Bên Tudinhhuong có giới thiệu truyện ngắn Đường Tăng với đề từ: “Tác phẩm Đường Tăng của tác giả Trương Quốc Dũng đạt giải nhất cuộc thi Truyện cực ngắn của Hội Nhà văn năm 1994. Truyện đã gây xôn xao dư luận trong giới Phật tử thời đó”. Bu lục tìm trong báo Văn Nghệ năm 1994 của Hội nhà văn Việt nam không thấy đăng truyện này. Lạ! Truyện được giải nhất của Hội nhà văn cớ sao tờ báo chủ chốt của Hội lại không đăng. Bu vào Vnthuquan.net thì đọc được lời giới thiệu về truyện Đường Tăng như sau: “Truyện cực ngắn “Đường Tăng” của tác giả Trương Quốc Dũng (cùng với “Hoa Muộn” của Phan Thị Vàng Anh) đoạt giải nhất cuộc thi Truyện cực ngắn của tạp chí Thế Giới Mới và Hội Nhà Văn đồng tổ chức năm 1994 và đã nhận nhiều ý kiến khác nhau”. Bu hỏi thêm một số bạn bè làm văn chương và báo chí trong khoảng thời gian đó thì họ xác nhận thông tin của Vnthuquan.net là chính xác. Như vậy, nội dung đề từ ở trang tudinhhuong không do cô viết mà được sao chép từ một trang khác, vì cuối truyện Đường Tăng thấy tudinhhuong viết : “Cảm ơn anh Hồ Gia Trang đã cho em copy truyện này nhé”. Bu nói lại điều này để các bạn hiểu đúng những gì đã xẩy ra, tạo nên “sự kiện” Truyện ngắn Đường Tăng hồi năm 1994.
Để các bạn có thêm cơ sở thảo luận về chuyện Đường Tăng, ngoài việc cóp lại chuyện này bên tudinhhuong, bu tui xin tóm tắt trích ngang lý lịch Đường Tăng trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc và trong tiểu thuyết Tây Du ký của Ngô Thừa Ân.
A -Truyện ngắn Đường Tăng
Tác giả: Tương Quốc Dũng
Đêm cuối cuộc trường chinh đầy gian khổ, ngày mai yết kiến Như Lai để lên kiếp Phật, Đường Tăng trằn trọc không sao ngủ được. Suốt cuộc đời tâm nguyện tới cõi này, giờ đây khi sắp trút bỏ kiếp người, ông bỗng thấy lòng day dứt.
Nhiều ngày nay, thân thể Đường Tăng đã rã rời, đầu óc đầy mộng mị, tay biếng lần tràng hạt. Tâm linh như muốn níu chân dừng lại. Máu ông nhức nhối thấm lần cuối qua tim, cứa vào quá khứ đau xé. Ông nhớ tới những người sinh thành ra mình. Tình cha, huyết mẹ tạo nên mà bao nhiêu năm nay ông không một lần thắp hương, không một lần nhắc nhở.
Chặng đường dài tới đất Phật khiến trái tim ông dần chai sạn. Ông đã quá nhiều lần phải lạy lục, cầu khẩn các thần linh thánh lớn bé, đã quá nhiều lần giẫm đạp lên xác máu yêu ma xa gần, chỉ với một mục đích: mau thành chính quả. Ông thương người. Nhưng đêm nay, trước ranh giới cuối cùng của cõi Người và Phật, ông chợt hiểu ra cội rễ của tình thương ấy. Mỗi lần cứu giúp con người, ông chỉ thầm tính toán như xây thêm cho mình một bậc thang tới Phật đài.
Nhiều lần Đường Tăng đã tự hỏi tại sao nước mắt mình ngày càng lạnh giá. Giờ đây ông thầm biết, trên con đường thỉnh kinh về cứu rỗi người đời, ông đã dần dần xa lạ với con người.
Ông trở mình, thở dài: không là người, ta sẽ là ai? Yêu quái cản đường, biết bao kẻ chính từ trên đây xuống, pháp thuật vô biên, ác nghiệt vô cùng. Ta nhập vào chốn ấy biết rồi thành Phật hay ma?
Đường Tăng chợt nhói trong tim. Ông khẽ rên lên, hai tay ôm ngực. Mở mắt thấy các đồ đệ đang đứng bên giường nhìn ông âu lo. Cả ba hình như đều không ngủ.
Đường Tăng thở hắt: “Không sao đâu. Ta chỉ chợt nhớ tới ngày xưa”. Nói rồi lại nhắm mắt.
Nghe tiếng Ngộ Không: “Xin thầy đừng tự dối lòng. Thầy đang nhớ cả kiếp người
Đường Tăng rùng mình khi giọng Ngộ Không quá u uất –“Con từ đá sinh ra. Coi thường cả thần thánh, yêu ma, chỉ mong được thành người. Thầy đã là người lại tự bỏ mình đi tìm hồn phách khác. Đêm nay sao khỏi xót xa”.
Bát Giới cười khẽ: “Làm người có gì vui. Chúng ta đã dốc lòng theo đạo, ngày mai được lên chốn thần tiên, sung sướng biết bao nhiêu. Thầy đừng luyến tiếc”.
Sa Tăng an ủi: “Thầy trò mình sắp hóa Phật mang đạo xuống khai sáng cho loài người. Công quả vĩ đại lắm”.
Đường Tăng lắc đầu, nằm im hồi lâu, hai tay vẫn đặt lên tim, mắt vẫn nhắm, nước mắt trào ra ấm nóng lại. Rồi như trăng trối: “Ta ước gì đêm nay đừng sáng.
Ta đau đớn cho mười mấy năm viễn du. Ngộ Không ơi! Một đời con mong được thành người thì bị bắt ép phải theo ta để thành Phật. Bát Giới tự dối mình giác ngộ thật ra chỉ là đi tìm một chốn hoan lạc mới. Sa Tăng rời cõi u mê này sang cõi hoang tưởng khác mà lại hy vọng khai sáng. Còn ta? Không còn là người không phải là người thì làm sao đồng cảm mà đòi khai sáng, cứu vớt con người”.
Ngộ Không sụp xuống nắm tay thầy nghẹn ngào: “Thầy đã nhận ra chân lý. Nhưng chậm quá rồi”.
Đường về. Qua sông. Thiên sứ vừa cười vừa chỉ cho Đường Tăng thấy thân xác ông đang trôi dạt dưới cầu.
Nhưng Đường Tăng đã không nghe thấy gì nữa. Đôi mắt vô hồn.
B- Nhân vật Đường Tăng trong lịch sử
Đường Tăng có nghĩa là cao tăng thời nhà Đường, tên thật ông là Trần Huyền Trang (600 - 664) sinh tại Hồ Nam, năm 13 tuổi đã xuất gia, năm 21 tuổi thụ giới cụ túc. Ông theo học giáo lý Đại thừa với nhiều nhà sư danh tiếng thời đó, nhưng nhận thấy giữa các giảng sư có nhiều điềm khác nhau, và ngay trong một giảng sư có nhiều khi mâu thuẩn, tiền hậu bất nhất. Đấy là lý do chính thúc đẩy ông một mình lên đường sang Ấn Độ để tự mình tìm hiểu lấy. Sư rời Trường An vào năm 629, năm 631 đến Kashmir, năm 633 mạo hiểm tìm đến dấu tích Phật như Ca tì la vệ, Giác Thành, và cuối cùng đến Đại học Phật giáo Na lan đà. Tại đây sư được Giới Hiền truyền Pháp môn Duy thức. Hai năm sau sư rời Na lan đà sang Tích Lan, rồi lại trở về Na lan đà học triết học Ấn Độ. Danh tiếng của sư trở nên lừng lẫy, là người thông hiểu thấu đáo giáo lý Tiểu thừa và Đại thừa. Năm 645 sư trở về Trường An và mang theo 520 bộ kinh sách của Tiểu thừa và Đại thừa. Những năm sau đó sư tập trung dịch kinh Phật từ chữ Phạn ra chữ Hán, ngoài ra sư còn dịch Đạo Đức kinh của Lão tử và Đại thừa khởi tín luận (nguyên bằng tiếng Phạn đã thất truyền) bằng tiếng Hán ra tiếng Phạn. Đặc điểm những bản dịch của sư Huyền Trang là sự chính xác trong ngôn ngữ và tính văn chương cao. Lịch trình chuyến đi 17 năm được sư ghi lại trong sách “Đại Đường Tây vực ký”, giúp hậu thế hiểu rõ lịch sử Ấn Độ trong thế kỷ thứ 7. Đến thế kỷ 16 Ngô Thừa Ân dựa vào những giai thoại, những chuyện kể trong dân gian về chuyến đi của sư Huyền Trang để hư cấu nên kiệt tác thần thoại Tây Du ký làm hấp dẫn người đọc. Tên Huyền Trang được Ngô Thừa Ân gọi là Đường Tăng hoặc Tam Tạng.
C- Nhân vật Đường Tăng trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân
Ngô Thừa Ân đã hư cấu nên một Đường Tăng chỉ giống Đường Tăng có thật trong lịch sử là sang Ấn Độ thỉnh kinh, còn lại hai ông không giống gì nhau cả. Đường Tăng ở Tây Du ký là một hòa thượng đẹp mã. Cứ theo lời kể của Phật tổ thì kiếp trước Đường Tăng là đồ đề thứ hai của ngài, tên gọi là Kim Thuyền Tử, do không nghe thuyết pháp, khinh nhờn đại giáo nên bị đức Như lai đuổi đi thác sinh bên Đông thổ thuộc nước Đại Đường. Ở cõi ta bà này, Đường Tăng là người có đức độ và quyết chí ăn chay niệm Phật, nên được vua Đường yêu quý, được Phật tổ chỉ đạo Quán Thế Âm bồ tát ngấm ngầm chọn sang Thiên Trúc thỉnh kinh. Bồ tát cũng sắp đặt Tôn Ngộ Không, Trư bát Giới, Sa tăng, ngựa bạch, đi tháp tùng Đường Tăng. Trong suốt 14 năm trời với chặng đường mười vạn tám ngàn dặm, thầy trò Đường Tăng gặp 81 kiếp nạn nhưng nhờ mưu trí và tài nghệ mà Tôn Ngộ Không đã đưa được Đường Tăng đến chùa Lôi Âm gặp Phật Tổ Như Lai thỉnh về cho nhà Đại Đường 35 bộ kinh với 5048 quyển. Là người thừa ý chí đi tìm Phật thỉnh kinh nhưng Đường Tăng quá nhẹ dạ cả tin, tin vào lời xúc xiểm của Trư Bát Giới hơn tin vào sự thẳng thắn và sáng suốt của Tôn Hành giả, rất nhiều lần tin vào yêu quái đến nỗi bị chúng bắt về sào huyệt dọa giết ăn thịt. Nhiều lần Tôn giết yêu quái nhưng Đường Tăng cho là giết người lương thiện bèn mạt sát, mẳng mỏ, thậm chí viết công văn đuổi thẳng cánh. Nhưng đến khi hoạn nạn chờ chết lại nhờ vào tài nhgệ của Tôn giải thoát cho. Cả tin, đa nghi, Đường Tăng còn ủy mị hơn cả đàn bà. Gặp cảnh ngộ bất thường, nguy hiểm ông ta bủn rủn chân tay, nói không ra hơi, ngã ngựa, lăn quay xuống đất, khóc lóc thản thiết. Tóm lại, Đường Tăng của Ngô Thứa Ân là một hòa thượng sùng Phật, nhưng ngớ ngẫn đến mức ngây ngô và đần độn. Tuy nhiên cuối cùng vẫn được Phật tổ Như Lai phong làm Chiên Đàn Công Đức Phật.
D - Đôi lời của Bu lu khin
Từ một Huyền Trang trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Ngô Thừa Ân đã hư cấu nên một Đường Tăng của Tây Du ký sống vào thời Phật tổ đang tại thế, tức kéo lùi lịch sử Trung Quốc khoảng 1200 năm. Chưa thấy ai nói về nội dung sách "Đại Đường Tây vực ký" của nhà sư Huyền Trang để biết ông đã đơn thương độc mã sang Ấn Độ suốt 14 năm trời như thế nào. Nhưng chắc chắn ông đầy đủ bản lĩnh và sáng suốt, vượt qua muôn trùng gian khổ để đến đất Phật, chứ không thể là người cả tin, nhu nhược, đến độ ngớ ngẫn và đần độn như Đường Tăng của Tây Du ký. Thế nhưng sinh thời Ngô Thừa Ân và cho đến hôm nay, chưa thấy một ai lên án ông xuyên tạc Phật giáo, thóa mạ nhân vật đường tăng cả. Trong khi đó Trương Quốc Dũng dựa vào nhân vật Đường Tăng đã bị nhào nặn qua sáng tạo của Ngô Thừa Ân để viêt truyện Đường Tăng thì có người lại lên án tác giả xuyên tạc Phật giáo, bóp méo vai trò một cao tăng danh tiếng? Nhân thể nói thêm, Ngô Thừa Ân đã mô tả hai đệ tử ruột của Phật tổ là A Nan và Ca Diếp khi hai ông này trao kinh Phật cho thấy trò Đường Tăng không khác nào những kẻ đòi hối lộ: "A Nan, Ca Diếp dẫn Đường Tăng xem khắp tên cá bộ kinh một lượt, đoạn nói với Đường Tăng, "Thánh Tăng từ phương đông tới đây chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng, mau đưa ra đây chúng tôi đưa kinh cho". Khi Tôn Hành Giả khiếu nại vụ đòi quà cáp này lên Phật Tổ thì ngài cười nói : "Nhà ngươi cứ bình tỉnh. Việc hai người (A
Tuy nhiên đọc Tây du ký cần phải đọc giữa hai hàng chữ, và xem xét nó dưới hai góc độ: Là tác phầm phản ánh hiện thực xã hội dưới thời nhà Minh, mặt khác nó là hệ thống mật mã trong phương pháp cấu trúc. Đây là vấn đề nằm ngoài chủ định của Bu tui khi nói về Đường Tăng trong truyện ngắn của Trương Quốc Dũng.