Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014


THƯA THẦY THÍCH NHẤT HẠNH (1)




Bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Thiền sư Thích Nhất Hạnh



1- Tôi đọc bộ “Việt Nam Phật giáo sử luận” của thầy và rất tán đồng nhận xét của giáo sư Nguyễn Huệ Chi “Việt Nam Phật giáo sử luận  không có gì khác hơn là cũng cố niềm tin của bạn đọc vào các truyền thống văn hóa tốt đẹp, lâu đời của dân tộc chúng ta. Đó hiển nhiên là một định hướng chính xác”.  Ở một nơi khác  giáo sư Huệ Chi viết “Ý kiến Nguyễn Lang (1) không mấy khi làm người đọc khó chịu, dù có thể chỗ này chỗ khác vẫn chưa tán đồng…”.  Với tôi, khó chịu đến mức phản ứng thì không nhưng lấn cấn, vướng mắc thì có.  Ở trang 80 tập một, thầy viết “Có người hỏi nếu đạo Phật quan trọng tại sao Nghiêu Thuấn, Chu Công và Khổng Tử không nói đến đạo Phật trong kinh truyện và cũng không theo đạo Phật. Mâu Tử trả lời là “Không phải cuốn kinh nào hay cũng do Khổng Khâu tác thuật, không phải phương thuốc nào thần diệu cũng do Biển Thước chế ra. Chu công xem Lão Đam như bậc thầy những điều này có được chép trong bảy kinh đâu?”
2- Câu trả lời của Mâu Tử không ăn nhập gì với câu hỏi. Hỏi tại sao các ông Nghiêu Thuấn, Chu Công, Khổng Tử, không theo đạo Phật thì lại trả lời tréo cẳng ngổng rằng không phải quyển kinh nào hay cũng do Khổng Khâu tác thuật, phương thuốc nào hay cũng do Biển Thước chế ra.
2- Nếu bảo người hỏi thiếu kiến thức lịch sử sợ thất thố với thầy Nhất Hạnh, với vong linh thầy Mâu Tử.  Nhưng vẫn nghĩ bụng, đáng lẽ thầy Mâu Tử phải trả lời đại ý rằng: Nghiêu Thuấn là hai ông vua được người Tàu tôn lên bậc thánh. Nghiêu (2356) tcn, Thuấn (2255) tcn, trong khi đó Thích Ca (563) tcn. Tức là Nghiêu Thuấn có trước Thích Ca khoảng 1800 năm, vậy làm sao mà bảo Nghiêu Thuấn theo đạo Phật cho được?  Đạo Phật có ở Ấn Độ gần như cùng thời với Khổng giáo ở bên Tàu. Nhưng Khổng Tử qua đời khoảng 650 năm (vào hạ bán thế kỉ thứ 2 scn) thì đạo Phật mới có mặt ở Bành Thành nước Tàu, vậy làm sao bảo Khổng Tử nói đến đạo Phật trong kinh truyện của mình cho được ???
3- Không hiểu sao Mâu Tử  còn nói “Chu Công xem Lão Đam như bậc thầy, những điều này có được chép trong bảy kinh đâu”.  Chu Công mà Mâu Tử nhắc đến là Chu Công Đán, người đã có công giúp Chu Vũ Vương lập ra nhà Chu (1122 - 256) tcn. Rõ ràng Chu Công Đán phải là người trưởng thành trước năm 1122 tcn, tức vào khoảng 1152. Trong khi đó Lão Đam tạm cho là cùng thời với Khổng Tử (551- 479), thì Chu Công có trước Lão Đam khoảng 650 năm.  Như vậy làm sao có chuyện “Chu Công xem lão Đam như bậc thầy” được
4- Mâu Tử vốn người Quảng Tây, cùng mẹ chạy loạn sang định cư và nhập tịch đất Giao Châu. Ông học rộng biết sâu, rất thông hiểu Khổng giáo, Lão giáo, nhưng lại là một Phật tử thuần thành. Ông viết sách Lý Hoặc Luận vào khoảng cuối thế kỉ thứ 2 scn, nhằm làm tiêu tan các mối nghi hoặc về đạo Phật.  Lý hoặc Luận của Mâu Tử là tác phẩm nói về Phật giáo đầu tiên của Giao Châu còn lưu lại đến ngày nay.
5- Thưa thầy Thích Nhất Hạnh, một học gỉa uyên bác cở Mâu Tử không thể không thông hiểu lịch sử. Vậy đoạn trích dẫn của Thầy làm người đọc là tôi đây rất lướng vướng, mong được thầy hoan hỉ giải đáp cho.

----------
 (1) Nguyễn Lang là Thiền sư  Thích Nhất Hạnh

Đọc tiếp ...