  “Ông đang nói du thuộc bộ gì” người đọc phải giải thích cặn kẽ, người nghe mới hiểu được. May thay, tiếng Việt với người Việt không đến nỗi phiền toái như vậy

 

 

 

 

Đọc tiếp ...