Dưới bóng cây Kơnia trên Quốc lộ 27 (Bu mặc áo quần xanh đứng phái trái)
Bu đã E-mail cho một bạn thân ở Hà Nội tên là Phạm Hữu Nhuận, nguyên phó tổng biên tập báo Văn nghệ của Hội nhà văn, để trao đổi về câu hỏi của cô "Ai tác giả baig thơ Tiền và lá" . Sau đây là thư trả lời của bạn Bu, mời cô giáo tham khảo. Nếu cô giáo cần trao đổi trực tiếp với Nhuận thì đây là địa chỉ E-mail của bạn ấy:
phhnhuan@yahoo.com.vn
Hà Nội ngày 12.7.2009
ÔNG BU
Mấy hôm đi chơi vắng, nhiều bài vở chưa đọc, nên phải đọc cho hết… Chiều nay vào mạng, và đọc thư ông. Bài Tiền và lá là của Ng. Bính chứ không phải của Kiên Giang Hà Huy Hà. Ông không thấy có trong các tập thơ xuất bản trước đây của Ng. Bính là đúng, nó thuộc loại mới được sưu tầm và bổ sung gần đây thôi. Cụ thể, trong 2 tập : Xuân tha hương do Sở văn hoá thông tin Hà Nam Ninh xuất bản 1989 do Đỗ Đình Thọ sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu (in 8200 cuốn), bài này ở trang 92, tập Nguyễn Bính thơ và đời , nxbản Văn học in năm 1994 do Hoàng Xuân tuyển chọn ( theo tôi đoán, Hoàng Xuân là Lữ Huy Nguyên, giám đốc nxb VH thời đó , bài này in ở tr. 13 (ở bản này có chú thích “Theo tài liệu của Đinh Việt Anh”, còn bản trước thì không có chú thích là lấy từ đâu ). Trên cơ bản, bản của ông và 2 bản kia đều giống nhau, nhưng có nhiều dị biệt khác nhau ( ví dụ : trời và giời, anh và em…) nên tôi gõ lại cho ông một bản để tham khảo :
Tiền và lá
Tuổi thơ tóc để gáo dừa
Tuổi thơ mẹ bắt đeo bùa cần ong (1)
Hai ta cùng học vở lòng
Dắt tay nhau giữa cánh đồng cỏ xanh
Hai ta chung một mái tranh (gianh)
Chia vui từng trái ngọt lành có nhau
Đêm cùng đón ánh trăng cao
Ngồi bên giếng ngọc đếm sao trên trời (giời )
Em moi đất nặn hình người
Anh thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền
Mỗi ngày chợ họp mười phiên
Em mang ngồi bán lấy tiền lá rơi
Tiền là giấy bạc em ơi
Tiền là giấy bạc của người làm ra
Người ta giấy bạc đầy nhà
Cho nên mới được gọi là chồng em !
Bây giờ mỗi buổi chiều lên
Tôi gom lá đốt, khói lên ngút trời (giời )…
Người ta đã bị mua rồi
Chợ đời ngồi họp, mình tôi mua gì ?
Thư ông nhắc : Nhiều người cho tác giả bài Tiền và lá là Kiên Giang, cũng có lý do của nó. Kiên Giang Hà Huy Hà, tên thật là Trương Khương Trinh, sinh năm 1929 ở Kiên Giang (nên có bút hiệu như vầy), nhưng sống ở S.Gòn. Cách đây mấy năm, mỗi lần vào S.Gòn, tôi vẫn thường gặp ổng. Đại khái, ổng tạng như cụ Tịnh Hà nhà ta xưa – lang thang, hầu như không nhà cửa, hơi bụi bụi, và cũng nhỏ thó, gầy nhom… Kiên Giang có bài thơ rất nổi tiếng, được chọn vào nhiều tuyển tập thơ miền Nam : bài Hoa trắng thôi cài trên áo tím , chủ yếu nói cái tình tuổi học trò của tác giả :
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh…
Vốn rất mê và sùng bái thơ Ng. Bính, nên năm 1946 , khi tản cư về Rạch Giá, tình cờ gặp Ng. Bính lúc đó lang bạt tại đây thì hai người bập vào nhau ngay, K.Giang coi Ng. Bính như sư phụ và từ đó gần như chính thức thọ giáo thầy Ng. Bính về thơ thẩn. Cho nên, ông sẽ thấy thơ K. Giang có cái giọng rất gần giọng Ng. Bính… Ngay phút đầu gặp gỡ nhau tại đền Nguyễn Trung Trực, Ng. Bính đã ứng khẩu và viết ngay vào vỏ bao thuốc lá 4 câu thơ rất nổi tiếng mà nhiều người thuộc :
Có những dòng sông chảy rất mau
Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu
Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp
Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau.
( thơ tặng Kiên Giang )
Cũng trong thời gian sống bụi ở đây, Ng. Bính đã viết 4 câu thơ khá ngạo treo lên vách , cũng khá hay :
Từ độ về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những thằng bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu.
Kiên Giang, ngoài làm thơ, còn là một soạn giả cải lương, và cho đến 1974 còn làm trưởng ban thi văn Mây Tần trên đài Sài Gòn…
Có lẽ về tác giả Tiền và lá cũng như trích ngang lý lịch văn chương của Kiên Giang Hà Huy Hà tạm đến thế. Thêo tôi, cũng không có gì phải bận tâm lắm về chuyện này. Khi ông hỏi, tôi còn nhớ loáng thoáng bài này có trong một tập nào đó của Ng,Bính, nhưng tính tôi lười lục lọi sách vở, mà ông đã hỏi thì không thể nói theo kiểu áng chừng được.
Hà Nội chiều nay đã có mưa, khí trời mát mẻ và trong trẻo. Tôi đang mong mùa hè kéo dài thêm vài ba tháng để cho mấy cành hoa mười giờ của ông cho và chậu sen của tôi mới mua kịp nở vài ba bông. Hôm kia đọc Tiền Phong cuối tuần, gặp mấy bài thơ của một thi sĩ nhí của quê ông khá hay. Bà Mỹ thì chỉ tin có một bài là của em ấy thôi (bài ru bà ngủ), vì giọng người lớn quá. Nhưng tôi thì tin, vì ai đã sa vào con đường văn chương thì thảy đều sớm già, phải chờ cho đến tuổi ngoài 70 mới trẻ lại tuôỉ …lên mười.
Tôi vẫn ngắm dung nhan bà cháu cu Rơm. Thật là những thiên thần.
Chúc ngủ ngon.
HỮU NHUẬN
(1) Bu đã gọi điện hỏi "cầu ông" hay "cần ong" thì được ông bạn giải thích là "cần ong". Theo bạn này thì đã từng có một chú thích nói rằng "cần ong" là một loại bùa của nhà chùa làm bằng vải, đeo vào cổ để trừ ma tà.