Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

VỀ MỘT BẢN DỊCH BÀI THƠ HOÀNG HẠC LÂU CỦA THÔI HIỆU

 

        Lầu Hoàng Hạc ở Vũ Xương, bên sông Trường Giang, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

 

                                         Hạc trắng (bạch hạc) Blog anhkim01

 

 

Nhà thơ Thôi Hiệu (704-754) làm thơ khôngnhiều nhưng chỉ với hai bài “Trường Can hành” và “Hoàng Hạc lâu” thì tên tuổi ông đã ở đỉnh cao chói sáng trong nghệ thuật thơ Đường. Chả thế mà thơ tiên Lý Bạch cảm xúc trước cảnh sắc lầu Hoàng Hạc, muốn làm thơ ngợi ca mà đành phải gác bút thốt lên “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu’ (Trước mắt có cảnh đẹp mà không thể làm thơ được, vì ở trên đã có bài thơ của Thôi Hiệu rồi).

       Nguyên văn chữ Hán bài Hoàng Hạc lâu:

 

 崔颢

黄 鶴 樓

昔 人 已 乘 黄 鶴 去

此 地 空 餘 黄 鶴 樓

黄 鶴 一 去 不 復 返

白 雲 千 載 空 悠 悠

晴 川 歷 歷 漢 陽 樹

芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲

日 暮 鄉 關 何 處 是

                           煙 波 江 上 使 人 愁

 

Nhà thơ Tản Đà phiên âm, dịch xuôi,  và dịch thơ:

 

Phiên âm

            Hoàng Hạc lâu

 

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ.

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

 

Dịch xuôi

                         Lầu Hoàng Hạc

 

Người xưa đã cưỡi hạc bay đi rồi.

Ở chỗ này đây chỉ còn trơ lại một ngôi lầu tên là Hoàng Hạc.

Hạc vàng đã bay đi rồi không trở lại nữa.

Mây trắng ngàn năm vẫn bay lơ lửng hoài.

Bên dòng sông khi trời tạnh, hàng cây đất Hán Dương trông rõ mồn một.

Trên bãi Anh Vũ cỏ thơm mọc mơn mởn xanh tươi.

Lúc trời chiều, đứng ngắm cảnh, tự hỏi đâu là nơi quê nhà?

 

Dịch thơ

        Lầu Hoàng Hạc

 

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ?

Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ !

Hạc vàng đi mất từ xưa,

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

Hán Dương sông tạnh cây bày,

Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.

Quê hương khuất bóng  hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?

Ngày Nay số 134

29.10.1938

 

Gần một thế kỷ nay, rất nhiều người đã dịch Hoàng Hạc lâu ra quốc ngữ nhưng bản dịch của Tản Đà được mọi người cho là xuất sắc nhất. Trong “Lời bạt: Thơ Đường và các bản dịch thơ Đường của thi sĩ Tản Đà” (1) Giáo sư Trần Thanh Đạm viết: “Bản dịch Hoàng Hạc lâu của Tản Đà có thể được xem là mẫu mực thành công của nghệ thuật dịch thơ trong giao lưu văn chương cuả mọi thời đại”. Tuy nhiên sự sáng tạo là vô hạn, đầu thế kỷ 21 nhà giáo Phan Nhật Chiêu, giảng viên Đại học KHXH và NV th. Ph. Hồ Chí Minh,  người nhiều năm giảng dạy Đường thi, đã dịch lại bài thơ này và được từ điển Wikipedia giới thiệu bên cạnh các tên tuổi  như Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng, Trần Trọng Kim. Để mô tả tài năng dịch thuật của ông Nhật Chiêu,  nhà sư Thích Thanh Thắng mượn câu thơ của Trần Nhân Tông “Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân” (Mỗi lần chạm tay vào là một lần mới tinh) (2) để ví von ca ngợi.  Và đây là bản dịch của Phan Nhật Chiêu trong Wikipedia:

                           

                             Lầu Hoàng Hạc

                    

                     Chở tiên đi, cánh hạc vàng

Bỏ hư không lại còn Hoàng Hạc lâu

Hạc vàng mất hút thiên thu

Để ngàn năm trắng mây từ từ trôi

Sông tình cây Hán Dương tươi

Bờ Anh Vũ  cỏ xanh ngời ngời xa

Quê hương đâu? Bóng dương tà

Trên sông khói sóng còn ta với sầu.

 

Theo thiển ý, câu “thử địa không dư Hoàng Hạc lâu” mà dịch là “bỏ hư không lại còn Hoàng Hạc lâu” thì đúng là mới và có phần khá hơn “Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ” của Tản Đà. Những câu còn lại thì có mới nhưng không thể hay hơn  bản dịch của Tản Đà được.  Chưa nói câu thứ nhất và câu thứ năm người dịch đi quá xa nguyên tác làm giảm mức độ thi vị của bài thơ. “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ”  là nói về người xưa đã cưỡi hạc đi mất rồi, là nỗi xót xa của tác giả trước thời thế: Cái rực rỡ huy hoàng của một thời không còn nữa, tất cả đã theo cánh chim hạc bay vào cõi vô cùng vô tận... Nó không chỉ đơn giản như ông Nhật Chiêu nói: “Chở tiên đi, cánh hạc vàng”, thường tình như con thuyền chở khách xuôi ngược trên dòng sông. Hai chữ “tích nhân - ” (người xưa) không được dịch  giả quan tâm tới, làm câu thơ mất hết vẻ xa xăm, khắc khoải.  Đến câu thứ  năm “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ” được ông Nhật Chiêu dịch “Sông tình cây Hán Dương tươi” đã làm người đọc hiểu sai chữ “tình” trong nguyên tác đến 180 độ. “Tình” không viết hoa tức không phải tên sông! Vậy thì “sông tình” chỉ có nghĩa là sông tình yêu!  Trong khi đó Thôi Hiệu viết chữ tình ( ) gồm chữ thanh ( ) và bộ nhật () có nghĩa là tạnh, và “tình xuyên” ( ) đơn giản là sông tạnh. “Hán Dương sông tạnh cây bày / Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non” nói cái bao la của đất trời làm cho con người cô đơn, đến độ  lạc cả quê hương.  Đưa hai chữ “sông tình” vào đây không nói lên được tâm trạng đó và hoàn toàn lạc lỏng.   

     Có lẽ với bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu thì bản dịch của Tản Đà cho đến nay là đỉnh cao duy nhất chưa ai vượt nổi và “là mẫu mực thành công của nghệ thuật dịch thơ trong giao lưu văn chương cuả mọi thời đại” như Giáo sư Trần Thanh Đạm đã nhận  xét.

----------

1) Lời bạt trong tập Thơ Đường Tản Đà dịch, Nhà xuất bảnTrẻ, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh 1998.

(2) Dẫn theo http://Vietbao.vn bài  “Bàn tròn văn học về Nhật Chiêu”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3 nhận xét:

  1. Hay quá anh Bu ơi ...
    Gió được đọc bài dịch thơ của Tản Đà từ lâu lắm , nhớ lần đầu đọc là cái cảm giác lơ lửng của nỗi buồn _ hồi ấy Gió còn trẻ , dễ cảm xúc nhưng không hiểu hết ý tứ của bài thơ_ nhưng ấn tượng để lại là hình ảnh u buồn của Hoàng Hạc lầu với " Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay" .Hôm nay đọc lại , cái cảm giác lơ lửng xưa không còn ...có lẽ bởi cảm xúc của mình giờ ko còn trong veo như xưa nữa ....nhưng hình ảnh Hoàng Hạc lầu với " Ngàn năm mây trắng..." thì vẫn nguyên vẹn như xưa ...

    Khi đọc bản dịch mới của ông Phan Nhật Chiêu, Gió , cũng hơi bị "xốn xang" bởi từ "sông tình" ...nhưng chỉ là cái cảm giác giống như gặp một "tiếng lóng" trong một câu văn ...chứ ko hiểu thâm thúy như phân tích của anh Bu ...Thích lắm ..và cám ơn anh Bu đấy

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn sự thăm viếng đầu ngày cuối tuần của Gioheomay

    Trả lờiXóa
  3. Quỷ rất mê thơ Đường này được ghé thăm blog anh "gặp" lại một trong những bài thơ mình yêu thích: "Hoàng Hạc Lâu & Phong Kiều dạ bạc" thì thật có duyên. Một trong những bài quỷ cũng rất "say" là Vô Đề (Kỳ 4) của Lý Thương Ẩn. Mê mệt câu:"Tương kiến thời nan biệt diệt nan."

    Trả lờiXóa