Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

DƯỚI BÓNG CÂY CƠ NIA





Đoàn công tác của bu dưới bóng cây Kơnia, QL27 năm 2000



Cứ mỗi lần nghe ca sĩ Măng thị Hội hát bài Dưới bóng cây  Kơ nia bu tui lại thẫn thờ có khi cả buổi.  Thẫn thờ vì nhớ Tây Nguyên, nhớ một chuyến công tác cách nay trên mười năm, bu dừng xe dưới mấy gốc cây cơ nia trên một đỉnh dốc gần đèo Chuối thuộc quốc lộ 27, mở to ca khúc Dưới bóng cây cơ nia lời thơ Ngọc Anh nhạc của Phan Huỳnh Điểu cho cả đoàn nghe. Nhạc quyện vào lời, lời quyện vào tiếng lá cây Kơ nia rì rào ngay trên đầu mình như thổn thức, như  nghẹn ngào, làm  cả đoàn ngồi lặng.  Bu thấy cay cay  khóe mắt nghĩ đến nhà thơ Ngọc Anh, một nghệ sĩ đã để lại cho đời mãi mãi một cây kơ nia tuyệt vời, là một nghệ ỹ vô danh.
    Ngọc Anh và Nguyên Ngọc là học sinh nhập ngũ cùng  một ngày, cùng làm lính, làm phóng viên mặt trận, rủ thêm Nhật Lai nữa lên Tây Nguyên, vì hăng hái, vì lãng mạn, vì thích phiêu lưu mạo hiểm. Ba ông lang thang khắp Tây Nguyên suốt thời kỳ đánh Pháp, làm đủ thứ việc không tên và có tên:  Đánh giặc, làm rẫy, đi vận động quần chúng, tổ chức du kích, vũ trang tuyên truyền…cả rong chơi la cà trong các buôn Ê đê, Giarai, Mơnông, Sêđăng, Triêng Dẻ, Cor…Trong ba người thì Ngọc Anh đẹp trai nhất, đẹp đến nỗi có lần đóng kịch hóa trang giả làm con gái, Nguyên Ngọc đứng cạnh bổng lúng túng  ngượng ngùng đến đỏ mặt như đứng cạnh một giai nhân.  Thế nhưng trong ba người thì Ngọc Anh là Tây Nguyên nhất, Nguyên Ngọc tự nhận “Chúng tôi hình như ít nhiều có “làm ra vẻ” Tây Nguyên. Ngọc Anh thì Tây Nguyên từ trong máu” (1). Tập kết ra bắc Nhật Lai đã thành nhạc sỹ tiếng tăm, Nguyên Ngọc là nhà văn nổi tiếng với tiểu thuyết Đất nước đứng lên, còn Ngọc Anh  âm thầm về Ban Dân tộc Trung ương làm một cán bộ nghiên cứu. Có lần Nguyên Ngọc giục viết gì đi chứ, Ngọc Anh chỉ cười.  
 

*
*  *

     Khoảng 1956 1957, trên các báo rải rác thấy đăng một số bài thơ  Tây Nguyên, bên dưới chỉ ghi “Dân tộc Bana”, “Dân tộc Êđê” kèm theo dòng chữ nhỏ hơn trong ngoặc đơn “Ngọc Anh dịch”. Nhà văn Nguyên Ngọc cho hay “Chính tôi mãi về sau này mới biết chẳng phải “dịch” gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Hàng chục, hàng trăm bài. “Bóng cây kơnia” là bài hay nhất. Lạ lùng thay, tôi phải viết hàng mấy trăm trang hì hục để có một chút gì đó Tây Nguyên. Ngọc Anh chỉ viết:

Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc

***
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ

***
Rể mày uống nước đâu?
Uống nước nguồn miền Bắc

***

Bài thơ được phổ nhạc, làm rung động mọi tâm hồn Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc, cũng làm rung động cả những dân tộc ngoài biên giới Việt Nam khi nghe ca sỹ Măng thị Hôi đến biểu diễn.  Nhà thơ Ngọc Anh đã gieo hạt kơnia vào mỗi tâm hồn Việt Nam,  mọc thành cây  xanh tươi, tỏa bóng mát cho rất nhiều thế hệ.  Ấy vậy mà  mỗi lần trình bày ca khúc Dưới  bóng cây kơnia người ta chỉ nói vắn tắt “Sáng tác của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu”, Ngọc Anh trở thành vô danh.

*
*  *

        Năm 1964 nhà thơ Ngọc Anh hy sinh dưới chân núi Ngọc Linh huyện Đak Glei phía bắc tỉnh Kon tum.  Hai mươi ba năm sau chị Xoa vợ nhà thơ Ngọc Anh  cùng con trai tên là Bắc vào tìm hài cốt chồng.  Cuộc tìm kiếm được sự giúp đỡ của các vị lãnh đạo Gialai và Kontum diễn ra ròng rã trong  sáu tháng trời.  Đến một buổi trưa, ở chân núi Ngọc Linh, trong một làng của người Cor, anh cán bộ công tác thương binh xã hội của tỉnh thắp nhang khấn vái, cầm rựa đi chặt một mắt tre làm chén tạm rót rượu bổng vấp một hòn đá nằm sâu trong đám lá mục. Anh moi tiếp lá mục quanh hòn đá thì phát hiện ra đá được xếp theo hình chữ nhật, ra ngày ấy  những người lính chôn cất đồng đội đã cẩn thận xếp đá quanh mộ để đánh dấu…cho ngày hôm nay! Chị Xoa còn nhận ra được chiếc  răng sâu bên trái hàm trên của người chồng chị chỉ được chung sống trước sau vẻn vẹn có bốn mươi ngày…Mộ Ngọc Anh bây giờ đặt ở nghĩa trang liệt sỹ Điện Bàn Quảng Nam. Tấm bia bia nhỏ ghi dòng chữ đỏ:

Liệt sĩ Ngọc Anh
Nhà văn
     
Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định “Trong danh sách tất cả hội viên Hội nhà Văn Việt Nam trước nay kể cả những người đã mất do Ban công tác hội viên của Hội lưu trử đến nay có tất cả 592 người. Không có tên Ngọc Anh”.  (1)
    Người nghệ sĩ đã để lại cho đời mãi mãi một cây kơnia tuyệt vời là một nghệ  sĩ vô danh.

***********

 Mời bạn thưởng thức ca khúc Dưới bóng cây kơnia, thơ Ngọc Anh nhạc Phan Huỳnh Điểu theo địa chỉ sau: 




(1) Theo Tản mạn nhớ quên của Nguyên Ngọc 



Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

NĂM TỴ NÓI CHUYỆN RẮN






Trong tất cả các loài động vật thì rắn duyên nợ với con người sớm nhất.  Phần Sáng thế của kinh Cựu ước cho hay khi Thiên chúa tạo ra nhân loại đầu tiên là ông Ađam và bà Eva thì đã có rắn.  Bà Eva vâng lời Thiên chúa  nhắc nhở về trái cấm “Các ngươi không được ăn, không được động tới kẻo chết”. Nhưng rắn bảo với bà Eva “Chẳng chết chóc gì đâu…ăn trái cây đó mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ như những vị thần biết điều thiện điều ác”.  Quả đúng như thế, vừa ăn xong trái cấm bà Eva liền chạy núp vào chỗ kín vì xấu hổ thấy mình trần truồng…Nếu quả đúng thế thì ngày nay con người phải biết ơn rắn, nhờ nó mà chúng ta biết xấu hổ, biết lẽ phải trái, thiện ác trong ứng xử.        
    Với các nhà khoa học thì rắn là động vật bò sát thuộc bộ có vảy, một nhánh của nhóm thằn lằn biến đổi thích ứng với chuyển vận bò bằng bụng và nuốt con mồi có kích thước lớn.  Một số loài rắn có hố má ở vào khoảng giữa mắt và mũi, chứa nhiều nút thần kinh, có thể phân biệt nhiệt độ đến mức chênh lệch 0,2 độ C ở khoảng cách vài ba centimet.  Hiện đã biết trên ba ngàn loài rắn xếp trong mười họ như trăn, rắn hai đầu, rắn mống, rắn da cóc,  rắn nước, rắn biển, rắn đuôi kêu…Rắn sống trên đất, trên cây, ăn chim, thú, thằn lằn….rắn biển ăn cá, rắn nước ngọt ăn ếch nhái, thịt rắn ăn được, da để thuộc, nọc đọc làm thuốc. Ở Việt Nam hiện có 140 loài trong đó có nhiều loài rắn độc như  rắn hổ mang, rắn hổ chúa, rắn cạp nong, rắn mai gầm,  rắn cạp nia, rắn lục…Rắn sinh sản bằng trứng, ấp bằng cách gạt trứng  thành đống  rồi cuộn tròn phủ lên. Riêng rắn biển đẻ con.  Rắn biển còn gọi là đẻn có cấu tạo đặc biệt để sống trong nước. Toàn thân dẹt, đuôi hình mái chèo, lỗ mũi có van chắn nước lọt vào trong.  Vùng quanh họng có các tuyến với hệ thống mao mạch phát triển có khă năng hấp thu oxy hòa tan trong nước.
             Rắn có mặt trên toàn thế giới và trở thành biểu tượng văn hóa riêng cho từng dân tộc. Người  Pícmê  vùng nam Camơrun vẽ rắn thành một vạch thẳng, xem nó là con đường, nhưng là đường sống, đường không có khởi đầu, không có kết thúc, nó có thể kéo dài bất tận về phía này hoặc phía kia. Nhưng khi sống động dậy, nó có khả năng biểu hiện mọi thứ, hóa thân thành mọi thứ.  Trong khi nhiều nơi cho  rắn là con vật có xương sống hiện thân cho tâm hồn hạ đẳng, cho cái tâm tăm tối, cho cái không bình thường, khó hiểu, huyền bí, thì tại Ấn Độ những người phụ nữ muốn có con phải nhận một con rắn hổ mang làm con nuôi. Người Tupi- Guarani ở Braxin thì cầm một con rắn quật vào háng người phụ nữ vô sinh để họ trở thành mắn đẻ. Ngoài ra, rắn canh giữ linh hồn trẻ con mà chúng phân phối cho loài người lần lượt theo nhu cầu của họ. Ta đến bất cứ ngôi chùa khơme nào cũng thấy biểu tượng con  rắn nhiều đầu được trang trí ở các góc mái, lan can, cột cờ, hình tượng  giống như rắn hổ mang, với cái mang phình ra rất to, trong đó 9, hoặc 7 hoặc 5 đầu rắn.  Người Khơ me ở Cam phu chia cũng như  ở Nam bộ Việt Nam gọi rắn là naga.  Theo truyền thuyết thần Naga là một công chúa có thân cốt rắn, luôn luôn ở trong ngôi tháp vàng, đêm đêm hiện thân bảo vệ cho nhà vua Khơ me. Người Khơ me Nam bộ cho rồng và rắn chung một loài, rắn là rồng nhỏ,  rắn lớn  là rồng.  Trong truyền thuyết phật giáo nói chung cũng cho rằng thần Naga 7 đầu che chở cho thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền dưới gộc cây bồ đề để sau đó thành Phật.
      Trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, người Việt còn thờ một số động vật như chim, rắn, cá sấu. Dân gian có câu “Nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng” . Thực ra hình tượng con rồng linh thiêng biểu trưng cho nòi giống tiên rồng của người Việt mang đầy đủ hai nét đặc điểm của cá sấu (đầu, vảy, chân) và rắn (thân dài). Do sự họ hàng gần gũi này mà âm lịch đã đặt cặp thìn - tỵ (rồng - rắn) đi cạnh nhau.  Một số bản tính của rắn được ám chỉ cho tính cách con người xuất hiện nhiều trong thành ngữ người Việt. “Thẳng như rắn bò” “lò dò như rắn mùng năm”. Với những kẻ bịa đặt khác sự thật là “Vẽ rắn thêm chân”. Phường tráo trở miệng nói ngọt mà lòng dạ độc ác là “Khẩu Phật tâm xà”. Với những kẻ phản bội tổ quốc, xem kẻ thù là bạn hữu được cho là “cõng rắn cắn gà nhà”… Quan hệ xã hội, sự phân chia giàu nghèo, giữa trọng và khinh,  được người dân ý thức, nhắc nhở nhau: “Khó khăn ở quán ở lều, bà cô ông cậu chẳng điều hỏi sao. Giàu sang ở tận bên Lào, hùm tha rắn cắn tìm vào cho nhanh”. Rắn có mặt duy nhất một lần trong  truyện Kiều của Nguyễn Du, đấy là khi nàng Kiều rơi vào thanh lâu lần thứ hai, có ý định trốn thoát “Thân ta ta phải lo âu, miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”. Trong các cuộc hò đối đáp giữa  trai gái  thôn quê, rắn cũng có mặt. Cô gái cất lời đố “con gì không chân đi năm rừng bảy rú, con gì không vú nuôi chín mười con”, anh con trai dáp lại “Con  rắn không chân đi năm rừng bảy rú, con gà không vú nuôi chín mười con” . Trong tình yêu nam nữ không chỉ có hoa lá trăng sao mà có cả.. rắn. Đã thương nhau thì theo nhau cho tới cùng “Đôi ta như rắn liu điu, nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau”. Yêu là tương tư, là thương nhớ “Con quạ đen, con cò trắng. Con ếch ngắn, con rắn dài. Em trông anh trông mãi trông hoài. Trông cho thấy mặt thân này mới yên”. Cũng có lúc giận dỗi trách nhau ngay cả khi không còn sống trên đời “Con rắn hổ đất nằm trên cây thục địa. Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên. Trách anh bạn tình gian dối đảo điên. Gạt em xuống chốn huỳnh tuyền bỏ em”.
         Vùng sông nước Cà Mau, U minh, có  nhiều loài rắn, người ta đặt hẳn một bài lô tô thống kê các thứ rắn và đặc tính của chúng, “U Minh nước đỏ/ Choại, dớn, cóc kèn/ Ăn ở cho hiền/ Dạo chơi với rắn/ Bất kỳ sâu cạn/ Rắn nước, rắn râu/ Bay trên trời cao/ Rắn rồng uốn khúc/ Chạy ngang chạy dọc/ Rắn ngựa phóng theo/ Hút gió thiệt kêu/ Là con rắn lục/ Mái rầm lục đục/ Bò chậm như rùa/ Mổ xuống bất ngờ/ Hổ mây ẩn nấp/ Coi chừng nó quất/ Là con rắn roi/ Ra đồng dạo chơi/ Là rắn bông súng/ Đựng đầy một thúng/ Là rắn cạp nia/ Ăn rồi ngậm nghe/ Hổ hành nấu cháo. Thực ra cháo rắn chỉ là một trong nhiều món ăn chế biến từ rắn. Ngoài ra còn các món như rắn nướng trui, rắn hầm sả…Rượu ngâm rắn còn dùng làm thuốc trị mỏi gối,  đau lưng, thận hư, khí nhược. Bình rượu gồm bộ ba mai gầm, rắn ráo, cạp nong, gọi là tam xà tửu. Thêm cặp rắn lục và cạp nia là ngũ xà tửu.  Càng nhiều rắn càng quý nhưng thông thường cũng chỉ đến 7 con - thất xà tửu.
    Nam bộ có nhiều rắn, nhiều tửu đồ nhậu rắn, nhưng có hẳn một làng chuyên nghề bắt rắn, nuôi rắn, tạo ra văn hóa ẩm thực rắn, làm hàng mỹ nghệ từ da rắn phải kể đến làng Lệ Mật ở Gia Lâm Hà Nội.  Ở đây người người bắt rắn, nhà nhà nuôi rắn, chế biến rắn.  Có thể nói Lệ Mật là trung tâm rắn lớn nhất miền bắc. Vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm làng tổ chức lễ hội rất rầm rộ. Khắp trong đình ngoài làng trang hoàng lộng lẫy, cờ quạt đủ loại, đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút. Phần hội diễn ra sôi nổi với trò múa rắn hết sức độc đáo. Con rắn được làm bằng nan tre bọc vải màu sặc sỡ tượng trưng cho thủy quái mà chàng trai họ Hoàng thời nhà Lý hạ gục, chàng được làng tôn làm thành hoàng. Trong lễ hội có hàng ngàn con rắn khắp nơi trên cả nước đến dự thi. Tiêu chuẩn thắng cuộc để giành vương miện là rắn to, rắn dài, rắn đẹp, hay rắn lạ .
      Những người tin vào thuật Phong thủy và triết lý Âm dương Ngũ hành cho rằng những đứa bé sinh vào năm Quý tỵ 2013 có tương lai tốt đẹp và gặp nhiều may mắn. Các bậc bố mẹ  hãy cứ tin  như thế, vì tin vào điều tốt đẹp vẫn còn hơn là  không tin vào gì cả .  


Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

CÔ ĐƠN


 Cô đơn là quả chín vàng
Thế gian trồng để tặng nàng tặng tôi 
Mỉm cười hai đưa chia đôi 
Nàng thương dành để cho tôi phần nhiều   

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

HOA HẬU LÀ GÌ ??

Công thị Nghĩa, hoa hậu đầu tiên của Việt Nam đăng quang
ở Sài Gòn năm 1955 lúc 23 tuổi

Người đẹp Ấn Độ đã từng đoạt
vương miện hoa hậu thế giới năm 1994

I- Hỏi nhau thế có vẻ lẩn thẩn nhưng xem ra không dễ trả lời. Có người bảo hậu là vợ vua, mà vợ vua thì đẹp như hoa tức là là hoa hậu. Nghe có vẻ chí lí ? Nhưng trong thiên hạ biết đâu có người đẹp hơn vợ vua nhưng ngài không biết để chọn về làm vợ thì sao? Có điều lạ, là từ điển Hán Việt của các tác giả: Thiều Chữu, Đào Duy Anh, Nguyễn Tôn Nhan, Trần văn Chánh, Trần thị Thanh Liêm, Lý lạc Nghị và Jim Waters chỉ có từ hoa khôi, không có từ hoa hậu. Mà không có cũng phải vì ở Việt Nam ta từ hoa hậu xuất hiện lần đầu ở Sài Gòn năm 1955 do chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm tổ chức thi và người đẹp Công thị Nghĩa đoạt giải hoa hậu. Mãi đến năm 1988 báo Tiền Phong của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức thi người đẹp và Bùi Bích Phương được đăng quang Hoa Hậu. Sau đó từ hoa hậu xuất hiện nhiều trên báo chí như hoa hậu du lịch, hoa hậu áo tắm, hoa hậu áo dài, hoa hậu ảnh, hoa hậu thời trang, hoa hậu ngàn đô…

II- Hoa hậu là từ Hán Việt, để định nghĩa nó bu liệt kê ra đây các chữ “hoa” và các chữ “hậu” sau đó tiến hành “lắp ghép” và phân tích.

* Về chữ hoa:
Người Tàu có 14 chữ hoa. Để cho ngắn gọn bu chọn ra hai chữ phù hợp với câu chuyện đang bàn.
1 - 華 (hoa): Vầng sáng, trong từ vinh hoa…
2 - 花 (hoa): Hoa của cây cỏ.


* Về chữ hậu:
Người Tàu có 6 chữ hậu, bu chọn ra hai chữ.

1- 後 (hậu): Sau (thời gian). Phản nghĩa với tiên 先, tiền 前.
2- 后 (hậu) : Vua, vợ vua.

* Lắp ghép các chữ hoa và các chữ hậu ta có bốn từ “hoa hậu”như sau:
1- 華 後 (hoa hậu): Sau vầng sáng
2- 華 后 (hoa hậu): Vua (hoặc vợ vua) được vinh hoa
3- 花 後 (hoa hậu): Phía sau bông hoa
4- 花 后 (hoa hậu): Vua các loài hoa (không thể nói vợ vua của các loài hoa)


III- Trong bốn từ hoa hậu ở trên thì bu tui chọn từ hoa hậu ở mục 4 làm “đáp án” trả lời. Hoa hậu 花 后 là vua các loài hoa. Xưa nay người đẹp được ví với hoa, vậy vua của các loài hoa là người đẹp nhất trong các người đẹp. Người đăng quang hoa hậu được đội vương miện (王 冕 ).Vương miện là gì? Là mủ của vua. Vậy vua của hoa mới được đội vương miện chớ dân đen thì làm sao mà đội được thứ đó?

Hehehe …bạn nào có cách giải thích đúng hơn xin được chỉ giáo

Bulukhin

Monday, September 17, 2012 10:42:19 AM
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

SỰ TÍCH TÊN LÀNG PHÚC LÂM VÀ ĐỈNH LÈN TIÊN GIỚI


        Hai ảnh trên: Cầu Chợ Gát bắc qua sông Gianh gần lèn Tiên Giới

    Lèn Phúc Lâm có đỉnh Tiên Giới (Vẫn gọi là lèn Tiên Giới) . Nhà              bu ở trọ trước đây trong lũy tre phía phải


Hồi học cấp hai bu ở trọ nhà một người bà con ngay trên hữu ngạn Nguồn Nậy (Sông Gianh) đối diện với lèn Phước Sơn. Mùa lũ nước sông dâng cao, chảy xiết, trong các hang lèn bị ngập nước phát ra tiếng bùng bùng, bùng bùng… nghe huyền bí và hãi hùng. Dân Chợ Gát nói là trống nhà trời hội quân, báo lụt, và kể một câu chuyện tình tươi tắn nụ cười cùng đầm đìa nước mắt.  Mỗi người kể một cách, bu biên tập lại…

Ngày xưa, vùng đất rộng nằm ở phía nam lèn Phúc Sơn là rừng đại ngàn đầy hổ báo, có tiếng linh thiêng, dân quanh vùng không một ai dám lai vãng. Cũng thời đó, ở vùng Phúc Lâm hạ có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, sức vóc hùng dũng, thông thuộc kinh sách thành hiền. Bố mẹ mất sớm, chàng ở một mình, sớm hôm cày sâu cuốc bẫm nuôi thân và giúp  đỡ bà con làng xóm. Một hôm, chàng cần có vài cây gỗ tốt để dựng lại nhà, và đánh liều vác rìu vào khu rừng thiêng nọ. Chàng đi mãi, đi mãi, bổng gặp một hồ nước trong veo, lấp lánh đàn cá ngũ sắc bơi lội. Chung quanh hồ mọc đầy hoa thơm, cỏ lạ, líu lo tiếng chim rừng đua hót. Chợt có tiếng nói tiếng cười phía cuối hồ vọng lại, chàng nhìn kỹ thì thấy chín cô gái tóc xanh như da trời, da trắng như tuyết đang nô đùa bơi lội. Hàng cây trên bờ treo đầy xiêm áo, toàn một màu trắng lấp lánh ánh ngọc. Ở một nơi khác xếp những cặp cánh trắng muốt giống cánh chim hạc.  Chàng kín đáo nấp sau một thân cây, ngắm nhìn chín trang giai nhân tuyệt thế. Biết là mình đang làm một việc vụng trộm, nhưng những tấm thân ngọc ngà kia cứ khơi dậy trong chàng một nỗi khát khao mãnh liệt. Không cưỡng lại được ý muốn giữ lại một người đẹp, chàng bí mật đi vòng sang bên kia hồ, chọn lấy một đôi cánh đem giấu thật kỹ vào hang đá. Sau khi đã hoàn thành việc đốn gỗ về dựng nhà chàng quay lại thấý mặt hồ vắng ngắt, chỉ có tiếng gió rung cây và tiếng gầm gào của thú dữ. Chàng buồn bã đi quanh hồ đưa mắt tìm kiếm. Chợt thấy một cô gái ngồi khóc trên một tảng đá dưới vòm cây. Biết có người đang tiến lại gần, cô gái nép mình vào chỗ khuất và cất tiếng hỏi:
- Nhà ngươi là ai, không được đến gần ta
Chàng trai ôn tồn:
- Nàng đừng sợ. Ta sẽ không làm gì có hại cho nàng. Là chủ nhân của xứ sở này ta hỏi nàng là ai, tại sao lại ngồi buồn khóc ở đây?
Nghe chàng trai nói năng đĩnh đạc, tỏ ra là bậc thức giả, cô gái bình tỉnh lại, giọng nghẹn ngào mà êm ái.
- Ta là tiên nữ sống trên thiên đình. Sau giờ chầu Ngọc Hoàng, chín chi em ta vẫn bay lượn vui chơi đây đó. Qua vùng này thấy cảnh sắc thơ mộng, lại có hồ nước mát bèn ghé xuống nô đùa bơi lội. Không may ta bị ai lấy mất đôi cánh không thể bay về trời được.
- Các chị em  nàng là tiên nữ, mà không giúp được gì cho em, để nàng phải ở lại cõi trần này sao.
- Sau khi tìm mãi không thấy đôi cánh, chị cả ta nhẫm tính và nói “tiểu hạn em phải qua sáu tháng, sau thời gian đó chị em mình mới được đoàn tụ”
- Sáu tháng trên thiên đình là sáu năm dưới hạ giới, chả nhẽ nàng định ngồi đây uống nước hồ và sống giữa hổ báo rắn rết sao. Chi bằng nàng về ở tạm nhà ta. Cuộc sống trần gian còn nhiều khổ ải, song niềm vui của nó thì trên cõi tiên của nàng không thể có được.
Khuôn mặt ngàng đã lộ vẻ tươi vui, nhưng vẫn nói
- Em là tiên nữ, chàng là người phàm trần, làm sao sống trong cùng nói vậy là do quá tự phụ về nguồn gốc xuất thân của mình đó một ngôi nhà được.
- Nàng thôi, chứ tiên nữ hay người phàm trần thì cũng đều do tạo hóa sinh ra. Với lại cảnh đẹp hạ giới còn làm chị em nàng say đắm được, vậy con người hạ giới há chẳng đem đến cho nàng chút ít  niềm vui và hạnh phúc sao.
     Nàng tiên hết lý lẽ từ chối, cắn môi im lặng, rồi rụt rè cùng chàng trai đi về ngôi nhà đơn sơ mà chàng vẫn ở. Chàng băn hoăn không biết gọi tên nàng là gì  để cuộc sống hai người hòa nhập được với làng xóm. Đọc được ý nghĩ đó của chàng, nàng nhoẻn cười: “Duyên kỳ ngộ giữa em và chàng bắt đầu từ cánh rừng kia, chàng lại đã hứa đem đến cho em những ngày hạnh phúc. Vậy chàng hãy giới thiệu với bà con dân làng em tên là Phúc Lâm – Cánh rừng hạnh phúc.”
  ***    
 Từ đó người đẹp Phúc Lâm bắt đầu một cuộc đời thôn nữ. Nàng tập cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Phúc Lâm rất mực yêu chồng và được họ hàng thôn xóm thương yêu quý mến. Cuộc sống hai người êm đềm trôi qua với đứa con trai gần ba tuổi, Cậu bé đỉnh ngộ như cha và có cốt cách tiên nhân của mẹ. Đôi uyên ương những tưởng hương đượm lửa nồng mãi mãi. Nào ngờ một ngày kia nhà vua có lệnh triệu chàng vào quân ngũ để chống ngoại xâm nơi biên thùy. Nàng Phúc Lâm dùng dằng không muốn xa chồng. Chàng cũng quyến luyến không nỡ rời vợ con, nhưng vẫn nói: “em ở nhà cố gắng làm lụng nuôi con, nghĩa vụ làm trai không thể ngồi yên nhìn quân thù xâm lăng bờ cõi, đất nước yên bình anh sẽ về”
        Những ngày chàng ra trận mạc, nàng Phúc Lâm chung thủy chờ chồng nuôi con. Một hôm vào rừng hái củi, nàng ghé thăm lại hồ nước và bồi hồi nhớ lại kỷ niệm ngọt ngào thuở xưa. Bổng nhiên trời đất tối sầm, sấm chớp, gió mưa vần vũ. Nàng sợ hãi chạy nấp vào một hang đá. Không ngờ tại đây Phúc Lâm nhìn thấy đôi cánh của mình bị ai dấu kín trong một ngách đá mấy năm về trước. Trở về  ngồi bên con lòng dạ Phúc Lâm rối như tơ vò, tính ra tiểu hạn nàng phải chịu trong sáu năm đã hết. Không trở về trời là trái lệnh Ngọc Hoàng mà trở về thì xa chồng và bỏ lại con thơ nơi trần thế. Nàng tích trử lương thực , thực phẩm nhờ người bà con nuôi đứa bé, lại lấy một tấm lụa viết lại cho chồng “Em rất đau lòng phải về trời theo mệnh lệnh Ngọc Hoàng. Nếu chậm trể chắc ngài sẽ nỗi giận mà phá hủy hết thảy thế gian, lúc bấy giờ chàng và con trai chúng ta gặp phải đại họa. Nay chàng mất em, con mất mẹ, nhưng hai người vẫn bảo toàn được tính mạng, làng xóm quê hương vẫn còn. Em xin chịu tôi với chàng, vĩnh biệt”
   ***
  Chồng Phúc Lâm trở về quê quán thấy cửa nhà tiêu điều, cậu con trai nhớ mẹ mặt mày vàng võ tiều tụy. Chàng giận Phúc Lâm và không cầm nỗi nước mắt trong cảnh gà trống nuôi con. Cho đến lúc đọc được những dòng chữ của Phúc Lâm chàng mới hiểu ra sự thể. Đứa bé ngày mỗi lớn lên và luôn đòi được gặp mẹ, chàng không cách nào dỗ dành cho nó nguôi ngoai được. Một buổi tối chàng dẫn con ra trước sân nhà, ngẩng nhìn bầu trời đầy sao, thầm khẩn cầu trời đất cho con thơ được nhìn thấy mẹ. Khi quay vào nhà chàng ngạc nhiên thấy một cụ già râu tóc bạc phơ nhìn cha con chàng cười hiền hậu. Cụ già bảo:
- Ta sẽ giúp nhà người gặp lại Phúc Lâm với một điều kiện.
Chàng trai quỳ xuống khẩn thiết.
- Điều kiện gì xin cụ nói ra, khó khăn đến bao nhiêu con cũng theo được.
- Khi gặp lại nàng, nhà người phải thú tội đã giấu đi đôi cánh tiên sáu năm về trước.
- Thưa cụ con sẽ làm như cụ dạy bảo.
- Bây giờ nhà ngươi trải tấm lụa có bút tích Phúc Lâm ngay giữa sân  rồi bế con trai ngồi lên trên, mắt nhìn lên ngôi sao sáng nhất đang nhấp nháy rõi nhìn xuống hạ giới.
Chàng trai làm xong mọi việc theo lời cụ già, tấm lụa bổng nhiên bốc cháy, một luồng khói bốc mạnh từ từ đưa cha con chàng đi vào khoảng không, làm chàng mê man không còn hay biết gì nữa.   
   ***
Khi tỉnh dậy, chàng bàng hoàng thấy mình nằm trong một cung điện cực kỳ tráng lệ, giữa một không gian ngát hương hoa và tiếng nhạc véo von. Nàng Phúc Lâm bế con trai ngồi cạnh nhìn chàng tươi cười mà đôi mắt ngấn lệ. Từ đó hai người sống giữa muôn vàn lầu son gác tía, suốt ngày chỉ việc vui chơi và dự yến tiệc. Nhưng sau đó ít lâu, chàng trai kém vui, lười ăn biếng nói, nàng Phúc Lâm hỏi thì chàng bảo:
- Ta không hề phiền muộn gì về lòng thủy chung như nất của em, không hề thấy thiếu thốn gì trong tình cảm vợ chồng mà em đã trao gởi cho ta kể từ ngày đầu gặp gỡ. Nhưng ở cõi tiên này con người không lo bệnh tật ốm đau nên không ai biết quý trọng sức khỏe,  không có cày sâu cuốc bẫm nên không ai biết đến niềm vui được mùa, không có chết chóc chia lìa nên không ai biết quý trọng người ruột thịt. Con người khi không còn nỗi lo và sự khổ đau để biết là mình đang hạnh phúc thì hạnh phúc ấy trở thành vô nghĩa. Vậy em còn thương yêu ta, thương yêu con, thì hãy cùng ta xin phép Ngọc Hoàng quay về hạ giới.

***

Phúc Lâm đã từng sáu năm làm người trần thế nên thấu hiểu những điều chồng nói. Nhưng gặp Ngọc Hoàng để trình tấu một việc xưa nay chưa từng xẩy ra không phải là dễ. Đang phân vân chưa biết phải làm cách nào thì vợ chồng Phúc Lâm có lệnh thiên đình đòi vào cửa khuyết. Những tưởng Ngọc Hoàng nỗi trận lôi đình, không ngờ Ngài nhân từ bảo:
- Ta cai quản cả nhân gian vũ trụ này nên ta biết hành vi và ý nguyện các con. Xét thấy tình yêu của hai con thực sự thủy chung son sắt, đáng được làm gương cho người trần thế.
      Nói rồi, ngài  truyền cho Hoàng Cân lực sĩ chuẩn bị phương tiện cho vợ chồng  Phúc Lâm trở về hạ giới. Đến cửa trời lực sĩ bào hai người bế con ngồi vào một con thuyền lớn, trên thuyền đặt một chiếc trống đại. Trước khi thòng dây thả thuyền xuống, lực sỉ dặn: Về đến mặt đất, các người phải đánh lên một hồi trống rõ to để ta cắt dây và báo lên thiên đình.
 *** 
Chiếc thuyền từ từ tiến về mặt đất, nhìn lên thiên đình chỉ còn là một vòm xanh lấp lánh, mặt đất đã hiện ra dần dần với con sông Nguồn Nậy (sông Gianh) quanh co uốn khúc, với dãy lèn đá chạy theo hướng đông nam, với hồ nước nơi hai người đã từng gặp gỡ. Trong khi vợ chồng Phúc Lâm mê mãi nhìn về cảnh cũ thì cậu con trai làm đổ thức ăn lên mặt trống, một con chim lạ bay qua thấy vậy liền mổ ăn làm trống phát lên thành tiếng. Lực sĩ chợt nghe liền cắt dây làm con thuyền lao vun vút và bốc cháy. Ông ta biết là mình nhầm, bèn hóa phép biến ba người thành ba đỉnh nhọn trên lèn Phước sơn khi chiếc thuyền vừa rơi xuống đó.
      Về sau dân vùng này gọi lèn Phước Sơn là lèn Tiên, chóp nhọn cao nhất là đỉnh Tiên Giới, các bậc thức giả  còn đặt tên chữ là lèn Ngọc Nữ Lâm Phong, gọi tắt là Ngọc Nữ Phong. Tên nàng tiên về làm dâu cõi trần được dân lấy đặt tên làng, gọi là làng Phúc Lâm (ngày nay thuộc xã Phong Hóa, Tuyên Hóa, Quàng Bình). Truyền thuyết còn kể rằng cùng với việc vợ chồng Phúc Lâm và đứa con hóa đá thì nước hồ dâng cao tạo thành dòng chảy xiết xuyên qua chân lèn Phước Sơn, tạo thành nhiều hang hốc thông ra tận Nguồn Nậy. Chiếc trống không bị cháy nằm kẹt lại trong hang. Ngày nay, cứ mùa lũ đến, nước sông dâng cao, tiếng trống lại phát lên tiếng bùng, bùng, bùng…. nghe thâm u huyền bí. Dân quanh vùng bảo vợ chồng Phúc Lâm đang nhắc nhỡ mọi người canh chừng lũ lụt, và cảnh tỉnh các quan chức nhà trời trên thiên đình đừng chểnh mảng với công vụ mà gây đại họa cho hạ giới.
  ***
 Mới đây bu tui có dịp thăm lại nơi mình trọ học thuở còn đầu trần chân đất và ghi lại được bài thơ của một vị qua huyện đã từng đóng trụ sở ở vùng Phúc Lâm ngày xưa, xin chép lại:
 Tiên giới lèn này ở Phước Sơn
Lâm Phong Ngọc Nữ thấy dung nhan
Thanh cao trước hẳn chầu Tiên Khuyết
Trích giáng nay còn ở thế gian
Trời rạng ngàn năm trăng rọi tỏ
Sông bao ba phía nước hồi loan
Ở gần huyện lỵ, không xa cách
Hỏi có tình chi với huyện quan
    
Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

CU BẮP

Biển Khe Gà (Bình Thuận)
Bố con cu Bắp ở Mũi Khe Gà

Cu Bắp (cháu ngoại dơ chân)
Cu Rơm (Cháu đích tôn mặc áo vàng)

Thằng cháu ngoại bu tên là cu Bắp kém ba tháng đầy bốn tuổi. Thằng này có nhiều tính cách lạ, nhưng mệt mỏi cho cả nhà nhất là lười ăn. Hồi nhỏ bà nội ngoài quê vào nuôi. Thức ăn gì bà cũng cho vào máy xay nhuyễn, trước lúc đút cho cháu, bà mở đĩa Tom and Jerry mà bà gọi là trò mèo chuột. Nó chỉ việc dán mắt vào ti vi và nuốt thức ăn, cứ như thế mấy năm liền nên cu Bắp không biết nhai. Nay bà nội về rồi, bà ngoại vào tiếp thu việc nuôi cháu, thêm cô ôsin trợ lực. Ông ngoại cấm tiệt lối cho ăn phản khoa học ấy. Nguyên tắc của ông là phải ăn xong mới được xem mèo chuột. Cu Bắp phản ứng kịch liệt, kiên quyết không ăn, hoặc có ăn thì khi cơm vào miệng là nuốt đại cho xong, mỗi lần như vậy lại ho, sặc, ói. Ôsin là người hăng hái ép cháu ăn vì cô được mẹ cu Bắp khoán, trong một tháng cu Bắp không đến lớp, nếu ôsin vổ béo nó tăng trọng thêm một cân sẽ được thưởng một triệu đồng. Ôsin liền dùng chính sách ngoại viện, khi nào thằng bé dở quẻ thì chụp ngay di động giả bộ bấm nhoay nhoáy rồi gào to, alô…alô… ông Râu đấy à…nhờ ông cầm cây đến riềng cho cu Bắp một trận, nó không chịu ăn đây này…Vâng… vâng …ông đến ngay cho.  Nghe vậy cu bắp hoảng hồn, nước mắt lưng tròng, miệng rối rít, thôi mà …thôi mà…và trệu trạo nhai nhai, nuốt nuốt, trông đến tội nghiệp.
 *****
 Cả nhà không ai biết tung tích ông Râu. Nghe đâu ông người Hải Phòng vào Vũng Tàu thăm con gái. Ông cùng ở tầng sáu, chếch phòng cu bắp khoảng vài thướcTây. Ông chuyên mặc quần lửng, ở trần, để lộ thân hình lực lưỡng, tóc ông dài phủ vai được buộc túm lại bằng sợi dây màu xanh đỏ. Râu mép, râu cằm ông tốt um, sợi đen sơi bạc, trông ông giống một hiệp khách giang hồ hảo hán, người lớn nhìn thấy còn sợ huống chi trẻ con. Từ khi ông Râu xuất hiện, Ôsin vui hẳn ra, nhồi nhét được cho cu Bắp theo thời khóa biểu. Mấy giờ sữa chua, mấy giờ váng sữa, mấy giờ sinh tố hoa quả, mấy giờ cháo dinh dưỡng hiệu Đức Tâm…lâu lâu ôsin bế cu Bắp đặt lên cân để xem khả năng tăng trọng có tiến triển gì không.
  *****
   Nhưng niềm vui của ôsin không được lâu. Số là một hôm, cu Bắp đưa bóng ra hành lang chơi, cu cậu đá hăng quá, bóng bay xuống lầu năm bị bọn trẻ dưới đó tịch thu làm chiến lợi phẩm. Bắp đang rầu rĩ thì thấy ông Râu từ dưới đi lên, tay ông cầm quả bóng màu đỏ của Bắp. Thoáng thấy ông Râu, Bắp ôm chân ông ngoại, người co rúm lại, nhưng ông Râu tươi cười đưa bóng cho Bắp, bóng của cháu đây này, lần sau đừng làm rơi nữa nhé. Bắp lí nhí, cháu cảm ơn ông Râu ạ. Sau một thoáng ngạc nhiên ông Râu phá lên cười như lệnh vở. Ôi, cháu tôi ngoan quá, biết nhận xét đặc tính của ông rất dí dỏm. Hihihi… Từ đó ông Râu hết thiêng với cu Bắp. Mỗi lần ôsin nhoay nhoáy bấm di động alô.. alô… ông Râu… thì cu Bắp liền đưa quả bóng ra khoe, ông Râu lấy bóng cho con đây này.
 *****
  Một sự cố không vui cho ba mẹ cu Bắp nhưng lại may mắn cho ôsin. Đấy là hôm ba cu Bắp làm tài xế chở cả nhà lên sài Gòn dự lễ sinh nhật cu Rơm (anh con bác ruột cu Bắp) tròn bốn tuổi. Xe cách ngả tư hàng Xanh chừng ba cây số thấy xuất hiện một viên cảnh sát giao thông  đứng chắn xe, miệng tuýt còi, tay phải vung dùi cui lệnh cho xe dừng lại bên đường. Ba cu Bắp nhét ví tiền vào túi quần, thong thả bước ra đường. Viên cảnh sát không lấy còi ra khỏi miệng, dùng dùi cui ra hiệu ba cu Bắp đi với anh ta đến một chỗ khuất, cách xe vài chục mét. Ôsin được thể ôm cu Bắp vào lòng dọa, con thấy chưa nào, ba con bị công an bắt nhốt rồi đó, con mà lười ăn, ăn không chịu nhai là bị chú ấy bắt nhốt liền à. Bà ngoại Bắp bảo, cháu nói vậy làm nó căm ghét cảnh sát nhân dân, lực lượng chuyên chính vô sản của đảng và nhà nước là không nên. Ôsin chống chế, bà nói cứ nghe như đọc báo lề phải. Cháu thấy chú cảnh sát ấy phục vụ nhân dân nghèo khổ như con rất là hiệu quả. Bà thấy không, cháu mới cho cu Bắp ăn hết hai mảnh bò cười đấy, không có chú cảnh sát giao thông vung gậy giữa đường rồi dẫn ba đi thì làm sao mà nó chịu há miệng được cơ chứ. Từ đó về sau hình ảnh đồng chí cảnh sát giao thông thành khắc tinh của cu Bắp. Mỗi lần nó dở quẻ ăn không nhai ôsin lại cầm di động nhoay nhoáy… alô… alô…và sau một tháng mười hai ngày, nhờ  hình ảnh chú cảnh sát giao thông, cu Bắp tăng trọng già một cân…làm ôsin  cười toe toét. 
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

PHONG NHA LÀ GÌ

Bến thuyền Phong Nha

cầu Xuân Sơn

Cửa động Phong Nha


Thạch nhũ Phong Nha

Thạch nhũ Phong Nha




1- Muốn biết vẻ đẹp kỳ ảo của động Phong Nha, các bạn hỏi bác Google sẽ biết được ngay. Bài này bu chỉ quan tâm đến tên gọi Phong Nha, điều mà không phải ai cũng nói đúng kể cả nhân viên hướng dẫn du lịch. Phong Nha là một từ Hán Việt, thông thường người ta vẫn nghĩ phong là gió (phong thủy, phong ba) nha là răng (nha khoa, nha sỹ). Thực ra, chữ Hán có tới 17 chữ phong và 9 chữ nha, vậy thì ghép phong (gió) với nha (răng) để chỉ tên động Phong Nha phải chăng là tùy tiện và võ đoán. Có lần một khách ngoại quốc bất thần hỏi người hướng dẫn du lịch Phong Nha là gì, anh này nghĩ nha là gia (nhà) nói trại đi nên giải thích “Phong Nha is the tooth of wind” (nhà gió). Một nhân viên hướng dẫn khác có đọc sách nói về thắng cảnh Việt Nam, bảo rằng phong là gió, nha là nhũ đá từ trên cao tỏa xuống chi chít như những chiếc răng, vậy “Phong Nha is tooth of wind” (răng gió). Có người đọc tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn” (mông to vú nẩy) của Mạc Ngôn lại suy ra Phong Nha là “vú gió”.

 2- Như đã nói Phong Nha là từ Hán Việt, vậy muốn biết nghĩa Phong Nha phải tìm tự dạng của nó trong sách chữ Hán xưa nhất. Ta biết “Ô châu cận lục” là cuốn sách địa chí viết về dãi đất từ Quảng Bình đến bắc Quảng Nam của Dương Văn An ra đời từ 1555, trong đó động Phong Nha còn gọi là động Chân Linh. Phải đến năm 1776 Lê Quý Đôn mới viết hai chữ Phong Nha trong sách  Phủ biên Tạp lục.  Ở trang 83 ông viết “Châu nam Bố chính (có) hai tổng. (riêng) Tổng Trứ Lễ 17 xã, 7 phường, 6 trang: …Gia lộc nội,  gia lộc ngoại, Câu hợp, Kim sơn, Phong nha, Gia chiêu….”. Học giả Phan Thuận An là người đã tiếp xúc với Phủ biên tạp lục bằng chữ Hán, ông khẳng định Chữ phong ở đây là đỉnh núi () còn nha () là nha môn. Sau này, các sách Đồng Khánh Địa dư chí lược (1888), Đồng Khánh Ngự lãm Địa dư chí đồ (in ở Tokyo 1943, tập hạ, huyện Bố Trạch), Đại Nam Nhất thống chí (1909, quyển 8, tỉnh Quảng Bình) thì tự dạng Phong Nha viết như Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn, tức phong () là đỉnh núi, nha () là nha môn. Riêng chữ nha (衙) từ điển Khang Hy giải thích “Phàm bài liệt thành hàng hữu tự nha tham giả giai viết nha” (phàm những gì sắp xếp thành hàng trông giống như các quan lại sắp hàng ở nha môn đều gọi là nha)

 3- Một điều lý thú là trong từ điển Từ Nguyên có dẫn ra một câu thơ của Trần Tạo, thi sỹ đời Tống sống cách nay khoảng 800 năm. “Cao sơn như thọ chúng  phong nha” (Đỉnh núi cao xếp đều đặn thành từng dãy như các quan đứng sắp hàng để nhận lệnh thượng cấp) Rõ ràng chữ phong ở đây chỉ đỉnh núi (峰) và nha (衙) là nha môn. Nhà thơ đời Tống làm thơ theo cảm hứng, hoàn toàn không vì một địa danh nào ở Trung Quốc. Học giả Phan Thuận An cho hay không thấy có địa danh Phong Nha nào bên Trung quốc, vì vậy “Phong Nha ở tỉnh Quảng Bình là địa danh có một không hai”. Cũng theo Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn thì Phong Nha là tên một trang ở miền núi Bố Trạch, tương đương đơn vị làng ở miền xuôi. Các nhà nghiên cứu người Pháp như Buoffier (1930), Antoie và Michel (1932) , Madeleine Colani (1936) kết luận Phong nha vốn là tên làng, mới được dùng đặt tên cho động sớm nhất khoảng năm 1920.

    Du khách đứng trên cầu Xuân Sơn nhìn về thượng nguồn sông Son sẽ thấy vô vàn đỉnh núi đá vôi nhấp nhô như vô tận.  Nơi ấy tàng chứa hàng trăm hang động nổi tiếng thế giới như  Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường, Sơn Đoòng…Tạo hóa xếp hàng các đỉnh núi ở đây đợi chờ tổ chức Liên hiệp quốc từ hàng trăm triệu năm nay, mãi đến thế kỷ 21 mới được  UNEXCO xưng tụng và cấp chứng chỉ “Phong Nha kẻ Bàng di sản Thiên nhiên thế giới”.  

 

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

CHỈ TẠI CÁI ĐUÔI !


Cảnh Tây Hồ 


NgườiTây Hồ


Bu và bút tích vua Càn Long "Hoa cảng quan ngư" 

(ở Tây Hồ , Hàng Châu)



Catulaho là bạn ảo của bu từ thời Zàhu 360. Zàhu sập tiệm “Người Cà Tu làng Ho” cũng bỏ cuộc luôn. Mới đây  nàng meo cho bu hỏi “Em có đọc bài “Hầu chuyện thầy Thích Trí Giải về chữ nhẫn” của anh nên có biết sơ sơ về bộ trong chữ Hán. Những từ như: chước  (đốt), tai (cháy nhà), xuy (thổi nấu), viêm (bốc cháy) đều có bộ hỏa thì không còn gì để bàn. Đằng này con chim yến, khi viết về nó cũng có bộ hỏa thì lạ, nhờ anh giải thích hộ cho”.

 

***

 

1- Câu hỏi của bạn làm bu nhớ hôm đi loanh quanh trên  bờ Tây Hồ ở Hàng Châu (Trung quốc) thấy người ta xúm xít quanh một tấm bia. Người nào cũng cố chen vào để sờ cho được bốn chữ Hán màu đỏ trên bia, không sờ đủ bốn chữ thì chí ít cũng sờ cho được chữ dưới cùng. Đấy là chữ  ngư (, cá). Người thuyết minh tấm bia cho hay, sinh thời vua Càn Long (1711- 1799)  tự tay viết 10 bài giới thiệu cảnh đẹp Tây hồ, gọi là “Tây hồ thập cảnh”, chẳng hạn như:  三 潭 印 月 (tam đàm ấn nguyệt) Ba đầm nước phản chiếu ánh trăng, (đoạn kiều tàn tuyết) Tuyết còn sót lại trên cầu gãy,   峰 插 (Song phong sáp vân) Hai ngọn núi đâm vào mây…Và câu mà mọi người đang háo hức sờ vào là  花 港 觀 魚 (hoa cảng quan ngư) Xem cá ao hoa.

     Có chuyện kể, vua Càn Long viết xong ba chữ  花 港 觀 (hoa cảng quan) thì nắn nót viết chữ ngư (魚) nhưng mới hạ bút điểm được hai chấm trong số bốn chấm của bộ hỏa ( )(1) thì ông nổi cáu to tiếng hỏi đám quần thần: Tại sao cá ở dưới nước mà lại có bộ hỏa?  thế là cá bị nướng hết sao? Phi lý!  Vậy là chữ ngư (魚) khắc trên bia ngày nay bộ hỏa chỉ có hai chấm thay vì  bốn chấm, kích thích sự tò mò của mọi người.  Bu chờ cho vãn người, cũng sờ tay vào chữ ngư “què” ấy và nhờ ông bạn BOBI chụp cho một tấm ảnh làm kỷ niệm như các bạn đã thấy.

 

2- Hihihi…thắc mắc của vua Càn Long được khắc bia để đời, còn thắc mắc của catulaho về bộ hỏa của chim yến thì chỉ meo cho bu hầu chuyện chơi. Thế cũng thú vị lắm chứ sao.

Nói ngắn gọn là chữ ngư (, ) và chữ yến (, chim) đều là chữ tượng hình có từ đời nhà Thương (khắc trên xương thú cách nay khoảng 3700 năm) gọi là chữ giáp cốt. Hình vẽ cá và chim trong giáp cốt văn có đuôi là hai mũi nhọn tòe ra y như thật (xem hình và click đúp nhìn cho rõ) sang thời kim văn, tiểu triện, đuôi vẫn còn. Đến đầu đời Hán (203tcn-220scn) chữ lệ thư xuất hiện, các nhà cải cách thấy cái đuôi lòng thòng quá bèn thay nó bằng bốn chấm () Có thể ngẩu nghiên chăng, bốn chấm ấy trùng với bộ hỏa, thế là cá bơi dưới nước, chim yến bay trên trời bị mang bộ hỏa.  Đến như các chữ (hùng, con gấu) (mã, con ngựa) (ô, con quạ) cũng có bộ hỏa ( ) chung quy chỉ tại… cái đuôi!!

 ***

 (1) Thực ra hỏa trong bộ ngư không thể gọi là bộ. Bu tạm nói theo người thuyết minh cho dễ diễn đạt. Vì tra bộ hỏa sẽ không có được chữ ngư. Bản thân chữ ngư là một bộ. 


Nguồn gốc chữ ngư

Nguồn gốc chữ Yến

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

HẦU CHUYỆN THẤY THÍCH TRÍ GIẢI VỀ CHỮ NHẪN .

 Các từ điển Hán Việt dùng để tham khảo

Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghị và Jim watrs

Người hầu chuyện thầy Trí Giải


Theo đường dẫn  http://nguoihieuco.blogspot.com/2012/05/chu-nhat.html của bạn truonghoanluyen72 cấp cho, bu đã đọc bài viết của thầy Thích Trí Giải bàn về chữ NHẪN. Sau đây là trích đoạn ý kiến của thầy

 Trong chữ Hán: chữ Nhẫn được hình thành từ (tâm) + (nhận) = Chữ (tâm) (Nhận) nghĩa là sự nguy hiểm, mũi nhọn, chém giết. Nhẫn có nghĩa là nhịn. Như làm việc khó khăn cũng cố làm cho được gọi là kiên nhẫn 堅忍.Nhẫn là lòng khoan dung độ lượng. Tại sao chữ nhận (nhận) nằm trong chữ Tâm gọi là nhẫn. Tức là người tạo chữ muốn nói. Trong cuộc sống hằng ngày tâm mình thường hay tiếp xúc nhiều thứ nguy hại như tham, sân, si, ngã mạn, ganh ty…Chúng ta luôn thức tỉnh những thứ làm nguy hại đến tâm tu hành. Do vậy chúng ta nhẫn nhịn. Sau này người viết chữ thường hay viết chữ Nhẫn như sau: tâm + đao + bộ chủthành chữ Nhẫn đao nghĩa con dao, là chỉ cho sự nguy hiểm. Nó được ví như tâm sân phiền não có tính chất nguy hiểm đến tâm tu hành. Nó tìm ẩn bên trong cái Tâm. Người tu chữ Nhẫn cần có (chủ) tức là làm chủ cái nguy hiểm, làm chủ cơn sân giận. Khi viết chữ Nhẫn bộ chủnày nằm trên bộ đao . Ý nghĩa này rất hay muốn Nhẫn thì chú ta phải làm chủ cái nguy hiểm (bộ chủ nằm trên bộ đao) Muốn có được bộ chủ này đòi hỏi chúng ta phải tu tập. Thấy được bản chất của cơn sân giận là nguy hiểm luôn tiềm ẩn bên trong tâm (căn bản phiền não). Nó làm cho tâm con người nổi sân một cách điên rồ. Nên khi gặp hoàn cảnh chướng ngại chúng ta biết “Nhẫn” một chút. Nếu không một khi tâm sân nổi lên thì tình cảm gia đình sứt mẻ, tình bạn bè xa nhau. Chúng ta luôn thấy rằng tâm sân chính là kẻ thù độc hại lớn nhất của tâm. Một khi tâm sân nổi lên đốt hết cả rừng công đức, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ có thể đốt cháy cả khu rừng, “nhất niệm sân tâm khởi, bát vạn chướng môn khai”. Vậy làm cách nào để thắng được tâm sân, và thực hành “Tâm nhẫn”. Chúng ta chỉ cần đi tìm (chủ) để bỏ con đao trong tâm 

****

1-  Trước hết phải nói rằng:  “Chữ Nhẫn được hình thành từ  (tâm) + (nhận) = ” như ý kiến của thầy Trí Giải là không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Bu đã tìm trong 5 quyển từ điển Hán Việt và quyển “Tìm về cội nguồn chữ Hán” (của Lý Lạc Nghị (Tàu) và Jim Waters (Mỹ))  thấy như sau:

- Các từ điển của Trần Văn Chánh (tr.742), Nguyễn Tôn Nhan (tr. 139), Thiều Chữu (tr. 50),  chữ đọc là nhận.

- Các từ điển của Trần thị Thanh Liêm (tr.436), của Đào Duy Anh (tr.67) chữ đọc là nhẫn

- Sách Tìm về cội nguồn chữ Hán (tr. 481), chữ vừa đọc nhận vừa đọc nhẫn. Cụ thể,  khi nói về chữ nhẫn (忍) có nghĩa là nhẫn nại thì      đọc là nhẫn (người Hán có 10 chữ Nhẫn, mà chỉ là 2 trong 10 chữ đó)

- Điều cẫn lưu ý là:  Chữ cho dù đọc nhẫn hoặc nhận, thì các từ điển trên đều giải nghĩa là: Mũi nhọn cứng. lưỡi đao cứng, gọi chung các loại binh khí. Giết.

2- Thầy Trí Giải Viết “Sau này người viết chữ thường hay viết chữ Nhẫn như sau:  tâm + đao + bộ chủ thành chữ  Nhẫn…Người tu chữ Nhẫn cần có (chủ) tức là làm chủ cái nguy hiểm, làm chủ cơn sân giận. Khi viết chữ Nhẫn bộ chủ (丶)  này nằm trên bộ đao

    Viết như vậy là thầy Trí Giải nhầm lẫn bộ trong chữ Hán với bản thân chữ Hán.  Nên nhớ rằng người Hán có vào khoảng 7000 chữ thường dùng, trong khi chỉ có 214 bộ.  Bộ chữ Hán xếp theo thứ tự từ 1 nét đến 17 nét. Mỗi chữ Hán chỉ thuộc về 1 trong 214 bộ, và chỉ thuộc về 1 bộ mà thôi.  Đừng nghĩ rằng để viết được 7000 chữ Hán  thì phải có 7000 bộ, mà chỉ cần  214 bộ là đủ. Vì chẳng hạn bộ thủy () có trong 326 chữ, bộ hỏa () có trong 126 chữ, bộ nhất () có trong 22 chữ…Thực ra, 214 bộ cũng là 214 chữ, chỉ khi  nào những chữ đó đứng kèm một chữ khác để chỉ một nghĩa nào đó thì nó được gọi là bộ, còn khi đứng một mình thì nó không còn gọi là bộ nữa. Ví dụ chữ thủy () là nước, nhưng khi đứng bên trái chữ công () thì chữ thủy đó được gọi là bộ thủy, nó cùng với chữ công () tạo thành chữ giang () tức là sông, trong đó bộ thủy chỉ nghĩa, chữ công chỉ âm đọc ( ba chấm bên trái chữ công là một cách viết chữ thủy).  Trở lại những chữ ta đang bàn thì chữ Nhận (hoặc Nhẫn ) gồm có chữ đao () và bộ chủ () chứ không phải là bộ đao (1). Riêng chữ Nhẫn 刃 (hoặc Nhận) thì đao () không đóng vai trò bộ như thầy Trí Giải nói, mà nó là một chữ  thông thường.  Nên nhớ rằng chữ Nhẫn (忍) với nghĩa nhẫn nại, gồm có chữ nhẫn (hoặc nhận) và bộ tâm (). Muốn tra chữ Nhẫn như vừa nói, ta phải tra bộ tâm () chứ tra bộ đao () hoặc bộ chủ () thì có sống đến vô lượng kiếp sau cũng không thể tra được.

3- Thầy Trí Giải cho rằng “Người tu chữ Nhẫn cần có chủ () tức làm chủ cái nguy hiểm, làm chủ cơn sân giận”. Vậy là thầy đã gán ghép ý nghĩa tu hành vào trong cấu tạo chữ Hán. Bộ chủ () trong chữ Nhẫn 刃 (hoặc nhận) hoàn toàn không có ý nghĩa chủ trong chủ yếu, chủ đạo, chủ đích, chủ thuyết như thầy nghĩ…Mời thầy nghe ông Thiều Chữu giải thích bộ chủ (): “ Phàm vật gì cần có phân biệt,  sự gì cần biết nên chăng, lòng đã có định, thì đánh dấu chữ chủ để nhớ lấy”. Đánh dấu để nhớ thì không ăn nhập gì với làm chủ cơn sân giận cả.

        Để làm rõ hơn cấu tạo chứ Nhẫn (hoặc Nhận) bu giới thiệu trang 481 sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán”.  Chữ Nhẫn được minh họa bằng một lưỡi dao cong, trong đó phần sắc của dao được đánh dấu bằng hình tròn có nhiều vạch song song. Chính cái hình tròn ấy dần dà biến hóa thành bộ chủ tạo  nên chữ nhẫn (hoặc nhận). Đây là chữ điển hình cho loại chữ “chỉ sự” như thuyết minh đã mô tả.

 

 Mời click đúp vào hình để thấy rõ hơn

 

 4- Do việc chữ Nhẫn gồm bộ tâm với chữ nhẫn (hoặc nhận) nên thầy Thích Trí Giải lại cho rằng người tạo ra chữ đã gửi gắm vào đó ý nghĩa giáo dục trong tu hành.  Thực ra bộ tâm ở đây thuần túy chỉ về con người nói chung chứ không hàm ý con người tu hành trong đạo Phật.  Từ điển Thiều Chữu kê ra 245 chữ có bộ tâm, chả nhẽ 245 chữ ấy cứ phải giáo dục con người về một chí hướng nào đó. Thầy sẽ phân tích được tính giáo dục gì trong chữ kị () có nghĩa ghen ghét, đố kị, sợ. Chữ này có bộ tâm () ở dưới và chữ kỷ () ở trên. Tâm chỉ về con người, kỷ chỉ 1 can trong 10 can (Giáp, ất ,bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý), và khi chỉ về mình trong tự kỷ ám thị. Kị là chữ “hài thanh”, tâm () chỉ nghĩa, kỷ () chỉ âm đọc. Ta cũng không tìm thấy tính giáo dục gì trong chữ xung () là lo lắng. Bộ tâm ()(2) bên trái chỉ con người, chữ trung ( ) bên phải  chỉ âm đọc, nó thuần túy là chữ “hài thanh”.  Chữ Nhẫn () ta đang nói đến cũng là chữ “hài thanh”. Bộ tâm ()  ở dưới chỉ nghĩa, chữ nhẫn () ở trên chỉ âm đọc. Trang 483 sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán” (dưới đây) khẳng định điều đó.

   

 Mời click đúp vào hình để thấy rõ hơn


Trong trường hợp cần thiết, thầyThích Trí Giải có thể nhân sự tình cờ của cấu tạo chữ Nhẫn (忍) để hoằng hóa Phật pháp, tuy nhiên không thể quy cho người tạo ra chữ nhẫn là cốt để truyền thụ giáo pháp cho chúng sinh.

 

  ******

 

(1):  Chữ đao () có lúc cũng trở thành bộ đao để tạo nên khoảng 80 chữ được liệt kê trong từ điển Thiều Chữu như các chữ:    phân: chia. thiết: cắt. Hoa: chèo thuyền. lợi: sắc, lợi lộc. Chuyển: Đẵn, chặt……

(2): 忄, 心 đều là chữ tâm, cũng có lúc nó trở thành bộ tâm

 

 

Đọc tiếp ...