Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

ĐOẠN TRƯỜNG… KHAI SINH !!



                                                          Bu tui hồi chiến tranh chống Mỹ

Cô cháu nhà bên

 MỘT SỐ HÌNH ẢNH QUÊ NỘI BULUKHIN BÊN TẢ NGẠN SÔNG GIANH



 
Sau  khi biết bu đang lần mò làm lại giấy khai sinh, bạn Giao lang gọi bu lu khin là bé bu. Bác PNH phụ họa thêm, giờ này mà bác còn đi làm giấy khai sinh thì đúng là em bé rồi…Bác Hồng Ngọc bảo bác bu nên có bài nói kỹ chuyện này chứ quần chúng đang chờ đợi…
Quân tử nhất ngôn,  bu đã hứa viết là viết, tưởng năm ba dòng là xong hóa ra cũng lắm chuyện để nói… hihi

CÔNG DÂN CHUI!!
Lâu nay bu tui mỗi lần bệnh là phải mua thuốc ngoài uống, không dùng đến bảo hiểm , mà muốn dùng cũng không được vì ngày sinh trong chứng minh thư khác ngày sinh trong thẻ bảo hiểm y tế. Công An Q B  năm 2004 làm chứng minh thư họ viết nhầm thế nào đó cũng không rõ  nữa…chỉ biết là 10 năm qua bu thành công dân chui, sống bất hợp pháp. Có lần bác sĩ khám bệnh xong bảo “giấy tờ của bác không hợp lệ, không cấp thuốc được, bác thông cảm nhé”.  Những ngày ở Vũng Tàu bà xã bu nhắc không dưới  mười lần: Anh phải gấp gấp về quê làm lại chứng minh nhân dân để sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, bây giờ tốn kém mỗi tháng vài triệu tiền thuốc ráng chịu được, chớ đến hàng trăm triệu thì gay go đấy. Bu gàn, muốn đổi chứng minh thư phải có giấy khai sinh gốc, mà thời buổi “hành là chính” này xin cái giấy ấy đâu có dễ, khai giấy tờ gốc bị giặc Mỹ thiêu rồi thì biết đâu họ bắt phải đủ ba người làm chứng, viết cam đoan,  mà hình như làng xã họ đình kiến với nhà anh làm sao ấy… Em thấy anh không giống ai, giữ gìn ba quyển sách nói chuyện ông Khổng, ông Lão, Kinh Thi, Kinh Dịch như giữ đồ gia bảo còn huân chương huy chương nhà nước cấp lại không ngó đến, may mà em quét nhà nhặt được. Anh có biết với Huy chương Kháng chiến hạng nhất là được bảo hiểm một trăm phần trăm không.

QUÊ HƯƠNG LÀ CHÙM KHẾ NGỌT
Mỗi lần nghĩ đến chuyện về “chùm khế ngọt” xin làm giấy khai sinh gốc là bu chán ngán, nghĩ khó bằng dắt chú bò chui qua  lỗ kim chứ chẳng chơi. 
Tiếng là quê hương nhưng từ khi học cấp hai, cấp ba, cho đến đại học bu chuyên sống xa nhà, chỉ về quê trong dịp hè dịp tết. Sau khi tốt nghiệp khoa cầu đường đại học GTVT tổ chức phân bu  về Quảng Bình tham gia đánh Mỹ, đảm bảo giao thông trên Quốc lộ 15 từ giáp Hà Tĩnh cho đến Vĩnh Linh (nay là đường Hồ Chí Minh phía đông). Cứ năm ba tháng bu lại cuốc bộ cả trăm cây số giữa đạn bom về làng thăm mẹ thăm em.  Mẹ thắp nhang lên bàn thờ xin ông bà cùng thân phụ  phù hộ cho con trai  qua khỏi hòn tên mũi đạn. Chuyện mẹ kể  bao giờ cũng lẫn trong nước mắt. Nào là người ta lấy cớ làm mương thủy lợi  hướng dòng chảy vào khu lăng ông Nguyễn Quốc Hoan - làm quan suốt ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Họ nghĩ dưới mộ ông đại thần hẳn có nhiều vàng bạc châu báu… Khi đào lên, xác ông còn nằm trong túi lụa đỏ, áo mão cân đai như đang còn sống. Sau đó mấy hôm, sở văn hóa đến quy tội mẹ khai quật một ngôi mộ cổ có giá trị văn hóa mà không báo lên ngành chuyên môn. Khi hài cốt cụ Hoan đưa về sân nhà bu làm lễ di quan  thì một ông anh họ đảng viên gộc, chức sắc làng đến to tiếng, thím phải đưa ông này đi ngay, đây là một viên quan nhà Nguyễn phong kiến, phản động… Dạo ấy ông trưởng ty GTVT Quảng Bình chọn bu sang Đông Đức làm nghiên cứu sinh, sắp lên đường thì bị công an tỉnh  ách lại bởi địa phương mật báo chú ruột đương sự (là bu tui)  ở trong Tam Kì (Quảng Nam) làm nghề giáo học cho chế độ Mỹ Ngụy. Ngày nay mẹ bu, ông anh họ, đã trở thành người thiên cổ, không hiểu đám trẻ mới lên cầm quyền thôn xã còn định kiến nặng nề  với dòng tộc nhà bu không. Năm 1981 bà xã bu sinh cháu gái Ngọc Tú, mẹ  bu bán luôn đất vườn ở quê vào Huế ở với con trai và chăm cháu nội  cho đến ngày qua đời ngoài tuổi 90. Một dạo có người làng vào Huế cho hay cụ Thượng thư Nguyễn Quốc Hoan nay đã được làng nhắc đến trong các buổi Hội làng với lời tụng ca một nhà văn hóa, một vị quan thanh liêm ái quốc ái quần, một nhân cách mẫu mực của thuyết tu thân tề gia trị quốc theo truyền thống cha ông…

“CÁCH NHAU CÁI DẬU MỒNG TƠI XANH RỜN” …
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn, hai người sống giữa cô đơn”…  Mấy câu thơ của Nguyễn Bính vận vào hoàn cảnh bu dạo ấy sao mà đúng đến từng li một. Bên cạnh nhà bu là con đường nhỏ dẫn ra bến sông Gianh, bên kia đường là nhà bà  Tuyết chuyên sản xuất bún và các loại bánh tráng. Hồi đang học ở Hà Nội mỗi lần về tết bu thỉnh thoảng nhìn qua dậu mồng tơi ngắm nhìn cô bé Linh con gái bà Tuyết  nhặt rau hoặc quét sân, rửa bát.  Mỗi lần thấy Linh cười là bu bụng bảo dạ, cô này lớn lên vào hàng “nhất tiếu khuynh quốc tái tiếu khuynh thành” đây, bọn con trai liều liệu thần hồn. Mỗi lần gặp Linh ngoài đường hoặc ở bến sông cô bẻn lẻn chào chú với nụ cười đôi khi làm chú lặng người.  Nhưng rồi chú mãi mê theo đèn sách, sau ngày ra trường thì đổi mạng sống hàng ngày để đảm bảo giao thông thông suốt trên Quốc lộ 15 cho xe vào nam đánh Mỹ. Chú không còn thì giờ mà nghĩ đến cô cháu  hàng xóm bên kia dậu mồng tơi nữa.  Năm tháng dần qua đi, Mỹ càng dội bom ác liệt lên các tuyến đường, bến cảng.  Làng bu bên tả ngạn sông Gianh, nơi tàu Hải quân thường qua lại nên bị nhiều trận oanh tạc tàn khốc.  Hôm ấy nghe tin Mỹ bắn rốc két vào làng, nhà cháy, người chết, bu hộc tốc về  thì hởi ôi, xóm Đình ngay đầu làng đã tan hoang. May thay xóm nhà bu bị tàn phá không đáng kể, nhưng đường ngang lối dọc không có một bóng người, muốn biết mẹ và em sơ tán nơi đâu  cũng chẳng biết hỏi ai. Một ngày cuốc bộ đường rừng, nhịn đói, chân cẳng rã rời, bu tập tễnh sang nhà bà Tuyết may ra có người để mua cái gì bỏ bụng, nhân thể hỏi tin mẹ và em.  Nghe bước chân lạ, một cô bộ đội đang hí hoáy sắp áo quần vào túi xách quay lại gạt nước mắt chào… chú. Linh…Linh…  phải không, mà sao cháu khóc thế. Dạ, cháu về thăm nhà nhưng ba mẹ và các em cháu sơ tán đâu hết…Bu trấn an, hai nhà ta bình an vô sự là may rồi,  việc gì mà khóc. Mỗi lần bị đánh phá thế này cả xóm mình sơ tán bên Vũng Nổ. Ngày mai chú cháu ta sang đó tìm thế nào cũng gặp. Việc trước mắt là cháu kiếm đâu đó ít gạo đưa sang nhà chú nấu cơm ăn, chú đang đói meo đây.
Bữa cơm ăn với rau mồng tơi luộc chấm nước muối sao mà ngon lạ. Linh ăn ít, thỉnh thoảng buông đũa nhìn chú, hoặc dùng mủ tai bèo quạt cho chú mát.  Thấy chú liên hồi kì trận, hết bát nọ tiếp bát kia Linh chỉ cười.  Bổng nhiên  máy bay ào đến thả pháo sáng đầy trời, bu kéo Linh vào hầm chữ A thì bom bi đã vãi xuống, tai ác là bom bi nổ chậm,  cứ  đùng đoàng chỗ nọ lại đùng đoàng nơi kia.  Một quả bom nổ ngay cửa hầm, bi cắm rào rào vào ván gỗ, khói bom khét lẹt tràn vào hầm, Linh sợ quá run rẩy ôm chầm  lấy chú. Bu đẩy Linh sát vào vách hầm chữ A và ngồi ra phía ngoài dành an toàn cho cháu. Cho đến 11 giờ đêm xóm làng mới ngớt tiếng nổ. Linh đốt lên ngọn đèn dầu lạc chỉ đủ sáng để chú cháu nhìn thấy nhau,  cứ thế cho đến sáng bạch.  Linh không còn phép để đi tìm gia đình nên nhờ bu báo lại ba mẹ  hộ. Cơm sáng xong bu tiễn Linh trở về đơn vị, đến đỉnh đèo xã Quảng Trường thì Linh xuống xe đạp nói, đến đây là nửa đường rồi, chú quay về đi, cháu đi một mình được… Bu giao hẹn Linh thả xe xuống dốc là chú quay về liền. Chú cháu cứ người dục qua kẻ dục lại hoài mà không ai chịu đi trước. Thế rồi một trận mưa tầm tã, mưa như trút nước, chú cháu đứng nhìn nhau trong mưa bổng bu cười lên thành tiếng. Chú cười gì vậy. À, chú cười cái ông nhà thơ Vân Long lẩn thẩn. Lẩn thẩn sao chú. Ông ấy làm thơ mưa. Sao chú cứ nhát gừng thế, đọc thơ cho cháu nghe thử nào. Đọc xong thì chú cũng thành lẩn thẩn mất thôi. Chú lẩn thẩn cũng được mà, đọc đi nào . “Qua dãi sân mưa anh ngắm em, làn mưa nhòa những nét thân quen, tình yêu mới chớm sao mà đẹp, một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen”.  Trời lại dội mưa tiếp, khuôn mặt Linh dàn dụa nước mưa và hình như có cả nước mắt…

NHƯ CÓ PHÉP LẠ…
Một buổi chiều, bà xã bu từ nhà con gái về thông báo,  sáng hôm qua em đã điện thoại về cho thằng Vĩnh trước đây làm cùng phòng với em. Nó người họ Ngô nhưng thấy vẫn gọi anh bằng chú. Vĩnh đang nghỉ phép ở quê để xây lăng mộ cho dòng tộc.  Sau khi nghe em nói về trường hợp giấy tờ tùy thân của anh, và nhờ nó giúp một tay thì Vĩnh bảo cháu đã gặp cậu Hải cán bộ tư pháp xã xin làm giấy khai sinh gốc cho chú. Hải bảo việc này khó, để tớ nghiên cứu xem sao đã.  Nhưng chiều nay cháu gặp lại Hải thì cậu ta vui vẻ  bảo,  mình về có kể chuyện với mẹ trường hợp  một người làng   đã lớn tuổi tên Nguyễn Quốc Toàn ở trong nam cần làm lại giấy khai sinh gốc, mẹ có biết gì về ông này không. Nghe tên ông ta thì mẹ mình lặng đi mấy giây rồi bảo ông ấy là người làng mình, trước đây gia đình ông sống bên cạnh nhà ông bà ngoại con, hồi nhỏ mẹ vẫn gọi ông là chú... Bằng mọi cách con phải làm ngay giấy tờ cho ông ấy, con hiểu chưa…
Thím yên tâm đi, mọi việc sẽ hanh thông cứ như có phép lạ.
***
Sau khi nhận được giấy khai sinh gốc Vĩnh gửi vào, bu đến Công an sửa lại ngày sinh trong hộ khẩu, sau đó làm chứng minh nhân dân. Sáng nay 28.5.2014 dịch vụ bưu điện Vũng Tàu mang đến tận nhà bu phong bì “BƯU GỬI CHỨNG MINH NHÂN DÂN”. Chao ôi! Cảm ơn Vĩnh, cảm ơn Hải, cảm ơn người mẹ có tấm lòng vàng của cháu, bác mừng hơn bắt được vàng đây.





66 nhận xét:

  1. Hì hì... phép lạ ấy xảy ra khi có cái dậu mồng tơi xanh rờn đó, bác Bu nhỉ? Câu chuyện của bác Bu thật cảm động. Tình người vẫn luôn ấm áp phải không bác?

    Trả lờiXóa
  2. Đúng thế Yên Vũ à
    Không gì đẹp hơn tình người

    Trả lờiXóa
  3. Những ký ức của năm tháng bom đạn trong chiến tranh , ôi thật là khủng khiếp anh Bu nhỉ ? Nhất là anh lại tham gia trong cuộc chiến đấu đó ...đọc bài viết của anh , em cảm phục anh vô cùng ...lại thêm những ký ức với cô cháu gái hàng xóm nữa ! Thật đẹp và thật dễ thương ! Hiện giờ cô ấy thế nào anh Bu nhỉ ?

    Trong chiến tranh giấy tờ bị thất lạc hết , thế nên chỉ mong sao nhà nước mình nên tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người tham gia trong cuộc chiến , nhưng người đã cống hiến cuộc đời của mình cho đất nước , may là họ còn sống sót thì họ rất xứng đáng để được hưởng những chính sách ưu đãi , nhất là về việc làm giấy tờ hay điều chỉnh lại giấy tờ xưa cũ ...

    Nhưng cuối cùng mọi việc cũng tốt lành anh nhỉ ? Chúc mừng anh đã qua giai đoạn là " công dân chui " anh nhé !



    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiện giờ cô ấy ở làng bu không rõ là nàng có mấy con, mấy trai mấy gái chỉ biết chắc là có con trai tên là Hải làm cán bộ tư pháp xã - người đã làm giấy khai sinh cho bu rất chóng vánh. Năm 1981 gia đình bu không ở quê nữa bà con thân cận tứ tán hết, Mỗi lần về quê bu chi đến thắp nhang trên khu lăng ...Nên không biết gì cô cháu hàng xóm nữa..

      Xóa
    2. Một ký ức thật đẹp ...thật tuyệt vời và thật dễ thương !!! Nếu gặp lại cô ấy ...hỏng biết trái tim của anh Bu lúc ấy ...sẽ ra sao nhỉ ..hihi ..?

      Xóa
    3. Nói rất thật với bạn, câu chuyện này còn dài, mới viết ra chừng ấy thôi bu tui bàng hoàng cứ như sống lại với ngày xưa. Nhiều lần bu đi qua gần nhà biết là Linh chỉ nhìn chú quá khe cửa. Bà xã bu thương Linh lắm, phóng ảnh to gửi tặng nhưng nàng run rẫy đưa sang treo nhà cậu em vì sợ đức phu quân cật vấn....Đúng là "đời người con gái đến khi lấy chồng trời cho không được mấy chỉ còn mối tình mang theo"

      Xóa
  4. Anh ạ !
    Yêu nhiều và yêu vô tư, không ích kỉ tư lợi gì bảo đảm hay nhất mọi thời đại. Như cái cô bé Linh đấy . Gọi tình yêu cho cầu toàn chứ kể ra cũng chưa phải yêu, Yêu ai lại chú với em thế nhỉ..?!
    Khoảng cách chú cháu trong yêu đương, là khoảng cách thật. Ấy thế mà có hậu, hẳn cả đời không phai hình ảnh của nhau.
    Cái đêm tránh bom trong hầm chữ A ấy, có ngọn đèn dầu chứng dám, anh không khai thật.
    Mà Linh xinh quá nhìn ảnh đã thật! Ngày xưa Sỏi ở Quảng bình lâu nhưng không thấy ai có cái ảnh đẹp như thế! Sỏi ghen với anh đấy ! hì!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sỏi à thề có trời đất bu khai rất thật
      Cũng may hồi đó chú nghiêm túc nên bây giờ cô ấy mới còn chút thiện cảm để nhắc cậu con trai làm giấy tờ cho.nhanh chóng..

      Xóa
    2. Quá khứ của bác Bu hào hùng oanh liệt thật đấy! Chắc là nhiều người đang ghen tị đây anh sỏi nhỉ? May tre là nữ chứ không cũng khổ...hì hì
      Mà đấy mới chỉ một trang sơ sơ thôi. Phần tỉ mỉ vẫn nằm ở sau những tấm ảnh bác Bu mang ra treo kìa, hihi.
      40 năm bảo ảnh vẫn an toàn, không bị ném xuống sông Nhật lệ như bài thơ bài nhạc nào đó của bác Bu. CT đồ chừng nó còn được 2bác Bu cùng nâng niu gìn giữ... Thế đủ biết quá khứ dù lung linh, nụ cười nào dù có làm chao đảo căn hầm chữA dữ dội hơn cả bom Mỹ... thì cũng chả che mờ được hiện tại. Mà không, phải nói nó làm rạng rỡ hơn nụ cười của bác Hà bây giờ.(anh sỏi nhìn thấy không? Miệng cười của bác Hà khiến bác Bu lảo đảo nên phải ôm bác Hà thật chặt cho khỏi ngã kìa... hihihi)

      Xóa
    3. Những gì bạn nói nằm ngoài và nằm sau chữ nghĩa nên khó trả lời cho thật chính xác được. Cũng có thể do khả năng diễn đạt bằng câu cú hơi bị kém chăng.
      Đúng là nụ cười cô cháu làm chao đảo căn hầm chữ A may mà chưa phát nổ. Các cụ bào mỹ nhân tự cổ như khanh tướng...Người đẹp là tướng tài, thắng được tướng này thì cũng xem như là thua vậy...

      Xóa
    4. Tre ơi !
      Anh ghen thật đấy ! anh Bu luôn đào hoa, giá như anh được bằng anh Bu chắc giờ "Hạnh phúc" phải biết!
      Anh Bu nói tre em viết những điều nằm sau chữ nghĩa, có lẽ đúng nhưng anh đọc thấy cũng gần và có lý đấy chứ ! Tuy nhiên bị bắt bài nên anh Bu lúng túng , chứ ai dám bàn về khả năng diễn đạt của anh ấy !
      Hihi!

      Xóa
    5. Mỹ nhân tự cổ .. Rõ ràng là bác Bu không có ý định dẫn câu sau mà CT đọc vẫn cứ thấy thót tim.
      CT chỉ định đùa vui chút. Vì CT thấy là mối tình chú cháu đẹp quá, đẹp hơn cả một đóa hoa xuân thắm, tuy cái cách kể của bác Bu nó giống như lấy lá che đi gần hết chỉ để lộ đôi cánh hoa cho người ta phải đi tìm...

      Xóa
    6. Nhưng CT cũng nhận thấy rằng, mối tình đó không thể đẹp bằng mối tình của hai bác Bu ạ. CT nói thế là căn cứ vào 2 tấm ảnh: một của "cô cháu" và một của hai bác Bu bên khu lăng của gia đình (?) ạ. Bác Bu (Hà Thu (?)) đã không hề mang tấm ảnh của "người cũ" của bác Bu ra sông Nhật Lệ như đã đem bài thơ, bài nhạc bác Bu viết về cô chủ đại lý bán đồ điện tử máy tính nào đó cùng quê với bác Bu (mà bác đã kể ở một entry gần đây)... Nên 40 năm, tấm ảnh quí giá cô cháu đã tặng bác Bu mới vẫn còn. Như thế đủ biết là Bác Bu gái tin tưởng chồng và trân trọng kỷ vật, quá khứ của chồng mình đến thế nào, hiện tại tình yêu của hai bác Bu vững trãi đến thế nào rồi ạ.Và không thế thì sao bác bu gái lại có thể rạng rỡ trong vòng tay rất chặt của bác Bu thế kia... :)
      Phải diễn giải lại ý của mình, CT thấy thật đỏ mặt quá. Mà CT vẫn lo không biết CT đã diễn đạt sáng hơn chưa nữa. híc

      Xóa
    7. úi anh Sỏi, sao bây giờ mới bênh em tre, làm em rõ quê! :((
      Mà anh Tham thật đấy. Anh với bác Bu thì cũng kẻ 8 lạng người nửa cân chứ có kém ai. Tre em chả kêu thì thôi chứ...hèm hèm

      Xóa
    8. Hehehe bu tám lạng Sỏi.... cân rưởi

      Xóa
    9. Cầu Tre à
      Câu chuyện người hàng xóm còn dài lắm ở trên mới chỉ là khúc dạo đầu...
      Sau khi em đường em tôi đường tôi thì bu thầm mong: anh đợi chờ em đi lấy chồng, anh về lấy vợ nữa là xong... Thực ra tình yêu không có tuổi mỗi cuộc tình có vẻ đẹp riêng của nó nhất là cái đẹp của sự dang dở, có nhà thơ đã nói tình chỉ đẹp khi còn dang dở đó sao....

      Xóa
    10. Hôm trước anh hàng xóm bảo ai câu cá giỏi người ấy rất đào hoa, CT không tin. Giờ thì CT c hắc có chút tin rồi đấy ạ.
      Cái ông nhà thơ đó chắc chắn bị nhiễm khuẩn ĐNN.TNK rồi ạ.
      CT thừa nhận mặt trăng và trái đất mỗi vật đẹp một vẻ. Trăng lung linh nhưng rõ ràng không ăn được như Đất ạ. Không có Trăng thì vẫn ca khúc thái bình như thường ạ. Còn thiếu mặt Đất thì..không trọng lượng luôn bác Bu nhỉ?! Nên, hi hi

      Xóa
    11. Mấy chữ viết tắt của bạn là gì bu chịu
      Câu thơ trên trong bài NGẬP NGỪNG của thi sĩ Hồ Dzénh. Ông làm thơ ít nhưng có chân tài, Ông có tên trong THI NHÂN VIỆT NAM . Ngập ngừng là bài thơ được nhiềi thế hệ VN yêu thích nhiều ngạc sĩ phổ nhạc trong đó có Thái Thanh. Bạn vào Google tìm hiểu thêm Hồ Dzếnh, ở đâu chép lại để bạn thâm khảo

      Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
      Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
      Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
      Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?

      Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
      Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
      Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
      Thuở ân ái mong manh như nắng lụa
      Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa
      Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi
      Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!

      Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
      Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ
      Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
      Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
      Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
      Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
      Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

      (nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã phổ nhạc bài thơ này)

      Xóa
    12. Ông thi sĩ này gốc Tàu phải không ạ. CT nhớ là cái tên đặc biệt của ông đã khiến nảy sinh những chuyện vui vui một thời cho các cơ quan in ấn báo chí một thời. Chỗ thì tưởng ông viết sai chính tả nên tự bỏ đi chữ Z. Chỗ biết thì đưa ra sáng kiến quay chữ N đi 90 độ để làm chữ Z vì máy đánh chữ hồi đó không có phím nào có chữ Z cả, vậy nên khi in ra chữ Z hơi thấp hơn các chữ kia...😊
      Ngày bé CT hay nghêu ngao" em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé để anh buồn như Xuân Diệu làm thơ" theo bọn choai choai. Nghĩ lại thấy buồn cười quá..
      Cám ơn bác Bu đã mở mang cho CT!

      Xóa
    13. Đúng là ông Hồ Dzếnh gốc Quảng Đông, Tàu (mẹ người Thanh Hóa) Cái chữ DZếnh do ông "sáng tác" ra từ 1930 - 1931 khi ông vừa dạy học vừa làm thơ, viết văn. Bu không nhớ cái máy chữ ngày xưa nó thế nào chỉ biết là tên ông dưới tác phẩm đều có chữ Z như vậy. Cụ Hồ cũng hay dùng chữ Z khi viết báo, nếu máy không có chữ Z thì cụ xoay chữ N bằng cách nào nhỉ.
      Bu tui rất hâm mộ Hồ Dzếnh từ thuở học trò, nhưng hâm mộ ông hơn cả phải kể đến nhà thơ cực tài Bùi Giáng. Họ Bùi nói đại ý người ta có thể không đọc Nguyễn Du chớ không thể không đọc bài Rằm tháng giêng của Hồ Dzếnh.
      Hồi ở Hà Nội bu hay đến hiệu sách Hồ Dzénh mua sách và ngắm nghía nhà thơ gốc Tàu mà tâm hồn thuần Việt

      Xóa
    14. Nhân thể mời bạn đọc bài RẰM THÁNG GIÊNG



      Ngày xưa, còn nhỏ, ngày xưa,
      Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang.
      Lòng vui quần áo xênh xang,
      Tay cầm hương nến, đỉnh vàng mới mua.
      Chị tôi vào lễ trong chùa,
      Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên :
      "Lòng thành lễ vật đầu tiên,
      Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng"
      Chị tôi phụng phịu má hồng,
      Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi.
      Tam quan ngoài mái chị ngồi.
      Chị nghe đoán thẻ chị cười luôn luôn :
      "Quẻ thần thách mách mà khôn,
      Số nàng chồng đắt mà con cũng nhiều".
      Chị tôi nay đã xế chiều,
      Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ.
      Hằng năm tôi đi lễ chùa,
      Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn.
      Chỉ hơi thấy vắng trong hồn,
      Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ.
      Chân đi đếm tiếng chuông chùa,
      Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở về.

      Xóa
    15. CT đọc những thông tin ấy trong một cuốn sách. Cũng không rõ về độ tin cậy của nó...
      Bài thơ của Hồ Dzếnh CT thấy có nhiều điểm gần với Truyện Kiều.. Cũng là chuyện đi hội đi chùa, gắn với không gian tâm linh gieo quẻ báo mộng, cũng có chị có em, có giai nhân tài tử nữ tú nam thanh với ít nhiều tư tình, cũng những xúc cảm nhân sinh từ một nền tự sự..

      Xóa
    16. Nhưng Rằm tháng giêng thì man mác và ngậm ngùi không bi thiết như Truyện kiều. Có lẽ người trong cuộc không muốn phơi đến cạn đáy cuộc sống và tâm tư của mình, còn cụ Nguyễn thì lại gắng nhập số mệnh và tâm sự u uẩn của mình vào một kiếp phù dung chăng?

      Xóa
    17. Bài Rằm tháng giêng đích thị là của Hồ Dzếnh rồi.
      Cầu Tre đã đọc Bùi Giáng chưa ? Thi sĩ họ Bùi thực tài, nhưng tài quá đâm cực đoan, độc đáo đến mức kì lạ và kì dị. "người ta có thể không đọc Nguyễn Du chớ không thể không đọc bài Rằm tháng giêng của Hồ Dzếnh" là sự ca ngợi tột cùng Hồ Dzếnh một cách hơi cực đoan của Bùi Giáng...

      Xóa
  5. Anh ạ bây giờ chữa bệnh bằng bảo hiểm chắc chỉ mất thì giờ mà không chữa bảo hiểm thì xem ra lạc lõng. nhưng chẳng mấy tin. Sỏi Mất hẳn niềm tin vào cái lối chữa bệnh kiểu phường hội ấy Nhất là đạo đức và lối sống của người đông á. Mỗi người một nhận thức , một chính kiến. Dĩ nhiên đây là của riêng Sỏi. Cuộc sống nhiều phức tạp quá !
    Mong anh có cái chứng minh, cho ra dáng công dân XHCN. Và mong anh luôn khỏe để không dùng đến nó trong bệnh viện.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng mong không bao giờ dùng đến thẻ bảo hiểm y tế nữa nhưng mà trời đâu có chiều lòng người Sỏi nhỉ...

      Xóa
  6. Gớm tôi cứ chăm chăm đọc xem cái lúc ở hầm chữ A cớ sự nó ra sao? Thôi có gì viết ra không được thì hôm nào gặp cà phê bác cho biết sau nhé. Nói vậy chứ cái thời mười tám hai mươi ấy sao mà ta nhát thế hở, tôi cũng như bác thôi, hì hì!

    Ấy cái chuyện làm lại giấy khai sinh của bác đúng là ở hiền gặp lành, giời chẳng phụ người ngay. Người tốt lại gặp được người tốt. Về già mà có cái bảo hiểm y tế là đỡ lám đấy. Như tôi ba mươi mấy năm làm việc cho nhà nước chưa bao giờ đi khám bằng bảo hiểm y tế. Bây giờ thì trái gió trở giời là lại phải dùng đến nó, đỡ lắm bác ạ, tiền khám bệnh không bao nhiêu nhưng thuốc men bây giờ đắt lắm, như tôi đi khám có những toa thuốc giá bốn năm trăm ngàn, mình chỉ phải trả có vài chục (bớt được trên 90%).

    Cái này là phải tạ ơn nhà nước :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói thiệt hôm ấy chú cũng bồn chồn xao xuyến lắm nhưng may giữ gìn được. Một là do dát gan, hai... cũng vì dát gan...Dạo đó sao mà đám con trai dát gan như thế cả hihi

      Xóa
  7. thế là bác Bu hết bị bác Hiệp và các bác khác chọc là em bé rồi nhé :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hết chọc em bé nhưng lại nghi ngờ chuyện khác..huhu

      Xóa
  8. Đọc bài Khai sinh của chú, thấy chú Bu khai thêm một điều nữa, rất ngọt ngào, rất sâu nặng, rất khó quên..mà lạ nhỉ, sao hồi đó chú có tấm hình của cô bé nhà bên xinh đẹp dễ thương vậy? chú chưa khai điều này nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tặng nhau ảnh là chuyện thường tình mà Chu Ngọc.
      Tấm ảnh màu ấy thợ tô thủ công, dạo đó chưa có phim màu và máy Kĩ thuật số...

      Xóa
  9. Bác Bu vẫn giữ được hình "cô cháu nhà bên" đến tận bây giờ thì hay thật . Cho nên được bù đắp bằng bản khai sinh gốc là phải thôi ((-:
    Cảnh quê nội của bác thật là đẹp . Con sông Gianh ngày xưa tưởng chỉ nằm trong những trang sử , bây giờ được tân mắt nhìn thấy cảnh vật qua những tấm ảnh bác Bu chụp ,thật là quý ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tấm ảnh ấy bu đã giữ vào khoảng 40 năm khi cháu mới khoảng 19- 20.
      tính ra cô cháu này lớn hơn bà xã bu hai tuổi hihi

      Xóa
  10. Đọc bài viết này, kết luận: Thủ tục làm giấy khai sinh của bác Bu tốn thời gian kỷ lục, mất những... mấy chục năm.

    Trả lờiXóa
  11. BÀ KHUYẾN THIỆN

    [img]http://3.bp.blogspot.com/-Fv4oqKZ6_wc/U4qN6mEUZKI/AAAAAAAABMA/Oyl90FWxSWc/s1600/000009_2.jpg[/img]

    ÔNG TRỪNG ÁC

    [img]http://3.bp.blogspot.com/-Qzy10f5t0Lg/U4qN7ACtwTI/AAAAAAAABME/TaVqKkTuWJg/s1600/000010_2.jpg[/img]

    Trả lờiXóa
  12. BÀ KHUYẾN THIỆN

    [img] http://3.bp.blogspot.com/-Fv4oqKZ6_wc/U4qN6mEUZKI/AAAAAAAABMA/Oyl90FWxSWc/s1600/000009_2.jpg [/img]

    ÔNG TRỪNG ÁC

    [img]http://3.bp.blogspot.com/-Qzy10f5t0Lg/U4qN7ACtwTI/AAAAAAAABME/TaVqKkTuWJg/s1600/000010_2.jpg [/img]

    Trả lờiXóa
  13. Blog này mất tiện ích còm ảnh rồi, phải không Bác?

    Trả lờiXóa
  14. Có lẽ do tôi loay hoay viết vào mấy chữ BÀI ĐĂNG MỚI, TRANG CHỦ, BÀI ĐĂNG CŨ. mà làm mất tiện ích còm ảnh chăng

    Trả lờiXóa
  15. Bác Bu đính kèm ảnh cô gái nhà bên vô Giấy khai sinh luôn đơi...:)

    Trả lờiXóa
  16. Muộn mất rồi KICH BU ơi
    Mà sao không thể vào trang của bạn được...thât buồn

    Trả lờiXóa
  17. Tiếc quá anh nhỉ ,giá ngày đó mạnh dạn "đổi chú sang anh" ?

    Trả lờiXóa
  18. Bạn HHP thân mến ơi
    Không nhất thiết phải đổi đại từ nhân xưng đâu,
    Chú cháu nhìn nhau qua ánh sáng ngọn đèn dầu lạc trong sự im lặng nhưng dã nói với nhau rất nhiều. Ngôn ngữ của sự im lặng thì không có chú, không có anh mà chỉ có hai thân thế khác giới. Tuy nhiên một sức mạnh nào đó giữ bu lại không tiến xa hơn...hihi.

    Trả lờiXóa
  19. 1.Trước hết, cám ơn bác Bu chìu lòng độc giả mà kể lại đoạn trường khai sinh này. Giá như bác mất thêm thứ giấy tờ gì khác để về quê làm lại lần nữa chắc mọi người sẽ có thêm bài hay để đọc.
    2. Bài viết thật dễ thương như tình chú cháu cũng dễ thương vậy nhất là thuộc dạng trực quan sinh động vì có cả hình ảnh quê bác và cô cháu trong hầm. Tụi đế quốc mà thả ráng thêm vài quả nữa chắc bác khỏi làm khai sinh và cũng sẽ không ai giúp bác như anh Hải này. Hihi.
    3. Thì ra anh phu lục lộ này cũng gian truân ra phết. Giá ngày ấy được đi Liên xô thì Đinh La Thăng khỏi mang tiếng rồi! Hà hà.
    4. Ở huyện Đại Lộc Quảng Nam báo đăng có ông nọ làm khai sinh cho con trễ thế nào xã bắt nộp phạt 5 ngàn với lời dặn :"Muốn làm khai sinh thì mai nộp phạt 5 ngàn rồi làm, ông này đi lại nhiều lần năn nỉ không được, sau này phải làm và bực quá,ghi luôn tên cháu trên khai sinh là "Lê Văn Mai Phạt Năm Ngàn". Hihi. Tiếc là HN không giữ lại tờ báo đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN à thả một quả vào cửa hầm chú cháu đã ngồi với nhau cho đến sáng.
      Đúng là xem triển lãm cấm sờ vào hiện vật hihihi


      Dạo ấy vì lí lịch không được đi du học, ty GTVT QB cứ cậu bạn bu có cái tên khá dài THÁI NGUYỄN BACH LIÊN đi thay. Liên làm nghiên cứu sinh ở Tiệp nhưng trước đó học đại hoc ở Thượng Hải. Tại xứ Tàu này cu cậu có môt câu chuyện tình thấm đẫm nước mắt bu sẽ xin phép Liên đưa lên blog cho bạn bè cùng ngậm ngùi...

      Xóa
  20. Cảnh làng quên thật đẹp, yên ả, thanh bình, và thân thương, gợi nhớ những ngày "trốn học bị đòn roi", gợi nhớ "chăn trâu cắt cỏ trên đồng / rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều"... Và trong lái làng quê thanh bình ấy có một kỹ sư cầu đường đẹp trai và một cô cháu nhà bên xinh gái. Vậy nên sau bao nhiêu năm vẫn "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng"...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Nano BoBi là người thứ hai nói lên vẻ đẹp làng quê bu bên bờ sông Gianh.
      Vâng, bỏ làng đi dã 33 năm rồi nhưng dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng...

      Xóa
  21. Đi xa mấy ngày về đọc được cái bài thiệt là hay của bác Bu, lại được nhìn ảnh làng quê cổ kính xinh đẹp của bác. Nhưng phái nhứt là thấy ảnh bác lúc trẻ, đẹp giai ra phết! Hèn chi mà cô cháu gái cứ liếc trộm... hehe... Phải chi lúc đó bác cứ... tiến tới thì có phải cổ đã ko... nước mắt đầm đìa dưới mưa ko. Tội bác to lắm nhe! Chính vì chú nhát quá mà cô cháu giận trong bụng đó. Nếu đó là Giáo thì Giáo... cho chít luôn, khỏi bảo anh Hải làm giấy KS cho bác! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "bé bu" viết vu vơ mà được giaolang khen hay là sướng lắm
      Cái thời ấy bọn con trai sao mà nhát gan quá thể...nghỉ lại thấy tiếc mà cũng thấy mừng ... con người ta nó phức tạp rứa đó giaolang à...Cũng may cô cháu ấy không phải là giaolang để bu còn được sống đến hôm nay hihi

      Xóa
  22. Câu truyện hay quá, nhẹ nhàng mà thấm thía. Hữu T bao giờ nghe truyện của Quốc T cũng há hốc mồm ra. Hôm nay lại há.....! Mong lại có nhiều dịp được há tiếp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu lâu gặp lại HT là thấy vui rồi
      Bạn khen hay nữa thì QT này càng vui hơn
      Hỏi PO cô cháu của chú QT có dễ thương không nhé...

      Xóa
  23. 1. Trước hết, xin chúc mừng bác Bu đã có giấy khai sinh gốc, qua đó tái lập CMND nhằm chứng minh với bàn dân thiên hạ và bác Bu gái để bác ấy yên tâm rằng Nguyễn Quốc Toàn là Nguyễn Quốc Toàn! Cách đây mấy tháng, bác Bu gái có điện đàm với Ruchung tôi về việc này và nhờ Ruchung tôi tư vấn với tư cách là người sở tại. Tuy nhiên, do năng lực thực hành / thực tế hạn chế, nên chỉ góp ý được bằng lý lẽ trên phương diện lý thuyết suông về pháp lý mà thôi. Cổ nhân từng nói: “tình ngay lý gian”, có lẽ cái lý của Ruchung tôi không “ngay” và khô cứng, thậm chí vô tình, nên công việc vẫn đình đốn! Bây giờ, nhờ người xưa mà công việc mò kim đáy bể của bác thành tựu một cách nhẹ nhàng thì quả là một cái kết có hậu. Đó há chẳng phải là “ (XƯA) THẤU TÌNH (NAY) ĐẠT LÝ” ru?
    2. Chuyện tình dài kỳ của bác Bu thì miễn bàn: “ trường thiên tiểu thuyêt…thứ bảy” lắm. Ở vào thời điểm này, đã đến lúc bác ý “nhớ lại và suy nghĩ” với mật độ rồi đấy, bà con thưởng lãm mãi không hết đâu. Để tiết chế bớt cái “tâm viên ý mã” của bác ý, nhằm bảo trì cái thực tại không kém phần lộng lẫy, Ruchung tôi đã định còm 02 bức ảnh BÀ (KHUYẾN) THIỆN và ÔNG (TRỪNG) ÁC, nhưng tiếc thay, blog của bác Bu không còn nhận ảnh còm nữa. Cầm lòng vậy, đành lòng vậy, Ruchung tôi bất đắc dĩ chuyển sang văn xuôi như vầy.
    3. Mục này, bàn với bác Bu một số vấn đề về “kỹ thuật”:
    3.1. Giữa bốn bề mưa bom và mưa trời mà bác Bu lại tung ra một khổ thơ tình có sức “sát thương” cao hơn cả hai loại “mưa” trên là đúng…kỹ thuật và hợp thời đại lắm rồi! Thời đó, những bài thơ trứ danh như vậy không chỉ nằm trong sổ tay của nhiều bạn trẻ , mà còn theo những người lính ra trận, hay nằm trong những lá thư người ta gửi cho nhau, đọc trực tiếp cho nhau nghe, với mục đích chia sẻ hoặc để… tán gái. Cứ lâm sàng mà xét, do cơ địa, phần đông các cô gái thường thích những lời nói ngọt ngào, đặc biệt nó lại được thơ hóa một cách ý nhị, cho dù đó là thơ của… người khác! Giữa lưới tình “qua mưa” mà bác Bu tung ra đúng lúc, đúng kỹ thuật (của thời đó) và đủ nồng độ khiến cô gái bối rối là điều đã biết trước, chỉ chưa biết là nhờ đâu và khi nào thì bác Bu có được tấm ảnh “lịch sử” trong entry mà thôi…
    3.2. Về khổ thơ: Qua dải sân mưa tôi ngắm em/Màn mưa nhòa những nét thân quen/Tình yêu mới nở sao mà đẹp/Một thoáng nhìn nhau, mưa cũng ghen! Bác Bu cho là của Ngô Quân Miện, nhưng theo Ruchung tôi nhớ lại là của Vân Long (gần cùng thời với Ngô Quân Miện). Đó là một khổ trong bài thơ “Qua mưa” được Vân Long in trong tập thơ đầu tay của mình, tập Tia nắng (1954-1962), đã để lại cho người đọc ấn tượng khó quên, đặc biệt với những người trẻ tuổi. Có thể là Ruchung tôi nhầm lẫn, bác Bu thử tra cứu lại xem.
    Ngô Quân Miện ở thời điểm này cũng có nhiều bài thơ tình trứ danh nằm lòng bạn đọc và Ruchung tôi thấy người ta trích dẫn nhiều về bài “Mùa hoa loa kèn”của ông:
    Em đi,áo mỏng phô bày
    Da thơm một thoáng giữa ngày dịu xanh
    Mùa hoa đi vụt quá nhanh
    Mùi hương chưa kịp cho anh được cầm

    Trở lại Vân Long, ngoài bài “Qua mưa”, lúc này, ông còn có bài “Lầm”, hai bài thơ này chỉ đọc một lần là thuộc, bởi nó có cái tứ ngồ ngộ, có cái tình trong trẻo, trẻ trung, và thông minh một cách dễ thương. Ai biết về thơ Vân Long cũng đều dẫn hai bài thơ này, bởi nó lay động lòng người , bởi nó nói thay tiếng lòng của những kẻ đang yêu:
    Gần nhau non buổi chiều
    ngẩn ngơ tròn buổi tối
    đường về quên mất lối
    rẽ lầm tới… nhà em.
    (Lầm)
    Mấu chốt là ở đây. Dù bác Bu không nói rõ trong entry, nhưng ta cứ tam đoạn luận mà xét thì sau “ Qua mưa” Một thoáng nhìn nhau, mưa cũng ghen, bác Bu đã “Lầm” đường về quên mất lối/rẽ lầm tới… nhà em. nên bác mới có được tấm ảnh để đời trong entry vậy…







    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Đọc một bài viết của Nguyễn Trọng Tạo thì bốn câu thơ trên là của Vân Long. Nhưng mấy mươi năm trước bu tui đọc trên một tờ báo thấy ghi tác giả là Ngô Quân Miện và tựa đề của nó là GHEN. Có thể nhầm lẫn từ báo chăng.
      2- Tấm ảnh do em tặng anh sau cái vụ mưa trút nước ở đỉnh dốc Quảng Trường, Đại từ nhân xưng do nàng tự thay đổi...
      3- Câu chuyện còn dài lắm mà chi tiết nàng giục con trai làm giấy khai sinh cho bu là điểm kêt.
      4- Tại sao lại đóng blog vậy, vắng Ruchung blog buồn đi một ít dó

      Xóa
    2. Blog Bu không nhận được còm ảnh nữa là tại anh Bu.
      Ruchung đóng blog nhưng lâu lâu vẫn ghé thăm bạn.

      Xóa
    3. Lâu lâu cô lại về thăm
      Học trò thuở ấy vẫn chăm học hành
      Sôi kinh nấu sử chưat thành
      Cô không thương nữa cũng đành vậy thôi
      .....

      Xóa
    4. Một thân cả gánh đa đoan
      Một bên cô phải lo toan việc nhà
      Một bên ray rức phận già
      Một thân bao việc.. cứ đà này tiêu
      ..

      Xóa
    5. Mong cô rũ bớt đa đoan
      Chưa chi mà đã lo toan tuổi già
      Còn như bận rộn việc nhà
      Dâu, con sớm tối gúp bà chăm lo
      Để rồi xinh đẹp là cô
      Yêu thương sau trước học trò ngày xưa

      Xóa
  24. Kichbu vào đây qua đường FB...:)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đường nào cũng được Kich bu ơi
      Ngoài "chấm de" thì không còn cách nào nhà bạn được huhu

      Xóa
  25. Sang nhà anh Bu nghe anh kể chuyện mình có buồn vui, có nhớ thương mới biết càng nhiều tuổi ta càng ngoái đầu tìm lại kỷ niệm anh Bu hén?
    Quê anh đẹp thiệt đấy. Xin cứ hãy thế đừng thành thị hóa mà mất cái hồn quê xưa.
    Lâu lắm mới sang anh, Gió bệnh nên cũng lười..Chúc anh chị và gia đình luôn an vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời


    1. Gioheo may à, cái tuổi già nó thế, đi về điểm cuối lại ưa ngoái lại điểm đầu…Gio có một câu tuyệt hay “Tôi đi ngược chiều tháng Chạp nhưng cách gì cũng chạm tháng giêng” …mà chạm tháng giêng thì chạm tháng hai…tháng ba…tháng tư… tức là không thoát được cái vòng luẩn quẩn của kiếp người, có một nụ cười, có mười nước mắt. Bu tui đang cấp tốc đi vào phần cuối theo cái “đề cương” sinh lão bệnh tử của nhà Phật, cũng là của tạo hóa. Bệnh bu vào loại y học bó tay chấm com. May mà bu tui chăm đọc sách Phật, thấy nhân gian là là quán trọ, ở đấy dẫu có hay ho thì cũng phải trả phòng ra đi. Đi đâu ? đi về điểm khởi đầu trên hình xoáy ốc, tức được ở một tầm cao mới chăng… hehehe
      Lâu lâu lại đọc sách gio heomay tặng đọc và nhớ bạn, nhớ các bạn thời multy cồn cào

      Xóa
  26. Đọc cái câu còm của anh Ngọc Hiệp là vui nhất.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Hiệp nghi hoặc bu tui
      Trong hầm hôm ấy hên xui thế nào
      Có đất thấp, có trời cao
      Có trăng làm chứng có sao canh chừng
      Bây giờ cháu vẫn còn thương
      Chú ngày xưa ấy ngập ngừng... làm chi


      Xóa
  27. chú Bu ui !
    Phải nói đầu tiên là hồi trẻ chú Bu đẹp trai dễ sợ, mà giờ già rồi lại càng đẹp hơn mới chết. Kiểu nì nếu ngày trước em mừ được sinh ra vào thời của chú , chắc em cũng đăng ký đi ....làm văn công, hay ...gì gì gần gần như vậy đó để coi có hốt d9u7oc75 anh bộ đội nào đẹp trai như chú Bu không ?

    Nghe chú kể chuyện, thiệt là lôi cuốn, hấp dẫn từ đầu tới hết. Cái chi tiết trốn bom trong hầm mà còn nhớ thơ được thì...phải nói là tâm hồn văn nghệ văn gừng của chú Bu không biên giới hén !

    À, có câu này em hổng biết nên hỏi thiệt. em hay nghe người ta nói " Nhất tiếu khuynh thành, tái tiếu khuynh quốc " - nôm na là cười một phát rụng cái thành, cười thêm phát nữa ...mất luôn nước. Ở đây em thấy chú Bu viết ngược lại. Là chú cố tình viết thế cho vui, hay là câu chú Bu mới là câu nguyên bản ? Em hỏi thiệt lòng luôn á.
    Cuối tuần cả nhà mình thiệt vui nghen chú !

    Trả lờiXóa
  28. Nếu Có khi nào sinh vào thời chú với tài thơ như vậy thì chú chết mất ngáp rồi, chứ đau sống đến ngày nay nữa.
    Dạo ấy ngắm nụ cười Linh qua dậu mồng tơi thì nghĩ đến người xưa nói về cái tai họa của nụ cười thé thôi Bu tui không định so sánh cháu Linh quê mùa với những Tây Thi, Bao Tự...

    Trả lờiXóa