Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

NGƯỜI CÙNG TÊN.



Nguyễn Quốc Toàn bên trái (Quảng Bình)
Nguyễn Hữu Toàn bên Phải (Hà Nội)


Tấm ảnh ở trên  là hai ông Toàn cùng họ Nguyễn, cùng nghề Cầu đường, cùng trèo non lội suối trên Tây bắc, cùng có  con trai làm Kiến trúc sư. Hai ông bố này có nhiều chuyện để kể lắm…Nhưng hôm nay bu tui lại kể chuyện một người cùng tên khác không phải do tình cờ mà do… cố ý
    Năm 1989 tỉnh Bình - Trị -Thiên  chia ra ba tỉnh:  Thừa Thiên,  Quảng Trị, Quảng Bình.  Bu tui dắt díu vợ con về lại quê hương bản quán là thị xã Đồng Hới (dạo đó chưa gọi là thành phố). Bu theo nghiệp cầu đường, còn bà xã làm ở Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Sau ngày làm việc đầu tiên bà xã về bảo, anh ơi sáng nay có chuyện hay lắm em kể anh nghe. Em kể đi anh chú ý nghe đây. Có một phụ nữ lớn hơn em chừng vài tuổi, mặt mũi sáng sủa phúc hậu, đến phòng Tín dụng không liên hệ công việc gì, cứ  ngồi ở ghế nhìn em chằm chằm. Em linh cảm có chuyện  gì  không bình thường, liền ra ngồi cạnh chị và hỏi, hình như chị muốn liên hệ công việc gì, chị nói đi, em sẵn sàng giúp đỡ. Chị tươi cười,  chị không có việc gì cả, nghe bảo  anh Toàn có vợ  tên là Hà làm việc ở đây thì chị đến mong được làm quen vậy thôi. Em  cảm động nắm  chặt tay chị,  dạ, em là Hà vợ anh Toàn đây, thế chị biết anh Toàn em từ bao giờ. Từ hồi chiến tranh còn ác liệt kia, anh ấy được Ty GTVT đặc phái về hướng dẫn đơn vị chị nổ mìn định hướng, thi công đường Trung chuyển từ rừng Ba Trại xuống sông Son. Dạo ấy chị  làm C phó  C75, cứ  sau một ngày làm việc anh ấy lại đưa chị  bản kế hoạch ngày hôm sau. Nào cần bao nhiêu nhân lực đào hầm đặt mìn, đào ở  lý trình nào, khối lượng bao nhiêu, nào cần bao nhiêu cân thuốc nổ, bao nhiêu kíp điện…Ra hiện trường anh ấy hướng dẫn công nhân cụ thể và tỷ mỷ từng động tác một. Là một kỷ sư tài năng, tận tụy và can đảm, anh ấy còn là cây văn nghệ của C75, tổ chức dàn đồng ca, dạy hát , làm báo tường…Đâu được hai tháng, tuyến Trung chuyển sông Son sắp thông xe thì Ty GTVT điều anh trở về Văn phòng. Chao ôi, cả đơn vị chị  bàng hoàng, đến lúc này chị mới thấy buồn. Chị thay mặt đơn vị tiển chân anh một đoạn đường đất.  Khi anh bắt đầu trèo lên dốc Khe Sắn để vào vùng Hoàn Trạch, chị trao anh gói cơm nắm và cố kìm không để nước mắt trào ra.  Chị mong anh nói một điều gì đó, nhưng không, anh chỉ nói toàn công việc, đơn vị em còn phải làm việc này, còn phải xem lại việc nọ, những công nhân nào xuất sắc cần ưu ái bồi dưỡng…  Chị đứng mãi dưới một gốc cây, nhìn anh trèo lên từng mô đá trên dốc Khe Sắn, cho đến khi anh khuất hẳn vào rừng cây thì chị khóc nức nỡ.  Chị nghỉ bụng sau này có con, bất luận là trai hay gái chị sẽ đặt tên Toàn. Em hỏi ngay, thế chị có thỏa nguyện không. Có em ạ, cũng may mà trời thương,  con trai đầu của chị năm nay 13 tuổi học lớp 7, đẹp trai, mạnh khỏe và học giỏi,  tên khai sinh của cháu là Trần văn Toàn.  Chị bùi ngùi, duyên số trời nó định ra thế em ạ, em có  hạnh phúc được sống với anh ấy, còn chị cũng có cái hạnh phúc được gọi tên anh ấy hàng ngày…

     Bà xã bu hình như còn muốn nói gì nữa nhưng  dừng lại... lấy tay gạt nước mắt. 
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

LÀM TƯỢNG.

                           
Tượng anh hùng Nhạc Phi trong đền thờ

Tượng gian thần Tần Cối và vợ là Vương Thị

Tần Cối là Tể tướng triều NamTống thời CaoTông  trị vì. Trong cuộc đụng độ với Rợ Kim phía đông bắc, Tần Cối kiên quyết chủ hòa. Trước đó ông ta bị người Kim bắt làm tù binh, sau đó không hiểu sao được thả ra, nhưng vua Cao Tông vẫn cho ngồi vào ghế Tể tướng. Năm 1141với sự tham mưu của Tần Cối,  Tống kí hòa ước với Kim, cắt đất phía bắc Hoài Thủy và Đại Tán Quan nhượng cho Kim, mỗi năm phải nộp cho Kim 25 vạn lạng bạc và 25 vạn tấm lụa. Tể tướng cho rằng triều cống ngược cho Rợ Kim như vậy để được yên ổn, tính ra rẻ hơn tổ chức một đội quân hùng mạnh bảo vệ biên giới. Trong khi đó vị tướng kiệt xuất của Nam Tống là Nhạc Phi  kiên quyết chủ chiến.  Ông thích vào lưng bốn chữ “Tận trung báo quốc”, chỉ huy quân dân Nam Tống đánh thắng Rợ Kim hết trận này đến trận khác. Khi Nhạc Phi đang truy đuổi Rợ Kim đến Biện Kinh thì trong một ngày có đến 12 đạo kim bài của Tể tướng thừa lệnh nhà vua triệu về kinh. Nhạc Phí uất quá bật khóc, dân Nam Tống van níu ngựa ông lại khóc lóc bảo rằng, tướng ngoài biên ải  có quyền không tuân lệnh triều đình. Nhạc Phi sau đó bị tống ngục và Tần Cối cho bộ hạ thủ tiêu.
    Ngày nay mộ và đền thờ Nhạc Phi tại một vị trí rất đẹp ở Hàng Châu - kinh đô cũ của triều Nam Tống. Trước mộ ông có tượng một nam một nữ quỳ, ấy là vợ chồng Tần Cối.
Trước đền thờ Nhạc Phi có câu đối:

Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt
Bạch cốt vô cô chú nịnh thần

Nghĩa là:
Núi xanh may mắn được chôn xương bậc trung quân
Sắt trắng vô tội mà phải đúc bọn nịnh thần.

***
     Ở nước Nam ta, nếu truy ra có một ai sợ giặc đến vô liêm sĩ như Tần Cối bên Tàu  thì cũng nên làm tượng bắt nó quỳ trước đền thờ các anh hùng liệt sĩ hi sinh bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Tuy nhiên vợ hắn không có tội tình gì thì tha cho, chớ bắt quỳ như vợ Tần Cối thì oan cho bà ta, tội nghiệp.
Đọc tiếp ...