Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

NGÀY TẾT NÓI CHUYỆN CHƠI THƠ







Ngày nay người ta chơi thơ vào  dịp tết với nhiều kiểu:  Treo cờ thơ, bình thơ, thả thơ bay lên trời, chép thơ vào thúng mủng rổ rá mang đi triển lãm. Riêng ông Phạm Mạnh Danh (1) cách nay gần thế kỉ có kiểu chơi thơ không mấy ai theo được.  Kể như ở Việt Nam, ông là thủy tổ của nghệ thuật sắp đặt, không sắp đặt đồ vật mà sắp  đặt thơ. Xin giới thiệu sau đây 2  trong rất nhiều kiểu chơi của ông Phạm Mạnh Danh để quý vị đọc chơi.


Kiểu 1. Rút bốn câu thơ (chữ Hán đã phiên âm) trong bốn tác phẩm khác nhau của  Tàu, ghép lại có một bài thơ tứ tuyệt đủ niêm luật, dịch ra sẽ có bốn câu trong truyện Kiều.
1.a
Lưu thù dư tình bổ hóa công  ( rút trong Liễu Trai)
Hồng nhan lưu lạc hận nan cùng ( rút trong Bách Mỹ)
Sinh tiền cá cá thuyết ân ái  (rút trong Kim Cổ kì quan)
Mạnh lý vô thời tổng thị khô (rút trong Thăng Bình truyện)
Dịch
Phụ phàng chi mấy hóa công
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay chết xuống làm ma không chồng.
1.b
Quế luân tà chiếu phấn lâu không.  (rút trong Tình sử)
Thủy tế, hoa gian ảnh đạm nùng.   (rút trong Trụ Xuân Viên)
Trù tướng đông lân thiên thụ tuyết  (rút trong Thi Lâm)
Hải đường khai tận nhất đình hồng  (rút trong Đường thi)
Dịch
Gương Nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.
Hải đường lả ngọn đông lân
Hạt sương trĩu nặng, cành xuân la đà
1.c
Thùy gia tiêu tức đậu đông phong  (rút trong  Tình sử)
Khứ khứ ly ly tổng tụy dung   (rút trong Ỷ Lâu mộng)
Liệu đắc kim sinh vô ngã phận ( rút trongTái sinh duyên)
Lai sinh hoặc giả ký trùng phùng  (rút trongTái sinh duyên)
Dịch
Vì ai ngăn đón gió đông
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi
Trùng phùng hù dọa có khi
Thân này thôi có còn gì mà mong
1.d
Nhất niên xuân sự đáo trà mi  (rút trong Đường thi)
Dĩ bị du phong thám đắc tri    (rút trong Thi lâm)
Nhuyễn ngọc ôn hương thùy vị tích   (rút trong Ỷ Lâu mộng)
Hối giao vũ đố dữ phong xuy  (rút trong Hồng Lâu mộng)
Dịch
Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương.
Kiểu 2. Chọn nguyên một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt trong sách Tàu (có chua rõ tên bài thơ, tên tác giả,  tên sách) sau khi dịch ra có bốn câu thơ Nôm của bốn tác phẩm khác nhau.
2.a
ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ    (Thơ của Thôi Hộ, Đường thi)
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Dịch
Lét trong cửa tía mây trùng  (rút trong tác phẩm Ngọc hoa)
Vẻ hồng kia với má hồng đua tươi  (rút trong Ngọc kiều lê)
Trông theo nay chẳng thấy người  (rút trong Chinh phụ ngâm)
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (rút trongThúy Kiều)
2.b
XÍCH BÍCH HOÀI CỔ    (Thơ của Đỗ Mục, Đường thi)
Chiết kích tầm sa thiết vị tiêu
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều
Đông phong bất dữ Chu Lang tiện
Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị kiều
Dịch
Đá hoa sẵn, nhạc vàng treo   (trong tác phẩm Bích câu kỳ ngộ)
Nhìn xem dấu cũ ra chiều hoài nhân (trong tác phảm nữ Tú tài)
Gió đông chẳng đoái vừn xuân (trong tác phẩm Lục Vân Tiên)
Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều (trong tác phẩm Thúy Kiều)
2.c
ĐỀ HOA CÚC (thơ của Đặng Thị, Tình sử)
Lương công diệu thủ ổn an bài
Bút để di lai chi thượng tài
Lục diệp hoàng hoa trường tự mỵ
Đằng nhân bất hứa điệp phonh lai
Dịch
Bức tranh ai khéo vẽ vời   (trong tác phẩm Bướm Hoa)
Phẩm đề xin một vài nhời thêm hoa  ( trong tác phẩm Thúy Kiều)
Rõ ràng xanh lá đỏ hoa   (trong tác phẩm Tống
Trân)
Tường đông bướm lại ong qua mặc lòng (trong tác phẩm Hoa Tiên)
-------------
(1) Tác giả sách Bút hoa thi thảo, xuất bản 1942 ở Nam Định 
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

BÚT ĐÀM CUỐI NĂM






Người bút đàm với bu tui

Chiều 23 tháng chạp, sau khi thả 3 ông cá chép xuống hồ  để các vị vượt Vũ Môn lên báo công với Ngọc Hoàng, bu tui “thiền hành” suốt dọc đường Nguyễn Thái Học xem thiên hạ mua sắm hoa lá cây cảnh đón tết.  Đến ngả ba Nguyễn Thái Học - Lê Hồng Phong thấy một chiếc xích lô đỗ dưới tán cây trên vỉa hè.  Ông chủ xe ngồi ngay ngắn trên đệm, môi mím chặt, mắt đăm đăm nhìn thẳng, hai tay nâng một quả cam trước ngực, ngón tay xòe ra vẻ vô cùng thành kính.  Thấy lạ bu tui dừng lại rón rén nâng máy ảnh lên, trong bụng sợ ông ta nổi cáu tịch thu chiếc máy thì rách việc. Không ngờ ông ra hiệu cho chụp, chỉ chụp duy nhất một lần không cho chụp lần thứ hai. Bu lễ phép, thưa bác cho chụp thêm vài kiểu nữa, tôi sẽ in ra tặng bác làm kỉ niệm ngày ông Táo về trời. Ông xích lô chỉ tay vào miệng, lại chỉ vào tai rồi lắc đầu quầy quậy. Trời ạ, ông này vừa câm vừa điếc.  Thấy bu tui đang muốn nói gì thêm, ông đưa cho một mẫu bút chì, một quyển vở học trò và cuộc bút đàm bắt đầu. Ông xích lô “phát ngôn” trước.
-  Tui là Bờm
-  Tên người ta gọi vui hả bác
-  Bờm là Bờm, không vui, không buồn. Vì tôi có nghe được tên tôi bao giờ đâu.
-  Nhưng Bờm thì phải có cái quạt mo mà bác không thấy có.
-  Đó là Bờm thời xưa, nay ông ấy làm quan to rồi. Bờm tui chạy quạt điện mà chỉ đạp xích lô thôi.
-  Hồi nãy thấy bác đặt quả cam lên ngực cầu nguyện điều chi đó…
- À, đó là nghi lễ tôi trình tâu Ngọc hoàng công việc trần gian. Năm nào cũng vậy cứ đến 23 tháng chạp, một mình tôi tự  vượt  Vũ Môn, hóa rồng…
-  Bác tự làm ông táo, lạ nhỉ!
- Tôi không tin táo quân, các ông ấy được người ta nuông chiều đâm hư hỏng, dối trá, thích ai thì nói tốt, không ưa ai thì nói xấu. Ngọc hoàng ở quá xa nghe mấy cha táo ấy là hỏng việc.
- Nhưng đó là tín ngưỡng của dân mình mà bác
- Tôi vẫn cho là người đời nuôi ong tay áo nuôi táo trong nhà
-  Đúng là bác nghĩ không giống ai
- Trong thiên hạ người ta buộc phải nghỉ giống nhau, bắt chước nhau, còn tôi chỉ giống tôi chớ không cần giống ai khác. Trong tam vô tôi đã thưc hiện được nhị vô, cho nên cuộc đời có đỡ rắc rối…
- Nghĩa là…
- Nghĩa là không nghe và không nói
-  Cũng may mà đôi mắt bác nhìn còn tinh
- Tôi nghe bằng mắt, mọi chuyện hay dở báo chí viết ra vẫn lọt vào đầu. Nghe không ưng ý…thì xé luôn tờ báo. Tinh mắt cũng là một nỗi khổ
- Chết, bác xé báo nhà nước
-  Không xé thì sớm muộn nó cũng tan tành ở đâu đó
-  Bác đã chuẩn bị gì ăn tết
- Không tết thì tôi vẫn ăn. Tết thì được gì nào.
- Được vui xuân, vui năm mới
-  Chẳng qua người ta phải cố vui để cho khuây khỏa nỗi buồn 
-  Nỗi buồn gì hở bác
- Buồn vì cuộc đời giảm đi một năm, đường đến nghĩa địa gần lại chút xíu…

Câu chuyện đang rôm rả thì một nhà sư đến ra hiệu thuê xe, cuộc bút đàm giữa chúng tôi dừng lại. Nhà sư và ông Bờm không bút đàm mà “nói” với nhau bằng tay cùng điệu bộ, xem ra hai người quen thân nhau lắm. Sau khi nhà sư ngồi lên xe, ông xích lô quay lại gật đầu chào, bu tui đưa máy ảnh lên nhưng ông ra hiệu không được chụp.

  Có lẽ ra giêng bu tui phải tìm cách gặp lại “ông Bờm có cái quạt điện” thêm một lần nữa để tiếp tục cuộc bút đàm dở dang này… hihihi.    
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

NGỌT NGÀO TRONG VỊ ĐẮNG (Bài đăng báo Quảng Bình số tết bính thân)










Bãi Trước Vũng Tàu  trưa 28 tết năm ấy vui mà lạ. Dân Sài Gòn đổ về tắm biển đông như kiến. Người ngồi bờ kè ngắm biển như  trẩy hội. Tự nhiên lại nhớ rét, nhớ mưa phùn gió bấc, nhớ bạn bè thân thiết một thời ở Đồng Hới quê hương… Ngồi cạnh tôi là một người đàn ông lớn tuổi, gầy, đen, đầu hói, những sợi tóc còn lại ngả màu tiêu muối phất phơ theo gió biển. Nhìn chính diện sao mà giống Mai Xuân Khang, anh chàng học kiến trúc nhưng  không có việc gì làm, người ta chuyển sang phòng Đảm bảo giao thông hồi 1968. Bốn mươi năm rồi…cuối cùng thì chúng tôi cũng nhận ra nhau. Cả hai mừng quýnh, ôm lấy nhau, đấm vào vai nhau, giọng anh nào cũng nghèn nghẹn…Khang bảo tớ về Sa Séc từ 1975, có con gái làm dâu Vũng Tàu. Mọi năm vợ chồng nó vẫn về  quê thăm ba mẹ, năm nay cháu sinh thêm con nhỏ, ông ngoại về thăm cháu và luôn thể ăn tết Vũng Tàu. 

                                            ***
   Trong lúc chờ bà xã tôi làm cơm mừng gặp lại bạn cũ gần nửa thế kỷ trước, tôi và Khang tranh nhau kể chuyện xóm Rẫy Cau, xóm Cộn, chuyện phòng Đảm bảo giao thông những ngày bom đạn. Khang bảo, tớ nhớ nhất vụ bác Nguyễn Đình Chí trưởng phòng cử đi công tác trên đường 15 Lệ Thủy.  Lúc quay về không theo QL 15, lại  đi  tắt đường mòn cho nhanh. Đang đạp xe thì thấy trước mắt tấm bảng chữ vôi “Bom từ trường chưa nổ”, hoảng quá, cả xe lẫn người vật nghiêng ra cỏ. Nghỉ bụng, bỏ xe, bò ra đường cái rồi đi bộ về là thoát chết nhưng như thế kể như què bộ giò.  Đảm bảo giao thông thời chiến mà không có xe đạp thì còn làm ăn gì nữa.  Cái khó ló cái khôn, tớ bò đại ra một vạt đất phẳng, mượn tạm của dân cái cần dàng bò cùng với dây dợ có sẵn. Bò ngược lại, buộc dây vào xe, nằm xuống một con mương lấy hết sức bình sinh nắm cần, kéo. Chao ôi, mệt, đói, sợ bom từ trường nổ, chiếc xe cày xuống đất, bị cỏ cây níu lại…Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Lấy được xe mà đang sống là thắng rồi. Nhưng kìa, nấm tràm, vô số nấm mọc chi chít dưới lá tràm mục. Thế là một liều ba bảy cũng liều, tớ cởi áo may ô ra buộc túm một đầu, hái cho đầy ắp cái “túi” mới thôi.  Mấy năm ở Rẫy Cau tớ mê nhất món canh nấm tràm nấu với tôm bạc, thêm rau lang, lá trơng, lá lốt. Trong muôn ngàn nỗi nhớ thời tuổi trẻ trong chiến tranh, tớ không thể quên được nhiều vụ hút chết, không thể quên được vị đắng món canh nấm tràm dân dã mà rất Quảng Bình. Người đời thích ngọt bùi là sự thường, đằng này tớ lại thích thêm vị đắng. Cho nên cha nào đó đặt tên bộ phim Đắng như hạnh phúc thật chí lý.

***
      Bà xã tôi dọn cơm ra bàn với lời giới thiệu, hôm nay vợ chồng em mời anh Khang cùng về Rẫy Cau và xóm Cộn của Đồng Hới mấy chục năm trước. Ngửi thấy mùi lá trơng lá lốt trong bát canh bốc khói Khang tròn xoe mắt, rưng rưng. Tôi bảo, bạn thân con gái tôi ở Đồng Hới, hể có nấm tràm là nó mua thật nhiều, cặp đông cho vào thùng xốp gửi ô tô vào Vũng Tàu.  Mà ông Khang, cái vụ kéo xe, hái nấm của ông năm 68 đã thành giai thoại cho cả phòng Đảm bảo Giao thông một thời rồi. Bữa cơm cải thiện cách nay gần nửa thế kỷ ấy, ông tổ trưởng Võ Văn Dần sai tôi đạp xe về Cống Mười mua tôm, dọc đường xe nổ lốp, lại sai Tuấn Sinh đi hái lá trơng bị gai đâm kêu oai oái. 
    Khang nhấm nháp nấm tràm, đắng hơn cả khổ qua, chậm rãi:  Đây là bữa cơm cuối năm tôi nhớ đời, ông ơi, đúng là có ngọt ngào trong vị đắng.



Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

NIỀM VUI.




7 giờ sáng, có tiếng điện thoại bàn reo. A lô, a lô, bên kia không thấy ai lên tiếng. Đặt máy, đến bàn ngồi thì chuông lại reo. Lần này bên kia lên tiếng trước, ông ngoại ơi, cháu Bắp chúc mừng sinh nhật ông. Nhìn sang tờ lịch thấy 30.1 mới ngớ ra, hôm nay sinh nhật mình thật. Thằng cháu ngoại học lớp 2 cửu chương có khi đọc nhầm nhưng sinh nhật ông bà, cha mẹ, em Bơ, nó nhớ tất. Ông ngoại xuống tầng 5 nói lời cảm ơn cháu. Bà ngoại sắp xếp cu Bắp, cu Bơ, cu Rơm (cháu đích tôn) chụp ảnh với ông. Bà chưa kịp bấm máy thì cu Bơ chồm lên ôm đầu cu Rơm xô ông ngoại nghiêng người, áo xống xộc xệch. Bà hét, ba đứa ngồi yên để bà chụp lại, ông bảo, phải quậy thế mới đúng là trẻ con.

Bu bảo ba cháu: ông sẽ đưa tấm hình này lên  blog  cho các bác, các cô chú, xem chơi.
----------------------------------------

Ngồi với bà ba thằng có vẻ thuần hơn (cu Bơ ngậm mảnh lego trong miệng)



Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

.




   
ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG CÓ THỂ THỰC HIỆN CẢI CÁCH VỀ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ ?




 Đôi lời: Một bài phân tích rất hay, nêu ra những điểm mới và có lý. Từ chuyện thất bại của ông Dũng, tới bản chất con người của ông Trọng. Bài phân tích này “thinking outside the box”, tức “tư duy ngoài cái hộp”, với những ý nghĩ mới, không tư duy theo lối mòn, hoàn toàn khác với những ý nghĩ định kiến lâu nay của nhiều người về hai nhân vật Trọng – Dũng và tương lai đất nước.


Quốc Việt
Qua một thời gian theo dõi các diễn biến về chính trị tại Việt Nam và nhân sự kiện đại hội đảng đang diễn ra tại Việt Nam để bầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tôi muốn gửi một bài viết cá nhân về xu hướng chính trị Việt Nam trong thời gian tới.
Tôi thường hay có những dự đoán ngược với số đông và thông thường những dự đoán đó lại khá chính xác. Tất nhiên những dự đoán đều phải dựa vào những logic nhất đinh. Lần này tôi có cảm nhận người có thể thực hiện cải cách về thể chế chính trị lại chính là ông Nguyễn Phú Trọng. Tôi muốn viết trước dự đoán này để xem lần này có tiếp tục chính xác hay không.
Trước đây khi phần lớn mọi người nói rằng thủ tướng đang rất mạnh và có khả năng trở thành Tổng thống đầu tiên. Tôi đã nói với một số bạn bè rằng chắc ông ấy sẽ thất bại và hầu hết mọi người đều không tin điều này. Logic của tôi lúc đó đơn giản là thủ tướng đã đi sai nước cờ chính trị sau khi trang web “Chân dung quyền lực” xuất hiện. Với sự hiện diện của trang web này đã ngầm định ông tuyên chiến với hầu hết các thành viên bộ chính trị còn lại. Trong khi đó phía bộ công an thì ông cũng không nắm được bộ trưởng công an vì ông Trần Đại Quang trước khi lên bộ trưởng cũng đã có thời kỳ không được thủ tướng tin dùng và ông Quang cũng khá hiểu con người thủ tướng. Các “đệ tử” khác của thủ tướng phần lớn đều chỉ có thể chi phối về lợi ích chứ không có ai tuyệt đối trung thành với ông. Trong khi đó ông thủ tướng lại có quá nhiều yếu điểm để các đối thủ khác dễ bề tấn công, từ quản lý điều hành kinh tế, xã hội, đến các vấn đề gia đình. Nên khi thủ tướng chọn phương án đối đầu với hầu hết các đối thủ chính trị còn lại thì khả năng thất bại rất cao.
Về ông Nguyễn Phú Trọng, thời gian đầu ông lên nắm quyền tổng bí thư, tôi cảm thấy hơi khó hiểu về ông ta. Vì thông thường một con người sẽ hành động theo hai xu hướng. Một là cho bản thân mình, hai là công hiến cho xã hội để mang lại tiếng thơm sau này. Nhưng ông ta đã không thực hiện cả hai điều này. Nếu ông ta chỉ mong muốn vun vén cho mình thì tốt nhất khi lên chức tổng bí thư không nên tìm cách đấu đá làm gì cả, để cho thủ tướng tự tung tự tác và chắc chắn ông Tổng sẽ được chia sẻ những bổng lộc không nhỏ cho cá nhân và gia đình để hưởng cuộc sống an nhàn sau này và nếu kinh tế xã hội không tốt thì người đời chỉ có trách thủ tướng là người điều hành đất nước. Nhưng đằng này ông Tổng lại ra sức tìm mọi cách để chống tham nhũng, loại bỏ những thành phần “lợi ích” gây tổn hại cho đất nước. Nếu ông ta muốn hành động để lại tiếng thơm sau này thì ông ta phải tích cực ủng hộ dân chủ, ủng hộ cải cách. Nếu chỉ nhìn các hành động của ông Trọng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua thì chúng ta khó nhìn thấy tư tưởng cải cách của ông.
Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát tôi nhận thấy có lẽ ông Trọng sẽ là người đầu tiên thực hiện việc cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam. Nhận định của tôi dựa trên các dữ kiện sau đây.
– Ông Trọng là người cẩn trọng và có tính toán bước đi khá chặt chẽ. Ông ta là người quyết tâm thực hiện ý tưởng tới cùng. Bước đi của ông ta theo tôi đầu tiên là loại bỏ những nguy cơ mà ông cho rằng sẽ cản đường cho sự phát triển đất nước đó là tham nhũng và “nhóm lợi ích”. Sau khi hoàn thành bước một này thì sẽ chuyển sang thực hiện việc cải cách đổi mới toàn diện. Tôi cảm nhận điều này qua nhiều diễn biến nhưng có lẽ rõ ràng nhất vẫn là bài báo trên tạp chí công sản đăng về cảnh báo nguy cơ về “lợi ích nhóm”. Trong đó có phân tích khá rõ ràng và lo sợ Việt nam sẽ rơi vào tay của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Trong khi đó bài bài lại khen chủ nghĩa tư bản hiện đại là có nhiều mặt tiến bộ mà Việt Nam cần học tập.
– Ông Trọng là người khôn ngoan chứ không hề “Lú”. Nếu nhìn những phát biểu của ông thì có nhiều người sẽ nói ông ta vẫn chưa thoát khỏi lý thuyết cộng sản. Tuy nhiên, phân tích một cách kỹ càng thì có thể nhận thấy. Một người không phải là hoàng tử đỏ, cũng không phải là công thần của chế độ từ thời chiến tranh mà leo lên tới chức chủ tịch quốc hội rồi tổng bí thư thì cũng phải là người có nhận thức khá tốt. Với bất cứ đảng viên cộng sản bình thường nào cũng đều có thể biết là chủ nghĩa cộng sản “vứt vào sọt rác” thì đương nhiên ông Trọng không thể nào không biết điều này. Chẳng qua ông giữ chức vụ Tổng bí thư nên chưa thể nói khác được, khi mà chế độ cộng sản vẫn đang là bình phong cho nhiều người để giữ quyền lợi và bổng lộc. Ông có một số phát biểu mà qua đó chúng ta có thể thấy ngụ ý của ông trong đó ví như “chủ nghĩa xã hội không biết xây đến bao giờ mới được”. Trong chính trị ông Trong là người khôn ngoan, ông đã từng bước lôi kéo các thành viên khác của bộ chính trị theo phe của mình, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các đảng viên kỳ cựu lão thành và đưa ra các nghị quyết, nghị định từng bước trói chân đối thủ chính trị của mình. Tôi có cảm tưởng như các thế trận mà ông giăng ra khá chặt chẽ mà đối thủ của ông khó thể nào chống lại được.
– Tôi không cho rằng ông Trọng là người thân Trung Quốc. Bởi nếu thân Trung Quốc ông phải được lợi lộc gì đó. Ông ta lại không phải loại người hám lợi nên việc thân Trung Quốc đâu có lợi gì cho ông mà chỉ để lại tiếng xấu. Tuy nhiên ông không phải là người muốn dùng ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc nên hay bị chỉ trích là thân Trung Quốc. Ngoại giao Việt Nam luôn là ngoại giao theo hướng cân bằng. Ông cũng là tổng bí thư Việt Nam đầu tiên tới thăm Mỹ và có những trao đổi khá cới mở, thẳng thắn với tổng thống Mỹ.
– Điểm cải cách và đột phá của ông Trọng trong nhiệm kỳ vừa rồi là đang cố gắng trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Chúng ta dễ nhận thấy nhiều lãnh đạo tỉnh thành, các bộ và sở có những cán bộ khá trẻ. Những người trẻ thường được đào tạo bản bản và có kiến thức hơn thế hệ lãnh đạo trước, dễ tiếp thu cái mới và dám thử thách. Đây là điểm khởi đầu cho một bước chuyển tiếp cho cải cách đổi mới toàn diện đất nước.
– Điểm cuối cùng là tại sao ông Trọng vẫn mong muốn tiếp tục nắm chức Tổng bí thư thêm một vài năm. Rõ ràng ông ta không phải là người muốn duy trì tiếp quyền lực để hám lợi, vì nếu muốn như vậy thì nhiệm kỳ 5 năm vừa rồi ông ấy đã phải vun vén cho mình rồi. Nếu ông Trọng về hưu tại thời điểm này thì rõ ràng tiếng xấu thuộc về ông khá nhiều và ông chưa thực hiện được tâm nguyện của mình. Do vậy, ông chỉ có thể về hưu khi ông đã thực hiện xong ý nguyện của ông và chí ít cũng phải để lại một điều gì đó ấn tượng đối với nhân dân Việt Nam.
Dựa trên những cơ sở nêu trên thì tôi nhận định ông Trọng có thể là người tổng bí thư Việt Nam đầu tiên thực hiện cải cách về thể chế chính trị. Lãnh đạo Miến Điện từng được cho là quân phiệt và bảo thủ nhưng họ đã bất ngờ có những cải cách mà không ai có thể ngờ tới. Lãnh đạo Việt Nam dẫu sao cũng vẫn ôn hòa và Việt Nam thực hiện hội nhập sớm hơn Miến Điện rất lâu nên việc một lãnh đạo tưởng chừng như bảo thủ có thể thực hiện cải cách chính trị là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
------------------------------------------------
Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/.../6681-ong-nguyen-phu-trong-co-the-...

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

DƯỚI BÓNG CÂY KƠ NIA



Bu dưới bóng cây kơ nia trên Quốc Lộ 27 năm 2001



Cứ mỗi lần nghe ca sĩ Măng thị Hội hát bài Dưới bóng cây  Kơ nia bu tui lại thẫn thờ có khi cả buổi.  Thẫn thờ vì nhớ Tây Nguyên, nhớ một chuyến công tác cách nay trên mười năm, bu cho dừng xe dưới mấy gốc cây kơ nia trên một đỉnh dốc gần đèo Chuối thuộc quốc lộ 27, mở to ca khúc Dưới bóng cây kơ nia lời thơ Ngọc Anh nhạc của Phan Huỳnh Điểu cho cả đoàn nghe. Nhạc quyện vào lời, lời quyện vào tiếng lá cây Kơ nia rì rào ngay trên đầu như thổn thức, như  nghẹn ngào, làm  cả đoàn ngồi lặng.  Bu thấy cay cay  khóe mắt nghĩ đến nhà thơ Ngọc Anh, một nghệ sĩ đã để lại cho đời bóng cây kơ nia thật tuyệt vời, nhưng trong các hồ sơ lưu trử không có tên ông ! (1)
    Ngọc Anh và Nguyên Ngọc là học sinh nhập ngũ cùng  một ngày, cùng làm lính, làm phóng viên mặt trận, rủ thêm Nhật Lai nữa lên Tây Nguyên, vì hăng hái, vì lãng mạn, vì thích phiêu lưu mạo hiểm. Ba ông lang thang khắp Tây Nguyên suốt thời kỳ đánh Pháp, làm đủ thứ việc không tên và có tên:  Đánh giặc, làm rẫy, đi vận động quần chúng, tổ chức du kích, vũ trang tuyên truyền…cả rong chơi la cà trong các buôn Ê đê, Giarai, Mơ nông, Sê đăng, Triêng Dẻ, Cor…Trong ba người thì Ngọc Anh đẹp trai nhất, đẹp đến nỗi có lần đóng kịch hóa trang giả làm con gái, Nguyên Ngọc đứng cạnh bổng lúng túng  ngượng ngùng đến đỏ mặt như đứng cạnh một giai nhân thứ thiệt.  Thế nhưng trong ba người thì Ngọc Anh là Tây Nguyên nhất, Nguyên Ngọc tự nhận “Chúng tôi hình như ít nhiều có “làm ra vẻ” Tây Nguyên. Ngọc Anh thì Tây Nguyên từ trong máu” (1). Tập kết ra bắc Nhật Lai đã thành nhạc sỹ tiếng tăm, Nguyên Ngọc là nhà văn nổi tiếng với tiểu thuyết Đất nước đứng lên, còn Ngọc Anh  âm thầm về Ban Dân tộc Trung ương làm một cán bộ nghiên cứu. Có lần Nguyên Ngọc giục:  viết gì đi chứ, Ngọc Anh chỉ cười. 
  
***

     Khoảng 1956, 1957, trên các báo rải rác thấy đăng một số bài thơ Tây Nguyên, bên dưới chỉ ghi “Dân tộc Bana”, “Dân tộc Êđê”… kèm theo dòng chữ nhỏ hơn trong ngoặc đơn “Ngọc Anh dịch”.  Nhà văn Nguyên Ngọc cho hay “Chính tôi mãi về sau này mới biết chẳng phải “dịch” gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Hàng chục, hàng trăm bài. “Bóng cây kơ nia” là bài hay nhất. Lạ lùng thay, tôi phải viết hàng mấy trăm trang hì hục để có một chút gì đó Tây Nguyên. Ngọc Anh chỉ viết:

Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc
 *
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ
 *
Rễ mày uống nước đâu?
Uống nước nguồn miền Bắc

*

Bài thơ được phổ nhạc, làm rung động mọi tâm hồn Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc, cũng làm rung động cả những dân tộc ngoài biên giới Việt Nam khi nghe ca sỹ Măng thị Hôi đến biểu diễn.  Nhà thơ Ngọc Anh đã gieo hạt vào mỗi tâm hồn Việt Nam, mọc thành rừng cây kơ nia xanh tươi, tỏa mát cho rất nhiều thế hệ.  Ấy vậy mà  mỗi lần trình bày ca khúc Dưới  bóng cây kơ nia người ta chỉ nói vắn tắt “Sáng tác của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu”, Ngọc Anh trở thành vô danh.

***

         Năm 1964 nhà thơ Ngọc Anh hy sinh dưới chân núi Ngọc Linh huyện Đăk Glei phía bắc tỉnh Kon tum.  Hai mươi ba năm sau chị Xoa vợ nhà thơ Ngọc Anh  cùng con trai tên là Bắc vào tìm hài cốt chồng.  Cuộc tìm kiếm được sự giúp đỡ của các vị lãnh đạo Gia lai và Kon tum diễn ra ròng rã trong  sáu tháng trời.  Đến một buổi trưa, ở chân núi Ngọc Linh, trong một làng của người Cor, anh cán bộ công tác thương binh xã hội của tỉnh thắp nhang khấn vái, cầm rựa đi chặt một mắt tre làm chén, tạm rót rượu bổng vấp một hòn đá nằm sâu trong đám lá mục. Anh moi tiếp lá mục quanh hòn đá thì phát hiện ra đá được xếp theo hình chữ nhật, ra ngày ấy  những người lính chôn cất đồng đội đã cẩn thận xếp đá quanh mộ để đánh dấu…cho ngày hôm nay! Chị Xoa còn nhận ra được chiếc  răng sâu bên trái hàm trên của người chồng chị chỉ được chung sống trước sau vẻn vẹn có bốn mươi ngày…Mộ Ngọc Anh bây giờ đặt ở nghĩa trang liệt sỹ Điện Bàn Quảng Nam. Tấm bia bia nhỏ ghi dòng chữ đỏ:

Liệt sĩ Ngọc Anh
Nhà văn
 
Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định “Trong danh sách tất cả hội viên Hội nhà Văn Việt Nam trước nay kể cả những người đã mất do Ban công tác hội viên của Hội lưu trử đến nay có tất cả 592 người. Không có tên Ngọc Anh”.  (1)
    Người nghệ sĩ đã để lại cho đời mãi mãi một cây kơ nia tuyệt vời là một nghệ  sĩ vô danh.

***********


(1) Theo Tản mạn nhớ quên của Nguyên Ngọc
Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

NHẬT LỆ ƠI !






Bài này bu tui viết từ năm 2009, với tựa đề TẢN MẠN NHẬT LỆ. Ngồi trên rớ giàn mà viết, vừa viết vừa ngắm nhìn dòng sông. Nay xa Nhật Lệ hơn ngàn cây số, mỗi lần nhớ đến dòng sông bu tui chỉ thầm gọi Nhật Lệ ơi như với một người tình đã 5 năm xa cách…
                

Mươi lăm năn trở lại đây một số người viết về Quảng Bình cho ra đời khá nhiều sách địa chí làng xã, di tích và danh thắng. Thống kê sơ sơ đã có gần 20 quyển. Chẳng hạn "Địa chí Bảo Ninh", "Địa chí làng Thuận Bài", "Địa chí xã Thanh Trạch" của Nguyễn Tú. "xứ Ròn - Di Luân  thời gian và lịch sử" của Thái Vũ và Trần Đình Hiếu...Xa hơn nữa là "Những bài học lịch sử Quảng Bình 1937" của Lương Duy Thứ. "Địa lý lịch sử Quảng Bình - 1902" của Léopold Cadiere. "Ô Châu cận lục -1553" của Dương Văn An...Nhưng trong ngần ấy sách (kể cả những quyển chưa liệt kê ra ) Không thấy có tác giả nào chuyên tâm nghiên cứu các con sông và xuất xứ tên gọi của nó như là một đối tượng của chuyên ngành Địa-Văn hoá.
      Tôi làm nghề bắc cầu qua sông, đã nhiều lần ngụp lặn trong cái đẹp mê hồn của những Kiến Giang, Đại Giang, Linh Giang,  Nhật Lệ...nhưng như một kẻ phụ tình, không hiểu biết gì những cái tên lấp lánh trong kí ức suốt mấy mươi năm. Mãi đến gần đây, mới biết được sông Nhật Lệ từng có tên Đại Uyên và sông Ròn từng có tên Đồ Lê. Không hiểu Đại Uyên Và Đồ Lê đã phải là tên "quai nôi" của hai con sông này chưa? Chỉ biết là hai cái tên cổ ấy được ông Lê Đại Nguyên sống dưới triều Lương Võ Đế (505-5430) ghi trong sách "Thuỷ kinh chú" (1). Thực ra ông Đại Nguyên chỉ làm cái việc chú giải bộ sách "Thuỷ Kinh" từ thời nhà Hán (111 trước CN đến 43 sau CN) . Vào thời này người Hán đã "Diệt được Nam Việt lập thành bộ Giao Chỉ - cầm đầu là một viên Thứ sử, đóng đô ở Mê Linh, Yên Lãng - Vĩnh Phúc" (2). Trong bộ Thuỷ kinh, người Hán đã ghi chép rất tường tận về sông ngòi ở chính quốc cũng như ở các vùng đất mà họ thôn tính được. Vậy hai tên Đại Uyên và Đồ Lê hẳn phải được chép từ bản gốc thời nhà Hán cách nay ngót 2000 năm.
      Rõ ràng tên gọi Nhật Lệ xuất hiện sau sách "Thuỷ kinh chú" của Lương Võ Đế, nhưng cụ thể là vào ngày tháng năm nào thì chỉ có các bậc đại thức giả mới trả lời được. May thay, kẻ thiển học này dò ngược lịch sử và tìm được tự dạng hai chữ Nhật Lệ trong bộ sử thuộc loại cổ nhất của nước ta viết bằng chữ Hán là "Đại Việt sử ký toàn thư" do sử gia Ngô Sĩ Liên viết xong từ năm 1679 đời vua Lê Hy Tông. Ở mục Bản kỷ toàn thư quyển III trang 47, tờ 37a-b, sử quan  Ngô Sĩ Liên viết: 秋七月占成 國人具般等逃歸其國至日麗寨人執送京師 (thu thất nguyệt Chiêm Thành quốc nhân Cụ Bàn đẳng đào quy kỳ quốc chí Nhật Lệ trại nhân chấp tống kinh sư) nghĩa là :"Mùa thu tháng bảy, người nước Chiêm Thành là bọn Cụ Bàn trốn về nước, đến trại Nhật Lệ bị người trại ấy bắt được giải về Kinh sư" (3). Trích dẫn câu trên là một công đôi việc: Khẳng định được tự dạng chữ Lệ () trong rất nhiều chữ Lệ của người Hán, có nghĩa là đẹp đẽ, rực rỡ. Lại tính gần đúng, cũng con sông ấy được mang tên Đại Uyên  từ thời Hán (111- 43) đến sau thời Lương Võ Đế (543 - ? ) khoảng 1200 năm. Lại mang tên Nhật Lệ từ thời  Ngô sĩ Liên đến nay là 330 năm. Thực ra còn lâu hơn thế, vì khi sử quan Ngô sĩ Liên đặt bút viết sách thì hẳn là tên Nhật Lệ đã có trước đó từ rất lâu rồi.
      Tôi vẫn nghĩ một người không thông thạo Hán học cho lắm cũng trả lời ngay được Hồng Hà là sông đỏ, Hương Giang là sông thơm. Nhưng hỏi Nhật Lệ là gì hẳn anh ta không trả lời chóng vánh được. Lại nữa, Nhật Lệ là  từ Hán Việt nhưng theo tôi không nhất thiết do người Hán đặt ra. Mà có thể họ đọc "trại" tên (gì đó) của tộc người Mã Lai - Đa Đảo đã từng sinh sống ở vùng này. Chả nhẽ  một tộc người đã từng làm nên văn hoá Sa Huỳnh, Bàu Tró, dựng nên quốc gia Lâm Ấp (năm 196) (4) lại không có tên  gì để gọi con sông của xứ sở ? Nhà nghiên cứu Nguyễn Tú đã kê ra 33 từ Chăm có âm na ná tiếng Việt Quảng Bình. Chẳng hạn Thuk (lặng lẽ, bình yên) rất gần với tên chợ "Thùi" ở  làng Thạch Bàn huyện Lệ Thuỷ. Brong (lỗ rổng trong thân cây) mà người nuôi ong ở Quảng Bình vẫn gọi là "bọng ong" (5). Vậy Người Lâm Ấp trước đây gọi sông Nhật Lệ là gì?  Có lẽ phải chờ hậu thế kiến giải ! Ta hãy bằng lòng với từ Hán Việt  Nhật Lệ rất gợi cảm, đã từng làm nao lòng không biết bao văn nhân, thi sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ,  tự cổ chí kim.  Số người giải thích nghĩa hai chữ Nhật Lệ khá nhiều với nhiều cách khác nhau. Nhìn chung người ta tra nghĩa tự vị của từng chữ rồi ghép lại. Chữ Hán lại đồng âm dị nghĩa nên mỗi cách ghép lại tạo ra một nghĩa khác nhau. Trong từ điển Thiều Chữu có dẫn ra hai chữ nhật. Chữ thứ nhất () nghĩa là ngày, là mặt trời. Chữ thứ hai ( ) nghĩa là chạy ngựa  trạm.  Nhưng Lệ thì có đến ...17 chữ, chỉ xin dẫn ra vài chữ làm ví dụ: Chữ thứ 9 () là nước mắt, chữ thứ 14 ( ) là con hàu, chữ thứ 17 ( ) là rực rỡ đẹp đẽ.  Do vậy, người cho lệ  là con hàu thì bảo Nhật Lệ là ngựa trạm qua bãi hàu. Mới nghe thấy có lý vì địa danh Quán Hàu nằm trên đường thiên lý vượt qua sông Nhật Lệ. Người khác hiểu lệ là nước mắt lại cho rằng Nhật Lệ là ngày buồn, ngày của nước mắt, rồi viện ra hai chuyện tình lâm li trong lịch sử để minh hoạ: Rằng năm 1044 vua  Lý Thái Tông đưa quân  vào đánh Chiêm Thành chém được vua Chiêm là Sạ Đẩu, bắt sống thứ phi của Sạ Đẩu là nàng Mỵ Ê đưa về Đại Việt. Đoàn chiến thuyền của Lý Thái Tông hành diện đến Lý Nhân, vua sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê sang hầu. Nàng phẩn uất, ngầm quấn chăn vào người rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Xác nàng trôi về phương nam, dạt vào sông Nhật Lệ...Lại vào năm 1306 tức 263 năm sau vụ Mỵ Ê, vua Trần Anh Tông muốn giữ hoà hiếu với Chiêm Thành bèn gả công chúa Trần Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Phải vâng lệnh cha lấy người mình không yêu, nàng Huyền Trân khóc suốt cuộc hành trình  từ Đại Việt vào đất Chiêm. Nước mắt nàng dâng đầy thành sông Nhật Lệ...Nhưng tuyệt đại đa số người ta giải thích Nhật Lệ (日麗 ) là "Ngày Đẹp". Nghe ra không ổn, vì tên một con sông sao lại đưa đơn vị thời gian là ngày vào ?  Với lại muốn là ngày đẹp thì tính từ đẹp (Lệ) phải đứng trước danh từ ngày (Nhật) thành ra Lệ Nhật, cũng như tính từ thơm (Hương) đứng trước danh từ sông (Giang) để có Hương Giang vậy. Thực ra trong  văn phạm chữ Hán chữ Lệ () có thể "đóng" nhiều vai. Khi là động từ nó chỉ sự phụ thuộc, kèm theo, liên quan. Khi là tính từ hoặc danh từ nó chỉ sự đối xứng, đẹp đẽ, rực rỡ (6). Nếu quan niệm chữ Lệ trong Nhật Lệ  là tính từ thì Nhật Lệ không phải là một từ kép để chỉ con sông, mà thành ra một câu có nghĩa: Mặt trời (thì) rực rỡ. Đối tượng quan sát ở đây là mặt trời nói chung. Vì đứng trên núi, đứng ở biển, hoặc bay trong không trung mà thấy mặt trời mọc đều nói được như thế. Cũng giống như người xưa viết  (phong hoà nhật lệ) tức là gió (thì) êm, mặt trời (thì)  rực rỡ. Gió và mặt trời  ở đây cũng chung chung, không chỉ vào một nơi nào cụ thể. Do vậy tôi vẫn nghỉ rằng Nhật Lệ trong trường hợp này là một danh từ kép chỉ một con sông cụ thể ở thành phố Đồng Hới Quảng Bình. Nó được ghép bởi một danh từ đơn (Nhật) với một danh từ đơn khác (Lệ) và ngầm hiểu có đại từ sở hữu "chi"  () ở giữa. Cũng như khi ta nói "nhân tài" ( 人才) hoặc "nhân lực" (人力 ) là ta đã giản ước đi chữ "chi" ( ) của hai mệnh đề "nhân chi tài" và "nhân chi lực",  tức tài của người và sức của người.  Trong quá trình viết bài này tôi may mắn được Giáo sư Ngô Đức Thọ (7) đưa cho tham khảo quyển "Nhật Dụng từ điển" của Đài Bắc xuất bản 1990. Ở mục chữ Lệ () là danh từ, tác giả sách dẫn ra một câu thơ của Hồ Thiên Du: 日之麗不無之燭 ( nhật chi lệ bất vô chi chúc giả) nghĩa là : sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời thì không nơi nào là nó không chiếu đến được. Lấy ba chữ đầu 日之麗 (nhật chi lệ) và giản ước đi chữ  chi ( ),  ta có từ 日麗  (nhật lệ) có nghĩa là SỰ RỰC RỠ CỦA ÁNH MẶT TRỜI. Hẳn là người xưa đã đứng ở bờ nam dòng sông, nay là thành Phố Đồng Hới nhìn về hướng đông là cồn cát Bảo Ninh những lúc mặt trời mọc. Khi mặt trời nhô lên khỏi đụn cát thì mặt sông như được dát vàng lấp lánh trên một chiều dài hàng trăm mét. Người Đồng Hới vẫn có cái thú ra bờ sông ngắm mặt trời mọc. Dẫu có đến ngàn vạn lần thì vn cứ  háo hức như là mới thấy lần đầu. Vâng, đấy là Nhật Lệ, là dòng sông làm nặng lòng nhiều tao nhân mặc khách của vùng đất Quảng Bình của miền Trung.

************

(1): Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh NXB Thuận Hoá 1994
(2): Lịch sử Việt Nam tập I-NXB KHXH 1976
(3): Đại Việt sử ký toàn thư NXB KHXH năm 1998
(4): Lịch sử Việt Nam tập I- nhiều tác giả NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp 1983.
(5): Sử ký Quảng Bình của Nguyễn Tú 1996
(6): Hán văn Giáo khoa thư tập I- NXB Đà Nẵng 1997 của Võ Như Nguyện và Nguyễn Hồng Giao.
(7): Giáo sư Ngô Đức Thọ nguyên công tác ở Viện Hán Nôm , người đã thâm niên  trên 50 năm dịch chữ Hán.





Đọc tiếp ...