Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

LỜI ĐƯA TIỄN HÀ TÂY (Nhà giáo Phạm Việt Long)

 

 

 

 

TNc: Ngày 1-8 -2009 là ngày giỗ đầu Hà Tây. Nhớ ngày này năm ngoái đúng ngày 1-7 tháng Ngâu, lại có nhật thực, lại có cơn mưa kì lạ. Trên con đường số 6 đoạn phân ranh giới Hà Nội - Hà Tây vào giờ Tý họ hạ gục tấm biển phân chia ranh giới. Và thế là một vùng văn hóa xứ Đoài đã thành thiên cổ. Để tưởng nhớ Hà Tây, trannhuong.com xin đưa lại bài văn tế rất hay này để chúng ta cùng đọc và nhơ về Hà Tây yêu quý...


   Hỡi ơi !

Thế cục xoay vần càn khôn dời đổi, bước thịnh suy dễ mấy ai hay.

Mở cửa bốn phương Nam Bắc Tây Đông, luồng gió mới thổi qua miền quê lụa.

Đã từng trải bao phen sóng gió, tưởng vĩnh hằng trụ thế với thời gian.

Ai ngờ đâu bèo giạt mây tan, một Quyết định tiễn về miền ký ức.

Nhớ tỉnh xưa !

Sừng sững Ba Vì trấn biên cương phía bắc, thánh Tản Viên uy ngự chốn linh thiêng.

Một rẻo Tây Nam, mây nước miên man, Hương Tích mở một trời Phật pháp.

Dòng Đà giang độc lưu lên phương Bắc, sông Tích hiền luôn chảy xuống miền nam.

Dòng Đáy trong kết bạn với Nhuệ giang, ôm ấp trọn cả bình nguyên trù phú.

Suối Yên mơ ngọt ngào quyến rũ,  nụ cười ai ngây ngất nón ba tầm.

Tiếng ai ca vắt vẻo giữa rừng xuân,  trái mơ tròn mọng căng muôn điều ước.

Chùa Tây Phương giữa một miền non nước, bao năm rồi La Hán vẫn lặng im.

Đất Bối Khê cung kính vị thành hiền, nhận liền anh chùa Trăm gian linh ứng.

Trúc Lâm môn bàn tay ai xây dựng, Vũ Khắc Trường ngồi đó với thời gian.

Vũ Khắc Minh kế tục hóa kim cương, chùa Đậu lành trở thành miền cổ tích.

Đền Đông Quan thênh thang và cô tịch, khói hương say phơ phất chốn cửu trùng.

Tiếng đàn bay giữa đại lộ mênh mông,  nhịp phách tiên nâng hồn người lên cội.

Dòng Nhị Hà xôn xao sóng dội, phù sa hồng kết thành bãi tự nhiên.

Có ai người dội gáo nước thiêng, thăng hoa hết tình yêu và số phận.

Thấy đâu đây túp lều tranh yên ấm, trái tim vàng Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

Sáo diều ai tha thiết giữa từng không, hay khúc hát quần tiên ngày khánh hội

Đất Đường Lâm bàn tay ai đắp đổi, đá ong thay ngôi vị của hai vua.

Dòng sữa nào nuôi dưỡng tự ngàn xưa , phủ Thường Tín sinh 63 tiến sĩ,

Núi sông hùng vĩ, đất anh linh vạn thuở vẫn anh linh

Thiên địa tinh minh, đời khang thái muôn năm còn khang thái.

Lụa Hàng Vân bàn tay ai kết sợi, áng tơ mềm vấn vít đất Hà Đông

Gạo tám thơm dâng ngan ngát hương nồng, ai là người ươm gieo miền Chợ Cháy.

Vành nón xinh nghiêng nụ cười con gái, ai là người cặm cụi giữa làng Chuông.

Bàn tay ai đơm kết sợi chỉ hồng, thu hương sắc về khung thêu Quất Động.

Cả vũ trụ bao la thơ mộng, tranh sơn mài Duyên Thái gói vào trong.

Muôn thần linh Nam Bắc Tây Đông, thợ Sơn Đồng gọi về từ gỗ đá.

Ai hữu duyên xin về miền Trạch Xá, tà áo dài bay hương sắc Việt Nam.

Đất Phú Vinh chau chuốt mỗi sợi nan, kết mây tre thành điệu huyền vĩnh cửu.

Mộc Chàng Sơn đem phụng long hoa điểu, châu tuần về tô điểm cõi linh thiêng.

Tiếng thoi ai rắc ngọc đất quê hiền, khách tha hồ nhặt gom từ Phùng Xá.

Con ốc nào mang trời mây biển cả, thổi hồn vào đồ khảm làng chuyên.

Bàn tay nào nơi Thượng Hiệp bình yên, điểm linh nhân cho muôn loài muông thú.

Giang sơn quyến rũ

Nhân vật tài hoa

Muôn năm rồi theo bước ông cha, vì Thủ đô mang thân làm cửa ngõ.

Tấm lòng son trời cao còn soi tỏ, gậy Trường Sơn in dấu đất quê hương.

Chiến tranh ư, trai tráng khắp làng thôn nắm tay nhau hát bài ca vệ quốc.

Bỏ lại sau mái tranh nghèo xơ xác, nguyện đem về cho Tổ quốc quang vinh.

Hồn bay theo cánh gió đại ngàn, sá chi thân vùi sâu ba thước đất.

Tấm bia lạnh nơi nấm mồ đóng chặt, lại mở ra cả chân lý tự do.

Hòa bình ư, lại hát khúc đưa đò, lái thuyền đời vào giữa dòng đổi mới.

Đất ông cha ông đã bao lần đắp đổi, nay hiến dâng cho sự nghiệp sang trang.

Dù chẳng còn đâu nữa lũy tre làng, dù sáo diều không còn nơi ca hát.

Dù thôn hương không còn đường gạch lát, dù chơi vơi giữa thế giới thương trường.

Chỉ một tấm lòng chan chứa yêu thương

Luôn đấy ắp dù vơi đầy sức sống.  

Than ôi !

Núi vẫn cao, trời xanh kia vẫn rộng, mà địa đồ rơi mất chữ Hà Tây !

Đông còn đây, Đoài vẫn còn đây, mà ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội.

Cô gái quê dịu hiền nơi bến đợi  đã sang sông xao xuyến một chuyến đò.

Niềm vui kia chẳng khỏa hết âu lo, phận làm dâu mấy người họa hay phúc.

Chốn quan trường bị một phen chen chúc, còn công đường hay ké ghế ngồi chơi.

Chốn dân thôn nghe ngóng khắp mọi nơi, còn ruộng đất hay hóa thành vô sản.

Đã chao đảo mấy phen hợp tán, liệu còn không khi biến ngõ thành nhà.

Hạnh phúc chăng khi thuyền mới ghé qua, phận làm hai đã bá truyền đại chúng.

Ai bảo rằng cứ nhà cao cửa rộng, hạnh phúc hơn trong một mái tranh nghèo.

Ai bảo rằng kể cả chẳng reo neo, khi chứng kiến người giầu kia cũng khóc.

Nhưng thôi thôi !

Chân đã bước có nề chi khó nhọc, ai bảo rằng phận dưới chẳng có công.

Hồi môn kia cả mảnh đất danh hương, ai dám nói Thủ đô không nhờ cậy.

Sông Hồng dữ có hiền hòa sông Đáy, Ba Vì thiêng nâng đỡ núi Nùng linh.

Chùa Một Cột như một đóa sen hồng được hái về từ Phật đài Hương Tích

Dáng ai đi trong ngàn năm thanh lịch , tà áo nào không phải lụa Hà Đông.

Nhà ai cao ngất ngưởng giữa không trung, móng nào xây trên đất miền Hòa Lạc.

Khách viễn du không chồn chân ngơ ngác giữa bốn bề mái ngói xô nghiêng.

Tới Thủ đô có thủy bộ đôi bên dắt hồn vào bao miền hương sắc

Đáo giang tùy khúc, luôn nhớ câu Hữu xạ tự nhiên hương.

Nhất phẩm thiên lương từng ghi dạ Phúc đức tòng tại mẫu.

Đem thân về cùng Thủ đô yêu dấu cũng tự hào hộ đối môn đăng

Bỏ lại sau một quá khứ mênh mông, tránh sao khỏi chút niềm day dứt.

Hà Tây ơi ! Đưa người về một miền kí ức, nghe vẫn còn Bóng chiếc thoi đưa

Hay đời thường sớm nắng chiều mưa, chỉ sông Tích, sông Đà giăng lụa

Nguyễn Khắc Hiếu như còn ngồi đâu đó, gom Tản Đà sông núi thành tên.

Ức Trai xưa vẫn sừng sững uy nghiêm, cõi tâm thượng như sao Khuê buổi sớm.

Cánh hạc trắng bay vào miền quên lãng, có ai người thổi đến một áng mây.

Chẳng thấy ai nâng chén rượu đưa cay, chỉ sương lạnh ướt đầm trên lối cỏ.

Tiễn người đi thắp hương lòng cháy đỏ, cho tình đời bát ngát một trời thương.

Cho lời ca tràn khắp nẻo văn chương, dựng tượng đài trong trập trùng bể nhớ.

Dù ở đâu giữa đất trời muôn thuở.

Xin Người về chứng giám Hà Tây ơi !

Thượng hưởng !

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

ẤP TRỨNG VOI

 

Dân giàu nước mạnh  thì ai cũng biết, nhưng không có kiến thức làm giàu mà cứ làm đại thì dân không giàu nước không mạnh lại thành ra bi hài kịch.  Được các bạn nslekim, quynhloan028. noidaungotngao khích lệ , Bu “một liều ba bảy cũng liều” kể câu chuyện dưới đây. hihihi

 

Anh chàng nọ lâu nay chí thú cày sâu cuốc bẫm, nhưng thấy mọi người đua nhau làm giàu nên sốt ruột bảo vợ: Phen này tôi quyết chí đi khắp thiên hạ học cách làm giàu chứ không thể nghèo túng mãi thế này được. Nói rồi anh ta khăn gói lên đường la cà khắp chốn cùng nơi, vẫn chưa học được cách gì hay ho. Một hôm thấy người ta bán rất nhiều những quả  tròn tròn trăng trắng, thấy lạ, anh mon men đến chỉ vào các quả  kia:  Cô làm ơn cho hỏi đây là những quả gì ạ ? Cô hàng bán dừa bật cười: Quả trứng voi  mà anh.  Thế làm sao cho nó nở ra voi con được ?  Cô gái cười tươi hơn:  Anh phải ấp nó đúng ba tháng mười ngày bằng thân nhiệt của mình, trong thời gian đó, không được cho ai nhìn thấy trứng.  Anh chàng nghỉ bụng, có người nuôi giun đất, nuôi dế, mà làm giàu được, vậy ta liều mua một quả về thử vận may xem sao.

      Sau khi mang trứng voi về, anh chồng bảo vợ: Vợ chồng mình thay nhau ấp trứng, chứ một mình anh ấp liền tù tì ba tháng mười ngày làm sao được. Mà để  ăn chắc, ta phải cởi bỏ hết quần áo cho da thịt tiếp xúc với vỏ trứng, như thế thân nhiệt mới phát huy hết hiệu quả.

       Hôm ấy vợ chàng đi làm đồng, cô em vợ đến chơi thấy anh rể cuộn tròn như con tôm hùm, trùm chăn len,  mặt mũi đỏ như  quả gấc, mồ hôi tứa ra như tắm, thì kêu lên: Nóng 40 độ mà anh đắp chăn len, coi chừng  bị sốt rét rồi.  Ông anh nhăn nhó, tôi không làm sao cả, chỉ là đang ấp trứng voi thôi.  Anh nói cái gì! ấp trứng voi?  Nói rồi cô cầm mép chăn định hất tung lên xem thì ông anh rể hốt hoảng ngăn lại. Chết chết, không được, không được, đã ba tháng chín ngày rồi, còn một ngày nữa là trứng nở, có người nhìn thấy là nó ung ngay.  Cô em vợ  đột ngột luồn tay vào chăn khuơ khoắng  rồi reo lên,  ôi voi nở rồi, mà ...mà ...cái vòi ra trước, lại cứng đơ.  Ái chà,  anh ơi voi bị cảm, đang chảy mũi nước đây nè. Hehehe... 

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

SIÊU MŨI

 

 

Sáng  nào Bu cũng đi dọc bờ sông Nhật Lệ thay vì tập khí công dưỡng sinh, đi chán thì quần tam tụ tứ nơi mấy ghế đá vườn hoa để tán chuyện trên trời dưới đất. Anh nào cũng có chuyện kể để cười. Thường là những chuyện không có đầu đề, SIÊU MŨI là tên Bu đặt cho một câu chuyện Bu được nghe ...

 

Một ông quan nhỏ trị vì một địa phương nọ không hiểu sao rất sùng bái Tàu, với ông cái gì của Tàu cũng tốt, cũng đẹp, cũng ngon.  Đoàn du lịch xuất ngoại nào ông cũng gợi ý sang Tàu. Lần này thì đich thân ông làm trưởng đoàn một đoàn sang Tàu.  Sau khi đến Tô Châu chiêm bái Hàn Sơn tự, đến Hàng Châu ngắm sông Tiền Đường,  lên Thượng Hải dạo thuyền trên sông Hoàng Phố ông hứa với mọi người: Tôi sẽ đưa các vị đến Bắc Kinh thưởng thức một món ăn mà trước khi chết ai ai cũng nên nếm thử một lần. Nghe thế cả đoàn nhao nhao: Phải nếm một lần, phải nếm một lần, món gì vậy trưởng đoàn ơi. Ông trưởng đoàn trịnh trọng: Món vịt quay Bắc Kinh.  Thế nhưng, khi đến nhà hàng vịt quay, các cô phục vụ dọn ra mỗi người một con vịt thơm phức vàng rụm ai nấy vội vàng cầm dao, cầm nỉa, thì ông trưởng đoàn đứng dậy nói:  Các vị hãy khoan, để tôi kiểm tra đã, nói rồi ông lần lượt ngửi vào phao câu từng con vịt, xong, vẩy cô phục vụ đến bảo: Chúng tôi gọi vịt Bắc Kinh sao nhà hàng lại dọn ra vịt Phúc Kiến. Các cô phục vụ ngoan ngoản đổi ngay thứ vịt khác, nhưng sau khi kiểm tra ông lại quát:  Nhà hàng này láo, hết vịt Phúc Kiến lại dọn ra vịt Tứ Xuyên. Nghe thế, ông chủ nhà hàng ra chấp tay lạy ông như tế sao, miệng khẩn khoản: Ông thương tình đại xá cho, ngộ  chủ quan, không tưởng tượng nỗi trên thế giới này lại có cái mũi siêu đẳng ngoại hạng như mũi ngài.... Ông trưởng đoàn dọa: Ông hãy coi chừng mất tiêu cái thương hiệu vịt quay Bắc Kinh, nói cho mà biết, chỉ ngửi phao câu không thôi tôi có thể nói vịt nuôi ở xã nào, huyện nào chứ không chỉ nói tỉnh chung chung đâu. Từ nay phải bỏ ngay cái chiêu lừa đảo nghe chửa.

Tối đó, đang mơ  thấy mình  dạo trên tiên cảnh thì nghe tiếng cạch cạch, ông bật dậy mở cửa. Một cô gái Tàu xinh như mộng đứng trước mặt ông, cô gái khẩn khoản:  Em cắn cỏ cắn rơm nhờ ông trưởng đoàn giúp cho một việc, không rõ ông có thương tình giúp cho không.  Ông trưởng đoàn mau mắn: việc gì  giúp  được tôi không từ chối. Cô gái mừng quá bật khóc thảm thiết, nhưng em...em... khó nói quá... để em lựa lời sao cho tế nhị đã...huhuhu...  Nghe nói ông có biệt tài ngửi phao câu vịt mà  biết được quê hương bản quán nó huhuhu.... Ông trưởng đoàn sốt ruột: Thế cô cần tôi giúp gì thì nói ra chứ. Cố gái cúi đầu nói trong nước mắt: Dạ, em...em... đã 20 năm này lần mò tìm...tìm... Cô chưa nói hết câu ông trưởng đoàn đã vổ đùi cười vang: Cô bị thất lạc bố mẹ với quê hương bản quán chứ gì, ồi, chuyện vặt, đến vịt quay chín rồi tôi còn nói được là nó ở làng nào xã nào huống hồ là người đang sống nhăn như thế kia. Hehehehe !!

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Photo Album 2010-08-14




Đọc tiếp ...

NẾU CÓ THỂ CƯỜI ĐƯỢC !!!

 

Dưới đây là một Entrry của blog Trương Duy Nhất, thấy vui vui chép lại hầu cười các bạn. Hehehe !!!

 

Đây là comment của hai bạn đọc ký tên Cu Đơ và Gái Đĩ. Đọc thấy hay, nhốt trong mục comment phí quá nên cop ra đây thành một entry hầu bạn đọc.

          Câu chuyện thứ nhất:

          Trong công viên, một phụ nữ trung niên ngồi thả lưng trên ghế đá. Một gã đàn ông đứng tuổi ngồi xuống bên cạnh:

          - Xin lỗi, chẳng hay bà có phải là cán bộ nhà nước?

          Người phụ nữ ngạc nhiên:

          - Đúng thế! Sao ông đoán được?

          - Có khó chi, nhìn mặt biết liền.

          - Sao nhìn mặt lại biết, hay vậy?

          - Thì nhìn cái mặt… đần đần!

          Người phụ nữ nhảy xổm lên, tức giận:

          - Mặt ông đần thì có!

          Gã đàn ông bình thản chép miệng:

          - Đúng rồi. Thì tôi cũng là… cán bộ nhà nước mà!

(Cu Đơ)

          Câu chuyện thứ hai:

          Một du khách Tây đến Việt Nam thấy cái gì cũng lạ. Nhưng không cái lạ nào bằng mấy con vẹt bán giữa chợ. Lão bán vẹt PR về mấy con vẹt Việt đa năng mà vẹt thế giới không thể có được. Vị khách Tây hỏi giá con thứ nhất. Lão bán vẹt nói:

          - Con này giá mười đô.

          Khách hỏi nó biết làm gì. Lão bán vẹt thưa:

          - Nó biết nói tiếng Anh và làm toán.

          Khách xác nhận không sai, nhưng ngạc nhiên vì sao giá rẻ thế. Bèn hỏi sang con thứ hai:

          - Thế con này biết làm gì? Trông nó cũng nhanh nhẹn đấy chứ!

          Lão bán vẹt khoe:

          - Nó biết làm thơ. Các sếp nhớn rất hài lòng và đã từng trả nó lên đến ngàn đô để diễn trò cho các đại hội đấy!

          Du khách không ngờ con vẹt này có giá cao gấp mấy lần con kia. Bèn hỏi sang con thứ ba:

          - Còn con này chắc giá bình dân nhỉ? Trông nó béo và lù đù như bị bệnh đao vậy!

          Lão bán vẹt cười ré lên:

          - Ông nhầm rồi. Trông thế chứ giá cao nhất đấy. Gom hết tiền của của thành phố này cũng không mua và nuôi nổi nó đâu!

          Vị khách trố mắt:

          - Thế nó biết làm gì?

          Lão bán vẹt trịnh trọng:

          - Không biết làm gì cả! Nhưng nó là sếp của hai con kia!

(Gái đĩ)

          Chuyện thứ hai chưa thấy dị bản nào. Nhưng chuyện thứ nhất ngay sau đại hội Hội nhà văn Việt Nam được chế như sau:

          Trong công viên, một phụ nữ trung niên ngồi thả lưng trên ghế đá. Một gã đàn ông đứng tuổi ngồi xuống bên cạnh:

          - Xin lỗi, chẳng hay bà có phải là hội viên… nhà văn?

          Người phụ nữ ngạc nhiên:

          - Đúng thế! Sao ông đoán được?

          - Có khó chi, nhìn mặt biết liền.

          - Sao nhìn mặt lại biết, hay vậy?

          - Thì nhìn cái mặt… đần đần!

          Người phụ nữ nhảy xổm lên, tức giận:

          - Mặt ông đần thì có!

          Gã đàn ông bình thản chép miệng:

          - Đúng rồi. Thì tôi cũng ở trong… cái hội ấy mà!

 

Đọc tiếp ...