Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

LÊN NÚI TAO PHÙNG





 Tượng chúa Ki tô ở Vũng Tàu 
(Được giới kiến trúc đánh giá cao nhất thế giới)
Bu đứng trước đoạn dốc cuối cùng lên tượng chúa Ki tô_


 


Núi Tao Phùng còn gọi là núi Nhỏ, ở phía nam ( lệch tây chút xíu) Thành phố Vũng Tàu cạnh đường Hạ Long. Có lẽ xưa kia nơi đây từng hội ngộ trai anh hùng với gái thuyền quyên li kì lắm chăng. Bu tò mò tìm hiểu xem mà chưa có manh mối gì. Chỉ biết hiện giờ người Việt, người Tây, người Tàu… đến đây để chiêm bái chúa Ki Tô. Ngài đứng đó đầu chạm mây, chân dẫm lên đỉnh Tao Phùng ở bình độ 170, thân cao 32 mét, sãi tay 18 mét, như muốn ôm vào lòng toàn cõi nhân gian khổ đau và tội lỗi này.
     Bu cũng tự thấy mình có tội. Mấy năm nay du ngoạn thắng cảnh Vũng Tàu trên rừng dưới biển toàn ngồi cáp treo, hoặc ô tô máy lạnh. Lên tượng chúa phải trèo gần một ngàn bậc cấp thì ngại lắm. Nhưng chẳng nhẽ “đường đường một đấng nam nhi” lại thua các bà sồn sồn vượt cả ngàn cây số đường đất từ ngoài trung ngoài bắc vào, thua các bà Tây chân run lưng còng ở bên kia bờ đại dương sang đây vừa đi vừa chống gậy. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, “phen ni ta quyết leo lên đỉnh, xin chúa linh thiêng xá tội lười”… hehehe.
***
  Nhưng mà các bác ạ, không ngờ con đường dốc lên đỉnh Tao Phùng lại tuyệt vời đến thế. Hai bên đường là hoa lá, là các trạm dừng chân có ghế đá ngồi ngắm trời mây, ngắm nước phun và cá vàng bơi lội. Có quầy bán hàng lưu niệm, ngay gần chân tượng chúa vẫn có nơi bán thức ăn và giải khát. Nhưng còn đẹp hơn con đường dốc kia là lúc ta quay lại nhìn sườn núi, nhìn con đường Hạ Long và mũi Nghinh Phong như con sấu khổng lồ đang nhoài  ra biển. Cũng ngần ấy phong cảnh nhưng càng lên cao càng như mới nhìn lần đầu. Cảm ơn Thiên chúa đã tạo dựng ra trời đất muôn vật để kẻ có tội là con đây được lạc vào giấc mơ có thật này.
         Tiếc thay, lên đến chân tượng đã gần 12 giờ trưa, hết giờ vào thăm bụng  chúa.  Bu đành ngồi bó gối nghe mọi người “bình loạn” chuyện nọ xọ chuyện kia... Người lên trể giờ hỏi người vừa từ trong bụng chúa ra
-        Trong bụng ngài có chi hay không vậy
-      Có cầu thang xoắn ốc cao 133 bậc, trèo lên đến vai chúa  mệt bở hơi tai.
-        Nghe bảo đi bộ được trong cánh tay chúa ra tận cổ tay sao
-       Đi được, nhưng đường này đã bị người ta rào lại bằng lưới sắt, cấm tiệt bọn người chuyên ra đây bắt tổ yến, gây lộn, làm ồn ào, xả rác.
-        Tức là cánh tay ngài có cửa sổ thông ra trời
-        Có chớ, trước đây tớ đã từng ngắm biển trời qua các cửa sổ này, thú vị lắm, vì thế lũ chim yến mới vào làm tổ được.
-         Mà này, bạn có thấy quả tim chúa không.
-        Tim có nhưng ngài đeo trước ngực, lồng ngực trống rổng, không có gì.
-         Ừ! Thế mới phải, đã là tượng thì cần gì phải có tim có phổi, có lục phủ ngũ tạng, vậy mà nghe đâu có vị lãnh đạo nào đó bảo ông thánh Gióng và con  ngựa ông ấy cần phải có tim. Riêng trái tim ông Gióng phải có hai đường động mạch và tĩnh mạch… hihi

***
Bu tui tìm một góc yên tĩnh ngẩng nhìn khuôn mặt từ bi của chúa Ki tô và thầm nghĩ: “Con xin cáo lui, vì chờ đến hai giờ chiều để được vào trong bụng ngài thì hiểu biết của con về ngài cũng không thêm dược gì.  Ngắm ngài lồng lộng giữa trời mây con nghỉ đến cuộc đời ngài trước đây chép trong Kinh thánh sao mà đắng cay tủi nhục.  Khi còn nằm trong bào thai, ngài đã phải cùng mẹ ngồi vắt vẻo trên lưng lừa đi mấy trăm cây số từ Na da rét đến Bê lem theo lệnh của hoàng đế La Mã  Au gút tô. Ông này lệnh toàn  dân về đó để khai báo nạp thuế đúng theo tài sản của mình. Cả vùng Bê lem người đông như kiến, không có chỗ ăn chỗ nghỉ, ông Giu se nhanh chân tìm được một chuồng nuôi súc vật, liền dọn dẹp sạch sẽ  để bà Ma ri a ngã lưng. Tối đó bà chuyển dạ và sinh ra ngài.  Ông Giu se đặt ngài nằm trong máng cỏ vốn là cái đựng thức ăn của súc vật.  Có chuyện lạ, cũng tối hôm ngài ra đời, vùng trời Bê lem tự nhiên bừng sáng  làm dân chúng ngỡ ngàng hoảng sợ.  Các nhà thông thái bảo nhau ở Bê lem vừa xuất hiện một nhân vật phi thường. Tin ấy làm vua Hê rô đê sợ có ngày nhân vật phi thường kia chiếm mất ngai vàng, liền hạ lệnh giết hết  trẻ em từ hai tuổi cho đến đứa mới sinh. May thay, ông Giu se và mẹ ngài đã kịp bế con trai vượt bao nhiêu khổ ải trốn sang đất Ai Cập và ở luôn đấy cho đến khi ngài hết tuổi thiếu niên…Khi đã trưởng thành ở quê nhà, ngoài việc biến nước lả thành rượu ngon trong một tiệc cưới, chữa lành bệnh hủi, bệnh mù lòa và tứ chứng nan y cho mọi người, ngài đã làm một việc kì diệu khi vào thành Ca phac na um. Một đám tang đi ngược chiều ngài, quan tài chưa đậy nắp, trong đó là một chàng trai hồn đã lìa xác, người mẹ già vật vã khóc lóc làm gan ruột ngài xốn xang. Ngài giơ tay chạm vào áo quan, mắt nhìn vào tử thi “Này người thanh niên, ta bảo cậu hãy chỗi dậy”. Sau câu nói ấy chàng trai bổng ngồi lên nhìn mọi người như chưa có chuyện gì xẩy ra.  Nhưng ngài càng nổi tiếng thì người của phái Ma ri sêu và quan cai trị La Mã càng căm ghét. Ngay cả dân Do Thái ở Na da rét quê hương ngài cũng không chấp nhận ngài. Họ bảo thiên sứ của chúa trời phái xuống trần gian không thể là con ông thợ mộc Giu se và bà nội trợ Ma ri a hèn mọn, đã thế lại ra đời trong chuồng nuôi súc vật với cái máng cỏ. Trong số mười hai môn đệ của ngài có tên Giu đa it ca ri ốt phản bội. Chính hắn chỉ điểm cho các thượng tế, các kinh sư, các trưởng lão theo phái Pha ri sêu bắt và đóng đinh ngài lên cây thánh giá theo kiểu người La Mã.  Bốn tên lính áp giải ngài đi lên Núi Sọ, trên vai ngài là cây thánh giá nặng oằn lưng, ngài đi xiêu vẹo với bàn chân rớm máu.  Khi cây thánh giá có thân ngài được dựng lên, một tên lính La Mã  dùng mũi giáo đâm vào mạng sườn làm máu chảy ra như suối, ngài gục đầu giã từ cõi đời”. Nhưng phép lạ của thiên chúa đã làm ngài sống lại và lên trời chỉ ba ngày sau đó…

***
  Từ trời, ngài lại trở về Na da rét, về Giê ru sa lem và nhiều nơi khác tìm gặp các môn đệ và dân chúng. Ngài tuyên bố “Ta được ban cho toàn bộ thẩm quyền cả trên trời lẫn dưới đất”(1) hoặc “Ta là ánh sáng của thế giới! ai theo ta không phải bước đi trong bóng tối mà là sẽ sống cuộc sống của mình trong sự sáng”(2) . Nhưng thưa ngài hình như công việc trên trời nhiều quá làm ngài xao nhãng công việc dười đất. Khi còn ở trần gian ngài gần gũi mọi người, không phân biệt già trẻ trai gái, địa vị xã hội hoặc phe nhóm có niềm tin khác nhau. Ngài xót thương họ, dùng phép lạ của thiên chúa chữa cho họ lành những bệnh quái ác như bị ma quỷ ám, mù lòa, phung hủi, tàn tật. Ngài làm sống lại người đã chết nằm trong quan tài thậm chí có người đã nằm trong huyệt mộ…Vậy mà ở cái thế kỉ  20 và 21 này con chưa thấy một phép lạ nào của ngài đặng cứu giúp kẻ đói nghèo, bệnh tật, hoặc chết thảm trong cảnh khói lửa binh đao. Ngay như ở nước Việt con đã có khoảng 4,8 triệu người nhiễm chất độc màu da cam do quân đội Mỹ rãi xuống miền nam cách nay 53 năm. Bao nhiêu đứa trẻ sinh ra bị dị tật, quái thai, bao nhiêu ông bố bà mẹ nuôi con trong nước mắt. Phải chăng thiên chúa căm giận loài người đã không tôn thờ ngài như ngài mong muốn. Điều này có thể lắm vì xa xưa thiên chúa đã một lần tạo nên trận đại hồng thủy tiêu diệt hết loài người do đạo đức họ xuống cấp, nhân cách sa đọa, chỉ biết hưởng thụ và tôn thờ chính mình chớ không thờ phụng thiên chúa nghiêm túc. Và có vẻ như thiên chúa muốn khiển trách luôn cả chúa Ki tô nữa hay sao ấy. Từ năm 1929 cho đến nay người ta đã thống kê được 10 thảm họa giáng xuống nhân loại vào đêm giáng sinh. Con chỉ xin dẫn ra hai trường hợp thảm khốc gần đây nhất là trận động đất mùa giáng sinh 26.12.2003  làm 26.271 người dân Iran chết  trong lúc đang an giấc. Đúng một năm sau, vào mùa giáng sinh 26.12.2004 thiên chúa lại dâng sóng thần ở Ấn Độ dương có sức mạnh tương đương 23.000 quả bom nguyên tử, giết chết 230.000 người Thái Lan, Mã Lai, In Đô... Nhân gian vừa mừng chúa Ki tô giáng sinh vừa  khóc thương hàng chục vạn người chết thảm do sự nổi giận của thiên chúa là sao vậy?
***
Thưa ngài, con đã đọc nhiều lần lời dạy của ngài ở mục “Bài giảng trên núi” trong Thánh kinh: “Đừng chống cự người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài” (3). Nước Việt con không may ở gần kẻ ác, rất ác nữa là khác. Từ năm 1992 nó tặng nước con 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, phát triển lâu dài, hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai”. Thế nhưng, từ 1974 nó đã cướp không của nước con đảo Hoàng Sa. Nếu xem đảo này là cái áo trong thì theo ngài nước con phải đưa luôn cho kẻ ác ấy cả áo ngoài là dãi đất hình chữ S. Vậy 90 triệu con dân nước Việt ở vào đâu, hay cam tâm làm nô lệ cho nó.  Suy đi tính lại, có lẽ con phải nghe theo lời dạy của Đảng cộng sản nước con là xây dựng thiên đường trên mặt đất. Ở cái thiên đường ấy con người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, sung sướng tột độ.  Năm 1961 ông Tố Hữu nhà thơ lớn nước con nói “Miền bắc thiên đường của các con tôi”(4) là lạc quan tếu, cũng có thể ông làm quan to thì các con ông ấy có thiên đường, còn dân đen thì đang ở gần địa ngục. Muốn có thiên đường trên mặt đất là phải giàu có, muốn giàu có phải đạt năng suất lao động cao. Sau 39 năm đất nước thống nhất mà năng suất lao động nước con còn thua Indonexia 10 lần, thua Thái Lan 30 lần, thua Nhật 135 lần. Nhưng đảng con bảo toàn dân cứ tuyệt đối tin theo đảng để tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, tiếp theo tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản là có thiên đường. Vâng, 90 triệu dân tin thì con tin, mà không tin thì cũng chẳng biết tin vào cái gì nữa… huhuhu. Có lẽ con hơi bị dông dài, thôi xin bái biệt ngài muôn vàn tôn kính”
------------------------------------------------------
1-     Trang 602 Truyện Kinh Thánh của PEARL BUCK
2-    Trang 506 Truyện Kinh Thánh của PEARL BUCK
3-    Trang 1295 Kinh Thánh trọn bộ Cựu ước và Tân ước
4-    Bài ca mùa xuân 1961 của Tố Hữu.    















Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

CHẴN MƯA THỪA NẮNG




Cháu Ngọc Tú năm 2014


Vợ chồng Ngọc Tú và hai con trai


Ở biển Phú Quốc

 Không biết từ bao giờ, người dân vùng Bình Trị Thiên cho rằng con tắc kè kêu tiếng lẻ trời mưa, kêu tiếng chẵn trời nắng. Câu ngạn ngữ  “Chẵn mưa thừa nắng” là mặc định cho khả năng kì bí ở giống tắc kè của người Bình Trị Thiên, và gợi ý cho cô con gái bu Nguyễn Thị Ngọc Tú viết chuyện cổ tích đăng báo Quảng Bình năm 1998. Lúc đó cháu học lớp 11 chuyên toán ở Đồng Hới.

***

Nhân chuyến đi công tác ở miền núi ba tôi mua về một đôi tắc kè để ngâm rượu. Ba bảo rượu tắc kè bổ gân cốt. Rượu trắng Tượng Sơn (1) đã có sẵn, chỉ việc mổ bụng, moi mắt, lấy hết gan ruột vứt đi rồi cho tắc kè vào lọ là xong. Ba chưa kịp ra tay thì mẹ tôi nhẹ nhàng:                                                                                                 
 - Rượu bổ người bán đầy ngoài phố, hôm nào em mua cho, giết con vật hiền lành vậy tội nghiệp.                                                  
    Ba vốn hay nể mẹ, ông chưa biết phản ứng ra sao thì mẹ tôi vẫy cu Nhọ - em trai tôi  đến, đưa giỏ tắc kè cho nó và bảo:                      
  - Quà đặc biệt ba mua trên rừng Trường Sơn về tặng con đấy.        
 Cu Nhọ mở nắp giỏ nhìn vào rồi tròn xoe mắt.                                 
  - Ôi, hai con gì mẹ ạ.                                                                        
  - Con đặt giỏ vào dưới gốc mít cạnh cửa sổ rồi mở nắp ra thì khắc biết.                                                                                             
Thằng Nhọ làm theo lời mẹ, loáng một cái hai con tắc kè da mốc xám như hai que củi mục lao ra khỏi giỏ thoăn thoắt trèo lên cây và chui tọt vào một hốc sâu nhất. Nhọ ta vô cùng ngạc nhiên, hết đưa mắt nhìn vào hốc cây lại nhìn mẹ. Mẹ tôi ôm nhọ vào lòng bảo “Hai nhà dự báo thời tiết của làng quê đấy, người ta gọi các chú là Tắc kè. Câu chuyện về  Tắc kè dài lắm để mẹ kể con nghe

***

Ngày xưa ở một làng quê dưới chân núi nọ có một cậu bé khoảng mười ba mười bốn tuổi, bố mẹ mất sớm cậu ở với bà ngoại trong cảnh nghèo túng quanh năm. Sau một trận ốm nặng bà cậu bị mù cả hai mắt không còn cấy lúa làm vườn gì được nữa. Cậu bé phải xoay xở kiếm sống và nuôi bà. Hàng ngày ngoài việc cuốc đất làm vườn cậu còn vào rừng  kiếm  măng, hái quả,  đào cây thuốc mang về bán. Cậu siêng năng chăm chỉ nên của rừng kiếm được khá nhiều.  Đôi lúc không dùng hết phải phơi khô  để bán vào dịp khác. Bà cậu chỉ quanh quẩn làm việc lặt vặt trong nhà giúp cháu. Những ngày nắng to bà trông coi những thứ phơi ngoài sân, hễ có mưa thì dùng lá kè dậy lại hoặc lọ mọ khuân vào nhà. Do mù lòa nên bà không thấy mầy trời vần vũ chuyển mưa, nhiều khi mưa ập xuống bất thường làm bà trở tay không kịp. Nỗi băn khoăn của bà luôn hiện lên trên khuôn mặt già nua làm cậu bé khắc khoải không yên. Một hôm  cậu nói với bà:                                                                                - Bà ơi, từ nay vào rừng cháu sẽ mang theo chiếc tù và, lâu lâu cháu thổi lên để bà biết là cháu đang bình an vô sự và báo cho
bà biết là trời đang nắng hoặc sắp mưa. Cháu giao hẹn với bà thế này, hễ tiếng tù và lẻ là trời nắng, tiếng tù và chẵn là trời mưa. Bà cứ nhớ chẵn mưa thừa nắng cho dễ. Trời nắng to hay sắp mưa lớn thì số tiếng lẻ tiếng chẵn  cháu thổi lên càng nhiều. 
    Nhưng tham của rừng rưng rưng nước mắt, vật phẩm cậu kiếm được ngày mỗi cạn dần, cậu phải luồn lách vào những cánh rừng sâu hơn mới hái lượm được.   Một hôm cậu lạc bước vào một khu rừng lạ, chung quanh cậu cây cối xanh tươi khác thường. Hoa rừng khoe sắc trăm hồng ngàn tía tỏa hương ngào ngạt. Dưới một hồ nước phẳng như gương nhìn rõ từng đàn cá ngũ sắc lấp lánh như ánh sáng mặt trời tung tăng bơi lội.  Tiếng chim rừng lãnh lót hòa với tiếng gió xào xạc, tiếng róc rách của suối chảy làm thành một bản hòa tấu rừng du dương đến mê hồn.  Cậu bé như đi vào giấc mơ, quên cả thời gian và công việc phải làm. Mây đen vần vũ trên đầu mà cậu không hề hay biết. Cho dến khi mưa rừng ào xuống cậu nhớ đến chiếc tù và thì nước lũ đã dâng cao, suối rừng gầm gào cuồn cuộn như một đàn ngựa bất kham vô chủ.

***

Sau cơn lũ thất thường ấy cậu bé chạy về bản thì ngôi nhà lá và bà ngoại biến đâu mất. Cơn lũ quét làm tiêu điều làng bản, cuốn trôi không biết bao nhiêu là người, vật nuôi, và hoa màu.  Cậu bé vừa khóc thương bà vừa đi theo dòng suối để tìm cho kì được xác bà đưa về chôn cất. Cậu di mãi, đi mãi không biết đã mấy ngày đêm nhưng không thấy xác bà đâu. Một hôm đang luồn rừng  thì một khối vằn vện to tướng trong bụi rậm nhảy ra đè nghiến cậu xuống.  Cậu tỉnh trí ngay và biết mình đang bị hổ đói làm hại. Lập tức tay phải cậu cắm phập mũi dao nhọn vào mắt hổ làm nó gầm lên và chạy biến vào rừng. Nhưng khắp người cậu đầy rẫy thương tích, máu chảy tràn ra đỏ thắm một vùng đất, cậu kiệt sức lê vào một hang đá, rồi lịm dần, lịm dần, và tắt thở. Xác cậu nằm giữa rừng không một ai biết đến, lâu ngày mục rữa dần và hóa thành tắc kè như con vừa thấy đó.  Nhớ lại chuyện xưa tắc kè rất hối hận và quyết chí sữa sai bằng cách thông tin thời tiết cho mọi người.  Thay vì thổi tù và như ngày xưa, tắc kè rung làn da dưới cổ họng để phát ra thành tiếng.
    Mẹ chưa ngừng lời, cu Nhọ đã chen ngang vào:                             

-Tắc kè nằm kín trong hốc cây làm sao biết được trời âm u sắp mưa hay đang nắng hở mẹ.                                                                 
- Con biết không, tắc kè không nhìn trời bằng mắt mà bằng bộ da mốc thếch như củi mục kia. Da nó vô cùng nhạy cảm với độ ẩm không khí khi thời tiết thay đổi.

***

Bổng từ trong hốc cây mít vang lên mấy tiếng âm vang mà trầm đục.. tắc kè…tắc kè…tắc kè….tắc kè… làm cu Nhọ tròn mắt, nó vổ tay rối rít                                                                                        
- Mẹ ơi, tắc kè kêu chẵn bốn tiếng                                                   
Cả nhà không ai bảo ai đều ngẩng lên nhìn trời. Lạ thay, lưng trời như đang thấp xuống và ngả xám màu chì. Gió đổi chiều và thổi mạnh  làm lá khô và bụi cát bay tung tóe.  Da thịt mọi người đã nhận được cảm giác man mát của bụi nước li ti. Và không đầy năm phút sau, một cơn mưa trắng trời đổ xuống trong tiếng hò reo sung sướng của cu Nhọ. Hoan hô tắc kè,  chẵn mưa thừa nắng, hoan hô tắc kè chẵn mưa thừa nắng. Qua cơn phấn khích Nhọ ta kê ghế bên cửa sổ ngắm hốc cây hai nhà dự báo cư trú nó đăm chiêu suy nghĩ ra chiều mông lung lắm.  









Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Trịnh Công Sơn: Xin cho tôi...


Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Tác giả Nguyễn Quốc Túy

Ba tác giả đồng giải xuất sắc trong cuộc thi Nhạc Trịnh trong tôi
(Người bên trái đeo kính là cháu Nguyễn Quốc Tuấn nhận hộ cho chú Nguyễn Quốc Túy)




 
Ngày giỗ thứ 13 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bu tui định viết vài dòng tưởng nhớ ông.  Hồi ở Huế bu sống cùng phố với Trịnh Công Sơn, mấy lần họp phường Vĩnh Ninh (cạnh chợ Bến Ngự) cả hai ngồi sau cùng, lấy dép thay ghế ngồi bệt xuống sân xi măng tán chuyện riêng. Sau giải phóng phố phường nghèo, chủ tọa thư kí có bàn ghế, còn dân chúng ngồi sân xi măng vậy thôi. Chưa kịp viết về nhạc sĩ thì hay tin chú em trai Nguyễn Quốc Túy ở sở Giáo dục Lâm Đồng được nhận một trong ba giải xuất sắc trong cuộc thi viết NHẠC TRỊNH TRONG TÔI do gia đình nhạc sĩ và báo Một thế giới đồng tổ chức. Nghỉ bụng nhạc Trịnh trong chú cũng như trong bác, nên đưa lên đây giới thiệu với bạn bè.                                                                                              
     Chú Túy có nickname KÊNH KỊA ở blogspot và NGUYỄN QUỐC ở facebook. Ban tổ chức trao giải vào ngày 1.4.2014 tại nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở tp. HCM. Tác giả Nguyễn Quốc Túy ở Lâm Đồng không về được, nhờ thằng cháu tên là Nguyễn Quốc Tuấn (con trai bu, kiến trúc sư tp. HCM) nhận hộ. Quốc Tuấn đeo kính đứng phía trái trong tấm ảnh 3 người nhận thưởng. Sau đây là bài viết TRỊNH CÔNG SƠN:XIN CHO TÔI  của Nguyễn Quốc Túy.
***

Xin - cho là chuyện vẫn diễn ra hằng ngày của nhân loại ở đời. Chẳng biết tự khi nào, có lẽ là từ khi nhận thấy thế giới này chưa được hoàn thiện, thiên hạ bèn tìm cách xin để bổ khuyết cho cái phần chưa hoàn thiện kia. Xin cái gì? Cũng tùy người, kẻ tham lam xin bất cứ cái gì miễn là có lợi cho mình, người có trái tim yêu thương xin những gì mang đến hạnh phúc cho tha nhân. Cứ cho tôi biết bạn xin cái gì, tôi sẽ cho biết bạn là ai.

Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ suốt thời gian rong chơi cõi tạm cũng từng xin. Ông xin cái gì? Trước tiên lại phải trả lời câu hỏi, Trịnh Công Sơn là ai? Thật là phù phiếm khi tôi lại gán cho ông thêm một định nghĩa nữa. Trong tác phẩm Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài, Bửu Ý đã liệt kê gần ba mươi định nghĩa mà người ta gán cho ông. Với tôi, nghe và hát Trịnh Công Sơn bao năm nay điều đọng lại về ông chính là một nhạc sĩ của tình yêu. Cứ như chất liệu làm nên trái tim ông là tình yêu, cứ như quanh ông luôn tỏa ra một trường yêu thương bất tận.
Thế thì Trịnh Công Sơn còn xin gì nữa nếu không phải là yêu thương? Ông yêu tất cả mọi thứ gặp phải trong cái trường yêu thương bất tận ấy, quê hương, con người, thiên nhiên, cây cỏ... Thực ra, thật khó mà phân định rạch ròi, tình yêu quê hương cũng chính là tình yêu đồng loại, thiên nhiên, đất trời. Tất cả đan xen, hòa quyện, lắng đọng bên nhau không hề có ranh giới rạch ròi. Trịnh Công Sơn đơn giản gọi tất cả là "đời", ở đó ông tự thấy mình "yêu quá đời này", ở đó ông chỉ biết nói lời tạ ơn, dù đến rồi đi.
 Quê hương - hai tiếng thân thương gần gụi ấy đối với ông đôi khi là "một trời mưa bay", là "đồi thông nắng đầy", đơn sơ góc phố, hay chỉ là một chiếc lá thu phai. Hãy bắt đầu hành trình yêu thương cùng ông từ một con đường, con đường thong dong "một ngày cầu xin thong dong con đường" (Vẫn nhớ cuộc đời). Chưa cần phải đi đâu vội, cứ đứng yên đấy mà chiêm ngưỡng nét đẹp quê hương hiện ra từ một chiều hoàng hôn "xin đứng yên trong chiều lao xao từng bóng hoàng hôn" (Tình xót xa vừa). Mà đâu chỉ có hoàng hôn, người nghệ sỹ còn muốn nối rừng núi với biển xa, nối từ đêm tới ngày "xin ngủ dưới vòm cây,... xin chờ những rạng đông" (Ru ta ngậm ngùi). Sống giữa cuộc đời còn đầy sân hận này mới thấy tình cảm yêu quê hương, yêu đồng loại của Trịnh Công Sơn tinh khôi và đáng quý biết bao. Ông không hề xin một tí lợi danh nào cho bản thân, mọi mong ước của ông đều chỉ dành cho quê hương thần thoại. Ông "xin có một ngày ngồi thong dong" chỉ để "trao đến mọi loài chút tình tôi" (Như tiếng thở dài). Ông ngồi đó thong dong hướng về quê hương nhọc nhằn gian khó mà xin cho mưa thuận gió hòa, "xin cho bốn mùa đất trời lặng gió" (Hoa vàng mấy độ), "xin hãy cho mưa qua miền đất rộng" (Diễm xưa).
Chứng kiến cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn xương tan thịt nát, bất lực nhìn quê hương  bị cày xới với bao người dân lành vô tội phơi thây trên ruộng đồng, người nghệ sĩ với trái tim đau chỉ còn biết ngửa mặt lên trời xin đôi bên quên đi thù hận "thù hận xin quên, đây quê hương mình" (Lại gần với nhau). Nhưng nào có ai nghe lời cầu xin của người nghệ sĩ, trong những cái đầu nóng kia chỉ đầy ắp súng đạn và bạo lực, mặc cho ông miệt mài "xin cho đêm không có đạn bay", "cho tôi đi nâng dậy hòa bình" (Xin cho tôi). Quê hương với tình yêu bao la của mẹ, với bước chân trẻ thơ rộn ràng là thế bỗng trở nên xa ngái trong khói lửa chiến tranh, để Trịnh Công Sơn xót xa thêm một lần "xin tay mẹ nồng nàn, cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng. Cho quê hương giấc ngủ thật hiền" " (Xin cho tôi).
 Thân thể quê hương cũng như thân thể một con người. Không ai có thể yêu thương với một cái tâm bấn loạn, thân thể chỉ có thể ban phát tình yêu trong sự bình yên, tĩnh lặng. Trịnh Công Sơn cũng thế, khi quê hương có được "giấc ngủ thật hiền" ông nhận ra rằng "từ đó tôi yêu em" (Xin cho tôi).
Quê hương là em và em cũng là quê hương, cũng như em là tôi và tôi cũng là em vậy. Với trái tim chan chứa yêu thương của mình Trịnh Công Sơn dành trọn tình yêu cho em không hề vụ lợi, không định chiếm đoạt điều gì. Mọi thứ ông vẫn chỉ dành cho em rất chân thành "xin cho tay em còn muốt dài", "xin chân em qua từng phiến ngà, xin mây xe thêm màu áo lụa" (Còn tuổi nào cho em). Phần mình, ông chỉ rón rén "xin cho về trọ gần nhau" (Ở trọ), hay đơn giản chỉ "xin làm quán trọ buồn chân em ghé chơi". Mà nếu em có đành đoạn ra đi thì Trịnh Công Sơn cũng tình nguyện "xin làm đá cuội mà lăn theo gót hài" (Biết đâu nguồn cội).
Trong "Trịnh Công Sơn một người thơ ca một cõi đi về", tôi thích một đoạn Anh Ngọc viết về Trịnh Công Sơn như thế này: "Con người ấy sinh ra để mà yêu và từ yêu thương lại sinh ra tất cả. Bởi yêu thương con người - từng con người một, bé nhỏ và mong manh  - mà dẫn đến yêu thương dân tộc, yêu thương nhân dân, và yêu thương cả nhân loại". Trịnh Công Sơn từng "xin cho tôi nguyên vẹn hình hài" chỉ để "cho tôi nghe lời hát cỏ cây", nhưng nay trái tim ông đã ngừng đập, hình hài của ông đã không còn nguyên vẹn mà tan theo cát bụi. Tuy nhiên cái chết đối với ông có lẽ chẳng lạ lùng gì. Thậm chí ông còn hình dung ra cái ngày  "tôi phải đi, tay chia ly cùng đời sống này". Đến cả lúc ấy, ở bên kia thế giới, ông vẫn còn lắng nghe đất đá tự tình "xin được xin nằm yên, đất đá hân hoan một miền" (Rơi lệ ru người).  Tôi tin rằng ở cõi vĩnh hằng ông vẫn còn đau đáu với tình yêu quê hương. Trái tim ông ngừng đập nhưng trường yêu thương từ đó vẫn lan tỏa như một thứ ánh sáng nhật nguyệt có thể cứu chuộc thân phận như ông hằng mong mỏi.



Đọc tiếp ...