Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

TỀ CẢNH CÔNG VẤN CHÁNH Ư KHỔNG TỬ



Vua Cảnh Công nước Tề hỏi đức Khổng Tử về việc chính sự.
Đức Khổng Tử thưa rằng: Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử, tức là vua làm trọn đạo của vua, bầy tôi làm trọn đạo của bầy tôi, cha làm trọn đạo của cha, con làm trọn đạo của con”
Tề Cảnh Công lại hỏi, thưa ngài xưa nay trời sinh ra một vua để cai trị một nước, vậy làm sao có vị quan đại thần ở một nước nọ bảo nước ông ta không chỉ có một vua mà có tới 16 vua. Mô hình này hơi lạ, vậy thì ngài cho hay các ông vua ấy làm trọn đạo của vua ra sao.

Khổng Tử trố mắt lắc đầu, vụ này ta bất khả tri luận. Có thể trên thiên đình sinh đẻ vô tội vạ nên mới sinh ra lắm thiên tử (con trời, vua) như thế chăng ?
Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

BẤT HIẾU HỮU TAM....






Bạn được thăng quan tiến chức nhắn đến “uống chén rượu nhạt”. Không đi  trong bụng cứ áy náy, đành bỏ một buổi chiều, đạp xe đến nhà bạn. Gặp nhau tay bắt mặt mừng chuyện trò xởi lởi. Sau khi giục vợ làm cơm đãi bạn, chủ nhà dẫn khách dạo quanh thưởng ngoạn vườn hoa cây cảnh. Ở thành phố mà có cái vườn toàn kỳ hoa dị thảo thế này quả là xưa nay hiếm. Những chậu sứ Nhật Bản đã vào tiết trọng thu mà hoa vẫn sum suê đỏ rực. Đến giàn phong lan thì khách thực sự khâm phục, nghỉ bụng , phong lan của “Huyền Không Tự” xứ Huế cũng vẩy nón chào thua. Khách chưa tìm được mỹ từ nào thật xứng đáng để ngợi ca thì hoảng hốt, bước giật lùi, định co cẳng chạy. Chắn giữa lối đi của khách là một chú chó Tây to đùng, lông lá xồm xoàm, không xích cổ, trừng mắt nhe răng, gầm gừ doạ khách. Chủ nhà cười như không. 
- Có gì mà sợ, chó giả ấy mà. 
- Hả ? chó giả ?
- Giả một trăm phần trăm. Nó là thành tựu tuyệt hảo của nền khoa học thứ thiệt made in japan.
- Hay! chó giả canh giữ một vườn hoa thật.
- Có hoa giả xen lẫn vào hoa thật đấy. Thì ông tính thời buổi nào chẳng có giả thật song hành. Triết lý Đông phương chẳng dạy là có dương ắt phải có âm, âm dương hài hoà thì vạn vật mới tồn tại và phát triển được.
Khuất trong phòng khách có tiếng một bé trai : Ba ơi, con pha trà rồi. Thấy khách như đang hồ nghi điều gì, thì chủ nhà bảo: Tiếng chim yểng giả bé trai đấy. Ối dào, vì nó mà mẹ tôi mắng tôi một trận nên thân, rồi cụ đùng đùng bỏ về quê ở với cháu ngoại.
- Cụ bỏ về quê ?
- Vâng, mẹ tôi lý sự : Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại. Trong ba điều bất hiếu thì không có con trai nối dõi là nặng hơn cả. Anh hài hoà âm dương kiểu gì thì tuỳ, còn cháu đích tôn của tôi thì tuyệt đối không được giả.  Nghe chưa??



Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

BỊT MẮT BẮT DÊ






Trong dân gian có trò chơi bịt mắt bắt dê, rào một khoảnh đất hình tròn, thả vào đó một chú dê, hai người bị bịt mắt  được mời vào cuộc. Phải thính tai, hễ nghe tiếng chân dê chạy hay tiếng dê kêu be be là nhào tới bắt. Thường dê chạy thoát thân, còn người nọ thường vồ phải người kia ngả dúi dụi, đám người xem vây quanh được trận cười bò lê bò càng. Ngày tết, các làng tranh truyền thống vẽ cảnh bịt mắt bắt dê bày bán, người ta mua về treo để …cười.
     Nhưng tại sao lại bắt dê mà không bắt con vật khác, chẳng hạn chó (đã rọ mỏm), gà, vịt, ngan, ngổng…Có lẽ người xưa cho dê là con vật quý, tượng trưng cho hạnh phúc yên vui. Bắt được dê là bắt được điều may mắn.  Các thư pháp gia vẫn viết hai chữ cát tường 吉祥  là sự tốt lành treo bán dịp tết. Cát   là tốt, trên chữ sĩ chỉ học trò, dưới chữ khẩu chỉ cái miệng .Miệng anh học trò thường nói ra những điều hay ho. Tường  là điềm lành, gồm bộ kì là thần đất và chữ dương con dê. Phàm những chữ gì nói v điu tốt lành đu có bộ dương (dê) như chữ Mỹ (đẹp), chữ Nghĩa (tình nghĩa, chính nghĩa)

    Sắp tới nước Nam ta đón năm Ất Mùi là năm con dê. Trên đài, báo, thấy các  ông chủ (dân)  đến các ông đầy tớ (cán bộ) đều hy vọng  đón về cho xứ sở sự cát tường như dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  Vậy xin các ông hãy mở to mắt  nhìn thật xa, thật rộng, còn như nhắm mắt, hoặc bị người khác bịt mắt lại thì không bắt được dê cát tường 吉祥 mà vồ lẫn nhau ngả chỏng vó, chỉ làm trò cười cho thiên hạ
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

KHỔNG HỌC ĐĂNG




Ai viết sách cũng muốn sách mình có nhiều người đọc, riêng cụ Sào Nam Phan Bội Châu với quyển Khổng Học Đăng thì không hẳn thế...
Khổng Học Đăng (孔學燈 ) là đèn Khổng học, với bốn nguồn sáng là Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử.  Theo cụ Phan thì bản thân tư tưởng Khổng học chính thống là một hệ thống triết học mang tính nhân bản rất sâu sắc, phát huy được những phẩm chất cao cả của con người, nhằm phục vụ cho một cuộc sống tốt đẹp của một xã hội bình đẳng.
   Dưới đây bu tui chép lại phần Phàm lệ  (trang 13, 14) của bộ sách Khổng Học Đăng (941 trang), nxb Văn hóa Thông tin 1998.

KHỔNG HỌC ĐĂNG
PHÀM LỆ

1- Mục đích người làm bản sách này là cốt phù trì nhân đạo; nếu ai không để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc.
2- Lại cốt phát huy chân lí để duy trì nhân tâm; bởi vì nhân tâm còn xấu thời thế đạo chẳng bao giờ tốt. Vậy nếu ai đã mất hết nhân tâm thời chắc không muốn đọc bản sách này, mà tác giả cũng xin chớ đọc.
3- Tác giả lại muốn cho người ta biết học cũ vẫn không phải là trần hủ, mà học mới vẫn không phải phù hoa. Nếu học cho đến tinh thần thời ví như làm nhà: học cũ là nền tảng mà học mới tức là tài liệu; hai bên vẫn có thể giùm cho nhau làm nên một tòa nhà hoa mỹ. Chẳng bao giờ không tài liệu mà làm nên nhà; và cần thứ nhất là chẳng bao giờ không nền tảng mà dựng được nhà. Tác giả viết bản sách này là muốn điều hòa học cũ với học mới; hai bên tương thành cùng nhau mà quyết không tương phản.
    Nếu ai chưa để mắt vào bản sách này mà trước đã có một ý kiến sẵn: hoặc bài bác học cũ, hoặc công kích học mới, hễ có ý ấy thời xin chớ đọc.
4- Tác gỉa nói học cũ là nói chân lý của Á Châu từ thuở xưa; nói học mới là chỉ nói khoa học tối tân thiệt có ích với nhân sinh của thế giới bây giờ.    
    Cái danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân đai đâu! Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hót gạt mề đay kim khánh đâu!  Vậy nên tác gỉa xin thề trước với ba hạng người
a-  Hạng người chỉ tranh ngôi thứ xôi thịt trong đình làng;
b- Hạng người muốn lòe loẹt khoe khoang, lấy om cơm túi bạc làm mồi hạnh phúc
c-  Hạng người xu quyền phụ thế, lấy đồng bào chủng tộc làm mồi vinh thân.
    Ba hạng người ấy, tác giả xin chớ đọc quyển sách này;  mà tác gỉa cũng chắc trước rằng họ nhất định không thèm đọc. Bởi vì họ nhận định một cái gía trị rất cao, là muông chim, là lục súc, là ma quỷ, yêu tinh,  thời bản sách này nói nhân đạo họ đọc làm gì?
   5- Hễ ai đọc bản sách này, trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng: “Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (platon), ta Khang Đức (Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền, ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi”. Có chí khí ấy thời đọc quyển sách này mới thích.
    Nếu ai chưa đọc quyển sách này mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay, thời xin chớ đọc.

Huế, mùa xuân Kỷ Tỵ (1929)

SÀO NAM  PHAN BỘI CHÂU
Đọc tiếp ...