Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

ĐÁM TANG NHÀ VĂN BÙI NGỌC TẤN





Phạm Xuân Nguyên
(Nhà phê bình văn học, chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội)

Tối 17/12/2014, lúc 21h, khi đang ngồi cùng anh em Nhã Nam sau cuộc tọa đàm về bộ sách Việt Nam danh tác tại Viện Pháp, tôi được cú điện thoại của nhà thơ Dương Tường. Anh Tường cho tôi hay tin anh Tấn đã lạnh một chân rồi, sắp đi rồi. Lễ tang anh Tấn sẽ do gia đình, khối phố và bạn bè đứng ra lo liệu. – Anh sẽ ở trong ban tang lễ, và gia đình anh Tấn cũng muốn có em nữa, em thấy được không thì để anh báo cho Hiến (con trai cả anh Tấn). Tôi nói vâng mà trong lòng như còn thầm trách anh Tường “làm sao lại hỏi em câu đó hả anh, anh Tấn mất thì em phải được chung tay cùng gia đình và các anh lo liệu chứ”. Anh Tường cho biết gia đình ủy quyền cho anh viết và đọc điếu văn. – Viết xong anh sẽ gửi em đọc trước. Dứt cuộc điện thoại, tôi nói lại tình hình của nhà văn Bùi Ngọc Tấn cho các anh em cùng nghe. Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam là một nơi gần gũi anh Tấn, đã từng in mấy tập sách của anh, trong đó có tiểu thuyết Biển và chim bói cá. Vũ Hoàng Giang, phó giám đốc Nhã Nam, nói nếu có tin gì thì anh báo ngay cho em biết với.
Sáng 18/12/2014, 7h, tôi được đánh thức bởi cú điện thoại của nhà thơ Dương Tường. – Anh Tấn đi rồi, Nguyên ạ. Mới đi. Đi lúc 6h15. Giờ giấc tang lễ báo sau. Chỉ vậy thôi rồi anh buông máy. Tôi thẫn thờ, buồn. Vẫn biết bệnh ung thư phổi của anh Tấn ngày một xấu đi. Vẫn biết sự sống của anh chỉ còn tính từng ngày. Vẫn biết anh sắp rời cõi thế. Mà được tin vẫn bất ngờ, đau xót. Bao giờ trước sự ra đi của một con người ai cũng đều có cảm giác đó. Nhưng với một CON NGƯỜI như nhà văn Bùi Ngọc Tấn, cảm giác đó sâu nặng hơn, thấm thía hơn. Sau khi nhận tin tôi vội thông báo ngay lên facebook để mọi người biết. Và suốt ngày hôm đó nhiều cuộc điện thoại, nhiều tin nhắn gọi gửi đến tôi để hỏi tin đích xác có phải anh Tấn đã mất thật rồi không, khi nào thì viếng và đưa tang, có cơ quan hội đoàn nào lo việc tang của anh không, nhờ đặt vòng hoa, bỏ tiền phúng viếng. Các báo đài cũng điện hỏi cảm xúc, ý kiến tôi về nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Khi đó tôi chưa biết là ngay khi anh Tấn vừa nằm xuống, Ban tuyên giáo Trung ương đã có chỉ thị cho các cơ quan truyền thông đại chúng là đưa tin có mức độ (nhưng Đài truyền hình trung ương là không đưa tin), không nhắc tên tác phẩm vì ông này có tác phẩm được giải thưởng nhưng cũng có tác phẩm bị cấm. Vì vậy đọc những tin bài về anh Tấn mấy ngày qua chỉ thấy sơ sài. Anh Tường thì nửa buổi sáng đã gọi lại bảo tôi cùng đi với anh xuống Hải Phòng ngay, anh không thể để bạn nằm xuống mà không có mình bên cạnh. Tôi bận việc nên chưa thể đi ngay, nên anh Tường đã gọi taxi chiều ấy xuống.
Sáng 19/12/2014, 7h30, tôi lái xe chở bố con nhà văn Nguyên Ngọc và họa sĩ Đỗ Phấn xuống Hải Phòng. Anh Ngọc muốn được có mặt lúc 10h khâm liệm anh Tấn để nhìn mặt bạn văn lần cuối. Xe đến Hải Phòng kịp giờ liệm anh Tấn (mặc dù ở đoạn đường 5 cuối tỉnh Hải Dương bắt sang địa phận Hải Phòng tôi bị phạt tốc độ, nhưng nghe tôi nói chở đoàn nhà văn xuống viếng một nhà văn nổi tiếng và lại thấy tôi tóc trắng cầm lái, nên anh công an trẻ gật đầu cho đi, còn dặn bác lái cẩn thận). Tuy nhiên, thầy cúng xem giờ xem tuổi đã nói khi khâm liệm anh Tấn (tuổi Giáp Tuất 1934) thì những người ở năm sáu con tuổi khác phải tránh, không được có mặt nhìn mặt. Anh Tường tuổi Nhâm Thân (1932) bị kiêng, mà anh Ngọc cũng tuổi ấy, nên đành chờ liệm xong phát tang. Biết được điều này khi đang trên đường đi nên tới Hải Phòng tôi cho xe chạy đến hàng hoa ở ngay Nhà hát lớn thành phố. Vừa nói đặt hoa, lại thấy biển số xe Hà Nội, chị hàng hoa đã nhanh nhảu - có phải các bác viếng ông to gì ở đường Thiên Lôi không, - phải rồi, nhưng sao lại biết là ông to, - vì nghe nói có nhiều công an dẹp đường, canh giữ mà, - à ra thế. (Điều này nhạc sĩ Dương Thụ cũng cho biết: anh bay từ Sài Gòn ra, xuống sân bay Cát Bi lấy taxi về đường Thiên Lôi, anh lái bảo cháu biết rồi, chú ra dự đám ma ông gì đó phải không, ông ấy chắc làm to vì lâu nay đường đó vốn hay tắc có thấy ai dẹp trật tự gì đâu, hôm nay bỗng dưng có rất nhiều công an trực, phân luồng xe, thế chắc cái ông vừa mất phải là ông to rồi). Tôi đặt bốn vòng hoa: cho tôi và Nguyễn Quang Lập, cho Hội nhà văn Hà Nội, cho Khoa Ngữ văn, Đại học Sư Phạm TPHCM, cho hai gia đình Nguyệt Cầm và Đỗ Hoàng Diệu ở Mỹ. Sau khi dặn mang hoa đến nhanh, tôi chạy xe về ngõ 800 đường Thiên Lôi. Trong căn nhà số 30 ở ngõ này của con trai cả Bùi Ngọc Hiến, anh Tấn đã sống mấy tháng cuối cuộc đời mình và đã trút hơi thở cuối cùng. Linh cữu anh quàn tại đó và tang lễ sẽ làm tại đó. Đường Thiên Lôi nhỏ, chỉ vừa đủ hai ô tô tránh nhau. Ngõ 800 may cũng vừa đủ chỗ đi lại, ngay cả khi đã dành một phần nửa dọc lối đi làm chỗ để xe máy cho người đến viếng.
Khi chúng tôi đến, dọc đoạn đường Thiên Lôi quanh ngõ 800 và dọc trong ngõ đã có nhiều bóng áo công an và những người lạ mặt mà nhìn ánh mắt vẻ mặt dáng điệu thấy đầy cảnh giác, soi xét. Đoàn các anh Phạm Toàn, Chu Hảo và nhóm Cánh Buồm cũng vừa tới. Các vòng hoa của Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam, Cánh Buồm, Diễn đàn Paris đã được nhờ đặt trước và đưa đến. Anh em gặp nhau, anh Tường cho biết: tối qua (18/12) an ninh công an Hải Phòng đã đến gặp chị Bích đề nghị tang lễ chỉ nên làm trong phạm vi gia đình, tránh những chuyện quá khích. Đang trò chuyện thì có tin báo là hai vòng hoa của Văn Đoàn và Diễn Đàn Paris bị bắt gỡ băng. Mọi người kéo ra chỗ để vòng hoa xếp trong ngõ và được yêu cầu gỡ băng ra. Thì gỡ, nhưng vòng hoa vẫn được giữ lại đem vào viếng.
Lễ viếng bắt đầu lúc 11h. Gia đình anh Tấn đã thuê công ty dịch vụ tang lễ Thiên Thảo nên việc tổ chức lễ viếng, lễ tang, lễ an táng khá bài bản, chu tất, tuy có một thiếu sót vô cùng đáng tiếc và ân hận tôi sẽ nói sau. Quan tài anh Tấn để khuất sau bàn thờ, người viếng không đi vòng quanh xem mặt anh lần cuối, chắc đây là phong tục ở từng nơi. Các đoàn đến viếng đầu tiên rất đông. Loa xướng tên từng người, từng đoàn. Đến lượt Cánh Buồm xong thì bỗng nghe “Xin mời đoàn Diễn Đàn Paris vào viếng”. Thế là vòng hoa của Diễn Đàn, của Văn Đoàn cùng được đưa vào đặt trước bàn thờ anh Tấn tuy không có dải băng ở trên. Nhưng khi viếng xong nghe trong loa lời cảm ơn thì có nhắc tới Văn Đoàn. Đến lượt tôi đăng ký Hội Nhà văn Hà Nội và cùng Đỗ Phấn mang cả bốn vòng hoa vào. Sáng hôm sau tôi còn đặt thêm một vòng hoa nữa và khi mang viếng loa đã vang to “nhà báo Huy Đức và nhà thơ Đỗ Trung Quân vào viếng”. Hội Nhà văn Việt Nam xuống viếng vào chiều muộn, đoàn do nhà văn Nguyễn Trí Huân phó chủ tịch Hội dẫn đầu, viếng xong là về. Thoáng chốc lối ngõ 800 Thiên Lôi đã chật đầy các vòng hoa viếng mà hoa vẫn cứ được mang tới, mà các đoàn người vẫn đang đến. Nhìn các vòng hoa dọc lối đi tôi thấy có của gia đình tướng Trần Độ. Vừa lúc Khánh Trâm (con dâu vị tướng) điện đến, tôi nói có thấy vòng hoa gia đình cụ Độ rồi, Trâm bảo còn một vòng hoa nữa đề là “Câu lạc bộ Lê Hiểu Đằng kính viếng” đã bị bắt bỏ băng rồi anh ạ. Vậy là có ba vòng hoa viếng bị bắt gỡ băng xuống, cho đến lúc ấy. Có vòng hoa của gia đình nhà văn Nguyên Hồng, gia đình nhà thơ Hoàng Hưng, của bogger Hiệu Minh, của Quán Văn TPHCM, của phòng Văn hóa Văn nghệ Ban tuyên giáo thành ủy Hải Phòng. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng gửi vòng hoa viếng do có người con rể của anh Tấn là giám đốc một công ty thuộc Bộ. Nhiều lắm những vòng hoa tươi cho linh hồn anh Tấn khi kết thúc tang lễ đã có 368 đoàn đến viếng, trong đó có nhiều đoàn đi hai ba vòng hoa đại diện cho nhiều người nơi xa không tới được bên anh giờ phúc cuối.
Ban tang lễ nhà văn Bùi Ngọc Tấn gồm 7 người do ông phó chủ tịch mặt trận phường làm trưởng ban, và gồm tổ trưởng tổ dân phố 59, đại diện khu dân cư ngõ 800, trưởng tộc họ Bùi, anh Dương Tường, tôi, và Hiến đại diện gia đình. Lúc đầu anh em nghĩ đơn giản là khi làm lễ truy điệu thì tôi dẫn, anh Dương Tường đọc điếu văn. Nhưng tối 19/12 gia đình cho biết là ông Giám đốc công an thành phố Hải Phòng, tướng Đỗ Hữu Ca, đã đến nhà yêu cầu để điếu văn cho tổ trưởng tổ dân phố đọc. Chúng tôi bất ngờ. Bài điếu văn anh Tường viết ngắn nhưng ẩn chứa nhiều cảm xúc, suy nghĩ, câu chữ nặng lòng nặng tâm tưởng. Dương Tường, người bạn thân thiết hơn nửa thế kỷ chia sẻ buồn vui hoạn nạn của Bùi Ngọc Tấn, viết điếu văn bạn mình không kể tiểu sự, cuộc đời anh Tấn, mà nói lên vị trí của anh Tấn đối với Hải Phòng, đối với Việt Nam trong văn chương, một vị trí có thể làm vinh dự cho nước nhà trên thế giới. Bài điếu văn đó chỉ có thể được đọc do chính người viết ra nó, không ai khác. Chúng tôi bàn tính mấy khả năng: không đưa bài điếu văn của anh Tường cho bà tổ trưởng dân phố đọc, bà ấy có đọc bài khác thì đọc, sau đó anh Tường sẽ đọc tiếp bài của mình thay mặt gia đình bạn hữu văn chương, còn nếu không được đọc bài đó ở lễ truy điệu thì khi hạ huyệt ở nghĩa trang sẽ đọc. Mọi người lo nghĩ đến tình huống xấu nhất sẽ xảy ra sự can thiệp thô bạo của công an tại lễ truy điệu ngay trước linh cữu anh Tấn quanh việc đọc điếu văn. Nhưng đến sáng 20/12, trước vài giờ lễ truy điệu, chúng tôi được tin anh Tường vẫn sẽ đọc bài điếu văn của mình.
Và nhà thơ Dương Tường đã đọc bài điếu nhà văn Bùi Ngọc Tấn bằng một giọng trầm hùng, khỏe khoắn, nhấn vào từng câu từng chữ. Bài điếu chỉ có gần năm trăm con chữ, nhưng anh Tường đã chất vào đó cả một thân phận đời người đời văn trên trần thế 80 năm của anh Tấn, chất vào đó cả số phận của một thế hệ các anh “cùng một kiếp bên trời lận đận” say lý tưởng và vỡ mộng tưởng, chất vào đó cả số kiếp văn nhân văn chương nhiều lao đao lận đận với nhân dân, đất nước. Thường ngày anh Tường nói khó nhọc, đứt quãng, nhưng trước linh cữu bạn mình, trước đông đảo thân bằng cố hữu của anh Tấn và trước những người dân ngõ xóm láng giềng nhà con anh có thể chưa biết anh Tấn là ai, giọng anh Tường đã vang to, rành mạch, rõ ràng, được loa truyền đi càng vang vọng:
“Thưa...
Tôi được gia đình tang quyến tin cậy uỷ thác cho trọng tách đọc lời điếu trong lễ tang này.
Hôm nay, chúng ta tiễn đưa một con người mà sự ra đi không chi là một mât mát không gì bù đắp nổi đối với gia đình, người thân và bạn bè, mà còn để lại một trống vắng mênh mông trong địa lý văn học nước nhà. Người mà chúng ta vĩnh biệt hôm nay là công dân Bùi Ngọc Tấn, một người con đáng tư hào của Hải Phòng, hội viên danh dự hội Văn Bút quốc tế, từng đoạt 2 giải Văn chương quốc tế có uy tín.Với tư cách là con người, Bùi Ngọc Tấn đã cống hiến cả tuổi xuân của mình cho cách mạng, mặt khác, cay nghiệt thay, đã trải mọi trầm luân của kiếp nhân sinh, đã uống đến tận cặn ly đắng cuộc đời, đã kiên cường vác cây thập giá của mình chứ không kéo lê nó. Với tư cách là kẻ sĩ, Bùi Ngọc Tấn đã dùng ngòi bút thiên tài, trung thực và từ tâm của mình đóng góp vào văn học nước nhà những tác phẩm để đời, những trang viết làm lay động hàng triệu trái tim độc giả, xứng đáng được xếp vào hàng những tác giả lơn mà cả một thế kỷ cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Vâng, Hai Phòng có người con như thế đó.
Hải Phòng từ nay vắng đi một trong những niềm tự hào của mình, mặc dầu nhiều người chưa hiểu điều đó. Lịch sử công minh, sớm muộn, sẽ đặt những nhân cách lớn trở về đúng vị trí và anh linh Bùi Ngọc Tấn sẽ mãi rạng ngời cùng trời xanh biển đẹp Hải Phòng. Bởi trong lòng những người yêu văn học, yêu những giá trị đích thực truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, cái tên Bùi Ngọc Tấn đã trở thành bất tử.
Hôm nay, đi sau linh cữu Bùi Ngọc Tấn, tôi tin rằng cùng với chúng ta bằng xương bằng thịt, còn có cả một dòng sông vô hình hàng triệu độc giả trong và ngoài nước tiễn biệt nhà văn yêu thương. Và rồi đây, ở nơi yên nghỉ cuối cùng của nhà văn, những ngày tới, những tháng tới, những năm tới, sẽ còn những người tư xa tới đặt hoa tưởng niệm, như khách bốn phương khi đến Paris vẫn thường tìm đến nghĩa trang Père-Lachaise đặt một bông hồng lên mộ Hugo, Balzac hay Flaubert...”
Đọc xong, anh Tường đặt bản văn điếu lên quan tài anh Tấn, chỗ nắp che mặt anh nằm trong. “Thôi, Tấn đi!”, anh Tường nói rồi khóc nấc lên. Cả khối người trong nhà ngoài sân cùng lặng phắc xúc động. Phút giây ấy tôi nghĩ anh Tấn được thỏa nguyện và linh hồn anh còn vương vấn nơi đây sẽ mỉm cười đôn hậu như anh vốn đôn hậu một đời.
Phút chót vẫn còn những bạn văn từ Hà Nội xuống kịp tiễn đưa anh.
Đúng 10h ngày 20/12/2014 lễ di quan bắt đầu. Quan tài anh Tấn được đưa đi giữa dòng người dòng hoa. Công an dẹp lối, dẫn đường. Dòng người hoa kéo dài đưa anh về lại ngôi nhà của anh ở 10 Điện Biên Phủ, quận Ngô Quyền. Công an đã túc trực ở đó, hướng dẫn giao thông, và canh gác. Thắp hương cho anh tiễn biệt nơi cư ngụ trần thế của mình xong, đoàn tang đi về nghĩa trang Ninh Hải. Một nghĩa trang rộng rãi, phong cảnh thoáng đãng, “không có mùi âm khí” như nhận xét của anh Dương Thụ. Nắng đông hanh vàng bừng sáng chứng kiến giờ phút thân thể nhà văn Bùi Ngọc Tấn về đất. Anh sẽ nằm đây ba năm, sau đó cất bốc đưa về quê ở thôn Câu Tử ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Tôi là người đầu tiên ném nắm đất xuống huyệt mộ anh. Quay ra, anh Nguyễn Quang A vẫy lại, lấy ra cái băng đề “Diễn đàn xã hội dân sự kính viếng” cài lên một vòng hoa. (Đây là băng anh Quang A thủ sẵn thêm vì cái băng đính trên vòng hoa vào viếng cũng đã bị gỡ, vậy là có bốn vòng hoa không có băng tang). Vòng hoa ấy đã cùng bao vòng hoa khác được đắp lên mộ anh Tấn trong khói hương tỏa ngát. Tôi là người gần sau hết thắp hương cho anh trước mộ. Anh Tấn ơi, em vĩnh biệt anh, người anh người bạn vong niên như người ruột thịt mà em may mắn được quen thân trong mười lăm năm qua, cùng bên em vĩnh biệt anh đây có bao nhiêu người khác nữa nhờ em chuyển tới anh lời yêu thương quý trọng và mong anh thanh thản ở cõi trời khác. Tôi nghẹn ngào và nhà nhiếp ảnh Xuân Bình đứng bên tôi từ lúc nào cũng nghẹn ngào. Chúng tôi khóc cho Hải Phòng và cho chúng tôi từ nay đã mất Bùi Ngọc Tấn.
Trước đó, khi mọi người đang cắm hương trên mộ anh Tấn, tôi nhận được cuộc gọi của Mặc Lâm đài RFA đang thường trú ở Thái Lan. Anh Mặc Lâm hỏi tôi câu thứ nhất về tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của anh Tấn. Tôi nói: “Trước hết, đây là một cuốn tiểu thuyết. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết tiểu thuyết chứ không phải tự truyện hay hồi ký, mặc dầu nhân vật lấy từ chính cuộc đời của anh, năm năm lao tù của anh, nhưng là tiểu thuyết và do vậy kinh nghiệm cá nhân của Bùi Ngọc Tấn cộng với kinh nghiệm bạn tù và những kinh nghiệm quan sát của một nhà văn trong đời sống xã hội nó hun đúc lên thành hình tượng, thành nhân vật và do đó sức khái quát nó lớn hơn. Sức thuyết phục, tác động nó mạnh hơn. Trong đám ma của ông hôm nay rất nhiều bạn bè văn chương cũng khẳng định như thế, đây là một tác phẩm có thể nói là một bước ngoặt của văn học Việt Nam. Một tác phẩm sẽ sống lâu và còn giúp cho mọi người đọc nó nhận biết thực tại đời sống xã hội Việt Nam trong 50 năm của nửa cuối thế kỷ 20. Sau nữa, điều quan trọng là tâm thế của Bùi Ngọc Tấn trong tác phẩm này cũng như các tác phẩm khác của anh từ khi anh trở lại văn đàn là một sự nhân hậu ấm áp. Khi đã trải qua những năm tháng trong nhà tù khắc nghiệt như vậy mà có giọng hằn học, cay độc thì cũng là lẽ tất nhiên nhưng không, ông đã chọn nói về những sự thật đó, nói về những nỗi đau của con người, về những vấn đề xã hội nhân sinh bằng một giọng văn nhân hậu, ấm áp, mà đọc vào khiến người ta xúc động và càng thấy sự chân thực toát lên và nhờ đó sự thật của đời sống của văn chương nó đạt được hiệu quả”. Câu thứ hai Mặc Lâm hỏi về con người trong đời sống của Bùi Ngọc Tấn. Tôi nói: “Kể từ khi tôi quen biết và trở nên thân thiết như một người em một người bạn vong niên thì tôi thấy anh Tấn một nhà văn hết sức nhân hậu, nồng hậu, ấm áp, biết hài hước mặc dù luôn luôn đau đáu về cuộc sống, văn chương. Bất kỳ ngồi với với ai đều không thấy anh dùng giọng cha chú, bề trên hay gì cả. Rất nhiều người trẻ cả độc giả lẫn người viết trẻ đều cảm nhận ở anh Bùi Ngọc Tấn một sự hòa đồng, bình đẳng và tin cậy ngay khi được gặp anh. Tin cậy trên trang viết và tin cậy trong cuộc sống.”
Trong bữa cơm trưa cùng gia đình sau đám tang, tôi bất chợt nhớ ra một cái thiếu mà công ty dịch vụ tang ma không làm, mà tất cả chúng tôi đều không nhớ ra để làm. Đó là không có SỔ TANG. Trời ơi, sao xảy ra cơ sự này! Sổ tang là một vật không thể thiếu trong mọi đám ma, ngay cả những người bình thường nhất mất đi khi tang lễ cũng đều có sổ tang cho người đến viếng lưu lại những lời chia buồn. Vậy mà đám tang nhà văn Bùi Ngọc Tấn không có sổ tang. Bao nhiêu lời thương tiếc, kính trọng, đánh giá của bao người yêu quý anh lẽ ra đã được ghi lại ngay trong lúc đau thương này để gia đình trân trọng biết ơn tự hào về anh, để lịch sử văn học có cứ liệu về anh từ người đương thời. Vậy mà không có sổ tang trong đám tang nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Tôi nói ra điều này mọi người đều sững sờ, ân hận. Tôi tự trách mình lắm, sao lo việng tang ma cho anh mà lú lẫn để không chú ý một việc quan trọng như vậy, mãi khi anh mồ yên mả đẹp rồi mới nhớ ra. Hay đấy vẫn là số phận của anh, anh Tấn, để những người sống sẽ còn phải nói nhiều về anh mai ngày nữa. Như trong những ngày tang, mỗi khi ngồi lại với nhau, anh em bạn bè còn bàn thảo nào là phải tập hợp di cảo của anh để xuất bản, nào là phải có kế hoạch biến ngôi nhà anh tại 10 Điện Biên Phủ thành một bảo tàng tư nhân Bùi Ngọc Tấn, nào là có thể sau này có một đường phố Hải Phòng mang tên Bùi Ngọc Tấn, nào là… Anh mà nghe thấy được có thể từ bức ảnh kia anh nói vọng ra: gượm đã các cậu, chờ cho tớ qua 49 ngày rồi có gì ta tính, giờ thì tớ chỉ muốn thảnh thơi đi gặp ông anh Nguyên Hồng hàn huyên thôi. Anh hiểu bạn bè và bạn bè hiểu anh mà!
Trên xe về lại Hà Nội, nhạc sĩ Dương Thụ hỏi nhà văn Nguyên Ngọc: khi đưa tang một người anh nghĩ đến điều gì nhất? Anh Ngọc trả lời: mọi người hay nói về ngày tận thế, mình thì thấy một người mất đi chính là tận thế, vì khi ấy vũ trụ đã mất với người đó. Tôi muốn thêm: và vũ trụ cũng mất người đó rồi. Từ 6h15 ngày 8/12/2014 (27/10 Giáp Ngọ) Hải Phòng đã mất Bùi Ngọc Tấn, văn học Việt Nam đã mất Bùi Ngọc Tấn.


Chủ Nhật 21/12/2014
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

LỜI ĐIẾU ĐỌC TRONG LỄ TANG NHÀ VĂN BÙI NGỌC TẤN








Thưa...
Tôi được tang quyến tin cậy uỷ thác cho trọng trách đọc lời điếu trong lễ tang này.

Hôm nay, chúng ta tiễn đưa một con người mà sự ra đi không chỉ là một mất mát không gì bù đắp nổi đối với gia đình, người thân và bạn bè, mà còn để lại một trống vắng mênh mông trong địa lý văn học nước nhà. Người mà chúng ta vĩnh biệt hôm nay là công dân Bùi Ngọc Tấn, một người con đáng tự hào của Hải Phòng, hội viên danh dự hội Văn Bút quốc tế, từng đoạt 2 giải Văn chương quốc tế có uy tín. Với tư cách là con người, Bùi Ngọc Tấn đã cống hiến cả tuổi xuân của mình cho cách mạng, mặt khác, cay nghiệt thay, đã trải mọi trầm luân của kiếp nhân sinh, đã uống đến tận cặn ly đắng cuộc đời, đã kiên cường vác cây thập giá của mình chứ không kéo lê nó. Với tư cách là kẻ sĩ, Bùi Ngọc Tấn đã dùng ngòi bút thiên tài, trung thực và từ tâm của mình đóng góp vào văn học nước nhà những tác phẩm để đời, những trang viết làm lay động hàng triệu trái tim độc giả, xứng đáng được xếp vào hàng những tác giả lớn mà cả một thế kỷ cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

  Vâng, Hải Phòng có người con như thế đó.

Hải Phòng từ nay vắng đi một trong những niềm tự hào của mình, mặc dầu nhiều người chưa hiểu điều đó. Lịch sử công minh, sớm muộn, sẽ đặt những nhân cách lớn trở về đúng vị trí và anh linh Bùi Ngọc Tấn sẽ mãi rạng ngời cùng trời xanh biển đẹp Hải Phòng. Bởi trong lòng những người yêu văn học, yêu những giá trị đích thực truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, cái tên Bùi Ngọc Tấn đã trở thành bất tử.

Hôm nay, đi sau linh cữu Bùi Ngọc Tấn, tôi tin rằng cùng với chúng ta bằng xương bằng thịt, còn có cả một dòng sông vô hình hàng triệu độc giả trong và ngoài nước tiễn biệt nhà văn yêu thương. Và rồi đây, ở nơi yên nghỉ cuối cùng của nhà văn, những ngày tới, những tháng tới, những năm tới, sẽ còn những người từ xa tới đặt hoa tưởng niệm, như khách bốn phương khi đến Paris vẫn thường tìm đến nghĩa trang Père-Lachaise đặt một bông hồng lên mộ Hugo, Balzac hay Flaubert...

Dương Tường



Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014


THƯA THẦY THÍCH NHẤT HẠNH (1)




Bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Thiền sư Thích Nhất Hạnh



1- Tôi đọc bộ “Việt Nam Phật giáo sử luận” của thầy và rất tán đồng nhận xét của giáo sư Nguyễn Huệ Chi “Việt Nam Phật giáo sử luận  không có gì khác hơn là cũng cố niềm tin của bạn đọc vào các truyền thống văn hóa tốt đẹp, lâu đời của dân tộc chúng ta. Đó hiển nhiên là một định hướng chính xác”.  Ở một nơi khác  giáo sư Huệ Chi viết “Ý kiến Nguyễn Lang (1) không mấy khi làm người đọc khó chịu, dù có thể chỗ này chỗ khác vẫn chưa tán đồng…”.  Với tôi, khó chịu đến mức phản ứng thì không nhưng lấn cấn, vướng mắc thì có.  Ở trang 80 tập một, thầy viết “Có người hỏi nếu đạo Phật quan trọng tại sao Nghiêu Thuấn, Chu Công và Khổng Tử không nói đến đạo Phật trong kinh truyện và cũng không theo đạo Phật. Mâu Tử trả lời là “Không phải cuốn kinh nào hay cũng do Khổng Khâu tác thuật, không phải phương thuốc nào thần diệu cũng do Biển Thước chế ra. Chu công xem Lão Đam như bậc thầy những điều này có được chép trong bảy kinh đâu?”
2- Câu trả lời của Mâu Tử không ăn nhập gì với câu hỏi. Hỏi tại sao các ông Nghiêu Thuấn, Chu Công, Khổng Tử, không theo đạo Phật thì lại trả lời tréo cẳng ngổng rằng không phải quyển kinh nào hay cũng do Khổng Khâu tác thuật, phương thuốc nào hay cũng do Biển Thước chế ra.
2- Nếu bảo người hỏi thiếu kiến thức lịch sử sợ thất thố với thầy Nhất Hạnh, với vong linh thầy Mâu Tử.  Nhưng vẫn nghĩ bụng, đáng lẽ thầy Mâu Tử phải trả lời đại ý rằng: Nghiêu Thuấn là hai ông vua được người Tàu tôn lên bậc thánh. Nghiêu (2356) tcn, Thuấn (2255) tcn, trong khi đó Thích Ca (563) tcn. Tức là Nghiêu Thuấn có trước Thích Ca khoảng 1800 năm, vậy làm sao mà bảo Nghiêu Thuấn theo đạo Phật cho được?  Đạo Phật có ở Ấn Độ gần như cùng thời với Khổng giáo ở bên Tàu. Nhưng Khổng Tử qua đời khoảng 650 năm (vào hạ bán thế kỉ thứ 2 scn) thì đạo Phật mới có mặt ở Bành Thành nước Tàu, vậy làm sao bảo Khổng Tử nói đến đạo Phật trong kinh truyện của mình cho được ???
3- Không hiểu sao Mâu Tử  còn nói “Chu Công xem Lão Đam như bậc thầy, những điều này có được chép trong bảy kinh đâu”.  Chu Công mà Mâu Tử nhắc đến là Chu Công Đán, người đã có công giúp Chu Vũ Vương lập ra nhà Chu (1122 - 256) tcn. Rõ ràng Chu Công Đán phải là người trưởng thành trước năm 1122 tcn, tức vào khoảng 1152. Trong khi đó Lão Đam tạm cho là cùng thời với Khổng Tử (551- 479), thì Chu Công có trước Lão Đam khoảng 650 năm.  Như vậy làm sao có chuyện “Chu Công xem lão Đam như bậc thầy” được
4- Mâu Tử vốn người Quảng Tây, cùng mẹ chạy loạn sang định cư và nhập tịch đất Giao Châu. Ông học rộng biết sâu, rất thông hiểu Khổng giáo, Lão giáo, nhưng lại là một Phật tử thuần thành. Ông viết sách Lý Hoặc Luận vào khoảng cuối thế kỉ thứ 2 scn, nhằm làm tiêu tan các mối nghi hoặc về đạo Phật.  Lý hoặc Luận của Mâu Tử là tác phẩm nói về Phật giáo đầu tiên của Giao Châu còn lưu lại đến ngày nay.
5- Thưa thầy Thích Nhất Hạnh, một học gỉa uyên bác cở Mâu Tử không thể không thông hiểu lịch sử. Vậy đoạn trích dẫn của Thầy làm người đọc là tôi đây rất lướng vướng, mong được thầy hoan hỉ giải đáp cho.

----------
 (1) Nguyễn Lang là Thiền sư  Thích Nhất Hạnh

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

CHỨNG TỪ CỦA MỘT NGƯỜI CON





Học giả Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984), nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Hán Nôm, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm 


Giáo sư Nguyễn Huệ Chi (con trai học giả Nguyễn Đổng Chi - 14.7.1938), nhà nghiên cứu văn học cổ trung và cận đại Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội đồng khoa học của Viên Văn học thuộc Viên khoa học xã hội Việt Nam.




Sau khi nghe mấy buổi trả lời phỏng vấn của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trên RFI, một người quê ở Mai Động đã tìm đến tận nhà gặp tác giả trao lại tấm ảnh duy nhất về các câu đối ở đình Mai Động bị đóng thành ghế ngồi cho hợp tác xã mà ông đã xin được từ nghệ sĩ nhiếp ảnh
 Nguyễn Bá Khoản hơn 20 năm trước

-------------------------------------------------------------



Năm 2005 nhà báo Thụy Khuê phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi về: TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC TẠI MIỀN BẮC NHỮNG NĂM 60. Bài phỏng vấn dài 18 trang, bu chỉ giới thiệu  mục “Chứng từ của một người con” để bạn nào quan tâm đến thời sự văn học nước nhà tham khảo.
Sau đây là phần bu ghi lại…


Trong những năm 1957-1958, hầu như toàn bộ văn nghệ sĩ trí thức miền Bắc đều có bài lên án Nhân Văn-Giai Phẩm. Những văn bản mà họ để lại là chứng từ của một giai đoạn lịch sử văn học. Sự việc ấy đã diễn ra như thế nào? Giáo sư Nguyễn Huệ Chi là người đầu tiên trên diễn đàn văn học mở cửa cho chúng ta thấy hậu trưòng của một thời đại đen tối mà chính phụ thân ông, học giả Nguyễn Đổng Chi đã can dự vào.
 TK: Thưa anh Nguyễn Huệ Chi, Anh đã từng chứng kiến cảnh ông cụ thân sinh phải nhận viết bài chống cụ Phan Khôi, sự việc xẩy ra như thế nào, thưa anh?
NHC: Thưa chị Thụy Khuê, bản thân tôi, tôi đã chứng kiến người bố của tôi, Nguyễn Đổng Chi, viết bài phê phán học giả Phan Khôi, theo yêu cầu của người khác, khác với tính cách của ông, rồi sau đó đã không ngớt ân hận. Tôi phải nói lại chuyện này để chị hiểu cho có đầu đuôi một chút. Tức là kể từ thuở tôi còn là sinh viên, tôi và ông bố của tôi đã đối xử với nhau như bạn bè, có gì trong học thuật cũng trao đổi với nhau. Thời kỳ ấy, tôi nhớ vào khoảng tháng 3 năm 1958, hai bố con tôi, nhân ngày chủ nhật cùng nhau đi chơi, từ Ô Đống Mác đi lên Tràng Tiền. Đến ngã tư Tràng Tiền, rẽ về phía Nhà Hát Lớn, tới gần hiệu Bodéga, nhìn thấy hai bên đường có những tờ báo treo thòng xuống, vì ở đấy có chỗ bán sách báo, thì ông ấy hình như sực nhớ lại, mới nói với tôi thế này:"Ông Liệu, - tức là nhà sử học Trần Huy Liệu, thủ trưởng của bố tôi, Trưởng ban nghiên cứu Văn sử địa lúc bấy giờ -, ông Liệu có nói với bố là: Phan Khôi thì rõ là sai rồi, bởi vì tự dưng lại đứng ra làm Chủ nhiệm báo "Nhân Văn", để cho những anh em trẻ nhân danh đòi tự do cho văn nghệ mà thoát ly đường lối lãnh đạo của Đảng, cho nên Phan Khôi phải chịu trách nhiệm về việc ấy. Thế nhưng đối xử với Phan Khôi như thế là không được, như thế là nặng, bởi vì Phan Khôi là một học giả nổi tiếng và là một trí thức lão thành, không thể đánh đồng với những người khác". Tôi nghe bố tôi nói vậy, cũng chỉ biết vậy. Rồi hai bố con đi trở về.
 Nhưng sau đó khoảng chưa đầy một tháng, tự nhiên một hôm bố tôi đi làm về, buổi chiều tôi nhận thấy ông có một thái độ lặng lẽ khác thường, đi đi lại lại trên sân đình (hồi ấy chúng tôi còn phải ở nhờ một túp lều dột nát bên cạnh đình An Cư trong xóm Thanh Nhàn, trời mưa thì nước giọt tứ tung, và ban ngày tối như hũ nút và chật chội, đến nỗi hầu như cả nhà phải thường xuyên "tản cư"  lên sinh hoạt tạm trên hè và sân đình) mà không nói gì. Tôi mới hỏi: hôm nay có chuyện gì mà bố có vẻ ưu tư thế? Bố tôi đáp: Bố mới nhận được một nhiệm vụ khó nghĩ quá. Tôi hỏi việc gì. Ông nói: Phải phê phán Phan Khôi. Tôi nghe hơi ngạc nhiên, bèn nói: Ủa, thế hôm trước bố đã nói thế rồi cơ mà? - Nhưng hôm nay thì yêu cầu đặt ra là tờ tập san Văn sử địa phải có một bài phê phán Phan Khôi mà bố được lãnh cái trách nhiệm ấy.
 TKVậy ông cụ anh đã soạn bài viết ấy như thế nào? Anh có được đọc trước không và nếu anh được đọc, thì ý kiến của anh hồi ấy ra sao?
N.H.C.: Vài hôm sau thì thấy bố tôi bắt đầu đi thư viện, đi lục lọi, sưu tầm ở thư viện rất miệt mài. Và độ chừng 15 ngày sau nữa thì nghe bố tôi bảo: "Bố sẽ cố gắng chỉ nói về Phan Khôi trong giai đoạn từ 1945 về trước thôi. Còn giai đoạn sau, bố không nói, bởi vì xem ra, những bài ông ấy viết trên các tờ "Giai Phẩm", tờ "Nhân Văn", thì không có gì để nói được, là bởi vì ông ấy phê phán lãnh đạo văn nghệ, mà việc ông ấy phê phán một cái tập thể đứng ra thẩm định giải thưởng, đồng thời lại đưa tác phẩm vào để xin được trao giải, thế thì cái tập thể ấy có còn đạt được tiêu chuẩn gì gọi là dân chủ, gọi là công bằng nữa hay không? Thì bố thấy ông Phan Khôi nói chuyện ấy rõ là được chứ. Cho nên bố chỉ khoanh lại, nói về ông ấy từ 45 trở về trước cho tiện". Sau đó thì bố tôi bắt đầu viết và tôi cũng tin là bố tôi sẽ nói một cách chừng mực thôi. Nhưng khi bài viết xong, đưa cho tôi, phải nói tôi có hơi choáng người, vì những lời lẽ ông ấy viết rất nặng. Nhưng vì kính trọng bố cho nên tôi không nói gì, vả chăng lúc bấy giờ tôi cũng nghĩ là Phan Khôi sai, tuy rằng thật tình tôi chưa biết nhiều lắm về cụ Phan Khôi, nhưng tôi vẫn nghĩ là cụ Phan Khôi sai lầm, cho nên bố tôi đã nói thế chắc là phải đúng.
 T.K: Thưa anh, đến khi nào thì ông cụ mới cảm thấy là mình lầm?
N.H.C.: Thế mãi về sau, hai bố con không nói với nhau về chuyện ấy nữa. Nhưng có một lần nhân câu chuyện gì đó bố tôi có nói lại là: "Bố ân hận quá, đã nói những chuyện không đúng về cụ Phan Khôi, bởi vì cụ Phan Khôi từ trước Cách mạng đã được dư luận coi là Ngự sử văn đàn, là một người rắn rỏi, cứng cỏi, thẳng thắn. Ngay với chính quyền Pháp từ thập kỷ XX ông ấy đã dám nêu lên nhiều vấn đề xã hội, chính sách cai trị của họ mà không sợ. Cho nên những điều ông ấy viết bao giờ cũng có tính chất đối thoại với người khác. Mà đối thoại chính là cái biểu hiệu của sự dân chủ. Vì thế mà bố nghĩ, bố đã phê phán trúng vào chỗ đó chính là bố đã theo đuôi để góp phần đưa đến không khí mất dân chủ trong cái bài của bố." Bố tôi chỉ nói một lời ngắn gọn như thế rồi trầm ngâm rất lâu. Mãi cho đến trước khi mất, tức là năm 1984, vào mùa xuân thì bố tôi được đi Nga lần đầu, lúc bấy giờ với tư cách là chuyên viên Viện Văn hóa dân gian. Bố tôi đi đâu chừng hai tháng. Khi trở về, ông bị ốm vì bên Nga lạnh quá. Tôi lên thăm, thì bố tôi nói thế này: "Bố thấy ở Nga có hai điều đáng lưu ý: Một là việc nghiên cứu Đông phương học của họ đến nơi đến chốn, chứ không phải là nóng đâu phủi đấy như chúng ta. Họ giải quyết việc gì cũng rất hệ thống. Nhưng điều thứ hai bố thấy họ có chỗ này không được: tức là họ vẫn đặt công việc nghiên cứu vào một đường rãnh (chính trị - HC thêm) mà mọi người đều phải trượt trên cái đường rãnh ấy; cuối cùng thì người nào cũng quy về một điểm mà không còn nhìn thấy sự đa dạng trong nghiên cứu nữa". Bố tôi nhận xét thế. Đến khi khỏe lại, bố tôi lại có dịp trao đổi với tôi lâu hơn: "Thật ra nước mình không phải là một nước có lý luận và cũng không có triết học, chỉ là một nước thực tiễn thôi. Cho nên việc nóng đâu phủi đấy là chuyện bình thường. Và việc mà bố gán cho Phan Khôi là học mót cái thực dụng của Hồ Thích mà Hồ Thích thì học mót của J. Dewey là sai. Bởi vì một chủ nghĩa thực dụng như của Dewey nhìn cho thấu đáo là lớn lắm chứ không thể coi thường, và chuyện ông Hồ Thích cắt gọt chỗ này chỗ khác, ông ấy áp dụng vào Trung Hoa cho đúng theo điều kiện thực tiễn Trung Hoa, cái đó cũng bình thường. Còn chúng ta vốn quen học lại của Trung Hoa cũng chẳng có gì lạ. Do đó, nói rằng Phan Khôi đã học mót Hồ Thích và Hồ Thích thì đã học mót Dewey là một lời phê phán quá nóng vội".Và bố tôi dặn thêm: "Sau này nếu có điều kiện thì con cố gắng làm thế nào sửa được cái sai lầm của bố". Đấy, tôi phải nói một cách rõ ràng để chị và thính giả có thể thông cảm được tình hình hồi ấy là như vậy đấy. Mãi đến năm 84, ông bố tôi mới nói ra lời ấy.
T.KTừ việc của ông cụ anh đã rút ra được kinh nghiệm gì riêng cho mình và cho đến bây giờ thì anh đã thực hiện được những lời cụ dặn dò chưa?
N.H.C.: Quả thật về sau tôi càng ngày càng thấy là những điều bố tôi nói rất đúng, và sự ân hận của ông là sự ân hận của một người có lương tri, có tư cách của một trí thức. Gần đây có nhiều người gợi ý nên làm toàn tập cho bố, rất nhiều chứ không phải ít, nhưng tôi chỉ cười mà không nói gì, bởi vì tôi nghĩ rằng chưa thể làm được. Vì làm toàn tập thì nhất định là phải đưa hết các bài nghiên cứu của ông ấy vào dù hay dù dở, mà trong đó lại có một bài không vẻ vang gì cho bố tôi cả, là bài phê phán cụ Phan Khôi. Nhưng rất tiếc là... bài ấy đã được in ra trên giấy trắng mực đen. Đó là bài Quan điểm phản động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích, trên tập sanVăn Sử Địa, số 41, tháng 6 năm 1958. Tôi không giấu giếm ai hết, mà xin nói rõ xuất xứ như thế, để bạn đọc thấy cái bài đó đã làm cho bố chúng tôi xấu hổ như thế nào. Cũng gần đây, trong thời gian biên tập bộ Từ điển Văn học-bộ mới, có nhận lời ủy thác của người bạn quá cố là anh Văn Tâm - một người cũng lao đao trong thời Nhân văn-Giai phẩm - tôi đã bổ sung và chỉnh sửa lại mục từ "Phan Khôi" do Văn Tâm viết từ nhiều năm về trước; về sau, anh Văn Tâm rất muốn sửa mục từ ấy đi, cho đúng thực chất, giá trị của đối tượng mình viết, nhưng bệnh tật khiến anh không làm được việc ấy nữa, nên anh ủy thác cho tôi. Tuy rằng nhận lời ủy thác của anh, nhưng trong thâm tâm chính là tôi muốn thực hiện cái di chúc của bố tôi để rửa mối nhục mà chính bố tôi đã tự gây cho mình.
Cũng trong Từ điển Văn học-bộ mới, các mục từ viết về những tác gia Nhân văn-Giai phẩm, tôi đều quan tâm và đều có sửa chữa hoặc trực tiếp viết, và những mục từ ấy, theo tôi, ít nhất cũng đã lấy lại một cái nhìn tương đối đúng đắn - tương đối thôi chứ vẫn chưa nói được hết giá trị thực mà họ có và bao nhiêu năm bị dập vùi, bị những nhận định officiel nó biến trắng thành đen và làm cho họ không còn có chút giá trị nào nữa trong tâm lý bạn đọc thông thường. Cũng ở Từ điển Văn học-bộ mới, có mục từ "Hồ Thích", tôi cũng tự mình đảm nhiệm, cốt là để giải oan phần nào cho cái gọi là chủ nghĩa thực dụng (le pragmatisme) học mót Dewey của Hồ Thích mà người bố của tôi đã cực lực phê phán. Hôm nay sách đã ra được nửa năm, bạn đọc có thể tìm đọc ở thư viện hoặc ở các hiệu sách để chứng thực cho lời bộc bạch của tôi.




Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

MAY MÀ...








Thái miếu (Lam Kinh)


Ngọ môn (Lam Kinh)



Sông Ngọc (Lam Kinh)


May mà Huế ở Thừa Thiên
Kinh kỳ thuở trước còn nguyên cổ thành
Tháp xưa còn tiếng chuông lành
Tường rêu còn nhuộm sứ sành sắc lam.

May mà Huế ở trời Nam
Còn câu đối cũ dựng am sách nghèo
Nhà vườn còn gác trăng treo
Còn diều khuê các bơi chèo gió xanh.

Nếu mà Huế ở xứ Thanh
Lầu son ngói nát, Cổ thành gạch tan
Hán Nôm nghìn tuổi thành than
Nền xưa dấu cũ hoang tàn nắng mưa.

Lê Đình Cánh


Lời bình của Bulukhin:

Lê Đình Cánh là một trong những nhà thơ mà tôi yêu thich. Trong khi lục bát Đồng Đức Bốn xuất thần, bạo liệt, có lúc bụi bặm... Lục bát Nguyễn Duy tài hoa, hóm hỉnh, thì lục bát Lê Đình Cánh cứ rỉ rả mà thâm trầm sâu cay. Xứ Thanh là quê ông,"May mà" là bài thơ ông nói về quê mình. Ở đó có Lam Kinh, một khu di tích rộng khoảng 30 ha ở xã Xuân Lam. Lam Kinh có đến 14 công trình di tích như Ngọ môn, Sân rồng, Chính điện Lam Kinh, Khu thái miếu triều Lê sơ, Lăng mộ các vua và hoàng hậu , Bia Vĩnh Lăng, Hựu Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Kinh Lăng, Khu đền thờ Lê Lợi, Khu đền thờ Lê Lai, Đền thờ Bố Vệ…
   Nhà nước đã bỏ ra vô số công sức và tiền của để tôn tạo phục chế lại Lam Kinh nhưng rồi không hiểu sao vong linh các vua chúa cứ hỏi nhau nơi đây là đâu nhỉ? Có phải là Lam Kinh vàng son trên đất Thọ Xuân Thanh Hóa không? Lê Đình Cánh làm thơ chứ không làm vua nên ông không hỏi thế. Mà hỏi ai? và ai trả lời? ông thảng thốt kêu lên "may mà" nghe sao mà ai oán. 

May mà Huế ở Thừa Thiên
Kinh kỳ thuở trước còn nguyên cổ thành 

Nhà thơ vẫn rỉ rả nói về Huế, thì Huế vẫn còn đó nguyên vẹn, cho nên Unesco mới phong tặng danh hiệu Di sản Văn hoá của nhân loại chứ sao.

May mà Huế ở trời Nam

Còn câu đối cũ dựng am sách nghèo
...

Thế rồi đột ngột như cầu thủ nhà nghề phạt trực tiếp 11 mét. Tác giả cho bóng vào gôn đối phương

Nếu mà Huế ở xứ Thanh
Lầu son ngói nát cổ thành gạch tan



Lê Đình Cánh tuyệt nhiên không nói đến Lam Kinh, vì sao vậy? Đấy là kiểu chơi trốn tìm, buộc người đọc phải tò mò tìm kiếm, sau đó mới “ngộ” ra. A, đúng rồi đấy là Lam Kinh, Thọ Xuân Thanh Hóa. Ai mà chẳng biết  xứ Thanh là phát tích nhiều triều đại vua chúa từ Lê sơ, hậu Lê, cho đến nhà Nguyễn. Vong linh các vị không còn lăng tẩm xưa cũ mà về, vì hậu duệ thời a còng (@) đang làm cái việc được dán nhãn “duy tu và tôn tạo” các di tích lịch sử và văn hoá nước nhà !!
                                                     



Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

THIẾU VUA… THỪA VUA !



Lịch sử Phật giáo Việt Nam 
I
Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế (514)
Thiền sư- Giáo sư Lê Mạnh Thát


 Tạp chí Sông Hương
Tuần báo ra ngày thứ bảy
(1.8.1936 - 27.3.1937)
Phan Khôi chủ biên


Thiếu và thừa cái gì nghe còn được, đằng này thiếu vua… thừa vua …thì hơi lạ. Lạ, nhưng được các học giả tiếng tăm nói đến một cách nghiêm túc.  Giáo sư tiến sĩ - Thượng tọa Lê Mạnh Thát  đưa ra nhiều phát hiện chấn động sử học nước nhà, trong đó ông khẳng định danh sách các vị vua Việt Nam (từ thuở lập quốc đến hết chế độ phong kiến)  thiếu đi một ông - ông Lý Miễu niên đại trong khoảng 390 – 470. Bạn nào muốn biết tường tận xin đọc Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập I trang 427 - 582 của giáo sư Thượng tọa Lê Mạnh Thát do nxb THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ấn hành lần thứ 2 năm 2003. (có sửa chữa bổ sung).
Ngược lại, học giả Phan Khôi cách nay gần 80 năm lại nói chuyện thừa vua trong bài HÃY BỎ TRIỆU ĐÀ VÀ DÒNG DÕI Y RA NGOÀI VIỆT SỬ (đăng trên tuần báo Sông Hương số 3 ra ngày 15 tháng 8 năm 1936 do chính ông làm chủ nhiệm). Bỏ đi tức là thừa. Dưới đây bu tui gõ lại bài viết của cụ Phan Khôi mời các bạn tham khảo, và có ý kiến..

---------------------------------------------------

Sử: có thế giới sử, có quốc sử
Quốc sử lấy gì làm nền?
Quốc sử là sử của một nước, chép những việc đã xẩy ra trong nước ấy. Mà có người mới có việc. Những người của một nước họp lại thành một dân tộc; do những người ấy gây ra cuộc thành bại hưng vong trong nước mà mới có quốc sử. Thế thì không cần giảng giải thêm nữa cũng đã đủ hiểu rằng quốc sử phải lấy dân tộc làm nền.
     Đó là một cái công lệ của sử học. Phàm nước nào đã có sử và trong nước đã có sử học đều phải tuân theo cái thông lệ ấy. Nếu có một nước nào nhận một người dân ngoại tộc vào nối lấy cái quốc thống của nước mình, ấy là điều điếm nhục cho lịch sử, cho cả học giới!
    Trước đây sáu bảy trăm năm, nước Tàu có hai lần bị ngoại tộc đếm chiếm trị. Hồ Nguyên và Mãn Thanh đều không phải con cháu Hoàng Đế mà nghiêm nhiên xưng Thiên tử trên sử Trung Hoa, làm cho bọn chí sĩ nước Tàu thấy mà đau lòng, có người đã nhận cho là cái nhục lớn.
    Tuy vậy, Hồ Nguyên và Mãn Thanh biên tập lịch sử của mình ngay từ lúc họ còn cường thịnh, họ có thần thiếp của họ, sai bảo làm gì mà chẳng làm. Điều ấy nghĩ cho kĩ cũng không đáng trách.
     Duy có ở nước ta, cũng ở vào đồng một trường hợp ấy, mà sau khi kẻ cường quyền đã bị tiêu diệt rồi, chính người nước mình làm sử lại truy nhận cho kẻ giặc làm vua, mới đáng lấy làm lạ thôi!
    Đó, tôi muốn nói về Triệu Đà, người đã nuốt nước Âu Lạc của chúng ta gồm vào bờ cõi mình, làm cho dân tộc ta từ đó về sau hơn một ngàn năm sa vào vòng nô lệ, mà rồi sau, bọn các ông Lê Văn Hưu, Võ Quỳnh, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ cho đến ông Trần Trọng Kim hiện giờ nữa, đều xưng cho là Vương, là Đế, để đứng đầu hàng vua chúa trên lịch sử nước Nam.
   Mở sử Tàu ra mà coi, ở đó có chép rõ ràng Triệu Đà là người huyện Chân Định (đất Tàu), không hề có dính líu một tí nào với con cháu Rồng Tiên cả.  Đà vốn làm quan lệnh ở Long Xuyên, là quan của nhà Tần, nhân nhà Tần có loạn dấy lên cướp lấy nước ta mà độc lập. Như thế, đối với nhà Tần Đà đã là phản thần, mà đối với nước ta, Đà cũng là cừu nhân mới phải; cớ sao lại tôn là vua của bản quốc  và cho nối lấy nghiệp cả của mười tám Hùng Vương?
    Nhưng mà, thảm hại thay! Cái việc thương luân bại lý ấy từ lúc pho sử Việt mới bắt đầu biên chép là đã có! Tôi muốn chỉ vào thuở nhà Trần, lần thứ nhất ông Lê Văn Hưu vâng mạng vua tu quốc sử đã nhè khởi thủy từ Triệu Võ Vương, tức Triệu Đà, mà tôn cho là vua khai quốc của nước ta. Kì thực Triệu Đà cùng con cháu y không lấy nghĩa gì xưng là vua của nước Nam này được hết. Sử gia nước Nam tôn y làm ông vua khai quốc, ấy là đã làm một việc vô nghĩa.
    Muốn rõ chỗ thị phi của sử tích ấy, ta nên xem xét cái đại thế nước ta về phía nam nước Tàu vào khoảng 200 năm trước Giáng sinh ra thế nào. Bấy giờ nước ta nguyên là nước Văn Lang của Hùng Vương đã đổi tên là Âu Lạc thuộc về Thục Phán làm vua cai trị. Còn hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây bây giờ, lúc đó là đất của mọi rợ, kêu bằng đất “Lục lương”, nhà Tần mới đem người đến khai khẩn và đặt quan coi giữ. Triệu Đà tức là một viên quan nhà Tần, ở trong cái phái bộ thực dân ấy,  thừa lúc bản quốc mình có loạn, bè cử binh đánh Thục Phán, chiếm nước Âu Lạc rồi lên ngôi vua. Sự tình như thế, rõ là Triệu Đà làm phản nhà Tần chiếm giữ chỗ đất mình đương làm quan nhảy lên làm vua, và gồm lấy luôn nước ta làm lãnh thổ. Nước ta khi ấy nên kể là đã mất mà mất vào tay Triệu Đà; Còn cái nước Nam Việt của Triệu Đà mới dựng lên ở bên Quảng Đông thật không phải là nước ta. Thế thì Triệu Đà cho đến dòng dõi của y dù có làm vua mấy đời cũng mặc, người nước ta sao được họ là vua của nước ta ?
    Nói cho ráo lẽ thì nước Văn Lang kể là đã mất từ đời Hùng Vương XVIII, vào tay Thục Phán.  Vì ông này chẳng rõ hương quán ở đâu, hoặc giả là một người dân ngoại tộc cũng nên. Nhưng được cái đóng đô tại Loa Thành , đất Bắc Ninh ngày nay, An Dương Vương dấy lên giữa chúng ta, thì nhận đi là vua của nước ta cũng còn được. Chớ còn họ Triệu đã dấy lên giữa giống khác, lại đóng đô ở đất khác, tọa trấn tại thành Phiên Ngung, coi nước ta như một miếng thuộc địa, thì sao ta lại nhìn là vua trên quốc sử cho cam?
     Cái lầm lớn như thế, mà từ các sử gia đời xưa, bọn ông Lê Văn Hưu cho đến ông Ngô Sĩ Liên cũng đều không thoát khỏi, rất đỗi tới ông Trần Trọng Kim, một sử gia hiện đại, lẽ đáng không còn lầm nữa mới phải, vậy mà trong bản Việt Nam sử lược của ông, việc hưng vong của cha con ông cháu nhà họ Triệu  còn choán mất đến sáu trang!  Nếu trong một nước mà khoa sử học đã thành ra một khoa phổ thông thì đâu đến nỗi!
    Ấy là tại cái quan niệm sai lầm về lịch sử của người mình từ trước đến giờ vẫn còn chưa gột sạch. Lẩn quẩn trong cái quan niệm ấy, họ nhận vua tức là nước và có vua tức là có nước.  Trong khi nước của Hùng Vương đã mất, họ tưởng nhận cho Triệu Đà làm vua là nước tức khắc còn ngay, cho nên họ sốt sắng mà nhận liền đi. Không ngờ đâu nhận như thế là trái với cái công lệ của sử học.
    Hoặc có ai ngờ cho tôi sở dĩ có cái kiến giải này là tại quá trọng  về quốc gia chủ nghĩa, và cũng bởi cái chủ nghĩa ấy khích thích nên tôi mới viết bài này. Nhưng tự tôi thì tôi không nhận có điều ấy. Không cần phải cầu viện tới quốc gia chủ nghĩa, tôi chỉ căn cứ vào sử học, nắm lấy hai chữ “quốc sử” cũng đủ hô lên xin đồng bào ta, kẻ giữ quyền sở hữu về pho Việt sử, từ nay hãy bỏ dòng vua nhà họ Triệu ra ngoài.
     Sau họ Triệu, nước ta bị Bắc thuộc một ngàn năm. Thế thì chúng ta có tiếc chi mà chẳng cho nó Bắc thuộc sớm đi và thêm lên 96 năm nữa, nghĩa là kể ngay từ lúc Âu Lạc vào tay họ Triệu? Mất đi mà sau lấy lại được thì cũng như không mất, hơn là cái nước kể cho là còn trong 96 năm ấy mà phải nhận một người thù làm vua.  


Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

NHÀ VĂN NHƯ THỊ NỞ






Nhà văn như Thị Nở là tựa đề quyển sách của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên do nxb Hội nhà văn ấn hành hồi  tháng 3 năm 2014. Trong lời “Thưa cùng bạn đọc” ông Nguyên  cho hay năm 1993 ông đã tập hợp đủ bài cho quyển sách, nhưng nxb bảo đăng ký tên sách như vậy là khó in phải đổi đi. Ông Nguyên không chịu đổi , mãi đến 20 năm sau – tháng 3 năm 2014 – sách mới được ra mắt bạn đọc.
    Những ai đã đọc truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao hẳn biết nhân vật Thị Nở, do vậy nghe tên sách “Nhà văn như Thị Nở” cũng lấy làm lạ. Bu tui đăng lại bài giải thích tên sách của Phạm Xuân Nguyên ở trang đầu để các bạn chia sẻ với nhà phê bình văn học tài hoa và độc đáo này.




*******************

Thị thấy như yêu hắn: đó là một cái lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn. (Nam Cao).

Chí Phèo sẽ là gì nếu như không có Thị Nở? Câu hỏi đó cứ hiện ra mỗi lần tôi đọc xong tuyệt tác này của Nam Cao. Thì hắn vẫn chỉ là một kẻ cố cùng liều thân. Hắn sẽ không được thức tỉnh ý muốn trở lại làm người. Hắn sẽ không có cơ hội đi đòi lưong thiện. Hắn sẽ không làm được hành động đâm chém lần cuối cùng mang ý thức cá nhân rõ rệt và ý nghĩa xã hội mạnh mẽ. Và rốt cuộc hắn sẽ không được thành một Chí Phèo bất hủ lừng lững trong văn chương và trong cuộc đời. Tôi dám đoan chắc như vậy.
Nếu như không có Thị Nở...
Bạn cứ ngẫm mà xem. Truyện "Chí Phèo" có thể dừng lại ở đoạn tác giả nhắc lại cảnh Chí vừa đi vừa chửi như ở đoạn mở đầu. Đến đó đã đủ thành một truyện ngắn hẳn hoi và hay rồi. Thân phận thằng Chí nổi chìm thế nào nữa người đọc đã có thể đoán biết, đã có thể suy nghĩ ở phía ngoài trang sách, đằng sau những dòng chữ. Kết ở đó Chí Phèo sẽ cứ say bất tận, sẽ cứ chửi vô hồi, sẽ cứ rạch mặt ăn vạ, cứ đâm chém lung tung. Và rồi hắn sẽ bị chết như một công cụ trong tay các phe cánh ở cái làng Vũ Đại ấy, nơi hắn có sinh mà không có sống. Một truyện ngắn như vậy với một nhân vật như vậy kể cũng đã là một điều khao khát một đời cầm bút của không ít người.
Nhưng, thưa các bạn, điều tôi vừa nói chí là sự giả thiết, chỉ là ý tưởng có thể của tôi, của bạn, hay của ai khác nữa, nhưng nhất định không phải là ý đồ của Nam Cao. Ông đau đớn nhân sinh nhiều hơn chúng ta, ồng nghĩ ngợi kiếp người sâu hơn chúng ta, ông viết văn vì đời đậm hơn chúng ta. Chỗ chúng ta có thể bằng lòng dừng lại thì ông mạnh bước đi tiếp. Văn hào Dostoevsky có nói đại ý: suốt đời tôi, tôi chỉ làm mỗi một việc là đẩy tới tận cùng cái mà các vị chi dám làm một nửa. Chính lẽ đó mà truyện Chí Phèo phải có thêm Thị Nở. Cái Thị ấy là ai? Xin thưa: Thị Nở - chính là Nam Cao. Thị Nở - chính là nhà văn. Thị Nở - chính là sứ mệnh của văn chương. Người cầm bút chỉ mong làm được cái việc bình thường mà cao cả như Thị Nở đã làm cho Chí Phèo. Mượn cách nói của Nguyễn Huy Tưởng về Đan Thiềm, tôi muốn nói: cầm bút chẳng qua cùng một dạng với Thị Nờ, cùng lây sự "dở hơi" của Thị.
Trong xóm ngoài làng không ai dám gần Chí Phèo, ai cùng sợ hắn và tránh mặt hắn. Thị Nở thì không sợ Chí Phèo bởi lẽ trưóc hết Thị có ba cái không sợ ai phạm đến: xấu xí, nghèo đói và ngẩn ngơ. Đó là chân dung vật chất và tinh thần cúa Thị Nở. Hình dung đó gợi tôi nhớ đến một vẻ mặt "nhàu nát vì đau đớn" như chân dung khắc họa số kiếp văn nhân xứ sở này. Có phái văn nhân là người như thế: không làm ai sợ và không sợ ai? Chỉ như thế mới có thể thấu hiểu và đồng cảm được với thế nhân cùng khốn, mới nâng đỡ và vực dậv được con người. Chợt nhớ Chế Lan Viên đã có lần viết "nhà thơ cái con mẹ điên". Chính ba cái nói trên của mình đã làm cho Thị Nở không sợ cái thằng mà cả làng phải sợ, hơn thế quen rồi lại thấy hắn có vẻ hiền, về sau, khi Chí Phèo chết, dân làng bàn tán đủ điều, riêng Thị Nờ vẫn thầm nghĩ về cái hiền của hắn. "Làng này khối kẻ sợ anh / Rượu be với chiếc mảnh sành cầm taỵ / Sợ anh chửi đổng suốt ny/ Ch mình em biết anh say rất hiền" (Quang Huy). Nếu không tin hắn hiền làm sao Thị dám yêu thương hắn như một tình yêu.
Tình yêu cúa Thị Nở và Chí Phèo? Vâng, dù sự thực trong truyện là cuộc cưỡng dâm của Chí Phèo đối với Thị NỜ. Nhung cái sự hớ hênh của Thị khi ngủ quên trong vườn chuối "cái yếm xẹo xọ để trật ra cái sưòn nây nây" phơi ra dưới ánh trăng sáng, "rười rượi những trăng", khiến cho Chí trong cơn say nhìn thấv bỗng "run run" thì đó là cảm giác người được đánh thức. Chí thành một Chí Phèo là hậu quả của sự bức tử tính người, chất người trong con người ở cái xã hội làng Vũ Đại. Hắn từ người bị biến thành thú, bị mất tiếng nói và kỷ ức, chỉ sống đời con chứ không phải đời người, rạch mặt mà không thấy đau, quăng quật mà không bị ốm. Cuộc làm tình vói Thị Nờ đã trả lại cho Chí Phèo ký ức và tiếng nói. Trước hết hắn bị cảm - cơn bệnh lý này là của con người, đó là bệnh ngưòi. Và tình yêu của Thị Nờ là ở bát cháo hành, một tình cảm người.
Lòng yêu đó của Thị Nở đã giúp Chí Phèo dứt cơn sav. Tỉnh dậy Chí Phèo thấy lại cuộc đời bình dị và ấm áp qua tiếng chim hót vui vẻ, tiếng ngưòi cười nói xôn xao. Và hắn thấv ra hắn cô độc chứ không mạnh như vẫn tưởng. Cô độc còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau. Nam Cao thật sâu sắc tâm lý. Nhà văn phải đánh thức con người đến tận miền cô đơn bé bỏng của nó. Văn học là phát hiện cho con ngưòi thấy rằng nó vốn yếu ớt, cô lẻ, nên nó mới có nhu cầu khát khao hạnh phúc, hòa hợp. Chí Phèo suýt khóc và hắn đã khóc khi được thức tỉnh về điều nàv. Bát cháo hành của Thị Nở vào lúc đó là đỉnh điểm hạnh phúc của Chí Phèo, đồng thời cũng là khởi điểm tấn bi kịch làm người của hắn. Hắn đã đưọc yêu nên hắn tự biết. Hắn không say đưọc nữa rồi dù có uống lại bao nhiêu rượu. Thị Nở đã khơi dậv trong hắn mơ hồ cảm thức về quyền con ngưòi được lương thiện. Bát cháo hành Thị Nở đă thổi bùng đốm lửa hiền trong con ngưòi hắn thành trận lửa dữ là chính vì cái câu hỏi không có câu trả lời nàv. Hơi cháo hành thoang thoảng mà đủ sức mạnh át cả mùi rượu sặc sụa, mà khiến tàm linh thức tỉnh, mà buộc thằng lưu manh phải vùng lên tìm cách đòi quyền sống. Văn học phải là cái hơi đó. Nhà văn làm sao tỏa đưọc cái hơi đó. Sao cho mỗi trang văn là một bát cháo hành Thị Nở cho người đọc văn.
Cuối cùng Chí Phèo chết, thế tất là vậy. Hắn quen rạch mặt mình để ăn vạ, coi tất cả mọi người là thù địch, lần nàv hắn đâm chết một kẻ thù cụ thể rồi tự đâm chết mình. Dân làng Vũ Đại chỉ thấy Chí Phèo chết mà không tưòng tận cái chết của hắn. May ra Thị Nở hiểu. Và Thị vẫn không nghĩ về hắn khác hơn là một ngưòi hiền. Ngòi bút nhà văn nhân đạo cao cả "tẩy rửa" cho con người là ở chỗ nàv đây. Con người yếu đuối, bất lực và có thể độc ác nữa, nhưng một khi con ngưòi đã hưóng thiện, một khi tính thiện đâ trỗi dậy trong con người, thì văn học phải truvền giữ và phát huy tinh thần đó của con người, cho con người.
Nam Cao là người luôn luôn trăn trở về sứ mệnh nghề văn, về thiên chức nhà văn. Trong truyện "Đời thừa", qua miệng nhân vật Hộ, ông đă tỏ bày một khát vọng văn chưong to lớn của mình như sau: "Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh có hiểu không? Tôi chưa thất vọng đâu? Rồi các anh xem... C một đời tôi, tôi sẽ ch viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy phải ăn giải Nôben vã dịch ra đ mọi thứ tiếng trên hoàn cẩu". Tầm vóc tài năng Nam Cao có thể đạt được như vậy, biết đâu đấy, nếu như... Trong khi chưa có hoàn cảnh viết được tác phẩm vĩ đại đó, ông viết những truyện bình thưòng mà không kém phần lớn lao và sâu sắc. Truyện "Chí Phèo" tôi có thể nói là đã ở trên con đường đi đến khát vọng to lớn ấy của Nam Cao. Và ở đây ông đã hóa thân vào Thị Nở để viết văn đúng như nhừng điều ông tâm niệm: văn học nói đến con ngưòi vừa đau đớn vừa yêu thương.
Trở lại câu hỏi ban đầu tôi muốn khẳng định:
Thị Nở cần cho Chí Phèo như nhà văn cần cho chúng sinh.
- NHÀ VĂN NHƯ THỊ NỞ!
10/1991.


Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

PHONG NHA LÀ GÌ ?

Bến thuyền đi động Phong Nha

Thạch nhũ động Tiên Sơn

Thạch nhũ hình tháp Chàm (động Phong Nha)

Thạch nhũ hình Phật Bà (động Phong Nha)

Thạch nhũ Tóc Tiên (động Phong Nha)

Suối nước Moọc  động Phong Nha



1- Muốn biết vẻ đẹp kỳ ảo của động Phong Nha, các bạn hỏi bác Google sẽ biết được ngay. Bài này bu chỉ quan tâm đến tên gọi Phong Nha, điều mà không phải ai cũng nói đúng, kể cả nhân viên hướng dẫn du lịch. Phong Nha là một từ Hán Việt, thông thường người ta vẫn nghĩ phong là gió (phong thủy, phong ba) nha là răng (nha khoa, nha sĩ). Thực ra, chữ Hán có tới 17 chữ phong và 9 chữ nha, vậy nếu cứ  ghép phong là gió với nha thì chỉ là một phương án lựa chọn trong nhiều cách lựa chọn khác. Có lần một khách ngoại quốc bất thần hỏi người hướng dẫn du lịch Phong Nha là gì, anh này nghĩ nha là gia (nhà) nói trại đi nên giải thích “Phong Nha is the house of wind” (nhà gió). Một nhân viên hướng dẫn khác có đọc sách nói về thắng cảnh Việt Nam, bảo rằng phong là gió, nha là nhũ đá từ trên cao tỏa xuống chi chít như những chiếc răng, vậy “Phong Nha is tooth of wind” (răng gió). Có người đọc tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn” (mông to vú nẩy) của Mạc Ngôn lại suy ra Phong Nha là “vú gió”, hihihi

2- Như đã nói, Phong Nha là từ Hán Việt, vậy muốn biết nghĩa Phong Nha phải xét tự dạng của nó trong sách chữ Hán xưa nhất. Tìm trong “Ô CHÂU CẬN LỤC” là cuốn sách địa chí viết về dãi đất từ Quảng Bình đến bắc Quảng Nam của Dương Văn An ra đời từ 1555 được gọi là xưa lắm. Tiếc thay,  trong đó cụ Dương Văn An gọi động Phong Nha là ….động Chân Linh!! Phải đến 221 năm sau (1776) Lê Quý Đôn mới viết hai chữ Phong Nha trong sách  PHỦ BIÊN TẠP LỤC. Sách này nguyên chữ Hán, do nxb Khoa học xã hội ấn hành 1977 (1). Ở trang 83 ông viết “Châu nam Bố Chính (có) hai tổng. (riêng) Tổng Trứ Lễ 17 xã, 7 phường, 6 trang: …Gia lộc nội,  gia lộc ngoại, Câu hợp, Kim sơn, Phong nha, Gia chiêu….”. May thay, học giả Phan Thuận An là người đã tiếp cận với sách PHỦ BIÊN TẠP LỤC bằng chữ Hán. Ông cho hay hai chữ Phong Nha ở sách này có tự dạng: 衙. Trong đó  Phong  là đỉnh núi () còn nha () là nha môn. Sau này, các sách Đồng Khánh Địa dư chí lược (1888), Đồng Khánh Ngự lãm Địa dư chí đồ (in ở Tokyo 1943, tập hạ, huyện Bố Trạch), Đại Nam Nhất thống chí (1909, quyển 8, tỉnh Quảng Bình) thì tự dạng Phong Nha viết như PHỦ BIÊN TẠP LỤC của Lê Quý Đôn, (tức phong (): đỉnh núi, nha (): nha môn). Riêng chữ nha (衙) từ điển Khang Hy giải  thích : “Phàm bài liệt thành hàng hữu tự nha tham giả giai viết nha” (phàm những gì sắp xếp thành hàng trông giống như các quan lại sắp hàng ở nha môn đều gọi là nha)

3- Một điều lý thú là trong từ điển Từ Nguyên có dẫn ra một câu thơ của Trần Tạo, một thi sỹ đời Tống sống cách nay khoảng 800 năm. “Cao sơn như thọ chúng  phong nha” (Đỉnh núi cao xếp đều đặn thành từng dãy như các quan đứng sắp hàng để nhận lệnh thượng cấp). Nhà thơ đời Tống làm thơ theo cảm hứng, hoàn toàn không vì một địa danh nào . Thực ra, bên Tàu không có nơi nào gọi là Phong Nha.  Bởi vậy Phong Nha ở tỉnh Quảng Bình là địa danh độc nhất vô nhị vậy.
    Cũng theo PHỦ BIÊN TẠP LỤC của Lê Quý Đôn thì Phong Nha là tên một trang ở miền núi tương đương đơn vị làng ở miền xuôi. Các nhà nghiên cứu người Pháp như Buoffier (1930), Antoie và Michel (1932) , Madeleine Colani (1936) kết luận Phong nha vốn là tên làng, mới được dùng đặt tên cho động sớm nhất khoảng năm 1920.
    Du khách đứng trên cầu Xuân Sơn nhìn về thượng nguồn sông Son sẽ thấy vô vàn đỉnh núi đá vôi nhấp nhô như vô tận.  Nơi ấy tàng chứa hàng trăm hang động nổi tiếng thế giới như  Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường, Sơn Đoòng…Tạo hóa xếp hàng các đỉnh núi ở đây đợi chờ tổ chức Liên Hiệp Quốc từ hàng trăm triệu năm nay, mãi đến thế kỷ 21 mới được  UNEXCO xưng tụng và cấp chứng chỉ “Phong Nha kẻ Bàng di sản Thiên nhiên thế giới”.  

------------------------------------------------------
(1)Do các ông Đổ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch. Đào Duy Anh hiệu đính


Đọc tiếp ...