Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

TRỜI và ĐẤT

Ở giữa ĐẤT TRỜI anh với em...



 

Hình đồ Bát quái



 

 

Có một lần nào đó bu tui viết "Trong các tác gia triết học của nhân loại, có 3 cặp :  Mác - Lê,  Khổng - Mạnh,  Lão -Trang….khiến các học giả bỏ nhiều giấy mực và công sức bàn luận tới.   Bạn TTM có vẻ không quan tâm đến 3 cặp bu vừa nhắc mà hỏi luôn: "Thế anh bu  suy nghĩ gì về cặp TRỜI ĐẤT". Đã mấy lần bu tui giả bộ tảng lờ không nhắc chi đến câu hỏi đó, vì nó rộng quá, khó quá, nói làm sao cho rốt ráo được. Nhưng người đẹp không tha cho, viết vào Guest book hỏi, gặp mặt đang cà phê cà pháo vui vẻ lại nhắc. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, bu tui cứ thử nói vài dòng về TRỜI ĐẤT xem sao… Hihihi.

 

1- Trần Khánh Dư là một võ tướng đời Trần, chiến tích đánh giặc đầy mình, nhưng do quan hệ "trên mức tình cảm" với con dâu Trần Hưng Đạo nên bị kỷ luật phải về quê đốt than kiếm sống. Ông có bài thơ nói về nghề đốt than, với hai câu đầu :

 

         Một gánh Càn Khôn quảy xuống ngàn

         Hỏi rằng chi đó dạ rằng than

         ………

 

Càn là một quẻ trong Bát quái gồm ba vạch dương (a) . Dịch kinh nói: "Càn vi thiên" tức càn là  TRỜI. Khôn cũng là một quẻ khác trong bát quái gồm ba vạch âm (b  cứ 2 đoạn nhỏ trên một hàng xem là một vạch âm). Dịch kinh nói: "Khôn vị địa" tức Khôn là đất. Vậy tại sao ông Trần Khánh Dư bảo than là Càn Khôn ? Vì nó gồm có TRỜI và ĐẤT. Nghe hơi lạ, nhưng đúng thế. Để có than người ta đốn cây rừng, sắp xuống  hố, đốt, khi không còn ngọn lửa nữa thì lấy đất lấp hố lại, chờ nguội đào lên sẽ có tro và  than. Ngọn lửa nóng khi gỗ cháy là phần năng lượng cây nhận được của mặt trời, bốc lên cao trả về TRỜI. Tro và than là phần cây nhận được của đất, trả cho ĐẤT. Trời cao vời vợi, đất thấp lè tè, nhưng lại kết hợp với nhau chặt chẽ trong từng mẫu lá, từng nhành cây (cũng là kết hợp âm dương) để làm nên rừng - môi trường sống, làm nên cây ngô, cây khoai, cây lúa…nuôi sống con người  

 

2- Tạo hóa phân công trời đất rạch ròi lắm. Dịch kinh chồng quẻ Càn lên quẻ Càn để có quẻ Thuần Càn (xem hình1 ) tượng trưng cho TRỜI (như quẻ Càn trong bát quái),  chồng quẻ Khôn lên quẻ Khôn thành quẻ Thuần Khôn ( xem hình 2)  tượng trưng cho đất (như quẻ Khôn trong bát quái)

Dịch kinh giảng về quẻ Thuần Càn: TRỜI có đức "nguyên"  vì là nguồn gốc của vạn vật, có đức "hanh" vì làm ra mây, mưa, để cho vạn vật sinh trưởng đến vô cùng, có đức "lợi" và "trinh" vì biến hóa, khiến cho vật gì cũng giữ được nguyên khí.

Dịch kinh giảng về quẻ Thuần Khôn: Càn tượng trưng TRỜI, thì Khôn tượng trưng ĐẤT, Càn cương kiện thì Khôn nhu thuận, Càn tạo ra vạn vật vô hình thuộc phần khí, phải nhờ Khôn vạn vật mới hữu hình, mới sinh trưởng, cho nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn…

 

 Hình 1: Quẻ thuần Càn

 

 Hình 2: Quẻ thuần Khôn

   

3- Phật giáo không đưa ra khái niệm Càn Khôn như Dịch kinh mà vẫn chứng minh được  TRỜI và ĐẤT có trong mỗi xác thân.  Theo nhà Phật thì con người do Ngũ uẩn tạo nên. Ngũ uẩn là 5 nhóm tượng trưng cho 5 yếu tố:  sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thọ, tưởng, hành, thức, trừu tượng thuộc về tâm. Còn sắc là thân và 6 giác quan (lục căn). Thân lại được cấu tạo bởi Tứ đại tức 4 yếu tố: Đất, nước, lửa, gió.  Đất, nước là phần xương tủy và máu thịt (khi hoai mục sẽ thành đất). Gió là hơi thở, lửa là thân nhiệt 37 độ do trời tạo nên. Nhưng đấy là nói TRỜI ĐẤT của thế giới ta bà ta đang sống.  Phật giáo Đại Thừa cho rằng quả địa cầu chỉ là một điểm nhỏ trong vũ trụ bao la, không phải là nơi duy nhất có sinh linh, mà con người cũng không phải là chúng sinh duy nhất. Chúng sinh vô cùng vô tận, mà hệ thống tinh tú cũng vô cùng vô tận. Tùy theo nghiệp thiện hay bất thiện đã tạo, chúng sinh có thể tái sinh vào một trong 31 cảnh giới. TRỜI và ĐẤT trong mỗi cảnh giới ấy là chuyện bất tận ngôn, không thuộc vào câu hỏi của bạn TTM    

 

4- Học thuyết Nho giáo mà người khởi xướng là Khổng Tử cho rằng có Trời làm chủ tể vũ trụ, nó là một đấng có hình dạng, có tình cảm, có tư dục như người ta. Khổng Tử tin vào thiên mệnh nên ngài nói rằng "Bất tri thiên mệnh vô dĩ vi quân tử giã" (Luận ngữ) tức không biết mệnh trời thì không lấy gì làm quân tử. Nhưng Lão Tử lại phủ định việc nhân cách hóa TRỜI ĐẤT. Với con mắt  của Lão Tử, trời và đất là sự tồn tại của tự nhiên, nó không có yêu ghét giống con người, càng không phải chúa tể của vạn vật, vạn vật tuân theo quy luật vận hành của thiên nhiên mà phát triển trong TRỜI ĐẤT. Lão Tử và Trang Tử nhất trí nhau ở chỗ : Hợp nhất với TRỜI là Đạo, thích ứng với ĐẤT là Đức, thực hiện ở vạn vật là Nghĩa. Các ngài còn cho rằng:  Nghĩa gồm ở trong Đức, Đức ở trong Đạo, Đạo gồm ở trong TRỜI (Trang Tử của Nguyễn Hiến Lê)

 

5- Trong sách Hoàng cực kinh thế của Thiệu Khang Tiết (1011-1077 thời bắc Tống) có luận về TRỜI ĐẤT: " TRỜI bởi động mà sinh ra, ĐẤT bởi tĩnh mà sinh ra. Một động một tĩnh giao với nhau mà thành ra cái đạo TRỜI ĐẤT …Mặt trời làm nóng, mặt trăng làm lạnh, tinh làm ngày, thần làm đêm. Nóng, lạnh, tinh, thần, giao nhau là sự biến đổi của TRỜI ĐẤT.

…Cái lớn của sự động gọi là thái dương, cái nhỏ của sự động gọi là thiếu dương, cái lớn của sự tĩnh gọi là thái âm, cái nhỏ của sự tĩnh gọi là thiếu âm. Thái dương làm mặt TRỜI, thái âm làm mặt trăng, thiếu dương làm các ngôi sao, thiếu âm làm khoảng cao mờ trên trời. Nhật, nguyệt, tinh , thần, giao với nhau là cái thể của TRỜI. Thái nhu làm nước, thái cương làm lửa, thiếu nhu làm ĐẤT,  thiếu cương làm đá. Thủy, hỏa, thổ, thạch giao với nhau thành cái thế của ĐẤT vậy (Nho giáo của Trần Trọng Kim )

 

6- Người Việt ta từ thuở xa xưa sống bằng nghề trồng lúa nước. Để có mùa màng bội thu thì mưa nắng đúng thời vụ và nước phân cần giống trên đồng ruộng là những yếu tố vô cùng cần thiết. Người nông dân tin có ông TRỜI, nên ngoài bàn thờ gia tiên còn có bàn thờ Trời trước sân nhà. Lại  có chỗ thờ ĐẤT biểu thượng bằng ông Địa ở góc nhà. Khát vọng của người dân quê thể hiện trong những câu ca:

 

Trông TRỜI trông ĐẤT trông mây

Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng

 

Hoặc

 

Lạy TRỜI mưa thuận gió đều

Cho đồng lúa tốt cho chiều lòng em

 

Cặp TRỜI ĐẤT với nhà thơ đôi khi mang tính hài hước. Sinh thời Tản Đà ngày say nhiều hơn ngày tỉnh. Cái gì đối với ông cũng có vẻ như đang say xỉn, ông viết:

 

ĐẤT say đất cũng lăn quay

TRỜI say mặt cũng đỏ gay, ai cười?

 

Xuân Diệu có mấy câu thơ nói về ĐẤT cực hay:

 

                Trái ĐẤT ba phần tư nước mắt.

                Đi như giọt lệ giữa không trung

------------

 

Ghi chú

 (a) Xin xem 3 vạch trắng phía trái hình đồ Bát quái

 (b) Xin xem 3 hàng  (gồm 6 vạch) xanh lá cây phía phải hình đồ Bát quái 

 

62 nhận xét:

  1. "Người nông dân tin có ông TRỜI, nên ngoài bàn thờ gia tiên còn có bàn thờ Trời trước sân nhà".
    Chú Bu ơi, sao có câu: Con cóc là cậu ông Trời/Hễ ai đánh nó thì trời đánh cho là coi thường ông Trời quá.

    Trả lờiXóa
  2. nhà cháu đọc liên quan đến kinh dịch cứ như... sa vào trận đồ bát quái , hic 'trận đồ bát quái ' là gì hả bac BU...

    Trả lờiXóa
  3. Chú Bu lại có chủ đề để viết để luận bàn rồi.

    Trả lờiXóa
  4. TDH

    1-Theo chú, khi trời nắng chuyển sang sắp mưa độ ẩm không khí thay dổ làm thân thể cóc phản ứng bằng cách nghiến răng...Dân gian dựa vào đó bảo cóc là cậu ông trời, bảo mưa là trời phải mưa
    2- Câu chuyện con cóc là cậu ông trời thể hiện sự phản kháng của người dân , với kẻ có quyền thế. Chú khí Tôn Ngộ Không bảo với Trời: Sao ông cứ làm trời mãi thế, bao nhiêu người tài để cho họ làm với chứ....

    Trả lờiXóa
  5. Trong bài chú chưa nói đến Mệnh Trời Tình Đất.

    Trả lờiXóa
  6. "Tôn Ngộ Không bảo với Trời: Sao ông cứ làm trời mãi thế, bao nhiêu người tài để cho họ làm với chứ...." - cháu thấy đây là câu nói hay nhất cuộc đời này. Hì.

    Trả lờiXóa
  7. Anh Bu ơi! cám ơn anh đã vì cặp "TRỜI và ĐẤT" và viết nên entry này. Sáng giờ M vừa làm việc vừa song ngón tay gõ với TDH đùa bên GB nhà anh thì được, còn suy nghĩ để comment ở đây thì để tối về si nghĩ đã..hihi

    Nhưng lời đầu tiên muốn nói ở đây là khi thấy tấm hình minh họa của anh:


    "Ở giữa ĐẤT TRỜI anh với em...!"

    Thì quá xuất sắc ở entry này, nó đã phản ảnh đầy đủ cả CÀN KHÔN của vũ trụ. Ở cuộc đời này tựu trung cũng chỉ có cặp bài trùng ĐẤT-TRỜI < = > ÂM-DƯƠNG này là đề tài muôn thủa của con người, tốn biết bao nhiêu là giấy bút để khai thác mà chẳng CŨ bao giờ.

    Câu thơ của Xuân Diệu:
    Trái ĐẤT ba phần tư nước mắt.
    Đi như giọt lệ giữa không trung

    Không trung cũng là TRỜI đấy chứ! đất trời cứ quyện lấy nhau để cho hằng hà sa số chúng sinh mãi hủy diệt sinh tồn anh Bu nhỉ?

    Anh cho đoạn thơ này kết bài thật là hay.

    Cám ơn anh lần nữa, tối về còm tiếp nha! hihi

    Mà anh Bu ơi sao người ta thường nói Âm Dương mà không nói Dương Âm nhỉ?

    Trả lờiXóa
  8. Em nghĩ gọi Âm Dương cho thuận âm ngữ. Không biết có phải không.

    Trả lờiXóa
  9. Em không biết nói gì chỉ thấy entrry rất hay. Em sẽ vào xem nữa để được hiểu nhiều hơn. :)

    Trả lờiXóa
  10. Bạn TTM
    câu: " "Ở giữa đất trời anh với em" bu tui lấy cảm hứng từ câu nói của nhân vật ông già trong vở kịch thơ KIỀU LOAN của Hoàng Cầm

    Ngày mai thiên hạ tàn đi cả
    Giữa ngã ba đường tôi với cô.

    Trả lờiXóa
  11. TTM và TDH

    Theo triết lý âm dương ngũ hành, ta gặp nhiều cặp âm dương trong cuộc sống như: Lạnh nóng, thấp cao, mẹ cha, mềm cứng...nhỏ lớn....Như vậy người ta có xu hướng tư duy từ gần đến xa, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao tức từ âm đến dương. Mặt khác như bu có nói trong bài viết, văn hóa nông nghiệp lúa nước mang âm tinh, gần gũi với âm hơn dương cho nên âm được nhắc trước dương

    Trả lờiXóa
  12. ngduytan

    Bát quái là 8 quẻ: CÀN, KHẢM, CẤN, CHẤN, TỐN, LY, KHÔN, ĐOÀI thường người ta xếp trên vòng tròn thành một cái trận đồ.
    Nhưng quẻ trong Bát quái mới là quẻ đơn. Người ta chồng quẻ đơn lên chính nó và chồng nó lên quẻ đơn khác... thành ra 64 quẻ kép. Cái vòng tròn 64 quẻ kép này mới thật là một trận đồ vĩ đại no đề cập hết thảy mọi việc trên đời....

    Trả lờiXóa
  13. Vâng, M cũng nghĩ không chỉ ở VN mà ở các nước Đông Nam Á, trong văn nói hay từ ngữ họ cũng dùng là 陰陽 - Âm Dương chứ không dùng là Dương Âm.

    Trả lờiXóa
  14. Cám ơn sự giải thích rất rõ ràng của anh.

    Trả lờiXóa
  15. lanvuive

    Mời bạn đọc lại và nêu thắc mắc bu tui biết đến đâu nói đến đấy

    Trả lờiXóa
  16. Chú ơi, sao cháu vẫn thấy người ta dùng: cao thấp, to nhỏ, nóng lạnh, cha mẹ... đó chú. Cháu ít khi dùng ngược lại.

    Trả lờiXóa
  17. Có bài thơ có chữ Càn KhônHứng tinh hoa nhật nguyệt càn khôn đọc thấy hay hay, mà cả bài thơ cũng hay quá, thôi thì M đem về đây cho thêm chộn rộn entry của anh Bu vậy.. hihi


    PHAN BÁ THỤY DƯƠNG
    Thôi Ta Về Ôm Góc Núi

    1

    Áo nhuộm phong trần chưa rũ sạch
    Tóc đã pha màu nắng quan san
    Thôi thôi ta về ôm góc núi
    Đẽo gỗ trầm hương tạc tượng nàng

    Gõ phách mà ca bài độc đạo
    Hứng tinh hoa nhật nguyệt càn khôn
    Mang ẩn tích về treo cổng gió
    Chợt phân vân ngẫm chuyện sinh tồn

    2

    Mềm môi rượu cạn đêm trừ tịch
    Lại nhớ người xưa, hương tóc xưa
    Đường thăm thẳm bước chân lơ đảng
    Thoảng nghe lạc điệu pháo giao thừa

    Thôi thôi ta về bên dốc đá
    Dựng am đường hội chứng vô âm
    Rủ chim chóc ngao du rừng trúc
    Đốt cảo thơm chuyển hóa huyễn thần

    3

    Dư ảnh chập chờn như bụi khói
    Ảo chân rời rạc giữa lưng trời
    Thôi thôi ta về ôm góc núi
    Đục gỗ trầm hương tạc tượng người

    Gõ nhịp mà ngâm bài tuyệt tận
    Gọi hồn Lá Thắm suốt đêm thâu
    Gió sương phơ phất đời cô lặng
    Nhòa nhạt chưa phiến thạch mộ sầu?

    Phan Bá Thụy Dương

    Trả lờiXóa
  18. Thật sự, những vấn đề anh Bu đề cập trong entrry, LT chưa biết nhiều nên chủ yếu đọc đi đọc lại cho hiểu, nhưng phải nói là những comment luôn cho LT hiểu thêm nhiều điều lắm, khi nào có thắc mắc sẽ hỏi anh Bu thôi hà. :)

    Trả lờiXóa
  19. lanvuive

    Lanvuive à, với bạn thì bu tui sẵn sàng trả lời những gì bạn hỏi, nói đúng bạn nghe, còn nói sai thì bạ phản biện lại

    Trả lờiXóa
  20. Thơ chị HT post lên đây Thôi ta về ôm góc núi quá hay đó chị. Chỉ có người nào thấu hiểu Đất và Trời như thế mới làm được thơ như thế. Có những từ em không hiểu.

    Trả lờiXóa
  21. Em thì không biết nhiều nên chỉ biết nghe anh Bu và các anh chị em khác nói thôi, chứ phản biện thì lý luận phải vững vàng cùng với kiến thức sâu rộng. Phản biện không đúng thì mắc cở lắm. :(
    Chỉ có điều nảy giờ đọc đi đọc lại entrry, LT cứ thắc mắc là sao các đáng trượng phu xưa nay hay sa chân vào chuyện luân thường đạo lý quá, ví dụ như võ tướng Trần Khánh Dư vậy đó, rồi lại buồn mà làm thơ
    "Một gánh Càn Khôn quảy xuống ngàn

    Hỏi rằng chi đó dạ rằng than"

    Em nghĩ, ở đây ông TKD có chút than thở về chuyện của mình, phải không anh Bu. :)

    Trả lờiXóa
  22. TTM

    Bạn là người thông thạo Hán Văn, chắc là có đọc câu này của MẠNH TỬ:
    得 志 與 民 由 之 不 得 志 獨 行 其 道
    (Đắc chí dữ dân do chi, bất đắc chí độc hành kì đạo)

    Rứa thì đẽo gỗ trầm hương tạc tượng nàng cũng là đạo chứ sao... hehehe">

    Trả lờiXóa
  23. Lanvuive

    Cả bài thơ như thế này:

    Một gánh càn khôn, quẩy xuống ngàn,

    Hỏi răng chi đó dạ rằng than.

    It nhiều miễn được đồng tiền tốt,

    Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn.

    Ở với lửa hương cho vẹn kiếp,

    Thử xem đá sắt có bền gan.

    Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác,

    Nhưng lọ trời kia lắm kẻ hàn.

    Người ta hỏi ông gánh gì đó, ông trả lời dạ gánh than. Than đây là than củi chứ không phải than thở. Vì không ai lại gánh được sự than thở, mà trả lời như vậy là lạc đề. Biết là nghề lem luốc nhưng ông vẫn làm vì còn lo (tiếng cổ là lọ) nhiều người chịu rét mướt trong mùa đông. (Nhưng lọ trời kia lắm kẻ hàn.)
    Sử sách nói về Trần Khánh Dư không thấy nói ông bi quan than thở, mà đầu óc luôn luôn muốn buôn bán làm thương nghiệp, ông là người đưa ra khái niệm sĩ, nông, công, thương ...

    Trả lờiXóa
  24. Em đọc hết bài thơ thì hiểu chữ THAN của ông TKD rồi. :)

    Trả lờiXóa
  25. lanvuive

    Biết thêm được điều gì hay điều nấy lan à

    Trả lờiXóa
  26. Biêng biếc bỗng thành đôi giọt nước
    Để đời soi bóng nối buồn vui
    Anh sẽ hóa thân dòng thác núi
    Ngang trời chở giọt nước em trôi :)

    Trả lờiXóa
  27. Mình thích cái pix minh họa ấy quá, không thể không cảm khái gõ vài câu...

    Xin được ôm em
    Giữa đất trời
    mênh mông lộng gió
    Vào mỗi buổi tối
    Khi dải ngân hà cất lên tiếng hát
    gọi tên tôi về
    Khi thành phố nhắc tên em
    Và khi mọi người ngủ say như chết
    Chỉ còn lại chúng ta
    Ôm nhau đợi mặt trời.

    Trả lờiXóa
  28. Về Kinh Dịch thì M mù tịt rồi, nên mới đi hỏi anh về cặp TRỜI ĐẤT, được anh diễn giảng và bổ sung rất là nhiều lãnh vực liên quan đến cặp Trời Đất này. Sáng nay M cũng đi tìm hiểu ở trang Bách Độ Bách Khoa, xem hai từ Càn Khôn này được giải thích ra sao? Đọc rồi chỉ hiểu là về cơ bản cặp Càn Khôn là hai hào trong bát quái đại diện cho Trời Đất, Âm dương : nam nữ..

    Tóm lại anh Bu giảng vẫn dễ hiểu hơn.
    Cám ơn anh.

    Tuy nhiên M vẫn đưa hình và cách diễn giải của trang này về đây. Ngày mai lại tiếp tục, à bây giờ đã là qua ngày mới rồi.


    Theo trang (百度百科) Bách độ Bách khoa, chữ Càn Khôn (Kiền-Khôn) được biên dịch như sau:

    乾坤,八卦中的兩爻,代表天地,衍生為陰陽、男女、國家等人生世界觀。書籍、游戲、網名均可以此為名。

    Càn khôn,bát quái trung đích lưỡng hào,đại biểu thiên địa,diễn sanh vi âm dương 、nam nữ 、quốc gia đẳng nhân sanh thế giới quan 。Thư tịch 、du hí 、võng danh quân khả dĩ thử vi danh.



    http://baike.baidu.com/view/75213.htm

    Trả lờiXóa
  29. nhulytacy

    Bốn câu thơ ấy gợi cảm lắm, không hủ nút như nhiều bài khác của nhulytacy đã từng làm

    Trả lờiXóa
  30. ngocyen054

    Hai đại diện của nhân loại cũng là TRỜI với ĐẤT đấy thôi

    Trả lờiXóa
  31. huynhtran

    Cảm ơn bạn đã làm cho trang này thêm phong phú

    Trả lờiXóa
  32. Bác Bu quan tâm đến ba cặp triết gia với toàn những vấn đề đau đầu, xưa thì chi hồ giả dã, "khắc kỷ phục lễ" gần thì cũng đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản... nên bác TTM muốn bác Bu quan tâm đến cặp "phạm trù" Trời - Đất, nó gần gũi, ấm áp hơn. Quả thật, tấm hình minh họa cho thấy bác Bu hiểu rất đúng ý bác M.
    Qua các ý kiến còm dưới đây mới thấy, bác Bu giảng rất mạch lạc, chỉ ít dẫn chứng minh họa thôi. Thôi thì ta cứ hiểu nôm na, Trời - Đất tức là Âm Dương, cặp đôi khởi nguyên ra tất cả. Chàng là dương, nàng là âm; cứng là dương, mềm là âm; Trên là dương, dưới là âm... Cứ thế mà suy, cao thấp, nóng lạnh, được thua; vui buồn; sướng khổ; đắc (tình) thất ( tình)... đều là âm dương, Trời đất cả. Vậy là Trời đất ở trong ta, ta ở trong trời đất.
    Các bạn cũng đừng băn khoăn Âm dương hay Dương âm làm gì, thuận miệng thôi, vả lại có lúc dương thịnh, có lúc âm thịnh cơ mà...
    Em tán thêm, có gì không chuẩn bác Bu "phủ chính" cho ạ.

    Trả lờiXóa
  33. TOROVN

    Về cái khoản ý tại ngôn ngoại thì TORO vào cỡ thiên tài hehehe

    Trả lờiXóa
  34. Bạn Tudinhhuong viết "Người nông dân tin có ông Trời , nên ngoài bàn thờgia tiên còn có bàn thờ Trời trước sân nhà". Tôi không rõ ở miền Bắc bàn thờ Trời này có phải là thờ Ông Trời hay không? Ở miền Nam, nơi thờ ngoài sân (rất đơn giản) gọi là bàn Thiên, nhiều người lầm tưởng là để thờ Trời, nhưng theo học giả Sơn Nam đây là bàn thờ quan Thiên, ông quan cai quản vùng trời nơi ngôi nhà, giống như Thổ thần thổ địa coi về nhà cửa đất đai, hay ông Táo coi về bếp núc vậy.

    Trả lờiXóa
  35. Chỉ có Vua mới được thờ Trời, tức là con thờ Cha. Dân gian chỉ thờ tổ tiên thôi. Ý bác Hiệp dẫn theo học giả Sơn Nam thật hay, chắc là như vậy rồi...
    Ở miền Trung có nhiều bàn thờ ngoài sân, hỏi ra thì họ cúng các linh hồn lang thang uổng tử do loạn lạc, chiến tranh. Việc này cho thấy dân miền Trung nhân hậu hơn dân Bắc. Dân Bắc làm nhà xong bào giờ cũng lo trấn trạch, trừ tà, đuổi hết những linh hồn đã cư ngụ trên đất đó ra chỗ khác...

    Trả lờiXóa
  36. Với những ý của TDH, của anh PNH, của Toro, chắc anh Bu phải nghiên cứu mà viết riêng một tập về "bàn Thiên" quá !

    Toro ơi!

    Người Hoa, mỗi ngày giỗ tết, sau khi cúng ở bàn thờ tổ tiên xong là quay bàn cúng ra cúng ngoài ngưỡng cửa để cúng ở ngoài sân, và ngày mùng hai, mười sáu thường cúng ngoài sân. Việc cúng kiếng đó chính là cúng cho các vong hồn lưu lạc lẩn khuất không siêu thoát được, cúng cho những vong linh đó và cũng cầu nguyện nếu vong linh còn lẩn khuất thì cũng gia hộ cho người trong gia đình đó sống và làm ăn được bình an, được thịnh vượng đó Toro ơi!

    Trả lờiXóa
  37. NGoài Bắc cũng "chúng sinh" như vậy, bằng nồi cháo hoa, bỏng ngô, quần áo... nhưng không cúng thường xuyên kiểu lập bàn thờ trong miền Trung chị M ạ. Họ chỉ cúng cháo trong dịp lễ lạt đặc biệt như vào hè, ra hè... thôi.
    Nói đến chữ "chúng sinh" cũng buồn cười, cúng những người chết, "chúng tử, chúng vong", lại gọi là "chúng sinh"... là sao chị M?!

    Trả lờiXóa
  38. Ở chùa trong Nam thì gọi là cúng vong, chứ không dùng từ "chúng sinh".Chị cũng không biết vì sao gọi là cúng "chúng sinh" nữa. Chắc lại phải hỏi bác Bu rồi.

    Chúng sanh theo chương 3 - Đại Thừa Chánh Tông trong kinh Kim Cang thì:
    Phật cáo Tu Bồ Đề: Chư Bồ-Tát Ma-ha-tát. Ưng như thị hàng phục kỳ tâm. Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại. Nhược noãn sanh. Nhược thai sanh. Nhược thấp sanh. Nhược hóa sanh. Nhược hữu sắc. Nhược vô sắc. Nhược hữu tưởng. Nhược vô tưởng. Nhược phi hữu tưởng. Nhược phi vô tưởng. Ngã giai linh nhập vô dư Niết-bàn nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh. Thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tưởng, tức phi Bồ-tát.

    Do đó dùng từ cúng cháo chúng sinh ở đây có khi chưa chính xác lắm, vì ta cúng ở đây là cúng vong người qua đời do bất đắc kỳ tử, do những nguyên nhân nào đó chưa vãng sinh, chứ không cúng cho muôn loài.

    Chùa chiền lập đàn cúng để cầu cho những vong linh đó vãng sanh, còn gia đình cúng cũng là cúng vong, cho những vong đó đỡ đói khát.. cũng là theo quan điểm của người sống sao thì người chết cũng có nhu cầu vậy mà hình thành. Dù không biết có vong linh lẩn khuất quanh nhà mình không, nhưng với quan điểm sống đó, thì ngày lễ tết, chị cũng cúng ngoài sân, cầu cho vong quanh đó được có chút khói hương khói hoa mà ấm cúng an lành..

    Trả lờiXóa
  39. Từ "chúng sinh, chúng sanh", theo tôi có 2 nghĩa trái ngược nhau, nghĩa theo như chị Huynhtran trích dẫn trong kinh hoặc theo như Toro diễn giải thì "sinh" la "sinh sống", chẳng hạn "Phật thuyết pháp trước chúng sinh", thi "chúng sinh" ở đây là để chỉ người sống. Còn nghĩa thứ hai là để chỉ những người đã chết không bình thường (cô hồn uổng tử, chết bất đắc kỳ tử), Nguyễn Du có bài văn tế Thập loại chúng sinh, chính là để tế (cúng) những cô hồn uổng tử đó. theo Cao Đài từ điển định nghĩa, chúng sinh (sanh), ý nói những người chết mà linh hồn không nơi nương tựa, không có ai nhang khói, những cô hồn lang thang bờ bụi. Như vậy cúng chúng sinh là hoàn toàn chính xác :-) và 10 loài cô hồn đó là:
    - Chết trận mạc. - Chết tai nạn giữa đường. - Chết lúc đi buôn bán phương xa. - Chết do tự tử thắt cổ, nhảy sông... - Chết do chìm tàu đò sông suối. - Chết cháy, - Chết do rắn cắn, cọp vồ... - Chết vì lao tù. - Ăn mày chết dọc đường. - Đãng tử hay kỹ nữ chết phương xa.
    Dĩ nhiên là có nhiều cái chết khác nữa nhưng đại khái là như vậy.

    Trả lờiXóa
  40. Va tu "Chung sinh, chung sanh" cung khong dung de chi muon loai, chang han loai vat song hay chet, cung khong duoc coi la chung sinh.

    Trả lờiXóa
  41. Chúng sinh, từ của Phật giáo được hiểu theo nghĩa là muôn loài.

    Trả lờiXóa
  42. Anh viết hay va giải nghĩa cặn kẽ nhưng phải đọc kỹ từng phần và hiểu dần thôi ạ. Em cứ hay hiểu nôm na: ta sống trong trời đất, chịu ảnh hưởng của đất trời, nương tựa vào đất trời và cuối cùng thân ta lại trở về với đất, hồn ta lại lang thang với gió trời. Đất gần gũi hơn, còn trời thì cao xa, bao la, vô tận...

    Trả lờiXóa
  43. PNH à

    Ý kiến TORO về chúng vong chúng tử gợi ra nhièu ý hay để nói đấy hihihi

    Trả lờiXóa
  44. MTV

    Hiểu nôm na như bạn đơn giản mà vẫn không sai

    Trả lờiXóa

  45. torovn
    Toro NguyễnYour friend
    Hà Nội, Việt Nam


    Đang định nói chuyện chúng sinh với nhà báo đây

    Trả lờiXóa
  46. Hay quá... Bác bàn đi ạ.
    Cụ Nguyễn Du cũng viết Văn tế thập loại chúng sinh. Có lẽ các cụ coi những người chết đó chỉ chết thể xác, con linh hồn họ vẫn đang sống chăng...

    Trả lờiXóa
  47. Bác Bu trả lời những câu hỏi của mọi người một cách tận tình, thấu đáo hết lòng thế này, quý lắm thay. Vào đọc entries nào của bác Bu cũng biết ra thật nhiều điều.
    Ngày xưa em có đọc một câu thơ không nhớ tên tác giả mà cứ nhớ mãi đến bây giờ, viết vào đây không biết có lạc đề với phạm trù TRỜI ĐẤT của bác Bu không:
    "Hạt mưa dài mối lạt
    Buộc ĐẤT TRỜI vào nhau"

    Trả lờiXóa
  48. nguyenthuthuy1401

    Hai câu thơ của tác giả nào mà hay thế nguyenthuthuy1401 ơi
    Bu tui nhập tâm rồi, cảm ơn nhé

    Trả lờiXóa
  49. Khi mà cả trời và đất cùng nổi cơn gió bụi, làm M nhớ mấy câu dạo đầu trong Chinh phụ ngâm khúc, cũng trời và đất, cũng cách và biệt, cũng âm và dương, chập chập chùng chùng, tan tan hợp hợp... anh Bu nhỉ!
    Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
    Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
    Xanh kia thăm thẳm tầng trên
    Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

    Trả lờiXóa
  50. TTM à

    Nếu chỉ do trời đất nổi cơn gió bụi không thôi thì khách má hồng làm sao mà lắm nỗi truân chuyên được. Các nàng chỉ việc vào khuê phòng đóng kín cửa lại, nhất nhất mọi việc có người hầu lo . Cái gió bụi trong Chinh phụ ngâm là cảnh can qua loạn lạc khiến các đức lang quân phải xông pha sa trường hứng lấy hòn tên mũi đạn. Những cuộc chiến này do các con trời (thiên tử) gây ra chớ không phải trời. Xanh kia thăm thẳm tầng trên hẳn phải trả lời như vậy chứ không còn cách nào khác.
    Cũng có thể sự truân chuyên cho chính khách má hồng gây ra cho mình, biết được thì đã muộn. TTM đọc nhiều Đường thi hẳn biết mấy câu này của Vương Xương Linh trong bài Khuê oán
    ......
    Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
    Hối giao phu tế mịch phong hầu

    ( Chợt thấy bên đường hàng liễu biếc
    Tiếc xui càng kiếm ấn phong hầu)

    Trả lờiXóa
  51. Thế còn cặp Vua_Tôi, Thầy_Trò, Quân_Dân, Chủ _Tớ ....cũng quan hệ hữu cơ lắm hen anh Bu? Thế mà Gió thấynhiều khi chênh lệch, bất công còn hơn Trời _Đất ...:))

    Trả lờiXóa
  52. gioheomay

    Cặp nào cũng có cái để nói cả nhưng bu tui chỉ bàn đến Trời Đất theo câu hỏi của TTM thôi, chứ nói làm sao cho hết được các loại cặp ở trên đời ...hihihi

    Trả lờiXóa
  53. Hay hôm nào bác nói chuyện cặp... táp vậy, hìhì!

    Trả lờiXóa
  54. Anh Bu ơi! Chỉ cặp TRỜI - ĐẤT này thôi, đã bao hàm cả vũ trụ nhân sinh quan, các học thuyết, tôn giáo, triết gia luận bàn đã bao đời nay rồi, cho nên tụi mình sanh sau đẻ muộn, lạm bàn tí mà đã cho ra cũng quá nhiều vấn đề rồi..

    Nhưng ngẫm đi ngẫm lại thì hình ảnh đôi trai gái giữa đất trời thì đã bao hàm cả một vũ trụ quan trong đó. Lực hút của quả đất và trời đã làm cho chúng ta đứng ở giữa trời đất mà sanh sôi nảy nở, mà sinh tồn. Âm dương cứ cuốn hút vào nhau mà tồn tại mà tan rã.. thật là hay anh ạ.

    Trả lờiXóa
  55. Đúng là có chuyện hay đấy
    Trong cặp táp một vị quan thanh tra người ta thấy toàn phong bì ....

    Trả lờiXóa
  56. Cái cặp ấy đại diện cho trời đất vũ trụ đấy bạn ạ

    Trả lờiXóa
  57. Hôm nào cháu phải làm một kiểu ảnh "trời đất vũ trụ" mới được.

    Trả lờiXóa
  58. "Ở giữa đất trời anh với em",có lẽ là hình ảnh của "Thiện.Địa,Nhân" ?

    Người là nhịp cầu nối liền trời với đất.
    Không có người,trời đất mãi xa nhau
    Anh với em được nối bởi nhịp cầu
    Của trời đất từ chiều sâu vĩnh cửu.

    YÊN HỒNG

    Trả lờiXóa
  59. Thơ YH vừa tình cảm vừa triết lý

    Trả lờiXóa