Hoa lộc vừng
Thư pháp lộc vừng, ảnh của Ruchung
Bạn
Ruchung còm vào bài “Lộc vừng nở hoa” của TTM Gốc Mai tấm ảnh “Thư pháp lộc vừng” thật độc đáo. Nó có
khả năng dẫn dắt người xem đi từ liên tưởng này đến liên tưởng khác tưởng như
không cùng…
***
1- Tạo hóa sinh ra con người càng ngày càng có
những phát minh sáng chế vĩ đại, nhưng còn lâu con người mới hiểu hết những quy
luật của thiên nhiên, nói chi đến làm chủ và chế ngự nó. Phản ứng nhiệt hạch có ở mặt trời cách nay 4,5
tỷ năm, trong khi con người mới tìm ra phản ứng này ở thế kỷ 19. Ra đa đã được
loài dơi sử dụng trước con người tới 52 triệu năm. Công suất của loài chim
chinh phục khoảng không thì chưa có một
máy bay tối tân nào địch nổi. Và theo Trang Tử, không có bộ nhạc hơi nào tuyệt hảo hơn là gió thổi qua khe đá
và các hang hốc nơi thân cây trong rừng. Cũng không có kiến trúc sư nào thiết kế ra được kết cấu trác tuyệt
như nhụy hoa phong lan cát lay da, màu
sắc của giống hoa này thì không họa sĩ nào pha chế đẹp hơn được. Vậy thì viết
thư pháp chắc gì con người hơn được tạo hóa. Nếu cách nay 2300 năm Trang
tử phát hiện ra âm nhạc của đất thì ở thế kỉ 21 này bạn Ruchung là người đầu tiên
phát hiện ra thư pháp lộc vừng. Không bốc đồng bạn ấy làm gì vì điều đó là một
sự thực.
Để trở thành một nhà thư pháp, con người đã
bỏ ra biết bao công phu rèn luyện. Đời Tấn có Vương Hy Chi trải 15 năm chuyên
tâm rèn thư pháp bắt đầu với một chữ
vĩnh (永). Đời Tùy, nhà sư Thích Trí Vĩnh
cháu 7 đời Vương Hy Chi “đăng lâu bất hạ tứ thập niên” nghĩa là lên lầu chùa
ngồi một lèo 40 năm không xuống đất để luyện thư pháp. Đường Thái Tông mê thư
pháp đến độ “trừu không luyện tự”, là lấy
ngón tay làm bút viết chữ ra giữa không trung
…Giống cây lộc vừng không biết trời đất tạo ra cách nay mấy tỷ năm và đã luyện
thư pháp mấy trăm triệu năm để có một tác phẩm thư pháp cho ta thưởng thức. Ảnh
thư pháp lộc vừng của Ruchung là một tổng thành những yếu tố tối ưu, từ góc nghiêng và cường độ mặt trời chiếu sáng,
độ xao động của mặt nước hồ…Thư pháp của người và thư pháp của lộc vừng có chỗ
khác nhau. Con người phải thuần thục
“chấp bút yếu lĩnh” (yếu lĩnh về việc cầm bút) gồm bốn động tác cơ bản là:
1.chỉ thực, chưởng hư, 2. oan bình, chưởng chính, 3. cao đê tọa độ, 4. tùng
khẩn đắc nghi. Nhưng với lộc vừng thì
cái đẹp của thư pháp lại do mặt nước hồ xao động làm nên. Nếu nước chỉ gợn sóng
lăn tăn ta có chữ chân, sóng to hơn ta có chữ thảo, sóng to hơn nữa ta có chữ cuồng
thảo như bạn Ruchung đã ghi lại được. Có người sẽ hỏi, vậy thư pháp kia là chữ
gì. Đó là chuyện thiên cơ huyền bí, liệu ta có nhất thiết phải biết không .
Ngay bãi đá chữ cổ ở Sapa do con người
tạo ra mà đã có nhà khoa học nào đọc được đâu, nói chi đến đọc thư pháp lộc
vừng của hoa lá, đất trời, gió nước.
2-
Thư pháp của con người lấy chữ Hán làm
lý do tồn tại, nó là nghệ thuật viết chữ của người Tàu, ngoài nghệ thuật ra thư
pháp còn là một thứ Đạo (thư pháp giả đạo dã). Cổ nhân nói: “Học tập thư pháp khả dĩ tu thân, dưỡng tính,
đào dã tâm tình”. Khác với chữ quốc ngữ của ta, tuyệt đại đa số chữ Hán nằm
trong hình vuông như là một bức tranh,
mỗi chữ có khi mang tính triết học thâm
sâu. Chẳng hạn chữ Phật (佛 ) gồm bộ nhân ( 亻) là người với chữ phất (弗 ) là sự phủ nhận.
Con người khi phủ nhận lối sống tham sân si ở cõi ta bà là thành Phật. Chữ xã (社 ) trong từ xã
hội gồm bộ kỳ (示 ) là thần đất chỉ tình thần, chữ thổ (土 ) chỉ sản vật.
Một khi tinh thần và vật chất hài hòa thì xã hội phồn vinh tốt đẹp. Một bức thư pháp đẹp không chỉ nét chữ rồng
bay phượng múa mà còn là sự liên hệ giữa chữ nọ và chữ kia về ý nghĩa, nó tạo
ra rung cảm thẩm mỹ lý thú . Nhà thơ Vương Duy (699 - 759) thời nhà Đường là
một Phật tử, một nhà thư pháp, một họa sĩ, có bài thơ Tân Di ổ (ngõ Tân Di) trong
đó câu đầu tiên “Mộc mạt phù dung hoa” (木 末 芙 蓉 花) nghĩa là cuối cành hoa phù dung. Ta thấy gì trong từng chữ câu thơ ấy?
木 末 芙 蓉 花
1 2 3 4 5
1-
Chữ thứ nhất (mộc là một cái cây)
2-
Chữ thứ hai (mạt) cũng là chữ mộc nhưng đã phát triển một thêm một cành nằm
ngang
3-
Chữ thứ ba (phù) vốn là chữ phu có thêm
bộ thảo. Phu là người đàn ông trưởng thành, ý rằng trong sự phát triển của vạn
vật không thiếu được con người
4-
Chữ thứ thứ tư (dung) bộ thảo như một bông hoa nở bung ra, có yếu tố khẩu miệng
người đang nói
5-
Chữ thứ năm (hoa) là một bông hoa nở trọn vẹn. Trước khi đặt bộ thảo vào chữ
này là hóa, chỉ sự biến hóa. Bộ nhân ở đây khẳng định con người là tác nhân của sự biến hóa trong vạn vật.
Ta
cũng có thể hiểu con người hóa nhập vào thiên nhiên. Cây, hoa, người là một
thể, trong đó con người làm cho vạn vật
biến đổi. Câu thơ Vương Duy phản ảnh sự biến hóa của chữ Hán, những tầng lớp
nghĩa ẩn hiện trong nghệ thuật viết chữ Tàu và nhân sinh quan của người viết.