Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

CÔ GIÁO CATUL HỎI “CÁ” TRONG "BẮT CÁ HAI TAY" CÓ PHẢI CÁ BƠI TRONG NƯỚC KHÔNG?

 

Người cá

 

“Bắt cá hai tay” là một thành ngữ, dùng thì được, nhưng hiểu cho chuẩn xác thật không dễ chút nào.

1) Trong “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ” (tái bản lần thứ nhất – có sửa chữa) của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà nội, 1994) giải thích như sau: “Bắt cá hai tay” tức là dùng cả hai tay để bắt một con cá, như kiểu “cầm hai tay”, “đưa hai tay”, “bưng hai tay”…Song hiểu như thế thì hành động “bắt cá” ở đây sẽ đạt được kết quả một cách khá chắc chắn và không có gì đáng chê.

Nhân dân ta đều hiểu thành ngữ này với nghĩa đen là mỗi tay bắt một con cá và kết quả là tuột mất, chẳng bắt được con nào (…).

Từ nghiã đen cụ thể đó, nhân dân ta đã dùng thành ngữ này với nghĩa rộng hơn để chỉ những người có tư tưởng “nước đôi”, hoặc tham lam ôm đồm, muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc, không được việc này thì được việc khác, kết quả hoặc là không được việc gì , “xôi hỏng, bỏng không” hoặc được chắc một thứ, nhưng thường bị chê trách là tham lam khôn ranh.

Cách giải thích trên phải qua hai bước: Đầu tiên, bắt cá hai tay là hai tay cùng bắt một con cá. Tiếp theo, hai tay cùng lúc bắt hai con cá. Điều đó không đúng với tính chất của thành ngữ. Thành ngữ là “một tập hợp từ cố định quen dùng có nghĩa định danh, gọi tên sự vật, thường không thể suy ra từ nghĩa của từng yếu tố cấu thành” (Đại từ điển tiếng Việt trang 1466)

2) Trong tiếng Việt, Ngoài từ “cá” chỉ động vật bơi trong nước còn rất nhiều từ “cá” khác. Chẳng hạn:

- Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh -Tịnh Paulus Của: ở vần cá ghi: Cá cuộc, cuộc với nhau. (Trang 86)

- Đại từ điển tiếng Việt bộ mới: Cá là đánh cuộc, hai người cá nhau xem đội bóng nào thắng (trang 169). Cá độ: Đánh cuộc với nhau tỷ số thắng thua của trận đấu để ăn tiền (trang 171). Cá cược: Đánh cuộc ăn tiền.

Như vậy “cá” trong “Bắt cá hai tay” là cá các cược hoặc cá độ chứ không phải cá bơi trong nước. Trong trò “cá” này, người bắt cá chỉ được phép bắt đội A hoặc đội B thắng (hoặc thua). Người tham lam hai tay bắt hai đội cho ăn chắc (đương nhiên luật chơi không cho phép) Câu thành ngữ trên nhằm chê bai người tham lam cái gì cũng muốn được về mình.

Giáo sư Nguyễn Lân cho “cá” trong thành ngữ “bắt cá hai tay” là cá bơi trong nước nên giảng câu “Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc” rằng: “Việc thả cá có lợi là đúng, cần khuyến khích, còn gá bạc thì ngày nay là một tội phạm, vì đó là một việc làm bất chính” (Từ điển thành ngữ và tục ngữ, trang 303).

Tục ngữ của dân gian không bao giờ ghép cái lợi do việc làm chính đáng với cái lợi do việc làm bất chính để răn dạy người đời. Ở câu trên thả cá và gá bạc đều đáng lên án. Khuyến khích thả cá trong trường hợp này là một điều tai hại có khi phải vào ngồi nhà đá.

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

VỀ MỘT BẢN DỊCH BÀI THƠ HOÀNG HẠC LÂU CỦA THÔI HIỆU

 

        Lầu Hoàng Hạc ở Vũ Xương, bên sông Trường Giang, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

 

                                         Hạc trắng (bạch hạc) Blog anhkim01

 

 

Nhà thơ Thôi Hiệu (704-754) làm thơ khôngnhiều nhưng chỉ với hai bài “Trường Can hành” và “Hoàng Hạc lâu” thì tên tuổi ông đã ở đỉnh cao chói sáng trong nghệ thuật thơ Đường. Chả thế mà thơ tiên Lý Bạch cảm xúc trước cảnh sắc lầu Hoàng Hạc, muốn làm thơ ngợi ca mà đành phải gác bút thốt lên “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu’ (Trước mắt có cảnh đẹp mà không thể làm thơ được, vì ở trên đã có bài thơ của Thôi Hiệu rồi).

       Nguyên văn chữ Hán bài Hoàng Hạc lâu:

 

 崔颢

黄 鶴 樓

昔 人 已 乘 黄 鶴 去

此 地 空 餘 黄 鶴 樓

黄 鶴 一 去 不 復 返

白 雲 千 載 空 悠 悠

晴 川 歷 歷 漢 陽 樹

芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲

日 暮 鄉 關 何 處 是

                           煙 波 江 上 使 人 愁

 

Nhà thơ Tản Đà phiên âm, dịch xuôi,  và dịch thơ:

 

Phiên âm

            Hoàng Hạc lâu

 

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ.

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

 

Dịch xuôi

                         Lầu Hoàng Hạc

 

Người xưa đã cưỡi hạc bay đi rồi.

Ở chỗ này đây chỉ còn trơ lại một ngôi lầu tên là Hoàng Hạc.

Hạc vàng đã bay đi rồi không trở lại nữa.

Mây trắng ngàn năm vẫn bay lơ lửng hoài.

Bên dòng sông khi trời tạnh, hàng cây đất Hán Dương trông rõ mồn một.

Trên bãi Anh Vũ cỏ thơm mọc mơn mởn xanh tươi.

Lúc trời chiều, đứng ngắm cảnh, tự hỏi đâu là nơi quê nhà?

 

Dịch thơ

        Lầu Hoàng Hạc

 

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ?

Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ !

Hạc vàng đi mất từ xưa,

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

Hán Dương sông tạnh cây bày,

Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.

Quê hương khuất bóng  hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?

Ngày Nay số 134

29.10.1938

 

Gần một thế kỷ nay, rất nhiều người đã dịch Hoàng Hạc lâu ra quốc ngữ nhưng bản dịch của Tản Đà được mọi người cho là xuất sắc nhất. Trong “Lời bạt: Thơ Đường và các bản dịch thơ Đường của thi sĩ Tản Đà” (1) Giáo sư Trần Thanh Đạm viết: “Bản dịch Hoàng Hạc lâu của Tản Đà có thể được xem là mẫu mực thành công của nghệ thuật dịch thơ trong giao lưu văn chương cuả mọi thời đại”. Tuy nhiên sự sáng tạo là vô hạn, đầu thế kỷ 21 nhà giáo Phan Nhật Chiêu, giảng viên Đại học KHXH và NV th. Ph. Hồ Chí Minh,  người nhiều năm giảng dạy Đường thi, đã dịch lại bài thơ này và được từ điển Wikipedia giới thiệu bên cạnh các tên tuổi  như Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng, Trần Trọng Kim. Để mô tả tài năng dịch thuật của ông Nhật Chiêu,  nhà sư Thích Thanh Thắng mượn câu thơ của Trần Nhân Tông “Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân” (Mỗi lần chạm tay vào là một lần mới tinh) (2) để ví von ca ngợi.  Và đây là bản dịch của Phan Nhật Chiêu trong Wikipedia:

                           

                             Lầu Hoàng Hạc

                    

                     Chở tiên đi, cánh hạc vàng

Bỏ hư không lại còn Hoàng Hạc lâu

Hạc vàng mất hút thiên thu

Để ngàn năm trắng mây từ từ trôi

Sông tình cây Hán Dương tươi

Bờ Anh Vũ  cỏ xanh ngời ngời xa

Quê hương đâu? Bóng dương tà

Trên sông khói sóng còn ta với sầu.

 

Theo thiển ý, câu “thử địa không dư Hoàng Hạc lâu” mà dịch là “bỏ hư không lại còn Hoàng Hạc lâu” thì đúng là mới và có phần khá hơn “Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ” của Tản Đà. Những câu còn lại thì có mới nhưng không thể hay hơn  bản dịch của Tản Đà được.  Chưa nói câu thứ nhất và câu thứ năm người dịch đi quá xa nguyên tác làm giảm mức độ thi vị của bài thơ. “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ”  là nói về người xưa đã cưỡi hạc đi mất rồi, là nỗi xót xa của tác giả trước thời thế: Cái rực rỡ huy hoàng của một thời không còn nữa, tất cả đã theo cánh chim hạc bay vào cõi vô cùng vô tận... Nó không chỉ đơn giản như ông Nhật Chiêu nói: “Chở tiên đi, cánh hạc vàng”, thường tình như con thuyền chở khách xuôi ngược trên dòng sông. Hai chữ “tích nhân - ” (người xưa) không được dịch  giả quan tâm tới, làm câu thơ mất hết vẻ xa xăm, khắc khoải.  Đến câu thứ  năm “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ” được ông Nhật Chiêu dịch “Sông tình cây Hán Dương tươi” đã làm người đọc hiểu sai chữ “tình” trong nguyên tác đến 180 độ. “Tình” không viết hoa tức không phải tên sông! Vậy thì “sông tình” chỉ có nghĩa là sông tình yêu!  Trong khi đó Thôi Hiệu viết chữ tình ( ) gồm chữ thanh ( ) và bộ nhật () có nghĩa là tạnh, và “tình xuyên” ( ) đơn giản là sông tạnh. “Hán Dương sông tạnh cây bày / Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non” nói cái bao la của đất trời làm cho con người cô đơn, đến độ  lạc cả quê hương.  Đưa hai chữ “sông tình” vào đây không nói lên được tâm trạng đó và hoàn toàn lạc lỏng.   

     Có lẽ với bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu thì bản dịch của Tản Đà cho đến nay là đỉnh cao duy nhất chưa ai vượt nổi và “là mẫu mực thành công của nghệ thuật dịch thơ trong giao lưu văn chương cuả mọi thời đại” như Giáo sư Trần Thanh Đạm đã nhận  xét.

----------

1) Lời bạt trong tập Thơ Đường Tản Đà dịch, Nhà xuất bảnTrẻ, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh 1998.

(2) Dẫn theo http://Vietbao.vn bài  “Bàn tròn văn học về Nhật Chiêu”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đọc tiếp ...