Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

XÁ LỢI PHẬT.


Chùa Giác Quang Tp HCM


Các bảo tháp đựng ngọc xá lợi Phật


Ngọc xá Lợi Phật 


Chiêm bái ngọc xá lợi Phật


Di chuyển ngọc xá lợi Phật ra chuyên cơ boeing 747 


  
5 quyển Đại tạng kinh Việt Nam , trong đó tập 1 là Trường bộ kinh, có chép kinh Đại Niết bàn mà bu tui đã trích dẫn



1- Có lẽ mỗi người trong đời ít nhất một lần nghe nói đến “Ngọc xá lợi Phật”.  Bu tui phải tật tò mò nên muốn biết nó thực chất là gì. Bài viết này không bàn đến giáo lí nhà Phật mà nêu lên sự hoài nghi, có vậy thôi.
   Ngày 6 tháng 6 năm 2009 tại chùa Giác Quang Phật giáo Nguyên thủy (số 47 Lương Văn Can phường 15  Quận 8 TP. HCM) diễn ra đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật lớn nhất Việt Nam.
     Vào lúc 3 giờ 36 phút (6.6.2009) các chư tôn Hòa thượng, chư tôn Thượng tọa, Đại đức tăng ni văn phòng hai, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, cùng chư tôn giáo phẩm Phật giáo Nam tông và Bảo điện, tiến hành đại lễ dưới sự chủ trì của  Hòa thượng Thích Thiện Nhơn phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Sau khi thực hành nghi lễ niệm hương cúng Phật, Ngài cho khai mở các bảo tháp mi ni để mọi người được chiêm bái những viên ngọc xá Lợi Phật và xá lợi các Thánh tăng.  Đấy là những viên bằng hạt đỗ màu trắng lấp lánh như những viên ngọc.  Ban tổ chứ cho hay  “đấy là  phần bảo thân còn lại của đức từ phụ Thích ca mâu ni sau lễ trà tì  (hỏa thiêu) cách nay 2500 năm tại Câu Thi Na Ấn độ. Hiện có 84.000 viên được tôn thờ trên toàn thế giới.
     Sau đại lễ, 16 viên ngọc xá lợi Phật và xá lợi các Thánh tăng đặt trong các bảo tháp được các nhà sư cung kính ôm vào lòng,  ngồi chuyên cơ Boeing 747 ra Hà Nội để an vị  chúng ở chùa Quán Sứ (Hà Nội) và chùa Bái Đính (Ninh Bình).
2- Thế nhưng kinh Du hành (trong hệ kinh Trường a hàm nguyên gốc tiếng Sánkrit được Hán dịch và Việt dịch) có nói khi ngọn lửa trong lễ thiêu bùng lên dữ dội  thì: “Chúng Mạt-La bảo nhau: “Ngọn lửa cháy mạnh quá khó ngăn, e cháy tiêu hết xá-lợi! Hãy tìm đâu lấy nước dập tắt.””
Và sau khi ngọn lửa tắt:
- Được lệnh của các quốc vương, Hương Tánh đến ngay chỗ xá-lợi, cúi đầu đảnh lễ, xong từ từ trước hết nhặt lấy răng trên của Phật để riêng một nơi.
Qua hai đoạn trích kinh Du hành thì dân chúng Mạt La biết chắc khi ngọn lửa cháy to sẽ thiêu rụi hết thi thể. Sau khi họ dùng nước dập tắt lửa thì phần còn lại của đức Phật chỉ là một chiếc răng hàm trêm của đức Phật mà thôi.
    Kinh Đại Niết bàn (trong hệ kinh Trường bộ, được Việt dịch từ tiếng Pa li) nói thêm về xá lợi Phật: “khi thân Thế Tôn đã cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân hay nước giữa các khớp xương thảy đều cháy sạch, không có tro, không có than, chỉ có xương xá lợi còn lại” (mục 6.23 trang 345)

3- Bu tui hoài nghi những viên ngọc lấp lánh  như trong đại lễ cung nghinh ngày 6.6.2009 ở chùa Giác Quang Tp.HCM có đúng là xá lợi Phật không? Nếu đúng thì  kinh Đại Niết bàn viết cách nay trên hai ngàn năm sai. Nhưng sự thực chỉ có một chớ không thể có hai. Rất mong các bậc thức giả chỉ giáo thêm cho. 
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

HỌC SỬ KHÓ LẮM !

Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX
G S Lê Thành Khôi


Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên)
Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp)


Đại Việt sử kí toàn thư  tập 1

1- Cụ Hồ dạy: “Dân ta phải học sử ta”, ai đó gia thêm: “Nếu mà không biết thì tra Gúc Gồ”.  Đấy là nói cho vui, có lần bu tui thử hỏi khó ông Gúc Gồ:  “bài thơ  Nam quốc sơn hà…xuất hiện trong thời Lý Thường Kiệt đánh Tống hay xuất hiện từ thời Lê Đại Hành đánh Tống” ông trả lời liền : “Không tìm thấy ....”
    Câu hỏi trên không chỉ khó với ông Gúc Gồ mà còn khó với các giáo sư sử học thượng thặng. Trong sách “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” (1), ở mục “Cuộc chiến năm 1075 – 1077”  GS Lê Thành Khôi viết:  “Để úy lạo tinh thần quân sĩ, Lý thường Kiệt sai người núp trong miếu thờ thần Trương Hát và dõng dạc đọc bài thơ bốn câu sau đây (tr 187)
Nam quốc sơn hà  Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Tức là GS Lê Thành  Khôi thừa nhận bài thơ trên xuất hiện thời Lý Thường Kiệt đánh Tống) (2)

2- Thế nhưng, Thiền sư, giáo sư Lê Mạnh Thát trong bài “Pháp Thuận và bài thơ Thần sông núi”(3) lại viết: “Theo chúng tôi, ta nên trả bài thơ thần trên về cho cuộc chiến tranh năm 981”(4). Tức là trong cuộc chiến đánh Tống của vua Lê Đại Hành. Tại sao GS Lê Thành Khôi và GS Thiền sư Lê Mạnh Thát lại nói khác nhau như vậy. Bu tui cho là do hai ông dựa vào hai nguồn tài liệu khác nhau. Xin tóm tắt như sau:

* GS Lê Thành Khôi dựa vào  Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT)  do sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn năm 1697 dưới triều Lê Hy Tông.  Sự kiện xuất hiện bài thơ thần “Nam quốc sơn hà …” trong  ĐVSKTT được Ngô Sĩ Liên lại chép theo sách Việt Điện U Linh (VĐUL)  của Lý Tế Xuyên viết từ đời Trần.  Ở trang 124  Sách  VĐUL viết “Triều vua Lý Nhân Tông, quân Tống nam xâm, kéo tới địa hạt của ta, nhà vua liền sai Thái úy Lý Thường Kiệt đặt hàng rào dọc bờ sông (Như Nguyệt) để cố thủ. Một đêm kia, quân sĩ bổng nhiên nghe trong đền (thờ Trương Hống và Trương Hát) cất tiếng cao, ngâm rằng:
 Nam quốc sơn hà  nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Quả nhiên quân Tống không đánh mà đã tan (?) Thần mộng rõ ràng, chẳng sai một mảy may”

* GS - Thiền sư  Lê  Mạnh Thát lại dựa vào sách Lĩnh Nam Chích Quái (LNCQ) của Trần Thế Pháp cũng viết từ đời Trần, ở trang 98, 99 sách LNCQ viết: Đêm ấy Đại Hành mộng thấy hai thần nhân mặc áo mủ vua ban đến bái tạ…  “Canh ba đêm ba mươi tháng mười (năm Tân tị, 981 bu chú thích) trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng, Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng:
Nam quốc sơn hà nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (5)
Quân Tống nghe thấy, xéo đạp vào nhau mà chạy tan, lầm giết lẫn nhau…Quân Tống đại bại mà về. Đại Hành trở về ăn mừng, phong thưởng công thần, tuy phong cho hai vị Thần nhân…”
GS Lê Mạnh Thát còn đưa ra chiều  chứng cứ để khẳng định bài thơ thần trên là của thiền sư Pháp Thuận, một đại quân sư cho vua Lê Đại Hành trong nội chính và ngoại giao.
3- Có người sẽ hỏi: Tại sao sử gia Ngô Sĩ Liên không chép sự xuất hiền bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà…” theo sách Lĩnh Nam chích quái là lúc Vua Lê Đại Hành đáng Tống  (981)  mà lại chép theo sách Việt Điện U Linh là lúc Lý thương Kiệt đánh Tống (1077). Để trả lời câu hỏi này ta hãy nghe sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét về vua Lê Đại Hành: “Đạo vợ chồng là đầu mối của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn, Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là  mở đầu mối họa đó sao ?” (6)
Với Đánh giá đó thì dễ gì sử gia Ngô Sĩ Liên  đem bài thơ như một bản “Tuyên ngôn độc lập” đó của dân tộc gắn cho Lê Hoàn được, mà dựa vào sách Việt Điện U linh ông gắn cho Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến đánh Tống năm 1077.

---------------
(1) NXB Thế giới 11.8.2014
(2) Từ trước Cách mạng tháng 8 cho đến nay có nhiều học giả có cùng quan điểm với GS Lê Thành Khôi cho rằng bài thơ thần của Lý Thương kiệt như : Trần Trọn Kim, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đổng Chi, Dương Quảng Hàm, Văn Tân, Đinh Gia Khánh…
(3)- Theo http://www.sugia.vn
(4)- Cùng quan điểm với GS Thiền sư Lê Mạnh Thát có nhóm tác giả thuộc Hội Sử học Hà Nội, PGS Bùi Duy Tân…
(5)- Chép theo bản A1300 trong trang 99 sách Lĩnh Nam Chích quái.
(6)- Trang 222 sách Đại Việt sử kí toàn thư


Đại Việt sử lược  quyển sử cổ nhất của Việt Nam.(Khuyết danh), được viết từ thời nhà Trần, trước khi Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử ký (1272), GS Nguyễn Gia Tường (VNCH) dịch. Nguyễn Khắc Thần hiệu đính. Sách được lưu trử ở Tứ khố toàn thư triều Mãn Thanh.  Ông Tiền Hy Tộ thuộc Tứ khố toàn thư có viết lời giới thiệu nhưng cho Đại Việt là  phiên thuộc của Tàu nên bỏ đi chữ Đại mà gọi  là Việt sử lược. Sau này ông Nguyễn Gia Tường dich từ Hán ra Việt mới thêm vào chữ Đại, thành ra Đại Việt sử lược như tên cũ của sách.

Tấm hình để bạn Nhật Thành Hồ tham khảo


Bìa gốc sách Ngục Trung Nhật Ký
29.8.1932
10.9.1933
Đọc tiếp ...