Dáng nhìn Bến Tre (ảnh của hongdang)
BẮT ĐẦU TỪ CHỮ TỬ
PNH có entry SINH DIỆT rất hấp dẫn bởi ảnh đẹp và lời bàn đầy tính triết lý. Từ chuyện sinh diệt có hơi hướng nhà Phật, khách khứa vui chuyện tán ra đến các chữ : tử, tử cung, rồi Dương Tử giang. Cứ thế, chuyện nọ xọ chuyện kia thật rôm rả. Nhưng kịch tính hơn cả là còm của bạn hanggraphic và trả lời của chủ nhà PNH mà Bu dẫn ra đây:
1. “còm” của bạn hanggraphic: “Chữ "tử" trong "tử cung" không viết giống chữ "tử" trong "tử sinh", điều đó dân nữ hiểu rồi ạ. Đấy là em luận từ tên "Dương Tử Giang" không phải là "mặt trời chìm xuống sông" mà ra? ...... Mà chữ tử trong "Dương tử" viết cũng không giống hai chữ "tử" ở trên”
2. Chủ nhà PNH trả lời hanggraphic: “Tôi không rõ chữ tử trong Dương Tử Giang viết như thế nào, nếu không giống như 2 chữ tử kia, thì chữ tử có nghĩa là "sắc đỏ tía" chăng? Nếu vậy chữ Dương có lẽ là mặt trời?
*
* *
Ý kiến bạn hanggraphic nghe vui vui, ngồ ngộ. Đúng là Dương Tử Giang không phải là “mặt trời chìm xuống trên sông” vì sao vậy? Để trả lời, Bu dẫn ra các tự dạng ba chữ Dương Tử Giang để các bạn tham khảo:
a) Chữ tử: Người Tàu có (khoảng) 11 chữ tử, xin dẫn ra 3 chữ có liên quan đến vấn đề đang bàn:
- 死: (tử) chết
- 紫: (tử) sắc tía, sắc tím
- 子: (tử) con, gả, người có đức hạnh và học vấn, mầm giống, phần tử, số lẻ, tước tử, tiếng giúp lời như: đình tử (cái đình), tập tử (cái cặp), tráp tử (cái thẻ), một âm là tý (trong 12 con giáp)...
b) Chữ dương: Có (khoảng) 32 chữ dương, xin dẫn ra hai chữ có liên quan:
- 揚: (dương) giơ lên, bốc lên, khen...
- 暘 : (dương) mặt trời mọc , tạnh ráo
c) Chữ giang: Có (khoảng) 7 chữ giang, chỉ dẫn ra 1 chữ
- 江: (giang): sông lớn, sông cái, sông Giang (bên Tàu)
Như vậy bạn hanggraphic nói đúng, tử (死) trong tử sinh ( 死 生) khác tử (子) trong tử cung ( 子宮 ), nhưng chúng khác nhau vì nghĩa và tự dạng chứ không thể bảo Dương Tử Giang là mặt trời chìm xuống sông mà luận ra được. Trong các bản đồ thế giới, trong các từ điển Hán Việt Dương Tử Giang có tự dạng : 揚 子 江 để chỉ một con sông bên Tàu khởi nguồn ở Thanh Hải chảy ra biển Đông Hải dài 6385 cây số. Nhân thể khẳng định với PNH rằng dương (揚) trong Dương Tử Giang không phải là chữ dương (暘) chỉ mặt trời.
TẾ NHỊ
Bạn Yên Sơn kể câu chuyện “Người tế nhị” thật lý thú. Đại thể ông giám đốc nọ bị tai nạn mất lỗ tái trái. Hôm phỏng vấn 3 người xin vào công ty làm việc ông đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa, sau cùng cả ba đều phải trả lời một câu như nhau: Anh (chị) thấy tôi có gì khác thường?
Người đàn ông thứ nhất trả lời rành rọt:
- Ông không có lỗ tai trái
Vị giám đốc cho là mình bị xúc phạm, không nhận anh ta
Người thứ hai là một phụ nữ nói đúng sự thực:
- Ngài không có lỗ tai trái
Bất cần nhan sắc người đẹp ông giám đốc từ chối cô ta.
Người thứ ba là một sinh viên trả lời bằng một câu hỏi lễ phép:
- Nếu tôi không nhầm thi ông đeo kính áp tròng
Ông giám đốc tròn mắt hỏi chàng sinh viên: Tại sao cậu có thể nói như thế.
Anh sinh viên từ tốn: Vì ngài không thể đeo kính có gọng.
Đọc xong ai cũng phải cười và liền đó là suy nghĩ về câu chuyện. Hình như để “không khí còm” nhẹ bớt phần suy tư, bạn nđnn nói giỡn chơi : “Vấn đề "tế nhị" này em được nghe từ bé, hay thế mà bị mẹ cấm tiệt! Tế là cúng, nhị là hai, tế nhị = cúng hai ...Anh Sơn không thích tế nhị à? Sao châm biếm vậy, hihi.” (Cúng hai là cái hung, bỏ chữ “g” đi là cái hun, mà hun cũng là ...hôn. hehehe )
Nhưng nói cho rành rọt “tế nhị” là gì cũng đa đoan lắm. Từ điển Hán Việt Nguyễn Tôn Nhan kê ra 12 chữ tế và 8 chữ nhị, vậy ghép chữ tế nào vào chữ nhị nào cho ra tế nhị mà ta đang bàn đến. Kể cũng lạ, các bộ từ điển Hán Việt đồ sộ của Đào Duy Anh, Thiều Chữu, Trần Văn Chánh, Trần thị Thanh Liêm...dẫn ra chữ tế và chữ nhị, chứ không có từ “tế nhị”. May thay từ điển Hoa Việt bỏ túi của Khổng Đức và Long Cương (nxb VHTT 1996, trang 476) có đưa ra tự dạng từ tế nhị: 細 膩 , trong đó tế (細) là nhỏ, mảnh mai, vụn, mịn, kỹ càng, tinh vi, tinh tế...và nhị (膩) là mỡ, trơn, mập, dơ bẩn, dính, chán ngấy, tinh tế.
Có lẽ căn cứ vào cái phần “tinh vi”, “tinh tế” cùng có trong chữ tế (細) và chữ nhị (膩) mà Đại từ điển tiếng việt đưa ra định nghĩa tế nhị như sau: “1- khéo léo, tinh tế, nhã nhặn trong đối xử (một con người rất tế nhị, ăn nói tế nhị) 2- có những tình tiết rất nhỏ, sâu kín khó nói hoặc không thể nói ra được (vấn đề này rất tế nhị, việc này tế nhị lắm). Anh sinh viên trong câu chuyện của Yên Sơn thấy không nói thẳng ra ngài giám đốc chỉ có một tai nên phải nói đến kính áp tròng. Tế nhị đến thế là cùng, không tuyển anh ta vào công ty chỉ có dại.
Bác Bu mà bàn đến từ Hán Việt và truy từ nguyên, em chỉ có...đứng im mà nghe thôi !
Trả lờiXóaTrong câu chuyện "Một người tế nhị", chi tiết người sinh viên lăn ra cười khi ông giám đốc hỏi tại sao biết ông đeo kính sát tròng và trả lời: Làm sao đeo được kính có gọng khi chỉ có...1 lổ tai. Nó chứng tỏ anh chàng này có thêm tính cách thơ ngây trong sáng, ông giám đốc nhất định chọn anh chàng này, vì đây là mẫu người...dễ đào tạo thành người trung thực.
Tế nhị nhưng phải trung thực mới quý, còn không, đôi khi tế nhị lại là...khéo nịnh. :)
nguyenyenson
Trả lờiXóaBu cũng nghỉ là ông giám đốc sẽ cọn anh sinh viên. Nhưng cố tật của các ngài giám đốc là không muốn nghe lời nói thật cho nên ông ta mới chán ngán người thứ nhất và người thứ hai như bạn kể.
Anh giảng thấu đáo.
Trả lờiXóaTuy nhiên theo tui, hanggraphic có thể không nói đến sông Dương Tử (=Trường Giang) bên Tàu, mà nhắc đến Dương Tử Giang (1918 - 2 tháng 12 năm 1956) là nhà báo, nhà văn cách mạng Việt Nam, với cái tên Dương Tử Giang đã được đặt cho một con đường ở Q5 thành phố Hồ Chí Minh.. Tuy nhiên chữ TỬ trong các tên Dương Tử Giang cũng đều là 子.
Dạ đúng rồi, em nói tên đường Dương Tử Giang ở SG đấy ạ. Đó là tên người thôi ạ.
Trả lờiXóaDương viết chữ Dương trong họ Dương
Giang thì là sông rồi.
Tử là con.
Ngoài Bắc có một số dòng họ vẫn giữ chữ "tử" làm đệm cho dòng họ Dương Tử.
Gần nhà em có giáo sư Dương Tử Kì, ổng giỏi lắm. Cả đám Dương Tử con cháu đều theo ngành Y hết.
À quên, "Tử" là con trai.
Trả lờiXóaCảm ơn Bu nhiều nhiều! Đọc xong entry em thấy ..mờ mắt, xong comment của anh Sơn em ù tai luôn. Kết luận, tiếng Việt mình sao mà ..tế nhị quá, hehe.
Trả lờiXóaThực tình là khó hiểu Bu ơi. Em phải ngồi tra tự điển (online) nãy giờ để tìm hiểu chính xác xem khéo léo là gì, tinh vi là gì, tinh tế là gì, nhã nhặn là gì, và cả những từ em chợt liên tưởng tới mà không biết có quan hệ gì không: khách sáo, nịnh, xảo quyệt, dối trá, không thật lòng v.v.
Một người tinh tế hình như có nghĩa tốt, nhưng một người tinh vi sao nghe hơi sợ sợ? Làm sao để biết mình có tế nhị, tinh tế không? làm sao biết mình đang tinh tế hay tinh vi, xảo quyệt? Có phải sự "trung thực" mà anh Sơn nhắc tới là yếu tố để phân biệt không nhỉ?
Chi tiết người sinh viên lăn ra cười mà anh Sơn cho điểm tính cách ngây thơ trong sáng em cũng không hiểu, vì em thấy đó là hơi ...vô duyên. Em cứ tưởng anh Sơn châm biếm chổ này mà đọc còm trên lại hoang mang, không hiểu anh châm biếm chổ nào vậy?
Em thấy như Bu viết lại ở trên thành "từ tốn" thì nghe hợp lý.
Trả lờiXóa* danghongky
Lúc đọc còm, Bu cũng nghĩ Hangraphic nhắc đến tên người vì bạn ấy viết hoa cả ba chữ Dương Tử Giang. Và vì tên người nên bạn ấy suy ra tử trong Dương Tử Giang không phải là chết. Về người có tên Dương Tử Giang Bu biết có hai vị
1- Ông Trần Quang Tường (1911 -1968) quê Bình Lục Hà Nam vào lập nghiệp ở Quảng Bình, lấy vợ Bảo Ninh có con gái gả cho thứ trưởng bộ Văn hóa Phan Khắc Hải (người Lý Hòa Bố Trạch) Ông là một nhà thơ với bút hiệu Dương Tử Giang.
2- Ông Nguyễn Tấn Sỹ (1918-1956) nhà văn quê ở Giồng Trôm Bến Tre. Ông này rất khoái câu đầu tiên của bài thơ Hoài thượng biệt Hữu Nhân tác giả Trịnh Cốc : “Dương Tử giang đầu dương liễu xuân” và lấy Dương Tử Giang làm bút hiệu. Có thể bút hiệu của ông được đặt cho một đường phố Sài Gòn. Nhân thể chép luôn bài thơ của Trịnh Cốc để danghongky và các bạn đọc chơi:
Hoài thượng biệt hữu nhân
Dương Tử giang đầu dương liễu xuân,
Dương hoa sầu sát độ giang nhân.
Sổ thanh phong địch ly đình vãn,
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần.
Chia tay bạn ở sông Hoài
Dương liễu sông Dương thắm vẻ xuân.
Hoa dương héo hắt khách dời chân.
Ly đình tiếng sáo chiều theo gió,
Bạn đến Tiêu Dương, tớ đến Tần.
(Lê Nguyễn Lưu dịch)
* hanggraphic
Trả lờiXóaBất luận con trai con gì cũng gọi là tử. Người đàn ông có có đức hạnh và học vấn đều gọi là tử (khổng Tử, lão Tử).Con cháu gọi người trước là tiên tử, vợ gọi chổng là ngoại tử, chồng gọi vợ là nội tử, chú học trò là sĩ tử, giống cá là ngư tử, tàm tử là giống tằm, lý tử là giống mận, tiền lãi là tử kim......
* noidaungotngao
Trả lờiXóaBu hoàn toàn nhất trí với Bạn khi nói về thái độ của anh sinh viên.
Người Việt ta suốt ngày nói từ Hán Việt nhưng đa số không hiểu nó là gì nên dùng sai đến mức bi kịch. Bu là anh phu lục lộ nhưng cũng sẵn sàng nói chuyện với bạn về một loạt từ mà bạn dẫn ra. Ở đời biết thêm cái gì hay cái nấy mà ...
Như vậy chữ Dương trong Dương Tử Giang là giơ lên, bốc lên, khen... chứ không phải là mặt trời, vậy chữ Dương Tử trong Dương Tử Giang có nghĩa là gì, và có một giải thích, hay một truyền thuyết, sự tích gì trong ý nghĩa đó không? Chưa thấy bác Bu nói tới.
Trả lờiXóaCòn về đường Dương Tử Giang thì trong quyển "Đường phố nội thành TP HCM" của Nguyễn Đình Tư do Chi Cục Bản Đồ và Khảo Sát Xây Dựng xuất bản năm 1994, có viết: tên đường Dương Tử Giang là bút hiệu của ông Nguyễn Tấn Sĩ (1918-1956) quê ở Giồng Trôm, Bến Tre... Ông là nhà báo làm việc cho báo Cứu Quốc, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở bót Catina, rồi đưa lên Biên Hòa. Cuối năm 1956 ông bị bắn chết trong vụ nổi dậy của tù chính trị phá nhà lao Tân Hiệp.
Còn chữ "tế nhị" thì nghĩa đúng như quyển tự điển Hoa Việt mà bác Bu nói đến, người "tế nhị" khác với người "lịch sự" hoặc "chi ly", tuy chữ "tế" có nghĩa là nhỏ, vụn vặt.
Trả lờiXóaPhu lục lộ là gì vậy Bu, hình như đó cũng là từ Hán Việt? Em vốn xuất thân đầu đường xó chợ, nên thiếu giáo dục trầm trọng. Bi giờ ...cũng thế hihi. Nếu được Bu viết thêm nhé, em rất mong được học hỏi...
Trả lờiXóaPhu lục lộ
Trả lờiXóaPhu đường vất vả lắm ai ơi
Giãi nắng giầm mưa chẳng nghỉ ngơi
Ngựa xe hành khách thường qua lại
Biết cảm ơn anh được mấy người
(ST)
Dùng từ đó đụng chạm ngành cầu đường nhá.
Người ta lục lộ nên đặt cống
Trả lờiXóaAnh là công chánh chỉ đặt cầu
Là ngành xách...dá đi đầu
Ban, lăn, cán, trãi...để hầu giao thông :)
@ Bạn nđnn
Trả lờiXóaBạn hỏi phu là gì? Xin thưa phu (夫 trong phu lục lộ) để chỉ người làm công ăn lương . Lục lộ ( 陸 路) là đường cái. Phu lục lộ (夫陸 路 ) là người làm công trong nghề cầu đường. Ngày nay gọi hoa mĩ hơn: Công nhân xây dựng cầu đường. Đấy là nghề ruột kiếm sống của Bu. Hôm khánh thành cầu bắc qua sông Gianh Bu có viết một bài đăng báo, đại thể không tán thành gọi nó là cầu Gianh mà nên gọi là cầu Linh Giang. Ông bộ trưởng bộ GTVT đọc xong bài báo rất tâm huyết của Bu thì phán: “thằng này lắm chuyện”. Nđnn đồng ý Bu sẽ chép lại để bạn đọc chơi.
Cảm ơn Bu giải thích! Bu làm công nhân xây dựng cầu đường mà chữ nghĩa văn thơ ở đâu ra nhiều vậy, đáng ...sợ thật. Cái ông bộ trưởng GTVT sao phán kỳ, Bu chép lại cho mọi người và em cùng tham khảo nhé, cảm ơn Bu.
Trả lờiXóaÚi trời đọc cái tản mạn đầu tuần của anh Bu mà "vỡ" ra nhiều lẽ quá ...Cám ơn anh Bu và các bạn
Trả lờiXóaTản mạn đầu năm mà mấy chú mấy bác phân tích từ nghĩ nhiều quá, con sợ mất! Con nhớ hồi con học bên cử nhân Anh Văn, có môn Dẫn luận ngôn ngữ, và môn Tiếng Việt đứa nào cũng ngán hết hà! Còn Hán Việt ở nhà có 1 cuốn dày cộm mà con lười ngâm cứu, chắc từ nay phải ngâm cứu lúc đó mới hiểu mấy cái bài của chú viết! Hihi
Trả lờiXóaChúc chú ngày mới vui nghen!