Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

CHUYỆN SÁNG NAY



Bồ đề Đạo Tràng (ở Ấn Độ ) nơi thái tử Tất Đạt Đa thành Phật


Đại tháp ở Bồ đề ĐạoTràng


Đại tạng kinh Việt Nam


6 giờ sáng, bu tui đứng trước thang máy chuẩn bị xuống đất đi bộ thì gặp phải ông bạn hàng xóm.  A.. ông bu, tui đọc “Tìm lời Phật thuyết ở đâu” của ông trên Phây búc.  Về đại thể ông nói có lý, ngoài Nikaya  và A Hàm ra thì còn biết tìm ở đâu nữa. Nhưng tui hỏi thiệt, ông có tin toàn bộ những gì trong Nikaya và A Hàm là do Phật thuyết cả không.
 Bu đành bỏ cuộc đi bộ kéo bạn vào nhà…

**********

1-   Ông hỏi rất hay và trả lời cho rốt ráo cũng không dễ.  Vào quầy bán sách Phật ở các nhà sách, gần như giở bất cứ quyển kinh nào ra ta cũng thấy câu đầu tiên “như thị ngã văn” tức là “tôi nghe như vầy”, ngụ ý rằng  bản kinh này do ông A Nan nghe chính đức Phật thuyết giảng, nay nói lại cho mọi người nghe.  Đến như môn phái Tịnh độ tông do nhà sư Tàu là Huệ Viễn (334 - 416) sáng lập khoảng thế kỉ thứ 3 sau Tây lịch, lúc này đức Phật dã tịch diệt khoảng 800 năm, vậy mà kinh Vô Lượng Thọ của môn phái này vẫn viết rằng do chính đức Phật thuyết, và câu đầu tiên vẫn là “Tôi nghe như vầy”. Bu tui chắc chắn rằng, sau khi Phật tịch diệt, các Tổ lập ra môn phái này môn phái nọ, viết kinh sách phục vụ cho môn phái mình đều ghi là Phật thuyết để mọi người tin.  Cũng chính vì thế Phật giáo Đại thừa ngày nay còn có tên PHẬT GIÁO PHÁT TRIỂN.
2-   Theo Phật sử thì những gì đức Phật thuyết giáo đều có trong kinh Nikaya hoặc kinh A Hàm, tuy nhiên bu tui vẫn thấy trong cả núi kinh đồ sộ ấy nhiều điều rất đáng ngờ. Bu tui đưa ra hai dẫn chứng sau đây:

Dẫn chứng 1: ( trang 329 Kinh Đại Niết Bàn của Trường Bộ kinh)
   * Khi đức Thế Tôn sắp diệt độ, tôn giả A nan hỏi ngài: Bạch Thế Tôn, cần phải xử sự thân xá lợi Như Lai như thế nào. Này A nan, xử sự thân Chuyển luân thánh vương như thế nào, hãy xử sự thân xá lợi Như Lai như thế. Bạch Thế Tôn, người ta xử sự thân Chuyển luân thánh vương như thế nào. Này A nan, thân của Chuyển luân thánh vương được vấn tròn với vải mới. Sau khi vấn vải mới xong, lại được vấn thêm vải gai bện. Sau khi vấn vải gai bện, lại vấn thêm vải mới, và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải. (1)
Cứ như  di chúc của đức Thế Tôn thì 250 lớp vải mới cộng thêm 250 lớp vải gai bện sẽ có chiều dày khoảng  2,5 mét. Đây là điều khó hiểu. Sinh thời đức Phật nhặt vải vụn khâu áo mặc, nhưng sau khi tịch diệt lại bảo đệ tử quấn quanh mình một lớp vải dày đến thế là quá xa hoa lãng phí. Có lẽ các vị chép kinh Đại Niết Bàn vì quá yêu quý đức Phật mà phóng đại ra, chớ đức Phật không di chúc như thế.

Dẫn chứng 2: (trang318-319-325 kinh Đại Niết Bàn của Trường Bộ kinh)
“… Thợ sắt Cunda, sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ liền “Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ kheo”, Thế Tôn im lặng nhận lời”
…..
Thợ sắt Cunda, sau khi đêm đã mãn, liền cho sửa soạn tại nhà các món ăn thượng vị loại cứng, loại mềm và nhiều thứ sùkara- maddava (một loại mộc nhĩ) rồi báo tin cho ThếTôn: “Bạch ThếTôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng”
….
Sau khi dùng cơm của thợ sắt Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại chịu đựng cơn bệnh.
    Tuy đau đớn cùng cực, nhưng Thế Tôn vẫn cùng Anan và chúng Tỷ kheo đi đến Kusinàrà. Trên đường đi, hai lần Thế Tôn kêu khát muốn uống nước ngay. Cũng hai lần Anan trả lời ngài, rằng dòng suối nơi đây vừa có 500 cổ xe vượt qua, bùn đất vấy đục, không thể uống được. Nhưng ngài vẫn nói lần thứ ba ta khát, muốn uống nước ngay. Ông Anan đành xuống suối lấy nước thì lạ thay dòng nước trong veo như chưa từng có 500 chiếc xe vừa vượt qua.  Nếu Thế Tôn có phép thần thông làm cho nước suối trong, thì cớ sao ngài không làm cho mình hết đau đớn và hết khát?
   Sau khi đến Kusinàrà, bệnh tình Thế Tôn nặng thêm, ngài nhập nhập diệt giữa rừng cây sala. Chúng ta từng biết, đức Phật đã ngộ được tam minh. với Túc mạng minh ngài thấy được muôn vàn kiếp trước. Với Thiên nhãn minh ngài thấy vũ trụ có nhiều hành tinh đang dịch chuyển. Với Lậu tận minh ngài trong suốt như pha lê không còn vẫn đục tội lỗi. Ngài làm chủ sinh tử, có thể nhập Niết bàn bất cứ lúc nào ngài thấy cần thiết. Cớ sao ngài không thấy được món nấm mộc nhĩ của thợ sắt Cunda có chất độc mà vẫn dùng cho đến nỗi mắc bệnh lỵ huyết, và nhập Niết bàn khi đau đớn thân xác ?
    Có lẽ cũng suy nghĩ như vậy nên những nhà viết kinh Đại Niết Bàn đưa ra nhiều chi tiết để hợp lý hóa việc làm của Thế tôn như sau đây:
- Này Cunda loại mộc nhĩ đã soạn sẵn hãy dọn cho ta, còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng tỷ kheo.
…..
Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại người hãy đem chôn…
Thế Tôn biết chắc ông thợ sắt Cunda sẽ rất hối hận, vì bữa cơm của mình mà ngài nhiễm bệnh và nhập diệt, nên dặn Anan phải nói lại với thợ sắt Cunda như thế này:
-  Này hiền giả, thật là công đức cho bạn vì được Như Lai dùng bữa cơm cuối cùng từ bạn cúng dường và nhập diệt, nhờ hành động này thợ sắt Cunda sẽ được hưởng tuổi thọ, nhờ hành động này thợ sắt Cunda sẽ được hưởng sắc đẹp, nhờ hành động này thợ sắt Cunda sẽ được hưởng an lạc, nhờ hành động này thợ sắt Cunda sẽ được hưởng  danh tiếng, nhờ hành động này, thợ sắt Cunda sẽ được hưởng uy quyền…”

Giáo sư Phật học Nàrada người Tích Lan viết trong sách Đức Phật và Phật pháp đại ý: Thế Tôn biết ngày hôm đó đằng nào Ngài cũng phải tịch diệt và nhập Niết bàn, cho nên cứ ăn món nấm mà ngài thừa biết có độc tố cho ông thợ sắt Cunda vui lòng.
    Bu tui lại cho rằng lòng cao thượng của một vị Phật không nhất thiết phải  ăn một loại nấm mà mình thừa biết có độc tố  để nhập Niết bàn trong tình trạng đau đớn khôn cùng. Ngài có thể báo cho Cunda biết món nấm kia có chất độc, nhưng không hề khiển trách anh ta cố tình đầu độc mình, chẳng qua anh ta và đám đầu bếp thiếu kiến thức về thực phẩm mà thôi. Cho dù người chép kinh Đại Niết bàn có biện hộ cho Thế Tôn, giáo sư Nàrada có bênh vực cho đức Phật đến cỡ nào thì bu tui vẫn thấy có điều gì không thỏa đáng trong sự tịch diệt của đức Phật như kinh Đại Niết Bàn nêu ra. 
-------------

(1)  Những dòng viết nghiêng là trích nguyên văn từ kinh Đại Niết Bàn thuộc Trường Bộ kinh
    






Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

TÌM LỜI PHẬT THUYẾT Ở ĐÂU

Bu ở vườn Phật Viêng Chăn (Lào)

Bu ở Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu


Kinh Nikaya ghi lời Phật thuyết



Anh bạn bu trên Sài Gòn gọi về bảo “Ông à tôi thấy kinh Phật nào cũng mở đầu bằng câu “Tôi nghe như vầy”, ý nói ông  A nan đã  từng nghe phật thuyết và sau đó ông nói lại cho chúng sinh nghe. Như vậy kinh Đại thừa, kinh Tiểu thừa đều do Phật thuyết hết hay sao. Tui nghi ngờ quá…"

                       ********

Trả lời ông, nói vài câu qua điện thoại là không xong, phải viết thành bài cực vắn tắt nhưng có đầu có đuôi rồi meo cho ông đọc.  Tui lại đưa lên blog để bạn  bè cùng các bậc thức giả chỉ giáo thêm.

I- Vài nét về Phật Thích Ca
Đức Phật có tên là Tất Đạt Đa, họ Cồ Đàm, đản sinh vào năm 563 (1) ở  Lâm Tỳ Ni, bắc Ấn trước Tây lịch. Thân phụ ngài là vua Tịnh Phạn cai trị vương quốc của bộ tộc Thích Ca (trong xứ Nê Pan ngày nay) Mẹ ngài là hoàng hậu  Ma Gia. Theo tục lệ tảo hôn thời ấy, năm 16 tuổi ngài cưới công chúa Gia Du Đà La.  Vị thái tử trẻ sống trong nhung lụa nhưng lòng dạ vẫn để nơi chúng sinh còn đang đau khổ. Năm 29 tuổi sau khi sinh con trai là La Hầu La ngài từ bỏ cung điện  trở thành một người khổ hạnh lên đường tìm đạo giải thoát. Trong 6 năm, ngài lang thang khắp thung lũng sông Hằng nhưng vẫn không gặp được vị thầy nào đưa ra luận thuyết giải thoát mà ngài chấp nhận được. Cuối cùng , một buổi chiều ngồi dưới một gốc cây (từ đó cây có tên bồ đề nghĩa là trí tuệ) bên bờ sông Ni Liên (trong xứ Bihar ngày nay) ngài đã đạt giác ngộ được  dân chúng tôn xưng là đức Phật. Năm ấy ngài 35 tuổi.

II - Quá trình thuyết pháp và các hội nghị kết tập
Đức Phật thuyết pháp liên tục trong 45 năm cho mọi tầng lớp nhân dân, nam cũng như nữ, vua chúa cũng như thường dân. Ngài không công nhận những dị biệt về giai cấp hay tập đoàn xã hội.  Năm 80 tuổi (483 ttl) Phật nhập Niết Bàn ở Câu Thi Na (nay là xứ Uttar Pradesh).
    Trong ngần ấy năm du hóa khắp cõi Ấn Độ, thì 25 năm cuối, bên cạnh đức Phật thường xuyên có tôn giả A Nan. Ông là em con chú ruột của đức Phật, có ngoại hình khôi ngô tuấn tú. Ngài được đức Phật ngợi khen là người có học thức uyên thâm, có trí nhớ trung thực và bền lâu; tác phong cao quý và trí tuệ nhạy bén, ý chí kiên định và là người luôn chuyên chú, cần mẫn đối với công việc cũng như đời sống tu tập. Những lời đức Phật nói ra bất kì ở đâu và vào lúc nào đều được A Nan nhớ nằm lòng. Bởi vậy ba tháng sau khi đức Phật nhập Niết Bàn Tôn giả Ca Diếp - người được đức Phật trao cho chiếc áo xem như một dấu hiệu quyền uy ngang bằng giáo chủ - đã tổ chức hội nghị kết tập lần thứ nhất gồm 500 tỷ kheo tại  thành Vương Xá. Tại hội nghị này đại đức Ưu Bà Ly được ngài Ca Diếp giao nhiệm vụ nói lại toàn bộ Luật tạng, và tôn giả A Nan nói lại toàn bộ  Kinh Tạng.  Thời bấy giờ những  điều gì cần nhớ trong sinh hoạt thường ngày được phép ghi chép, riêng Kinh, Luật, Luận trong Phật giáo  tuyệt đối không được ghi mà mọi người phải nhớ, và tuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hội nghị  kết tập thứ hai được tổ chức sau hội nghị thứ nhất khoảng một thế kỉ (383 ttl) tại Tỳ Xá Lị, và hội nghị kết tập thứ ba tại thành Hoa Thị (năm 253ttl) dưới sự bảo trợ của vua  A Dục. Hội nghị này nhằm thanh khiết Phật giáo  đang lâm nguy do sự xuất hiện nhiều hệ phái khác nhau với những luận điệu, giáo lý, và cách hành trì đối nghịch nhau. Sau hội nghị vua A Dục cử nhiều phái đoàn đi đến nhiều Nước khác nhau trên thế giới để truyền bá Phật giáo. Trong đó người con trai nhà vua là Ma Sấn Đà và người con gái là Tăng Già Mật Đa được cử sang truyền giáo tại Tích Lan (Srilanca ngày nay).  Khoảng gần 100 năm trước Tây lịch (sau khi Phật nhập Niết bàn khoảng 380 năm) sự truyền khẩu  Kinh, Luật, Luận giữa các thế hệ  đã có dấu hiệu chệch choạc.  Các Đại trưởng lão (Mahatheras) uyên bác quyết định triệu tập hội nghị khẩn ở Tích Lan để phân công người chép lại toàn bộ Tam tạng kinh trên lá bối (một giống cọ) và được rà soát kiểm tra lại hàng trăm lần.

III - Tên kinh Phật và văn tự ghi trên lá bối
Văn tự dùng để chép kinh lên lá bối là tiếng Pali (2) gọi là hệ kinh Nikaya gồm có 5  bộ sau đây:
1- Trường Bộ Kinh (I, II)            34  kinh
2- Trung Bộ Kinh                       152  kinh
3- Tương Ưng Bộ Kinh             7762 kinh
4- Tăng Chi Bộ kinh                 9557 kinh
5- Tiểu Bộ Kinh                        Gồm có 15 quyển sau:
(1)          Tiểu Bộ Tập
(2)          Pháp Cú Kinh
(3)          Phật Tự Thuyết
(4)          Như Thị Ngữ 
(5)          Kinh Tập
(6)          Thiên Cung Sự
(7)          Ngạ Quỷ Sự
(8)          Trưởng Lão Tăng Kệ 
(9)          Trưởng Lão Ni Kệ
(10)        Bổn Sanh (gồm 547 chuyện thiền thân đức Phật)
(11)    Nghĩa Thích 
(12)    Vô Ngại Giải Đạo
(13)    Thí Dụ
(14)    Phật Sử
(15)    Sở Hạnh Tạng
Kinh điển nguyên thủy cũng được ghi chép lại bằng tiếng Sanskrit (3) và truyền lên phương bắc, được dịc ra tiếng Tây Tạng và tiếng Hán qua nhiều thời kì khác nhau và từ nhiều bộ phái khác nhau. Các bộ kinh tiếng Hán gọi chung là  bộ kinh A Hàm gồm 4 bộ như sau:
1- Trường A Hàm (tương ứng vớiTrường Bộ Kinh)
2- Trung A Hàm  (tương ứng với Trung Bộ Kinh)
3- Tăng Nhất A Hàm (tương ứng với Tăng CFhi Bộ Kinh)
4- Tạp A Hàm (tương ứng với Tương Ưng Bộ Kinh)
Năm 1991 toàn bộ Kinh Nikaya và kinh A Hàm đã được Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam (chùa Vạn Hạnh, Phú Nhuận Sài Gòn) dịch ra tiếng Việt

IV Kết luận
Như đã trình bày ở trên,  những kinh được gọi là do đức Phật thuyết giáo nhất thiết phải nằm trong hệ kinh Nikaya hoặc trong hệ kinh A Hàm. Những kinh còn lại dẫu có câu “Như vầy tôi nghe” (như thị ngã văn) thì cũng không phải là lời gốc Phật thuyết mà do các Tổ sau này viết ra, và cho rằng đấy là lời Phật được Phát triển thêm lên. Tiến sĩ Phật học - Hòa thượng Thích Nhật Từ có một pháp thoại  “Phật giáo Nguyên Chất và Phật giáo Pháp Môn” rất chí lý. Bạn thân mến nhớ rằng, tất cả các kinh phật có bán ở các nhà sách hiện nay chủ yếu là kinh của Phật giáo Pháp Môn, không phải là lời gốc Phật thuyết.

----------------------

(1)             Sách Đức Phật và Phật Pháp của Nàrada nói là năm 623 trước Tây lịch
(2)             Pali: Một thổ ngữ Ấn Độ xuất phát từ Phạn ngữ (Sanskrit) và được Thượng Tọa Bộ dùng để viết các bộ kinh của mình.
      (3)             Sanskrit: Ngôn ngữ được dùng để ghi lại những bài kinh Đại thừa Phật pháp, nói chung là ngôn ngữ được dùng trong các Thánh Kinh ở Ấn Độ
Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

CẦU SIÊU






Hai hình trên: Lễ cầu siêu lấy trên net

Bạn Nhật Thành Hồ hỏi bu:
 Ở chỗ em, dạo này mỗi khi có người mất, họ hay mời sư và đạo tràng đến làm lễ cầu siêu. Trong vòng 49 ngày thì cứ 1 tuần cầu siêu 1 lần. Rồi 100 ngày cầu siêu ở chùa, giỗ đầu cũng đến chùa cầu siêu, giỗ hết khó cũng cầu siêu. Em nghĩ nếu như 50 ngày, linh hồn siêu thoát rồi, sao lại còn cầu siêu nhiều thế? Có nên không?

Bạn đặt câu hỏi rất hay, chắc  chắn có nhiều người nghỉ như bạn.  Bu tui không biết gì lắm để giải đáp, chỉ “biết thưa thốt không biết dựa cột nghe” xin được các vị thức giả chỉ bảo thêm.
1- Cầu siêu là một từ Hán Việt  có tự dạng  求超,trong đó cầu nhờ giúp, siêu :  vượt qua. Cầu siêu là xin được vượt qua.  Vậy cầu cho cái gì vượt qua ? Từ điển tiếng Việt bảo cầu cho linh hồn vượt qua, siêu thoát.  Thực ra không phải  như vậy đạo Phật khẳng định “chư hành vô thường” tức không có cái gì tồn tại vĩnh cửu. Nếu bảo sau khi chết vẫn còn linh hồn tồn tại vĩnh cữu thì Phật giáo  Nguyên thủy và Phát triển  đều không chấp nhận.  Cái vượt qua, siêu thoát, ở đây là Thần thức. Tóm lược về Thần thức thế này cho gọn: Phật giáo cho rằng con người ta được cấu tạo bởi Ngũ uẫn (năm thứ tích góp) tạo nên là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là vật chất có thể đo lường, đong, đếm, được. Còn thọ, tưởng, hành, thức là nhữ gì trừu tượng thuộc về tâm linh. Sau khi chết phần “sắc” sẽ tan hoại, nhưng phần tâm linh thoát ra ngoài qua đỉnh đầu, mắt mũi, tai, miệng, hoặc những nơi khác tùy mức độ tu tập  lúc còn sống.
2- Quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển về sự siêu thoát của  Thần thức:
-        Phật giáo Nguyên Thủy cho rằng sau khi chết, thần thức được nghiệp lực đưa đi tái sinh ngay. “Hiện tượng tử - sanh, chết và tái sanh, diễn ra tức khắc, dầu ở nơi nào, cũng như làn sóng điện phát ra trong không gian được thâu nhận tức khắc vào bộ máy thâu thanh. Luồng nghiệp lực trực tiếp chuyển từ cái chết ngay đến tái sanh không trải qua một trạng tái chuyển tiếp nào…” (trang 441 sách đức Phật và Phật pháp). Như vậy Phật giáo Nguyên thủy không có nghỉ lễ cầu siêu.
-        Phật giáo Phát triển quan niệm sau khi chết Thần thức ra khỏi thân xác nhưng còn bịn rịn luyến tiếc sự sống cũ, đặc biệt khi có tiếng kêu khóc của người thân thì nó càng khó rời xa được người cũ chốn xưa, mà ở trạng thái “thân trung ấm” (lửng lơ không lên cao, không xuống thấp) trong  suốt 49 ngày. Do vậy phải tổ chức nghi lễ cầu siêu cho Thần thức sớm được đi đầu thai kiếp khác.  

3- Thời gian cầu siêu thông thường 7 ngày một lần và làm 7 lần như thế. Tuy nhiên nhà nào có khả năng tài thì có thể cầu siêu liên tục trong suốt 49 ngày. Việc cầu siêu vào 50 ngày, 100 ngày, vào giỗ đầu, vì gia chủ quá thương yêu người đã mất, cứ làm cho thỏa lòng, chớ sau 49 ngày thì thần thức đã đi đầu thai kiếp khác rồi.  Với quan niệm của Phật giáo Phát triển làm vậy là thừa không cần thiết.  
Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

ĐÔI LỜI VỚI THƯƠNG THƯƠNG



Bu với nhà sư Myanmar ở Ran Gun

Các sách bu tham khảo để viết bài này
Đức Phật lịch sử
Đức Phật và Phật pháp
Đức Phật đã dạy những gì

Hôm 3.5. 015 vừa rồi câu chuyện tu hành của Thái tử Tất Đạt Đa tại nhà Thương Thương tạm bỏ dở. Ngồi với người đẹp trong cái biệt thự tuyệt đẹp với vô vàn cây cảnh, hoa lá, suối nước…mà nói chuyện 2500 năm trước bên xứ Ấn Độ nghe nó cứ lạc lỏng thế nào.  Cho nên khi Thương Thương bảo “Thái tử Tất Đạt Đa sau khi xuất gia tu suốt 11 năm , trong đó 6 năm cuối ngài tu theo môn phái khổ hạnh, Thương Thương nói có sách đấy” thì bu tui chỉ im lặng cười trừ. Cãi lại người đẹp tội to bằng cãi lại Thượng Đế  cho dù Thượng  Đế cũng có lúc sai, hehe.
Nay bu tui dẫn ra 3 quyển sách của các học giả Phật học vô cùng có uy tín để ta tiếp tục câu chuyện dở dang hôm 3.5 nhé.
 1- Sách Đức Phật lịch sử (của HW.SCHUMANN, Trần Phương Lan dịch, Tỳ kheo Thích Minh Châu giới thiệu, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh - 2000)
-        Trang 123-124: “…Như vậy, trang nam nhi được nuông chìu này là Thái tử của quốc vương Sakiya lẽ ra sẽ cầm quyền trị nước với vương nghiệp trong tương lai, lại chấp nhận cuộc đời gian khổ của một du sĩ hành khất vào năm 29 tuổi, tức năm 534 trước cn”
-        Trang 144 … “Đêm ấy năm 528 trước cn, Thái tử  Siddhattha  35 tuổi,  con của quốc vương thành Kapilavatthu đã chứng quả Giác Ngộ (bodhi). Ngài đã trở thành đức Phật…”
Thương Thương thấy không, 29 tuổi xuất gia đi tu, 35 tuổi thành Phật thì Thái tử chỉ tu có 6 năm thôi.
2- Sách Đức Phật và Phật pháp (của NÀRADA, Phạm Kim Khánh dịch, NXB Tôn giáo 2007)
-        Trang 31:... “Đây không phải là sự từ bỏ của một cụ già đã trải qua hầu hết cuộc đời của mình, hay của người bần cùng nghèo đói không  còn gì để bỏ lại phái sau, nhưng là sự khước từ của một hoàng tử vinh quang giữa thời niên thiếu trong cảnh ấm no sung túc và thạnh vượng. Một sự thoát ly chưa từng có trong lịch sử.  Lúc ấy Thái tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) được 29 tuổi.
-        Trang 52:… “Sau cuộc chiến đấu kỳ diệu phi thường kéo dài 6 năm đằng  đẳng, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài và không được sự hướng dẫn của một năng lực siêu  phàm nào, đơn độc một mình và chỉ nương nhờ nơi nổ lực của chính mình, Đạo sĩ Gotama (Cồ Đàm)  lúc ấy 35 tuổi, tận diệt mọi ô nhiễm, chấm dứt mọi tiến trình tham ái  và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp đã trở thành một vị Phật (Buddha)” 
Sách này cũng khẳng định rằng  Thái tử xuất gia lúc 29 tuổi và thành Phật lúc 35 tuổi, tức chỉ tu 6 năm
 3- Sách Đức Phật đã dạy những gì (của WALPOLA RAHULA, Thích Nữ Trí Hải dịch, Hòa thượng Thích Minh Châu giới thiệu NXB Tôn Giáo)
-        Trang 11:… “Năm 29 tuổi, sau khi người con duy nhất La Hầu La ra đời, Ngài từ bỏ cung điện,  trở thành một người khổ hạnh lên đường tìm đạo giải thoát.
Trong 6 năm ngài lang thang khắp thung lũng sông Hằng (Ganges), gặp những vị thầy danh tiếng, học lý thuyết và thực hành theo phương pháp của họ, khép mình vào lối tu khổ hạnh khắt khe. Không thỏa mãn với những lý thuyết  và thực hành ấy , Ngài từ bỏ mọi giáo lý và phương pháp  truyền thống để đi theo con đường riêng. Cuối cùng, một buổi chiều ngồi dưới một cội cây (từ đấy cây này được gọi là cây Bồ đề, có nghĩa là trí tuệ)  bên bờ sông Ni Liên (Neranjarà) ở Buddha - Gaya (Bồ đề đạo tràng) Ngài đã đạt giác ngộ . Từ đấy Ngài được tôn vinh là đức Phật.
Hihi sách nói rõ chỉ 6 năm đã thành Phật
4- Thương Thương nhớ cho , ba tác giả bu tui dẫn ra trên dựa hoàn toàn vào hệ kinh Nikaya bằng tiếng Pali - ngôn ngữ đức Phật dùng để thuyết giáo - họ không dùng đến hệ kinh A Hàm viết bằng chữ Hán được dịch từ tiếng Sanskrit



Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

PHỎNG VẤN ĐƯỜNG TĂNG








Bu ở Myanmar
Bà bu ở tuổi 50 
Đường Tăng bị (được) người đẹp dụ dỗ

Sắp tới đây, thầy trò Đường Tăng tái hợp trong phim “Dám hỏi đường ở nơi nào” là Tây Du Ký phiên bản 3D, do hai công ty của Mỹ và Trung Quốc hợp tác sản xuất.
   Có mới nhưng không nới cũ, bu tui mời bạn đọc “Phỏng vấn Đường Tăng” của phim Tôn Ngộ Không năm 1986


- Bạch thầy Đường Tăng
- Bần tăng đây… mà thí chủ cần gặp Đường Tăng nào?
- Thầy hỏi thế … hóa ra  có nhiều  Đường Tăng  sao ?
- Chỉ có hai thôi, ông Đường Tăng thứ thiệt  kia  là sư Huyền Trang tên tục Trần Huy  có bố là Trần Huệ quê ở Hà Nam. Khi vua  Đường Thái Tông cấm dân chúng chu du Ấn Độ thì ông ấy vẫn liều thân  sang  đó 17 năm để học  Phật. Sau ngày trở về ông  viết sách Đại Đường Tây Vực kí. Đường tăng  tui  không có quê hương bản quán, được sinh ra dưới ngòi bút văn sĩ Ngô Thừa Ân ở thời nhà Minh.
-  Dạ , cụ Ngô Thừa Ân thân phụ  thầy  viết Tây du kí, một trong Tứ đại danh tác của Tàu,  con đã đọc  và có vài thắc mắc…xin được hỏi thầy.
- Thắc mắc gì thí chủ cứ hỏi
- Bạch thầy, theo sử sách, khi thầy dẫn đoàn thỉnh kinh sang Tây Thiên thì đức Phật Thích ca đã nhập Niết bàn trên một ngàn năm rồi, vậy  làm sao có chuyện Phật tổ tiếp thầy cùng đoàn tùy tùng ở đền Đại Hùng chùa Lôi Âm ạ.
- Hà… hà…Không những bần tăng gặp Phật Tổ mà còn được ngài phong cho  chức danh Chiên đàn Công đức Phật, và phong cho Tôn Hành Giả chức danh Đấu Chiến Thắng Phật.
- Dạ, con thấy lạ …
- Bần tăng ghi nhận câu hỏi và sẽ giải thích cho thí chủ vào cuối cuộc gặp này… bây giờ thí chủ nêu tiếp thắc mắc đi.
- Bạch thầy, mới đây ở nước con có ông Giáo sư - Tổng bí thư đảng cộng sản - Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh…”(1), chuyện ấy hư thực ra sao xin thầy cho con biết.
- Cụ Ngô Thừa Ân  mô tả đoàn thỉnh kinh gặp Phật tổ cùng các ngài A Nan và Ca Diếp rất chi tiết và có phần hài hước, trào lộng, nên ông Giáo sư - Tổng bí thư nọ hiểu nhầm, quy oan bần tăng và oan cho cả nhà Phật.
- Dạ, cứ theo bút tích của nhà văn thì ngài  A Nan đã hỏi thầy:  “Thánh tăng từ phương  đông tới đây chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng, mau mau đưa ra đây chúng tôi mới trao kinh cho”. Tưởng ông ấy nói giỡn chơi ai dè đến khi đổi kinh không chữ lấy kinh có chữ  thì A Nan,  Ca Diếp, đòi quà ráo riết,  thầy “đành bảo Sa Tăng mang ra chiếc bát tộ vàng”  đưa cho họ….
 -  Vậy thí chủ  có biết  Phật tổ  nghỉ  sao về sự kiện này không.
 -  Dạ, mất chiếc bát tộ vàng Hành Giả tiếc ngẩn ngơ bèn khiếu nại lên Phật tổ, ngài cười nóiViệc hai người (A Nan, Ca Diếp) vòi lễ các ngươi  ta biết cả rồi. Có điều kinh không thể trao cho một cách dễ dàng, không thể lấy không được”. Bạch thầy, thế chẳng phải nhà Phật đòi hối lộ là gì ạ.
- Thí chủ và ông Giáo sư nọ nên nhớ Tây du kí là một tiểu thuyết mang đặc điểm văn hóa phương đông, được xây dựng bằng một loạt hình tượng thấm đẫm triết lí Phật giáo, Lão giáo, đầy ắp  tính  ẩn dụ triết học. Muốn hiểu được Tây du kí  phải  giải mã những mật ngữ, chứ không thể hiểu nó theo nghĩa từ điển của từng dòng chữ được.
-  Thưa thầy, tức là phải đọc Tây du kí trong và sau các hàng chữ  sao.
- Hoàn toàn đúng vậy. Chiếc bát tộ vàng của vua Đại Đường đưa bần tăng là biểu tượng cho của cải, quyền lực, danh vọng,  của một đế chế ở thế gian, nay phải lìa bỏ nó mới thọ lãnh được đạo giải thoát của đức Phật.  Lại theo truyền thống Đạo học thì “Đạo pháp bất khinh truyền”, đấy là nội dung câu Phật tổ nói với Hành Giả “Kinh không thể trao cho một cách dễ dàng”. Quan điểm biện chứng của nhà Phật là mọi vật phải được được đổi ngang giá. Các nhà sư thọ hưởng vật chất tối thiểu để viết ra kinh thì nó phải được bù lại cái bát tộ vàng là vật ngang giá. Chính hai vị A Nan và Ca Diếp đã nói thẳng với bần tăng “Tay trắng trao kinh truyền đời người sau đến chết đói mất”.
- Bạch thầy, bây giờ con đi vào một vụ việc cụ thể… hơi có tính  nhạy cảm …chỉ sợ làm thầy phật ý.
- Không sao, thí chủ cứ nói.
- Dạ, sau khi đoàn thỉnh kinh rời xứ Tây Lương Nữ Quốc thì  thầy bị bị một người đẹp hóa phép cắp về  núi  Độc Dịch động Tỳ Bà, nàng trổ hết ngón nghề  ép thầy gửi cơn mưa móc  nhưng thầy như thể gang thép một mực từ chối. Đến nỗi thân phụ thầy - nhà văn Ngô Thừa Ân - phải đặt tựa đề cho hồi thứ năm mươi lăm rằng:
 “Dâm tà bỡn cợt Đường Tam Tạng
  Đứng đắn kiên trì chẳng hoại thân”
Nhưng cũng sự việc đó ở phim Tôn Ngộ Không của nữ đạo diễn Dương Khiết,  xem ra thầy không được cứng cõi thế…Vậy có thể coi nữ đạo diễn nọ xuyên tạc hình ảnh Hòa thượng Đường Tăng không.
- Ồ!  Không, hoàn toàn không, bần tăng phải nói thật,  cụ Ngô Thừa Ân không hiểu đúng bần tăng trong tình huống ấy bằng mấy trường đoạn phim Tôn Ngộ Không  của nữ đạo diễn Dương Khiết .
- Dạ…nghĩa là…
- Nghĩa là khi bị người đẹp ở Động Tỳ Bà dụ dỗ bần tăng không gang thép như nhà văn mô tả mà đã bắt đầu mềm nhũn ra  như một người đàn ông chân chính. Phép thuật của người đẹp siêu việt đến nỗi tài nghệ như Tôn Ngộ Không đã từng làm trời sợ mà phải ôm đầu chạy về kêu đau oai oái. Không còn người bảo vệ nữa, nhan sắc ấy tự do độc chiếm bần tăng... kéo vào phòng kín… bản thân nàng thoát y một trăm phần trăm…
- Dạ, con thấy trong phim thầy có chống cự lại…
-  Chống cự yếu ớt, nhất là khi người đẹp vứt cây tích trượng,  lột tuốt áo cà sa, ôm chặt bần tăng vào lòng… nói thiệt, những Tây Thi, Vương Chiêu Quân có vẻ đẹp đến  trầm ngư, lạc nhạn, cũng không bằng người này…  May thay, vào chính lúc thiên nan vạn nan ấy Hành Giả được Mão Nhật Tinh Quân  trợ lực phá cửa xông vào cứu bần tăng khỏi bị mất nguyên dương,  gìn giữ được phẩm giá.
 - Bạch thầy, con vô cùng cảm thông với hoàn cảnh ngàn cân treo sợ tóc của thầy trước sự dụ dỗ chết người ấy. Chỉ thất vọng về vai trò lãnh đạo toàn diện và triệt để của thầy trong quá trình đi cầu đạo…
- Thí chủ thất vọng về bần tăng lắm sao
- Dạ, hẳn thầy còn nhớ hôm ở Bạch Hổ Lĩnh  thầy kiên quyết viết văn thư đuổi thẳng cánh Tôn Ngộ Không cho dù anh ta khẩn khoản xin thầy ở lại…
- Có chuyện đó, vì trong chưa đầy một canh giờ  Hành Giả lần lượt giết chết ba mạng người làm bần tăng  hãi hùng…Hành Giả đã khẩn thiết khẳng định ba người ấy là do yêu tinh Bạch cốt phu nhân biến hóa ra…Nhưng bần tăng lại đi nghe lời xúc xiểm xuyên tạc của Trư Bát Giới,  xử oan sai Hành Giả.
- Dạ,  hậu quả của việc thầy đuổi Ngộ  Không như thế nào ạ
-  Bần tăng đã sai lầm quá lớn, và sau đó phải chịu  nổi nhục nhớ đời.  Yêu tinh Hoàng Bào ở  Ba Nguyệt Động đã biến người tu hành như  bần tăng thành con hổ lông vàng,  tống  vào rọ, suýt chết đói.
- Dạ,  Thầy có cảm nghỉ gì khi được Phật tổ phong danh hiệu Chiên đàn Công đức Phật.
-  Bần tăng có tâm trạng áy náy về hai từ công đức… vì công lao chuyến đi chủ yếu của Tôn Ngộ Không, còn đức… than ôi, đôi khi bần tăng thất đức, luôn  bênh vực Trư Bát Giới tham lam trí trá,  đọc thần chú hành hạ Ngộ Không cho dù anh ta vô tội.  Bần tăng thấy mình độc tài, u mê, lú lẫn, đa nghi,  cao ngạo, nhu nhược… Lúc nhỏ bần tăng học thuộc Mạnh tử với lời dạy “Dân vi quý” nhưng khi lãnh đạo đoàn thỉnh kinh thì coi dân, đại diện   là Tôn Hành Giả như cỏ rác.
-  Dạ, xin thầy trở lại câu hỏi của con rằng Phật tổ quy tiên trên một ngàn năm mà thầy còn gặp được.
(Thầy Đường Tăng  rút chiếc đồng hồ quả quýt giắt lưng coi giờ rồi nhẹ nhàng)

- Xin phép thí chủ, đã đến giờ bần tăng phải  thuyết giảng Sám pháp nguyện  cho chư Phật tử… Bần tăng tư vấn cho thí chủ  hãy đọc kỹ mục HƯ CẤU NGHỆ THUẬT ở  trang  165 sách  Thuật ngữ văn học của học giả Lại Nguyên Ân…Có khi thí chủ  hiểu rõ hơn chính bần tăng trả lời.
-  Dạ, con ngàn lần hoan hỷ cảm ơn và xin bái biệt thầy.


***********


(1) Nguồn:  http://www.tin247.com/chong_tham_nhung_toan_dan_toan_dang_deu_phai_vao_cuoc-1-22628532.html

Những câu viết xiên trong bài là trích từ sách Tây Du kí
Đọc tiếp ...