Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

MAY MÀ...








Thái miếu (Lam Kinh)


Ngọ môn (Lam Kinh)



Sông Ngọc (Lam Kinh)


May mà Huế ở Thừa Thiên
Kinh kỳ thuở trước còn nguyên cổ thành
Tháp xưa còn tiếng chuông lành
Tường rêu còn nhuộm sứ sành sắc lam.

May mà Huế ở trời Nam
Còn câu đối cũ dựng am sách nghèo
Nhà vườn còn gác trăng treo
Còn diều khuê các bơi chèo gió xanh.

Nếu mà Huế ở xứ Thanh
Lầu son ngói nát, Cổ thành gạch tan
Hán Nôm nghìn tuổi thành than
Nền xưa dấu cũ hoang tàn nắng mưa.

Lê Đình Cánh


Lời bình của Bulukhin:

Lê Đình Cánh là một trong những nhà thơ mà tôi yêu thich. Trong khi lục bát Đồng Đức Bốn xuất thần, bạo liệt, có lúc bụi bặm... Lục bát Nguyễn Duy tài hoa, hóm hỉnh, thì lục bát Lê Đình Cánh cứ rỉ rả mà thâm trầm sâu cay. Xứ Thanh là quê ông,"May mà" là bài thơ ông nói về quê mình. Ở đó có Lam Kinh, một khu di tích rộng khoảng 30 ha ở xã Xuân Lam. Lam Kinh có đến 14 công trình di tích như Ngọ môn, Sân rồng, Chính điện Lam Kinh, Khu thái miếu triều Lê sơ, Lăng mộ các vua và hoàng hậu , Bia Vĩnh Lăng, Hựu Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Kinh Lăng, Khu đền thờ Lê Lợi, Khu đền thờ Lê Lai, Đền thờ Bố Vệ…
   Nhà nước đã bỏ ra vô số công sức và tiền của để tôn tạo phục chế lại Lam Kinh nhưng rồi không hiểu sao vong linh các vua chúa cứ hỏi nhau nơi đây là đâu nhỉ? Có phải là Lam Kinh vàng son trên đất Thọ Xuân Thanh Hóa không? Lê Đình Cánh làm thơ chứ không làm vua nên ông không hỏi thế. Mà hỏi ai? và ai trả lời? ông thảng thốt kêu lên "may mà" nghe sao mà ai oán. 

May mà Huế ở Thừa Thiên
Kinh kỳ thuở trước còn nguyên cổ thành 

Nhà thơ vẫn rỉ rả nói về Huế, thì Huế vẫn còn đó nguyên vẹn, cho nên Unesco mới phong tặng danh hiệu Di sản Văn hoá của nhân loại chứ sao.

May mà Huế ở trời Nam

Còn câu đối cũ dựng am sách nghèo
...

Thế rồi đột ngột như cầu thủ nhà nghề phạt trực tiếp 11 mét. Tác giả cho bóng vào gôn đối phương

Nếu mà Huế ở xứ Thanh
Lầu son ngói nát cổ thành gạch tan



Lê Đình Cánh tuyệt nhiên không nói đến Lam Kinh, vì sao vậy? Đấy là kiểu chơi trốn tìm, buộc người đọc phải tò mò tìm kiếm, sau đó mới “ngộ” ra. A, đúng rồi đấy là Lam Kinh, Thọ Xuân Thanh Hóa. Ai mà chẳng biết  xứ Thanh là phát tích nhiều triều đại vua chúa từ Lê sơ, hậu Lê, cho đến nhà Nguyễn. Vong linh các vị không còn lăng tẩm xưa cũ mà về, vì hậu duệ thời a còng (@) đang làm cái việc được dán nhãn “duy tu và tôn tạo” các di tích lịch sử và văn hoá nước nhà !!
                                                     



Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

THIẾU VUA… THỪA VUA !



Lịch sử Phật giáo Việt Nam 
I
Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế (514)
Thiền sư- Giáo sư Lê Mạnh Thát


 Tạp chí Sông Hương
Tuần báo ra ngày thứ bảy
(1.8.1936 - 27.3.1937)
Phan Khôi chủ biên


Thiếu và thừa cái gì nghe còn được, đằng này thiếu vua… thừa vua …thì hơi lạ. Lạ, nhưng được các học giả tiếng tăm nói đến một cách nghiêm túc.  Giáo sư tiến sĩ - Thượng tọa Lê Mạnh Thát  đưa ra nhiều phát hiện chấn động sử học nước nhà, trong đó ông khẳng định danh sách các vị vua Việt Nam (từ thuở lập quốc đến hết chế độ phong kiến)  thiếu đi một ông - ông Lý Miễu niên đại trong khoảng 390 – 470. Bạn nào muốn biết tường tận xin đọc Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập I trang 427 - 582 của giáo sư Thượng tọa Lê Mạnh Thát do nxb THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ấn hành lần thứ 2 năm 2003. (có sửa chữa bổ sung).
Ngược lại, học giả Phan Khôi cách nay gần 80 năm lại nói chuyện thừa vua trong bài HÃY BỎ TRIỆU ĐÀ VÀ DÒNG DÕI Y RA NGOÀI VIỆT SỬ (đăng trên tuần báo Sông Hương số 3 ra ngày 15 tháng 8 năm 1936 do chính ông làm chủ nhiệm). Bỏ đi tức là thừa. Dưới đây bu tui gõ lại bài viết của cụ Phan Khôi mời các bạn tham khảo, và có ý kiến..

---------------------------------------------------

Sử: có thế giới sử, có quốc sử
Quốc sử lấy gì làm nền?
Quốc sử là sử của một nước, chép những việc đã xẩy ra trong nước ấy. Mà có người mới có việc. Những người của một nước họp lại thành một dân tộc; do những người ấy gây ra cuộc thành bại hưng vong trong nước mà mới có quốc sử. Thế thì không cần giảng giải thêm nữa cũng đã đủ hiểu rằng quốc sử phải lấy dân tộc làm nền.
     Đó là một cái công lệ của sử học. Phàm nước nào đã có sử và trong nước đã có sử học đều phải tuân theo cái thông lệ ấy. Nếu có một nước nào nhận một người dân ngoại tộc vào nối lấy cái quốc thống của nước mình, ấy là điều điếm nhục cho lịch sử, cho cả học giới!
    Trước đây sáu bảy trăm năm, nước Tàu có hai lần bị ngoại tộc đếm chiếm trị. Hồ Nguyên và Mãn Thanh đều không phải con cháu Hoàng Đế mà nghiêm nhiên xưng Thiên tử trên sử Trung Hoa, làm cho bọn chí sĩ nước Tàu thấy mà đau lòng, có người đã nhận cho là cái nhục lớn.
    Tuy vậy, Hồ Nguyên và Mãn Thanh biên tập lịch sử của mình ngay từ lúc họ còn cường thịnh, họ có thần thiếp của họ, sai bảo làm gì mà chẳng làm. Điều ấy nghĩ cho kĩ cũng không đáng trách.
     Duy có ở nước ta, cũng ở vào đồng một trường hợp ấy, mà sau khi kẻ cường quyền đã bị tiêu diệt rồi, chính người nước mình làm sử lại truy nhận cho kẻ giặc làm vua, mới đáng lấy làm lạ thôi!
    Đó, tôi muốn nói về Triệu Đà, người đã nuốt nước Âu Lạc của chúng ta gồm vào bờ cõi mình, làm cho dân tộc ta từ đó về sau hơn một ngàn năm sa vào vòng nô lệ, mà rồi sau, bọn các ông Lê Văn Hưu, Võ Quỳnh, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ cho đến ông Trần Trọng Kim hiện giờ nữa, đều xưng cho là Vương, là Đế, để đứng đầu hàng vua chúa trên lịch sử nước Nam.
   Mở sử Tàu ra mà coi, ở đó có chép rõ ràng Triệu Đà là người huyện Chân Định (đất Tàu), không hề có dính líu một tí nào với con cháu Rồng Tiên cả.  Đà vốn làm quan lệnh ở Long Xuyên, là quan của nhà Tần, nhân nhà Tần có loạn dấy lên cướp lấy nước ta mà độc lập. Như thế, đối với nhà Tần Đà đã là phản thần, mà đối với nước ta, Đà cũng là cừu nhân mới phải; cớ sao lại tôn là vua của bản quốc  và cho nối lấy nghiệp cả của mười tám Hùng Vương?
    Nhưng mà, thảm hại thay! Cái việc thương luân bại lý ấy từ lúc pho sử Việt mới bắt đầu biên chép là đã có! Tôi muốn chỉ vào thuở nhà Trần, lần thứ nhất ông Lê Văn Hưu vâng mạng vua tu quốc sử đã nhè khởi thủy từ Triệu Võ Vương, tức Triệu Đà, mà tôn cho là vua khai quốc của nước ta. Kì thực Triệu Đà cùng con cháu y không lấy nghĩa gì xưng là vua của nước Nam này được hết. Sử gia nước Nam tôn y làm ông vua khai quốc, ấy là đã làm một việc vô nghĩa.
    Muốn rõ chỗ thị phi của sử tích ấy, ta nên xem xét cái đại thế nước ta về phía nam nước Tàu vào khoảng 200 năm trước Giáng sinh ra thế nào. Bấy giờ nước ta nguyên là nước Văn Lang của Hùng Vương đã đổi tên là Âu Lạc thuộc về Thục Phán làm vua cai trị. Còn hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây bây giờ, lúc đó là đất của mọi rợ, kêu bằng đất “Lục lương”, nhà Tần mới đem người đến khai khẩn và đặt quan coi giữ. Triệu Đà tức là một viên quan nhà Tần, ở trong cái phái bộ thực dân ấy,  thừa lúc bản quốc mình có loạn, bè cử binh đánh Thục Phán, chiếm nước Âu Lạc rồi lên ngôi vua. Sự tình như thế, rõ là Triệu Đà làm phản nhà Tần chiếm giữ chỗ đất mình đương làm quan nhảy lên làm vua, và gồm lấy luôn nước ta làm lãnh thổ. Nước ta khi ấy nên kể là đã mất mà mất vào tay Triệu Đà; Còn cái nước Nam Việt của Triệu Đà mới dựng lên ở bên Quảng Đông thật không phải là nước ta. Thế thì Triệu Đà cho đến dòng dõi của y dù có làm vua mấy đời cũng mặc, người nước ta sao được họ là vua của nước ta ?
    Nói cho ráo lẽ thì nước Văn Lang kể là đã mất từ đời Hùng Vương XVIII, vào tay Thục Phán.  Vì ông này chẳng rõ hương quán ở đâu, hoặc giả là một người dân ngoại tộc cũng nên. Nhưng được cái đóng đô tại Loa Thành , đất Bắc Ninh ngày nay, An Dương Vương dấy lên giữa chúng ta, thì nhận đi là vua của nước ta cũng còn được. Chớ còn họ Triệu đã dấy lên giữa giống khác, lại đóng đô ở đất khác, tọa trấn tại thành Phiên Ngung, coi nước ta như một miếng thuộc địa, thì sao ta lại nhìn là vua trên quốc sử cho cam?
     Cái lầm lớn như thế, mà từ các sử gia đời xưa, bọn ông Lê Văn Hưu cho đến ông Ngô Sĩ Liên cũng đều không thoát khỏi, rất đỗi tới ông Trần Trọng Kim, một sử gia hiện đại, lẽ đáng không còn lầm nữa mới phải, vậy mà trong bản Việt Nam sử lược của ông, việc hưng vong của cha con ông cháu nhà họ Triệu  còn choán mất đến sáu trang!  Nếu trong một nước mà khoa sử học đã thành ra một khoa phổ thông thì đâu đến nỗi!
    Ấy là tại cái quan niệm sai lầm về lịch sử của người mình từ trước đến giờ vẫn còn chưa gột sạch. Lẩn quẩn trong cái quan niệm ấy, họ nhận vua tức là nước và có vua tức là có nước.  Trong khi nước của Hùng Vương đã mất, họ tưởng nhận cho Triệu Đà làm vua là nước tức khắc còn ngay, cho nên họ sốt sắng mà nhận liền đi. Không ngờ đâu nhận như thế là trái với cái công lệ của sử học.
    Hoặc có ai ngờ cho tôi sở dĩ có cái kiến giải này là tại quá trọng  về quốc gia chủ nghĩa, và cũng bởi cái chủ nghĩa ấy khích thích nên tôi mới viết bài này. Nhưng tự tôi thì tôi không nhận có điều ấy. Không cần phải cầu viện tới quốc gia chủ nghĩa, tôi chỉ căn cứ vào sử học, nắm lấy hai chữ “quốc sử” cũng đủ hô lên xin đồng bào ta, kẻ giữ quyền sở hữu về pho Việt sử, từ nay hãy bỏ dòng vua nhà họ Triệu ra ngoài.
     Sau họ Triệu, nước ta bị Bắc thuộc một ngàn năm. Thế thì chúng ta có tiếc chi mà chẳng cho nó Bắc thuộc sớm đi và thêm lên 96 năm nữa, nghĩa là kể ngay từ lúc Âu Lạc vào tay họ Triệu? Mất đi mà sau lấy lại được thì cũng như không mất, hơn là cái nước kể cho là còn trong 96 năm ấy mà phải nhận một người thù làm vua.  


Đọc tiếp ...