Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

LUẬN NGỮ CẢI BIÊN.





Thầy Tử Lộ hỏi đức Khổng Tử rằng : “Nếu vua nước Vệ nhờ thầy làm chính sự, thầy sẽ làm việc gì trước”

Khổng Tử đáp: Trước hết ta phải ngồi vào ghế chính danh. Trò nên hiểu danh không chính thì nói không thuận, nói không thuận thì việc không thành. Danh chính ngôn thuân là vậy đó.
- Tử Lộ:  Vậy việc nước Nam trước đây đưa ông Nguyễn Bá Thanh ra kinh đô làm Trưởng ban Nội Chính là để cho chính danh chăng.
- Khổng Tử: Đúng như vậy, người Nam sáng suốt lắm, tiếc là ông Thanh chưa thuận mệnh trời, quốc nạn tham nhũng chưa phá xong thì lâm trọng bệnh rồi ra người thiên cổ.
- Tử Lộ:  Thầy dạy thì con nghe, chớ chính danh đôi khi nói vẫn không thuận, đúng hơn là không dám nói.  Trong thiên hạ thiếu chi các đại thần khi thiết triều thì miệng câm như hến, cho dù ông ta đang được chính danh. Đến khi về hưu trí, hết chính danh rồi, lại phát biểu này phát biểu nọ, ra điều ta đây ưu thời mẫn thế, yêu nước thương nòi lắm.

- Khổng Tử: Ừ , loại người con nói đó ta liệt vào hàng tiểu nhân, không bàn luận đến mần chi.   




Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

TẢN MẠN SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH

   

Bu và chú em ở Đà Lạt, năm 2014


Ông Lê Thanh Hải, UVBCT, Bí thư Thành ủy TP HCM trao Giấy phép xây dựng Trường Đại học Fulbright cho ông Thomas Vallery chủ tịch quỹ tín thác sáng kiến đại học Việt Nam.


1- Sang nhà bạn PNH đọc được nhiều bài bàn về chữ nghĩa thiệt hay : “Ý nghĩa của từ ngữ”  nói về  hai từ “đểu” và “đểu cáng” Riêng bài “Thảo mai” làm nhiều người đọc ngớ ra, nghỉ về một từ Hán Việt nào đó thâm trầm lắm… 
     Sau khi lục lọi sách vở mới hay rằng những từ ấy có trong số sách mình mua đã lâu nhưng không đọc đến, hoặc có đọc qua mà không để ý. “Thảo mai” có nhiều nghĩa nhưng thường dùng để chỉ sự nói không thật,  nói điêu,  có trong trang 626 sách “Đạo Mẫu Việt Nam” của GS Ngô Đức Thịnh. “Đểu” và “đểu cáng” có trong trang 36 và trang 52 sách “Văn minh vật chất của người Việt” của tác giả Phan Cẩm Thượng. Gộp hai trang ấy lại thì:  “Đểu là một người gánh hai thúng hai bên, cáng là hai người gánh chung một đòn, (thúng ở giữa). Mà dân gánh thuê hay thó hàng của chủ nên từ đểu cáng dần dần  dùng để chỉ những người không đứng đắn”.  PNH có một khối lượng từ điển phong phú và được xuất bản ở nhiều thời kì cho nên những bài viết của bạn ấy giúp người Việt hiểu thêm tiếng Việt, góp phần làm trong sáng tiếng Việt đang mù mờ dần theo năm tháng.
       Thầy Mạnh tử dạy:  “ 書: (Tận tín thư bất như vô thư)  nghĩa là: Tin sách một cách mù quáng, máy móc thì coi như chẳng đọc gì cả (1). Đằng này người có sách mà không đọc hoặc đọc lớt phớt, thì thì rõ là phí tiền mua sách, đó là đối với anh dân đen. Còn các nhà chính khách điều hành xã hôi mà hiểu sai kinh sách các cụ tổ thì tai hại cho cả nhân quần xã hội lắm lắm.
2- Thời bu đi học được nghe cô thầy thường nhắc lời dạy của Lê nin:
 “Không có sách, không có tri thức, không có tri thức không có chủ nghĩa cộng sản”. Từ hệ quả của lời vàng ngọc này, ta có được tam đoạn luận:
-        Không có tri thức không có chủ nghĩa cộng sản
-        Nước Mỹ không có chủ nghĩa cộng sản
-        Nước Mỹ không có trí thức.
Cho đáng đời nước Mỹ đế quốc sài lang …hihi.

Rõ ràng phe ta có tri thức (vì đi theo con đường cộng sản), và chắc rằng các nhà lãnh đạo Liên xô trước đây đọc rất nhiều sách, đặc biệt là sách của các cụ tổ Mác - Lê. Nhưng không hiểu tại sao ngày 26.12.1991 Liên xô  đổ cái rầm.  Các nước theo chủ thuyết cộng sản Đông Âu lần lượt sụp đổ theo. Vậy là sao ta?
-        Sách các cụ tổ có chỗ sai ?
-        Sách đúng nhưng các bác không chiụ đọc ?
-        Có đọc nhưng các bác không hiểu ?
-        Có hiểu nhưng các bác không làm theo sách ?
Nhờ trời mấy nước cộng sản châu Á gắng gượng được, không sụp đổ. Chỉ có mấy anh cộng sản Campuchia: Pôn pốt, Iêng xa ri, Khiêu xam Phon không biết đọc sách nào mà đưa ra chính sách diệt chủng chính dân tộc họ, lại đánh sang Việt Nam, bị Việt Nam tiêu diệt. Cộng sản bắc Triều Tiên có lẻ đọc nhầm sách, duy trì  cung cách phong kiến, truyền ngôi từ đời cha sang đời con đến đời cháu. Dân bắc Triều bị hạn hán đói nhăn răng mà ông cháu Kin song Un lãnh tụ quốc gia cứ đòi tiêu diệt nước Mỹ, xử tử em rể bố (chồng cô ruột), nay lại dùng cao xạ pháo xử tử  Bộ trưởng bộ quốc phòng…Kinh!!
       Mấy vị cộng sản Tàu đọc sách các cụ tổ Mác - Lê nhưng “tự biên tự diễn” theo kiểu Tàu, cho nên  trong cuộc họp của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 8 năm 1965 Mao Trạch Đông nói: “Chúng ta phải giành cho được Đông nam châu Á bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện,  Ma lai xi a, và Xinh ga po….Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản…xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…Sau khi giành được Đông nam châu Á chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây”(2). Nay Tập Cận Bình tô son trát phấn lời phán truyền của Mao thành Giấc mộng Trung Hoa và đang ráo riết thực hiện: “Đến đầu tháng 3 năm 2015, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo mở rộng diện tích quy mô lớn 6 bãi đá ngầm của quần đảo (là đá Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn)(3) trong quần đảo Trường sa của Việt Nam. Tiếp theo “Ngày 28/5, Trung Quốc đã chính thức di chuyển vũ khí đến đảo nhân tạo ở Biển Đông… có thể là radar, súng phòng không và cả máy bay trinh sát.”(4)
3- Mà cũng lạ, nước Mỹ thiếu tri thức, cái gì ở Mỹ cũng xấu xa tệ hại theo cách nhìn của các chính khách cộng sản. Nhưng không hiểu sao chính các vị này toàn đưa con sang Mỹ học. Dân chúng cũng vậy, con cháu  được sang Mỹ học là sướng lắm.  Một số tài năng lỗi lạc Việt Nam được đào tạo ở Mỹ như Vũ Hà Văn người được mệnh danh giáo sư toán học “giải thưởng nối tiếp giải thưởng” hiện đang dạy toán ở đại học Yale, Mỹ.  Đàm Thanh Sơn  nhà vật lý kiệt xuất có tầm nhìn xa từ trên cao, được nhà báo Hàm Châu tôn vinh “Nhà Vật lý chim trời”. (5) Ngô Bảo Châu, được đào tạo ở Pháp, người đã chứng minh trọn vẹn Bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu do Robert Langlands và Diana Shelstad phỏng đoán. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương Fields ở Hyderabad (6) Hiện nay Đàm Thanh Sơn và Ngô Bảo Châu đều là giáo sư giảng dạy ở đại học Chi ca go, Mỹ.
    Mới đây, cùng đi với chuyến thăm Hoa Kì của TBT Nguyễn Phú Trọng, Bí thư thành ủy Tp HCM Lê Thanh Hải đã trao Giấy phép xây dựng Trường Đại học Fulbright cho ông Thomas Vallery chủ tịch quỷ tín thác sáng kiến đại học Việt Nam, mở đầu cho Chương trình học bổng Fulbright, cầu nối giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (7) Tức là đuổi cho Mỹ cút, nhưng chúng ta vẫn phải mời Mỹ mang sách sang dạy kiến thức và tri thức cho dân Việt ta.
    Hihi… mới hay nói chuyện sách và đọc sách mãi mãi không cùng vậy.

-------------

(1)             Mở rộng vốn từ Hán Việt của Hoàng Dân, Nguyễn An Tiêm, Trịnh Ngọc Ánh nxb Thanh Niên 4.2003
(2)        Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc  trong 30 năm qua (1949 - 1979) NXB Sự thật tháng 10 năm 1979.
(3)             WipikipediA “Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở biển Đông”
(4)          Theo báo Sydney Morning Heralds của Australia (An ninh thế giới onlie tháng 6.2015)
(5)          Tri thức tinh hoa Việt Nam đương đại (một số chân dung) của Hàm Châu nxb  Trẻ quý I- 2014
(6)     WipikipediA, từ khóa Ngô Bảo Châu

(7)     Báo điện tử VTV 15.7.2015
Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

LẠI NÓI CHUYỆN BÀI THƠ THẦN




Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập II của Thiền sư Lê Mạnh Thát
(Trang 506 tác giả cho rằng bài thơ "Nam quốc sơn hà" là của thiền sư Pháp Thuận)


Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX
(Của giáo sư Lê Thành Khôi, người cho rằng bài thơ thần có từ 1077)



(Hình mới bổ sung thêm ngày 14.7.2015)


Trong entry “Học sử khó lắm” bu tui có nói hiện nay các nhà sử học, học giả, có hai ý kiến khác nhau về xuất xứ bài thơ thần “Nam quốc sơn hà…”
I- Ý kiến thứ nhất trong đó có thiền sư Lê Mạnh Thát cho rằng bài thơ thần xuất hiện trong thời Lê Đại Hành đánh Tống năm 981. Trong bài viết  “Pháp Thuận và bài thơ nước Nam sông núi”(1)  ông cho rằng tác giả bài thơ là thiền sư Pháp Thuận (914 - 990).
II- Ý kiến thứ hai trong đó có GS Lê Thành Khôi (tác giả sách “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX”) và sử gia Ngô Sĩ Liên (chấp bút “Đại Việt sử kí toàn thư”). Hai ông dựa vào sách Việt điện u linh,  cho rằng bài thơ thần xuất hiện trong thời kì Lý Thường Kiệt đánh Tống năm 1077.
      
                                 *** 

    Người nhiệt thành với ý kiến thứ II có thêm Ngọc Thu (2). Vị này dẫn ra hai chữ “Thiên thư” trong câu thứ hai “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” và phát hiện hai chữ đó vốn là tên một bộ kinh bên Trung Quốc được soạn dưới thời vua Tống Chân Tông (968 - 1022 ). Vào thời này nước Tống bị nước Liêu phía bắc uy hiếp, phải cắt đất và cống nạp thường xuyên. Phía tây, Tống bị Tây Hạ nhiều lần đưa quân tấn công. Phía Nam thì Đại Cồ Việt mạnh lên không chịu thần  phục. Trước tình trạng đó, năm tên gian thần (ngũ quỹ) gồm: Vương Khâm Nhược, Định Vị, Trần Nghiêu Tấu,  Lưu Thừa Khuê, Trần Bành Niên hiến kế nhà vua làm  sách trời gọi là “Thiên thư” để cúng tế trời đất. Nhà vua đồng ý, và sách được soạn xong vào năm 1019. “Ngũ quỹ”  đưa sách giấu vào trong hang Càn Hựu phía nam Trường An để người dân nhặt được đem nộp triều đình. Nội dung “Thiên thư” nói vua Tống là con trời, được sai xuống trần gian để cai trị thiên hạ. Vì vậy dân chúng ở phía bắc là Dịch, phía tây là Nhung,  phía nam là Man, phía đông là Di phải nghe theo lời của Trời, quy phục thiên tử.  Chân Tông  cho người  trốn vào  trong các đền thờ linh thiêng đọc cho dân chúng nghe. Mọi người tin rằng trời không chỉ gửi thiên thư xuống trần gian mà còn cho thiên tướng xuống tuyên đọc.
    Tác gỉa Ngọc Thu kết luận:  Bài thơ “Nam quốc sơn hà…” xuất hiện năm 1077 khi Lý Thường Kiệt đánh Tống, sau sự ra đời của “Thiên thư” năm 1019 là hợp lý.

***

Phản biện của bu tui về ý kiến của tác giả Ngọc Thu.
1- Hai câu thơ:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
Tức là:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời”
Người Việt khẳng định như vậy để chống lại mọi âm mưu nô dịch của người Tống, chống lại Nội dung sách “Thiên thư”
 của Tống Chân Tông khuyến cáo người Nam Man (trong đó có Đại Việt) thần phục thiên tử nhà Tống. “Thiên thư” của nhà Tống không dính dáng gì đến hai chữ  “Thiên thư” trong bài thơ “Nam quốc sơn hà…”
2- Vào thế kỉ thứ 11, tuy Nho giáo chưa phải là thế mạnh chi phối nền chính trị Đại Việt, nhưng các nhà nho xứ ta đã biết đến thuyết Thiên mệnh của Khổng Tử. Thiên mệnh là mệnh trời, là cái lý vi diệu của trời điều hành càn khôn vũ trụ trong đó có cuộc sống nhân gian. Chí sĩ HuỳnhThúc Kháng, nhà nho yêu nước viết trong “Bài ca lưu biệt” : Tiền  lộ định tri thiên hữu nhãn ( 眼) nghĩa là: Trên đường đi biết chắc trời có mắt.  Trời có mắt thì có tâm, có tâm thì có “Thiên thư” quy định địa giới từng quốc gia dưới trần gian.            
      Ngoài ra, một căn cứ vững chắc để các nhà nho Đại Việt dựa vào là khoa chiêm tinh. Mục “Thiên quan thư” trong  Sử kí Tư Mã Thiên có nhắc đến cốt lõi của thuyết này: Thiên tắc hữu liệt tú, địa tắc hữu châu vực (天則有列宿,地 則有州域) nghĩa là: Trời thì có các vì sao, đất thì có châu vực. Sách Chu Lễ (周禮) cũng viết: “Phong vực của các nước trong Cửu châu, với các sao trời cũng phân như vậy”. Tức là đất nước Nam ứng với các vì sao được cố định ở trên trời. Xứ sở ấy là nơi vua nước Nam ở. Hai câu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” là như vậy. Không thể nói hai chữ Thiên thư này là lấy từ  sách nhà Tống.

-------------------

(1)             Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập II  của Thiền sư Lê Mạnh Thát.
(2)             http://www.hungsuviet.us


Đọc tiếp ...