Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

ĐIẾC !!


Trung tâm gây ồn đối diện phòng bu


Thiết bị chống ồn Madein Denmak (Đan Mạch)


Không nghe !


Hehe... khi nàng chưa thịnh nộ !


Ở đời có lắm chuyện oái oăm, người muốn nghe thì trời bắt phải điếc, người thính tai nhưng không muốn nghe những  điều khó chịu lại phải tự làm điếc mình.
     Bu có ông bạn ở cùng chung cư, đã từng đứng đầu một cơ quan xịn ngoài thành phố cảng Hải Phòng.  Ông không đụng đến máy tính nhưng tin tức trong nước, ngoài nước, trên báo lề phải, lề trái, ông nói vanh vách.  Lâu lâu ông đến phòng bu đàm đạo chuyện nhân tình thế thái, chuyện kim cổ đông tây.  Bu có nhận xét, cứ mỗi lần như thế ông lừa lừa thế nào để được ngồi phía tay trái bu. Hể bu nói, ông há miệng, nhướng mắt lên ra điều chăm chú lắm. Sau này mới biết ông gần như  điếc tai trái, chỉ nghe được tai phải.  Mới qnen ông đâu hơn một năm mà thấy tình trạng nghễnh ngãng ông bạn nặng thêm lên. Mỗi lần chuyện trò bu buộc phải tăng “volum” ông mới nghe thủng.
       Mới đây ông bạn Hải Phòng ấy dẫn đến bu một ông  nghe bảo người Quảng Trị, “để ba chúng ta làm quen nhau mà chuyện trò cho đỡ cô đơn”, ông Hải Phòng mở đầu như vậy. Ông Quảng Trị cao lớn, da đỏ như đồng hun, mặt mày quắc thước  ra bộ trí thức lắm.  Bu đẩy chén trà về phía ông bạn mới, hỏi:
-  Quảng Trị, vậy bác ở huyện nào.
- À …à..  tui mấy chục năm ở nam bộ chỉ loanh quanh Sài Gòn, rồi miền đông, miền tây chớ chưa sang Lào bao giờ. Nghe thế, ông Hải Phòng ghé sát tai ông Quảng Trị gào lên:
- Ông ấy hỏi bác ở huyện nào…
 - Á …à…à …tui ở huyện Hải Lăng.
Hóa ra hai tai ông Quảng Trị điếc còn trầm trọng hơn ông Hải Phòng.  Cả buổi đàm đạo hôm ấy chủ nhà và khách cứ phải tăng “volum” hết cỡ, ông Quảng trị cũng gào lên để được nghe chính tiếng nói của mình.  Người qua kẻ lại ngoài hành lang liếc mắt nhòm vào phòng bu, tưởng là ba ông già gây chuyện cãi nhau… hihihi.

***

Thế nhưng chính bu tui cũng bị vợ kêu vì tội …điếc!
Số là cách nay chừng nửa năm, bên kia đường Nguyễn Thái Học đối diện phòng bu ở mọc lên cửa hàng Điện máy.  Người ta câu khách bằng cách lải nhải về sự hạ giá hàng hóa, kèm theo mở nhạc giật gân, bục bục… bùng bùng… Thứ “bom nguyên tử nổ chậm” ấy  lọt vào sáu cửa sổ nhà bu, tra tấn từ sáng cho đến chín giờ tối. Đã nhiều lần bu cất công sang điều đình, hoặc gọi điện nhắc nhở nhưng không làm thủng tai được các chú Dienmay.com  chỉ biêt có lợi nhuận, không cần biết đến văn hóa doanh nghiệp là gì.  Thấy ông bố vợ khổ sở vì ồn, cậu con rể nhanh nhẫu kiếm cho một thiết bị chống ồn công nhiệp cực xịn Madein Denmak (Đan Mạch). Nhét cái này vào hai tai thì âm thanh ta bà mười phần biến đi chín, tám, chỉ còn lại một, hai.  Một hôm bu tui đang thả hồn theo  chuông mõ ông A Di Đà ở cõi Tịnh độ xứ Tây phương thì bà xã hầm hầm xô cửa bước vào, môi miệng nàng cử  động liên tục. Bu chưa kịp định thần  để hiểu được tai họa gì sắp xẩy ra.  Cho đến khi nàng “cưởng chế” tháo thiết bị chống ồn ở hai tai chồng  ra, bu tui mới vở nhẽ: Vợ và con gái đã thi nhau gọi điện thoại cả chục lần  từ lầu 5 lên lầu 6 bảo xuống ăn cơm. 

    Huhuhu… ở xứ mình có câu ca “ta nghe trong gió vi vu  nhiều chuyện lạ”, lần này ứng nghiệm vào bu rồi, đang yên đang lành phải tự làm điếc đi mới sống nổi. 

--------------------




(1)             Tái bản có sửa chữa
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

HẦU CHUYỆN CỤ MẠNH



Mạnh tử


Bu tui, người hầu chuyện cụ Mạnh 

Không phải cụ Nông Đức Mạnh đâu mà cụ Mạnh Tử.
    Số là đọc Mạnh tử trong Tứ thư hay quá, đêm nằm tơ tưởng đến cụ, y như cụ hiện về, áo mủ cân đai nghiêm chỉnh lắm.
Bu: Thưa thầy lâu nay con ít vào đọc thầy, mong thầy đại xá cho.
Thầy Mạnh:  Ta biết, người đời dở sách Tứ thư ra bao giờ cũng đọc xuôi Khổng tử trước, thứ đến Trung dung và Đại học. Ta nằm cuối sách nên thiên hạ dễ quên. Mấy hôm nay thấy con đọc ngược sách Tứ thư, ta vui lắm nên mới về đây.    
Bu: Dạ, con đội ơn thầy và xin  hỏi thầy vài việc hơi có tính nhạy cảm, chẳng hay thầy có giải thích cho không.
Thầy Mạnh: (cười hơ hơ)  Nhạy cảm đối với người Dương gian thôi, còn ta, dân Địa phủ không có gì đáng gọi là nhạy cảm cả.
Bu: Dạ con nói thế là vì sợ. Đám thảo dân như con hể đụng chuyện thế thái nhân tình là sợ. Không khéo tai bay vạ gió như chơi.
Thầy Mạnh: Không sao, đã là Đại trượng phu thì uy vũ bất   năng khuất, con cứ  nói.
Bu:  Thưa thầy, trong “Tận tâm chương cú hạ” thầy có viết: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.
Thầy Mạnh:  Đúng, ta có viết thế, con hiểu câu ấy như thế nào.
Bu : Dạ, các  học giả nước  con mỗi người dịch một kiểu, thành ra đa thư loạn mục. Con hiểu nôm na: Dân số 1, xã tắc số 2, vua số 3.
Thầy Mạnh (cười hi hi): Được lắm, con hiểu thế là phải. Mà này, những từ tổng thống, tổng bí thư, ta nghe lạ lẫm quá, con cứ gọi vua cho dễ hiểu.
Bu: Vâng, vua  xứ con có lẽ cũng nhận thức được “dân vi quý” nên đưa ra phương châm “Lấy dân làm gốc”.
Thầy Mạnh: (nghiêm nghị)  Nói lấy dân là đứng trên dân. Người chủ trương lấy dân hay không lấy dân mới là số 1. Dân lui xuống số 2 rồi.
Bu:  Thưa thầy, dân nước con được triều đình tôn vinh bằng tám từ nghe màu mè lắm.
Thầy mạnh:  Tám từ thế nào con nói ta nghe coi.
Bu: Dạ, “dân biết , dân bàn , dân làm, dân kiểm tra”.
Thầy Mạnh: Vậy ta hỏi, làm dân như con có biết được những gì người dân cần phải biết không?
Thưa thầy, vừa có lại vừa… không ạ.
Thầy Mạnh (nhíu lông mày) Con nói rõ xem nào.
Bu: Chẳng hạn vừa rồi  vua nước con sang thăm Hoa Kì, một nước vốn là cừu thù không đội trời chung với nước con. Thấy hai vua đi những đâu, bàn thảo với nhau những gì, thì phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo mạng, nói vanh vách cho  dân biết. Nhưng  hồi 3.9.1990 vua và tể tướng nước con sang thăm Tàu, là một nước anh em đồng chí môi hở răng lạnh. Nhưng triều thần hai bên họp nhau ở Thành Đô ra tuyên bố chung nói những gì, suốt hai mươi lăm năn nay dân nước con mù tịt, không hay biết gì cả.   
Thầy Mạnh: (trầm ngâm) Cũng lạ. Ngồi với cừu thù thi công khai, ngồi với anh em lại tuyệt mật.
Bu: Thưa thầy, chiều 5.6.2015 dân nước con hăm hở ngồi   trước máy truyền hình để nghe Quốc Hội báo cáo về vấn đề biển Đông đang bị nhà cầm quyền nước Tàu xâm lấn, nhưng hởi ôi, Quốc hội họp kín.
Thầy Mạnh: Họp kín tức là dân không biết. Đã không biết thì dân không bàn, không làm, không kiểm tra được. Hóa ra tám cái chữ con cho là màu mè kia chỉ là cái bánh vẽ thôi sao?
Bu: Dạ, vụ bánh vẽ này thì đến như ông quan văn  họ Chế nước con còn phải ăn chớ nói chi đám dân đen ạ.
Thầy Mạnh: Ông quan văn ăn bánh vẽ làm sao con.
Bu: Dạ, con đọc bài thơ “Bánh vẽ” của ông ta cho thấy nghe luôn:
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...
Thầy Mạnh: Cả một dân tộc xơi bánh vẽ. Ta cũng bó tay, không biết nói gì thêm nữa.

(Thầy vẩy tay và biến vào khoảng không, bu tui trơ khấc lại một mình... huhu !!)
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

CŨNG LÀ BỐN CHẤM, NHƯNG MÀ...!



   Bu và các bạn bên tấm bia "Bất đáo Trường Thành phi hảo Hán"
(Một chàng nữa đang bấm máy)





Bốn  hình trên :  phong cảnh Tây Hồ, Hàng Châu

Catulaho là bạn ảo của bu từ thời  Zàhu 360.  Zàhu sập tiệm, người “Catu làng Ho” bỏ cuộc luôn. Mới đây nàng “meo” cho bu hỏi “Em có đọc bài: “Hầu chuyện thầy Thích Trí Giải về chữ nhẫn” của anh nên có biết sơ sơ về bộ trong chữ Hán. Đại khái chữ “chước” là đốt,  chữ “tai” là cháy nhà, chữ “xuy” là thổi nấu, đều có bộ hỏa thì không còn gì để bàn. Đằng này “yến” là chim bay trên trời, “ngư” là cá lội dưới nước mà cũng có bộ hỏa thì lạ quá,  nhờ anh giải thích cho.

------------

1-  Trước hết xin kể cho Catulaho và các bạn nghe câu chuyện vui vui về chữ ngư () liên quan đến vua Càn Long (1711-1799) bên Tàu.
     Số là hè năm 2007 bu tui cùng ba cậu bạn thân nổi máu giang hồ vặt, rủ nhau sang Tàu chơi.  Sau khi đến Bắc Kinh, leo lên Vạn Lý Trường Thành  chụp hình bên cạnh dòng chữ của ông Mao Trạch Đông trêu tức thiên hạ “Bất đáo Trường Thành phi hảo Hán” (不到長城非好漢) (1) bọn bu  kéo nhau về Tô Châu vãn cảnh chùa Hàn Sơn, đọc bài thơ tuyệt hay của Trương Kế “Nguyệt lạc ô đề ….”.  Rồi bộ tứ đưa nhau về Hàng Châu dạo quanh Tây Hồ thưởng ngoạn cảnh vật như xứ thần tiên…  Đang yên tĩnh chợt thấy  ở đằng xa người ta xúm xít bên một tấm bia cao bằng đầu người. Hỏi, thì cô thông ngôn bảo tấm bia ấy ghi bốn chữ “Hoa cảng quan ngư” ( 魚) (2) do chính vua Càn Long viết.  Người ta kể, chữ ngư có bốn chấm của bộ hỏa, vua Càn Long mới nhấn được hai chấm thì ném bút cáu,  vô lý, cá dưới nước sao lại có bộ hỏa, chả nhẽ cá bị nướng hết sao. Đám quần thần sợ quá im re không ai dám bàn luận gì.  Chữ ngư  “què”  của vua Càn Long gây tò mò cho khách du lịch đến Hàng Châu, ai cũng muốn sờ vào để chụp hình kỷ niệm.

                    
 Bu tui đang sờ vào bốn chữ "Hoa cảng quan ngư"

2- Để trả lời thấu đáo cho bạn Catulaho, bu nói đôi lời về bộ trong chữ Hán.
   Các sách giáo khoa chữ Hán bu đang sở hữu đều nói chữ Hán có 214 bộ, bộ số 1 là chữ nhất () chỉ 1 nét , bộ số 214 là chữ dược ( ) có tới 17 nét.  Nay bu thử diễn đạt thành lời như sau: “Bộ trong chữ Hán cũng là chữ Hán, khi ghép với một chữ Hán khác sẽ tạo ra một chữ mới với nghĩa mới.  Chữ được gọi là bộ có cấu tạo mặc định, không thêm bớt gì vào được. Chữ Hán có 214 bộ.
 Ví dụ:
a) Chữ hỏa 火,(không làm chức năng bộ)  trong câu văn của tiểu thuyết Hồng Lâu mộng 紅樓夢”:
“Doanh quan trứ cấp đạo: Tịnh phi minh hỏa chấp trượng, chẩm toán thị đạo?  營官著急道: 並非明火執杖, 怎算是盜?”  Nghĩa là: Quan doanh vội vàng nói: Nó không hề đốt đuốc cầm gậy, sao lại cho là kẻ cướp được?
b) Chữ hỏa khi làm chức năng bộ được gọi là bộ hỏa:
 - Chẳng hạn chữ Bỉnh (tỏ rõ) gồm bộ hỏa nằm bên trái chữ bính (một can trong 10 can).Tức là:   火 + 丙- Chữ hùng (con gấu)  gồm bộ hỏa ở phía dưới chữ năng (tài cán, bản lĩnh) Tức là:  =
c) Hình thức bộ hỏa:
 Có hai hình thức diễn đạt bộ hỏa:
- Viết hoàn chỉnh như trong câu văn của Hồng Lâu Mộng
- Viết thành bốn chấm như trong chữ hùng là con gấu.
- Trong chữ giản thể, bốn chấm được thay bằng một vạch ngang  ()
d) Bộ dùng để tra chữ Hán trong từ điển. (chẳng hạn Từ điển Thiều Chữu)
- Khi có một chữ, ta cần biết nghĩa của nó  thì xem chữ ấy có bộ gì. Ví dụ có hai chữ  , .
- Chữ = (bộ nữ)  +
Tìm trong trang  TỔNG MỤC biết bộ nữ ở trang 125. Tìm đến trang 125  thấy được là chữ hảo (tốt)
- Chữ =(bộ nhật) +  
Tìm trong trang TỔNG MỤC  biết bộ nhật ở trang 265. Tìm đến trang 265 thấy được là buổi sáng.
e) Trở lại với chữ Yến  (燕,chim én ) và chữ ngư  (魚, )
1- Trong sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán”(3) của Lý Lạc Nghị (Tàu) và Jim Waters (Mỹ) có mô tả sự hình thành chữ yến và chữ ngư như các hình dưới đây.
* Về chữ Yến.
Tấm hình dưới đây mô tả một con chim yến và quá trình thay đổi tự dạng của nó từ Giáp cốt văn cho đến Hành thư.
 - Chữ Giáp cốt văn: Chữ thời nhà Thương, khắc trên mai rùa hoặc xương thú cách nay khoảng 3700 năm
-  Chữ Kim văn: khắc hoặc đúc bằng đồng cách nay khoảng 3000 năm
- Chữ Tiểu triện: Chữ thông dụng thời nhà Tần cách nay khoảng 2200 năm.
- Chữ Lệ thư: Chữ thông dụng thời Hán cách nay khoảng 2000 năm
- Chữ Khải thư : Xuất hiện cuối thời Hán và lưu hành cho đến ngày nay


Chữ yến Khải thư được khoanh màu đỏ. Trong đó bốm chấm là vết tích của cái đuôi từ thời Giáp cốt văn còn lại.  Bốn chấm (灬) ấy chính là bộ hỏa .  Muốn tra chữ yến ta tìm bộ hỏa 火 (灬)  phẩn Tổng mục sau đó tra chữ yến ở trang 373.
* Về chữ ngư.
Tấm hình dưới đây mô tả con cá và biến thể của chữ ngư từ Giáp cốt văn, Kim văn, Tiểu triện, Lệ thư, khải thư, Thảo thư, chữ Giản thể. Trong đó chữ ngư Khải thư được khoanh màu đỏ. 


Bốn chấm là vết tích  cái đuôi từ thời giáp cốt văn còn lại. Tuy nhiên bốn chấm của chữ yến (là hình ảnh cái đuôi)  được xem là bộ hỏa, còn bốn chấm của chữ ngư (cũng là hình ảnh cái đuôi) lại không được xem là bộ hỏa mà cả chữ ngư là bộ ngư. Ở Từ điển Hán Việt Thiều Chữu ở trang 784 như  tấm hình dưới đây.



g) Kết luận
Vua Càn Long có thể làm ra bộ  cáu vì cá có bộ hỏa để nhấn hai chấm rồi thôi, làm cho hậu thế tò mò, rủ nhau đến ngoạn cảnh Tây Hồ. Cũng có thể ông quên, ngư là bộ chớ bốn chấm ấy không phải là bộ hỏa.  Bạn Catulaho thân mến , bu tui đã trả lời bạn một lần rồi nhưng thấy còn sơ sài quá nay nói lại cho kỹ hơn.

---------------------
1- Không đến Vạn Lý Trường Thành không phải là trang Hảo Hán
2- Xem cá bến Hoa
3 - Nhà xuất bản Thế Giới Hà Nội 1997
              
Đọc tiếp ...