Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

CÁNH CỬA KHÔNG BAO GIỜ MỞ





 Chụp lại minh họa của Đỗ Trung Quân


Tác giả: Thiệu Bảo Kiện (Trung Quốc)

Dịch giả: Thái Nguyễn Bạch Liên

(theo Độc Giả Văn Trích )


Thị trấn cổ Giang Nam có một chung cư bình thường của chín hộ mà ngày ngày người cư trú gặp nhau ngoài sân hoặc bên giếng nước trong vườn. Ngôi nhà họ ở cũng cổ xưa, kiểu dáng hầu như nguyên trạng không mấy đổi thay, có chăng là đồ gia dụng và đồ trang trí nội thất ít nhiều được cách tân mới mẻ. Trong số họ có hai hộ độc thân, một người đàn ông, một người đàn bà, hai căn phòng liền vách.

- Chào, người đàn ông độc thân họ Đặng vấn an người đàn bà quá thì Tuyết Nga mỗi buổi sáng đi ra khỏi nhà.

- Đi à? Chị đáp lại cộc lốc và quay ngoắt với bước chân không hề đổi thay nhanh hay chậm.

    Không biết bao nhiêu lần rồi, người chung cư gặp chị và chỉ nghe một điệp khúc khô khan, vô tình như vậy. Người ta thở dài chán ngán.

Chị họ Phan, Phan Tuyết Nga, cũng phải ngoài bốn mươi rồi, dáng người mảnh khảnh, mong manh, khuôn mặt thon thả, làn da trắng mịn, mặt mũi đoan chính, ăn vận nhã nhặn mà vẫn hợp thời. Chị làm việc ở một cửa hàng bán hoa tươi trên phố Tây Giao. Láng giềng không ai biết vì sao người đàn bà đoan trang nhường ấy mà vẫn ở một mình. Người ta chỉ biết chị có quyền yêu, được yêu mà chưa một lần hôn thú ở cái chung cư nghèo nàn này.

   Còn người đàn ông, anh dọn đến sau chị phải đến năm năm. Anh là họa công cho một rạp chiếu bong, tài nghệ không mấy tiếng tăm, nhưng được cái tận tụy và cẩn thận. Mới bốn lăm bốn sáu gì đó mà trông như ông già tóc bạc luôn luôn rối bời như thể hiếm khi gội chải, lưng đã chớm còng và gầy gò, gầy từ khuôn mặt đến bờ vai và cả bạn tay nữa, duy chỉ có đôi mắt thì luôn luôn rực lên một khát vọng của tuổi trẻ mà thôi.

   Mỗi lần đi làm về anh đều mang theo một bó hoa, khi thì mai quế hoặc tường vi, lúc thì hải đường hoặc mai vàng. Mùa nào thức ấy quanh quẩn tứ thời, cái lọ thủy tinh màu lam trong suốt của anh không khi nào vắng hoa. Anh không quen rong chơi la cà nên xong việc ở sở là về nhà ngay và gần như cấm cung trong căn hộ của mình. Thỉnh thoảng người ta thấy anh ra giếng giặt giũ quần áo, rửa chén bát và lọ hoa. Mỗi lần rửa xong lọ hoa anh múc nước trong ở giếng lên, rót vào lọ, rồi cẩn thận ôm lọ quý về phòng.

    Nói là hai căn hộ liền vách , nhưng giữa chúng là một bức tường dày, mỗi phòng là một thế giới riêng. Phòng của anh bài trí giản đơn với giá sách làm bằng tre, trúc, cao đến đầu người kê cạnh giường ngủ. Trên giá sách là vị trí vĩnh cửu không xe dịch cảu lọ hoa. Còn lại là các bức họa  do anh vẽ hoặc của người khác vẽ, cái treo, cái gác, cái tựa, bề bộn bụi bặm, ngổn ngang và thiếu hẳn sự sắp đặt của bàn tay phụ nữ. Ngược lại lọ hoa thì gia chủ chăm nom tỉ mỉ, không một hạt bụi bám bên ngoài, không một giọt nước thiếu bên trong, và không một bông hoa nào khô héo.

    Người chung cư mong sao có một bận anh về với bó hoa tươi, và chị sẽ bước ra nghênh tiếp đón nhận. Nhưng kì tích ấy đã không bao giờ diễn ra, người chung cư đã không bao giờ nhìn thấy, và họ chỉ còn biết thương cảm cho hai người đang sống cô đơn.

   Một buổi sáng mùa thu, mưa mịt mùng. Người đàn ông cầm dù và như thường nhật chào Phan Tuyết Nga, rồi cũng như thường nhật lại nhận lời đáp “đi à?” , rồi người đàn bà trương dù lao nhanh vào rừng mưa.

    Chiều tối, mưa tạnh, chị đi làm về và không gặp anh ấy nữa. Người ta trên rạp chiếu bóng hớt hải chạy xuống báo tin buồn:  Đặng Nhược Khuê - tên của anh - đang vẽ thì loạn nhịp tim, ngả lăn xuống sàn nhà, đồng nghiệp đưa anh ấy đến y viện thì cũng là lúc anh lịm dần và cuối cùng vĩnh biệt mọi người về nơi thiên cổ. Dân chung cư khóc thương và đôi mắt người đàn bà họ Phan ấy cũng đỏ ngầu.

   Từng vòng hoa, vòng hoa được đưa đến đặt bên linh cửu của anh. Người ta thấy một vòng hoa lớn nhất được kết bằng  nhiều loại hoa tươi, những loài hoa mà sinh thời anh mang về chung cư sau mỗi bận tan sở. Đó là vòng hoa của chị lặng lẽ hiến dâng anh, không hề có một dòng liễn viếng vắt chéo ngang.

   Sân nhà chung cứ vắng bóng người đàn ông bất hạnh tự nhiên trở nên trống vắng lạ thường. Vài ngày sau người đàn bà cũng bỏ chung cư mà đi, đi vội vàng, đường đột và không một lời  từ biệt. Dân chung cứ dọn lại căn phòng của anh, người ta ngạc nhiên thấy trong bộn bề tranh ảnh bụi bặm, chỉ duy nhất còn lại lọ hoa là sáng long lanh, lam biêng biếc và một bó bạch cúc vẫn trắng, vẫn tươi như vừa mới hái cắm vào đó.

   Khi dọn đến giá sách thì ôi chao một cánh cửa, một cánh cửa màu đỏ sậm với nắm kéo màu vàng đồng thông sang nhà chị ấy. À ra thế, những gì mà dân chung cứ từng thông cảm  với người đàn ông xấu số thì giờ đây trở thành phẩn nộ, sự phẩn nộ không nên lời và cũng không lời nào tả nổi.

   Nhưng cũng nhanh như khi người chung cứ nhìn thấy cánh cửa, họ kéo nắm khóa vì muốn minh chứng cho sự ngạc nhiên à ra thế thì ôi chao đó chỉ là một bức họa - một tác phẩm bằng phẳng dán trên tường.

    Một cánh cửa không bao không bao giờ mở được. 
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

HOÀNG PHỐ GIANG BIÊN ỨC CỐ NHÂN.


Thái Nguyễn Bạch Liên hồi đang nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc


Đại hội lần thứ III Chi hội Cơ học Huế
Thái Nguyễn Bạch Liên chủ tịch mặc áo trắng đứng giữa
Nguyễn Quốc Toàn (bu tui) phó chủ tịch đứng bên phải Bạch Liên

Bạch Liên, Quốc Toàn (bu) trên cầu Xuân Sơn gần động Phong Nha

Hai cặp: Bạch Liên Nam Phương (áo xanh, áo trắng)  Quốc Toàn Thu Hà
(Chụp ở nhà Ruchung Đồng Hới)






Bạch Vân là một cộng tác viên ruột thịt của Thanh niên nguyệt san.  Anh đã từng du học nhiều năm tại Thượng Hải, đã có một mối tình thơ ngây, trong sáng một một cô bạn gái Trung Quốc. Nhưng rồi cuộc Cách mạng văn hóa bùng nổ và tình yêu Việt Trung bị chia cắt.  30 năm sau, anh trở lại Thượng Hải, ngậm ngùi  đứng trên bờ sông Hoàng Phố  để nhớ người xưa.


Thầy và tôi ôm chầm lấy nhau, nước mắt giàn giụa. Trong nỗi xúc động trùng phùng ấy tôi nghe vẳng bên tai tôi tiếng nói nhẹ nhàng của một phụ nữ: “ông là Bạch Vân?”.  “Vâng , tôi đây, Bạch Vân của các bạn, của hơn ba mươi năm trước đã về đây”, và sau câu trả lời mọi người xô tới vây quanh tôi. Thầy tách ra đứng lặng, ngắm nhìn đám học trò của mình, tuổi tác đều ngoài ngũ tuần mà sao cứ thơ ngây, khờ dại như thuở xưa vậy.

  Quên nhau là phải, vì cuộc chia tay đã hơn 30 năm rồi, Cách mạng văn hóa bùng nổ bên ấy, cuốn hút cả hàng trăm triệu người vào cuộc đấu tố tàn nhẩn, làm đảo lộn mọi chân giá trị, đã xô đẩy mười bảy triệu thanh niên trí thức về nơi sơn cùng thủy tận lao động cải tạo. Họ sống mòn ở đó và không bao giờ trở về nơi mình đã trưởng thành và hằng yêu mến. Quên nhau là phải, vì bên này cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc đã lan ra cả nước một cách khốc liệt; những trận càn, những đợt mưa bom bão đạn, những cuộc phản kích v.v…Mệnh đời chỉ tày gang tấc, sống đó và chết đó. Quên nhau là phải vì có độ hai bên nổ súng, kẻ đánh người đỡ, vì có thời coi nhau như thù địch, người bên này, người bên ấy vì sợ bị liên lụy kiểu Mỵ Châu – Trọng Thủy…ôi  đâu phải do chúng ta! Tất cả đều do bàn tay của tạo hóa và giờ đây  Người lại cho chúng ta trùng phùng.

   Quên nhau là phải, vì diện mạo con người sau ba mươi năm đã thay đổi nhiều lắm. Nhưng đọng lại trong chúng tôi là những cái tên bật dậy từ góc nào đó sâu kín của kí ức. Mình đây Từ Bảo Phú cử tạ, mình đây Tô Tuấn bóng rổ, mình đây Tống Kim Long ca sĩ, mình đây…, mình đây…Bổng tất cả lắng xuống, còn nữa - người thủ vai em gái của Lâm Dục Sinh trong vở  Một Thời Tuổi Trẻ đâu rồi? Chàng sinh viên Lâm Dục Sinh trên sân khấu ngại khó chỉ muốn ở lại Thượng Hải mà không chịu nhận quyết định đi miền tây Thanh Hải, một thời gian làm nao lòng cả lớp, không chỉ vì diễn xuất mà còn bởi anh là người ngoại quốc nhuần nhuyển Hán ngữ. Hôm nay, quay về mảnh đất Hoàng Phố thì “em gái” anh …bất tri hà tại biết ở chốn nào?

   Lâm Dục Hoa òa khóc: “Bạch Vân ơi đừng buồn nữa, tha lỗi cho mình vì lời báo cáo năm ấy mà nên nông nỗi này, mình sẽ đi tìm Diệu Liên cho bạn, nán đợi nghe Vân !”. Đó là mùa hè năm 1964, cả lớp chúng tôi đang thực tập ở một nhà máy ngoại ô thành phố, nhưng nhà trường bố trí chúng tôi ăn ở tại cư xá công nhân. Một chiều chủ nhật Diệu Liên không về nhà thăm mẹ mà ở lại cư xá cùng tôi, đang mãi vui vì những câu chuyện tâm tình đôi lứa, chúng tôi trao cho nhau một nụ hôn đầu, đất trời như đảo lộn. Trời …lại có thể có một cảm xúc tuyệt vời đến thế. Ngay lúc ấy, Lâm Diệu Hoa bước vào, và sáng hôm sau thầy tập trung cả lớp theo đội hình nhà binh, thầy tuyên bố nhà trường gọi một mình Diệu Liên trở về có công việc, các sinh viên khác ở lại hoàn thành nốt đợt thực tập. Một tuần dằng dặc trôi qua, vừa đặt hành lí xuống, tôi vội vàng sang kí túc xá nữ sinh viên, nào ngờ hôm ấy là buổi chia tay hàng thập niên với Diệu Liên. Em tôi bị điều lên Bắc Kinh học năm cuối cùng, còn tôi về Hà Nội, tốt nghiệp xong đi chiến trường. Năm 1967 ở Quảng Bình tôi nhận được thư Diệu Liên. Ôi một thời tuổi trẻ - học hành và thương yêu, những buổi chụm đầu giảng giải cho nhau một bài toán, hay một Hán tự, những hôm ngồi tâm sự quên ăn quên uống mà phải công khai mở cửa phòng để mọi người kiểm tra là “không có vấn đề”, chỉ là “bằng hữu” chứ chưa hề “luyến ái”, những đêm trốn trại ôm nhau chia sẻ nỗi lo âu và mới biết nước mắt mặn chát ra sao…tất cả đều là kỉ niệm đẹp, nhưng “vô kỉ luật phạm điều cấm chịu tội với tập thể”.v.v…Năm 1976, con tàu chuyên xa đưa tôi qua chiều dài của Trung Hoa đại lục, người con gái Thượng Hải ấy vẫn biền biệt xa vời. Liên Đâu rồi hởi Liên! Tôi đi khắp phương trời Nga, Tiệp, Lào, Miên…đâu đâu cũng không tìm thấy Diệu Liên.

   Khi hay tin tôi về thăm Thượng Hải, Lâm Diệu Hoa chuẩn bị tất cả những kỉ vật của lớp mà cô đã dấu kín hồi “văn cách”, tránh mọi điều liên lụy với người nước ngoài, để hôm nay mọi người nhìn lại, nhớ lại. Diệu Liên – “em gái” tôi vẫn trẻ đẹp và tội nghiệp như 30 năm thuở trước. Thầy và Diệu Hoa bảo người con gái ấy trở về Thượng Hải làm việc, nhưng cách mạng bùng nổ, vì là con của trí thức, vì đã yêu ngoại tân nên phải đi nông thôn cải tạo, sức khỏe suy sút, đã một lần quyên sinh mà không thành, trốn đi tu cho hết “nợ” trần ai, nhưng số phận vẫn đeo đuổi bám riết, nàng đành đi Hương Cảng, cho đến hôm nay mà mọi người vẫn chưa hay tin gì…

    Tôi trở về khách sanh Thiên Hạc - ngàn con chim hạc - mà một con đã bay xa. Tôi thơ thẩn trên công viên Ngoại Than, dọc bờ sông Hoàng Phố nhớ những chiều Diệu Liên  tay chỉ về đàng đông và nói rằng nơi ấy là cửa bể. Đèn néon viền theo các tòa nhà xây dựng từ hồi Thượng Hải còn là tô giới đã dần dần bật sáng, nhịp sống trẻ ngàn lần mảnh liệt so với những năm mà tôi với Diệu Liên thương nhau, tất cả mọi gương mặt thoáng qua đều không thấy bóng nàng. Tôi lên tháp truyền hình Ngọc Sáng Đông Phương, tháp cao 400m nhưng vì đang thi công nên du khách chưa thể “leo” lên tới đỉnh, phía ấy là nhà Diệu Liên – Hoài Hải Đông Lộ, phía ấy là trường mẹ - Từ Bình Bắc Lộ  mà vẫn “bất tri hà tại”. Cảm thương cho một thời kì u tối, mừng vui cho sự biến cải nhân tình, càng trân trọng những gì ta có được, đã phải trả giá, càng yêu quý cuộc sống hôm nay đầy nhân tình mà mới đây thôi còn hiếm lắm.

                                                                                         

                                                                            Thượng Hải 1995

                                                                                       BV


Đôi lời của bu

Khi viết “Hoàng Phố giang biên ức cố nhân” anh bạn bu - Thái Nguyễn Bạch Liên đổi tên mình thành Bạch Vân (Bạch Liên + Tưởng Vân), Tưởng Vân thành Diệu Liên. Những ngày bu và Liên còn nằm chung hầm ở tuyến lửa Quảng Bình thì câu chuyện Bạch Liên Tưởng Vân được Liên kể hằng đêm, nghe rồi nghe lại vẫn không chán vì Liên có tài kể chuyện làm mê mẩn lòng người… Chiều chủ nhật Bạch Liên đến nhà Tưởng Vân ở Hoài Hải Đông Lộ, nàng làm bánh bao thật ngon cho chàng bồi dưỡng, tối lại đôi lứa ôm nhau trùm chăn 5 cân chống lại cái rét cắt da củaThượng Hải. Bu lắc vai Liên dừng lại lục vấn, cậu nói thiệt đi, chỉ ôm nhau thôi sao. Liên vùng dậy chỉ tay lên nóc hầm chữ A, tớ thề có trời..., Tưởng Vân những lúc đó như thiên thần, mình yêu và trân trọng nàng hết lòng, tuyệt không nghĩ đến điều gì khác. Có buổi chiều Mỹ đánh rát quá hai đứa không được tiếp tế gạo đành đi đào rau má về luộc ăn với sắn (củ mì). Bu gặng, Tưởng Vân viết thư hay quá, đọc lại nghe coi Liên ơi. Liên ta xoa tay vào ống quần cho sạch đất, lấy thư Vân ra đọc, tiếng Hoa nghe cứ xủng xủng xoảng xoảng …lại dừng để dịch ra tiếng Việt, lần nào cũng vậy đến đoạn em đã đứng trên bờ giếng viết thư tuyệt mệnh gửi anh, nhưng rồi em không thể quyên sinh được vì thương anh quá. Biết em chết thì anh sẽ buồn lắm lắm, mà em thì không muốn anh buồn.  Liên gỡ kính lau nước mắt, bu tui cố làm ra mạnh mẽ chứ sống mũi đã cay cay …Trước khi gõ lại Hoàng Phố giang biên ức cố nhân, bu tui đã thắp một nén nhang hướng về  đường Nguyễn Kiệm quận Gò Vấp trên Sài Gòn , nơi vợ con Liên sống, xin phép vong linh bạn kể thật tên các nhân vật cho các bạn ảo blog biết vì xét ra không phương hại gì cả.  Liên ơi! Mới đó mà cậu bỏ bạn bè đi vào cõi vô cùng đã hơn 10 năm rồi!!!  

-----------------


Năm 2007 sau 4 năm Bạch Liên qua đời bu có dịp đến Thượng Hải, bùi ngùi dẫm chân lên những địa danh mà một thời  Bạch Liên và Tưởng Vân đã từng lui tới....


Tháp truyền hình Thượng Hải
 (thời Bạch Liên và Tưởng Vân đến chưa thi công xong phần đỉnh cao)



Hoàng Phố giang biên (bờ sông Hoàng Phố)

Trên bờ sông Hoàng Phố

Công viên cạnh sông Hoàng Phố
Đọc tiếp ...