Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

TRÒ CHUYỆN VỚI NGƯỜI LÁNG GIỀNG TTM – GỐC MAI

Ni cô


                                           Các sách tham khảo:

                                         1- Hướng dẫn đọc Tam tạng kinh điển
                                         2- Kinh Lăng già tâm ấn
                                         3- Kinh bi hoa
                                         4- Từ điển Phật học
                                         5- Đọc và hiểu kinh Phật
                                         6- Đức Phật lịch sử
                                         7- Đập vở vỏ hồ đào
                                         8- Lược sử Phật giáo
                                         9- Tóm tắt 300 bộ kinh luận Phật giáo danh tiếng

Bạn TTM - Gốc Mai còm vào entry “PHỎNG VẤN ĐỨC PHẬT THÍCH CA” của bu: “Anh Bu à, nếu còn gặp đức Phật trong mơ, TTM nhờ anh hỏi hộ Ngài mấy câu dưới đây nhé:

I- Vì sao trong một hội chúng, đức Phật nói rằng trong suốt 49 năm qua ngài chẳng nói gì ?
II- Có đúng là tất cả các kinh Phật đều do chính đức Phật Thích Ca thuyết giáo không ?
III- Các kinh, kinh Vô lượng thọ, kinh Địa tạng, kinh Bi hoa… đều nói trên cõi Tây phương Cực lạc không có nữ giới, vậy số phụ nữ ở cõi ta bà này còn muốn làm phụ nữ nữa thì sẽ vãng sanh về đâu?

Nếu không gặp được đức Phật trong mơ nữa thì mong anh trả lời cho vậy.

***
Bạn TTM Gốc Mai  vào chùa lễ Phật từ lúc 8 tuổi,  nay lên chức bà nội bà ngoại vẫn là một Phật tử thuần thành.  Có thể nói nhà bạn ấy (ở quận 2 tp. HCM) là một nơi lưu trử kinh Phật và tượng Phật.  Bu tui chó ngáp phải ruồi một lần mơ gặp đức Phật, phỏng vấn ngài dăm ba câu,  không chắc còn mơ gặp được Ngài lần thứ hai để hỏi hộ TTM, đành liều trả lời bạn vậy.  Bu không là Phật tử, cũng chưa có ý định quy y tam bảo, nên nói câu được câu chăng, mong các bạn chỉ bảo thêm cho, xin đa tạ.

 I- Vì  sao trong một hội chúng đức Phật nói rằng trong suốt 49 năm qua ngài  chẳng nói gì ?

1- Câu hỏi này của bạn chỉ đúng về đại ý chứ không đúng nguyên văn lời Phật trong kinh sách.  Học giả Nguyễn Duy Cần cũng viết trong  “Phật học tinh hoa” rằng, trong kinh Lăng già Phật nói: “Ta thuyết pháp trong khoảng bốn mươi chín năm, nhưng thực ra ta chưa từng nói một lời nào”. Có đúng là Phật đã nói câu ấy trong kinh Lăng Già không? Thưa không! Ở trang 162 tập 2  kinh Lăng Già, đức Phật nói thế này: “Ta từ đêm ấy được Chánh đẳng Chánh giác tối thượng, cho đến đêm ấy vào Niết bàn, ở trong khoảng giữa kia không nói một chữ, cũng chẳng đã nói, sẽ nói”.  “Ta từ đếm ấy” là Phật chỉ thời quá khứ, khi ngài thiền định bốn mươi chín ngày đêm dưới gốc cây assatha (sau này gọi là cây bồ đề ). “Cho đến đêm ấy” là Phật chỉ thời tương lai khi ngài sẽ nhập Niết bàn. Bu phải dài dòng chút xíu để bạn TTM cũng như các bạn khác khi nhắc đến Phật ngôn thì cố gắng dẫn đúng kinh sách.

2- Trước bạn TTM  khoảng 2500 năm, bồ tát Đại Huệ đã hỏi đức Phật một câu đại ý như TTM đã hỏi bu, và đức Phật trả lời Đại Huệ:  “Ta nhân hai pháp nên nói như thế. Thế nào là hai pháp? Nghĩa là duyên pháp tự đắc và pháp bản trụ, ấy gọi là hai pháp. Nhân hai pháp này nên ta nói như thế”. Theo đức Phật thì  “duyên pháp tự đắc” là trí  pháp, tức là trí giác ngộ của đức Phật, vọng tưởng chúng sanh không thể hiểu được. Còn “Pháp bản trụ” là lý pháp, tức là lý bản nguyên của muôn sự muôn vật có sẵn như vậy, dù có Phật hay không có phật cũng không thay đổi, không do tạo tác, không do nói năng.  Hai pháp như thế không phải cảnh giới ngôn thuyết, nên Phật bảo  không nói một chữ.        
3- Với cách hiểu của bu, trong 49 năm thuyết pháp ngôn từ của ngài được phát ra từ ứng thân Phật, tức tấm thân ngài xuất hiện trên mặt đất được cấu thành bởi ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Kinh Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh do chính đức Phật thuyết  khẳng định “ngũ uẩn giai không”. Lời nói là “hành” sau khi “tưởng” cũng là không,  bởi vậy đức Phật cho rằng  từ khi giác ngộ đến khi nhập niết bàn ( khoảng 49 năm)  ngài không nói một chữ. Ngoài ra đức Phật muốn gửi đến chúng sinh một thông điệp: Không thể cứ nương vào kinh điển mà cho là xong việc, phải tự mình tu chứng mới hiểu được chỗ lời nói không thể hiển bày.

II- Có đúng là tất cả các kinh Phật đều do chính đức Phật Thích Ca thuyết giáo không ?

1- Kinh Phật nhiều như cát sa mạc mà hiểu biết của bu tui chưa được là một hạt trong đó. Tuy nhiên phải nói ngay rằng “Kinh Pháp bảo  đàn” của Đại thừa do lục tổ Huệ Năng (638-673) viết ra chớ không phải là lời Phật thuyết giáo. Tỳ kheo Thích Tuệ Hải khẳng định như vậy trong bài Tổng luận bộ kinh Pháp bảo đàn do ông  lược giải.  Thầy Tuệ Hải nói thêm: “…Chúng ta nghiên cứu hệ thống kinh Nguyên thủy cũng thấy rõ gần như trong khoảng mười bài kinh thì có một hay hai bài của đệ tử Phật nói. Thí dụ có người hỏi ngài Xá Lợi Phất một việc nào đó, Xá Lợi Phất trả lời và thỉnh đức Phật  xác quyết lại giải pháp đó đúng hay không, nếu đức Phật đồng ý thì kiến giải ấy của đệ tử Phật vẫn nằm trong hệ kinh tạng của Nguyên thủy”.  Trong số kinh nguyên thủy thì bộ Nikaya bằng tiếng Pali là gần thời đức Phật nhất. Nếu số liệu của Tỳ Kheo Tuệ Hải là chấp nhậ được, bu tính xem có bao nhiêu kinh trong hệ Nikaya  không do Phật thuyết. Nikaya gồm:

Trường bộ kinh:                               Gồm     34 bài kinh (1)
Tương ưng bô kinh                           -       7762        -
Tăng chi bộ kinh                               -       9557        -
Trung bộ kinh                                    -        152        -
Tiểu bộ kinh                                      -             9        -
                            Cộng :                         17.514        -
Số kinh không do Phất thuyết:  15% x 17.514 = 2627,1
Lấy chẵn khoảng 2627 kinh.
2- Bu tui chỉ biết được 3 trong số 2627 kinh nói trên, cụ thể là:
 + Kinh“Chánh tri kiến” ( Sammãditthi Sãvatthi, thuộc Trung bộ kinh) do đức Sàriputta thuyết tại thành Sãvatthi.
+ Kinh Tư Lượng (Amumãna Sutta, thuộc Trung bộ kinh) do đại đức Moggallãna thuyết cho nhiều Tỳ kheo ở Susumãragiya xứ Bhagga.

+ Kinh Thừa Tự Pháp (Dhammadãyãda Sutta, thuộc Trung bộ kinh). Trong kinh này, bài đầu do đức Phật thuyết, bài thứ hai do đại đức Sãriputta thuyết
Cũng cần nói thêm, cả ba kinh vừa nêu đều có mẫu câu “tôi nghe như vầy” vốn do tôn giả Anan nói khi nhắc lại lời thuyết giáo của đức Phật, trong trường hợp này rất dễ làm người đọc ngỡ  chúng do đức  Phật thuyết giáo.
3- Về kinh Đại thừa.
 Mục “Đại tạng kinh bằng Hán văn” (trong sách “Đọc hiểu kinh Phật” của Minh An) kê lên 20.120 quyển,  và cho đến nay chưa có học giả Phật giáo nào nói trong số đó có mấy phần trăm kinh không do Phật thuyết.  Chắc chắn rằng tỷ số này phải lớn hơn 15% (như sư Thích Tuệ Hải đã nói về kinh nguyên thủy), vì kinh Đại thừa xuất hiện cùng lúc với các môn phái Đại thừa được thành lập, khi đức Phạt đã nhập diệt  từ 900 đến 1000 năm, chẳng hạn:
+ Môn phái Tịnh độ tông do cao tăng Trung quốc Huệ Viễn sáng lập năm 334 - 416 sau khi Phật Thích Ca đã tịch diệt khoảng 900 năm. Các kinh chủ yếu của môn phái này là: Kinh Vô lượng thọ, kinh A di đà…
+ Môn Phái Thiền thông  do tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền vào Trung Quốc trong khoảng thế kỷ thứ 6, thứ 7 sau khi Phật Thích Ca tịch diệt khoảng 1000 năm. Các kinh chủ yếu của môn phái này là: kinh Kim cang, kinh Lăng già, kinh Lăng nghiêm…
Bu tui khó tin được các kinh của hai môn phái trên (và các môn phái khác của Đại thừa)  do chính đức Phật thuyết giáo, vì khi ngài còn thượng tại thì  hoàn toàn chưa có hai môn phái Tiểu thừa và Đại thừa. Bàn về vấn đề này, ý kiến của giáo sư Phật học EDWARD CONZE  là chuẩn xác: “Không có một tiêu chuẩn khách quan nào cho phép chúng ta chọn ra được những phần nào trong số kinh điển này là do chính đức Phật đã nói ra”

III- Các kinh Vô lượng thọ, kinh Địa tạng, kinh Bi hoa… đều nói trên cõi Tây phương Cực lạc không có nữ giới, vậy số phụ nữ ở cõi ta bà này còn muốn làm phụ nữ nữa thì sẽ vãng sanh về đâu?

1- Theo quan niệm của Phật giáo thì tình yêu nam nữ dẫn đến khổ. “yêu là chết ở trong một ít ” (Xuân Diệu). Với người Việt thì “vợ chồng ngủ với nhau như là vụng trộm, không sợ nào bằng cái sợ phải sinh con (Nguyễn Duy), cho nên nữ giới là một tác nhân tạo  khổ cho chính họ và cho giới đàn ông.
     Sinh thời đức Phật Thích ca đối với phụ nữ vừa hòa hợp vừa xung khắc.  Ít nhất có hai trường hợp phụ nữ làm ngài phải tránh xa họ:
- Nàng Cincà giả vờ mang thai để tố cáo ngài trước mặt hội chúng đông đảo vì đã không chuẩn bị gì cho nàng sinh con đúng bổn phận người cha tương lai (theo luận Trưởng Lão kệ)
-  Đã có nhiều vấn đề khó giải quyết với một số phụ nữ trong gia tộc Gotama như bà vương phi vợ cũ của ngài, và bà dưỡng mẫu Mahàpajàpati, người đã cố thuyết phục ngài lập Giáo hội Tỳ kheo ni. Trong kinh Tăng chi bộ ngài nói “Này các tỳ kheo, ta không thấy một hình sắc nào làm say đắm tâm trí đàn ông như hình sắc của đàn bà.  Ta không thấy một âm thanh, một mùi hương, một vị, một xúc nào làm say đắm tâm trí đàn ông như âm thanh, mùi hương, vị, xúc, của đàn bà”
2- Theo kinh Bi hoa thì hằng hà sa số kiếp trước, ở cõi Phật San đề lam  có vị vua Vô Tránh Niệm tu hành nghiêm cẩn, ngài  hứa với đức Phật Bảo tạng rằng, nếu được thành Phật thì sẽ thực hiện 9 điều, trong đó điều thứ 2 là:
-  “ Nguyện tất cả chúng sanh được về cõi ấy đều thành đàn ông tươi tốt, không còn thọ báo sắc thân đàn bà, và cũng chẳng cần có danh hiệu của người đàn bà nữa. Hết thảy chúng sanh khi được về đó, thần thức được đầu thai trong bông sen. Lúc bông sen nở ra thì căn thân tươi tốt, thọ mạng lâu dài”. 
    3- Nếu căn cứ vào hai mục bu vừa nói thì người ta có thể cho rằng các vị  Phật quá khứ cũng như hiện tại xem thường phụ nữ .  Đây là vấn đề rất khó lý giải, vì cho đến nay chưa thấy  nhà Phật học nào từ đông sang tây  kết luận được như thế.
4- Sự  không có nữ giới trên cõi Tây phương cực lạc theo bu tui,  còn nằm trong hệ thống luận lý của ngài Long Thọ, một luận sư vĩ đại nhất của lịch sử Phật giáo. Theo biện chứng pháp Trung quán luận của ông thì chúng sanh còn kẹt vào vào trong màng lưới nhị nguyên, trong chủ thể và đối tượng, tâm thức và đối tượng tâm thức: có sáng nhờ có tối, vì ngắn mới có dài, vì có nữ mới sinh ra nam, có nam mới sinh ra nữ…Trung quán là nhìn cho rõ để vượt khỏi màng lưới nhị nguyên. Tức là trên cõi tây phương cực lạc cũng bất nhị giới tính, không có nữ, không có nam, mà chỉ có loài người sinh ra từ hoa sen, không vô minh như người ở cõi ta bà này.
Từ điển Phật học cho hay “Phật pháp có 84.000 pháp môn và pháp môn bất nhị là tối thượng” cũng là cái lý như vậy.
5- Theo bui tui, bạn TTM cũng như nữ giới nói chung, có thể không nhất thiết tu hành nhằm rửa sạch nghiệp, từ giả sinh lão bệnh tử, giải thoát tuyệt đối, mà chấp nhận giải thoát tương đối  bằng cách tích cóp thiện nghiệp, luân hồi tái sinh làm thân nữ xinh đẹp hơn, khá giả hơn, đầy lòng từ bi hỷ xả hơn.


Đọc tiếp ...