Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

ĐOẠN TRƯỜNG… KHAI SINH !!



                                                          Bu tui hồi chiến tranh chống Mỹ

Cô cháu nhà bên

 MỘT SỐ HÌNH ẢNH QUÊ NỘI BULUKHIN BÊN TẢ NGẠN SÔNG GIANH



 
Sau  khi biết bu đang lần mò làm lại giấy khai sinh, bạn Giao lang gọi bu lu khin là bé bu. Bác PNH phụ họa thêm, giờ này mà bác còn đi làm giấy khai sinh thì đúng là em bé rồi…Bác Hồng Ngọc bảo bác bu nên có bài nói kỹ chuyện này chứ quần chúng đang chờ đợi…
Quân tử nhất ngôn,  bu đã hứa viết là viết, tưởng năm ba dòng là xong hóa ra cũng lắm chuyện để nói… hihi

CÔNG DÂN CHUI!!
Lâu nay bu tui mỗi lần bệnh là phải mua thuốc ngoài uống, không dùng đến bảo hiểm , mà muốn dùng cũng không được vì ngày sinh trong chứng minh thư khác ngày sinh trong thẻ bảo hiểm y tế. Công An Q B  năm 2004 làm chứng minh thư họ viết nhầm thế nào đó cũng không rõ  nữa…chỉ biết là 10 năm qua bu thành công dân chui, sống bất hợp pháp. Có lần bác sĩ khám bệnh xong bảo “giấy tờ của bác không hợp lệ, không cấp thuốc được, bác thông cảm nhé”.  Những ngày ở Vũng Tàu bà xã bu nhắc không dưới  mười lần: Anh phải gấp gấp về quê làm lại chứng minh nhân dân để sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, bây giờ tốn kém mỗi tháng vài triệu tiền thuốc ráng chịu được, chớ đến hàng trăm triệu thì gay go đấy. Bu gàn, muốn đổi chứng minh thư phải có giấy khai sinh gốc, mà thời buổi “hành là chính” này xin cái giấy ấy đâu có dễ, khai giấy tờ gốc bị giặc Mỹ thiêu rồi thì biết đâu họ bắt phải đủ ba người làm chứng, viết cam đoan,  mà hình như làng xã họ đình kiến với nhà anh làm sao ấy… Em thấy anh không giống ai, giữ gìn ba quyển sách nói chuyện ông Khổng, ông Lão, Kinh Thi, Kinh Dịch như giữ đồ gia bảo còn huân chương huy chương nhà nước cấp lại không ngó đến, may mà em quét nhà nhặt được. Anh có biết với Huy chương Kháng chiến hạng nhất là được bảo hiểm một trăm phần trăm không.

QUÊ HƯƠNG LÀ CHÙM KHẾ NGỌT
Mỗi lần nghĩ đến chuyện về “chùm khế ngọt” xin làm giấy khai sinh gốc là bu chán ngán, nghĩ khó bằng dắt chú bò chui qua  lỗ kim chứ chẳng chơi. 
Tiếng là quê hương nhưng từ khi học cấp hai, cấp ba, cho đến đại học bu chuyên sống xa nhà, chỉ về quê trong dịp hè dịp tết. Sau khi tốt nghiệp khoa cầu đường đại học GTVT tổ chức phân bu  về Quảng Bình tham gia đánh Mỹ, đảm bảo giao thông trên Quốc lộ 15 từ giáp Hà Tĩnh cho đến Vĩnh Linh (nay là đường Hồ Chí Minh phía đông). Cứ năm ba tháng bu lại cuốc bộ cả trăm cây số giữa đạn bom về làng thăm mẹ thăm em.  Mẹ thắp nhang lên bàn thờ xin ông bà cùng thân phụ  phù hộ cho con trai  qua khỏi hòn tên mũi đạn. Chuyện mẹ kể  bao giờ cũng lẫn trong nước mắt. Nào là người ta lấy cớ làm mương thủy lợi  hướng dòng chảy vào khu lăng ông Nguyễn Quốc Hoan - làm quan suốt ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Họ nghĩ dưới mộ ông đại thần hẳn có nhiều vàng bạc châu báu… Khi đào lên, xác ông còn nằm trong túi lụa đỏ, áo mão cân đai như đang còn sống. Sau đó mấy hôm, sở văn hóa đến quy tội mẹ khai quật một ngôi mộ cổ có giá trị văn hóa mà không báo lên ngành chuyên môn. Khi hài cốt cụ Hoan đưa về sân nhà bu làm lễ di quan  thì một ông anh họ đảng viên gộc, chức sắc làng đến to tiếng, thím phải đưa ông này đi ngay, đây là một viên quan nhà Nguyễn phong kiến, phản động… Dạo ấy ông trưởng ty GTVT Quảng Bình chọn bu sang Đông Đức làm nghiên cứu sinh, sắp lên đường thì bị công an tỉnh  ách lại bởi địa phương mật báo chú ruột đương sự (là bu tui)  ở trong Tam Kì (Quảng Nam) làm nghề giáo học cho chế độ Mỹ Ngụy. Ngày nay mẹ bu, ông anh họ, đã trở thành người thiên cổ, không hiểu đám trẻ mới lên cầm quyền thôn xã còn định kiến nặng nề  với dòng tộc nhà bu không. Năm 1981 bà xã bu sinh cháu gái Ngọc Tú, mẹ  bu bán luôn đất vườn ở quê vào Huế ở với con trai và chăm cháu nội  cho đến ngày qua đời ngoài tuổi 90. Một dạo có người làng vào Huế cho hay cụ Thượng thư Nguyễn Quốc Hoan nay đã được làng nhắc đến trong các buổi Hội làng với lời tụng ca một nhà văn hóa, một vị quan thanh liêm ái quốc ái quần, một nhân cách mẫu mực của thuyết tu thân tề gia trị quốc theo truyền thống cha ông…

“CÁCH NHAU CÁI DẬU MỒNG TƠI XANH RỜN” …
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn, hai người sống giữa cô đơn”…  Mấy câu thơ của Nguyễn Bính vận vào hoàn cảnh bu dạo ấy sao mà đúng đến từng li một. Bên cạnh nhà bu là con đường nhỏ dẫn ra bến sông Gianh, bên kia đường là nhà bà  Tuyết chuyên sản xuất bún và các loại bánh tráng. Hồi đang học ở Hà Nội mỗi lần về tết bu thỉnh thoảng nhìn qua dậu mồng tơi ngắm nhìn cô bé Linh con gái bà Tuyết  nhặt rau hoặc quét sân, rửa bát.  Mỗi lần thấy Linh cười là bu bụng bảo dạ, cô này lớn lên vào hàng “nhất tiếu khuynh quốc tái tiếu khuynh thành” đây, bọn con trai liều liệu thần hồn. Mỗi lần gặp Linh ngoài đường hoặc ở bến sông cô bẻn lẻn chào chú với nụ cười đôi khi làm chú lặng người.  Nhưng rồi chú mãi mê theo đèn sách, sau ngày ra trường thì đổi mạng sống hàng ngày để đảm bảo giao thông thông suốt trên Quốc lộ 15 cho xe vào nam đánh Mỹ. Chú không còn thì giờ mà nghĩ đến cô cháu  hàng xóm bên kia dậu mồng tơi nữa.  Năm tháng dần qua đi, Mỹ càng dội bom ác liệt lên các tuyến đường, bến cảng.  Làng bu bên tả ngạn sông Gianh, nơi tàu Hải quân thường qua lại nên bị nhiều trận oanh tạc tàn khốc.  Hôm ấy nghe tin Mỹ bắn rốc két vào làng, nhà cháy, người chết, bu hộc tốc về  thì hởi ôi, xóm Đình ngay đầu làng đã tan hoang. May thay xóm nhà bu bị tàn phá không đáng kể, nhưng đường ngang lối dọc không có một bóng người, muốn biết mẹ và em sơ tán nơi đâu  cũng chẳng biết hỏi ai. Một ngày cuốc bộ đường rừng, nhịn đói, chân cẳng rã rời, bu tập tễnh sang nhà bà Tuyết may ra có người để mua cái gì bỏ bụng, nhân thể hỏi tin mẹ và em.  Nghe bước chân lạ, một cô bộ đội đang hí hoáy sắp áo quần vào túi xách quay lại gạt nước mắt chào… chú. Linh…Linh…  phải không, mà sao cháu khóc thế. Dạ, cháu về thăm nhà nhưng ba mẹ và các em cháu sơ tán đâu hết…Bu trấn an, hai nhà ta bình an vô sự là may rồi,  việc gì mà khóc. Mỗi lần bị đánh phá thế này cả xóm mình sơ tán bên Vũng Nổ. Ngày mai chú cháu ta sang đó tìm thế nào cũng gặp. Việc trước mắt là cháu kiếm đâu đó ít gạo đưa sang nhà chú nấu cơm ăn, chú đang đói meo đây.
Bữa cơm ăn với rau mồng tơi luộc chấm nước muối sao mà ngon lạ. Linh ăn ít, thỉnh thoảng buông đũa nhìn chú, hoặc dùng mủ tai bèo quạt cho chú mát.  Thấy chú liên hồi kì trận, hết bát nọ tiếp bát kia Linh chỉ cười.  Bổng nhiên  máy bay ào đến thả pháo sáng đầy trời, bu kéo Linh vào hầm chữ A thì bom bi đã vãi xuống, tai ác là bom bi nổ chậm,  cứ  đùng đoàng chỗ nọ lại đùng đoàng nơi kia.  Một quả bom nổ ngay cửa hầm, bi cắm rào rào vào ván gỗ, khói bom khét lẹt tràn vào hầm, Linh sợ quá run rẩy ôm chầm  lấy chú. Bu đẩy Linh sát vào vách hầm chữ A và ngồi ra phía ngoài dành an toàn cho cháu. Cho đến 11 giờ đêm xóm làng mới ngớt tiếng nổ. Linh đốt lên ngọn đèn dầu lạc chỉ đủ sáng để chú cháu nhìn thấy nhau,  cứ thế cho đến sáng bạch.  Linh không còn phép để đi tìm gia đình nên nhờ bu báo lại ba mẹ  hộ. Cơm sáng xong bu tiễn Linh trở về đơn vị, đến đỉnh đèo xã Quảng Trường thì Linh xuống xe đạp nói, đến đây là nửa đường rồi, chú quay về đi, cháu đi một mình được… Bu giao hẹn Linh thả xe xuống dốc là chú quay về liền. Chú cháu cứ người dục qua kẻ dục lại hoài mà không ai chịu đi trước. Thế rồi một trận mưa tầm tã, mưa như trút nước, chú cháu đứng nhìn nhau trong mưa bổng bu cười lên thành tiếng. Chú cười gì vậy. À, chú cười cái ông nhà thơ Vân Long lẩn thẩn. Lẩn thẩn sao chú. Ông ấy làm thơ mưa. Sao chú cứ nhát gừng thế, đọc thơ cho cháu nghe thử nào. Đọc xong thì chú cũng thành lẩn thẩn mất thôi. Chú lẩn thẩn cũng được mà, đọc đi nào . “Qua dãi sân mưa anh ngắm em, làn mưa nhòa những nét thân quen, tình yêu mới chớm sao mà đẹp, một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen”.  Trời lại dội mưa tiếp, khuôn mặt Linh dàn dụa nước mưa và hình như có cả nước mắt…

NHƯ CÓ PHÉP LẠ…
Một buổi chiều, bà xã bu từ nhà con gái về thông báo,  sáng hôm qua em đã điện thoại về cho thằng Vĩnh trước đây làm cùng phòng với em. Nó người họ Ngô nhưng thấy vẫn gọi anh bằng chú. Vĩnh đang nghỉ phép ở quê để xây lăng mộ cho dòng tộc.  Sau khi nghe em nói về trường hợp giấy tờ tùy thân của anh, và nhờ nó giúp một tay thì Vĩnh bảo cháu đã gặp cậu Hải cán bộ tư pháp xã xin làm giấy khai sinh gốc cho chú. Hải bảo việc này khó, để tớ nghiên cứu xem sao đã.  Nhưng chiều nay cháu gặp lại Hải thì cậu ta vui vẻ  bảo,  mình về có kể chuyện với mẹ trường hợp  một người làng   đã lớn tuổi tên Nguyễn Quốc Toàn ở trong nam cần làm lại giấy khai sinh gốc, mẹ có biết gì về ông này không. Nghe tên ông ta thì mẹ mình lặng đi mấy giây rồi bảo ông ấy là người làng mình, trước đây gia đình ông sống bên cạnh nhà ông bà ngoại con, hồi nhỏ mẹ vẫn gọi ông là chú... Bằng mọi cách con phải làm ngay giấy tờ cho ông ấy, con hiểu chưa…
Thím yên tâm đi, mọi việc sẽ hanh thông cứ như có phép lạ.
***
Sau khi nhận được giấy khai sinh gốc Vĩnh gửi vào, bu đến Công an sửa lại ngày sinh trong hộ khẩu, sau đó làm chứng minh nhân dân. Sáng nay 28.5.2014 dịch vụ bưu điện Vũng Tàu mang đến tận nhà bu phong bì “BƯU GỬI CHỨNG MINH NHÂN DÂN”. Chao ôi! Cảm ơn Vĩnh, cảm ơn Hải, cảm ơn người mẹ có tấm lòng vàng của cháu, bác mừng hơn bắt được vàng đây.





Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

CHUYỆN CHƯA CÓ HỒI KẾT








Vị trí giàn khoan HD 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam
 (ảnh mạng)


Tàu Trung Quốc hút cát bồi đắp bãi dá ngầm Gạc Ma ở Trường Sa thành đảo nổi rộng tới 30 héc ta 
(ảnh mạng)


Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp Việt Nam 
(ảnh mạng)


Bản đồ này đã được in trong cuốn "sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại" xuất bản tại Bắc Kinh năm 1954. Đường chấm chấm là "biên giới" của Trung Quốc Theo đó lảnh thổ Trung quốc  bao gồm vùng viễn đông và trung Á thuộc Liên Xô cũ, Triều Tiên (gồm hai miền nam bắc), Việt Nam,  Malaixia (phần giáp Thái Lan), Căm pu chia, Thái Lan, Lào, Miến Điện, Át Xam (một bang của Ấn Độ) Bu Tan, Xích Kim (giữa Ấn Độ và Tây Tạng) (ảnh bu chụp ở sách: SỰ THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM


Từ đầu tháng 5 đến nay dân chung cư chỗ bu ở đi bộ buổi sáng nhiều hơn bình thường. Đi để tập thể dục nhưng cũng đi để gặp nhau, hỏi nhau một câu rằng tình hình Biển Đông ra sao rồi. Người hỏi muốn người trả lời nói ra những điều tốt lành để yên tâm vận nước có chống chếnh nhưng vẫn đang yên.  Hăng hái nhất là các quý ông đã từng đứng đầu công ti nọ, xí nghiệp kia, hoặc sếp một cơ quan hành chính sự nghiệp nào đó. Đôi khi các ông không thuộc tên nhau mà gọi nhau bằng tên tầng lầu. Riêng bu được gọi là ông Sáu bu, bình luận hăng hái có ông Ba, ông Bảy…hihi

16.5 014
 Sáng nay ông Ba lên tiếng:  Một đất nước sinh ra những người vào hàng vạn thế sư biểu (1)  như Khổng - Mạnh, Lão - Trang, chiếu dưới thì có mấy tay tổ như Hàn Phi, Tuân tử, Mặc tử… mà hậu duệ của họ lại là một phường vừa ăn cướp vừa la làng. Vẫn biết là phàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu (2) nhưng trước mắt đất nước mình thiệt, dân mình thiệt.
Ông Bảy nói liền, ôi dào, Khổng tử là gì, là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Thiên hạ là dưới trời, vậy thì chỗ nào mà chẳng dưới trời, trên quả đất này, trên cung trăng, trên sao kim, sao hỏa …cũng là chỗ cho chúng nó bình, chính xác là xâm chiếm,  thống trị…
Bu biết bênh vực Khổng tử vào lúc này dám bị các ông mắng…nhưng cũng liều. Báo cáo bác Bảy  Khổng tử chỉ là liên đới chịu trách nhiệm, đầu têu vụ bình thiên hạ là Tăng Sâm học trò Khổng tử. Thời bấy giờ có người  hỏi Khổng tử  “Tại sao Phu tử không ra làm chính sự” Khổng tử đáp “Có biết kinh thi nói về đạo hiếu chăng “Chí hiếu với cha mẹ, hòa thuận với anh em, thi hành cho có chính sách” ấy cũng là làm việc chính, tại sao cứ phải ra làm việc chính”? (3). Câu trả lời của thầy được trò Tăng Sâm phát triển thành sách Đại học trong đó có thuyết  “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.  

17. 5. 014
Mới gặp nhau, ông Ba giục “Này Sáu bu, ba vụ tu thân, tề gia, trị quốc, mặc xác nó, còn bình thiên hạ là bình thế nào, đi cướp nước người ta sao?”.
 Không bác à, thuyết bình thiên hạ của Tăng Sâm không có gì đáng phê phán. Sách Đại học có đoạn “Bình thiên hạ ở chỗ trị nước mình, có nghĩa là : người trên kính trọng người già nên dân phát huy lòng hiếu thảo, người trên tôn kính bậc trưởng thượng nên dân phát huy nết để, người trên thương xót kẻ côi cút nên dân chẳng bội nghịch. Vì thế, người quân tử có đường lối  “noi theo khuôn phép”(4) Người Tàu vẫn nghĩ con hơn cha là nhà có phúc nên ông Mao Trạch  Đông chủ tịch nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã nâng cấp “bình thiên hạ” của Tăng Sâm lên thành chủ nghĩa bành trướng đại Hán bá quyền trên toàn thế giới. Tại hội nghị  Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc năm 1956 Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói: “Chúng ta phải trở thành quốc gia hàng đầu về phát triển văn hóa, khoa học, kĩ thuật và công nghiệp, không thể chấp nhận rằng  sau một vài chục năm chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số một thế giới”(5). Sau đó, tháng 9 năm 1959, tại Hội nghị  của Quân ủy trung ương  Mao lại nói: “Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta”(6). Năm 1954 Bắc Kinh xuất bản bản đồ “Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại”. Theo đó, lãnh thổ Trung Quốc bao gồm vùng viễn đông và trung Á thuộc Liên Xô cũ, Triều Tiên (gồm hai miền nam bắc), Việt Nam,  Malaixia (phần giáp Thái Lan), Căm pu chia, Thái Lan, Lào, Miến Điện, Át Xam (một bang của Ấn Độ) Bu Tan, Xích Kim (giữa Ấn Độ và Tây Tạng)….(7)

18.5.014
Ông Bảy mở màn:  Ông Sáu bu bảo thuyết “Giấc mơ Trung Hoa”, của Tập Cận Bình với khát vọng chinh phục trái đất  của Mao có khác gì nhau không?  
Sáu bu tui cho rằng giấc mơ Trung Hoa vừa văn vẻ vừa bạo liệt, nó muốn vươn tới những gì trên trái đất và cả ngoài trái đất. Chả thế mà năm 1962 Mao xua quân tràn sang biên giới Mác Ma hông choảng nhau với Ấn Độ, năm 1969 lại cho quân tràn xuống sông Ussuri đối đầu với Liên Xô để cướp đảo, năm 1975- 1978 Đặng Tiểu Bình xúi dục Khơ me đỏ gây hấn ở Tây Nam nước ta, cũng chính Đặng năm 1979 gây chiến tranh biên giới phía bắc Việt Nam, mới  đây Tập Cận Bình giành đảo Điếu ngư của Nhật và bây giờ cắm giàn khoan HD 981 vào vào vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam…Lãnh đạo Trung Quốc thực hiện tham vọng của Mao Trạch Đông chứ không có gì mới. Trong cuộc họp của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 8 năm 1965 Mao nói: “Chúng ta phải giành cho được Đông nam châu Á bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện,  Ma lai xi a, và Xinh ga po….Một vùng như Đông nam chấu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản…xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…Sau khi giành được Đông nam châu Á chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây”(8)

20.5.014
Ông Ba hỏi một câu hóc hiểm:  Sáu bu bảo tại sao một thời hiến pháp và điều lệ Đảng ta có ghi Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất (9) vậy tại sao đến 1988 lại bỏ câu đó đi  để quan hệ bình thường và dần dà sa vào vòng kiềm tỏa của nó.
Bác Ba à, đấy là chuyện bất tận ngôn. Chúng ta cũng thông cảm cho các bác lãnh đạo. Nước ta nghèo nhưng phải đánh toàn giặc giàu, hết Pháp rồi đến Mỹ, trong tình trạng ông anh Trung quốc chơi bài  tọa sơn quan hổ đấu. Tàu  không thích Pháp thắng Việt vì như vậy miền nam nước họ sẽ giáp giới với tên đế quốc sài lang, cũng không thích Việt thắng Pháp vì ông bé hạt tiêu Việt sẽ thành tiểu bá khó dạy bảo, lại có truyền thống can trường chống bá quyền đại Hán tộc. Không thích nhưng vẫn phải viện trợ, cho thế giới thấy anh quá tốt với em, cho nhân dân hai nước tin là Tàu tốt thực bụng. Đến khi Trung Xô xem nhau là kẻ thù thì Việt ở vào cái thế lửng lơ nhưng không thể không nhờ Liên xô chống lưng với những máy bay, tên lửa, xe tăng, thiết giáp, trong đánh Mỹ. Nhưng rồi khối đông Âu tan rã dần, thoạt đầu là Ba Lan 1989, tiếp theo là Hung ga ry, Đông Đức, Bun ga ry, Tiệp Khắc, Ru ma ni. Việt Nam  biết chắc sẽ đến ngày Liên Xô sụp đổ và hiệp ước Việt Xô kí ngày 3.11.1978 trở thành tờ giấy lộn.  Cho nên dẫu biết ông anh bành trướng bá quyền dần dà xẻo thịt em nhưng các vị lãnh  đạo Việt Nam  vẫn phải sang Thành Đô xin lập lại quan hệ bình thường. Theo ông Trần Quang Cơ ủy viên trung ương Đảng thứ thưởng Bộ ngoại giao thì “Vấn đề không chỉ là bình thường hóa quan hệ mà là phụ thuộc hóa quan hệ”(10)
Ông Bảy vò đầu bứt tóc: Như vậy là để còn Đảng, để chạy theo cái ảo ảnh XHCN các ông nhớn  đồng chí với kẻ cướp  để nó công khai xà xẻo dần dãi dất hình chữ S của tổ tiên để lại. Các ông xem, mất thác Bản Dốc, mất Mục Nam Quan, mất quần đảo Hoàng Sa, mất bãi Gạc ma, Co lin, Len đao… trong quần đảo Trường Sa…Mà Sáu bu, hội  nghị Thành Đô là cái gì mà năm 1990 quốc dân đồng bào không ai nghe nói tới.
Dạ báo cáo bác Bảy, em chỉ biết Thành Đô là thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Ông thủ tướng Lý Bằng, ông Tồng Bí thư Giang Trạch Dân của Tàu bảo rằng Bắc Kinh đang tổ chức Á vận hội, họp ở đó dễ lộ bí mật mà phải về Thành Đô cho kín đáo. Tàu bí mật thì ta cũng tuyệt mật, các cụ Tồng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười, cố vấn Phạm Văn Đồng đi họp về có mang về kỉ yếu hội nghị nhưng không phổ biến. Nay Cụ Linh cụ Đồng đã thành người thiên cổ, cụ Mười ngồi xe lăn, các cụ không nói ra thì Sáu bu tui cũng bó tay chấm com vậy …hhihi
Ông Ba ngao ngán: Các ông à, chúng ta rỗi hơi thì tán hảo chơi,  chớ đây là câu chuyện chưa có hồi kết,  với cỡ tuổi chúng ta thì câu chuyện không có hồi kết…  không có…không có…

-----------------------------------------------------------------------------------

(1)               Thầy của muôn đời
(2)               Ngậm máu phun người miệng mình bẩn trước
(3)               Luận ngữ, phần Vi chánh đệ nhị
(4)               Đại học , Chu Hy chú giải trang 51
(5)               Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc  trong 30 năm qua NXB Sự thật tháng 10 năm 1979
(6)               Sách đã dẫn ở mục 5
(7)               Sách đã dẫn ở mục 5
(8)               Sách đã dẫn ở mục 5
(9)               Tuổi trẻ C500 Facebook.com

(10)           Hồi ức và suy nghĩ của Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trần Quang Cơ chương 18
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

NGHIỆT KÍNH ĐÀI


Kinh Chú Đại Bi


Từ câu 1 đến câu 39


Từ câu 40 đến câu 84



Bu tui ở Thung lủng hồ Suối Vàng Đà Lạt ngày 30.4.2014 


Hồ suối Vàng Đà Lạt

1-  Ông bạn Trần Luân của bu nguyên là một nhà báo mẫn cán, tài năng, anh chỉ viết những gì mình tâm đắc,  mình tin, chớ không viết theo mệnh lệnh cấp trên, hoặc những gì mơ hồ huyễn hoặc. Vậy mà sau ngày về hưu Luân không quan tâm gì đến sự đời  lại mê mẫn đạo Phật đến độ cực đoan. Suốt ngày ghi ghi chép chép những pháp thoại của các nhà sư  môn phái Tịnh Độ, một lòng sùng kính đức A di đà.  Sổ tay ghi chép của Luân đã thành một chồng cao dễ đến mười quyển.  Vợ Luân cũng mê đạo Phật không kém nhưng mấy lần đã nhắc chồng “ghi  rồi anh phải đọc và suy ngẫm chớ ghi  bỏ đó mà làm gì”. Mỗi lần Luân gọi đến là bu nơm nớp sợ, sợ không trả lời nỗi những thắc mắc hóc hiểm về đạo Phật của cậu ta. “Ông bu ơi tại sao Quán Thế Âm bồ tát trong kinh Bát Nhã có khi lại kêu là Quán Tự Tại” …“Này bu à, hóa ra Lục Tổ Huệ Năng là người Việt Nam chớ không phải người Tàu như ông nói” …Vụ quê quán thầy Huệ Năng chưa ngã ngũ thì trước tết giáp ngọ Luân lại gọi đến “Tui đọc đâu đó một bài nói về đạo Phật thấy có mấy chữ NGHIỆT KÍNH ĐÀI, nó là cái chi vậy ”.  Biết là khó nhá, nhưng bu chắc mẩm trong sáu quyển Phật  Quang Đại từ điển (gần 2400 trang của Linh Sơn, Đài Bắc)  thì gì  mà chẳng có,  hóa ra tìm nổ con mắt mà chịu thua. Mở sang Phật học từ điển (Đoàn Trung Còn), Từ điển Phật học ( Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách), Từ điển Hoa Linh Thoại (mạng) và nhiều nhiều nữa ... cũng bó tay luôn. Mỗi lần Luân gọi đến “đòi nợ” thì bu đánh trống lảng, hoặc khất lần…May thay  mấy ngày  đầu tháng tư 2014 bu “ngâm cứu” CHÚ ĐẠI BI để tham gia “bình loạn” mật ngữ  “OM MA-NI PAD- ME HUM” (Án ma ni bát mê hồng) bên nhà PNH mới thở phào nhẹ nhõm, hihi… NGHIỆT KÍNH ĐÀI  đây rồi.
2-  Bu xin mở ngoặc nói vài dòng về Chú Đại Bi.  Tên đầy đủ của nó là Đại Bi Tâm Đà La Ni của Quán Thế Âm bồ tát nói trước Phật Tổ, kinh gồm 84 câu 415 chữ Phạn được phiên âm ra Hán Việt, đọc lên nghe xủng xoảng như xe ben trút đá hộc. Bạn tò mò muốn biết thì bu xin dẫn ra ba câu đầu (1,2,3) và ba câu cuối (82,83,84)
   
     Câu 1: Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da                                                                  
     Câu 2: Nam mô a rị da                                                                                
     Câu3: Bà lô yết đế thước bát ra da                                                               
    ……….                                                                                                                  
     Câu 82: Mạn đà la                                                                                     
   Câu 83: Bạt đà da                                                                                                  
     Câu 84: Ta bà ha
   
  Theo hòa thượng Thích Tuyên Hóa (1918 – 1995, Tàu)  thì năm  1969  ông là nhà sư đầu tiên luận giải Chú Đại Bi ở Hoa Kỳ.  Như câu  số 3  “Bà lô yết đế thước bát ra da” ông giảng là “Quán Chiếu, quán sát   một cách rộng khắp và tự tại” (bu vắn tắt). Đấy cũng chính là ý nghĩa   danh hiệu Quán Thế Âm bồ tát, lắng nghe âm thanh ở cõi thế gian để cứu độ một cách tự tại.
3-Trước khi tiến hành chú giải 84 câu Chú Đại Bi  Hòa thượng Thích Tuyên Hóa  đọc một bài kệ thuyết minh ý nghĩa của thần chú

Đại bi đại chú thông thiên địa                                                             
Nhất bách nhất thiên thập vương hoan                                                      
Đại từ đại bi năng khứ bệnh                                                                   
Nghiệt kính nhất chiếu biến cao huyền

 Nghĩa  là:                                                                                        Thần chú Đại Bi có công năng thông cả thiên đường thấu đến địa phủ.  Người nào thường trì niệm chú này mỗi ngày 108 biến, niệm 1000 ngày (khoảng 3 năm) như thế thì có thể chữa lành tất cả mọi tật bệnh.  Và làm cho đài gương chiếu tội sáng ngời ngời. (vắn tắt)
Riêng câu thứ tư “Nghiệt kính nhất chiếu biến cao huyền”  hòa thượng giải thích  “...Trong địa ngục có một đài gương báo tội gọi là NGHIỆT KÍNH ĐÀI. Nếu quý vị gây một nghiệp ác nào thì nghiệp ác ấy sẽ hiện rõ trong đài gương kia. Cũng giống như hình ảnh đang hiện ra trên màn ảnh xi nê vậy. Ví như một kẻ sát nhân thì trong gương báo tội ấy sẽ hiện lên cảnh hung thủ đang giết người. Nếu người ấy gây nghiệp trộm cắp, hay đốt phá nhà cửa thì trong Nghiệt Kính Đài sẽ hiện rõ cảnh tội đồ trộm cắp, đốt nhà…Còn nếu quý vị không gây tạo ác nghiệp thì chẳng có gì hiện ra trong trong kính đó cả.  Quý vị trì tụng thần Chú Đại Bi 108 biến mỗi ngày, liền trong 3 năm (khoảng 1000 ngày) thì những nghiệp ác quý vị gây ra trước đó trong Nghiệt Kính Đài được xóa sạch. Nơi địa ngục sẽ treo lên tấm bảng ghi rằng: “Người này đã từng trì tụng Chú Đại Bi, tội báo của người này đã được hóa giải toàn bộ”. Bấy giờ tất cả quỷ thần trong địa ngục đều cúi đầu lễ bái sùng kính người trì chú này như lễ bái sùng kính chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai .                                                         
       Thần lực của Chú Đại Bi thật là không thể nghỉ bàn”

***

Ghi thêm:

Xong vụ  Nghiệt kính đài, Luân ta hoan hỉ mời bu thưởng thức  trà Ô Long và lai rai chuyện trên trời dưới đất.
Luân: Ông ạ, tưởng tượng có cái kính báo tội ấy đặt ở Hà Nội, thì hay nhỉ
Bu: Đặt  kính vừa xong thì bọn trùm cá mập cho đệ tử đập nát tan tành
Luân: Ừ nhỉ, không thế thì nó chết hết à… 


Bu: Ông yên chí, kính báo tội ấy vẫn đang hoạt động dưới địa phủ, nó rọi chiếu khắp nhân gian. Không chỉ đạo Phật, mà đạo Nho cũng nói “tiền lộ định tri thiên hữu nhãn”. Không ai thoát được lưới trời đâu. Đến như Thái Tử Tất Đạt Đa sau khi đã thành Phật Thích Ca còn phải chịu  chín lần quả báo nữa là

Luân: Hả…vụ Phật bị quả báo tui chưa nghe thầy nào giảng
Bu: Mục Cữu Não (chín lần phiền muộn) trang 1173 của Phật Quang Đại từ điển có ghi chín lần Phật bị quả báo, nói hết thì dài quá, bu chỉ nói quả báo lần thứ hai cho ông nghe chơi thôi.

“ Đời trước Phật là một lãng nhân ăn chơi, từng dụ dỗ một dâm nữ là LộcTướng đến đến khu vườn nơi mà vị Phật Bích Chi tu đạo hằng ngày để hành lạc, xong rồi giết nàng Lộc Tướng mà gieo vạ cho Phật Bích Chi, cho nên đời này Phật phải chịu quả báo bị vu oan đã giết nàng Tôn Đà Lợi”

Cô vợ Luân bình: Quả báo thế là quá nhẹ, em cho là mạng đền mạng mới phải, luật pháp nhà Phật còn nương nhẹ đức Phật quá.

Ông chồng đế vào: Thì xử lý nội bộ mà em …hihihi


Đọc tiếp ...