Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

CÔ GIÁO CATUL HỎI “CÁ” TRONG "BẮT CÁ HAI TAY" CÓ PHẢI CÁ BƠI TRONG NƯỚC KHÔNG?

 

Người cá

 

“Bắt cá hai tay” là một thành ngữ, dùng thì được, nhưng hiểu cho chuẩn xác thật không dễ chút nào.

1) Trong “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ” (tái bản lần thứ nhất – có sửa chữa) của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà nội, 1994) giải thích như sau: “Bắt cá hai tay” tức là dùng cả hai tay để bắt một con cá, như kiểu “cầm hai tay”, “đưa hai tay”, “bưng hai tay”…Song hiểu như thế thì hành động “bắt cá” ở đây sẽ đạt được kết quả một cách khá chắc chắn và không có gì đáng chê.

Nhân dân ta đều hiểu thành ngữ này với nghĩa đen là mỗi tay bắt một con cá và kết quả là tuột mất, chẳng bắt được con nào (…).

Từ nghiã đen cụ thể đó, nhân dân ta đã dùng thành ngữ này với nghĩa rộng hơn để chỉ những người có tư tưởng “nước đôi”, hoặc tham lam ôm đồm, muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc, không được việc này thì được việc khác, kết quả hoặc là không được việc gì , “xôi hỏng, bỏng không” hoặc được chắc một thứ, nhưng thường bị chê trách là tham lam khôn ranh.

Cách giải thích trên phải qua hai bước: Đầu tiên, bắt cá hai tay là hai tay cùng bắt một con cá. Tiếp theo, hai tay cùng lúc bắt hai con cá. Điều đó không đúng với tính chất của thành ngữ. Thành ngữ là “một tập hợp từ cố định quen dùng có nghĩa định danh, gọi tên sự vật, thường không thể suy ra từ nghĩa của từng yếu tố cấu thành” (Đại từ điển tiếng Việt trang 1466)

2) Trong tiếng Việt, Ngoài từ “cá” chỉ động vật bơi trong nước còn rất nhiều từ “cá” khác. Chẳng hạn:

- Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh -Tịnh Paulus Của: ở vần cá ghi: Cá cuộc, cuộc với nhau. (Trang 86)

- Đại từ điển tiếng Việt bộ mới: Cá là đánh cuộc, hai người cá nhau xem đội bóng nào thắng (trang 169). Cá độ: Đánh cuộc với nhau tỷ số thắng thua của trận đấu để ăn tiền (trang 171). Cá cược: Đánh cuộc ăn tiền.

Như vậy “cá” trong “Bắt cá hai tay” là cá các cược hoặc cá độ chứ không phải cá bơi trong nước. Trong trò “cá” này, người bắt cá chỉ được phép bắt đội A hoặc đội B thắng (hoặc thua). Người tham lam hai tay bắt hai đội cho ăn chắc (đương nhiên luật chơi không cho phép) Câu thành ngữ trên nhằm chê bai người tham lam cái gì cũng muốn được về mình.

Giáo sư Nguyễn Lân cho “cá” trong thành ngữ “bắt cá hai tay” là cá bơi trong nước nên giảng câu “Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc” rằng: “Việc thả cá có lợi là đúng, cần khuyến khích, còn gá bạc thì ngày nay là một tội phạm, vì đó là một việc làm bất chính” (Từ điển thành ngữ và tục ngữ, trang 303).

Tục ngữ của dân gian không bao giờ ghép cái lợi do việc làm chính đáng với cái lợi do việc làm bất chính để răn dạy người đời. Ở câu trên thả cá và gá bạc đều đáng lên án. Khuyến khích thả cá trong trường hợp này là một điều tai hại có khi phải vào ngồi nhà đá.

20 nhận xét:

  1. Bác Bu phát hiện hay quá. Trước giờ CNB cũng tưởng "cá" nào cũng là "cá bơi" thôi. Lâu lâu bác lại có entry hay.

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ một câu thôi mà hiểu cho thật cặn kẽ lại hoá ra có nhiều cái hay. Zip chưa bắt cá bằng tay nên không hiểu bắt cá bằng hai tay hay một tay là tốt nhất :)

    Trả lờiXóa
  3. UV nhất trí với nội dung bài viết, xin góp lời bằng một đoạn trong entry cũ:http://uyenvan.multiply.com/journal/item/67/67
    "Trước khi học sinh thi Tốt nghiệp phổ thông một tuần, tôi hướng dẫn các em cách trình bày bài làm, dặn dò mọi thứ và nhấn mạnh việc chọn đề. Vì hai đề chọn một nên phải đọc thật kỹ hai đề, và khi đã chọn rồi thì dứt khoát không nghĩ đến đề kia, không nên làm đề này mà vấn vương đề đã bỏ, nói chung là không được “ bắt cá hai tay”. Một học sinh lí lắc hỏi : “ Sao bắt cá hai tay mà không nên, cô ? Bắt hai tay mới chắc chứ !”

    Biết em học sinh đó cố tình không hiểu thành ngữ thông dụng này nhưng tôi cũng không ngại giải thích.Thế là mất đứt giờ chơi !

    Nếu hiểu “cá” trong “ bắt cá hai tay” là cá trong cá tôm thì e rằng chưa đúng. “Cá” ở đây là cá trong cá cược. Cá là đánh cuộc và bắt cá là nhận đánh cuộc bằng cách bắt ( chọn) một trong hai đấu thủ ( gà chọi, cá chọi, võ sĩ,…), một trong hai phe ( đội bóng, đội bơi thuyền…) hoặc một trong hai khả năng đối lập nhau ( mưa hoặc không mưa chẳng hạn)…Nếu bắt thắng thì sẽ được cuộc, ngược lại sẽ thua cuộc. Vậy “ bắt cá hai tay” là nhận đánh cuộc bằng cách bắt cả hai bên, vừa bắt bên này, vừa bắt bên kia tùy theo diễn biến của tình thế. Thành ngữ này được dùng với nghĩa rộng chỉ những người có tư tưởng nước đôi hoặc tham lam, ôm đồm, muốn có nhiều thứ cùng một lúc, kết quả “ xôi hỏng, bỏng không”hoặc có được đi nữa thì cũng bị chê trách.

    Dù mất thời gian “chơi” quý báu nhưng các em tỏ ra thích thú vì một thành ngữ rất quen mà bây giờ mới hiểu "

    Trả lờiXóa
  4. Em nghĩ tất cả những gì thuộc về văn hoá văn nghệ dân gian thì nên hiểu theo nghĩa thông dụng gần gũi nhất. Thành ngữ được lưu truyền cho đến ngày nay chủ yếu do truyền miệng. Ngày xưa dân chúng ít học, ít chữ không được uyên thâm như những nhà nho, nên cách giải thích thiên về nghĩa gần gũi với đời sống nhất.
    Nghĩa đen câu thành ngữ theo ý GR: Cá là con cá.
    Khi bắt cá, lựa chiều bơi để một tay nắm mình, một tay nắm phần đầu cho chắc.
    Người hai tay bắt hai con phải cùng lúc quan sát hướng bơi hai phía, túm được cá rất khó, chỉ là sự may mắn hoặc rất giỏi. Người kém bản lĩnh đa phần trượt cả hai, chả được con nào.
    Nghĩa bóng theo vậy suy ra.
    Đó cũng là cách sử dụng thành ngữ "Bắt cá hai tay" hiện nay.

    Trả lờiXóa
  5. Bắt cá hai tay chả bao giờ được cả hai, được cái này thì sẽ mất cái kia thôi. Luật đời công bằng phải không bác?

    Trả lờiXóa
  6. Cô giáo CNB
    Cảm ơn cô giáo ghé thăm và có lời khen

    Trả lờiXóa
  7. Zip

    Có lẽ bắt cá bằng đũa bằng muổng là dễ nhất thôi Zip nhỉ.

    Trả lờiXóa
  8. Uyenvan

    Cô giáo giải thích rất hay. Và biết đâu em học sinh nọ thật tình hiểu bắt cá hai tay là dùng hia tay bắt một con cá ??

    Trả lờiXóa
  9. hanggraphic

    Đúng là thành ngữ tồn tại cho đến ngày nay qua truyền khẩu, cũng chính vì thế mà có chuyện "gà vọc niêu tôm" thành ra "gà mọc đuôi tôm". Chữ Cá trong bắt cá hai tay cũng may không bị biến dạng nhưng là cá nao thì phải luận cho kỹ. Thoạt kì thủy dân gian nói ra cái gì cũng hợp lý và phản ảnh đúng ý nghỉ của cộng đồng. Nếu hai tay bắt một con cá thì không nói được ý răn day người đời đừng tham lam (vì khả năng bắt được cá là rất cao) Còn hai tay bắt hai con cá cùng một lúc thì đến rái cá cũng không làm được, khả năng thất bại là 100%. chỉ có cá cược mà bắt hai tay thì khả năng thắng là 50 và 50., và như vậy rõ ràng người bắt tham lam trông thấy. Dân gian thông minh và có lý lắm.

    Trả lờiXóa
  10. thuthuy1401

    Tham thì thâm thôi thuthuy ạ.

    Trả lờiXóa
  11. Bác Bu cứ kêu cô giáo cô giáo hoài làm CNB hông dám quậy phá gì hết. Hee. Hee. Chuyển nghề bán nước mía rồi bác Bu ơi. Hee. Hee.

    Trả lờiXóa
  12. Vô nhà chú là lại được nghe giải thích những ngữ nghĩa. Hồi giờ nghe câu "Bắt cá hai tay" cứ nghĩ theo một khía cạnh nhỏ thôi, nay được chú giải thích thêm mới rõ hơn đây ah!

    Chú khỏe hông ah? Hic, lâu lâu con mới ghé lên đây, hôm rồi ngó nhà chú, đọc xong đi chứ hỏng kịp nói năng chị hà. Hôm nay nhất định phải nói chứ không chú qua đánh đòn con ấy! Hihi

    Chúc chú cuối tuần vui nhé!

    Trả lờiXóa
  13. Tình cờ đi ngang qua đây...thấy bài nầy hay hay...xin dừng lại với vài ý kiến nhỏ...hy vọng sự đường đột nầy không làm bạn mất vui.
    Trong "Chuyện Đông chuyện Tây" gs An Chi cũng đã một lần giải thích câu hỏi nầy của bạn đọc "Kiến Thức Ngày Nay". Gs An Chi là một người uyên bác...ngoài tiếng Anh và Pháp...Gs còn am tường cả các cổ ngữ Hán, Sancrist, Latin, Hy lạp....mà tôi rất kính trọng.
    Nhưng không phải bất cứ câu trả lời nào của gs đều đúng cả [theo tôi hiểu]...trong đó có câu giải thích về: "Bắt cá hai tay".
    Gs An Chi cũng cho rằng: bắt cá hai tay ở câu nầy chính là : bắt cá trong cá cược.
    Nếu bắt cá trong cá cược: 50/50 thì huề vốn ! Đặt bên "tài" 1 triệu/ đặt bên "xĩu" 1 triệu: giở chén ra...được cái gì ???
    Nếu bắt cá độ Malai 1 triệu/và đồng thời cũng bắt VN 1 triệu...kết quả: được cái gì ???
    "Vậy “ bắt cá hai tay” là nhận đánh cuộc bằng cách bắt cả hai bên, vừa bắt bên này, vừa bắt bên kia tùy theo diễn biến của tình thế. Thành ngữ này được dùng với nghĩa rộng chỉ những người có tư tưởng nước đôi hoặc tham lam, ôm đồm, muốn có nhiều thứ cùng một lúc, kết quả “ xôi hỏng, bỏng không”hoặc có được đi nữa thì cũng bị chê trách." [uyenvan]
    "xôi hỏng, bỏng không”[bulukhin]...Đúng vậy.. "Còn hai tay bắt hai con cá cùng một lúc thì đến rái cá cũng không làm được, khả năng thất bại là 100%"[bulukhin]...không được gì cả...mất cả chì lẫn chài...chứ chẳng may rủi được chi cả = vậy mới gọi là "xôi hỏng bỏng không".
    "Xôi hỏng bỏng không" mới chính là lời cảnh báo...răng dạy...chê bai những người tham lam...rút lại "chả được gì cả" [hanggraphic]. Thành ngữ này được dùng với nghĩa rộng chỉ những người có tư tưởng nước đôi hoặc tham lam, ôm đồm, muốn có nhiều thứ cùng một lúc, kết quả “ xôi hỏng, bỏng không":[uyenvan]
    Mong được trò chuyện tiếp với bạn và các bạn khác.

    Trả lờiXóa
  14. Được bạn Hongphuongvien ghé nhà và ghi lại những ý kiến thì vui chứ sao lại buồn được. Mong bạn ghé thăm nhiều hơn và có lời chỉ giáo, Cảm ơn nhiều nhiều

    Trả lờiXóa
  15. Nghe bác Bu và các bạn lý giải thấy ai cũng có lý, đa số các bạn cho cá là cá cược, hình như chỉ có mỗi Hanggraphic (GR.) cho cá là con cá.
    Nghĩa bóng của bắt cá hai tay chắc ai cũng hiểu là, một lúc làm 2 việc, sợ mất việc này thì may ra còn việc khác mà cuối cùng thì chẳng được việc gì.
    Trong quyển từ điển Từ và Ngữ VN của GS Nguyễn Lân do nhà xuất bản TP HCM xuất bản năm 1998, tôi thấy có nói về từ "bắt cá hai tay" như thế này: một lúc làm 2 việc để nếu hỏng việc này thì có thể đạt kết quả ở việc khác, và thêm câu ca dao "Xin đừng bắt cá 2 tay, cá lội dưới nước chim bay trên trời", như vậy có lẽ GS Nguyễn Lân cho từ cá ở đây là con cá, chứ không phải cá là cá cược.
    Không phải vì giải nghĩa trên của GS Ngyễn Lân, nhưng tôi lại ngả về cá là con cá hơn cá là cá cược.
    Tôi thử lý giải, bắt cá nếu mà bằng tay không cũng là một hành động khó, vì cá suốt đời ở dưới nước, da nó nhớt nhợt, trơn tuột, cho dù có dùng cả 2 tay chộp bắt nó cũng khó được, nhưng dùng cả 2 tay để bắt một con cá cũng còn có thể được.
    Người bình thường dùng cả 2 tay để bắt một con cá đã khó, thế người tham lam muốn dùng 2 tay để bắt một lúc hai con cá thì sao? Chắc chắn là khó hơn bội phần, có khi may mắn tay này chộp được một con, lại lo tay kia chộp con khác, mà cuối cùng cái con chộp được cũng lại tuột mất, nghĩa là "Xôi hỏng bỏng không".
    Còn nếu lý giải cá đây là cá cược, vừa bắt bên này lại vừa bắt bên kia, nghĩa là sao? Đúng, chẳng hạn như 2 con gà đá nhau, bất cứ ai đánh cuộc cũng biết trong cá cược thì chỉ bắt được một bên thôi, làm sao mà bắt cả 2 bên, như vậy đâu có thắng thua gì, người vừa bắt bên này lại vừa bắt bên kia chỉ là người... dở hơi chứ không phải tham lam muốn được cả đôi đàng. Cũng không thể nào nói trong đánh cược gà chọi hay bóng đá, tùy theo tình hình bên nào thắng thế mà mình bắt bên đó, điều này thì chẳng ai thèm cá cược với người như thế.
    Dân gian thì thường nêu những câu thành ngữ có khi đọc nghe tối nghĩa, nhưng suy nghĩ lại là theo cách dễ hiểu nhất, bởi vì thành ngữ, tục ngữ, ca dao, là để cho đại đa số quần chúng hiểu được.

    Trả lờiXóa
  16. Câu này là của đồng bằng Bắc Bộ, thuộc văn minh lúa nước, và là một câu cửa miệng, nên tôi cho rằng không cần tranh luận. "Cá" với nghĩa cá cược, cá độ thực ra là theo chân người phương Tây vào và cũng chỉ thông dụng ở một số đô thị. Đối với các cụ nhà ta, chân đất đi cày, thì cá chỉ là con cá mà thôi, và câu này không có nghĩa gì khác! Không tin cứ thử hỏi cha mẹ ông bà chúng ta ở nhà quê xem, có cụ nào cho rằng cá không phải là con cá không? Đảm bảo có cụ còn chưa rành nghĩa "cá độ" tân kỳ. Bắt cá hai tay chỉ là tham lam, ôm đồm, vơ vào mình, hàm nghĩa chê bai chứ không khen là láu cá như trò chơi cá độ. Xin chia sẻ từ góc độ dụng ngữ như thế.

    Trả lờiXóa
  17. @Bác Bu, tôi muốn nói thêm chút xíu, nếu hiểu "cá" ở đây là cá độ, cá cược, và "bắt cá" là bắt cá độ, cá cược, thì lại không liên quan gì đến "tay" cả. "Bắt" ở đây là "theo", theo bên này hoặc theo bên kia, tức là đặt cược vào (con gà, hoặc đội bóng...) chứ không hề dùng tay mà nắm lấy (cái gì). Cho nên chữ "cá", chỉ đơn giản là "con cá" bơi dưới nước thôi, hì hì!

    Trả lờiXóa
  18. @bulukhin, tôi viết cho bác ít dòng bên nhà GR., nhưng khi post thì nó chỉ hiện lên một nửa, đành phải xóa đi viết lại cho bác bên đây.
    Bác học hay dân gian tôi nghĩ đều có giá trị ngang nhau. Bác học hữu dụng giữa 4 bức tường (phòng thí nghiệm chẳng hạn, hay giảng đường đại học...), để làm nghiên cứu hay giảng dạy về "nano", "nguyên tử", "virus", hay các "triết thuyết cao siêu"... là những thứ dân gian không sao hiểu được. Nhưng ngược lại, bác học "ra dân gian", có khi lại chỉ là anh... ngố, khi nghe dân gian nói chuyện đồng ruộng, ao chuôm, cá mú..., nghĩa là mỗi anh có cái "sở trường và "sở đoản" của mình, chẳng biết "mèo nào cắn mỉu nào"... Hì hì!
    Viện ngôn ngữ đàng hoàng mà bác đã dẫn trong entry (Viện ngôn ngữ chắc là phải tập hợp nhiều nhà trí thức, khoa bảng, GS, TS...., nghĩa là có nhiều "bác học" trong đó), mà lại đi giải thích bắt cá 2 tay là dùng 2 tay để bắt một con cá, thì thật là "trớt quớt", nghĩa là giải thích theo kiểu "bác học" ra ruộng đồng vậy...

    Còn chuyện "cá" trong "bắt cá hai tay", thì "cá" là "con cá", hay "cá" là "cá độ" đến giờ bác Bu nghiêng về bên nào? Có thể tôi cũng hiểu sai khi cho từ "cá" ở đây là "con cá". Khi ta chưa có một "Viện ngôn ngữ" nào ra hồn, hay một "Viện hàn lâm" nào về chữ nghĩa, ngôn ngữ, tập hợp được những nhà trí thức đủ tin cậy (và trình độ) để giảng giải cho đúng chuyện từ ngữ, thì chuyện mỗi người hiểu một ý cũng là bình thường.
    Tôi hoặc bác Bu có hiểu sai cũng chẳng hề gì, nhưng điều tôi băn khoăn là, nếu các vị khác như thày, cô giáo, nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa... mà hiểu sai, rồi lại đi truyền giảng lại cái hiểu sai ấy cho nhiều người khác, thì nguy hiểm quá...
    Hôm qua cà phê với lão Đèn lồng đỏ có nhắc đến bác, không biết cuối năm bác có vào không để anh em còn ngồi tán dóc.

    Trả lờiXóa
  19. May quá, CNB không có dạy Ngữ văn, hiểu sai cũng hổng ảnh hưởng tới ai. Hi. Hi.

    Trả lờiXóa
  20. "Xin đừng bắt cá hai tay
    Cá lội dưới nước chim bay trên trời"
    (ca dao Việt Nam).

    Trả lờiXóa