PNH là tay sành chụp hình. Những cỏ cây, hoa lá, chuồn chuồn, chim bướm, trước ống kính PNH trở nên sinh động, lung linh, và đáng yêu hơn cả chính những hình tượng đó trong đời thường. Mới đây, ngày 17 tháng 4 năm 2009 PNH có entry “LỄ VÍA BÀ THIÊN HẬU CỦA NGƯƠI HOA”ở đường Nguyễn Trãi, quận 5 thành phố HCM. Trong đó, anh giới thiệu 11 tấm hình gồm toàn cảnh chùa, bài trí lễ vật ở nội thất, và cảnh người ta, người Tây, chen nhau vào xem lễ. Trong số những phẩm vật cúng bà có một đĩa bánh rất lạ (như hình trên đây) và PNH viết cho BULUKHIN thế này: “Người Hoa là "tổ" của nghi lễ, đạo đức, vậy mà đồng thời họ lại rất thực dụng. Bác thử để ý đến mấy cái bánh của họ xem nhất là ở nơi cái đĩa phía dưới, hình như tượng trưng cho cái "âm" (có lẽ là do bánh được cúng "Bà" chăng?), điều này có phần giống như bên người Chăm (Yoni, Linga). Người Hoa hay nói tới âm, dương, nhưng bằng những hình ảnh xa xa (nửa đen nửa trắng). Dùng hình ảnh khá "cụ thể" thế này có lẽ hơi xa lạ trong văn hóa người Hoa. Bác nghiên cứu sách vở nhiều có rành không? Cho biết ý kiến nhé.
*
* *
Điều PNH hỏi khá lý thú và không dễ trả lời. Tự nó đặt ra một số câu hỏi:
- Gốc tích bà Thiên Hậu mà người Hoa vẫn thờ cúng
- Nguồn gốc tín ngưỡng Phồn thực (phồn = nhiều, thực = nảy nở)
- Người Hoa có tín ngưỡng phồn thực như người việt không ?
- Nếu người Hoa có tín ngưỡng phồn thực thì biểu tượng thờ cúng của họ là gì, là bánh trái, hay một thứ gì khác.
a) Bà Thiên Hậu người Phúc Kiến (Cũng có tài liệu nói bà người Quảng Đông - Trung Quốc) nguyên là con gái họ Ôn, lên 8 tuổi đi học phép tiên, 12 tuổi luyện được đan, có tài gọi gió gọi mưa, từng bay ra biển cứu giúp những thuyền bị nạn. Thần được các triều Tống, Minh, phong tặng, triều Thanh phong là Thiên Hậu Thánh Mẫu (1). Sau này, những người Hoa di cư sang Việt Nam đã lập đền thờ bà tại nhiều nơi ngoài Bắc cũng như trong Nam. Sơ bộ thống kê những nơi có miếu, đền (hoặc chùa) thờ bà như ở huyện Thọ Xương Hà Nội, thị Xã Hưng Yên tỉnh Hưng Yên, thị xã Hội An tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận, thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương. và Chợ Lớn Th. Ph. Hồ Chí Minh…
b) Như nhiều nghiên cứu cho hay, cư dân Đông Nam Á là xuất phát điểm của nghề trồng lúa nước. Nghề này phụ thuộc hoàn toàn vào sức khỏe cơ bắp con người cũng như các yếu tố thiên nhiên như nắng, mưa, gió, bão, sâu, bệnh. Vì vậy để duy trì sự sống họ cầu mong cho mùa màng tươi tốt, và để duy trì nòi giống họ cầu mong cho dòng tộc sinh sôi này nở. Khát vọng sinh sôi con người dẫn đến tín ngưỡng Phồn thực, tức thờ cơ quan sinh dục, được gọi là thờ sinh thực khí (sinh=đẻ, thực= nảy nở, khí= công cụ). Đây là hình thái đơn giản của tín ngưỡng phồn thực, nó phổ biến ở các nền văn hóa nông nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi nhiều dân tộc nông nghiệp chỉ thờ một sinh thực khí nam hoặc nữ thì người Việt Nam truyền thống và các dân tộc mang đậm triết lý âm dương thờ cả sinh thực khí nam lẫn nữ. Chẳng hạn thờ cặp sinh thực khí bằng gỗ (Đồng kỵ Bắc Ninh), thờ cột đá tự nhiên hoặc cột đá nhân tạo (Chùa Dam Bắc Ninh), thờ một lỗ nứt trên đá gọi là Lỗ Lường (âm đọc chệch đi của cơ quan sinh dục nữ, ở Hòn Đỏ Khánh Hòa). Bên cạnh việc thờ sinh thực khí , giống như nhiều dân tộc nông nghiệp khác, cư dân nông nghiệp lúa nước với lối tư duy chú trọng tới quan hệ có tục thờ hành vi giao phối tạo nên một dạng tín ngưỡng phồn thực độc đáo như tượng trên nắp thạp đồng Đào Thịnh (Yên bái), tượng nhà mồ (Tây Nguyên)
c) Con sông Dương Tử (còn gọi là sông Trường Giang) ở Trung Quốc chia lục địa này thành hai phần là hoa Bắc và Hoa Nam. Trong đó, hoa Bắc có nền kinh tế du mục còn hoa Nam là kinh tế nông nghiệp mà chủ yếu trồng lúa nước. Và cũng như các cư dân nông nghiệp khác ở Đông Nam Á, tín ngưỡng phồn thực và tục thờ sinh thực khí hẳn là phổ biến ở Phúc Kiến cũng như Quảng Đông. Và ngày nay người Hoa ở Chợ Lớn có thờ sinh thực khí nữ cũng là cách họ duy trì tập tục tổ tiên họ xưa kia vậy.
d) Tuy nhiên khi viết bài này tôi cũng chưa tìm ra một tài liệu cụ thể nào nói về các biểu thượng sinh thực khí được thờ ở cư dân nông nghiệp lúa nước vùng hoa Nam. Thông thường biểu tượng sinh thực khí phải là vật thể rắn chắc, tồn tài được lâu dài như gỗ, đá, sứ, sành…chứ chưa thấy ở đâu những đồ thờ ấy lại là bánh làm bằng bột. Tác giả Trần Quốc Lương ở báo điện tử Cần Thơ có mô tả về lễ cúng bà Thiên Hậu ở chùa Hiệp Thiên Cung (quận Cái Răng, Cần Thơ) như sau: “Đúng 9 giờ sáng tiến hành dâng sớ, dâng nhang, lên đèn, đánh 3 hồi trống chuông cúng khai lễ. Vật lễ cúng (không thể thiếu) gồm: heo quay, bánh bao, bánh hồng đào, mâm ngũ quả, hoa tươi, trà, rượu, nhang, đèn cầy”. Như vậy xem ra đồ cúng ở đây giống hệt ở chùa Thiên Hậu Chợ Lớn, và cái mà PNH cho là cái“âm”chính là bánh hồng đào. Hồng đào là quả đào màu hồng chứ đâu phải là sinh thực khí nữ? Không rõ trong thực tế có thứ qủa hồng đào nào giống như những chiếc bánh kia không? Về điều này PNH nên thâm nhập thêm thực tế để thông tin cho mọi người biết. Đụng đến văn hóa Trung Hoa là đụng đến những điều bí hiểm. Học giả Phan Ngọc đã từng viết: “Không ai có gan nói mình hiểu được văn hóa Trung Hoa. Nó là một thế giới mênh mông với ít nhất 5 nền văn hóa khác nhau. Có nền văn hóa vùng sa mạc Tây Bắc mang tính chất du mục. Có nền văn hóa Tây Nam vùng Tây Tạng mang nhiều ảnh hưởng Ấn Độ. Có nền văn hóa Hoa Nam, tuy đã bị Hán Hóa triệt để nhưng vẫn mang những biểu hiện của văn hóa Đông Nam Á. Có nền văn hóa ven biển Hoa Nam chịu ảnh hưởng phương Tây sâu sắc”.
Rất mong các bạn hiểu biết nhiều về văn hóa Trung Hoa cho thêm ý kiến.
Tượng nhà mồ, diễn tả cảnh nam nữ giao phối
(Ở huyện Chupah, Gia rai. Ảnh Nguyễn Tiến Cứ)
Tượng nam nữ giao phối trên nắp thạp đồng Đào Thịnh
(ảnh Bảo tàng lịch sử Việt Nam)
1- Từ điển Di tích văn hóa Việt Nam, Nxb Vh 2003
2- Bản sắc văn hóa Việt Nam của Phan Ngọc, Nxb VHTT 1998